Kỳ tích Chi Lăng - Chương 48 - 52 (Hết)

Chương 48 – NÚI CAI KINH

Cậu bé Hoàng Đinh Kinh sinh ra trong một gia đình nông dân, lớn lên trên nương lúa nếp hương thơm phức, trên cánh đồng lúa nước đã cho những hạt gạo “lừm khươi”, tắm mình trong dòng nước mát của thượng nguồn sông Thương, dòng sông mang tên gọi mênh mang như tấm lòng người mẹ. Thuở nhỏ, mỗi khi ngọn gió bắc đầu mùa xào xạc trong rừng sâu, vào mùa đông, quanh bếp lửa giữa sàn, Kinh mở to cặp mắt long lanh ánh lửa hồng của những thỏi than gỗ nghiền ngồi nghe ông kể chuyện về đất nước ông cha. Ngày này qua ngày khác, đêm này qua đêm khác, những trang sử vẻ vang, những chiến công hiển hách của ông cha ngay trên mảnh đất quê, như cơm thơm, như nước ngọt, như hoa rừng, sắc núi… thấm dần vào máu Kinh lòng yêu quê hương đất nước.

Câu chuyện về người anh hùng của quê hương là Hoàng Đại Huề đã tác động sâu sắc đến toàn bộ cuộc đời của cậu bé. Một trăm lần nghe chuyện thì có một trăm câu hỏi của cậu đặt ra trước người già về người thủ lĩnh dân binh nổi tiếng đó. Chẳng bao lâu, đám bạn trẻ chăn trâu đã tìm thấy ở Kinh có đầy đủ thiên tư làm thủ lĩnh tin cậy của mình trong tất cả các trò chơi tập trận của tuổi thơ. Kinh phi ngựa bắn cung giỏi như ông Huề. Kinh cầm quân đánh đâu thắng đó. Kinh săn thú giỏi như trùm săn làng bản. Kinh yêu quý bạn như bán thân mình. Kinh hơn ông cha xưa tài bắn súng nhắm đâu trúng đó. Người già vui mừng bảo: Thằng Kinh xứng đáng là con cháu ông Huề.

Kinh lớn lên trong cảnh nước mất, nhà tan. Hai mươi bảy năm sau, kể từ khi thực dân Pháp nổ phát súng đầu tiên xâm lược nước ta ở Đà Nẵng, mùa thu năm 1885 Hoàng Đinh Kinh dựng cờ khởi nghĩa. Ông kêu gọi đồng bào các dân tộc noi gương ông cha, cùng nhau đồng tâm, hiệp lực, đem xương máu ra cứu nước nhà, giữ gìn mồ mã tổ tiên đang bị giặc ngoại xâm giày xéo. Lòng yêu nước và ý chí quật cường vì nghĩa cả của ông đã được đồng bào các dân tộc Việt Bắc nhiệt thành ủng hộ. Nghĩa quân kéo về khắp núi, kín rừng. Cả một dải núi non trùng trùng, điệp điệp, địa thế hiểm trở, núi cao, rừng sâu, suốt từ Yên Thế, Lục Ngạn (Hà Bắc) qua Hữu Lũng, Chi Lăng, Bình Gia, Bắc Sơn trở thành căn cứ địa chống Pháp của nghĩa quân.

Cùng với các cuộc khởi nghĩa chống Pháp sục sôi trong cả nước, cuộc khởi nghĩa của Cai Kinh đã giáng một đòn sấm sét vào đầu quân xâm lược.

Bọn Pháp điên cuồng tức tốc điều một lực lượng mạnh mẽ tràn lên phía Bắc với ý định bóp chết cuộc khởi nghĩa Cai Kinh trong vòng hai tuần lễ. Một tiểu đoàn lính lê dương tinh nhuệ với đầy đủ vũ khí hiện đại, bí mật đánh tạt sườn, đột nhập vào sâu trong căn cứ địa cuộc khởi nghĩa. Từ Bắc Ninh, qua Bắc Giang lọt vào tận Chi Lăng mà chúng chưa gặp phải một cuộc kháng cự nào đáng kể. Chúng chắc mẩm sẽ làm ăn to lấy được đầu Cai Kinh. Có ngờ đâu khi chúng vừa đặt chân lên mảnh đất mà chúng gọi là “không sao hiểu được” thì đất trời bỗng rung rung như sấm động, bão gào. Trong cơn lốc không có ánh lửa nhoáng nhoàng của thuốc súng, không có tiếng nổ long trời của các loại đạn, chỉ có mưa tên độc, không biết từ đâu bay tới tấp lên đầu chúng. Cái chết đến với bọn lính nhà nghề một cách chậm chạp, quằn quại và đau đớn đến khủng khiếp. Vết thương không tan xương, nát thịt, có khi chỉ sướt da nhưng chúng chỉ biết bó tay kêu trời. Có tên về đến Pa-ri và được chữa khỏi, hai,ba, bốn… thậm chí tám năm sau, bỗng nhiên lăn đùng ra chết, bỏ lại hàng nắm huân chương về chiến tích của những tháng năm đi chinh phạt Cai Kinh ở xứ nóng Đông Dương. Như một bệnh dịch, nổi sợ hãi trước thứ vũ khí ghê gớm đó lan ra không cách gì dập tắt được. Và xung quanh nỗi sợ hãi đó là biết bao câu chuyện được thêu dệt…

Hai tuần lễ đã trôi qua, rồi ba, bốn, năm… đến hai mươi tư tuần lễ lại trôi qua. Tiểu đoàn lê dương tinh nhuệ, cú đấm quyết định của Bộ chỉ huy xâm lược Pháp ở Đông Dương trong cuộc hành quân tiêu diệt nghĩa quân Cai Kinh vẫn chưa đạt được gì. Trái lại chúng còn bị đối phương dồn vào thế bị động chết dí trong phủ thành Trùng Khánh, tiến thoái lưỡng nan. Lính chết dần, chết mòn, nguy cơ bị tiêu diệt đã là một sự thực. Ngay giữa ban ngày, những kỵ binh áo đỏ, khăn xanh quấn ngang đầu, tay cầm gươm, vai đeo cung, tế ngựa như bay từ trong rừng, ùa ra chân thành như một cơn lốc, ném chết chóc lên đầu bọn xâm lược. Khi chúng định thần, ngóc đầu lên khỏi chiến hào, bắc sung máy vãi đạn theo họ thì đoàn kỵ binh đã biến mất như ảo ảnh.

Những bức điện cầu cứu tới tấp được đánh đi từ phủ thành Trùng Khánh. Như một con bạc khác nước, bộ chỉ huy chiến dịch được tiếp tục tung quân vào cuộc hành quân vô vọng đó. Nhưng viện binh dù rất lớn hoặc nhiều gián điệp khéo lén lút, đều bị nghĩa quân trừng trị.

Cuối cùng, chúng cay đắng nhận điều kiện giảng hòa của nghĩa quân là: Pháp phải cắt toàn bộ vùng có nghĩa quân hoạt động suốt từ Yên Thế, Lục Ngạn (Hà Bắc) qua Hữu Lũng, Chi Lăng (Ôn Châu và Bằng Mạc cũ) Văn Quan vào Bình Gia (Bắc Sơn) dọc sang Thái Nguyên vòng về Tam Đảo thánh khu riêng của nghĩa quân.

Đất Cai Kinh, núi Cai Kinh mang tên một hào kiệt miền núi tượng trưng cho tinh thần yêu nước, chí khí quật cường của nhân dân các dân tộc Việt Bắc, đã kề vai sát cánh cùng đồng bào miền xuôi liên tiếp đứng lên chống lại bọn thực dân xâm lược Pháp, suốt từ nữa thế kỷ 19 sang đầu thế kỷ 20.

49 – NÚI TAY NGAI

Từ Chi Lăng xuôi về Song Hóa chừng bảy cây số, dãy núi Cai Kinh ở đoạn lượn vào, vòng ra, lên xuống trông giống như cái ngai khổng lồ của các bậc đế vương. Chính trên hai tay ngai đó, Cai Kinh cho đặt hai vọng gác, khống chế con đường từ Bắc Giang lên, bảo vệ cửa ngõ Chi Lăng. Nhân dân quen gọi là núi Tay Ngai.

Một ngày cuối thu năm 1886, ngay trên vọng gác của núi Tay Ngai này, nghĩa sĩ đã tận mắt chứng kiến tài bắn súng tuyệt vời của Cai Kinh, người thủ lĩnh tinh yêu của họ. Trưa hôm ấy, trời trong và đẹp, núi như nhích lại gần hơn. Từ xa các nghĩa sĩ đã phát hiện một đoàn gồm năm người, hai người mặc quần chùng áo dài đen, ô đen. Còn ba người khác, mỗi người gánh hai hòm da rất nặng, chẳng biết có những gì bên trong… Theo tin tức của đội kỵ mã tiền tiêu báo về thì đó là bọn cha đạo lợi dụng uy thế của nhà thờ, được bọn thực dân Pháp dùng làm gián điệp đội lốt thầy tu đi do thám tình hình nghĩa quân, vu cáo xuyên tạc, bôi nhọ mục đích của cuộc khởi nghĩa. Theo lệnh của thủ lĩnh, đối với bọn cha cố khi với danh nghĩa truyền giáo, lọt vào căn cứ của ta để hoạt động gián điệp thì phải báo cho ông biết ngay để ông trực tiếp giải quyết.

Nhưng đúng lúc đó, thủ lĩnh của họ lại đang ở nhà người bạn chiến đấu là Cai Hào ở Hữu Kiên, cách xa vọng gác chừng hơn hai mươi cây số theo đường tắt. Một nghĩa sĩ được lệnh tế ngựa về Hữu Kiến cấp báo. Còn bọn người áo đen càng đến gần vọng gác càng đi chậm lại, coi chừng khá dè dặt trước cảnh núi rừng ngày càng hiểm trở này.

Xin nói thêm vài nét về người bạn chiến đấu thân thiết của ông Cai Kinh là Cai Hào.

Ông họ Ma, tên Hòa, quên ở Hữu Lân, Hữu Kiên. Là một người giàu lòng yêu nước, ngay từ buổi đầu của cuộc khởi nghĩa chống Pháp, ông đã đứng ngay bên cạnh Cai Kinh chiến đấu kiên cường vì sự nghiệp giải phóng Tổ quốc. Ông đã tỏ ra là một nhà chỉ huy có tài đầy mưu lược, nhất là kỵ binh, được Cai Kinh hết sức tin cậy.

Sinh thời, Cai Hào có một con tuấn mã màu xám tro mà ông quý như một phần của cuộc đời mình. Chuyện truyền rằng: Một hôm, có một phường buôn ngựa đi qua, nghỉ nhờ lại nhà ông. Trong đàn ngựa hàng trăm con, có một con màu xám tro, vóc dạc, vó tiền, vó hậu nước kiệu, dáng đứng, nhịp đi… hơn hẳn cả bầy. Cả phường buôn đều mê con tuấn mã, không ai cưỡi nổi con ngựa quý đó. Biết tiếng ông Hào, sau bữa cơm, họ mời ông ra bãi bình ngựa. Ông ung dung bước đến bên cạnh con tuấn mã, đưa tay vuốt nhẹ cái bờm mượt mà như nhung của nó. Con tuấn mã như gặp chủ, hí lên một hơi dài. Khi ông Hào nhảy phóc lên mình nó, con ngựa hạ vó hậu, cất cao vó tiền, xoay một vòng như chào mọi người rồi phi một đường tròn tuyệt đẹp trước sự kinh ngạc của cả một phường buôn. Thấy vậy họ biếu luôn con ngựa quý đó cho ông. Nhưng một tuần sau, người bạn tốt Cai Kinh đến chơi nhà ông. Một buổi chiều, hai người dẫn nhau ra bãi cỏ, vào đây, ông Hào lại được chứng kiến tài xem ngựa và dùng ngựa tuyệt vời của bạn mình. Ông Hào biếu bạn con tuấn mã đó. Con tuấn mã phi như gió, đường hiểm trở và xa xôi mấy cũng chỉ qua một lần là nhớ mãi. Ngược dốc, nó biết hạ vó tiền vừa phải, xuống dốc hạ vó hậu làm cho lưng luôn luôn ở thế cân bằng, tạo cho chủ một thuận lợi không nhỏ, ngay khi băng dốc vượt đèo vẫn bắn mười phát trúng mười ngay trên mình ngựa.

Nó đã theo ông suốt chặng đường chiến đấu. Tin cấp báo đến. Cai Kinh từ biệt bạn tế ngựa như bay về núi Tay Ngai. Ông vừa ghìm cương ngựa thì đoàn người mặc màu đen kia cũng đi ngang tầm súng. Ngồi trên mình ngựa, từ trên núi cao, Cai Kinh nheo nheo mắt nhìn năm người lạ đang di động trên con đường độc đạo dưới chân núi.

Ông nâng khẩu súng lên ngang tầm mắt, tuyên bố:

- Phải cảnh cáo bọn do thám đội lốt tu hành nguy hiểm này.

Vừa dứt lời, ba tiếng nổ giòn như mệnh lệnh vang lên. Các nghĩa sĩ reo hò vang động khi được tận mắt chứng kiến ba phát súng thần diệu của người thủ lĩnh đã phạt đứt đôi ba chiếc đòn gánh của bọn người gánh hành trang. Bọn lạ mặt khiếp đảm, chạy bán sống bán chết về xuôi, bỏ lại sáu cái hòm da nặng trĩu. Mở ra, lẫn trong những tập sách truyền giáo là truyền đơn và rất nhiều tài liệu của bọn gián điệp.

Núi Tay Ngai, như con mắt, lỗ tai của những người nghĩa sĩ đã lại ghi thêm chiến công về tài năng bắn giỏi vô song của người thủ lĩnh nghĩa quân.

50 – CẦU QUÁN ÂM

Một hôm giữa lúc việc quân đã tạm yên, Cai Kinh đang vui keo vật với các nghĩa sĩ trong căn cứ địa. Giữa lúc tướng, quân đang say sưa chơi vật thì một người kỵ mã đi tuần về mang đến trình ông một đôi giày “xăng đá”, thứ mà ông đang cần xem xét vì chông tre không thể đâm thủng. Cầm đôi giày trên tay, ông ngắm nghía, gật gù rồi đi thử vài bước dưới rặng ổi. Bỗng ông ngã sóng xoài. Ông vừa bò dậy, nhặt quả ổi xanh lăn lóc bên chân. Ông vui sướng reo lên:

- Nó đây rồi!

Thế là trận đánh tháng ba năm 1886 ở cầu Quán Âm được định đoạt.

Nghe tin địch quyết định mở cuộc hành quân lớn thọc sâu vào căn cứ theo đường Bắc Giang qua Mẹt lên, Cai Kinh ra lệnh cho quân sĩ bí mật đào hầm cá nhân sát hai bên đường. Mỗi nghĩa sĩ, ngoài trang bị vũ khí còn đem xuống hầm của mình một nải ổi xanh. Không thấy có gì khả nghi, giặc cho quân tiến lên, nhưng khi qua khỏi cầu Quán Âm chừng tám trăm thước thì từ trên núi cao vang lên một phát súng. Đó là phát súng lệnh của thủ lĩnh Cai Kinh báo cho nghĩa sĩ dưới đất biết rằng địch đã qua, lập tức đội hầm, đem ổi xanh rải lên mặt cầu, mặt đường, rồi lại rút ngay xuống hầm mai phục và chờ lệnh.

Nghe một phát súng giữa rừng cũng chẳng có gì đáng khiếp, quan quân “mẫu quốc” nghĩ rằng đó là phát súng báo động của vọng gác tiền tiêu của “bọn nổi loạn”. Vì vậy, giặc chỉ bắn vài loạt thị uy rồi lại tiếp tục tiến lên. Được gần trăm thước, hai phát súng nổ vang. Lập tức súng, tên từ hai sườn kẹp lại, từ phía trước ập về, chưa dứt, thì một đoàn kỵ binh áo đỏ, vốn là nỗi kinh sợ đối với lũ lính thực dân Pháp suốt nửa thế kỷ xâm lược nước ta ở đây, như một cơn lốc từ rừng sâu ào ra. Quan quân, tớ thầy không kịp trở tay, xéo lên nhau chạy tháo trở lại. Ba phát súng tiếp tục vang lên. Các nghĩa sĩ mai phục dưới đất đội nắp hầm lao lên ép chặt vào đội hình đang rối loạn của địch. Chúng giày đạp lên nhau mà chạy bán sống, bán chết qua cầu. Nhưng than ôi, chúng không làm sao chạy nổi. Những đôi giày “xăng đá” vạn năng chẳng giúp nổi các ngài nữa rồi! Chúng ngã lăn lốc, ngã chồng chất lên nhau. Trong cơn kinh hoàng, chẳng mấy tên biết quẳng “xăng đá” đi mà chạy, đành cứ nằm chờ trói. Trận ấy, nghĩa quân bắt sống hàng đoàn tù binh mà tốn kém đạn dược không đáng kể.

***

Ngày nay, suốt dọc Song Hóa đến Chi Lăng, ổi hai bên đường mọc thành rừng nhiều hơn bất cứ chỗ nào từ Hà Bắc lên Lạng Sơn. Đó là dấu tích còn lại của trận phục kích nổi tiếng ở cầu Quán Âm.

Đối diện với địa điểm xảy ra trận đánh, hơi chếch theo phía Tây Bắc, trên đỉnh núi cao vòi vọi, thủ lĩnh Cai Kinh vẫn đứng đó, mình mặc áo lương trắng, đầu đội nón chóp dứa, tay đang chỉ trận đồ tác chiến cho nghĩa sĩ.

Đó là tượng Cai Kinh hóa đá.

51 – NÚI KỲ LÂN

Ở đầu làng Ngũ, giữa sông Thương và đường quốc lộ cả, nổi lên một quả núi đá, có hình thù giống con kỳ lân nằm phủ phục, giống đến lạ lùng.

Con kỳ lân nằm châu đầu vào Thành Kho, miệng há rộng như kinh hoàng sợ hãi điều gì đó. Liền ngay hàm dưới con kỳ lân trở ra là làng Ngũ. Làng Ngũ trông giống như một viên ngọc do con kỳ lân nhả ra.

Chuyện kể rằng:

Ngày xưa có hai vợ chồng con kỳ lân sống trong rừng đại ngàn, đêm đêm mò ra bản làng quanh vùng bắt lợn, bắt trâu, bắt bò ăn thịt, chưa đủ, chúng còn mò về rình ở cầu thang các gia đình có con gái đẹp để bắt ăn thịt.

Nhân dân quanh vùng sống trong kinh hoàng, khốn khổ vì vợ chồng con kỳ lân, vì thế đã sát cánh bên nhau tổ chức thành phường săn lớn thu hút được những tay săn tài giỏi mưu trí và dũng cảm nhất trong vùng. Ngày ngày, gái bản họp nhau đồ xôi, làm thịt gà, làm bánh… cho trai phường săn, vót tên tẩm thuốc cho họ vào rừng giết kỳ lân.

Những trận tử chiến giữa phường săn và vợ chồng kỳ lân ngày càng dữ dội. Một số trai tài đã ngã xuống dưới móng vuốt của vợ chồng con thú dữ. Ngày này tháng nọ qua đi, bản làng thêm tiêu điều mà ác thú vẫn chưa bị giết.

Một chiều mùa hè, trời nắng chang chang, nắng héo cả cây rừng, có hai chàng võ sĩ phóng ngựa xuôi theo dòng nước. Võ sĩ đi trước, to cao, lưng đeo thương sáng quắc, võ sĩ thứ hai, tầm thước nhưng rắn chắc, ngang vai đeo một cây cung, tóc thả đuôi gà như con gái bản. Hai con ngựa đang phi nước đại tới đây bỗng dừng lại hí ầm lên thống thiết, hai vó trước cào xuống đất, cồm cộp liên hồi. Võ sĩ đi trước thét lên: Ta gặp bạn hay gặp nạn đây? Rồi chàng xuống ngựa. Võ sĩ thứ hai cũng xuống ngựa và kêu lên: Ôi, ta lo cho cha mẹ ta quá, bạn ơi! Hai chàng võ sĩ đã dắt ngựa vào bản. Phường săn đã tiếp đón họ như người anh em ruột thịt. Qua truyện trò, phường săn biết được rằng: Chàng võ sĩ có vóc người nhỏ nhắn là Dao, sống trên núi cao nơi đầu nguồn nước. Mẹ Dao ốm nặng đang thèm muối biển. Chàng phi ngựa xuống rừng thấp đến lưng nguồn nước tìm bạn võ sĩ người Nùng, xin muối cho mẹ. Nùng cũng hết muối. Võ sĩ Nùng thương Dao, cưỡi ngựa xuôi dòng dẫn bạn về đến đây thì ngựa không đi được nữa phải vào hỏi anh em phường săn. Hai võ sĩ được đón tiếp ân cần và được biết phường săn ở đây đang gặp nạn thú dữ phá hoại… Hai võ sĩ quyết định ở lại giúp phường săn giết thú dữ. Đêm ấy phường săn cùng hai chàng võ sĩ hăm hở vào rừng giết thú. Núi rừng rung lên trong tiếng hò reo của phường săn và tiếng gầm rú ghê người của thú dữ.

Rừng lên cơn sốt, rung chuyển cả một vùng lớn, trận vật lộn dữ dội diễn ra suốt đêm. Đến sáng, phường săn dẫn được hai con thú dữ ra sát bờ sông. Chúng ngồi đó nhe răng gầm gừ trong thế thủ. Từ trên lưng ngựa võ sĩ người Dao giương cung bắn một mũi tên thẳng như đường chỉ trúng giữa mắt phải con kỳ lân đực. Con thú bị thương, gầm lên, lao vút vào võ sĩ, hạ con tuấn mã của chàng gục xuống, thừa thế, chồm lên vồ võ sĩ. Từ trên mình ngựa, võ sĩ người Nùng nhảy phắt xuống cứu bạn, chân vướng dây, con thú vồ hụt dũng sĩ Dao, liền lao đến vồ chàng. Khi hai chân trước đầy vuốt sắc của con thú sắp chụp xuống đầu chàng, thì cánh tay rắn như thép của chàng đã nắm chặt chân phải con thú dựng ngược lên. Lập tức cánh tay phải của chàng lao một mũi thương xuyên suốt từ ngực qua mông con kỳ lân, vọt ra ngoài cắm sâu xuống đất, chuôi còn rung bần bật. Con thú đực gục dưới tay chàng không kịp kêu một tiếng nào.

Con kỳ lân cái thấy vậy, chết khiếp, miệng há hoác, kinh hoàng trước sức mạnh phi thường của chàng dũng sĩ. Con thú vật đã nằm phủ phục xuống xin chàng tha chết. Chàng dũng sĩ Nùng hạ lệnh cho kỳ lân cái, nếu muốn sống buộc phải nhả tất cả những gì mà chúng đã cướp đoạt của dân bản xưa nay. Con thú há mồm phun ra rất nhiều châu báu. Chỗ đó là Thành Kho bây giờ. Cuối cùng, nó nhả ra một viên ngọc quý, đó là làng Ngũ xinh đẹp hôm nay. Nhả viên ngọc xong, con kỳ lân chết hóa đá, mãi mãi nằm phủ phục ở đó miệng há hoác như còn kinh hoàng trước sức mạnh phi thường của con người.

Trừ xong thú dữ, hai võ sĩ lại từ biệt bản làng, xuôi dòng nước ra biển lấy muối cho mẹ già. Từ đó họ kết nghĩa anh em, chia ngọt sẽ bùi, sống chết có nhau.

Suốt từ miệng con kỳ lân đến hết đuôi là một thế giới thạch nhũ và hang động tuyệt đẹp, làm vừa lòng bất cứ khách tham quan khó tính nào.

52 – CHÙA HANG

Cách Quỷ Môn Quan gần hai cây số về phía Bắc, sát quốc lộ về phía tây, ngay dưới chân một hòn núi đá là một hang động rất đẹp. Ngay trước cửa hang, hiện còn di tích của một ngôi chùa cổ. Đó chính là chùa Hang.

Thời Lê Cảnh Hưng, ở làng Thành có một cô con gái Tày là Kiều Liên, con gái vị chúa đất Chi Lăng họ Vi. Kiều Liên là một người con gái đẹp, nết na. Nàng giỏi và hay chữ. Các thầy dạy võ và dạy chữ cho Liên đều hết lòng quý trọng người học trò gái ngoan ngoãn và thông minh hơn người ấy. Dân làng, bạn bản vẫn gọi Kiều Liên là Kim Liên và Kim Hoa tái thế của quê hương. Kiều Liên có một người bạn thân tên là Khau La, con trai của một người ở giúp việc cấy, gặt nương rẫy trong gia đình. Khau La mồ côi cha sớm, theo mẹ đến ở nhà Kiều Liên. La đẹp trai, nhanh nhẹn, tháo vát cày nương giỏi, săn bắn tài. Tất cả những bài văn, thế võ Kiều Liên được thầy dạy, nàng đều lén truyền lại cho bạn. Khau La tiếp thu nhanh chóng lạ lùng, không những thế, nhiều lúc Kiều Liên kinh ngạc về những đường, miếng hiểm hóc của Khau La. Họ sống như vậy, đầm ấm, trong sáng cho đến ngày trưởng thành.

Lần ấy có một vị chúa đất họ Hà ở vùng trên, biết điều hay, tiếng tốt của Kiều Liên, đã sửa lễ to đến Chi Lăng hỏi Kiều Liên cho con trai mình. Vâng lời cha, Kiều Liên nhận lời, nhưng xin cha một điều:

Đã là rể Chi Lăng thì phải giỏi võ. Trước khi chính thức hứa hôn, xin cha cho tổ chức một cuộc thi săn để thử tài người chồng tương lai. Cha nàng và cả cha cậu ấm họ Hà đều chấp thuận và một tuần sau, một cuộc săn thú lớn được tổ chức tại rừng Chi Lăng. Tất cả trai tài, gái giỏi đều tham gia cuộc săn hôm ấy để chứng kiến tài ba cung nỏ và lòng dũng cảm của chàng rể đất Chi Lăng nay mai.

Khau La cũng được chủ chỉ định làm trưởng phường, cầm đầu một đoàn thiện xạ vào rừng lùa thú. Kiều Liên và cậu ấm họ Hà được cùng mai phục đón thú ở một lũng hẹp nơi đàn thú bị dồn qua.

Kiều Liên ra điều kiện:

Em trao cho chàng mười mũi tên, khi thú bị dồn qua bất kể to, nhỏ, chàng buông cung mười lần, cả mười con thú gục tại chỗ, em chịu nhận làm chồng không lấy lễ. Nếu chàng bắn hỏng, em bắn theo thú mười lần và nếu bắn hỏng một, em cũng xin làm vợ.

Nghe ra, điều kiện đó rất có lợi cho mình, cậu ấm họ Hà vui vẻ nhận lời ngay. Chờ được một lát, họ thấy một con hươu sao đẹp như một tấm gấm hoa, nhớn nhác đi ra. Nó đi sát hai người. Ngon quá! Thật là của ăn tận miệng. Kiều Liên nín thở theo dõi cánh cung cậu ấm họ Hà. Phựt! Mũi tên sạt qua đầu, chú hươu hoảng hốt giật mình lồng lên. Tiếc quá, nó sắp vút qua khỏi tầm tên. Phựt! Kiều Liên buông cung, con hươu chững lại, gục xuống giãy đành đạch trước đôi mắt kinh hoàng của cậu ấm họ Hà. Kiều Liên vui vẻ kêu lên:

- Thôi! Con đầu, coi như xí xóa.

Tiếp đó, một con gấu, rồi một con sơn dương nữa. Cậu ấm họ Hà bắn trượt liên tiếp, rồi lại giương mắt tròn xoe nhìn Kiều Liên hạ thủ con thú liền ngay đó. Bất ngờ, một con trăn khổng lồ từ rừng sâu lao ra vồ chàng công tử họ Hà. Câu khiếp đảm kêu rú lên, co rúm người chờ chết. Trước tình thế nguy ngập đó Kiều Liên không ngần ngại, xô tới vung kiếm chặt đứt khúc đuôi con trăn để cứu bạn. Thoát khỏi nanh vuốt con trăn, cậu ấm bỏ bạn chạy tháo thân. Còn lại một mình, Kiều Liên chống trả với con trăn bị thương đang lồng lộn xông vào nàng. Không may, nàng bị trượt chân, lưỡi kiếm trượt qua đầu trăn chém vào hòn đá, bị vỡ, văng ra một đoạn, Liên lao đến nhặt kiếm, trăn thừa cơ vồ được nàng…

Từ trên triên núi cao, Khau La thấy cảnh đó, liền lăn mình xuống cứu bạn. Con trăn đã nuốt đến ngang người Kiều Liên, Khau La bình tĩnh và nhanh như cắt, dùng lưỡi kiếm của Kiều Liên rạch đôi mồm con trăn độc. Chàng bế thóc bạn xuống khúc suối đầu nguồn cạnh đó, rửa nhớt trăn nhày nhụa trên người bạn. Kiều Liên tỉnh lại, nàng nắm chặt hai bàn tay Khau La, rồi nhặt lên từ lòng suối một con ốc. Nàng cầm kiếm chặt một đường, đuôi con ốc đứt rời ra nhẵn thín. Nàng thả con ốc xuống suối, trao thanh kiếm cho Khau La và nói:

- Nếu con ốc của dòng suối quê hương cụt đuôi mà vẫn sống thì mối tình của ta vẫn còn… Hai người sẽ chính thức yêu nhau.

Sau khi không lấy được Kiều Liên vì bất tài, hèn nhát, cha con cậu ấm họ Hà đã thuê người vẽ Kiều Liên thành tranh tiến dâng vua Cảnh Hưng. Cảnh Hưng xem tranh thấy người con gái Tày có nhan sắc tuyệt trần ấy đã sai đón nàng về làm vợ lẽ thứ 6 và phong là Tây Dương Phi. Năm đó, Cảnh Hưng đã 70 tuổi.

Vì yêu Khau La tha thiết, Kiều Liên dùng dằng chưa chịu vâng mệnh cha về triều. Biết mối tình riêng hiện tại của con gái và sợ ảnh hưởng đến gia phong, đang đêm cha Kiều Liên sai người đốt nhà mẹ con Khau La. Đêm ấy, Khau La đi rừng săn thú giữ nương, khi thấy lửa cháy, liền chạy như bay từ rừng về cứu mẹ, nhưng muộn rồi. Mẹ chàng đã chết thui. Đau buồn, chàng bỏ ra đi ngay đêm ấy.

Kiều Liên bị bắt đưa lên kiệu về triều trong nỗi đau buồn thống thiết, lại càng đau buồn hơn khi được tin người yêu không biết bỏ đi đâu sau khi mẹ chàng đã bị chết cháy.

Với tài năng và đức độ của mình, Kiều Liên đã thuyết phục được bọn hoạn quan và cả quan thái giám. Sau ba năm trời bị tiến cung, nàng vẫn giữ được lòng chung thủy với người yêu. Liền đó, là cái chết của vua Cảnh Hưng. Chờ cho hết ba năm để tang ông chồng hờ Kiều Liên được về quê, nhưng theo luật lệ lúc bấy giờ, nàng bị cấm tái giá. Hơn nữa ai dám to gan lấy vợ vua để mà bị tru di tam tộc? Nàng được triều đình cắt ruộng đất, cho của cải. Những thứ đó, nàng đã trích ra một phần dựng chùa ở cửa hang, đúc chuông đồng trồng đa, hàng ngày thơ Khau La, tụng kinh, niệm Phật. Tất cả của cải và ruộng đất còn lại, nàng đem chia cho dân. Khi cha chết, Kiều Liên lại đem toàn bộ gia tài chia cho dân trong vùng. Mọi người càng yêu quý cô. Họ đã thay nhau gác chùa cho nàng yên cảnh Phật, vui thờ phụng người yêu và cũng là ân nhân của nàng. Nàng đinh ninh là Khau La đã chết, sau khi đã cho rất nhiều người thân tín dò la tìm kiếm chàng khắp núi cao rừng rậm, khắp suối sâu, đèo cao mà không được.

Tết đầu tiên sau sáu năm xa quên hương, nàng quyết định ăn chay và lập đàn cúng Khau La. Đêm ba mươi tết, nàng cho tất cả tuần đinh về nhà ăn tết. Nàng ở lại chùa một mình. Giao thừa, pháo nổ xa xa trong làng bản. Buồn bả, nàng bước ra khỏi chùa, bỗng vấp phải một người nằm chắn ngang cửa. Cúi xuống nhìn thì là một người đàn ông to lớn, đóng khố rách, đang ngủ ngon lành, tay vẫn nắm chặt thanh kiếm. Nàng nhẹ nhàng thức người đó dậy. Dưới ánh nến hắt từ trong chùa ra, nàng giật mình, nhận ra Khau La, hai người xúc động nghẹn ngào… Rồi bất chấp tất cả, họ sống với nhau, ngày ngày chung hưởng hạnh phúc chính đáng của mình. Ít lâu sau Kiều Liên có thai. Hai người đang lo lắng trước luật lệ hà khắc và sợi dây oan nghiệt có thể thắt ngang hầu họ, phá vỡ hạnh phúc chân chính của họ thì một đêm nọ, họ thấy ở cửa chùa, dưới gốc cây đã treo sẵn chiếc chuông đồng và một cụ già râu tóc bạc phơ, mặc áo dài trắng, quần trắng chống gậy trúc, nở nụ cười hồn hậu tiến đến hai người, nói:

- Các con sắp gặp nạn. Vì các con là trai tốt, gái hảo và thủy chung nên lão phải cứu các con thoát nạn. Các con cầm lấy ngọn nên này đi vào hang, khi nào nhìn lên thấy trời xanh, nhìn xuống thấy nước suối trong chảy quanh mình thì cắm cây nên lại, theo bậc đó sẽ đến nơi sung sướng…

Nói xong ông già biến mất.

Vâng lời, hai người cầm nến đi đến phương trời hạnh phúc.

***

Ngày nay, đi vào giữa hang, cách cửa hang chừng 350m, ta thấy một cây nến khổng lồ đang cháy, cao chừng 1m40. Đó là cây Vạn niên đăng của cụ già phúc đức trao cho Khau La và Kiều Liên thuở xưa. Và, ở một đoạn suối Chi Lăng, vẫn còn một loại ốc cụt đuôi, tượng trưng cho mối tình chung thủy đó. Cách cửa hang chừng 15m, có tượng một thiếu nữ đẹp tuyệt trần bằng thạch nhũ óng ánh màu sắc, đang mỉm cười hiền hậu đón khách vào thăm hang động. Đó là tượng Kiều Liên hay còn gọi là tượng bà Nàng, không biết do thạch nhũ ngẫu nhiên tạo nên hay do ông cha xưa vì ngưỡng vọng người con gái quê hương mà tạc thành tượng đá?

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3

Sách giảm giá tới 50%: Xem ngay