Dàn nhạc đỏ - Phần II - Chương 20
101 phố Atrebates
Lúc đó là ba giờ năm mươi tám phút ngày 26 tháng sáu năm 1941, khi nhân viên thường trực trạm nghe trộm Cranz ở Đông Phổ thu được bức điện như sau:
KLH DE PTX 2606 033032 WES N 14 K BV…
Rồi đến 32 nhóm năm số:
AK 50 KLK DE PTX…
Trực ban ghi nhưng lúc đó chưa biết nguồn phát, nơi nhận và ý nghĩa của bức điện đó. Cũng có thể nó từ một thiên hà xa xôi nào vọng tới.
Từ đầu chiến tranh, trong không trung biết bao tiếng nói trò chuyện với nhau, truyền những ký hiệu khó hiểu của các cơ quan bí mật, mệnh lệnh, phản mệnh lệnh, tin tức của các đối thủ trong trận tuyến bí mật. Các trạm thám không của Đức như cái trạm Cranz này có thói quen nghe những bài hát ngắn ban đêm truyền về nước Anh. Nhưng lần này? Lần này bài nhạc này không hướng về nước Anh… Trong ba tháng, cho đến cuối tháng chín 1941, trạm đã thu được 230 bài ca. Chỉ đến lúc đó, bọn Đức mới hiểu ra rằng những bức điện mật đó chính là truyền về Moscow.
Những bức điện đó là của Dàn Nhạc Đỏ đánh đi.
Bộ tổng tham mưu Đức khi nhận được bản báo cáo của các chuyên gia thám không về chuyện này đã hoàn toàn sửng sốt. Họ không ngờ lại có điện mật truyền cho Liên Xô. Cơ quan tình báo quân sự cũng như phản gián của Đức đã chẳng tuyên bố trên đất Đức cũng như trong vùng Đức chiếm đóng không thể có tổ chức tình báo của Liên Xô hay sao? Tại sao chúng lại dám khẳng định như vậy? Vì chúng căn cứ vào lệnh của Stalin mà chúng biết là đã cấm điệp viên Xô Viết hoạt động trên lãnh thổ đế chế Đức… Hơn nữa cái đêm đầu tiên vào tháng sáu năm 1941, cái đêm mà trạm Cranz thu được những bức điện mật kể trên, chỉ cách ngày Đức đánh Liên Xô có năm ngày thôi mà.
Năm ngày làm sao mà những chỉ thị mới của Stalin đã trở thành hiện thực được? Khi chiến dịch Barbarossa phát động, chính trùm phản gián Đức Heydrich căn cứ vào kết luận vững như đinh đóng cột của các chuyên gia phản gián để khẳng định với Hitler rằng trên toàn bộ lãnh thổ của Đức, hắn đã cho quét không còn một tên gián điệp nào của Liên Xô.
Sau việc phát hiện quan trọng như thế, Hitler triệu tập một cuộc họp đặc biệt. Lần đầu tiên các cận thần quốc xã không bộc lộ sự tranh nhau ăn. Heydrich dù đã nói lỡ lời nhưng vẫn chưa bị thất sủng, vẫn giữ được uy thế. Dưới quyền hắn ta, đô đốc Canaris của Cục Phản gián quân sự, tướng Fritz Thiele, chỉ huy cơ quan Funkabwehr, Schellenberg, trùm cục phản gián, Muller, trùm mật thám Gestapo, quyết định phối hợp hành động. Cả tụi gián điệp và mật thám tuyên chiến với tình báo Xô Viết. (Trong cuốn “Trùm phản gián quốc xã nói”, Schellenberg đã viết: Vào cuối 1941, Hitler đã ra lệnh phải đánh tan hoạt động tình báo Xô Viết đang phát triển ở Đức và trên các vùng bị chiếm đóng. Himmler được trao trách nhiệm kiểm tra sự phối hợp chặt chẽ của cơ quan tình báo của tôi với cơ quan của Muller - Gestapo - và cơ quan phản gián của Canaris. Kế hoạch này mang bí danh là Dàn Nhạc Đỏ, do Heydrich phối trí. Sau khi Heydrich bị ám sát vào tháng năm năm 1942, Himmler lên thay phụ trách phối trí và kiểm tra chuyên án Dàn Nhạc Đỏ”. Vậy tên Dàn Nhạc Đỏ do chính Đức đặt ra).
Trên toàn bộ lãnh thổ do quân Đức kiểm soát, việc tìm phương điện đài được huy động và tăng cường. Bọn Đức tìm ra một dấu vết: sớm muộn, tùy theo tài trí và khéo léo cũng như may rủi, dấu vết đó sẽ đưa chúng đến mục tiêu… Vào tháng 11 năm 1941, đại úy Harry Piepe chỉ huy phản gián quân sự tại Bỉ xác định được một điện đài tại Brussels. Về chuyện này Leopold đã xin Trung tâm quan hệ với một chuyên viên có thể sửa chữa máy phát và đào tạo cơ công. Vì thế Leopold đã gặp Johann Wenzel. Anh này đến định cư tại Bỉ từ năm 1936, chỉ huy một toán nhỏ chuyên điều tra về công nghiệp quân sự.
Quá khứ của Wenzel đảm bảo cho hiện tại: anh đã tham gia vào Đảng cộng sản Đức từ khi còn rất trẻ. Gốc người sinh tại Danzig, thành viên tích cực của Thành Trì Đỏ Hamburg, anh biết rất rõ E. Thaelmann, Tổng bí thư Đảng cộng sản Đức. Trước khi rời sang Bỉ, anh đã xây dựng được một tổ tình báo công nghiệp ở vùng Ruhr. Vị lão luyện về hoạt động bí mật này lại còn là một chuyên viên vô tuyến điện rất giỏi.
Đối với nhóm tại Brussels, Wenzel là “giáo sư”, một ông thầy gương mẫu, bởi vì trong khi đào tạo cơ công, anh còn trực tiếp đánh điện đi. Người học trò đầu tiên của anh là Alamo và vào giữa năm 1941 do nhóm ở Pháp thiếu cơ công, nên Leopold quyết định gửi hai thực tập sinh là David Kamy và Sophie Poznanska sang cho anh dạy.
Kamy thuộc vào loại siêu cách mạng, người chiến sĩ không biết biên giới. Anh do Hillel Katz giới thiệu với Leopold, vì hai người đều cùng sinh hoạt tại đảng bộ quận 5 Paris. Thời thanh niên, anh đã sống ở Palestine, tham gia cuộc nội chiến ở Tây Ban Nha và Dàn Nhạc Đỏ.
Trước khi đến với tình báo, anh làm việc trong đơn vị kĩ thuật của Đảng cộng sản Pháp. Ham vô tuyến điện, giỏi về hóa học, anh đã tổ chức một phòng thí nghiệm nhỏ và bí mật để chế tạo những vật dụng mới lạ như mực bí mật, tài liệu tự hủy.v.v… Anh ta trước hết đối với DNĐ là chuyên gia về vi phim, lĩnh vực anh đạt tới trình độ hoàn hảo.
Trong những lớp của giáo sư Wenzel, Sophie Poznanska làm bầu làm bạn với anh. Leopold biết cô này từ thời còn ở Palestine vì cô rất thông minh và dũng cảm. Leopold quan tâm đến hai thực tập sinh này rất nhiều. Anh yêu cầu Kent thu xếp nơi ăn ở cho họ thật an toàn, nhưng anh này chẳng lo liệu gì: Sophie ngụ tại 101 phố Atrebates là chỗ DNĐ dùng để chuyển vật liệu, còn Kamy ngụ tại nhà Alamo.
Vậy là không đảm hảo những điều kiện tối thiểu về an toàn. Nếu không muốn để xảy ra tai họa thì không ai lại làm ăn như thế.
Đầu tháng mười hai, Sophie báo cho Leopold phải đến Brussels kiểm tra.
Phố Atrebates là nơi nguy hiểm. Ngày 11, Leopold đến Brussels thấy đúng là đáng lo ngại. Alamo đến biệt thự để làm việc mà đưa cả bạn trai, bạn gái ngoài lưới. Trong điều kiện như thế, Wenzel phải tạm ngừng phát tin từ phố Atrebates vì trong tháng 11, có ngày anh phải phát hàng mấy tiếng liền.
Trưa ngày 12, Leopold gặp Sophie, cô kể cho nghe điều kiện tai hại khi làm việc tại Atrebates. Leopold quyết định đưa cô và Kamy trở về Paris và để Kent làm thay họ; rồi quyết định sẽ họp bàn tại Atrebates vào ngày hôm sau để nghe những biện pháp mới. Trong khi đó tên đại úy Piepe của phản gián quân sự Đức đã ra tay gấp. Nó đã xác định được nơi có điện đài bí mật nhưng còn chưa xác định được cụ thể nơi chứa điện đài trong các số nhà 99, 101 và 103 phố Atrebates. Trong đêm nó ra tay ngay và tràn vào ngôi nhà 101. Toán của nó xông vào tầng trệt trước, nơi ở của Rita Arnould, một cô Hà Lan chống phát xít, bạn thân của Springer, nhưng không tham gia DNĐ, tuy là người đứng ra thuê ngôi nhà này. Trên tầng một, Sophie đang giải mã các bức điện. Nghe thấy tiếng giày da ở tầng dưới, cô nhanh tay ném tất cả tài liệu cô đang làm vào lò sưởi. Phần chính đã ra tro, nhưng bọn Đức còn thu được một mảnh giấy cháy dở.
Kamy đang làm việc ở một phòng bên cạnh, anh nghe thấy một điện đài khác hoạt động (theo nguyên tắc của DNĐ dùng điện đài này kiểm tra điện đài khác). Anh nghe thấy tiếng bọn Đức, liền chạy trốn trên phố, nhưng bị Đức bắt được. Rita Arnould, Sophie, Kamy đều bị bắt.
Bọn Đức liền biến 101 thành chiếc bẫy chuột.
Hôm sau, lúc 11 giờ rưỡi Alamo mò tới nơi hẹn. Anh mấy hôm không cạo râu, tay cắp lồng thỏ. Anh chưa bước khỏi ngưõng cửa đã bị bọn Đức chộp ngay.
- Giấy tờ đâu?
Bình tĩnh, anh rút hộ chiếu Uruguay mang tên Carlos Alamo.
- Mày đến đây làm gì? Từ đâu đến? Mày làm nghề nghiệp gì?
Alamo trình bày: hiệu của anh ở Ostend bị bom (đúng sự thật) và từ đó để sinh sống anh phải buôn chợ đen…
- Tôi vừa đến đây bấm chuông để rao hàng… - Alamo trình bày.
Lập luận trôi chảy: với lồng thỏ, anh đúng là một người bán hàng rong. Bọn hiến binh thống nhất với nhau giữ anh ta lại.
Trong lúc đó, Leopold cũng tới… Đúng 12 giờ, anh bấm chuông.
Một tên sen đầm giả trang là cô gác cổng mở cổng. Tim anh như ngừng đập, nhưng anh trấn tĩnh lại ngay. Anh lùi một bước rồi thốt lên:
- Ôi, tôi xin lỗi, tôi không biết rằng nhà này đã bị quân đội Đức chiếm, tôi nhầm địa chỉ…
Tên Đức không tin, nó nắm chặt cánh tay Leopold rồi lôi tuột anh vào trong nhà.
Vậy được, phải đánh tới tấp không cho đối phương nghi… Ngôi nhà bị khám soát tanh bành, vô cùng lộn nhào: đúng là hình ảnh của vụ khám soát. Qua cửa kính, Leopold nhìn thấy Alamo trong phòng lớn. Leopold xuất trình giấy tờ rất chủ động không chờ sen đầm yêu cầu, cho bọn Đức xem.
Tên sen đầm ngạc nhiên, mặt dài ra: giấy Leopold đưa ra đầy những dấu và chữ kí xác nhận ông Gilbert được giám đốc tổ chức Todt ở Paris ủy quyền đi tìm kiếm vật liệu chiến lược cho quân đội Đức và đề nghị quân đội chiếm đóng tạo điều kiện dễ dàng cho ông Gilbert tìm kiếm.
Để phá tan sự im lặng và để bồi thêm đòn tâm lí, Leopold bổ sung:
- Ở bên dãy trước mặt có một garage, tôi cho rằng có thể garage này có những xe cũ đồ nát, garage hôm nay đóng cửa, tôi sang bên này định hỏi xem garage vì sao đóng cửa và sẽ mở lại vào giờ nào…
Tên sen đầm trở nên nhã nhặn nhưng rất kỉ luật, hắn nói:
- Tôi tin ông, nhưng ông phải chờ sếp của tôi quay lại đã…
- Không được, không được, tôi phải ra ga cho kịp giờ tàu. Ông giám đốc hãng Todt đang chờ tôi báo cáo vào ngay trưa nay, anh cản tôi là làm lỡ việc của tôi đấy! Anh hãy đưa tôi đến đó gặp sếp hoặc điện thoại cho ông ta.
Tên sen đầm lưỡng lự một chút nhưng đi gọi điện thoại cho đại úy Piepe, trình bày việc Leopold xuất hiện… Leopold nghe được thấy một tràng gào thét trong điện thoại. Tên sen đầm tái mặt như là bị sét đánh: “Đồ ngốc, sao lại giữ ông ấy, thả ông ta ra ngay!”
Alamo thấy và nghe hết câu chuyện đã nhìn Leopold với vẻ mặt thông cảm… Leopold bước xuống cổng với tên sen đầm, trong khi ra khỏi nhà, còn hỏi tên sen đầm:
- Ở đây có chuyện gì thế, lại chuyện Do thái à?
- Ồ không, còn nghiêm trọng hơn thế cơ…
- Nghiêm trọng hơn là thế nào?
- Một vụ gián điệp…
Leopold ra vẻ lo lắng để tỏ ra anh thông hiểu tầm quan trọng của vấn đề. Hai người từ giã nhau như hai bạn thân, Leopold còn mời tên sen đầm:
- Khi nào anh đến Paris, mời anh đến nhà tôi chơi nhé, mong anh đến nhé…
Ra đến phố, Leopold nhận định tình hình nghiêm trọng rồi. DNĐ vừa bị một đòn nặng nề lắm, nhiều đồng chí đã bị bắt. Rồi sẽ còn bị đến đâu? Leopold xem đồng hồ đeo tay: đúng 12 giờ 15. Sự cố xảy ra thật là nhanh… Bỗng anh nhớ có hẹn với Springer cũng rất gần đó.
Anh vội đến tìm kẻo Springer không thấy anh lại mò vào bẫy. Rất may là Springer chờ anh, anh liền thông báo tình hình và hỏi xem có mang tài liệu mật nào trong người không:
- Túi tôi đầy tài liệu đây, - anh ta trả lời Leopold.
- Cậu mang tài liệu gì thế?
- Bản đồ cảng Antwerp.
- Mẹ kiếp, chỉ thế thôi à?
Leopold nhớ lại mấy tuần trước, Cục trưởng đã chỉ thị thu thập bản đồ cảng Antwerp, ghi những địa điểm tàu ngầm có thể đột nhập, và Springer đã thu thập đúng yêu cầu.
- Rút lẹ lên, kẻo chúng ta có thể bị chúng tóm đấy.
Một tiếng sau, Leopold gặp Kent. Trao đổi tóm tắt tình hình vừa qua, Kent hiểu ngay tình thế nghiêm trọng. Ba thành viên bị bắt, mặc dù họ vững vàng, nhưng khó thoát khỏi bị đưa sang Gestapo. Lại đáng ngại hơn nữa là Rita Arnould không phải thành viên cho nên không chắc cô sẽ không khai, vì hai lần cô gặp Kent, quen thân Springer và đã được nghe nói đến Wenzel… Với những gì thu thập được, bọn Đức vẫn có thể tìm ra khóa mật mã của DNĐ. Cho nên phải có biện pháp đối phó cấp tốc: Kent và Springer phải chạy sang nước khác ngay, còn những thành viên khác phải rút vào bí mật hoàn toàn. Nhóm tại Bỉ đành phải nằm im. Không còn cách nào khác.
Leopold phải rút gấp, anh đi xe sang Pháp. Hôm sau, anh gặp ngay Grossvogel và Pauriol, cùng nhau quyết định tổ chức một nhóm đặc biệt gồm mấy thành viên vững vàng dưới sự chỉ đạo của hai anh Grossvogel và Pauriol để theo dõi và ứng phó với Đức tại Bỉ và Pháp. Rõ ràng đòn phố Atrebates chấm dứt thời kì yên bình của DNĐ. Từ nay trở đi bọn Đức sẽ huy động toàn lực để khám phá tiếp và đánh tan DNĐ.
Grossvogel và Pauriol sang Brussels đối phó với tình thế: tổ chức cho Springer đi Lyon, Kent đi Paris, cho Izbutski và Wenzel chỉ thị. Wenzel phải đổi chỗ ở ngay, ngừng hai tháng liên lạc với Trung tâm và thay các thói quen để đánh lạc hướng mật thám.
Cái chính là theo dõi ba đồng chí bị bắt đang bị giam tại nhà tù Saint-Gilles Prison ở Brussels… Grossvogel liên lạc với cơ sở trong số gác ngục để nắm tình hình. Được biết bọn Đức chưa điều tra ra lí lịch thật của ba người bị bắt, Alamo vẫn mang tên là Alamo, Kamy mang tên là Desmets, còn Sophie Poznanska mang tên Verlinden.
Nhưng sang đầu tháng tư 1942, cơ sở cho biết bọn mật thám Đức đã lần ra được lí lịch của Sophie, còn Kamy - Desmets chúng biết tên thật là Danilov. Sự việc xảy ra như thế nào?
Đối với Sophie, Leopold thông cảm lí do cô phải khai tên thật ra… Bị mật thám dồn ép, cô muốn tỏ ra mình nói thật. Suốt đời chiến đấu, sau nữa - đây là điều lúc đó DNĐ chưa hiểu hết - cô muốn giấu quê thật của cô là thành phố nhỏ bé Kalisz ở Ba Lan để gia đình cô khỏi bị vạ lây.
Còn Kamy thì có khác: hai chục năm hoạt động bí mật, anh va chạm biết bao nhiêu người cho nên anh muốn tránh họ bị liên lụy bằng cách: chàng Do Thái “không quốc tịch” này mang tên là Anton Danilov, trung úy trong Hồng quân Liên Xô… Anh biết khá đủ tiếng Nga để nhận mình là người Nga, đã từng công tác tại sứ quán Xô Viết ở Vichy năm 1941, rồi khi chiến tranh Xô - Đức bắt đầu thì anh được cử sang Bỉ làm việc với Alamo. Anh khai rằng anh chỉ biết có hai người cùng bị bắt, ngoài ra không quan hệ với ai khác. Bọn Đức nghe và tin theo lời khai đó. Nhiều tháng sau khi bắt được anh, bọn Đức vẫn giữ thái độ tôn trọng đối với viên sĩ quan Xô Viết này có cử chỉ dũng cảm và chẳng khai gì thêm (vậy việc khai là sĩ quan Xô Viết chứng minh thủ đoạn của anh là rất khá).
Sau vụ bắt bớ ở phố Atrebates, địch tạm dừng. Rita Arnould khai ra hai địa chỉ trong đó có anh bạn Dow của Springer, một người kháng chiến năng nổ.
Ngày 16/12, Dow thấy có một người tới cửa hàng áo lông ở phố Royale của anh, người này nói mình là người của Sếp Cao cấp phái đến tìm gặp Springer. Dow cảm thấy nghi, liền khất hai ngày sau người đó hãy quay lại, rồi Dow hỏi Springer về chuyện đó. Springer dặn chớ tin chuyện ấy, có thể là một tên khiêu khích đó.
Tên lạ mặt hai hôm sau lại đến thật. Dow tiếp hắn ở phòng bên cạnh cửa hàng. Sau phòng, Dow bố trí một người bạn để trợ lực nếu có sự cố. Tên lạ mặt vào phòng, rút súng ngắn ra để trên bàn. Dow bình tĩnh nói cho tên đó rằng mình không gặp Springer. Vài hôm sau, Dow thấy tên lạ mặt ngồi trên xe hơi đậu trước cửa hàng của mình, anh kết luận tên đó là Gestapo, anh liền biến mất.
Rita Arnould còn khai ra một địa chỉ có thể dẫn đến Springer và đến trung tâm của DNĐ: đó là Yvonne Kuenstlunger, em họ Rita, phụ trách liên lạc giữa Springer và tổ phố Atrebates. Lần này bọn mật thám Đức xảo quyệt hơn, chúng chưa bắt ngay Yvonne, mà cứ theo dõi nhằm tìm cho ra Springer, nhưng không có kết quả.
Tin từ nhà tù Saint-Gilles Prison khiến DNĐ lo lắng: cơ sở cho biết Alamo đã bị đưa về Berlin - một điều khá đặc biệt - rồi lại bị đưa về nhà tù này, nhưng dưới tên Mikael Makarov.
Leopold lần đầu tiên biết tên thật của Alamo, liền hỏi Trung tâm thì được trả lời “đúng thế”.
Phản gián quân sự lao vào đánh phá DNĐ nhưng lúc đầu chúng lạc hướng, trừ trường hợp Alamo là chúng đi sát thực tế. Sau vụ Atrebates, Andre Marty trong chiến tranh Tây Ban Nha, bị bắt ở Bắc Pháp. Phản gián quân sự Đức tưởng rằng kháng chiến Pháp và DNĐ chỉ là một tổ chức vì đều xuất thân từ Lữ đoàn quốc tế ở Tây Ban Nha trong đó có Alamo.
Đại úy Piepe đề xuất với Berlin nhốt số bị bắt vào trại tập trung. Đến đây xuất hiện tên Giering… tên này sẽ xử lý DNĐ sau này.
Giering là cẩm mật thám. Với chức vụ đó, y được Piepe thông báo về vụ Atrebates. Y không nghĩ rằng việc tham gia vào Lữ đoàn quốc tế gắn điệp viên DNĐ với kháng chiến Bắc Pháp, nhưng y nhớ lại vụ y phá một lưới tình báo ở Tiệp, những điệp viên Xô Viết có khai rằng họ được một sĩ quan phi công Xô Viết có tham gia Lữ đoàn quốc tế chở họ đến Tiệp. Hình dáng viên sĩ quan không quân đó được họ tả lại giống như Alamo mà Piepe mô tả. Giering quyết định đến tận nhà tù Saint-Gilles Prison để xem mặt Alamo. Y lấy máy bay đưa Alamo về Berlin với y. Đến Berlin, đáng lẽ đưa Alamo vào tù thì y giữ anh này tại nhà y nửa tháng. Vốn là cớm già đời chống cộng sản, Giering không kém về môn tâm lí học. Đứa con trai của y bị cụt tay khi tham gia không quân Đức đã tìm ra những đề tài để tiếp chuyện Alamo. Trong khi đó, Giering đi tìm lại những điệp viên Xô Viết bị bắt tại Tiệp để hỏi cung: có biết Alamo không? Tên này có cùng chiến đấu trong Lữ đoàn quốc tế không? Rồi y đưa ảnh Alamo ra. Những điệp viên này khai nhận Alamo cùng học ở trường tình báo Moscow với họ. Thế là xong.
Giering đã thắng một ván bài quan trọng; y đưa Alamo trở lại nhà tù Saint-Gilles Prison và từ báo cáo của các cơ sở trong nhà tù này mà DNĐ mới biết tên thật của Alamo là Makarov. Sau khi biết tung tích của Alamo đã từng hoạt động tình báo, bọn Đức suy ra rằng Sophie và Kamy đã cùng làm tình báo với Alamo. Chúng khai thác thêm và thế là những trận tra tấn bắt đầu.
Đầu mùa hè, Alamo và Kamy bị đưa vào pháo đài Breendonk là nơi đầy ải họ. Hai đồng chí này không khai thêm đồng chí khác, họ anh dũng chịu đựng mọi tra tấn. DNĐ vẫn giữ được bí mật cho đến đây.