Dàn nhạc đỏ - Phần III - Chương 40
Cuộc đời trong nhà tù Lubianka
Cái tên Lubianka đã được cả thế giới biết đến vì nó là biểu tượng của sự khủng bố của GPU. Trụ sở bộ an ninh Liên Xô nằm giữa Moscow. Ở giữa tòa nhà này có một ngôi nhà nhỏ hơn giành cho khoảng vài trăm “vị khách có hạng”. Nhiều hành lang dài nối bộ với nhà tù không phải ra ngoài.
Leopold ngồi ở phòng chờ. Mỗi bên phòng này có hàng chục khoang nhỏ. Người ta đưa anh vào một khoang, đồ đạc chỉ có một cái bàn và một chiếc ghế đẩu. Cánh cửa đóng sầm lại.
Anh thấy rất mệt mỏi, ngồi phịch xuống ghế, bất dộng, hết hơi, khống thể phản ứng được. Anh cảm thấy óc trống rỗng, không hoạt động nổi. Anh sờ đầu, sờ tay: “Ừ, đúng là ta, ta đang ở đây, đang là người tù ở Lubianka”.
Một tiếng ra lệnh: Tại sao anh không cởi quần áo ra?
Anh hiểu đó là lệnh cho anh, từ viên hạ sĩ mặc áo choàng trắng và anh trả lời:
- Tại sao lại cởi quần áo? Tôi có thấy giường phản gì đâu!
- Cởi quần áo ra và đừng hỏi vặn gì nữa!
Anh tuân lệnh và chờ đợi, mình trần như nhộng. Cửa lại mở, hai người mặc áo choàng trắng vào. Trong cả tiếng đồng hồ, họ khám rất kĩ quần áo, những thứ trong túi và vứt thành đống. Khi khám những thứ đó xong, một người ra lệnh:
- Đứng lên!
Thế là hai hạ sĩ khám người anh từ đầu đến chân. Nếu họ có ống nghe thì anh sẽ cho đó là hai ông thầy thuốc. Họ khám tai, tóc, bắt há mồm, thè lưỡi, sờ nắn tất cả, bắt anh giơ hai tay lên:
- Nâng dương vật lên. Nâng cao hơn nữa! Quay người lại, bành mông đít ra.
Họ cúi sát mông anh, bực quá anh châm chọc:
- Các anh đánh rơi cái gì trong đó hả?
- Đừng có chọc tức chúng tôi nhé, nếu không thì sẽ biết tay. Mặc quần áo lại.
Họ lục va li và rút ra cân cà phê chưa rang mua ở Iran.
- Cái này là cái gì?
- Đại mạch đấy mà.
Họ để lại cân cà phê cùng với những thứ tù nhân được đem vào tù. Họ kê những thứ bị giữ lại: cravat, dây đeo, dây giầy.v.v… Một trung uý đến kí nhận những thứ đã giao và dẫn Leopold vào xà lim có hai giường. Trên một giường có một người nằm quay mặt vào tường, hai tay để lên chân.
- Giường của anh dó, cởi quần áo ra và nằm xuống.
Leopold tuân lệnh nhưng không sao ngủ được; suốt đêm anh không chợp nổi mắt, cứ ba phút lỗ nhìn lại mở và một con mắt hiện ra nhìn anh. Vì anh mở mắt nên lính gác rất chú ý. Anh rút được kinh nghiệm rằng nếu không ngủ được thì cứ nhắm măt lại sẽ không bị rình rập nữa.
Sáng đến. Một bàn tay đưa qua ghisê bữa ăn sáng: một bát chất lỏng đen đen có mùi cà phê, một ít đường và một khoanh bánh mì. Tiếng nói qua ghisê: khoanh bánh để ăn cả ngày đấy. Anh đang gặm miếng bánh nhưng không nuốt nổi vì nó mềm oặt như bột đang nặn. Anh bạn tù thức dậy chào anh rồi im bặt. Đó là một sĩ quan.
Bốn ngày trôi qua. Không một ai gặp anh. Ngày thứ năm, khi lính đổi gác, một hạ sĩ hỏi anh:
- Anh có đề nghị gì không?
- Có, - Leopold trả lời, - tôi muốn gặp trưởng nhà tù!
- Để làm gì?
- Tôi muốn gặp lãnh đạo bộ Nội vụ vì có một việc rất quan trọng không trực tiếp liên quan đến tôi.
Hai ngày nữa trôi qua. Một sĩ quan đến và bảo anh đi theo. Hai người qua những dãy hành lang dài đến một căn phòng bé nhỏ có một bà trao biên lai cho viên sĩ quan. Một sĩ quan khác đến kí giấy và đẫn anh qua một hành lang dài nhưng có dải thảm. Hai người vào một thang máy rồi vào một buồng rộng, trải thảm đỏ, trên tường treo ảnh Stalin. Sau chiếc bàn dài là một người còn trẻ mặc thường phục. Ông có chiếc cravat rất đẹp. Ông đứng dậy và nói giọng miền nam, ông nói với Leopold:
- Vậy là anh! Chính anh là người tham gia cái lưới tình báo to lớn do bè lũ phản cách mạng Berzin chỉ huy?
Mồm miệng ông ta cau có, căm hờn khi bật ra những câu cuối cùng.
- Anh có biết anh đang ở đâu không?
- Có chứ, nếu nơi này được trang hoàng lộng lẫy hơn thì tôi có thể nói rằng đây là hang ổ của bọn phát xít!
Ông ta tức giận, ra hiệu cho Leopold đến gần cửa kính rồi chỉ cái nhà tù và hỏi:
- Anh có biết anh đang ở chỗ kia là chỗ nào không?
- Tôi biết chứ.
- Tại sao anh lại để bè lũ đó lôi cuốn vào việc làm phản bội tại nước ngoài?
- Xin lỗi, tôi chưa biết chức vụ của ông.
- Tướng…
- Thưa đồng chí tướng quân, tôi chưa bao giờ công tác cho một bè lũ nào. Trong chiến tranh vừa qua, tôi chỉ đạo một lưới tình báo của cục tình báo trong bộ tổng tham mưu Hồng quân, tôi tự hào về những việc tôi đã làm.
Thay đề tài, ông ta hỏi Leopold:
- Tại sao anh xin gặp bộ Nội vụ?
- Khi tôi đến Moscow, tôi đã đề xuất việc này với hai đại tá tình báo, nhưng không được hồi âm. Không phải việc riêng của tôi, mà đây là sinh mạng của những đồng chí trong mạng lưới tình báo của tôi. Tôi đề nghị đồng chí cho gặp một vị lãnh đạo của Cục để bàn về kế hoạch này.
- Được sẽ hay. Còn lúc này, kết thúc!
Anh lại được đưa trở về xà lim. Hai ngày sau, anh được hai người mặc thường phục tiếp chuyện. Hai người này thuộc về cơ quan tình báo hay là thuộc về Cục đặc biệt của bộ an ninh, thành lập năm 1943, do Abakumov chỉ huy? Dù sao họ cũng nắm chắc vụ việc này của anh. Họ nói:
- Yêu cầu cho biết dự kiến của anh. Không cần đưa vấn đề cứu nhân viên như anh đề nghị. Phần lớn nhân viên đó không thuộc biên chế quân nhân của tình báo.
- Những chiến sĩ Dàn Nhạc Đỏ không phải là cán bộ quân sự sao? Họ đã chẳng cống hiến cuộc đời cho các anh hay sao?
- Chúng tôi chỉ quan tâm mỗi một việc thôi: Đưa Pannwitz và Kent Sukulov về Moscow. Nếu anh có đề xuất cụ thể, chúng tôi sẽ thực hiện.
Vài ngày sau, lại gặp nhau. Leopold hỏi:
- Các anh có quan hệ điện đài với Pannwitz không, nếu không quan hệ thì có thể lập lại nhanh chóng được không?
- Chúng tôi có liên lạc thưa thớt. Chúng tôi có thể liên lạc với hắn.
Leopold quên mất vị trí hiện nay của mình, anh trình bày một mạch dự kiến của anh:
- Cho đến lúc tôi trốn tù vào tháng chín năm 1943, Pannwitz và lãnh đạo của nó đều tin rằng Trung tâm chưa khám phá ra Trò Cao thủ. Chúng đều sợ rằng sau khi tôi trốn được sẽ thông báo chho Trung tâm. Vì thế nên Pannwitz cho dán cáo thị khắp nơi truy nã tên gián điệp Jean Gilbert. Như thế nhằm “vô hiệu hóa” tôi đối với Cục…
- Đúng, khi Kent đã gửi cho Trung tâm bức điện giải thích rằng những cáo thị đó nhằm thông báo việc bắt giữ và vượt ngục của anh, một sĩ quan trả lời. Nhưng Trung tâm chủ trương tiếp tục Trò Cao thủ cho nên đã trả lời Kent rằng Otto có lẽ đã phản bội.
- Đúng thế, phải phao cái thuyết đó. Trong khoảng cách đều, cứ gửi điện cho Pannwitz đặt ra cái câu hỏi: Otto đâu? Sau vài tuần, các anh báo cho Kent, Pannwitz biết rằng Cục nhận được tin Otto đã trốn sang Nam Mỹ. Được tin đó, hai tên này bắt đầu tính nước nghiêm chỉnh là sang Liên Xô, nhưng khi thực hiện kế hoạch này, các anh tuyên án tử hình tất cả các chiến sĩ Dàn Nhạc Đỏ hãy còn trong tay của Đức: Pannwitz trước khi ra đi sẽ tiêu diệt hết các nhân chứng biết tội ác của hắn.
Leopold nhấn mạnh thêm:
- Đồng thời, các anh phải tiến hành vận động cho việc cứu hết những người còn sống sót.
Hai người mặc thường phục không trả lời, đứng dạy và ra về. Leopold bị chuyển sang một xà lim nhỏ trong mấy tuần lễ. Một mình… Chế độ khắc khổ hớn trước nhiều: Sáu giờ sáng một cai ngục hét qua cửa: Dậy!
Người tù nhỏm dậy, cầm lấy cái bô vào nhà vệ sinh. Vào đây tối đa ba mươi phút. Quay ra lavabô. Hai phút rửa ráy. Quay về xà lim. Bảy giờ: ăn sáng. Một bát cà phê nhưng chất nước là đun sôi, một miếng đường, khẩu phần bánh mì. Trong xà lim phải theo nội qui Cấm: cấm nằm hoặc ngồi quay mặt ra cửa. Chỉ được đi từ tường này tới tường kia, nghỉ trên ghế nhỏ. Và phải đi, đi tiếp, tổng cộng mỗi ngày phải bước hàng mấy kilômet. Bữa trưa chỉ vẻn vẹn một cà mèn xúp với nội dung là nước váng mỡ lềnh bềnh đại mạch. Bữa tối cũng vậy. Trong thời sau đại chiến, mọi thứ đều thiếu thốn, khẩu phần ăn của người tù cũng chỉ có như vậy. Xúp thường là đầu cá mòi nấu; đói quá đành phải ăn rồi cũng quen, phải ăn để khỏi chết.
Mười giờ đêm, ghisê lại mở và lại có tiếng quát của cai ngục:
- Ngủ đi.
Ác mộng bắt đầu. Ngay nằm trên giường cũng phải theo luật: nằm ngửa, hai tay để trên chăn, mặt quay về lỗ nhìn… Ánh sáng rọi suốt đêm. Không thể quay người, không thể tránh nổi luồng ánh sáng rọi vào mi mắt. Về sau, anh học được kinh nghiệm của người bạn tù: để chiếc bít tất lên mắt mà ngủ.
Trò xiếc lại bắt đầu. Người ta đưa Leopold đến gặp viên sĩ quan hỏi cung.
Trong buồng hỏi cung: một bàn con và một chiếc ghế con cho người tù, một bàn cho viên đại úy hỏi cung.
- Để hai tay lên bàn! - Viên sĩ quan ra lệnh. - Họ tên?
- Trepper Leopold.
- Quốc tịch?
- Do Thái.
- Do Thái mà tên là Leopold à? Đó không phải là tên của người Do Thái.
- Tiếc rằng anh không thể đặt câu hỏi đó cho cha tôi, vì người đã chết mất rồi.
- Công dân nước nào?
- Ba Lan.
- Thành phần gia đình?
- Anh hỏi cái gì thế?
- Bố anh có làm thợ không?
- Không.
Hắn ghi: thành phần gia đình tiểu tư sản… Nghề nghiệp?
- Nhà báo.
- Đảng phái?
- Từ 1925, đảng viên Đảng cộng sản.
Hắn vừa nói vừa viết: Và đương sự khai rằng mình đã tham gia Đảng cộng sản từ năm 1925…
Cuộc hỏi cung kết thúc. Leopold bước ra khỏi phòng họng tắc nghẹn: công dân Ba Lan, Do Thái, “thành phần” tiểu tư sản. Đó là lí lịch qua hai chục năm chiến đấu của mình. Anh muốn khóc nhưng anh cầm nước mắát lại vì khống muốn để họ khoan khoái vì thấy anh khóc.
Đêm nào anh cũng bị lôi đi hỏi cung suốt cho đến 5 giờ rưõi sáng. Qua một tuần lễ không được ngủ, anh tự hỏi liệu mình còn chịu đựng được bao nhiêu lâu nữa… Anh nhớỏ lại kỉ niệm tuyệt thực trong nhà tù của Anh ở Palestine, nhưng thấy không gay go bằng mất ngủ. Anh thấy hỏi cung đây làm cho anh suy kiệt.
- Anh hãy khai ra tội ác anh gây ra cho Liên Xô. - Viên sĩ quan hỏi cung hỏi.
- Tôi không gây một tội ác nào cho Liên Xô!
Chán, viên sĩ quan vờ như không để ý đến Leopold, hắn đọc báo rồi thỉnh thoảng nhắc lại câu hỏi, không thèm nhìn anh. Anh trả lời như cái máy:
- Tôi chẳng gây ra một tội ác…
Câu hỏi thưa dần. Thời gian trôi đi… Anh ngồi im trên chiếc ghế con bảy tiếng một đêm.
Tảng sáng, họ đưa anh trở lại xà lim. Chưa được mấy thời gian, cai ngục đã thét: Đứng dậy. Họ muốn đè bẹp anh.
Ba tuần lễ hành hạ như vậy trôi qua. Đến tuần lễ thứ tư, vào buổi tối, một người nhỏ nhắn, mặt bệnh hoạn, bước vào phòng hỏi cung. Hắn đang trong tình trạng cực kì kích động. Đó là viên đại tá thủ trưởng đơn vị hỏi cung nổi tiếng tàn ác của nhà tù Lubianka. Ông ta thích tự tay tra tấn. Ông hỏi viên đại úy:
- Kết quả khai thác ra sao?
- Chẳng có gì. Nó ngoan cố không khai ra tội lỗi; nó chưa bắt đầu khai…
Viên đại tá quay về phía Leopold và tuôn ra nửa tiếng đồng hồ chửi bới, đe dọa, đào từ ba bốn đời đối tượng lên.
Sau này Leopold mới biết đó là bài bản quen thuộc của viên đại tá hỏi cung. Leopold im lặng, không phản ứng. Thấy đụng phải bức tường, viên đại tá ngừng chửi nhưng đe: thời gian nghỉ mát ở Lubianka chấm dứt. Tao sẽ có cách bắt mày phải khai. Mày phải thú nhận tội lỗi của mày!
Điên cuồng, ông ta mở cửa và thét:
- Tống cổ tên đểu giả này ra khỏi đây!
Các cai ngục vội vã chạy đến, lúc này mới là một giờ sáng. Leopold phải chịu đựng màn xiếc của tên hề để được nhắm mắt vài tiếng đồng hồ.
Những đêm sau anh không bị lôi đi hỏi cung nữa.