33. Bố vợ mình - Đồ cúng - My English
Bố vợ mình
Bố vợ mình là bộ đội, lúc về hưu là đại tá. Mẹ vợ mình cũng là bộ đội, làm cấp dưỡng, rồi làm thủ quỹ, về hưu là đại úy. Hồi chiến tranh bố vợ mình vào B, bom B52 nổ thùm thùm trên đầu, bố chẳng sợ, nhưng về nhà bố hơi bị sợ, mà không, gọi là “nể” vậy... mẹ vợ mình!
Nhà vợ mình có ba cô con gái, mình về làm rể thứ hai trong nhà. Bố vợ mình gọi con rể là “ông”, xưng “mình”, có lúc gọi “ông”, xưng “tao”.
Bố vợ mình là đảng viên, mẹ vợ mình là đảng viên, chưa hề bỏ họp chi bộ. Chị vợ và em vợ mình làm cho hãng của Mỹ. Mình hay ăn nói nhảm nhí, nên bố nói: “Ông là vô chính phủ lắm!” Cộng thêm vợ mình làm cho phi chính phủ, bố nói: “Cái nhà toàn theo tư bản, phi chính phủ thì lấy vô chính phủ. Diễn biến hòa bình tới nơi rồi!”
Thịt chó là món bố vợ mình mê mẩn. Nhưng mẹ vợ mình ghét món này. Ba cô con gái cũng ghét món này cay đắng. Bố thành cô đơn.
Hôm vừa rồi mình mua thịt chó về nhà mời bố đánh chén. Mẹ vợ mình vì nể con rể, nên chỉ cau mày chứ không ra mặt phản đối. Mình hồn nhiên lấy mâm, bày đủ bộ thịt chó, mắm tôm, lá mơ, riềng, sả... giữa nhà.
Đầu tiên bố ậm ừ, hơi tần ngần.
Rồi bỗng hào khí nổi lên, bố xách ra chai rượu sâm...
Các thế lực thù địch thịt chó lượn lờ quanh bố con mình như sẵn sàng úp bom.
Rượu vài tuần, thịt chó ngót ngót ba phần, bố vợ mình nói:
- Bao nhiêu năm ở nhà này mình toàn phải ăn giấu, giờ có thêm ông, mới có ngày thịt chó phát hương quang đại!
Mình ngà ngà, nói:
- Bố ạ, sau sự kiện hôm nay, con đúc kết được quả chân lý…
- Là gì?
- Là một khi đàn ông chúng ta đoàn kết lại, thì không một thế lực tàn bạo nào đàn áp nổi!
Bố vỗ đét đùi, rồi bố nói to, giọng sang sảng như chỉ huy chiến trường:
- Kể cả thế lực hung hiểm như đàn bà.
Hai bố con mình nhìn nhau, rưng rưng...
Sau bữa thịt chó, bố vợ mình bắc ghế lấy trên bếp một cái roi đưa cho mình, nói:
- Cái này ngày xưa tao dùng để dạy vợ ông, giờ tao tặng lại cho ông, coi như là chuyển giao thế hệ.
Nhận món quà, mình vô cùng xúc động, mình thầm hứa sẽ không phụ tấm lòng của bố.
Đồ cúng
Dạo mình đi thuê xưởng vẽ, có lần mình phải thuê lại hợp đồng của một tay cũng thuê nhà, tay này dọn đi chỗ khác mà chưa ở hết thời gian ký với chủ nhà. Hôm bàn giao nhà cho mình, hắn gạ mình mua vài cái đồ vớ vẩn hắn ngại mang theo, như bộ giát giường, mấy cái móc quấn áo sắt tây lắp trên tường, gương, tủ giấy... hắn bảo hắn tính rẻ. Mình gật, vì thấy cũng rẻ thật. Lúc bàn giao nhà, hắn chỉ bộ tượng Tam đa bày dưới đất, bảo: “Anh khuyến mại chú thêm mấy ông Phúc Lộc Thọ mà thờ!” Mình “ô kê, thanh kiu!”
Vài lần mình tìm hiểu sự tích tượng Tam đa, thấy lý lịch rất mơ hồ, thậm chí còn mâu thuẫn, vì có sách bảo các ông là trung quan, có sách lại bảo là tham quan, có sách nói các ông là tiên - nguyên khí của Lục Bạch Kim Tinh, có sách lại bảo các ông là biểu tượng thổ công thổ thần... Cá biệt có tích kể rằng cái ông Thọ tuy sống rất dai, nhưng cho đến chết vẫn là đồng tử, tức là chưa hành dâm lần nào. Mình nghĩ vẩn vơ: chả hiểu sống mà thiếu cái món dâm dê thì dai để làm gì?!...
Nhưng trong các vị hay được thờ thì mình khoái mấy ông này nhất, vì trông các ông mũm mĩm, ngồ ngộ. Vả lại thờ các ông có vẻ đơn giản. Mình thấy nhiều người đi chợ về thả tiền thừa vào đĩa trước mặt các ông. Khi nào cần tiền lẻ họ lại rút vài tờ, mồm bảo “Vay ông”. Xem thế thì biết các ông là người bình dị dễ dãi, thờ mà như nuôi.
Thắng Kều (gọi tắt là Kều) học Mỹ thuật Công nghiệp cùng mình. Dạo Kều mới mua nhà ra ở riêng, hôm dọn nhà nó ra chợ mua ít bát đĩa, thấy hàng đó có bán mấy ông Tam đa bằng sứ, thì mua luôn. Kều ních ba ông trong làn, cùng với mấy thứ rau dứa, mắm, muối, thịt chân giò... xách về.
Nhập hộ khẩu nhà Kều, ba ông được bày lên mẹt tre, sắp cạnh chân giường. Đồ duy nhất các ông được dùng là thuốc lá, vì Kều thường vứt bao thuốc dưới mẹt thờ, khi nằm rút điếu cũng tiện, lại sẵn có cái đĩa trước mặt ba ông để dụi tàn thuốc. Nhìn các ông mốc thếch, ám khói, vô cùng bê tha.
Lần mình đến nhà Kều chơi, Kều vừa thua lô, liền đi mua thịt chó về ăn giải đen. Mình thấy mấy ông thảm quá, nên lúc Kều xách xe đi mới dặn với theo: “Nhớ mua thêm tí gì mà cúng nữa, cho lộc lá nó tươi!”
Khi về, Kều có mua dăm quả táo sắp trước mặt ba ông, rồi khấn:
- Ba ông liều liệu mà phù hộ cho con kiếm ăn được, vì con mà có kiếm ăn được thì các ông cũng mới được ăn!
Rồi nó nhặt táo ngoạm ráu ráu, như đẽo... lộ cả lõi, nó đặt trả lại đĩa, nói tiếp:
- Không phải thằng này bắt các ông ăn thừa mà tại cái hàng Tàu là lắm thuốc sâu, cắn trước thế để nhỡ thằng này có vạ, các ông biết đường mà phòng!
Chiều, Kều trúng đề, trúng cả xổ số. Thế mới thấy cái thiêng của các ông là thật chứ không phải đùa!
Thông thường mình thấy bộ tượng Tam đa làm bằng gốm sứ; cao cấp hơn thì làm bằng đồng, gỗ quý... cao cấp hơn nữa thì bằng ngọc. Nhưng đặc sắc, có bộ tượng của gã bạn mình...
... Gã này biệt danh là Thần Sấm, vốn làm điêu khắc. Một lần gã đi qua bãi thu gom phế liệu, thấy đống tôn sắt phế liệu ép thành từng kiện, gã tha về. Hôm mình qua nhà gã, Thần Sấm chỉ cho mình giới thiệu tác phẩm mới: Phúc - Lộc - Thọ. Đó là ba khối sắt lù lù, những lá thép giờ được ghép thành áo, sợi thép uốn thành râu tóc; chân hương gài chi chít, như chông. Chẳng thể phân biệt ông nào là ông nào!
Tác phẩm để phơi ngoài sân, con chó nhà gã cứ nhè vào đái. Mấy cục cứt chó tròn vo bày trước mặt ba ông này, trông như viên xôi.
Sau này chẳng hiểu bằng cách nào Thần Sấm bán bộ tượng này cho một thằng tây. Thằng tây đưa các ông về tây.
Cũng mong các ông xuất ngoại may mắn hơn! Chứ ở bên này trông các ông phơi nắng mưa hoen gỉ bê bết, hàng ngày lại bị chó nó “cúng” cho mấy cục, thảm quá!
Trở lại chuyện mình thuê xưởng vẽ...
Ở khu vực đấy cũng có sinh viên nữ một số trường đại học thuê nhà trọ, nhưng phần đa là chị em làm mát xa và karaoke. Mình tạm chia ra cho dễ phân biệt là khối Trí thức và khối Dịch vụ.
Không ít lần mình mon men làm quen với khối Trí thức, nhưng họ chỉ đáp chiếu lệ, rồi lảng lảng. Có lẽ do cái mặt mình nó cũng hơi “vấn để”. Bị hắt hủi mãi, kiên nhẫn hết, mình từ bỏ cái ý định kết giao cùng khối này.
Ngược lại, bên khối Dịch vụ tiếp mình nồng hậu. Nghề của họ và mình có cùng điểm chung là dậy muộn. Gần trưa, chị em đi làm, ríu rít như chim ri. Nhiều cô còn dặn: “Khi nào bọn em đi, anh đón ngõ nhé. Ra ngõ gặp giai, cho nó đỏ.” Cái việc họ nhờ thì đơn giản, chẳng vất vả gì, còn âm ỉ vui vì thấy mình tốt vía.
Chị em Dịch vụ thu nhập không tồi, thường xài sang, toàn giặt tiệm. Mình vẽ quần áo lem nhem, đi ngang có em nói: “Anh có đồ gì bẩn, vứt vào đây, em đưa giặt một thể.” Mình lười, được thế còn gì bằng! Chưa kể có mấy nàng chuyên ngành karaoke, đêm về qua nhà thỉnh thoảng ném vào bao thuốc hút dở. Chắc ngồi bàn nhặt của khách. Mình hay xưng với họ là “Bản mỗ”. Các cô này quen, rồi gọi mình thỏn lỏn là “Mỗ”, xưng em.
Một hôm mình lên ban công, nghe thấy nhà bên có giọng nữ rủ rỉ:
- Tối trước mơ bắt được con rùa, nên chọc lô 33. Mấy hôm rồi chẳng thấy ra!
- Nam thòi nữ thụt, mình là nữ, mơ rùa thì phải đánh 32.
- Ờ, 32 nổ mấy hôm nay rồi! Ngu thế!
- Mà đã ngu thì mơ thì phải kể!
- Xời, ai biết!
- Thế hôm qua có mơ con gì không?
- Không!
- Chán nhỉ!
- Hay cứ tắm táp cho mấy bố này cho mát mẻ, rồi khéo ngủ lại mơ...
Mình tò mò ngó sang, thấy bên bể nước, có hai cô nàng thuộc khối Dịch vụ đang kì cọ bộ tượng Tam đa.
Các ông Phúc Lộc Thọ ở nhà mấy cô này được chăm sóc chu đáo. Ban thờ chẳng bao giờ lạnh, đồ lễ như hoa quả kẹo bánh rất sung túc, lại được tắm rửa luôn. Trông vị nào vị nấy sáng bong tinh tươm, dáng dấp ra chừng phởn phơ.
Cô nàng vừa ca cẩm thua lô vớt ba vị khỏi chậu nước, tỉ mỉ lau khô cả đầu, cổ, nách, mông... từng vị, rồi đặt trả về ban thờ. Nhưng điệu bộ em vẫn như còn điều gì phân vân, thế rồi em cầm ba vị lên lại, vạch áo... gí gí mồm từng vị vào ngực, miệng nựng:
- Các ông ơi, tu tỉ tu ti này! Rồi cho con ăn lô hai nháy nhé!
Nói xong, em toẻn nụ cười xinh lắm, day day ngón tay vào trán ông Lộc, đay yêu:
- Ghét cái mặt...! Dâm dâm lắm cơ!
Mình ngó đến đây, sực nhớ ra nhà bên mình cũng có mấy ông Tam Đa, mới trèo mồm sang, nói:
- Em ơi, nhà bên này có tận bốn ông Phúc, Lộc, Thọ, Mỗ. Nếu em cần làm phép thì cứ lấy thêm về mà dùng. Cho tăng độ thiêng!
Phát hiện có người chứng kiến cảnh “tu tỉ tu ti”, em hơi ngượng, bảo:
- Eo! Mỗ tởm!
My English
Thằng David
Cách đây vài năm, có lần mình chat với một em, trong câu chuyện em nói “maybe” mình hỏi “maybe là gì?”, em nói mình giả vờ, mình bảo mình không hề giả vờ, em không tin, vì cho rằng người có dốt tiếng Anh mấy thì những từ thông thường thế cũng không thể không biết! Mình đành phải thề thằng Nguyên nói điêu thì làm con chó, em vẫn có vẻ không hẳn tin.
Rồi mình lấy vợ. Vợ mình làm nghiên cứu sinh ở Mỹ, sống bên đấy năm sáu năm, việc đầu tiên sau khi lấy mình là vợ bắt mình học tiếng Anh, do vợ dạy.
Gần đây có thằng bạn thân của vợ là David từ Mỹ sang chơi vài tuần, nhà mình đang thừa một buồng, thằng David ở đấy. Hôm nó mới sang Việt Nam, mình căng status trên Facebook:
“Nhà mình vừa nuôi một thằng David. Thằng này học cùng vợ mình ở Michigan. Thằng David rất dốt tiếng Anh, vì mình nói tiếng Anh, nó đéo hiểu!”
Thằng David cao to, đầu trọc lốc, lại thích bia, giống mình. Cứ buổi chiều nào nó ở Hà Nội là mình với nó nhậu. Ban đầu hai thằng còn ngồi nhà uống bia lon bia chai, vài buổi sau mình lôi nó đi bia hơi, bia cỏ, cả bia vi sinh loại một đô sáu cốc bán ở vỉa hè, tóm lại lung tung xòe... (tất nhiên là không bia ôm). Vợ mình mua cho mỗi đứa một quyển song ngữ, đoạn nào nói được thì nói, đoạn nào không nói được thì giở sách chỉ chữ. Riêng mình có thêm giấy và bút chì để bí nữa thì minh họa.
Mình với thằng này buôn đủ thứ chuyện, từ chuyện nhậu nhẹt, chuyện thịt rắn thịt rết, chuyện đàn bà, chuyện nỗi khổ của thằng đàn ông bị vợ dạy dỗ đánh đập...
Thằng David cũng lạ, cứ bia vào là trình tiếng Anh lên ầm ầm. Sau dăm bữa như thế mình nói gì nó cũng hiểu. Có lần qua hồ Trúc Bạch, mình chỉ chỗ John McCain bị bắn rơi, nó chụm bàn tay, xòe ngón cái ngón út khoát một vòng, miệng kêu èn èn èn... bùm.
Tóm lại là đến hôm nó về nước, hai thằng hiểu nhau hơi bị sâu.
Lúc chia tay, mình ôm nó, nó ôm mình, thằng David bập bẹ tiếng Việt: “Tao sẽ nhớ mày, đ. mẹ!”
Mình ngưỡng mộ mình quá!
Gút gút lắc lắc
Tiện đây mình cũng đăng lại một truyện thời xưa viết ở blog laothayboigia Yahoo 360, dưới dạng thư ngỏ. Truyện này kể về mình, thật 100 %. Thằng Nguyên nói điêu thì làm con chó!
(Nhân vật Agiu là một fan nữ của câu lạc bộ Arsenal, có biệt hiệu AG (viết tắt của Arsenal girl). Hồi ở Yahoo 360, mình mê tít cô này, nên gọi Agiu (viết tắt của AG - iu), cho tình cảm!)
“Agiu ơi! Bói kể cho mà nghe chuyện này mới tinh.
Nhưng Agiu phải ha đi! Hứa là Agiu không cười Bói, không khinh Bói! Cơ mà Agiu không hứa thì Bói xẩu hổ chết mất!...
Để Agiu hiểu chuyện, thì khoan, Bói kể cho Agiu hình dung về trình độ tiếng Anh của Bói...
Hồi học sinh, Bói học một tí tiếng Nga. Sau này Bói đi học tiếng Anh ở trung tâm ngoại ngữ, học ba lần bằng A, nhưng lần nào nhiều thì được bốn buổi. Mà lạ, cái đầu Bói học nhảm học nhí đến nhanh, học ngoại ngữ thì ngu không tả xiết! Nhưng ai hỏi Bói: ‘Trình độ ngoại ngữ đến đâu?’, Bói nói: ‘Tiếng Nga thì biết ít, chứ tiếng Anh, Pháp thì lưu loát không khác gì nhau!’
Agiu có hiểu ‘không khác gì nhau ở đây là thế nào không? Chắc Agiu biết thừa! Nhưng nói lập lờ thế đỡ bị mang tiếng điêu, mà đời nghe chưa biết chừng, còn choáng!
Mà nhé! Vẫn phải nhắc Agiu nhớ, là không được cười được khinh Bói đâu đấy! Rồi Bói kể tiếp cho mà nghe...
... Bói hay chat với cô bạn thân, cô này đang ở Đức. Một lần cô ấy thấy webcam của Bói mờ mờ mờ, thế là cô ấy bảo sẽ gửi cho Bói một cái webcam thật xịn. Nhân gã bạn của Bói làm ngân hàng sang Đức dự hội thảo, cũng là người quen của cả hai, cô ấy nhờ gã này đem webcam về cho Bói luôn.
Đây là mấy đoạn Bói chat với Chi và Huy. Bói copy ra cho Agiu đọc nhé.
Với Chi
Chibot: thế anh nhận được webcam chưa?
laothayboigia: nhận được rồi, cực nét, nhưng không truyền được hình ảnh ra mạng
chibot: anh phải cài cái phần mềm của webcam
laothayboigia: thế à
chibot: anh download phần mềm chưa?
laothayboigia: anh cũng đang thắc mắc vì không thấy đĩa cài
chibot: thế anh Huy không chỉ cách cho anh rồi
chibot: anh vào google tìm phần mềm rồi download xuống
chibot: em bày cho anh Huy rồi, anh ấy sẽ chỉ cho anh
Với Huy
laothayboigia: ông có biết trang download phần mềm cài webcam không?
ong dat: ông vào google tìm cái trang chủ của hãng sản xuất ghi trên webcam
ong dat: gõ mấy cái thông số ghi trên webcam laothayboigia: ok
ong dat: cái hãng sản xuất nó có trang chủ đấy.
laothayboigia: ok
ongdat: cứ search google
ong dat: good luck!
ong dat: tôi out đây
laothayboigia: google gõ từ khóa gì hả ông?
ong dat: good luck!
Bói kể tiếp Agiu này.
Hôm qua, nghe qua điện thoại Agiu thấy ấm ĩ không? Trong lũ tụ bạ đấy có cả gã bạn Bói đi Đức về. Cũng hôm qua gã này hỏi Bói:
‘Thế webcam dùng thế nào?’
Bói nói:
‘Vẫn chưa download được phần mềm!’
Gã nói:
‘Search google là có mà!’
Bói nói:
‘Tôi gõ Good luck, nó ra đến mấy trăm trang, chả biết trang nào mà download!’
Gã nói:
“Sao lại gõ Good luck[1]? Phải gõ tên hãng rồi vào tìm thông số ghi trên webcam chứ!”
[1] Chúc may mắn
Bói khi đó ngớ ra:
‘Tôi cũng định search thế, nhưng thấy ông cứ good luck good luck, mới tưởng good luck là từ khóa!’
Có bảy thằng ngồi đó, thì sáu thằng nằm oại ra đất cười. Còn Bói tẽn tò sao, chả nói, chắc Agiu
Agiu! Agiu, phải nhớ Bói dặn từ đầu rồi nhé, cấm Agiu cười, cấm Agiu nhạo, vì Bói đang nhục! Nhục kinh hoàng!... Mà chả hiểu sao chuyện lây đến nhanh! Cả ngày hôm nay, Bói mở điện thoại ra, thấy có mấy tin nhắn, ghi mỗi là: Goodluck!”
Vụn vặt ký ức nhân xem một bức ảnh
Bức ảnh này của một phóng viên nước ngoài chụp năm 73 ở Bách hóa Tràng Tiền.
Mình cũng sinh vào những năm 70 thế kỷ trước, nên gặp “thằng cu” trong bức ảnh, cứ thấy quen quen, như gặp lại mình một thời, thì ghi ra vài vụn vặt ký ức, thời xưa...
Những năm học cấp một nhà mình ở sau Nhà hát lớn. Hàng ngày đi học qua nhà hàng BODEGA Tràng Tiền, hôm nào mình cũng thèm đến ngơ ngẩn ba thứ: kem, phở, và bánh ga tô. Rồi mình tự nhủ: mai kiểu gì cũng sẽ xin ba năm hào để mua kem, chỉ là kem thôi, bởi mình biết kem thì rẻ nhất. Nhưng rồi hôm sau lại không dám mở mồm xin, để lại đi qua Tràng Tiền, lại thèm, lại tự trách mình và đau khổ...
Hồi lớp bốn, mình được một người quen tặng đôi dép nhựa mua ở Sài Gòn. Mình chơi đá bóng ở trường, bỏ dép ở gôn, rồi bị lấy mất. Về nhà, khi chui vào gầm giường lục đôi dép cao su trước đây ra đi lại, mình nằm trong đó một lúc, để âm thầm khóc.
Lúc đó năm tuổi (mình vẫn nhớ) đi học mẫu giáo, quần mình mặc đến lớp mẹ thường bỏ không khâu phần trước quần để chim thòi ra cho dễ đái. Bọn con trai trong lớp mẫu giáo nhiều đứa được bố mẹ thiết kế quần như mình.
Ở nhà mẹ mình thường bảo: “Nguyên cho mẹ miếng chim đi?” Thế là mình cầm chim, làm như ngắt một cái, rồi đưa mẹ. Mẹ làm bộ ăn rồi khen: “Ngon quá.”
Lớp mẫu giáo của mình có bạn Hương Giang rất xinh và ngoan. Mình mê bạn Hương Giang lắm. Một hôm cô giáo đổi vị trí ngồi của cả lớp, thế nào mình lại được ngồi ngay cạnh bạn Hương Giang, mình sướng mê. Lúc ấy mình muốn tặng bạn Hương Giang cả quả đất. Nhưng mình còn bé quá, chẳng có gì.
Chợt nhớ mẹ vẫn thường xin mình miếng chim, ăn và khen ngon, mình liền cầm tay bạn Hương Giang nhét cửa quần: “Cho ấy miếng chim này, ăn đi, ngon lắm.”
Chả hiểu sao bạn Hương Giang tự nhiên òa khóc.
Hôm đấy cô giáo phết cho mình hai cái vào mông, tuy không đau, nhưng trái tim mình tan nát.