Dàn nhạc đỏ - Phần II - Chương 10
Phần II: DÀN NHẠC ĐỎ
Dàn nhạc đỏ
Leopold gặp lại tướng Berzin khi ông từ Tây Ban Nha trở về Liên Xô. Trông ông khác hẳn với con người trước kia Leopold đã được gặp. Vì ông đã biết tin nguyên soái Tukhachevski và bộ tham mưu đã bị thanh trừng, toàn bộ chứng cứ đều giả tạo, cho nên ông rất đau buồn. Ông là con người sáng suốt cho nên ông thừa sức phán đoán số phận của chính ông. Ông cảm thấy làn sóng khủng bố sắp ập đến các đồng chí gần gũi ông; mặc dù thế ông vẫn chủ động quay về Liên Xô để phản đối việc tàn sát đảng viên cộng sản tại Tây Ban Nha do cơ quan OGPU tiến hành.
Tướng Berzin biết rằng can thiệp như thế rất có thể sẽ là bản án tử hình cho chính mình. Nhưng là một đảng viên cộng sản vững tin, ý thức đầy đủ trách nhiệm của mình, ông không chịu để cho những cán bộ ưu tú do ông tuyển lựa và đào tạo sẽ bị tiêu diệt bởi những phương pháp sai lầm.
Tận dụng thời gian chưa thanh trừng, ông cố làm những gì có ích cho cách mạng. Ông chấp nhận cho Leopold gặp ông. Đây là một cuộc gặp mà Leopold không thể nào quên được, vì nó có tính quyết định đối với tương lai con người và đảng viên của Leopold. Ông nói:
- Tôi yêu cầu anh đến làm việc vì chúng tôi đang cần anh. Không làm tại đây đâu, vì không phải vị trí của anh ở đó; mà nhằm thành lập những cơ sở hoạt động của chúng ta ở Tây Âu cơ.
Từ lần gặp đầu tiên của Leopold với Berzin, anh đã luôn luôn nghĩ đến triển vọng vào làm tình báo và chiến đấu cạnh Berzin. Leopold nhận định chiến tranh đã sắp đến rồi, bầy sói phát xít sắp tràn khắp Châu Âu. Trong cuộc chiến đó, Liên Xô sẽ gánh trách nhiệm có tính quyết định. Đau lòng, Leopold sót xa thấy Cách mạng thoái hóa. Anh và các bạn sẵn sàng hi sinh để giúp cho Cách mạng làm thế giới trẻ lại. Cách mạng là cuộc sống, đảng là gia đình thân ái của anh. Để giai cấp vô sản được giải phóng, anh sẵn sàng chịu gian nguy. Anh muốn hiến thân mình cho Lịch sử để tiêu diệt hết áp bức. Con đường lên hạnh phúc đâu chỉ rắc có hoa hồng, muốn đi lên chủ nghĩa cộng sản phải tiêu diệt chủ nghĩa đế quốc.
Nhưng không thể để cho con đường đầy xác chết của công nhân vì như thế không xây dựng được chủ nghĩa xã hội. Các đồng chí ưu tú của anh mất dần, họ chết gục trong những xà lim của Bộ Nội vụ, chế độ Stalin đã làm biến dạng chủ nghĩa xã hội đến mức người ta không còn nhận ra chủ nghĩa xã hội nữa. Stalin đã tiêu diệt đảng viên cộng sản với số lượng gấp mười, gấp trăm lần Hitler.
Giữa chiếc búa Hitler và chiếc đe Stalin, con đường của Berzin và Leopold có thể luồn lách thật là chật hẹp để tiến hành Cách mạng. Mặc dù bối rối kinh hoàng, Leopold vẫn thấy cần phải bảo vệ Liên Xô. Điều này buộc anh phải lựa chọn, lời đề nghị của tướng Berzin đã cứu được lương tâm của anh. Anh đáng mười lần để cho Bộ Nội vụ nghi ngờ: là công dân Balan gốc Do thái, đã sống ở Palestine, không quốc tịch, viết báo tiếng Do Thái. Số phận anh đã được định đoạt rồi. Anh sẽ chết trong hầm tối, trong trại giam, hoặc trước cột xử bắn. Ngược lại, anh được chiến đấu trên tuyến đầu, xa Moscow, anh có thể tiếp tục giữ vững cương vị cách mạng.
Để được đi tới kết luận đó anh phải đắn đo tính toán mãi. Sau đó anh đã phác họa trong các chuyến đi Tây Âu một kế hoạch xây dựng cơ sở trên qui mô cả Châu Âu. Anh đã trình bày kế hoạch đó cho Berzin. Anh tính sẽ cắm cơ sở vào nước Đức và các nước xung quanh Đức. Những hạt nhân chống phát xít đó chỉ bước vào hoạt động khi Hitler phát động chiến tranh, và chỉ bó gọn trong chiến đấu chống phát xít mà thôi. Trước mắt anh phải xây dựng các cơ sở tình báo nhưng muốn vậy phải tính xây dựng các cơ sở liên lạc, ngụy trang và tài chính.
Trong giai đoạn quá độ, anh dự định sẽ xây dựng các cơ sở ở Bắc Âu để mau chóng có thể liên lạc vững chắc với Trung tâm tức là Cục tình báo quân sự Hồng quân. Trong chiến tranh, các lưới sẽ bao gồm những người chống phát xít - có thể xuất thân từ những môi trường chính trị và tôn giáo khác nhau - có quan điểm chính trị thật vững, có liên hệ với những giới có vị trí rất quan trọng về quân sự trong số tư lệnh Đức, trong cơ quan chính phủ, trong các chính đảng hoặc trong kinh tế.
Không thu hút điệp viên ăn lương. Mục tiêu chính là cung cấp kịp thời cho lãnh đạo bộ tổng tham mưu những tin tức tổng hợp xác thực về kế hoạch và hành động của phát xít Đức. Leopold xin Berzin cho ở mỗi nước ba cán bộ: người thứ nhất có khả năng làm tổ trưởng, không nhất thiết là phải người Nga; người thứ hai là cán bộ chuyên môn có khả năng thiết lập hệ thống điện đài thu phát và đào tạo nhân viên vô tuyến điện; cuối cùng là một nhà quân sự để tuyển chọn tại chỗ những tin tức thu lượm được.
Vị tướng tán thành nhưng nói thêm:
- Chúng tôi đã có sẵn sàng một lưới rất giỏi ở Đức nhưng chỉ thị của đảng không cho chúng ta hoạt động trên đất Đức vì sợ khiêu khích Hitler. Về ý định của anh dùng vỏ bọc buôn bán để có tiền chi cho lưới thì phải tính toán lại vì qua kinh nghiệm hai chục năm tiền đầu tư vào buôn bán chẳng đem lại lợi ích gì.
- Vấn đề không phải nhằm tiết kiệm cho đất nước Xô Viết. - Leopold trả lời, - nhưng khi có chiến tranh, thật là khó nhận tiền từ Moscow. Có thể những người đã nhận được tiền trước đây không giỏi về kinh doanh. Tôi tin rằng trong thế giới tư bản, người có tài buôn bán có thể kiếm được tiền. Dự kiến của tôi sẽ mở một cơ sở xuất nhập khẩu tại Bỉ có nhiều chi nhánh ở nhiều nước.
- Vậy anh cần có bao nhiêu tiền để lập một doanh nghiệp như thế?
- Chúng tôi sẽ làm từ nhỏ đến to. Tôi sẽ đóng cổ phần khoảng một vạn đô la.
- Với một vạn đô la mà anh định có lãi để chi dùng trong chiến tranh hay sao?
- Tôi rất hi vọng là như vậy.
- Dù sao đi nữa, nếu vài tháng sau anh đề nghị cấp thêm vốn, thì anh sẽ được cấp thêm. Cho đến bây giờ khó nhất không phải là thu thập tình hình quân sự, mà khó nhất là thiết lập được quan hệ tài chính vững vàng với những điệp viên của chúng ta.
Đến cuối cuộc gặp, tướng Berzin tỏ vẻ thoải mái, gần như ông sung sướng:
- Anh còn gần hai năm mới xảy ra chiến tranh. Trước hết anh hãy tự lực. Nhiệm vụ của anh là đánh đổ Đế chế ba của Đức, và chỉ có việc đó thôi. Anh hãy thu xếp cẩn thận cho mạng lưới của anh nằm im được cho đến khi chiến tranh nổ ra. Đừng làm hỏng nó vì những việc khác. Mục tiêu duy nhất của chúng ta là đánh tan chủ nghĩa phát xít. Anh không phải quan tâm đến việc khác. Tôi đã có điệp viên ở tất cả các nước đó, nhưng lưới của anh sẽ hoàn toàn độc lập. Từ nay trở đi, chúng tôi sẽ gửi cho anh nhân viên điện đài và phương tiện. Nhưng cũng đừng hi vọng quá nhiều, ngay cả chuyện đó cũng vậy. Cố tuyển mộ và đào tạo tại chỗ nhân viên của anh. Về các trưởng lưới tại mỗi nước: tôi xin báo trước cho anh hay rằng anh phải tuyển họ tại chỗ.
Giọng nói của Berzin lộ ra sự xúc động mà sau này Leopold mới hiểu được ý nghĩa: phần lớn cán bộ giỏi của ông đã bị Bộ Nội vụ bắt giam. Hai người thỏa thuận sẽ để gia đình Leopold đi sang ở cùng với Leopold khi đủ điều kiện (một người đàn ông ở một mình bao giờ cũng bị nghi vấn). Leopold thực sự muốn đóng đúng vai một nhà công nghiệp yên bình và hữu hiệu.
- Tôi tin vào anh, - Berzin nói thêm, - và tôi chắc rằng anh sẽ thành công… Anh đừng bao giờ yêu cầu Cục khen những báo cáo của anh, cũng đừng bao giờ lo lấy lòng Cục, vì yêu cầu như vậy sẽ làm hỏng việc đấy…
Và ông nói thêm, điều này làm cho Leopold thấy ông thực sự tin mình:
- Tukhachevski đã nói đúng: chiến tranh không thể tránh khỏi và chiến tranh sẽ xảy ra trên lãnh thổ chúng ta…
Trong thành Moscow đang ngự trị nạn khùng bố của Stalin, Leopold chẳng bao giờ được nghe thấy ai ca ngợi một con người đã bị bắn chết vì tội “phản bội”!
Berzin tiễn Leopold ra cửa buồng làm việc.
- Anh chỉ nghe theo lương tâm của anh thôi nhé, - ông dặn Leopold, - đối với người cách mạng, đó là vị quan tòa tối cao…
Leopold tin rằng di chúc chính trị của tướng Berzin nằm trong mấy lời đó vì, cả đời ông, lương tâm ông đã chỉ dẫn ông hành động.
Vào lúc đó, tướng Berzin đã biết mình đã hết, nhưng ông không luyến tiếc điều gì. Bị tòa án của Stalin tuyên án, ông đã thắng trước tòa án Lịch sử. Đối với người chiến sĩ cộng sản, chỉ điều đó là đủ.
Mùa thu 1937, theo kế hoạch Leopold sẽ ra đi sau khi chuẩn bị xong. Một tháng rồi hai tháng trôi qua nhưng chẳng có lệnh. Leopold lo lắng không biết kế hoạch ra sao, anh đành quay lại nghề viết báo. Đến cuối năm, anh được tin trong Cục Tình báo Hồng quân đã có rất nhiều thay đổi. Leopold nghĩ rằng kế hoạch của anh do Berzin và Stiga duyệt thế là phá sản, lập các cơ sở tình báo chống lại nước Đức là trái với quan niệm và ý đồ lãnh đạo của đảng.
Leopold đành quên kế hoạch. Nhưng vào tháng ba năm 1938 có điện thoại của viên đại úy giúp việc Stiga mời Leopold đến Cục.
Cảm tưởng của Leopold khi đến Cục lần này là Cục đã bị đảo lộn rất lớn.
Anh được mời vào phòng của viên đại úy, chưa ngồi nóng chỗ thì đại úy đã nói:
- Xin cho làm việc. Chúng ta đã phí mất sáu tháng, nhung bây giờ không thể bỏ phí chỉ một phút.
- Với tầm quan trọng của cuộc gặp này, tôi đề nghị gặp chính đại tá Stiga, - Leopold đề nghị.
Thái độ lúng túng của viên đại úy làm cho Leopold hiểu ngay. Đại úy giải thích:
- Chúng tôi đã phải thay đổi cơ cấu tổ chức của cơ quan… Một số đồng nghiệp đã chuyển công tác khác… Bây giờ chúng ta phải sửa soạn hộ chiếu, đường đi và nửa ngày để đồng chí làm quen với mật mã…
- Tôi lúc nào cũng sẵn sàng.
Leopold nghĩ: phải tôi đã sẵn sàng, vì tôi chẳng còn giải pháp nào khác. Ra về anh ủ rũ, tự hỏi: vì sao tôi lại được thoát chết? Vì sao họ còn gọi đến tôi? Rõ ràng Berzin đã bị thanh trừng, anh buồn lắm, nhưng anh vẫn trả lời “có tôi”. Đó là vì tướng quân Berzin đã khuyên anh làm như thế. Cũng vì nhiệm vụ mà anh đảm nhận là nhiệm vụ do Berzin đích thân duyệt và chuẩn bị…
Chiến đấu chống quốc xã phải là mục tiêu cao nhất; duy nhất. Ít ra anh cũng được chiến đấu. Và đây là cuộc chiến đấu rất quan trọng. Những lưới mà anh sẽ thành lập, cuộc chiến đấu bí mật mà anh sẽ tổ chức cơ cấu, anh sẽ chịu trách nhiệm, cỗ máy đã phát động, không có cái gì hãm nó lại được!
Khi Leopold gặp lại viên đại úy, ý nghĩ của anh càng vững vàng.
Anh chỉ đưa ra có một điều kiện:
- Tôi không biết quy chế của những nhân viên đồng chí định thế nào, riêng tôi, tôi xin nói thật rõ ràng tôi nhận công việc này với cương vị là một chiến sĩ cộng sản. Tôi không phải là quân nhân, và tôi không xin nhập vào biên chế quân đội,.
- Như đồng chí muốn, - anh ta trả lời, - nhưng dù đồng chí muốn hay không thì với đồng chí, đồng chí có hàm đại tá.
- Đồng chí cho tôi cấp hàm là ý của đồng chí, còn đối với tôi, tôi không quan tâm.
Đại úy giới thiệu Leopold với một chuyên viên mật mã. Luật mật mã của Leopold căn cứ vào cuốn tiểu thuyết của Balzac, cuốn “Người Phụ nữ ba mươi tuổi”. Anh học mã một báo cáo trong mấy tiếng đồng hồ.
Leopold được nhận một hộ chiếu là dân Canada vùng Quebec, (để anh không phải nói tiếng Anh) và một nhân viên phái đoàn thương mại Xô Viết tại Bỉ sẽ là liên lạc viên của anh.
Trước khi xuất phát, Leopold được gặp cục trưởng mới của CTBQSLX. Cũng là tướng như Berzin (Leopold được tin Berzin và ban tham muu của CTBQSLX đều bị thanh trừng vào tháng 12/1938), trạc bốn lăm tuổi, ông tiếp Leopold một cách thân ái và tìm cách động viên anh:
- Chúng tôi giữ nguyên kế hoạch trước. Tôi biết lúc này ta chưa làm gì ở Đức (trước đây Berzin đã cho Leopold biết đích thân Stalin ra lệnh đó), nhưng chúng ta có thể dự kiến lập một toán tại một thành phố Đức trên biên giới. Phải, một thành phố của Đức, có thể là Strasbourg.
Trời ơi, Leopold tự nhủ, cục trưởng tình báo mà chỉ Strasbourg là thành phố của Đức! Stalin đã xáo trộn tổ chức đến mức tồi tệ thế đó, thật là tiếc cho Berzin, có thể Bộ Nội vụ vừa cài được một cán bộ của mình vào nắm Cục tình báo quân sự Liên Xô dốt về tình báo như dốt về địa lý thế này mà chỉ huy tình báo thì chỉ có làm hại mà thôi (Trong tương lai Leopold nghiệm thấy sự tai hại của trình độ dốt nát của vị cục trưởng này, khi chỉ huy mạng lưới của anh).
Im lặng một hồi. Sắc mặt viên đại úy từ trắng trở nên hồng như uống rượu. Viên tướng nhận ra được sai lầm to lớn, nên Leopold vội chữa thẹn cho ông ta:
- Đồng chí nói hoàn toàn có lí. Strasbourg, có đủ những đặc điểm của một thành phố Đức mặc dù nó nằm trong biên giới nước Pháp. Chúng tôi sẽ thử thiết lập một toán mới ở đó…
- Đúng, đúng, ý của tôi định nói như vậy đấy: một thành phố của Pháp ở ngay sát biên giới Đức.
- Đồng chí ơi, - viên đại úy thì thầm với Leopold khi hai người bước ra khỏi buồng cục trưởng, - đồng chí đã chữa khéo được lời nói hớ quá lớn đấy.
- Ồ, vua chúa còn có lúc nhầm nữa là…
Leopold ra về lòng buồn bã khi thấy trình độ của thủ trưởng mình.
Trước khi rời Liên Xô, Leopold vào ký túc xá từ biệt Michel. Lòng anh nặng trĩu khi phải để con ở lại cái kí túc xá đang trở thành nhà trẻ mồ côi này. Anh nói với con:
- Michel, bố sắp đi công tác cho đảng, bố sẽ vắng mặt một thời gian…
Michel không nói gì. Leopold có cảm tưởng đau đớn khi từ giã con. Anh hôn con rồi bước ra… đến sân ga cách ký túc xá hai kilômet, bỗng anh nghe thấy tiếng gọi, anh quay lưng lại thấy một bóng nhỏ ôm chầm lấy anh. Đó là Michel, nó hét (mà anh không bao giờ quên nổi):
- Đừng bỏ con, đừng bỏ con, con không muốn ở lại một mình đâu!
Mười sáu năm sau Leopold mới gặp lại đứa con đầu lòng của anh.
Anh sang Bỉ qua đường Thụy Điển, đến Antwerp, anh nhận được hộ chiếu khác, mang tên là Adam Miklerr, nhà công nghiệp Canada, định lập nghiệp tại Bỉ.