Ngón Tay Mình Còn Thơm Mùi Oải Hương - Chương 15 - Phần 1

Những câu chuyện góp nhặt từ hội nghị ở châu Âu:

“Những người trẻ tuổi làm thay đổi thế giới”

Đó là tên chương trình giao lưu thanh niên quốc tế tại vương quốc Anh (5 đến 9-8-2002). Có 300 đại biểu đại diện cho những thủ lĩnh thanh niên từ năm châu lục trên thế giới tham dự chương trình.

Mỗi đại biểu dự một trong năm hội thảo chuyên đề: Toàn cầu hóa, Sức khoẻ, Công bằng xã hội và nhân quyền, Văn hóa, Môi trường. Ngoài thời gian tranh luận về các chủ đề trên, các nhóm còn tham gia việc xây dựng tượng từ chất liệu thiên nhiên, người mẫu là một cô bé người Anh có khuôn mặt rất xinh xắn. Bức tượng này được đặt tại một nơi trang trọng như một món quà kỉ niệm của các đại biểu đối với trường cao đẳng Atlantic, xứ Wales: khuôn viên là lâu đài Thành Donat, một tòa lâu đài bằng đá kiên cố được xây dựng từ thế kỷ 14 có tường thành và biển bao quanh, nơi được ban tổ chức chọn làm địa điểm thực hiện chương trình giao lưu này.

Chúng tôi cũng chia nhau tham gia các hoạt động vẽ tranh tuyên truyền giao lưu quốc tế và làm những con diều mang thông điệp hòa bình. Bức tranh rất lớn, đủ màu sắc do chính chúng tôi vẽ bằng màu nước và kí tên, với hình ảnh thiếu nhi trên thế giới nắm tay nhau tạo thành năm vòng xoắn ốc to dần từ trong ra ngoài được treo trên lối đi của tiền sảnh. Những con diều được các bạn Ấn Độ khởi xướng với những dòng chữ “Cứu lấy thế giới”, “Hòa bình hay không gì cả”, “Những người trẻ tuổi làm thay đổi thế giới”..., sau mấy tiếng đồng hồ được những bàn tay vụng vè cắt dán cũng bay cao tít trên bầu trời chan hòa ánh nắng, một ngày nắng ấm hiếm hoi của xứ Wales lạnh giá và quanh năm mưa phùn.

Có một sự kiện trong đêm quốc tế đã làm tất cả đại biểu thế giới sửng sốt và xúc động: các thành viên trong đoàn Israel và Palestine cùng xuất hiện bên nhau trên sâu khấu, trong trang phục truyền thống khác nhau, cùng hát những bài hát của hai dân tộc.

Tôi tham gia hội thảo chuyên đề “Toàn cầu hóa”. Thông qua nhiều hình thức sinh hoạt khác nhau, các đại biểu cùng rút ra được những mối quan tâm chung về chủ đề này. Theo yêu cầu của khóa học, mỗi nhóm chuyên đề phải thực hiện một dự án, nhóm tôi làm một phim tài liệu xoay quanh quan điểm về toàn cầu hóa của các nước. Tôi phỏng vấn Steve, sinh viên đại học Harvard, về ý kiến của thanh niên Mỹ đối với những chính sách đối ngoại của chính quyền Bush, và anh đã làm mọi người ngạc nhiên khi phát biểu: “Cũng như nhiều người trẻ tuổi ở nước tôi, tôi phải thú nhận rằng chính quyền chúng tôi không thật sự công bằng trong trò chơi toàn cầu. Họ nghĩ rằng họ mạnh hơn tất cả, và vì thế họ có quyền làm mọi điều họ muốn. Vậy toàn cầu hóa (globalization) thực chất chỉ là Mĩ hóa (Americanization), đó là điều tôi còn nghi ngờ”.

Khi bước trên đường phố London, qua tháp chuông Big Ben, điện Buckingham, quảng trường Tralfagar, sông Thames... tự nhiên tôi nhớ năm học cấp II, háo hức đọc bài viết trong sách giáo khoa Anh văn lớp 9 về những cảnh đẹp ở London trong giờ học tiếng Anh. Khi đó tôi không biết gì về vi tính, ít tham gia vào các hoạt động phong trào, London là một thành phố sương mù xa lắc xa lơ, “toàn cầu hóa” là một từ xa lạ và Việt Nam còn chưa gia nhập ASEAN. Chỉ mới mấy năm mà biết bao nhiêu thay đổi, Việt Nam đã gia nhập cuộc chơi toàn cầu, đã là thành viên của ASEAN, APEC và hi vọng trong tương lai không xa lắm là WTO; tôi đã là sinh viên năm cuối đại học, thành viên ban chấp hành hội sinh viên TP.HCM, đã đi vài nước trên thế giới, được học bổng này qua mạng Internet và trở thành đại biểu duy nhất của Việt Nam tham gia chương trình, được thăm sân vận động bóng đá Highbury của câu lạc bộ Arsenal... Và hơn hết, được gặp gỡ và học hỏi từ những người bạn đủ quốc tịch, màu da nhưng cùng một ước mơ trở thành một trong “Những người trẻ tuổi làm thay đổi thế giới”.

Xã hội 2.000 watt

Từ 8 đến 28-7-2004 tôi bay sang Thụy Sĩ để tham gia khóa đào tạo “Gặp gỡ thanh niên về phát triển bền vững”. Khóa học được tổ chức dưới chủ đề “cuộc sống cho 10 tỉ người”.

Một trong những hoạt động được ba mươi bảy học viên, phần lớn là sinh viên cao học các khoa kĩ thuật, công nghệ và môi trường, hưởng ứng nhiệt tình nhất là buổi chinh phục dãy núi Alps của Thuỵ Sĩ. Dọc đường đi, bên những phiến đá mấp mô, hoa đủ màu mắc đua nhau nở mặc thời tiết buốt giá. Thỉnh thoảng bắt gặp những vũng tuyết trắng xóa trên triền núi ngay giữa mùa hè, cả đám lại ùa tới vốc tuyết ném nhau. Không khí trên núi trong như pha lê, ngọt như sương đọng trên bông hoa dại nở vàng bên dòng suối chảy xiết qua những viên đá cuội trắng muốt. Tôi hít căng lồng ngực không khí sớm mai, kéo tay cô bạn đi cùng: “Nghĩ gì vậy?”. “À, đang nghĩ làm thế nào để thành phố mình cũng được trong lành như thế này, không còn ô nhiễm, khói bụi, ồn ào nữa.”. Cả đám nhao nhao: “Sao giống mình quá vậy?”.

Trên đường đi, chúng tôi ghé thăm nơi làm phó mát từ sữa bò và dê theo cách cổ truyền vùng Glarus. Thật thú vị khi biết được một đất nước phát triển như Thụy Sĩ, với những nhãn hiệu sôcôla và phó mát sản xuất hàng loạt nổi tiếng thế giới, vẫn còn giữ cách sản xuất thủ công như vậy. Thầy Roger giải thích: “Đây cũng là một khía cạnh nhỏ của phát triển bền vững, giữ lại cho các thế hệ sau những tinh hoa truyền thống.”.

Ở túp lều treo leo trên đỉnh núi, chúng tôi được uống nước lấy từ những mạch nước ngầm tinh khiết trên đỉnh Alps và được chia nhóm để phân tích hoạt động của ba công ty lớn trên thế giới: Netstle, P&G và Sony. Bài giảng về mối quan hệ giữa kinh doanh và môi trường sau đó của thầy xem ra dễ hiểu hơn lúc nào hết, ngay cả đối với những bạn sinh viên không học ngành kinh doanh.

Một trong những bài học đáng nhớ nhất với chúng tôi là “Xã hội 2.000 watt”, do hai giáo sư Viện kĩ thuật Masschusetts (MIT) giảng dạy. Ở thời điểm hiện tại, năng lượng tiêu thụ bình quân toàn cầu là 2.000 watt mỗi đầu người, nhưng việc tiêu thụ này lại thay đổi từ mức chỉ 290 watt ở Etiopia đến mức 10.000 watt ở Mỹ. Vậy làm sao để tạo lên một xã hội 2.000 watt trên khắp thế giới nhưng không phải từ bỏ những tiện nghi của lối sống phương Tây là một vấn đền khả thi về mặt kĩ thuật nhưng hết sức nan giải khi áp dụng. Thầy cũng đưa ra phương pháp tính mức tiêu thụ năng lượng của mỗi người, được chia làm năm phần chính: dùng trong hộ gia đình, phương tiện vận chuyển, dinh dưỡng, tiêu thụ cá nhân, tiêu thụ công cộng. Tôi vốn tự cho mình ít tiêu thụ năng lượng nên tá hỏa khi tổng cộng mức tiêu thụ của tôi lên đến gần 10.000 watt, nằm trong mức cao nhất thế giới, trong khi bình quân châu Âu chỉ gần 5.000. Thấy tôi ngồi thừ ra trước máy tính, Daniel - anh bạn người Áo, sinh viên ngành khoa học môi trường - cầm tờ giấy của tôi lên: “À, tại bạn đi máy bay nhiều quá thôi! Ôi trời, mỗi năm gần trăm tiếng đồng hồ, riêng khoản này đã chiếm gần 6.500 watt rồi còn đâu.”.

Trong khi cả lớp vẫn còn bần thần với kết quả tiêu thụ năng lượng của mình, cô Michelle lên tiếng giới thiệu về tổ chức Khí hậu của tôi (My Climate), được thành lập với nỗ lực ngăn ngừa thay đổi khí hậu - một trong những vấn đề nan giải nhất của thế giới. My Climate giúp tiết kiệm năng lượng và giảm lượng CO2 gây nên hiệu ứng nhà kính bằng cách xây dựng hàng trăm thiết bị làm nóng nước từ năng lượng mặt trời. Quĩ hỗ trợ dự án này được gây dựng từ những cá nhân, tổ chức và công ty tình nguyện nộp sồ tiền tương đương với mỗi quãng đường bay để bù đắp cho lượng CO2 thải ra. (Ví dụ, Liên minh Phát triển bền vững toàn cầu đã tình nguyện góp cho My climate 127 USD cho chuyến bay khứ hồi TP.HCM - Zurich của tôi).

Trong khuôn khổ chương trình chúng tôi được mời xem bộ phim Hollywood Ngày mốt, nói về thảm họa tàn khốc do thiên nhiên gây ra. Hình ảnh những người dân Tokyo hoảng loạn chạy tránh và chết dưới nhưng viên mưa đá to đùng, hay người dân New York bị đóng băng ngay lập tức với nỗi kinh hoàng vẫn còn trên mặt… làm tôi sợ cứng người. Nhưng có lẽ đắt nhất vẫn là chi tiết mà khoa học trả lời điện thoại với khuôn mặt thất thần: “Tôi biết điều này sẽ xảy ra nhưng không ngờ nhanh đến vậy.”. Hôm sau, tại buổi picnic bên bờ sông Linthal, chúng tôi cùng ngồi bàn luận về bộ phim này. Thầy tôi nói: “Có ai ngờ năm 2003 băng lại tan trên đỉnh Alps của Thụy Sĩ với mức kỉ lục 150 m do thay đổi khí hậu? Chúng ta đang sống trong một thế giới mà tất cả mọi thứ đều có thể. Vậy nên trong tương lai các em phải là những người quyết định việc gì xảy ra và việc gì không được xảy ra.”.

Nhưng có lẽ gây ấn tượng nhất trong tôi vẫn là hình ảnh “ăn trái xanh” của thầy Ludwig trong một buổi học. “Ở một ngôi làng nọ trên nước Mozambique, tất cả cư dân đều được sở hữu bất cứ loại trái cây nào họ hái được. Ban đầu mọi việc đều suôn sẻ và tất cả đều cảm thấy hạnh phúc. Nhưng dần về sau, tất cả mọi người đều ăn trái còn xanh vì sợ đợi đến lúc chín người khác giành hái mất. Cứ như vậy, trái cây họ hái và ăn ngày một non dần…”. Vài phút trước đó, chúng tôi còn chia làm sáu nhóm “ẩu đả” nhau không thương tiếc trong trò chơi “Cá và ngân hàng” do thầy Jens hướng dẫn, trong đó mỗi nhóm - tượng trưng cho một tập đoàn đánh cá - đều tìm cách mua thật nhiều thuyền và đánh bắt cả gần bờ lẫn thật xa bờ để thu được nhiều lời nhuận. Gần như không còn nhóm nào nghĩ đến nhóm khác, cũng như đến khả năng chịu đựng của đại dương. Nhưng càng ngày lượng cá đánh bắt càng ít dần đi và gần như bằng 0. Kết luận câu chuyện và cuộc chơi, thầy nói: “Các em có đầy đủ tố chất trở thành những nhà lãnh đạo tương lai, thông minh, đầy nhiệt tâm và có cái nhìn sâu rộng. Chỉ cần các em được hướng dẫn đi đúng đường mà thôi.”.

Nào cùng đi “Gap Year” tình nguyện

Trên thế giới, đặc biệt là ở châu Âu, rất thịnh hành chương trình “gap year”: Các bạn trẻ sau khi tốt nghiệp những chương trình tương đương trung học ở Việt Nam không vào đại học ngay mà bảo lưu kết quả, dành một năm liền đi du lịch ba lô, đi làm thêm kiếm tiền để trau dồi thêm hiểu biết về xã hội và thế giới.

Năm 2005, ở Anh có hơn 50.000 bạn trẻ vào độ tuổi mười tám, mười chín đi gap year. Phần lớn các bạn đi du lịch vòng quanh thế giới “thuần túy”, số ít hơn du lịch kết hợp làm việc có lương, chủ yếu là dạy tiếng Anh cho người địa phương. Nhưng xu hướng mới nhất vẫn là du lịch kết hợp tình nguyện: những chương trình như thế này rất phong phú, từ làm việc ở trại hè thiếu nhi Trung Quốc đến cứu rùa biển ở Mexico. Pauline, đến từ London, dành một phần gap year của mình dạy tiếng Anh ở Costa Rica trước khi về nước theo học chương trình dược tại đại học Bath. Cô chuẩn bị cho chuyến đi từ trước đó một năm, làm việc toàn thời gian trong nước trong vòng sáu tháng dành dụm tiền theo học một lớp đào tạo dạy tiếng Anh và mua vé máy bay sang Nam Mỹ. Số tiền đó cũng cho cô học thêm lớp căn bản tiếng Tây Ban Nha, ngôn ngữ chính ở Costa Rica, để dễ dàng hòa hợp với người địa phương hơn.

Ngôi làng cô đến dạy học có đồi núi bao quanh và chưa bị thương mại hóa do du lịch nên rất thanh bình và đáng yêu. Ở đó cô sống với một gia đình người địa phương và dạy học ở một trường cấp 1 công lập. Cô dạy nhiều lớp mỗi ngày, từ 7 giờ sáng đến 12 giờ trưa và tiếp tục từ 2 giờ đến 5 giờ chiều. Nhưng cô và các bạn đi cùng vẫn không thấy mệt vì “bọn trẻ dễ thương hết sức”. Ngày cuối cùng cô đứng lớp, các học sinh nhỏ tuổi còn tổ chức một buổi tiệc chia tay. “Thành quả lớn nhất của bọn mình là dạy cho bọn trẻ hát tiếng Anh, như bài “Anh thủy thủ đi ra biển” chẳng hạn”. Cô vừa nói vừa cười.

Chỗ ở của Pauline ở làng không được tiện nghi: mái tôn, không nước nóng, nhưng cô vẫn rất bằng lòng. “Nhà chúng tôi trên đỉnh núi. Tôi được người nhà cho ở phòng trên gác mái, đêm đêm, điện cả làng thắp sáng và cảnh đẹp đến nỗi làm tôi nghẹt thở.” Và cô cho biết cô không đổi những kỉ niệm vô giá ấy lấy bất cứ điều gì.

Lucy, mười chín tuổi, từ Windsor, đi Honduras làm việc cho một tờ báo tiếng Anh tại đây.

“Chỉ sau tháng đầu tiên, biên tập tờ báo rời tòa soạn còn mỗi mình tôi với một bạn phóng viên trẻ người địa phương cũng chỉ mới mười tám tuổi phải cáng đáng tất cả dù không có chút kinh nghiệm nào. Công việc rất đa dạng: từ viết bài về các khách sạn cho đến phỏng vấn những băng nhóm gangster. Tôi học được mọi thứ: viết bài, gặp gỡ nhiều người thú vị, nhìn thấy sự vật từ một góc nhìn khác… Cách nhìn thế giới của tôi cũng thay đổi rất nhiều.”

“Tôi tự đặt cho mình kế hoạch làm việc rất đàng hoàng. Tôi cũng được tiếp xúc làm bạn với rất nhiều người dân địa phương. Về định hướng nghề nghiệp, tôi hi vọng những kinh nghiệm này sẽ giúp ích tôi nhiều trong tương lai, khi tôi chọn nghề làm báo. Chương trình ở đây không chỉ là một năm du lịch gap year bình thường mà đã thay đổi đời tôi. Nghe có vẻ hơi “sáo”, nhưng thật đấy!”

Vốn mê bóng đá, Rob tình nguyện đến châu Phi xa xôi đăng ký dạy môn thể thao vua này. Đến Ghana cùng ba bạn trai cùng sở thích, Rob “hết hồn” ngay ngày đầu tiên khi phải dạy cùng một lúc bảy mươi lăm “học viên” rất ồn ào từ chín đền hai mươi mốt tuổi trên bãi đất trống của làng. “Nhưng rồi mọi việc cũng ổn, có bảy trái bóng cả thảy nên mình chia tất cả ra làm nhiều nhóm chơi, mỗi bên năm người. Chơi vui lắm, mình thật sự ngạc nhiên khi sau buổi chơi tất cả đều vỗ tay hoan hô tụi mình, lại còn tranh nhau xung phong mang giày “thầy” về chà sạch sẽ. 6 giờ sáng hôm sau, cả đám đã đứng trước cửa réo gọi mình dạy tiếp”. Sau vài buổi chơi, Rob chọn được mười tám cầu thủ hay nhất để thi đấu tranh giải. Đội của anh chơi với những đội bóng làng bên, cũng được những bạn trẻ Anh tình nguyện dạy, trong tiếng trống ồn ào rất đặc trưng châu Phi và nhạc địa phương sôi động. “Đội mình vào được bán kết đấy nhé, nhưng thua ở loạt luân lưu 11 mét. Chắc lúc đó trông mình buồn lắm nên một cầu thủ trong đội mình chạy đến bảo: “Thầy Rob đừng lo, đó chỉ là trò chơi thôi mà!” và cả đội xúm lại an ủi mình trong khi đúng ra mình phải an ủi mới phải. Quả là những kỉ niệm vui quá chừng!”

Theo tờ The Observer gần đây, những bạn trẻ Anh làm tình nguyện trong “gap year” của mình có thể sẽ được chính phủ trả tiền học phí khi học đại học. Sáng kiến này nhằm khuyến khích thanh niên làm từ thiện nhiều hơn, đồng thời giúp đỡ những bạn trẻ gia đình thu nhập thấp hơn có điều kiện du lịch trong “gap year” của mình. Nhưng mục đích lớn nhất của chính sách này vẫn là giúp làm thấm nhuần ý nghĩa trở thành tình nguyện viên cho cộng đồng không chỉ trong “gap year” mà cho cả cuộc đời.

Mặc dù ở Anh đến nay đã có hơn ba triệu bạn trẻ thực hiện những hoạt động tình nguyện dưới nhiều hình thức khác nhau, Gordon Brown - bộ trưởng tài chính Anh - vẫn muốn nhiều bạn trẻ giúp đỡ những nước đang phát triển trên thế giới, đúng theo tinh thần của chương trình Make Povety History (tạm dịch: biến đói nghèo thành quá khứ) mà chính phủ Anh vừa phát động cho cả nước vào năm 2005.

Hiện nay, để đăng ký tham gia với những cơ quan hay công ty tổ chức những chương trình tương tự của Rob, Lucy, hay Pauline, mỗi bạn trẻ phải bỏ ra một số tiền trung bình từ 50 triệu đến 200 triệu đồng Việt Nam chưa kể vé máy bay, cho từ một đến ba tháng làm việc tình nguyện không lương: dù là giúp đỡ trẻ mồ côi Việt Nam, săn sóc sư tử con ở Nam Phi hay chích thuốc cho người nghèo ở Ấn Độ. Vì vậy, phần lớn chỉ có những bạn trẻ gia đình tương đối khá giả mới có đủ tiền đi tình nguyện. Chỉ có khoảng 6 % trong số 50.000 bạn trẻ tốt nghiệp trung học đi gap year chọn đi tình nguyện. Chương trình mới này của chính phủ đã làm nức lòng giới trẻ Anh và đã nhận được rất nhiều sự ủng hộ từ giới kinh doanh. Trong giai đoạn đầu, chỉ riêng sáu tháng nhà tài trợ chính đã tài trợ đến 3 triệu bảng Anh (tương đương hơn 90 tỉ đồng VN) để đóng tiền học phí đại học năm sau cho những bạn trẻ đi gap year vì cộng đồng, và trong giai đoạn sau chính phủ hi vọng sẽ có được thêm từ 6 đến 7 triệu bảng nữa.

Ở Việt Nam, rất cần những chương trình tương tự để khuyến khích các bạn trẻ hoạt động cộng đồng hơn nữa. Dĩ nhiên, những chương trình tình nguyện trong sinh viên học sinh hiện nay, như Mùa hè xanh chẳng hạn, hoàn toàn do các bạn tự ý thức và có tấm lòng chia sẻ yêu thương, không chỉ vì hỗ trợ về tài chính mà đăng ký tham gia. Nhưng những hỗ trợ nhất định về tài chính ấy sẽ khuyến khích các bạn tham gia nhiều hơn và cũng cảm thấy an tâm hơn, nhất là đối với những bạn muốn đi tình nguyện nhưng hoàn cảnh tương đối khó khăn. Đây quả là một điều rất nên học tập từ những nước tiên tiến trên thế giới.

(Theo Observer, Guardian)

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3

Nhấp vào liên kết https://temu.to/k/ujciw7voi7k để nhận gói giảm giá 1.500.000đ!! 
Một bất ngờ khác cho bạn! Nhấp https://temu.to/k/uh1qtggbvfr để kiếm tiền cùng tôi!