Ngón Tay Mình Còn Thơm Mùi Oải Hương - Chương 02 - Phần 2

Đi tìm dấu vết The Beatles

Trong cuốn sổ tay du lịch tôi được phu nhân đại sứ Anh tại Việt Nam tặng riêng trước khi sang Anh du học, phần viết về Liverpool chỉ có hai hình minh họa, trong đó một vẽ bốn chàng trai trong ban nhạc huyền thoại The Beatles. Chừng đó đủ biết Fab Four - tên gọi thân mật của The Beatles - có ý nghĩa như thế nào đối với thành phố cảng miền Bắc nước Anh này.

Đó là một ngày đầu thu. Mùa thu ở Anh, đặc biệt là ở miền Bắc, rất lạnh nhưng tôi hăm hở dậy thật sớm đón một trong những chuyến xe đầu tiên của ngày để khám phá Liverpool và cảm nhận không khí Beatles trọn vẹn. Quả là một sự trùng hợp ngẫu nhiên khi vặn đài Virgin Radio, sau những bản nhạc rock quen thuộc trong tháng (một anh bạn bảo mới nghe Virgin Radio rất thích vì nhạc hay, nhưng sau vài ngày rất dễ… nổi điên vì cứ nghe đi nghe lại những bài hát y chang vậy), tôi tỉnh ngủ hẳn khi nghe giọng John Lennon: “Tất cả những nơi ấy đều có những khoảnh khắc riêng với những người yêu và bạn bè tôi vẫn còn nhớ… Nhưng tất cả những bạn bè và người yêu ấy đều không thể so sánh với em” (In my life). Virgin Radio rất hiếm khi chơi The Beatles, thế mới lạ.

Đến Liverpool vào tháng chín quả không đúng lúc vì Hội nghị quốc tế về The Beatles đã diễn ra một tháng trước đó, còn Liverpool MOW - lễ hội âm nhạc hằng năm với những ban nhạc địa phương có triển vọng - lại được tổ chức vào tháng mười. Nhưng không khí âm nhạc vẫn tràn ngập thành phố rộn rã này, trong dòng người tấp nập đi mua sắm ngày cuối tuần, trong những cửa hiệu bán nhạc cụ bên đường, và ngay cả trong những góc phố khuất nẻo ít ai để ý đến.

Giọng Liverpool rất khó nghe, ngay cả đối với người Anh đến từ những vùng khác. (Giống như người Sài Gòn lần đầu đi Huế rất dễ kêu trời vì không hiểu người Huế nói gì). Được một người địa phương nhiệt tình chỉ cặn kẽ đường đến quảng trường thành phố, và với tấm bản đồ trong tay tôi hoang mang với một mớ rối rắm những từ địa phương và cách phát âm đặc trưngLiverpool nghe câu được câu mất. Cuối cùng tôi cũng đến được quảng trường thành phố, quả không uổng công lặn lội. Quảng trường đầy nắng và tràn ngập nốt nhạc réo rắt của những nghệ sĩ lang thang. Ở đó tôi nghe lại những ca khúc The Beatles quen thuộc And I love her, Hey Jude… và bản nhạc tôi rất thích mà đã nhiều nằm không nghe lại “Tôi yêu em tám ngày mỗi tuần… Tám ngày mỗi tuần cũng không đủ chứng tỏ tôi quan tâm đến chừng nào… “ (Eight days a week). Bài hát cứ làm tôi mỉm cười.

Mặc dù rất muốn ngồi nán lại nghe thêm các giai điệu của Fab Four, tôi quyết định đi thăm những nơi khác của Livepool. Trên bản đồ một địa điểm được đánh dấu với cái tên “Câu chuyện The Beatles” ở cảng Albert. Tôi hỏi người đàn ông trung niên có khuôn mặt vui vẻ ngồi nghe nhạc cùng bậc thềm. Thật may mắn, ông không nói giọng Liverpool, và may hơn nữa ông cũng muốn đi đến cảng Albert thăm bảo tàng nghệ thuật thành phố ở gần đó.

Trên đường đi, tôi hỏi: “Sao giọng Liverpoolkhó nghe nhưng giọng The Beatles lại dễ nghe đến vậy!”. Ông cười xòa: “Phải đổi chút ít chứ, ai lại mang giọng địa phương đặc sệt vào âm nhạc hiện đại. Nhưng đời thường Fab Four vẫn nói giọng Livepool đấy. À, đường này rẽ vào Cavern Club, cô có muốn vào cho biết không?”.

Trong cuốn guidebook có viết về Cavern Club, nơi tứ quái từng chơi nhạc từ khi còn “hàn vi” đến lúc đỉnh cao âm nhạc. Rẽ vào đường Mathew, một con đường khá nhỏ so với mức độ nổi tiếng của nó, là đến Cavern Pub, một quán rượu bên ngoài có dựng tượng John Lennon cầm đàn guitar to bằng người thật. Trên khắp bức tường bên ngoài quán có khắc tên tất cả những nghệ sĩ từng biểu diễn ở Cavern Club từ 1957-1973, trong đó có không ít tên tuổi dữ dằn không kém như Eric Clapton, The Rolling Stones, Status Quo, The Who, Rod Stewart, Queen, Stevie Wonder, Elton John, Jimi Hendrix. Đối diện Cavern Pub là Cavern Club, nhưng thật đáng tiếc Cavern Club thật đã bị đập bỏ vào thập niên 1970, nơi chúng tôi đến chỉ là một phiên bản giống hệt trên nền ngôi nhà cũ và dùng lại những viên gạch cũ của Cavern Club ngày xưa. Tôi thắc mắc sao đập đi rồi lại xây lại y vậy làm gì mất hết ý nghĩa. Ông bạn đồng hành nhún vai: “Nhiều khi dân Liverpool điên điên vậy đó. À, mà tôi không phải dân Liverpool đâu nghe!”.

Dù vậy tôi vẫn có cảm giác bồi hồi khi đi bộ xuống cầu thang đá mờ mờ ánh điện vàng, xuống sảnh chính lung linh ánh nến với sân khấu cũng bằng đá, những cây đàn guitar điện và chiếc trống Ringo Starr có chữ Ludwig The Beatles. Người đàn ông tốt bụng bảo tôi: “Trên đường Slater có quán bar tên Jacaranda, Beatles cũng từng chơi ở đó. Nếu còn thời gian cuối ngày cô đến đó cho biết, quán bar này chính hiệu, hi vọng họ không có ý đập bỏ nó như Cavern Club.”

Đường Mathew có một cửa hiệu tên Beatles Shop rất nổi tiếng với bộ sưu tập lớn nhất những đồ lưu niệm và đĩa nhạc The Beatles. Song trên đường đi, bắt gặp bảng hiệu “Tặng bản đồ âm nhạc Beatles” và mũi tên chỉ đến một shop có tên From Me To You, chúng tôi quyết định đi đến đó.

Cách thức marketing này quả hiệu nghiệm: rất nhiều du khách đến From Me To You, sau khi được chủ tiệm vui vẻ tặng tấm bản đồ in màu, hầu như ai cũng nán lại mua một món gì đó: áo thun The Beatles, đĩa nhạc, hay vài tấm postcard… Theo bản đồ, không lâu sau ở khu này sẽ mọc lên một khách sạn mang tên Hard Day’s Night hotel. Những ai yêu nhạc ắt nhận ra đó là tên một bài hát của Fab Four - A hard day’s night (Đêm sau một ngày mệt nhọc).

Tôi tạm biệt người dẫn đường vui tính ở cảng Albert, nơi chiếc tàu neo gần bờ đang phát ra bài Yellow submarine, và mua vé đi tuor “Câu chuyện The Beatles” để làm một chuyến lữ hành hoài cổ ngược về lịch sử “bốn gã trai làm rung chuyển thế giới” - câu chuyện được khắc trên bức tượng Dooley trên đường Mathew.

Trời ngả về chiều, tôi rời cảng lên xe buýt đến giao lộ Penny Lane. Giữa giao lộ có một căn chòi nhỏ (shelter), gợi nhớ ngay đến lời bàiPenny Lane do Paul McCartney sáng tác về thời thơ ấu của mình “Phía sau căn chòi nhỏ ở chính giữa giao lộ, cô y tá xinh đẹp đang bán hoa thuốc phiện[3] trên một cái khay”. Một thời nhạc The Beatles bị chỉ trích rằng có những bài hát của họ cổ súy lối sống buông thả với ma túy (trong đó khét tiếng nhất là Lucy in the Sky with Diamond với tên viết tắt LSD, một loại ma túy cực mạnh. Các nhà phê bình cho rằng bài hát này nói về cảm giác lâng lâng khi “phê”, nhưng The Beatles lại khăng khăng bảo đó không phải ý của họ).

[3] Bài báo này được đăng trên Tuổi Trẻ Chủ Nhật số 23-10-2004, một tuần sau tôi được biết chữ “poppies” trong bài hát không phải hoa thuốc phiện (còn gọi là hoa anh túc) mà là một loại hoa vải có hình dáng và màu sắc giống như hoa anh túc, được bán trên đường phố trong khoảng thời gian đầu tháng mười một hàng năm ở Anh để gây quỹ cho quân đội hoàng gia Anh (và ở một số nước khác như Canada, Mỹ, Úc, Colombia…). Những người mua hoa poppies sẽ gài lên áo để tưởng nhớ những chiến sĩ tử trận trong chiến tranh thế giới và những cuộc chiến khác.

Hoa anh túc được chọn là biểu tượng một phần do bài thơ “Trên những cánh đồng Flanders” của trung tá John McCrae của quân đội Canada năm 1915, viết thay lời những người ngã xuống trên đồng Flanders và được chọn tại đây vào chiến tranh thế giới thứ nhất. Được biết sau khi những người lính được chôn một thời gian, nơi đây mọc lên rất nhiều hoa anh túc đỏ thắm.

Hai đoạn cuối có viết:

We are the dead. Short days ago

We lived, felt dawn, saw sunset glow,

Loved and were loved, and now we lie

In Flanders fields.

Take up our quarrel with the foe:

To you from failing hands we throw

The torch; be yours to hold it high.

If ye break faith with us who die

We shall not sleep, though poppies grow

In Flanders fields.

Tạm dịch:

Chúng tôi là những người đã chết.

Chỉ vừa mới vài ngày trước

Chúng tôi còn sống, cảm nhận bình minh, thấy hoàng hôn rực rỡ

Yêu và được yêu

Còn bây giờ chúng tôi nằm

Trên những cánh đồng Flanders

Hãy tiếp tục cuộc chiến đấu của chúng ta với kẻ thù

Từ những cánh tay yếu ớt của mình, chúng tôi sẽ ném lên cho bạn ngọn đuốc

Nó sẽ là của bạn, để bạn giương cao.

Nếu bạn không còn niềm tin vào chúng tôi, những người đã chết

Chúng tôi sẽ không ngủ được

Dù hoa anh túc vẫn cứ nở

Trên những cánh đồng Flanders.

Như vậy cô y tá trong bài “Penny Lane” của The Beatles bán hoa poppies bằng vải để gây quĩ, không phải bán hoa thuốc phiện như tôi nhầm tưởng lúc viết bài.

Penny Lane chỉ là một con đường rất bình thường như mọi con đường khác, với những ngôi nhà gạch đỏ rèm cửa viềm ren trắng trải dài dưới ánh nắng cuối ngày. Đầu đường có một quán rượu cùng tên, trên tường khắc trọn vẹn lời bài hát của Paul. Cạnh đó là một panô quảng cáo dự án biến Penny Lane thành một địa danh nổi tiếng hơn nữa với cách chơi chữ rất khéo “Penny Lane not just any lane” (Penny Lanechứ không phải một con đường bình thường).

Lang thang cuối ngày, tôi còn muốn đến Strawberry Fields (Những cánh đồng dâu), địa danh trong bài Strawberry Fields forever, nhưng đường đến đó còn xa quá nên đành luyến tiếc hẹn dịp khác. Cũng cần phải nói thêm, đây chỉ là tên địa danh, nếu muốn đến để… hái dâu bạn sẽ rất thất vọng vì ở đó chẳng có trái dâu nào!

Và suốt một tiếng đồng hồ trên xe buýt, trong đầu tôi cứ luẩn quẩn những bài hát của The Beatles: “Con đường dài quanh co dẫn đến nhà em sẽ không bao giờ biến mất, tôi đã thấy con đường ấy trước đây”… “Penny Lane vang trong tai tôi, đọng trong mắt tôi. Ở đó, dưới bầu trời ngoại thành xanh thẳm, tôi ngồi…”.

Một lần đến Notting Hill

Hồi còn sinh viên tôi cũng như đám bạn mười chín, hai mươi tuổi đều mê mệt bộ phim hài tình cảm Notting Hill với câu chuyện anh bán sách người Anh "nghèo, xui xẻo, chỉ được mỗi cái đẹp trai" (Hugh Grant) và ngôi sao điện ảnh Hollywood (Julia Roberts). Vì thế, khi có dịp đến London, sau khi đã chụp hình thỏa thích ở tháp chuông Big Ben, quảng trường Tralfagar, điện Buckingham... tôi nhảy xe điện đến ngay Notting Hill để thỏa chí tò mò.

Notting Hill không phải "đồi Notting Hill" như một số người lầm tưởng mà là tên một khu phố hiện đại, "trendy", thời thượng, đắt tiền vào bậc nhất London. Cô bạn người Anh lè lưỡi: "Một căn nhà nhỏ ở đó cả triệu bảng đó nghe!". Với tỉ giá một bảng Anh gần gấp đôi một đôla Mỹ, có vẻ như bất động sản ở đây còn đắt hơn khu trung tâm Manhattan của New York.

Đúng như tưởng tượng của tôi, ở Notting Hill có rất nhiều cửa hiệu sách, "đúng điệu" như trong cuốn phim Hollywood nọ. Ở đây bán đủ các thể loại sách, từ truyện trinh thám, khoa học viễn tưởng, tiểu thuyết tình cảm, sách dạy kinh doanh, báo chí... Đang đợt sale mùa hè nên đi đâu cũng thấy chữ sale to tướng bên trong. Sau khi đi một vòng mỏi chân, tôi hỏi một người đàn ông trẻ đang ngồi trên băng ghế đá gần đó nơi đến ngôi nhà cửa màu xanh của Hugh Grant trong phim và được biết đó chính là nhà của nhà sản xuất phim Richard Curtis, nằm ở khu Westbourne Park. Nhưng cánh cửa màu xanh nổi tiếng đã được gỡ ra bán đấu giá làm từ thiện và được thay bằng một cánh cửa màu đen bình thường như mọi ngôi nhà khác ở Anh. "Với lại từ đây đến đó xa lắm, cô phải đi xe buýt mới được."- anh bảo tôi. Không có nhiều thời gian, lại sợ lạc đường (tôi vốn rất dở xác định phương hướng, ngay cả ở Sài Gòn còn đi lạc, huống chi London rộng lớn và phức tạp như ma trận, tôi đã lạc không biết bao nhiêu lần), tôi quyết định không đi nữa mà vào quán bar bên đường nghỉ chân.

Một trong những quán bar nổi tiếng ở đây tên 192, nơi cô nàng Bridget trong phim Nhật kí Bridget Jones hay đến cùng bạn bè. Nhưng quán bar tôi ngồi đẹp hơn nhiều, với kiến trúc rất đặc trưng kiểu Anh: mặt tiền bên ngoài đỏ thắm và những ô cửa sơn màu kem nhạt. Nếu bạn chọn ngồi ngoài đường, trên đầu bạn sẽ là những giỏ hoa tươi đủ màu sắc thỉnh thoảng lại rụng những cánh hoa li ti xuống tóc. Còn một điều đặc biệt nữa ở Nottinh Hill: chỉ cần ngồi nửa tiếng đồng hồ, bạn sẽ thấy ít nhất vài nhân vật nổi tiếng đi ngang. Đây là nơi được giới showbiz: các diễn viên điện ảnh, người mẫu thời trang, ca sĩ... cả Anh lẫn Mỹ rất ưa chuộng và sẵn sàng bỏ ra hàng núi tiền để được sở hữu một căn hộ ở đây. Họ đi lại rất thoải mái, chẳng cần mang kính râm hay đeo khăn choàng để nguỵ trang tránh bị fan làm phiền, vì người dân Notting Hill có phong cách đúng nghĩa "phớt Ănglê", chẳng ai để ý gì đến những ngôi sao đang đi trước mặt cả. Hay những người dân tôi gặp cũng là ngôi sao ở những lĩnh vực khác mà tôi không biết chăng?

Một trong những sự kiện nổi bật ở khu phố thời thượng bậc nhất London này là lễ hội hóa trang (Notting Hill Carnaval) được tổ chức vào dịp cuối tuần của mỗi tháng tám hằng năm. Lịch sử viết: cuộc xung đột sắc tộc đầu tiên của cả Liên hiệp Anh diễn ra vào tháng 8-1958. Đến năm tiếp theo, lễ hội hóa trang Notting Hill ra đời như một hình thức không chính thức nhằm xoa dịu xung đột này. Ngày nay, bên cạnh lễ hội ở Rio - Brazil, đây là lễ hội đường phố lớn nhất thế giới với hàng triệu người tham gia chỉ trong hai ngày mỗi năm.

Mỗi khi nhìn những bức ảnh chụp ở đây, nhất là bức hai anh chàng vui tính đã vẫy tay chào và gọi với theo tôi "đi chơi London vui vẻ nhé" trong lúc tôi đang đứng tìm góc độ chụp ảnh ở Notting Hill, tôi lại nhớ đến buổi chiều mùa hè lang thang một mình ở đây. Nhớ không gian se lạnh, mưa lâm thâm, ánh nắng nhạt lúc 8 giờ tối và những hiệu sách chạy dọc những con phố dài...

Manchester những ngày gió

Tôi vốn không mấy cảm tình với thành phố Manchester: có lẽ vì là fan ruột của Arsenal và giống như bất kì một fan "chân chính" nào của những pháo thủ thành London, tôi ghét ngon ghét ngọt đội bóng Manchester United. Nhưng đã lâu không gặp cô bạn Fiona và cũng muốn làm một chuyến đến miền Bắc nước Anh; từ London tôi bắt đầu cuộc hành trình dài năm tiếng đồng hồ bằng xe buýt đến Manchester.

Ấn tượng đầu tiên của tôi về Manchester là những tòa nhà to sừng sững. Và gió. Gió ở đây thổi hun hút, mặc dù ngồi trong xe tôi vẫn đoán được khi nhìn những người đi bộ đang cắm cúi rảo bước trên đường.

Paul (bạn trai của Fi - tên gọi thân mật của Fiona) ra đón tôi. Khi đứng chờ xe buýt nội thành về căn hộ của hai người, Paul đưa tay chỉ: "Đằng kia là phố Tàu, Uyên thấy cảnh cổng kiểu Trung Hoa không? Phố Tàu ở Manchester lớn nhất nước Anh đó!". Ngồi trên xe anh tỏ ra là một hướng dẫn viên hết sức nhiệt tình: "Tòa nhà này trước kia thuộc đại học Manchester, bây giờ là viện bảo tàng, nhưng vẫn giữ lại bảng tên trường."

Xe đi ngang một con đường có rất nhiều nhà hàng Ấn Độ, Paul nói: "Đường này có nhiều cửa hiệu bán cà ri rất ngon, bởi vậy còn được gọi là Dặm cà ri (curry mile)." Đang hào hứng nói, quay sang thấy mặt tôi méo xệch, anh ngạc nhiên: "Sao vậy? Không thích cà ri hả, hay say xe?". Tôi nhăn nhó: "Không phải, để nguyên vali trên chuyến xe buýt từ London rồi." Paul móc điện thoại ra gọi ngay đến đường dây khẩn của hãng xe, nói một thôi một hồi rồi bảo tôi: "Họ nói chuyến xe hồi nãy chỉ dừng lại ở Manchester một chút thôi, đã đi Huddersfield mất. Bữa nay tối thứ sáu họ không làm việc, biểu mình sáng thứ hai lên trạm xe Manchester nhận lại."

Tôi ngồi quạu quọ, vừa giận mình vừa ghét lây luôn Manchester. Thành phố gì mà xấu quá, không có vẻ gì "Anh" hết, đã vậy gió lại còn thổi lạnh buốt da. Xe đi ngang những tòa nhà gạch đỏ giống nhau y hệt, tôi ngạc nhiên: "Sao kỳ vậy?", "À, trước khi xây dựng những khu như thế này, người ta đưa chừng năm, sáu kiểu nhà gì đó để mình chọn." Nghĩa là nếu mình chọn một kiểu nào đó sẽ có ít nhất năm chục nhà khác giống mình y chang?", "Đúng vậy!". Ôi trời ơi, sao mà chán quá Manchester!

Tôi chỉ bắt đầu thấy mến Manchester sau bữa ăn tối đặc trưng Ănglê: cá kèm khoai tây chiên (fish and chip), và sau khi Fi dẫn tôi đến Bramall Hall, một trong những tòa nhà kiểu Tudor trắng đen bằng gỗ đẹp nhất vùng Cheshire. Bao quanh tòa nhà là hơn 60 hecta công viên xanh ngắt vời những lối đi nở đầy hoa, những hồ nước và đàn vịt ức đỏ bơi tung tăng. Fi bảo: "Tòa nhà này được xây từ thế kỉ 11 đó Uyên", "Sao nhìn mới quá vậy?", "À, khoảng cuối thế kỷ 19 nó được một gia đình khác mua và trùng tu, nhưng vẫn giữ những kiến trúc đặc trưng bên ngoài. Sau chiến tranh thế giới thứ nhất, Bramall Hall được thành phố mua lại. Uyên thấy chiếc xe cổ ngoài sân không? Ở đây đang có đám cưới!". Quả vậy, chỉ một lúc sau chúng tôi thấy cô dâu chú rể và những cô phù dâu mặc áo dạ hội màu đỏ thẫm bước ra sân. Tôi có cảm giác mình đang xem một bộ phim về châu Âu thời xa xưa, với những gia đình quý tộc và những cô gái xinh đẹp váy dài lướt thướt.

Manchester lớn thứ ba ở Anh, chỉ sau London và Birmingham, nhưng vì là thành phố công nghiệp và không phát triển du lịch nên hầu như không có mấy khách du lịch ở đây. Ở Manchester không có những góc phố be bé xinh xinh níu bước chân khách bộ hành, mà dễ thấy những tòa nhà lớn, những đại lộ rộng thênh thang. Tòa thị chính thành phố ở quảng trường Albert có những giỏ hoa đủ màu sắc treo trên cột đèn và lá cờ liên hiệp Anh bay phấp phới trong gió. Từ quảng trường Albert, chúng tôi qua khu phố mua sắm lớn nhất thành phố. Có những viên đá tròn ngộ nghĩnh rất lớn nằm rải rác trên đường. Xa xa, một nghệ sĩ lang thang đang ôm đàn guitar chơi bài Don't dream it's over của Crowded House với giọng rất ấm và buồn: In the paper today, tales ò war and of waste. But you turn right over to the TV page. Hey now, hey now, don't dream it's over ( Trên báo là những câu chuyện về chiến tranh và tàn phá, nhưng bạn lại lật ngay qua trang về chương trình TV. Này, này, đừng mơ nữa, nó đã qua rồi...).

Tôi nảy ra ý định viết về bản đồ âm nhạc Manchester khi đến quảng trường Men Arena, khán đài nhạc lớn nhất châu Âu với hai mươi nghìn chỗ, cũng là điểm hẹn âm nhạc nhộn nhịp nhất hành tinh với gần một triệu người mua vé vào xem mỗi năm. Hầu như tất cả những nghệ sĩ lớn, từ REM đến Kylie Minogue, đều từng chơi ở đây ít nhất một lần.

Với tấm bản đồ âm nhạc lấy từ văn phòng du lịch trên tay, tôi lặn lội một mình qua những đại lộ rộng thênh thang với những ngôi nhà gạch đỏ, nơi những ban nhạc và ca sĩ như The Rolling Stones, James, Simply Red, Sex Pistols... từng đi qua, những góc đường nơi xe buýt không tới và gió thổi hun hút qua tay.

Từ căn hộ của Fiona và Paul đến trung tâm thành phố phải băng qua Oxford Road, nơi tôi từng thấy trong một tấm ảnh chụp ban nhạc Bee Gees. Anh em nhà Bee Gees sinh ra và lớn lên ở Manchester, cũng là niềm tự hào của thành phố công nghiệp nước Anh này. Ba anh em nổi tiếng với những bộ râu tóc bù xù và những bản tình ca du dương How deep is your love? hay Night fever - một trong những bản nhạc quốc tế đầu tiên tôi tập tành nghe những năm 1990-1991.

Ở Oxford Road, gần giao lộ rộng lớn cách trụ sở đài BBC khoảng năm phút đi bộ, tôi bắt gặp The Corner House, ngôi nhà nghệ thuật đầu tiên ở Manchester, với hai rạp chiếu phim, một quán bar và một quán cafe, nơi lui tới của nhiều nhân vật "giang hồ", trong đó có cầu thủ Eric Cantona vào những năm anh còn ở đây. Bên ngoài Corner House kiến trúc đặc trưng miền Bắc không có gì đặc biệt, thật khó tin là nơi nhiều nghệ sĩ lớn sáng tác những bản nhạc nổi tiếng như Badly Drawn Boy theo chân Hugh Grant trong bộ phim About a boy, hay soundtrack của Barry Adamson cho những phim Hollywood gần đây như The beach hay Scream 3. Từ Oxford một quảng là đến Rockworld - không hiểu sao bây giờ lại mang tên Jilly - và Music Box. Rockworld là ngôi nhà của những đêm nhạc dành cho "dân ghiền nhạc rock chơi suốt đêm thứ sáu" (Friday all-nighters), còn người hàng xóm Music Box nổi tiếng với những nigh club thú vị nhất Manchester như Rafters và Fagins, nơi Joy pision được Factory Records phát hiện vào năm 1977.

Tôi về lại tòa thị sảnh thành phố (Town Hall), nơi tháp chuông đồng hồ vươn lên nền trời xanh thẫm tràn ngập ánh nắng trưa. Town Hall từng chứng kiến tiệc chia tay khi Take That tan rã, những fan hâm mộ cả nước Anh và nhiều nơi khác gạt nước mắt tạm biệt năm chàng trai trẻ tuổi mỗi người một hướng. Ca sĩ chính của nhóm, Gary Barlow, tiếp tục sự nghiệp sáng tác nhạc cho những nghệ sĩ thế giới như Mariah Carey, Blue hay Donny Osmond. Còn Robbie Williams, vốn không mấy được "sủng ái" những ngày ở Take That nhưng sau được xem là thần đồng âm nhạc quốc tế, bắt đầu yêu thiên thần như lời bài hát Angel của anh "I'm loving angels instead".

Town Hall cách trung tâm thành phố Piccadilly, nơi tất cả những chuyến xe buýt nội thành đổ về, một quãng ngắn. Từ Piccadilly, tôi vác balô và máy ảnh chịu khó đi bộ từ Newton Street đến The Roadhouse, bệ phóng của nhiều tài năng trẻ. Ở đây, những ban nhạc địa phương ít ai biết tới như Elbow hay Longview biểu diễn cạnh những tên tuổi lẫy lừng Stereophonics hay Coldplay, ban nhạc London mà tôi bắt đầu ghiền khoảng hơn hai năm nay.

Đã gần về chiều nhưng tôi vẫn quyết định đến The Boardwalk, từng là tụ điểm âm nhạc của "Madchester" (Manchester điên), bây giờ đang trong thời gian chờ trùng tu nên rất vắng vẻ. Đây là nơi khó tìm nhất trong số những địa danh trên bản đồ âm nhạc. Gió thổi lạnh buốt nhưng tôi vẫn toát mồ hôi vì đi lòng vòng khắp những con hẻm mà không thấy đường Little Peter đâu. May quá, tôi gặp mấy người địa phương đứng nói chuyện trước một căn nhà, khi hỏi đường tới The Boardwalk, ai cũng cười "Trời đất, ở đó có gì đâu mà tới?", nhưng cũng nhiệt tình dẫn tôi đến.

Quả thật, The Boardwalk nhìn không có vẻ gì "khởi sắc". Không biết Oasis, được mệnh danh "những anh chàng quận địa phương" (local bad boys), với số lượng album nhạc bán ra hàng triệu bản, có còn nhớ thời hàn vi năm 1992 xếp hàng chờ được biểu diễn lần đầu tiên trước vỏn vẹn hai mươi khán giả ở đây?

Từ The Boardwalk chỉ mất vài phút đến Granada, (những ai từng ở Anh chắc còn nhớ hãng Granada sản xuất series phim truyền hình Coronation Street dài nhất kịch sử, đang tiếp diễn từ hơn bốn mươi năm nay), cũng là nơi tứ quái thành phố láng giềng Liverpool The Beatles thu hình TV lần đầu tiên vào năm 1962.

Sáng thứ hai, tôi lên trạm xe trung tâm Manchester hỏi thăm món hành lí lưu lạc của mình. Tôi chưa kịp trình bày gì nhiều, chỉ mới vừa nói "Tôi có để quên một vali trên xe buýt..." người đàn ông trong phòng thông tin trạm xe đã lôi ra một vali sau lưng "Phải cái này không?", mà chẳng cần tôi mô tả để quên trên chuyến xe nào, vali ra sao, có đựng gì bên trong... Tôi mừng rơn, cảm ơn ông rối rít rồi hỏi có cần kí nhận không, nhưng ông xua tay "không cần đâu".

Tôi hớn hở lôi vali về nhà. Mặc dù gió Manchester vẫn thổi hun hút nhưng trong lòng tôi lại thấy mến Manchester quá chừng.

Tôi mến Manchester khi nghe giọng đặc trưng miền Bắc nước Anh của Fi và người địa phương ở đây, với cách phát âm chữ "u" ngồ ngộ. Tôi mến Manchester khi Paul từ Bolton về, bước vào bếp, sưng sỉa: "Manchester United hòa, còn Arsenal thắng nữa rồi… Tôi mến Manchesterkhi bắt gặp một ngôi nhà xinh xắn với những chú bướm bằng vải đậu trên tường. Tôi mếnManchester khi đi bộ một mình trên những đường phố rộng thênh thang, chỉ có xe buýt qua lại và gió thổi lạnh buốt. Tôi mến Manchester khi ngâm nga bài hát tôi thích nhất của ban nhạc địa phương The Verve "Cuộc đời này là một bản giao hưởng vừa ngọt vừa đắng...". (bittersweet symphony). Tôi mến cả tòa nhà Urbis rất hiện đại mà ba của Fi bảo: "Nó cho mình vào cửa miễn phí để tính lượt người vào cho xôm tụ đó mà: làm tôi bật cười. Và mỗi khi người dân địa phương hỏi tôi: "Thấy Manchester ra sao?", tôi nói: "Không phải kiểu thành phố tôi yêu. Tôi thích phố cổ với những ngôi nhà nhỏ kia. Nhưng tôi mến Manchester lắm!".

Và tôi biết mình nói thật.

Những thông tin về âm nhạc Manchester trong bài viết này được lấy từ bản đồ âm nhạc Manchester của phòng thông tin du lịch thành phố. Nếu bạn muốn đến những địa danh nổi tiếng liên quan đến âm nhạc được nhắc đến ở đây, trên bản đồ cũng có đánh dấu sẵn.