29. Hiệp hội sản xuất bàn là - Thằng Phỉ - Sử gia

Hiệp hội sản xuất bàn là

Hiệp hội sản xuất bàn là là một nhóm đồng đẳng chung hoàn cảnh bất hạnh: không đẻ được con giai. Một vài thằng bạn mình thành lập ra nhóm này, mục đích là cùng nâng đỡ tinh thần nhau để vượt qua nỗi đau và chia sẻ các kinh nghiệm đối phó với sự kỳ thị của xã hội. Các thành viên trong hiệp hội gọi nhau là viên ngoại, giả dụ như Đinh Hùng Thắng (tức Thắng Kều) là Đinh viên ngoại, Trần Thiệu Nam (tức Nam già) là Trần viên ngoại... Cái bàn là được lấy làm biểu tượng cho hiệp hội, đơn giản vì nó phẳng.

Mình vô tình có biết vài chuyện của một số thành viên trong hiệp hội này, xin kể.

1.

Nguyên Rùa học cùng mình ở Mỹ thuật Công nghiệp. Thằng này giàu, chủ một công ty làm ăn rất phát đạt. Nguyên Rùa đẻ ba con, toàn gái. Nỗi buồn của nó trời biết, đất biết và Châu Điên biết.

Châu Điên chưa vợ, bình thường gọi Khổng Tử là lão dở hơi, nhưng hôm liên hoan họp lớp, trong mâm có mặt Nguyên Rùa, Châu Điên nói:

“Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô. Thánh Khổng dạy là chỉ có chuẩn. Ba con gái chứ mười con gái cũng coi như lông. Tiền sắp núi mà trong nhà đéo có chim cũng vứt!”

Mặt Nguyên Rùa đỏ phừng phừng, mắt chỉ chực nổ.

Mấy đứa ngồi mâm đấy toàn đứa có con trai. Bọn này ái ngại cho Nguyên Rùa quá mới can Châu Điên:

“Mày vừa phải thôi, hoàn cảnh Nguyên Rùa thê thảm thế mà mày còn toang toáng cái mồm làm nhục nó! Mà nhỡ nó nhục quá, nó lăn ra chết đấy thì có phải ân hận cả đời!”

Mặt Nguyên Rùa tái bầm tái giập, như người chết trôi.

Sau này Châu Điên lấy vợ. Vợ Châu Điên chửa, thằng này đưa vợ đi siêu âm, biết kết quả xong thì thất thần ngơ ngơ, trên đường ra cổng viện đâm dúi dụi vào tường. Vợ phải đỡ.

Hôm con Châu Điên đầy tháng, Nguyên Rùa mang chai rượu to đến chúc mừng, nồng nhiệt lắm. Con Châu Điên nằm trong nôi, Nguyên Rùa tới bên, rồi nói với Châu Điên, giọng rất tình cảm:

“Thằng cu nhà mày, trộm vía, chim có vẻ mọc chậm nhỉ!

2.

Lớp mình số cùng cảnh với Nguyên Rùa, Châu Điên không ít.

Vợ Thắng Kều chửa được ba tháng. Bác sĩ khám xong bảo: “Thai khỏe, đạp mạnh thế chắc là con trai!”

Thắng Kều nghe, rồi nhìn loài người cười ngạo nghễ.

Ở đời, thỏa mãn quá thì đâm tởn, làm trò, nên ai mà hỏi vợ sắp sinh con gì, thằng này thảm thiết:

“Buồn quá, vợ nó chửa thằng cu. Mà mình thì lại chỉ thích con gái cho nó tình cảm.” Rồi kêu hu hu, nhưng ánh mắt lóe lên nhâng nhâng, rất hợm.

Vợ Thắng Kều chửa bốn tháng rưỡi, đưa đi siêu âm. Soi mãi, chẳng thấy chim cò đâu. Bà bác sĩ bảo: “Con gái! Trăm phần trăm!”

Vợ Thắng Kều đẻ, con tên Hiền, xinh, kháu. Hôm sinh nhật con Thắng Kều, trong số bạn bè đến dự có Thành Phệ, Huy Sư là hai thằng đẻ hai con toàn giai. Đang nhậu, thằng cu đầu nhà Huy Sư tám tuổi lăm lăm cái thước dây chạy vào nói: “Bố ơi, nhà em Hiền dài 8 m rộng 7 m, nhưng có cái mẩu đất bé tí phía sau con chưa đo được."

Huy Sư nói:

“Chỗ đó con không cần đo, sau này con cứ cho bố mẹ vợ ra ở đấy.

Thì ra Huy Sư đánh hơi thấy Thắng Kều đẻ bướm, nhăm nhăm cho con mình xuống xí làm vợ, ý đồ chiếm đất rất lộ.

Thành Phệ thấy thế liền lôi Thắng Kều ra ngoài chỉ thằng Phệ con mới sáu tuổi đang đứng cạnh vệt nước ri rỉ chảy trên tường, có hình chữ H nằm trong trái tim, bảo:

“Con tao viết bằng chim đấy, nó đăng ký cái Hiền trước rồi. Nhà này chẳng đến lượt cho con thằng Huy!”

Ang áng chiều cao vệt nước trên tường thì nghi hình trái tim là thằng bố đái hộ.

Thắng Kều bật khóc hu hu.

3.

Nam Già, sinh 1965, nhiều tuổi nhất lớp, là lớp trưởng. Gã lấy vợ 8x, trẻ măng măng. Con Nam Già ba đứa, tên đều có chữ “Thị”.

Nam Già mở xưởng làm tranh sơn mài, bán khá chạy. Quê vợ lão ở một vùng trung du, lão về đón hàng chục đứa em út cháu chắt bên vợ lên đào tạo nghề sơn, nuôi ăn trong nhà, lương tháng từ triệu rưỡi đến hai triệu. Mình bảo với Nam Già: “Quê bên đấy phải đúc cái tượng ghi công anh mới phải! Không chỉ tạo công ăn việc làm, mà còn biến một loạt thợ cày thành họa sĩ, đóng góp lớn vào phát triển nguồn kinh tế tri thức địa phương!”

Mà quả quê vợ coi lão như ông thành hoàng. Làng nước thi nhau săn đón gửi gắm.

Bố vợ Nam Già và Nam Già xêm xêm tuổi. Hai bố con thường tửu tay bo với nhau. Rất bình đẳng.

Cũng có lần bố vợ xuống nhà Nam Già ở Hà Nội chơi, nhìn tranh con rể, thấy người ngợm méo mó như quái thai, mông vú thòi lòm lòm...

Vợ dọn mâm, bố vợ con rể rượu vài tuần, biêng biêng, bố vợ chỉ mấy cái tranh bảo:

“Anh Nam phải trau dồi thêm nghề!”

Nam Già ngứa mũi lắm, nhưng vẫn im.

Bố vợ tiếp:

“Trên thị trấn có ông thợ truyền thần, chỉ cần đưa cái ảnh bé ti hin, mà ông ấy vẽ giống y sì sì. Đấy mới là vẽ! Tài thế chứ!”

Nam Già cay mũi quá, nhịn không nổi, mới bảo:

“Bố biết cái gì về vẽ mà cũng thế với không thế! Con mà không quá cố trước bố thì con truyền thần cho bố, xem thằng nào vẽ giống hơn!

Bố vợ cú, bảo:

“Anh mà giỏi thật thì đã đéo đẻ toàn bươm bướm!”

Nam Già ức, bóp vỡ chén rượu. May mà vợ ở phòng trong te tái phi ra, quát cả chồng cả bố lơi xơi, mới tạm yên.

Hiệp hội sản xuất bàn là có Nguyên Rùa làm thư ký hội. Nam Già tuổi tác cao, lại thâm niên làm lớp trưởng, đương nhiên là chủ tịch. Nhưng lão chẳng mặn mà gì với chức, chỉ nhăm nhăm soi thằng nào sắp đẻ bốn con gái, để nhường (xem ra cơ hội này thời nay hơi khó).

Các viên ngoại hàng tháng cũng tổ chức đại hội, lúc nâng ly, hô “Bàn là muôn năm! zhô... zhô... zh... ô”. Nghe tiếng hô thì to, nhưng mặt mày các hội viên ủ ê ngơ ngác. Nhìn, than ôi, rất thương!

Thằng Phỉ

Thằng Phỉ tướng ngủ đoản, bụng phệ, lúc đi chân kéo lạng giạng, lúc chạy thì hùng hục giống con trâu đang phi. Mắt Phỉ nhỏ, môi Phỉ dày như hai con đỉa.

Y chơi với hắn lâu, chưa bao giờ thắc mắc vì sao biệt danh hắn là Phỉ, vì thấy hợp quá, như một sự đương nhiên. Có thể là do công việc gã làm trong ngành khai khoáng, hoặc vì gã là giống ăn tục ở tạp, nên đời gọi vậy.

Phỉ làm xuất nhập khẩu thiết bị khai khoáng, có văn bằng hai đại học ngoại ngữ tiếng Anh. Phỉ thích ăn thịt chó, sang Mỹ, nhìn hộp Hotdog, sướng ci củm, nghĩ Mỹ cũng có thịt chó nóng, liền tha cả mớ hộp, mở ra thấy xúc xích, Phỉ chửi thằng Mỹ lừa có bài có bản.

Phỉ về Việt Nam, kể: “Bọn Mỹ nói, tao nghe chả hiểu. Tao nói, chúng nó cũng chả hiểu”, mình bảo: “Chứng tỏ bọn Mỹ ngu tiếng Anh! ”

Phỉ đi Hạ Long, thuê một tàu ra biển chơi, thấy hòn đảo có bãi cát thì bảo nhà tàu cập vào, Phỉ tụt quần cởi truồng lồng nhồng. Lũ bạn đi cùng (có cả y) cũng lồng nhồng tụt quần theo Phỉ. Tàu du lịch chạy qua, các em gái đứng chi chít trên boong, Phỉ tót lên mỏm đá, cầm quần vẫy, ngúc ngúc ngoáy ngoáy...

Một lát có thuyền nhỏ cập vào đảo, trên thuyền có mấy thằng tây, nhìn bọn y nhăn nhở cười có vẻ tán thưởng lắm. Phỉ chạy ra xì xồ, rồi mấy thằng tây cũng tụt quần đứng vẫy tàu du lịch.

Tắm chán, bọn y trở lại bờ, còn lại lũ tây.

Về đất liền, lúc ngồi ăn ngoài quán, có mấy nhân viên quản lý trật tự cũng vào. Nghe lỏm chuyện thấy mấy nhân viên này nói gặp một lũ tây tắm truồng, bắt nó mặc quần, nó không nghe, còn cãi là sao người Việt cởi truồng được mà chúng nó lại bị cấm, đội quản lý mới xách cả lũ ấy về phạt.

Hỏi Phỉ: “Mày nói gì với mấy thằng tây?” Phỉ đáp: “Tao bảo ở đây nude beach”, rồi nói thêm: “Ngày trước chúng nó cũng lừa mình hotdog!”

Phỉ có hai thằng con giai, một bốn tuổi, một bảy tuổi, khôi ngô học giỏi. Bình thường chúng nó ngoan, nhưng ở với bố lập tức biến thành Phỉ con.

Có lần vợ đi vắng, Phỉ kéo bạn bè về nhà nhậu trên tầng thượng. Hai thằng con cũng ngồi đấy ăn mì xào. Hai thằng con không có thìa, Phỉ lại đang mải nhậu, lười xuống nhà lấy thìa, bèn bảo con: “Ăn mà có thìa ai chả ăn được. Không có thìa mà ăn được mới giỏi”, hai thằng liền trèo lên bàn, lúi húi bốc mì nhét bỏ mồm, một lúc sạch đĩa, sợi mì dây rớt lòng thòng cổ, thòi cả lỗ mũi. Vợ Phỉ về, hỏi con: “Ai dạy ăn kiểu ấy?” Hai thằng chỉ bố, vợ Phỉ bảo: “Hay ngày xưa anh bùa bả gì, chứ tại làm sao em lại lấy anh nhỉ?”

Phỉ có dáng lạng giạng lạch bạch, khi mặc sịp, phía trước bụng ưỡn, đùm dưới trễ lồi. Một lần đi tắm biển, y nói với bà chủ quán trên bãi biển, nơi Phỉ vừa ngồi uống nước: “Thằng kia vừa thủ của u lon Bò húc”. Bà chủ quán te tái chạy theo chỉ đùm dưới Phỉ: “Cậu cho u xin!” Vợ Phỉ đi cạnh vội vàng bảo: “Xin cái gì thì xin, chứ cái này không xin được!”

Y thầm nghĩ: “Bùa bả của gã ở đấy chứ còn ở đâu nữa!”

Sử gia

Sử gia

Thời Xuân Thu. Thôi Trữ sau khi giết vua Tề, ra lệnh cho thái sử Bá phải ghi vào sử: “Tề Trang Công bị bạo bệnh mà chết”. Bá ghi: “Năm Ất Hợi, tháng Năm, Thôi Trữ giết vua”. Thôi Trữ nổi giận lôi Bá ra chém. Bá có ba người em cũng là sử quan. Hai người noi gương anh đều bị chém. Người em út vẫn điềm nhiên viết: “Năm Ất Hợi, tháng Năm, Thôi Trữ giết vua.” Trữ quát: “Ba anh ngươi đều đã bị chém, ngươi không sợ sao?” Người này nói: “Việc của quan thái sử là ghi lại sự thật, nếu xuyên tạc thà bị chết chém còn hơn”.

Sở dĩ kể lại câu chuyện thời Xuân Thu bởi cách đây vài năm y bắt đầu viết Y và những gã - là tập hợp những bài viết của y về bạn bè - một dạo đăng ở blog laothayboigia. Có thằng đọc xong những bài viết này rồi bảo: “Bọn mình giờ có thằng chép sử”. Thành thật, y cũng thấy vui và vênh với cái danh hiệu sử gia, cho dù chỉ là sử gia của một “bọn”.

Cái nghề làm sử vốn dễ chuốc oán!

Vợ Sỹ Phò - nhân vật chính trong khá nhiều bài viết của y - khi đọc cuốn “sử” này, liền chỉ mặt chồng: “Sống như cái loại ông ngày xưa thì đừng bao giờ mở mồm ‘con hư tại mẹ’ nữa nhé!” Không cãi được vợ, giữa đêm Sỹ Phò gọi điện cho y, chửi.

Vợ Nam Già đẻ đứa thứ ba, lại vẫn là gái. Biết Nam Già buồn, y mới viết bài an ủi lão, rằng: “Đẻ được con trai thì đương nhiên là sang, nhưng đẻ con gái cũng có ba bảy đường. Như vợ anh Nam là nữ nhi hào kiệt đái vượt ngọn dừa thì chắc hẳn con gái đẻ ra cũng anh hùng lắm lắm!” Một bữa xuống nhà Nam Già nhậu, nhìn mặt vợ lão hằm hằm, làm y cứ phải trông chừng bát, vì lo thị ngầm bỏ thuốc chuột.

Năm kia y viết Hiệp hội sản xuất bàn là kể về nỗi đau của một nhóm đồng đẳng sinh con toàn bướm. Thế rồi một lần thuê tàu ra biển chơi, bảy thằng có tên trong hiệp hội này hè nhau ném y xuống biển.

Những lời nguýt ngoéo chửi rủa, những hiểm nguy rình rập tính mạng... từ hồi Y và những gã ra đời đến giờ không thiếu!

Dẫu biết việc biên sử dễ chuốc oán, nhưng đã trót mang nghiệp vào thân thì không thể thẹn với lòng. Còn hay dở ra sao, xin để người đời phán xét.