Dàn nhạc đỏ - Phần I - Chương 09

Chương 9

Truy lùng Fantomas

Sau vụ Fantomas, Isaiah Bir và Alter Strom bị kết án ba năm tù. Cuối năm 1936, hai anh được tha và cùng sang Liên Xô. Cho đến lúc đó An ninh Pháp và tình báo Liên Xô đều cho rằng toán Bir bị vỡ là do nhà báo Riquier của tờ Nhân Đạo (l’Humanite) đã làm tay sai cho mật thám và chỉ bắt hai người đó. Strom và các đồng chí đều không tán thành nhận định kể trên, họ đều cho rằng Riquier vô tội, họ phản đối sự lên án liên quan đến uy tín Đảng cộng sản Pháp và họ đề nghị điều tra lại tại Paris. Lãnh đạo Quốc tế Cộng sản muốn giải quyết cho xong mớ bòng bong này nên yêu cầu Strom đề xuất ai có thể kiểm tra lại vụ anh bị bắt. Strom đề xuất Leopold Trepper: Vì anh này hội đủ điều kiện anh có mặt tại Paris khi vụ vỡ xảy ra, nhưng anh không có liên quan đến vụ đó; anh nói tiếng Pháp, lại là đảng viên lâu năm, anh có đủ khả năng phúc tra vụ án đó.

Quốc tế Cộng sản tán thành đề xuất này và chuyển ý kiến đề xuất cho tướng Berzin. Viên tướng này không phản đối. Đây là dịp đầu tiên Leopold tiếp xúc với tình báo Xô Viết. Đại tá Stiga là người phụ trách địa bàn Tây Âu đã gặp Leopold:

- Anh chỉ cần liên hệ với các luật sư Ferrucci và Andre Philip. Anh phải xem hết các hồ sơ vụ án và cố tìm cho ra sự thật.

Đến cuối cuộc gặp, Stiga đưa cho Leopold một hộ chiếu nhà buôn Luxemburg và hỏi Leopold:

- Thế về quần áo anh đã đầy đủ chưa?

- Chưa.

- Quần áo là quan trọng lắm đấy. Nhiều điệp viên của ta đã bị lộ chỉ vì thợ may ở Warsaw làm thêm một nếp viền ở giữa cổ áo vét.

- Tôi có những bạn bè ở Antwerp. Tôi sẽ dừng lại đó hai ngày và sẽ đi may bộ complê kiểu Pháp.

- Tốt lắm. Thủ trưởng muốn gặp anh đấy.

Leopold được dẫn vào một căn phòng rộng, có một chiếc bàn to kê ở góc nhà. Một bản đồ thế giới choán hết một bức tường. Berzin mời Leopold ngồi và ông bắt đầu nói về Paris, sau đó ông đề cập đến vấn đề chính:

- Anh sẽ tiếp xúc với hàng tấn tài liệu ở tòa án. - Ông nói với Leopold. - Cần cố phát hiện ra sự thật từ những tài liệu đó. Tôi không cho anh lời khuyên, vì làm việc đó dễ quá đi. Có một điều thôi, tôi cần thông báo cho anh biết anh đừng ngạc nhiên ở khách sạn Paris anh sẽ gặp rất nhiều người quen, vì như anh biết đấy, đường thông thương đến Tây Ban Nha khá nhộn nhịp…

Nghĩ rằng cuộc nói chuyện đến đây là kết thúc, Leopold xin ra về, nhưng Berzin ra hiệu bằng tay để mời Leopold ngồi lại:

- Nếu anh còn thì giờ ta nên tiếp tục trao đổi. - Berzin đi thẳng vào đề. - Theo anh thì bao giờ nổ ra chiến tranh?

Leopold lúng túng trước thái độ tin tưởng của Berzin khi đề cập thẳng vào một vấn đề mình rất quan tâm. Anh trả lời thoải mái:

- Số phận chúng ta nằm trong tay các nhà ngoại giao, quan trọng là bọn này có tiếp tục cúi đầu trước Hitler nữa hay không.

Berzin bĩu môi tỏ vẻ tán thảnh ý kiến của Leopold và cho rằng chiến tranh sẽ xảy ra:

- Theo anh thì chiến trường sẽ là đâu?

Rõ ràng Berzin càng tỏ ra tin Leopold khiến anh ngạc nhiên vì ở Moscow vào năm 1936 làm gì còn tin tưởng vào nhau nữa. Sau vài giây lưỡng lự, Leopold trả lời:

- Thưa đồng chí Berzin, tôi nghĩ rằng điều quan trọng không phải là chiến tranh sẽ xảy ra ở phương Tây hoặc ở phương Đông, điều quan trọng chính là chiến tranh sẽ xảy ra trên quy mô thế giới, và cứ cho rằng chiến tranh sẽ bắt đầu từ phương Tây thì điều đó cũng chẳng thay đổi được cái gì, bởi vì tất cả các nước đều bị liên quan, do không ai có thể ngăn chặn được quân đội Đức… Hitler có hai mục tiêu, không trở lực nào đẩy lùi được ông ta: Xin nói rằng mục tiêu đó là xâm lược Liên Xô để ngoạm lấy Ukraine và tiêu diệt người Do Thái.

- Tôi mong rằng tất cả những cán bộ chính trị của chúng ta đều suy nghĩ như anh. - Berzin khẳng định với Leopold với giọng thiết tha và tiếc rẻ. - Ở đây, người ta luôn luôn nói đến mối đe dọa của phát xít nhưng người ta lại nhận định nó hãy còn xa xôi lắm. Sự mù quáng đó có thể đưa chúng ta đến những tổn thất rất lớn.

Leopold vừa nửa nghiêm chỉnh, vừa nửa đùa cợt:

- Nhưng dù sao đi nữa đồng chí cũng có một cơ quan tình báo và tôi chẳng tin rằng điệp viên của đồng chí lại không báo cáo với đồng chí về tình hình bọn Đức chuẩn bị. Chẳng cần siêu sáng suốt mới dự kiến được tình hình sẽ đi tới đâu.

- Bạn có biết điệp viên của ta hoạt động thế nào không? Này, họ bắt đầu bằng việc đọc báo Sự Thật và gửi báo cáo về sau khi đã rũ bỏ hết những gì có thể làm mất lòng chỉ huy. Chúng tôi vô cùng lúng túng vì đảng cấm chúng tôi phái điệp viên sang Đức. Bạn sẽ đi qua Đức, bạn hãy tận dụng cơ hội này để quan sát tình hình ở đó ra sao nhé. Khi xong công việc, bạn quay về nhớ tạt vào gặp tôi, chúng ta sẽ bàn lại nhé… Hiện nay bạn làm nghề gì?

- Tôi là nhà báo của tờ Sự Thật.

- Vậy bạn đừng lo nhé, sẽ tìm được người thay chân bạn.

Leopold ra về với sự ngưỡng mộ con người sao mà sáng suốt một cách lạnh lùng đến thế.

Trước ngày đi Pháp, cậu con trai thứ hai của Leopold ra đời với tên là Edgar. Anh ra đi ngày 26/12/1936 trên xe lửa qua Phần Lan. Từ Thụy Điển, anh đáp tàu biển sang Bỉ mua bộ cánh mới. Ngày 1/1/1937, anh đến Paris. Hôm sau anh tới gặp luật sư Ferrucci.

- Tối đến đây để điều tra vụ Fantomas, - Leopold trình bày.

- Anh biết đấy toàn bộ vụ này mờ ám lắm, nhưng có một điều tôi khẳng định: Riquier vô tội. Đây là thủ đoạn đánh lạc hướng cổ điển kết tội một người để che giấu tên phản bội.

- Liệu tôi có thể đọc hồ sơ vụ án không?

- Được nhưng không thể trước một tháng. Tôi có thể muộn hồ sơ đó trong một ngày.

Leopold có một tháng hoàn toàn tự do, anh sang Thụy Sỹ để chơi trượt tuyết và nếm bánh ngọt tuyệt hảo của xứ sở này. Khi anh trở về Pháp với sức khỏe tăng cường, anh được hai luật sư Ferrucci và Philip trao bộ hồ sơ vụ án Fantomas. Sau khi đọc toàn bộ hồ sơ, Leopold tìm được hai mươi ba bức thư mà tòa án không đưa ra, đó là những thư trao đổi giữa một tên gián điệp đôi gửi cho tùy viên quân sự Hoa Kì. Tên gián điệp đôi này là một người Hà Lan tên Svitz rõ ràng đã tố cáo lưới tình báo cho cảnh sát Pháp và đã được thả vì được cấp trên bảo vệ. Các bức thư đó là những bằng chúng đích thực của vụ khiêu khích này.

Svitz đã làm việc cho tình báo Xô Viết. Được phái sang Hoa Kì, y bị phát hiện và được đánh trở lại. Tại Panama, phản gián Hoa Kì phát hiện hộ chiếu của y là giả. Tội nhập cảnh trái phép vào Hoa Kì sơ sơ cũng bị tù mười năm, cho nên Svitz không ngần ngại gì khi nhận làm việc cho mật thám Mỹ… nhưng vẫn coi như làm cho Liên Xô. Y gửi báo cáo về Liên Xô kể rằng y đã vào được Hoa Kì trót lọt. Hai năm sau, Moscow rất hài lòng về kết quả làm việc của “Viên ngọc quý” hai mang này, đã đề bạt y làm trưởng lưới tình báo Xô Viết tại Paris. Từ đó y bắt liên lạc được với Bir.

Khi vụ Fantomas vỡ lở, Svitz báo cáo về trung tâm rằng y đã rút êm vào bóng tối… đến mức rồi chẳng ai có thể tìm được tung tích của y nữa.

Mật thám Pháp đưa Riquier ra là bắn một viên đạn nhưng được hai con chim: Vừa diệt một phóng viên báo Nhân đạo vừa làm mất uy tín của Đảng cộng sản Pháp. Chúng chọn Riquier vì anh phụ trách mạng lưới cộng tác viên của báo trong các xí nghiệp Pháp.

Mùa xuân 1937 Leopold trở lại Liên Xô báo cáo, nhưng Cục Tình báo quốc phòng chưa tin vào kết luận của Leopold vì chưa đủ chứng cứ về sự vô tội của Riquier. Hai bên thỏa thuận rằng Leopold phải phúc tra tiếp. Lần này Leopold xin được phép của thủ thư tòa án (tất nhiên có thưởng) chụp lại những tài liệu. Ông đó sắp về hưu nên chẳng ngại gì mà không chấp nhận. Vì Leopold không thể xuất cảnh có mang theo tài liệu, nên anh phải nhờ sứ quán Liên Xô chuyển hộ. Thỏa thuận: cán bộ sứ quán Xô Viết sẽ gặp Leopold tại quán cà phê gần vườn hoa Monceau. Hôm hẹn, Leopold đến quán gặp đúng người có những hình dạng như thỏa thuận, nhưng thiếu mất miếng băng quấn ở ngón tay. Leopold đành bỏ không dám gặp. Tám ngày sau, Leopold đến điểm hẹn dự bị. Lần này anh cán bộ có quấn băng ở ngón tay. Leopold tuồn tài liệu kẹp trong tờ báo. Anh cán bộ hỏi Leopold còn ở Paris bao lâu. Rồi anh xin số điện thoại để cần thì anh gọi. Xin được số rồi anh liền ghi vào cuốn sổ nguyên xi, không cần mã hóa nó, một điều sơ đẳng của cán bộ tình báo.

Leopold trở về Moscow vào tháng sáu năm 1937. Berzin còn ở Tây Ban Nha với cương vị cố vấn quân sự cho chính phủ cộng hòa nước đó. Stiga tiếp Leopold và tuyên bố vụ Fantomas đến đây coi như kết thúc[1]. Leopold còn gặp Stiga nhiều lần và Leopold chính thức nhận làm tình báo. Chẳng phải vì thích thú hoặc vì thiên hướng mà anh làm tình báo, cũng chẳng phải anh là quân nhân, nhưng chỉ vì anh muốn chống phát xít mà anh chấp nhận trên nguyên tắc làm tình báo. Và cũng vì anh đã bị Stiga thuyết phục rằng Hồng quân cần những chiến sĩ tin chắc chiến tranh sẽ là không thể tránh khỏi, chứ không cần những người máy và những tên nịnh thần.

[1] Sau vụ Fantomas, Riquier được minh oan hoàn toàn. Quốc tế Cộng sản rút kinh nghiệm và ra quyết định tình báo Xô Viết từ nay không sử dụng đảng viên cộng sản nữa. Giữa tình báo và đảng cắt quan hệ. Tuy muộn nhưng quyết định này là đúng đắn. Tác dụng của mạng lưới cộng tác viên của báo Nhân Đạo trong các xí nghiệp Pháp thực ra cũng rất là ít ỏi. Đặt một người vào một vị trí hiểm yếu còn tác dụng hơn nhiều phương thức nhặt tin vụn vặt.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3