Ngón Tay Mình Còn Thơm Mùi Oải Hương - Chương 15 - Phần 2 (Hết)

Hội chợ phù hoa

Bài viết này không nhằm mục đích bàn đến tiểu thuyết nổi tiếng Hội chợ phù hoa (Vanity fair) của William Makepeace Thackeray, chỉ mượn tựa để nêu lên một vấn đề đáng suy nghĩ trong giới trẻ Việt Nam hôm nay: sỏ thích tiêu xài để chứng tỏ mình “bằng chị bằng em”.

Cách đây vài tuần, anh chàng giữ xe trong một quán cà phê nội ở Sài Gòn vừa dắt xe cho tôi vừa hỏi: “Chừng nào chị về “bển” lại?”. Ngạc nhiên, tôi hỏi: “Bển nào? Người Việt mà.”, anh chàng khăng khăng: “Chị ơi, chị là Việt kiều em cũng không lấy tiền thêm đâu, giấu làm gì! Người Việt bây giờ ai mà đi chiếc Cub 81 như chị.” (?)

Kể chuyện cho mấy đứa bạn cũ, tụi nó cười ngặt nghẽo: “Thì đúng rồi, thời buổi này mấy ông chạy xe ôm còn đi xe xịn hơn.”

Quả thật, mới xa nhà có mười mấy tháng (chứ không phải mười mấy năm đâu nhé) mà tôi thấy mình quê mùa hết sức. Ngoài đường phố Sài Gòn bây giờ chạy toàn xe tay ga @, Dylan, Spacy, hay chí ít cũng Attila. Vậy là tôi trở thành Việt kiều trong mất anh chàng nọ - và có lẽ của nhiều người khác không biết chừng - nhờ đi chiếc Honda cũ kĩ. Có điều chiếc xe “bôi bác” như nguyên văn lời đám bạn tôi mô tả này rất có ích trong những quãng đường ngập nước, ngay cả khi những chiếc xe máy đắt tiền chủ xe phải khổ sở xuống dắt bộ. Cô bạn thân lương mỗi tháng chỉ 1,5 triệu đồng, mỗi lần gặp là than thở những khoản đám cưới, sinh nhật… ngốn hết số tiền còm cõi, nhưng vẫn tậu cho mình một chiếc xe tay ga xịn đàng hoàng. “Rồi xe hư tiền đâu mà sửa?”. Cô nàng cười: “Thì tới lúc đó tính, chứ bây giờ ai cũng đi xe này, mình đi mấy chiếc cũ quê thấy mồ! Ở Sài Gòn còn đỡ, ra Hà Nội mà coi. Xe Dream, Wave đã lạc hậu sáu, bảy năm nay rồi đó.”

Tôi có đọc một bài về tình hình xe máy ở Việt Nam, những con số đáng giật mình. Bộ công nghiệp đã dự đoán đến năm 2010 số lượng xe máy được sử dụng ở Việt Nam sẽ lên đến 16,6 triệu chiếc. Việc người người đua nhau mua xe “xịn” làm tôi nghĩ ngay đến tâm lý “sức ép từ những người đồng trang lứa” (tạm dịch từ tiếng Anh: peer pressure), khi ta tự nhiên cảm thấy phải làm một điều gì đó vì xung quanh ta ai cũng có. Đánh vào tâm lý này, các nhà sản xuất tha hồ hốt bạc ở Việt Nam vì nói theo ngôn ngữ bình dân, “người Việt nghèo mà ham sài sang”. Có lần tôi sang Thụy Sĩ, thấy ngoài đường chạy xe đời cũ của Toyota hay Ford, có cả xe Hàn Quốc nữa, mới bảo anh bạn người địa phương: “Cứ tưởng dân Thụy Sĩ giàu ai cũng chạy Audi với BMW.” thì được biết: “Có xe gì chạy xe nấy chớ, miễn là còn tốt, không hao xăng, không chết máy thì thôi.”. Mới đây tình cờ đọc cuốn Mười vạn câu hỏi vì sao có đề cập đến sức ép tâm lý này (mà sách gọi là “hiệu ứng theo đàn”), tôi thấy câu trả lời khép lại với: “Nói chung, người có trí thông minh càng cao, tinh thần càng vững và quan điểm riêng càng mạnh, càng khó hành động mù quáng theo đàn.”. Mà phải đâu giới trẻ Việt Nam mình không thông minh? Những giải thưởng quốc tế về giáo dục cũng như việc sinh viên ta ở nước ngoài lúc nào cũng học tập xuất sắc hơn người chứng tỏ trí thông minh của chúng ta có thừa. Vậy phải chăng tinh thần giới trẻ chúng ta không vững và quan điểm riêng không mạnh, nên nếu hình thức bề ngoài không “sang trọng”, đắt tiền bằng người khác lại cảm thấy bất an?

Tuần trước, tôi đang đi dạo quanh Diamond Plaza tìm mua một ít đồ dùng (mỏi cả chân cuối cùng cũng chỉ mua được… một cái gối vì đồ trong này mắc quá) thì có tin nhắn trong điện thoại cầm tay. Sau khi tôi đọc xong tin nhắn và gửi trả lời, định cất máy vào túi, có một đôi bạn trẻ khoảng chừng mười chín, hai mươi tuổi bước lại hỏi: “Chị mua cái Motorola này ở nước ngoài phải không chị?”. Đúng là chiếc điện thoại này khá hiện đại, tôi được tặng và đã dùng hơn một năm ở Anh, nay đem về Việt Nam dùng luôn, nhưng bề ngoài rất bình thường không có vẻ gì “lộng lẫy” như trong những quảng cáo điện thoại di dộng nhan nhản trên các phương tiện thông tin ở đây hết. Tôi gật đầu xác nhận nhưng vẫn không giấu vẻ ngạc nhiên: “Bộ hai đứa em bán cửa hàng điện thoại hay sao mà rành quá vậy?”. Cô gái nọ liếc anh bạn trai đi cùng: “Thấy chưa?” rồi trả lời tôi: “Thì mua xài, rồi đổi điện thoại mới riết rành luôn. Cái điện thoại của chị ở Việt Nam không có đâu.” Khi tôi hỏi còn trẻ lấy tiền đâu đổi điện thoại mới hoài thì anh chàng nhún vai: “Ông bà già cho chớ đâu.”

Báo Tuổi trẻ cho biết theo thống kê của công ty nghiên cứu thị trường GFK Asia Pte, trong sáu tháng đầu năm 2005, 1,6 triệu chiếc điện thoại mới đã được bán hết trên thị trường Việt Nam, gấp đôi dự đoán ban đầu, và con số này còn có thể cao hơn nữa vào sáu tháng cuối năm nay. Quả là một mảnh đất màu mỡ cho các đại gia trong ngành sản xuất điện thoại di động. Khi ngồi dự một đám cười, điện thoại anh bạn từ thời đại học ngồi cùng bàn tôi réo inh ỏi. Anh đang nghe chiếc này thì từ trong túi một chiếc điện thoại nữa réo lên, lại phải lập cập xin lỗi người ở đầu dây bên kia để ngừng nói chuyện. Anh xong hai câu chuyện ở hai máy, tôi tính hỏi “Sao phải làm khổ mình vậy trời!” nhưng thôi. Mà đây không phải trường hợp hiếm hoi, rất nhiều người bạn của tôi có hai điện thoại cùng lúc, toàn loại không mới nhất thì mới nhì trên thị trường. Mà cơ khổ, sở hữu nhiều điện thoại nên có lúc nào được yên đâu. Các nghiên cứu trên thế giới đã cho thấy những tác hại của điện thoại di động đến não bộ và cơ thể nếu dùng trong thời gian dài, và còn cảnh báo đến việc dùng điện thoại di động có ảnh hưởng xấu đối với sức khỏe trẻ em. Nhưng dường như người tiêu dùng Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ vẫn bỏ ngoài tai.

Chuyện “hội chợ phù hoa” của Việt Nam không chỉ dừng lại ở đó. Tôi theo bà chị ruột đang là giám đốc marketing và PR cho một khách sạn năm sao của Sài Gòn đến khu Parkson của Saigontourist, mà theo lời bà chị, “dẫn em đi cho biết chứ mỗi lần tới đây chị không mua được gì hết á!”. Quả thật những nhãn hiệu như Dolce & Gabbana hay Versace, ngay cả người nước ngoài cũng phải là dân thật giàu mới mua nổi, lại được bày bán trong này và vẫn có khách hàng. Lúc chúng tôi còn đứng ngoài cửa, một chiếc Mercedes Kompressor bóng lộn dừng lại cho một cô nàng trẻ măng đỏng đảnh bước xuống đi vào. Bà chị tôi bảo: “Mấy con nhỏ đang trong thời kỳ cố gắng “hôi của” từ mấy ông bồ đó mà.”

Chuyện này làm tôi suy nghĩ mãi. Tôi nhớ thời ở Anh, anh bạn thân học cao học cùng trường chở tôi về nhà chơi. Ngang qua một ngôi nhà nọ cách nhà anh khoảng 1 km, anh chỉ: “Hồi học cấp II, tôi đi giữ em cho nhà này nè.”. Ba mẹ anh khá sung túc và ở một khu rất giàu có gần London, chỉ riêng ngôi nhà đã được định giá với số tiền bảng Anh tương đương hàng triệu USD. Tôi ngạc nhiên hỏi: “Đi giữ em bao lâu? Rồi anh có làm gì nữa không?”. “Giữ em khoảng một năm. Hồi nhỏ hơn có đi giao báo, rồi lúc học đại học nghỉ hè đi làm thu ngân siêu thị nữa.”

Giọng anh rất thản nhiên, không tự hào cũng không xấu hổ, như thể đó là một điều rất bình thường. Mà quả đó là một điều rất bình thường, chỉ có điều khi nghĩ về những cô nàng trẻ đẹp trong thời kỳ đi “hôi của”, hay những bạn trẻ thỏa sức lấy tiền cha mẹ đổi điện thoại di động và mua xe đời mới ở Việt Nam, tôi lại thấy nao nao trong lòng.

Thay lời kết

Khi đọc đến trang cuối này, bạn đã cùng tôi đi qua những mùa xứ lạ. Ở Anh tôi không còn dáo dác nhìn xem hoàng tử William có đứng đâu đó không vì đứa bạn gái ở nhà dặn bao giờ thấy “chàng” nhớ chụp hình chung đem về cho coi. Tôi biết được Liechtenstein tuy đá banh dở nhưng giàu nứt đố đổ vách, còn về phần ẩm thực, nếu đến Đức mà chưa vào vườn bia ăn xúc xích với sauerkraut, cũng như đến Bỉ chưa ăn bánh waffle mới ra lò hay sò hấp rượu vang, đến Ý chưa uống cappuccino hay espresso, xem như chưa đến.

Nếu bạn đi Scotland, tôi sẽ dặn nhớ ghé thủ đô vào tháng tám xem liên hoan quốc tế Edinburgh, không chỉ là cơ hội rất tốt để xem các anh Scotland mặc váy carô mà còn để xem những tác phẩm cổ điển nổi tiếng khắp hành tinh. Tôi cũng biết mỗi lần dân Thụy Sĩ khi hôn xã giao phải chìa má ra cho người ta hôn đủ ba “miếng” mới đúng phép, còn ở Tây Ban Nha hôn xã giao lại áp má vào nhau. Tôi cũng thề không ăn uống phủ phê ở Pháp để đến nỗi phải trúng thực hai đêm liền nằm rên hừ hừ, cũng không dại gì chọc ngỗng trời để ngỗng đầu đàn rượt chạy tóe khói như ở Hy Lạp. Những chuyện ma lâu đài xứ Wales không làm tôi sợ nữa, còn đạo chích châu Âu cũng đừng hòng giở trò với tôi sau kinh nghiệm thương đau mất hết tiền bạc giấy tờ hộ chiếu phải vất vưởng như “cùi cơm xác mía” trước giáng sinh ở Áo.

Tôi sẽ không ngạc nhiên khi nghe chuyện ông trung niên người Hà Lan nọ đã có vợ con, bỗng một hôm tuyên bố mình là “gay” và quen một anh chàng hai mấy tuổi, ai đến nhà chơi cũng tưởng anh này là bạn trai của con gái ông. Cũng như không thắc mắc sao đường phố Thụy Điển đầy nhưng ông bố cao lớn tóc vàng vừa trò chuyện rôm rả với nhau vừa đẩu xe nôi em bé vì tôi biết các bà mẹ trẻ đã đi làm để chồng tình nguyện ở nhà giữ con. [Chúc bạn đọc sách vui vẻ tại www.gacsach.com - gác nhỏ cho người yêu sách.]

Hơn tất cả, qua không ít lần hội nghị, gặp gỡ những người bạn cùng trang lứa, tôi càng có cơ hội học tập và trưởng thành. Những người bạn mà tôi từng gặp - đấy là những con người trẻ tuổi sâu sắc trong nhận thức, nhiệt tình trong hành động và chân thành trong các mối quan hệ. Những “thu hoạch” mà tôi chắc lọc từ những bài viết trên đây, chỉ phản ảnh phần nào quan điểm sống của giới trẻ châu Âu ngày nay. Song tôi luôn hi vọng đó là tấm gương để bạn trẻ Việt Nam có dịp soi vào và suy nghiệm với hoàn cảnh của mình.

Tóm lại, dĩ nhiên tôi không dám nhận mình biết rõ châu Âu như dân bản xứ hay những người đã sống ở lục địa xinh đẹp này nhiều năm, song tôi cũng không còn là cô gái ngồi ngẩn ngơ nhìn châu Âu hiện ra dần trong sương sớm trên chuyến xe điền từ sân bay Heathrow bốn năm về trước.

Nhưng lạy trời, những cảm xúc về châu Âu của tôi so với ngày ngơ ngác kia dường như vẫn còn nguyên vẹn.

-- Hết --

Thực hiện bởi

nhóm Biên tập viên Gác Sách:

Sienna – Du Ca – trangchic

(Tìm - Chỉnh sửa - Đăng)​

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3

Nhấp vào liên kết https://temu.to/k/ujciw7voi7k để nhận gói giảm giá 1.500.000đ!! 
Một bất ngờ khác cho bạn! Nhấp https://temu.to/k/uh1qtggbvfr để kiếm tiền cùng tôi!