Ngón Tay Mình Còn Thơm Mùi Oải Hương - Chương 04

Bỉ:

Brussels, ngôi làng thủ đô

Tôi mua vé đi Brussels và Amsterdam vào tháng tư năm ngoái, mục đích chính để kịp xem hội hoa ở vườn Keukenhof Hà Lan, không phải vì thủ đô nước Bỉ. Không may đến đúng ngày đi lại bệnh một trận liệt giường, tôi nhận được email từ anh Dũng đang học cao học ở Brussels - bạn của một người bạn của Thiêm bạn tôi (tôi thích nhất du học sinh Việt Nam những mối quan hệ xa lơ xa lắc): “Tiếc quá em không qua được với Thiêm kì này. Hà Lan đang mùa hoa tulip nở rộ đẹp lắm, còn Brussels thì vẫn… xấu như mọi khi.”

Bởi vậy tôi không trông đợi gì nhiều ở thủ đô nước Bỉ khi cuối cùng cũng đến đây sau mấy tháng chờ đợi. Quả thật từ Gare du Nord đến ký túc xá trường đại học nơi bạn bè anh Dũng cho tôi “tá túc” mấy ngày, trông Brussels không có vẻ gì hứa hẹn. Thành phố đầy những tòa nhà màu xám, lại có rất nhiều công trình đang xây dở dang với giàn giáo gạch đá cần cẩu ngổn ngang khắp nơi.

Không được biết đến nhờ cảnh đẹp nhưng Brussels nổi tiếng thế giới về ẩm thực, đặc biệt là bia, sôcôla và sò. Dân du lịch vẫn truyền miệng nhau phải ăn cho bằng được “Mussels inBrussels”. Sau những ngày du lịch ba lô “lang bạt”, bữa sò hấp bia ngon lành với những sinh viên Việt Nam ở chung khu nhà anh Dũng làm tôi tỉnh táo hẳn và nằng nặc đòi đi thăm thành phố ngay. Nhưng mọi người chẳng có vẻ gì hào hứng: “Thôi để mai đi, tối rồi em nghỉ cho lại sức. Ở Brussels có gì đâu mà nôn nóng đi xem!”.

Những gì tôi đọc được về Brussels và vẻ thờ ơ của những người bạn sống ở đây làm tôi thật sự ngạc nhiên khi dạo quanh thành phố vào ngày hôm sau. Rõ ràng kiến trúc xưa của Brussels không kém chút nào so với những nước láng giềng, đặc biệt sách Rough Guide rất đúng khi cho Grand Place ở trung tâm Brussels là quảng trường thành phố cổ xưa được bảo trì tốt nhất châu Âu. Ngước mặt nhìn tòa tháp cao ngất thiết kế tinh xảo đẹp như mơ, xung quanh là những ngôi nhà xưa hoa tươi mọc đầy trên bệ cửa sổ và trong những chậu hoa san sát hàng rào gỗ, tôi há hốc miệng bảo anh Dũng đang đứng cạnh: “Trời, vậy mà ai cũng nói Brussels xấu lắm!”.

Tên của thủ đô nước Bỉ (Brussels trong tiếng Anh, Bruxelles trong tiếng Pháp, cũng là ngôn ngữ chính thức ở đây) bắt nguồn từ Broekzele, nghĩa là “ngôi làng trên đầm lầy”. Từ thế kỉ thứ 6 trở đi, dưới thời hoàng gia Habsburg thành phố phát triển nhanh như thổi và cùng với The Hague thay phiên làm thủ đô của Liên hiệp Vương quốc Hà Lan trước khi thành thủ đô của nước Bỉ độc lập vào thế kỉ 19. Ngày nay, có người rất tinh tế cho rằng Brussels là hiện thân của Bỉ: khiêm tốn, tự tin những không bao giờ cố gây ấn tượng. Với trụ sở chính của Liên minh châu Âu EU và khối NATO đặt ở đây, có lẽ Brussels bị “mang tiếng” là trung tâm nhàm chán và quan liêu cũng vì vậy. Tôi buồn cười nhớ lại năm ngoái, lúc nước Anh đang sôi sục bầu cử thủ tướng. Đảng bảo thủ Conservative kêu gọi “Nếu bạn không muốn Brussels sai bảo, hãy bỏ phiếu cho Conservative” để thu hút những cử tri nào cho rằng nước Anh mất đi bản sắc riêng do lệ thuộc quá nhiều vào EU. Tương tự, khi Hà Lan theo gót Pháp không thông qua Hiến pháp châu Âu (European Consitution) của EU, một anh chàng Hà Lan đã phát biểu trên diễn đàn của BBC: “Là người châu Âu đích thực không có nghĩa rằng chuyện gì cũng nghe lời Brussels.”

Nhưng tôi thấy tiếc cho những ai bỏ qua Brussels trong chuyến du lịch vòng quanh nước Bỉ. Grand Place là trung tâm thương mại của Brussels từ thời Trung cổ, mặc dù chỉ có tòa tháp Hôtel de Ville và một guildhouse (nhà dành riêng cho thợ thủ công làm nghề ở châu Âu thời xưa) thoát khỏi mưa bom suốt ba mươi sáu tiếng đồng hồ của Pháp vào năm 1695. Hôtel de Ville không phải khách sạn như nhiều người lầm tưởng mà là tòa thị chính với kiến trúc bên ngoài gợi nhớ đến tháp đôi Sagranda Familia ở Barcerlona hoặc Stephansdom ở Vienna, nhưng bên trong khác hẳn với những căn phòng tráng lệ. Đặc biệt nhất là văn phòng chính quyền thành phố từ thế kỷ 16, dát vàng qua mấy trăm năm vẫn còn lộng lẫy, sàn lát gỗ sồi chạm ngà voi và trải thảm sờn. Thú vị hơn cả Hôtel de Ville kiểu Gothic là những guildhouse được xây lại vào thế kỉ 18 sao khi bị Pháp đánh bom, với những tháp thon thả chạm khắc đủ hình tượng độc đáo. Ngày nay, nhiều guildhouse trở thành những nhà hàng, quán cà phê sang trọng như muốn nhắc du khách nhớ đền thời vàng son của Bỉ.

Phía Nam quảng trường, trên đường Charles Buls là tấm plaque mạ vàng - một trong những tác phẩm theo trường phái Nghệ thuật Mới (Art Nouveau) đầu tiên của thành phố. Cạnh đó là bức tượng nằm, tạc nữ anh hùng thế kỉ 14 Everard’t Serclaes, du khách đến đây ai cũng sờ tay vào tượng để lấy may. Tôi cũng bắt chước sờ tay vào tượng xem thử năm nay có khá hơn năm trước đi du lịch bị đạo chích châu Âu chôm mất balô không.

Chúng tôi tản bộ đến khu phố Rue du Chêne và Rue de l’Étuve, anh Dũng kéo tay tôi, chỉ: “Đây, niềm tự hào của Brussela chỉ có bấy nhiêu đây thôi.”. Xung quanh góc phố nhỏ đông đúc người cạnh những hiệu bán bánh quế, sôcôla và đồ lưu niệm, tượng chú bé Manneken Pis trông thật ngộ nghĩnh. Dù ngày nay đó chỉ là một bản copy của bức tượng gốc được Jerome Duquesnoy tạc vào những năm 1600 và đặt tại đây (đã bị mất trộm mấy lần) và Manneken Pis đã có mắt khắp thế giới, nhưng Brussles vẫn là nơi mọi người tìm đến xem hình ảnh buồn cười này.

Tôi rất thích khu phố phía sau lưng Grand Place, có những quán ăn ngoài trời che dù trắng đầy dân địa phương ăn uống rôm rả, những nghệ sĩ lang thang chơi đàn guitar và accordion. Khác xa với London, Paris, Amsterdam,... luôn rộn rã khách du lịch lôi vali xềnh xệch khắp nơi hay ngó nghiêng chụp ảnh, Brussels là thủ đô duy nhất tôi từng đến có nét địa phương rất đáng yêu mà chỉ có những vùng quê xa xôi còn giữ lại được. Dường như tôi là người lạ duy nhất trên con đường này. Mỗi lần tôi đưa máy ảnh lên, những người đang ăn uống lại ngước lên nhìn, cười khúc khích, có người còn vẫy tay chào, hay sửa lại tóc tai, như thể lần đầu tiên thấy khách du lịch vậy. Một anh chàng phục vụ còn vui vẻ vẫy tay gọi tôi từ xa, khoe trong quán có vẽ hình trên tường đẹp lắm, vào chụp đi. Điều này làm tôi yêu Brussels như yêu những người địa phương vui tính chất phác ở một ngôi làng nhỏ.

Brussels được ưu ái gọi là thủ đô của châu Âu (Capital of Europe) do trụ sở EU đặt ở đây và do vị trí địa lý thuận lời kết nối những thành phố khác của cựu lục địa. Vì thế Bỉ cũng lấy tên gọi ấy để làm chiến lược marketing du lịch. Nhưng mỗi lần nghĩ về Brussels, tôi không nhớ về một thành phố lớn với những tòa nhà chọc trời hay những đại lộ đầy xe ngang dọc mà nhớ hồn địa phương trên món bánh Waffle mới ra lò còn ấm nóng, vừa mềm vừa giòn, trên phủ lớp đường caramel, chocolate đun chảy và dâu tươi đỏ mọng hoặc kem tươi mới quết, trắng muốt mịn màng béo ngậy trông ngon lành không thể tả; những ngôi nhà cổ hoa nở đầy trên khung cửa sổ; những người dân thành phố mà đối với khách du lịch hồn nhiên như hàng xóm ở quê. Và tôi trìu mến gọi Brussels bằng cái tên tôi đặt: ngôi làng thủ đô...

Đức:

Những mái nhà cổ tích, vườn bia và Sauerkraut

Trước khi đến Munich, tôi không ngờ thủ phủ vùng Bavaria lại đáng yêu như vậy. Trong tưởng tượng của tôi, đó là một thành phố công nghiệp hiện đại chỉ toàn những tòa nhà chọc trời và những làn xe BMW, Mercedes bóng lộn lao vun vút.

Nhưng đó chỉ là một phần của thành phố giàu có nhất nước Đức này, phần còn lại là những khu phố cổ mơ màng và những vườn bia (biergarten) nơi dân địa phương và du khách ngồi thưởng thức bia tươi nổi tiếng thế giới trong cái nắng châu Âu dìu dịu, rất đúng “tinh thần” chữ tiếng Đức Gemutlichkeit, nghĩa là vui vẻ, dễ chịu, thoải mái.

Chuyến đi Đức của tôi phẳng lặng và êm đềm như những thành phố, thị trấn xứ Alps với nhà gỗ nâu xinh xắn, tĩnh lặng và ngái ngủ nép mình bên rặng núi hùng vĩ chập chùng lướt qua xe lửa. Munich, Munchen trong tiếng Đức, là nơi cuối cùng tôi đến sau gần một tháng rong ruổi xuôi ngược Châu Âu, và quả là một trạm cuối đầy ấn tượng, đặc biệt nhất vẫn là sức quyến rũ kỳ lạ của quảng trường Marienplatz, trái tim của phố cổ Munich và đã hiện hữu trong không biết bao nhiêu tấm postcard nơi đây.

Tôi leo lên nhà thờ Alter Peter để ngắm trọn vẹn hình ảnh quảng trường trong nắng sớm mai. Phía trước tôi, bọn trẻ con người địa phương chừng tám, chín tuổi, reo hò nhộn nhạo và tranh nhau bước trên cầu thang bằng gỗ nhỏ hẹp chỉ vừa một người đi, trong khi cô giáo thở không ra hơi vì những bậc thang cao hun hút, không còn sức bảo học trò. Đến nơi ai cũng mệt bở hơi tai, nhưng toàn cảnh Neues Rathaus, tòa tháp kiểu neo-Gothic được xây dựng từ thế kỷ 19 kiêu hãnh vươn lên nền trời và những cửa sổ nhà thờ hoa tươi rực rỡ làm mọi người quên đi mệt mỏi. Phía đông quảng trường, tòa thị chính xưa Altes Rathaus được xây dựng từ thế kỷ 15, bị đánh bom chỉ còn là tàn tích và ngày nay dường như đã chìm vào lãng quên. Nhưng phần còn lại của quảng trường được bảo trì rất tốt: Từ trong những vòm sắt uốn lượn của nhà thờ Alter Peter nơi tôi đứng có thể nhìn thấy những mái nhà màu cam nhấp nhô đẹp như cổ tích, đến nỗi trong một giây tôi tưởng như có thể bắt gặp cô bé Lọ Lem, nàng Bạch Tuyết hay hoàng tử ếch trong truyện cổ Grimm bước ra từ những ngôi nhà xinh xắn nọ. Anh em Jacob và Wilhelm Grimm là niềm tự hào của nước Đức do đã có công gìn giữ những truyện dân gian cổ tích xưa, để ngày nay không chỉ quê hương họ mà cả thế giới biết ơn hai người đã làm sống lại những bức tranh sinh động và giàu lòng nhân ái, làm phong phú thêm tâm hồn trẻ thơ trên khắp hành tinh.

Vốn không thích viện bảo tàng và gallery nghệ thuật nhưng tôi vẫn quyết định đến Alte Pinakothek, một trong những bảo tàng nghệ thuật xưa nhất và quan trọng nhất thế giới, dành nguyên một ngày lang thang qua khắp những căn phòng rộng treo hơn tám trăm kiệt tác của các danh họa Châu Âu, đại diện cho những chặng đường nghệ thuật từ thời Trung cổ đến cuối giai đoạn Rococo vào thế kỷ 18. Vào chủ nhật hàng tuần, chỉ với 1 euro (5,5 euro vào ngày thường) bạn có thể đắm mình trong lịch sử hội họa và chiêm ngưỡng những tác phẩm vĩ đại của nhân loại đến khi nào mỏi chân, mỏi mắt thì thôi.

Xưa nhất trong những bộ sưu tập là hội họa Ý, với tác phẩm nổi tiếng thế giới đại diện cho trường phái Gothic “Bữa ăn tối cuối cùng” của Giotto và những kiệt tác khác từ các trường phái Baroque và Phục hưng, trong đó có Leonardo da Vinci với “Đức mẹ đồng trinh và con”. Bộ sưu tập hội họa Đức nổi bật nhất vẫn là “Bốn vị tông đồ” của Durer, với những nét vẽ sắc sảo lột tả bốn nét mặt khác nhau thật sống động. Hội họa Hà Lan và vùng Flemish ở bảo tàng này có được bộ sưu tập lớn nhất thế giới của Rubens, người đã “hoàn thiện sự pha trộn giữa truyền thống duy thực của hội họa Flemish với sự tự do tưởng tượng và đề tài cổ điển của hội họa Phục hưng Ý”. Tôi thích sự trong trẻo và thánh thiện của bức “Đức mẹ và con trong vòng hoa”, với những thiên thần tóc xoăn bụ bẫm đáng yêu vờn xung quanh, hơn những bức khác mô tả cuộc chiến đẫm máu hay chúa Giê-su trên thánh giá của ông.

Ngoài ra không thể không kể đến những kiệt tác của các danh họa lỗi lạc khác như Rembrandt, Altdorfer, Boucher, Tizian, Murillo… Chỉ có điều hội họa cổ đại Châu Âu có không ít bức ảnh miêu tả người tự tử, bị treo cổ, bị đóng đinh… y như thật làm tôi sợ toát mồ hôi, tay chân run lẩy bẩy. Từ viện bảo tàng bước ra đường phố, đầu tôi choáng váng, mắt hoa lên, những cảm xúc đan xen lẫn lộn làm tôi ngơ ngẩn đến hàng giờ sau.

Nhưng những vườn bia nhộn nhịp ven đường với dân địa phương lười biếng ngồi nhấm nháp những ly bia lớn cỡ một lít từ những thùng bia tươi bằng gỗ nâu làm tôi trở về lại với Munich sống động và vui nhộn của hôm nay. Munich là tâm điểm của lễ hội bia Oktoberfest lớn nhất thế giới với bia chảy như suối, được tổ chức vào tháng 9 và tháng 10 hàng năm. Song không cần Oktoberfest, quanh năm suốt tháng bia vẫn là “quốc hồn quốc túy” của xứ sở này. Ngày xưa, không biết làm cách nào giữ bia lạnh trong mùa hè, thợ cất bia Munich đặt những thùng gỗ đựng bia mới ủ xuống hầm và trồng những cây dẻ lên trên, để những cành vươn dài xum xuê lá của cây dẻ tạo thành bóng râm mát giữ bia lúc nào cũng mát lạnh ngon lành. Ngày nay, tập tục đó đã giúp hình thành những vườn bia rất lớn, thường chứa được vài ngàn chỗ ngồi dưới bóng những cây dẻ xanh um. Ly bia ở Munich không dành cho người yếu tim, ly nhỏ nhất cũng đựng được cả lít và bạn đừng ngạc nhiên khi thấy dân địa phương uống mỗi người vài lít bia trong một buổi tối, đó chỉ là chuyện “thường ngày ở huyện”. Thường những vườn bia “chân chính” lúc nào cũng để trên bàn một rổ mây đựng đầy có ngọn bánh mì mới ra lò, dưa leo, xúc xích, thịt xông khói và những món truyền thống như phô mai Obatzda. Trang web chính thức của thành phố muenchen.de gọi những vườn bia là “nơi trú ngụ của lối sống Bavaria với sự thư giãn bất chấp cuộc sống hiện đại xô bồ và náo nhiệt”.

Nổi tiếng nhất trong những vườn bia vẫn là Hofbrauhaus, nơi bạn có thể nhận biết được từ xa nhờ những tiếng “Prost” (tương tự như “dzô dzô” trong tiếng Việt) ồn ào của dân nhậu tứ xứ và tiếng nhạc oompah đặc trưng vùng Bavaria của những ban nhạc địa phương mặc quần da có dây đeo Lederhosen. Tòa nhà xưa đắm mình trong ánh nắng vàng như mật; những vại bia vàng óng mát lạnh sủi bọt trắng phau; những cô gái phục vụ mặc áo đầm truyền thống tay phồng bằng vải thô, tay cầm khay đựng những chiếc pretzel - bánh nướng xoắn hình nút dây thừng to “vật vã” đặc sản Munich; logo chữ HB lồng vào nhau bên dưới vương miện; những chiếc bàn nhỏ trải khăn sọc carô đỏ trắng kê dưới tán cây dẻ… là những hình ảnh đặc trưng của vườn bia lớn nhất thế giới có mặt từ năm 1592 này.

Tôi muốn vào Hofbrauhaus cho biết nhưng uống bia một mình kể cũng hơi buồn nên đành hẹn dịp khác, rảo bước đến chợ Virtualienmarkt mua xuất chiều từ một quầy nhỏ hẹp có rất nhiều người địa phương đứng xếp hàng chờ. Tôi bắt chước người trước mặt, mua một miếng thịt heo quay lớn bằng nửa bàn tay, da giòn tan óng ánh vàng ngậy nhưng không ngán, kẹp trong bánh mì mềm, vừa ăn vừa rảo bước quanh khu chợ nổi tiếng Châu Âu với mùi thức ăn thơm lừng khắp nơi. Đi bộ nhiều đói bụng, tôi ra một trong những cửa hiệu quanh chợ bán thức ăn tươi ở nhà mới làm, mua thêm một phần xúc xích nướng ăn với sauerkraut - món bắp cải trắng bào sợi muối chua nấu với rượu vang đỏ, lá nguyệt quế và nước cốt quả bách xù đặc trưng Đức, đặc trưng đến nỗi “kraut” là tiếng lóng dân Anh vẫn châm chọc gọi dân Đức (cũng như người Pháp bị gọi là “frog” vì Pháp là nước Châu Âu duy nhất ăn thịt ếch vậy).

Ngày cuối cùng ở Munich, tôi lại ra Marienplatz, lần này với ba người bạn mới quen ở chung nhà nghỉ với tôi. Quảng trường buổi tối đã thưa người, chúng tôi dừng lại đài phun nước Fischbrunnen phía tay phải Neues Rathaus, phía trên có chú cá tròn trĩnh bằng đá và quanh bệ là tượng những người thời xưa đang nghiêng xô có dòng nước trong vắt chảy róc rách xuống hồ nước màu xanh ngọc lục bảo emerald. Xưa ở đây là chợ cá nên vòi phun nước này được xây để gợi nhớ những ngày đó, khi người bán thả cá xuống cho bơi lội trước khi bán để giữ cá luôn tươi. Cô gái người Phần Lan đi cùng bảo: “Trong sách nói Fishbrunnen này thiêng lắm nha, nếu nhúng ví xuống nước, ví của bạn sẽ luôn đầy tiền” làm chúng tôi, kể cả anh chàng người Đức ở vùng khác mới đến Munich lần đầu, hí hửng lấy hết giấy tờ tiền bạc ra khỏi ví, nhúng ngay ví rỗng xuống nước. Cô cười ha hả: “Nếu tin điều đó, ví của bạn bị ướt cũng đáng đời” làm cả đám tiu nghỉu. Sau tôi mới khám phá ra cô học được “chiêu” này từ sách du lịch Lonely Planet.

Những ngôi nhà mái màu cam nhấp nhô đẹp như cổ tích đã dần tắt đèn. Khi đi bộ về lại nhà nghỉ trong những cơn gió Bavaria hiu hiu cuối ngày, người còn lâng lâng vì ly bia tươi mới uống, tôi quyết định sẽ trở lại Munich vào dịp Oktoberfest, không chỉ để áp dụng “chiêu” nhúng ví xuống nước với những bạn đồng hành mà còn để có dịp nhìn cả thế giới uống bia với sauerkraut chua chua và xúc xích trắng Weisswurst vừa mềm vừa giòn, trong những vườn bia trải khăn trắng vẽ những hình thoi xanh da trời dưới bóng cây dẻ râm mát. Để có dịp xem những Philipp Lahm, Oliver Kahn, Bastian Schweinsteiger, Lukas Podolski… thi đấu cho đội bóng con cưng Bayern Munich. Để có dịp ngắm những mái nhà cổ tích êm đềm ở quảng trường Marienplatz, nhấm nháp Black Forest cake - bánh sôcôla có phủ trái dâu chín mọng và kem tươi béo ngậy đặc trưng Munich - trong những quán cà phê đông đúc ở khu phố cổ…

Và còn những điều mới mẻ nào nữa sẽ chờ tôi ở thủ phủ xứ Bavaria?