Tâm lý vợ chồng - Phần I - Chương 2 phần 3

4. TỪ HÔN NHÂN TỰ DO ĐẾN HÔN NHÂN CƯỠNG BỨC

Trong chuyện vợ chồng từ xưa đến nay, thường thường có hai vấn đề quan yếu mà trai gái đều lấy làm lo lắng thắc mắc mỗi khi nghĩ tới chuyện hôn nhân.

Đó là hôn nhân tự do và hôn nhân cưỡng bức.

* Thế nào là hôn nhân tự do?

Khi hai người trai gái cùng yêu thương nhau trao cho nhau những tình ý lúc ban đầu, họ đã thông cảm nhau và sẵn sàng cùng nhau mạnh tiến trên quãng đường đời. Tình yêu bắt đầu hình thành trong lương tri và họ hằng mơ mộng một ngày nào đó sẽ cùng nhau chung sống cho đến lúc bạc đầu.

Đã yêu nhau người ta bất chấp những cách ngăn mà cuộc đời sẽ dành cho họ, mục đích trước nhất mà những kẻ yêu nhau nhất định phải khắc phục cho bằng được là làm cách nào cho hai tâm hồn được chung sống bên nhau thì thôi.

Tuổi trẻ là tuổi đam mê, thanh niên sẵn sàng chạy theo tiếng gọi của ân tình mà không cần những hậu quả sẽ mang đến trong tương lai. Con người coi thường mọi dư luận chỉ cần sống với riêng mình mà thôi.

Tình yêu trai gái được hình thành trong chiều hướng đó gọi là hôn nhân tự do.

Nói nôm na hơn, tình yêu được xây dựng trong quan niệm hôn nhân tự do là những người thích sống theo chính mình, người mình thương hoàn toàn cho mình lựa chọn, cha mẹ chỉ đóng một vai trò chứng nhân, tác hợp cho con cái mình thành vợ thành chồng mà thôi, công việc lựa chọn do trai gái tìm nhau và hiểu nhau để rồi cả hai cùng bước tới hôn nhân trong một giai đoạn nào đó.

Trong hôn nhân tự do, con gái cũng như con trai đều tự mình tìm thấy người bạn đời, tự mình đi tìm một đối tượng cho tình yêu. Quan niệm hôn nhân trong tự do có nhiều lợi và có cái hại (chúng tôi sẽ nói đến trong phần sau).

Cha mẹ không còn là một hàng rào nguy hiểm nữa, cha mẹ chỉ là một chứng nhân cho con mình thành gia thất. Từ chỗ cha mẹ bị coi là không quan trọng nên trong quan niệm hôn nhân tự do thường hay có nhiều bất hòa sau khi hai vợ chồng về ăn ở với nhau. Cảnh mẹ chồng nàng dâu cũng vì thế mà bộc phát, và còn nhiều thứ khó khăn mà cả hai còn phải cố tình khắc phục trước khi chiếm được tình yêu trọn vẹn của nhau.

Hôn nhân tự do còn nhiều vấn đề trắc trở khác mà nguyên nhân chỉ vì tính nết của nhau không được suy nghĩ đứng đắn trước khi thành hôn với nhau. Có nhiều cặp vợ chồng thường hay tỏ ra thương yêu nhau nhưng khi ở chung hẳn với nhau chẳng bao lâu sau là sinh ra bất hòa mà kết quả là do sự thành hôn trong quan niệm tự do.

Nói chung quan niệm hôn nhân tự do là một quan niệm phổ biến ngày nay trai gái kết hôn không còn coi theo hệ thống gia đình nữa mà quyền thành lập gia đình đều nằm trong tay mình chọn lựa và trong một thời gian sau khi hai vợ chồng chung sống thì cả hai biết được những tật xấu của nhau, và sinh ra những bất hòa, đưa đến chỗ thôi nhau (vấn đề này chúng tôi sẽ trình bày trong một chương sau).

* Chế độ hôn nhân cưỡng bức.

Trái hẳn với nền văn minh vật chất hiện đại, nền văn minh tinh thần khắt khe hơn nhiều, bó buộc con người và một khuôn thước nhất định, chuyện vợ chồng không do chính hai bên trai gái quyết định mà trái lại quyền quyết định chung cuộc do cha mẹ hai bên kết hợp. Có những cặp vợ chồng chàng và nàng không ai biết ai cả, cả hai chưa hề quen nhau bao giờ, nhưng vì áp lực của cha mẹ đôi bên mà bắt buộc phải thành vợ chồng với nhau. Ngày thành hôn là ngày đầy bỡ ngỡ cho cả chàng trai và cô gái. Cả hai không có quyền làm quen nhau trước, nhiều khi họ chỉ thấy nhau một vài lần mà chưa nói với nhau một câu nào.

Trong chế độ hôn nhân cưỡng bức, chàng trai và cô gái bị lệ thuộc hẳn vào quyền hạn của cha mẹ, với một tinh thần tôn trọng lễ giáo như vậy, người thanh niên rất e ngại và ngượng ngùng trong vấn đề thành lập gia đình. Với một hàng rào gia giáo khắt khe và bó buộc như thế thì giềng mối gia đình tránh được cái hào nhoáng, con người chú trọng vào lễ nghĩa mà coi thường cái tình cảm tự nhiên.

Con người sống theo nền văn minh cổ thường chịu ảnh hưởng một nền gia giáo bó buộc, chuyện gia đình thường chịu áp lực gia đình. Con người cảm thấy bên ngoài cái nhân dạng tầm thường còn có một hình bóng lễ nghĩa bao bọc bên ngoài mà con người khó lòng thoát qua được.

Thanh niên chịu tư tưởng và ảnh hưởng nền luân lý cổ truyền thì hầu hết tự đặt mình trong chuyện thành lập gia đình theo tư tưởng lệ thuộc.

Trong nền nếp truyền thống đó, trai gái khi chịu chế độ hôn nhân cưỡng bức thì có một cái lợi là con người bao giờ cũng nhớ đến mình và đạo lý. Con người không bao giờ sa ngã về phương diện vật chất, trọng phẩm giá và nhân cách, nhân nghĩa nhiều hơn cái hào nhoáng bên ngoài.

Hôn nhân cưỡng bức thường đưa đến những hậu quả cho nền hạnh phúc của hai vợ chồng chỉ vì không thông hiểu nhau, nhưng trong cái lợi và cái hại của nó, con người còn tìm được cho mình một lý tưởng là luôn luôn sống với chính mình và tự đặt mình theo một nề nếp cổ truyền giúp con người sống trong vòng đạo lý của thế nhân.

Đó là một nhận định của nhà hiền triết phương Đông khi công nhận nền tảng gia đình theo chế độ lệ thuộc.

Những điều nói trên chỉ minh chứng cho một vai trò mà người đời thường thấy và thường ái ngại.

Tuy nhiên nếu nhận định một cách khách quan hơn chúng ta sẽ thấy trong một nền luân lý bó buộc đó có nhiều cái lợi cũng có nhiều cái hại.

Chúng ta thừa hiểu rằng, trong bất cứ một tập quán nào cũng vậy, cái hay và cái dở bao giờ cũng là một điều không bao giờ tránh được.

Đem ra so sánh giữa cái lợi và cái hại của cả hai quan niệm hôn nhân tự do và hôn nhân cưỡng bức chúng ta sẽ thấy rõ rệt hơn.

Nếu hôn nhân tự do chủ trương một sự dễ dãi trong việc chọn bạn trăm năm, nam nữ có quyền tự do giao thiệp để từ sự giao thiệp cá nhân có thể tự tìm cho mình một người bạn đời lý tưởng thì trái lại một vấn đề vô cùng tai hại vì con người quá ư tự do mà hạnh phúc gia đình không bao giờ được đảm bảo. Tôi không nói rằng người đàn bà thường lạm dụng danh nghĩa tự do để đưa mình đi xa hơn ngoài vòng rào của lễ giáo, tự phiêu lưu vào con đường vô định của tình cảm, do đó trở nên hư hỏng, thiếu tinh thần đạo lý.

Ngược lại, người đàn ông cũng thế, không phải chuyện đạo lý gia đình đổ vỡ vì tay người đàn bà. Trong thời kỳ tiền hôn nhân(1) người con trai thường hay có những quyết định vội vàng mà không đủ sức phán đoán những lỗi lầm tai hại có thể xảy ra sau ngày thành chồng thành vợ với nhau. Từ chỗ tư tưởng bị lỏng lẻo đó nên không bao lâu sau ngày cưới hai vợ chồng lại hục hặc gây gổ nhau chỉ vì lúc về chung sống thì người mình thương yêu không còn là thần tượng nữa, mà than ôi những thói hư tật xấu liên tiếp diễn ra, từ giai đoạn chê chán đó viễn cảnh xa nhau không còn lâu dài bao nhiêu nữa mà trái lại câu chuyện ly thân bây giờ chỉ là thời gian mà thôi.

(1) Tiền hôn nhân: Giai đoạn quen nhau chờ ngày cưới.

Đó là nhận xét về phái yếu.

Nam giới cũng như thế mà thôi.

Câu chuyện vợ chồng mà cả hai người đều chê chán thì tương lai gia đình là những bóng tối hiện ra chờn vờn trước mặt mà khó lòng nắm được bao giờ.

Nhận xét thứ hai về quan niệm hôn nhân cưỡng bức cũng không hơn.

Tuy quan niệm hôn nhân cưỡng bức là một quan niệm có thể tương đối giải đáp được phần nào những khuyết điểm của phái tự do, nhưng con người khi đã đặt mình vào bức tường lễ giáo, tôn thờ chủ thuyết cưỡng bức thì đời sống tâm tình của thanh niên hoàn toàn bị khép vào hẳn nền luân lý, gò bó trong gia đình, người chịu những ảnh hưởng khốc hại nhất là phái yếu.

Trong vấn đề này, tình cảm trung thực của hai phái nam và nữ đều không được phản ánh trung thực như lòng mong muốn của chính bản thân, vì lẽ con người lúc ấy chịu ảnh hưởng nặng nề và đạo lý thì khó lòng mong thoát khỏi cái vỏ của đạo đức như phái văn minh vật chất chủ trương tình yêu thương vợ chồng phải được xây dựng trong tư tưởng tự do.

Vấn đề hôn nhân của phái cưỡng bức bị lệ thuộc hẳn vào gia đình. Họ chỉ là những con cờ trong ván cờ quyết định của mẹ cha. Trai gái chỉ đóng vai trò thụ động, cúi đầu tuân theo những quyền hạn và mệnh lệnh sai khiến của người bề trên.

Trai gái trong cuộc hôn nhân cưỡng bức được thu gọn vào câu “áo mặc không qua khỏi đầu”.

Trong vai trò này trai gái thụ động hoàn toàn, việc dựng vợ gả chồng đều do cha mẹ quyết định. Họ không có quyền cãi lại cũng không có một ý kiến gì trong ngày trọng đại của họ.

Việc thành vợ chồng trong quan niệm cưỡng bức thì hai bên trai gái coi nhau hoàn toàn xa lạ, những lần gặp gỡ họ là hoàn toàn bỡ ngỡ với nhau trong những phút ban đầu. Sau một thời gian chung chăn gối họ lần lượt quen nhau và tình cảm mới bắt đầu hình thành trong tim của trai và gái. Chủ trương tình cảm như vậy có vẻ gượng gạo không thoải mái vì họ chưa hề quen nhau trước, mà vợ chồng do cha mẹ kết hợp mà ra. Trong trường hợp đó nếu thanh niên thiếu nữ kém sáng suốt chưa có kinh nghiệm trên đường tình ái thì nhất định họ sẽ lấy làm khó chịu khi phải chung sống với người mình chưa từng quen thân biết mặt và như thế thì họ sẽ không tránh khỏi những thất vọng trong gia đình.

Đối với vấn đề cưỡng bức thì thanh niên thiếu nữ đều phó thác vận mạng gia đình theo sự may rủi mà thôi, sự may rủi đó tùy thuộc vào người đem lời đánh tiếng và quyền làm cha mẹ mà ra.

Sau khi thành hôn, nếu may mắn hai vợ chồng được những điểm tương quan cho tình cảm thì là một trùng hợp ngẫu nhiên.

Nhưng nếu…

Nếu sau ngày cưới hai vợ chồng không tìm được những điểm tương đồng thì lập luận đầu tiên cũng là cuối cùng của hai vợ chồng là tin vào may rủi, số mệnh.

Hôn nhân như vậy là một cuộc hôn nhân độc đoán, tình cảm bị lệ thuộc, con người bị dồn nén vào một thế bí của đạo lý cổ truyền bó buộc.

5. TAI HẠI TRONG QUAN NIỆM HÔN NHÂN TỰ DO

Trở lại quan niệm hôn nhân tự do, ở đây trong mục này tôi xin đưa ra một nhận xét tai hại của hôn nhân tự do.

Trong thế giới ngày nay, người con trai và con gái khi đến tuổi trưởng thành thường hay chủ trương quan niệm hôn nhân tự do.

Sở dĩ trai gái ngày nay chủ trương như thế, vì theo quan niệm bây giờ thì con người lúc lớn khôn không thích bị lệ thuộc vào cha mẹ nữa, mà nhất là quan niệm gia đình.

Thành lập gia đình bao giờ trai gái cũng muốn người chồng hay người vợ là phải do chính mình chọn lựa và thảo luận, cha mẹ chỉ đóng một vai phụ thuộc là chấp nhận mà thôi. Trong nền tảng đó con người thường hay có những quyết định vội vàng, không có những suy nghĩ chín chắn, trai gái thường hay có nhiều tư tưởng chủ quan bao giờ cũng lý tưởng hóa cuộc đời hơn nhiều, trong lòng bao giờ cũng thấy cả một tương lai tươi sáng hứa hẹn trong ngày sắp tới, thiếu những nhận xét khách quan, tư tưởng chính họ là những tư tưởng hời hợt, không nhận diện được những hậu quả tai hại vô cùng bởi những công việc lựa chọn thiếu suy nghĩ.

Có nhiều cặp vợ chồng trong giai đoạn tiền hôn nhân cả hai tỏ ra khăng khít, một phút không rời. Bao giờ cũng quấn quýt bên nhau xem chừng tâm đắc, yêu thương rất mực. Nhìn tương lai như vậy, ai cũng ngỡ họ sẽ sung sướng mà hưởng thụ bên nhau những niềm lạc thú. Song, thành lập gia đình qua một thời gian ngắn ngủi thì hai vợ chồng lại liên tiếp xảy ra những hục hặc, xung khắc. Anh chồng thường hay phàn nàn về cô vợ của mình là một người đàn bà không biết lo xa, hay chưng diện xe đua, đua đòi mà bỏ phế gia đình nên anh chán chường gia thất.

Ngược lại cô vợ cũng than thở với chúng bạn:

- Từ ngày ấy hai vợ chồng cùng chung sống với nhau thì anh ấy không còn là một mẫu người lý tưởng như ngày còn làm nhân tình với tôi nữa. Ngày nay anh ấy cờ bạc, rượu chè, bê tha, trác táng gia hư bất biết, suốt ngày chỉ lo ăn nhậu cùng bạn bè mà bỏ phế gia cang, thật rõ chán đời.

Thế là sóng gió gia đình lại chính thức nổi lên. Phong ba bão táp tơi bời xảy đến, những cơn giông tố như vậy ngầm báo hiệu gia đình sẽ tan vỡ trong tương lai.

Bằng một bằng chứng, qua một mẩu đối thoại của cặp vợ chồng chúng ta lại thấy thế nào là tai hại của hôn nhân tự do.

Để trình bày một cách tường tận hơn, tôi xin đơn cử ra một mẩu đối thoại này tôi tin rằng những nhân vật trong truyện sẽ giúp các bạn hiểu thêm phần nào câu chuyện thất bại gia đình vì hôn nhân quá tự do.

Một ngày nọ, tôi bất ngờ gặp lại chị J, một cô bạn chí thân với tôi ngay trong khi còn theo đuổi học hành trong ban trung học mà chị và tôi là hai người bạn chí thân. Cách đây một năm chị J - không thích cậu R và cho rằng anh là một người không đứng đắn, có thể đưa gia đình đến chỗ suy vong, nhưng chị J nhất định không nghe lời bà bác của ông F mà nhất quyết cùng R nên duyên vợ chồng.

Ngày J lên xe hoa là một ngày vui cho nàng. Vì nàng đã được cho mình một người yêu lý tưởng, nàng nở nụ cười thỏa mãn lòng yêu.

Mọi người tham dự tiệc cưới ngày ấy có tôi, đều tin tưởng rằng nàng đã hoàn toàn chọn đúng người yêu lý tưởng.

Thế rồi thời gian trôi qua, lần lượt giã từ ngôi trường để ra đời tìm sinh kế, ngày tháng qua khiến tôi quên hẳn nàng, tôi tin rằng nàng giờ đây đã chọn được người lý tưởng cho cuộc đời.

Bất ngờ, trong một lần dạo phố tôi gặp lại J. Qua những lời chào hỏi lúc ban đầu, nàng nhìn tôi bằng một cặp mắt buồn và nàng tâm sự:

- Chị ơi, đời em giờ này đau khổ nhiều, niềm yêu đã chết trong lòng từ khi cưới nhau. Anh R không còn là người đàn ông hoàn hảo như ngày chưa cưới, ngày ấy anh ấy yêu thương em vô ngần, mọi cử chỉ đều diễn ra trong trạng thái tâm tình, nhưng từ khi cưới nhau xong thì anh ấy lại hiện nguyên chân tướng một người đàn ông tầm thường như muôn ngàn người đàn ông tầm thường khác.

- Tại sao J lại nói những câu như vậy?

- Tại sao? Chị hỏi một câu làm em muốn khóc, tại vì anh ấy tầm thường và còn tầm thường ngoài sức tưởng tượng của em nữa.

Im lặng một hồi, ra chiều suy nghĩ, nhíu đôi mày như cố lội ngược dòng dĩ vãng để hồn mình quay về một ký ức xa xôi, nàng tiếp:

- Ngày trước, khi chúng em còn là một đôi nhân tình thì anh ấy rất chiều chuộng em, từ cử chỉ nhỏ nhặt ấy đều săn đón, nhưng từ ngày cưới nhau đến giờ thì anh ấy coi thường em ra mặt, suốt ngày chỉ lo chơi bời bê tha trác táng, lại thêm bài bạc, em nói tới là anh ấy kiếm chuyện gây gổ và đánh đập em.

Thú thật với chị, ngày nay em không còn mong ước gì hơn là được sống xa nhau, còn sung sướng hơn là cứ chung chạ nhau mãi thế này để cả ngày thấy mặt nhau là gây gổ, là đánh đập nhau luôn, tình nghĩa của đôi vợ chồng ngày nay không còn trong lòng em nữa mà chỉ còn lại một chuỗi ngày thừa thãi vô vị mà thôi.

Tôi hỏi:

- Ngày trước tại sao J bảo với mình rằng anh ấy hứa với J sẽ lo lắng bảo vệ cuộc đời của J cơ mà?

- Phải, ngày trước anh ấy hứa hẹn với em nhiều lắm, anh ấy bảo với em là anh ấy sẽ nguyện hy sinh trọn cuộc đời mình cho em, cuộc sống tình cảm của anh ấy có em mà thôi.

Chính vì những lời hứa hẹn ấy em mới yêu anh ấy và nhất định cùng anh ấy sống chung với nhau, nào ngờ đâu hiện tại anh ấy coi thường em, nếu em nhắc lại chuyện ngày xưa thì anh lại bảo đó là ngày trước kia, còn bây giờ thì khác, nếu em nhận thấy không thể chung sống được nữa cứ ly dị nhau để thành lập gia đình khác.

Nàng còn nói với tôi thật nhiều về chồng nàng và những đổ vỡ trong nhà nàng cho tôi nghe, tôi lấy làm ngại cho tình cảm của bạn mà tự nghĩ tai hại của việc hôn nhân tự do.

Bây giờ đem câu chuyện một người bạn thân ra trình bày cùng các bạn cốt mong nó sẽ làm thành một cái vòng mà các bạn nhận xét trong việc chọn bạn trăm năm.

Câu chuyện vừa qua là một trong những hậu quả do việc tự do quá trớn tạo thành hôn nhân để rồi khi cùng nhau chung sống, lúc đó mới hiểu được những thói hư tật xấu của nhau thì lại đã quá muộn màng mà thời gian không thể kéo lại được nữa.

6. TAI HẠI TRONG QUAN NIỆM HÔN NHÂN CƯỠNG BỨC

Hai trường hợp vừa nêu trên trong một câu chuyện về hôn nhân tự do các bạn đã nhận thức được thế nào là hậu quả. Đó là quan niệm hôn nhân tự do, bây giờ hãy tìm đến những hậu quả của quan niệm hôn nhân lệ thuộc.

Không hơn gì hôn nhân tự do, trong hôn nhân lệ thuộc quyền lựa chọn của trai và gái không còn là quan hệ nữa mà trái lại sự kén chọn và sắp đặt đều do cha mẹ tạo nên mà con cái chỉ giữ vai trò thụ động.

Trong trường hợp này trai và gái rất khổ sở vì người mình làm chồng, làm vợ không đúng như lòng mong muốn của mình. Họ phải chấp nhận trước một sự thật phũ phàng và coi mình là một việc đã rồi.

Từ chỗ không hiểu biết tính tình nhau đưa đến hôn nhân nên cả hai khó mong tìm được cho mình một lối thoát thỏa đáng cho tinh thần như lòng ao ước.

Có nhiều đôi vợ chồng về ăn ở với nhau đã lâu, nhưng chưa bao giờ tìm được cho mình một tình yêu chín chắn, một nền tảng cho tâm hồn.

Nhưng nguyên nhân thất bại đó là vì cha mẹ tạo nên mà không có sự ưng thuận cho cả hai bên trai và gái.

Trong những hậu quả do công việc cưỡng ép mà ra thường có nhiều nguyên nhân xâu xa, như vì tình thân gia đình, vì môn đăng hộ đối(2), vì áp lực của tiền tài.v.v…

(2) Môn đăng hộ đối: Là đời sống vật chất và cả gia giáo hai gia đình bằng nhau.

Quan niệm hôn nhân cưỡng bức xảy ra những thảm trạng trước nhất là do tình thân gia đình.

Tình thân gia đình là vì cả hai bên trai và gái quen thân với nhau từ trước, khi hai bên có con cả hai cùng nhận lời hứa hôn từ thửa nhỏ khi hai đứa trẻ chưa biết tình yêu là gì. Ngày lại qua ngày, hai đứa trẻ lớn lên lúc đến tuổi trưởng thành thì cả hai nhà lại nhớ đến lời hứa hẹn khi xưa mà tác hợp.

Mục đích của chuyện kết hôn này là giữ uy tín cho nhau sau nữa là để thắt chặt thêm tình thân ái giữa hai gia đình đã có từ trước.

Ngày nay chế độ này không tồn tại được bao nhiêu. Trường hợp thứ hai vì môn đăng hộ đối. Trường hợp này chiếm 85 % trong chế độ hôn nhân cưỡng bức.

Mục đích của hai gia đình là muốn tìm dâu, rể phải là người xứng lứa vừa đôi, căn cứ trên tiền tài, vật chất của cả hai bên. Trong lúc đó hai người chưa ai nói được tiếng yêu mà lại bị cha mẹ khép vào thành vợ thành chồng.

Trong vấn đề môn đăng hộ đối, người chịu thiệt thòi nhiều hơn là con gái. Có nhiều cô gái khi lớn lên đã từng yêu một chàng trai khác, nhưng cậu trai ấy vì hoàn cảnh gia đình thiếu thốn nên không được cha mẹ nàng tán đồng mà bắt cô ấy phải đi lấy một người trai khác. Trường hợp này thường gây ra cho gia đình những khủng hoảng thất vọng liên tiếp xảy ra.

Trường hợp thứ ba là vì áp lực tiền tài.

Nguyên nhân gây áp lực tiền tài thì cũng như trường hợp thứ nhất, nghĩa là chỉ còn lại một vài nơi theo chế độ phong kiến thôi.

Trong trường hợp này, vì gia đình cô gái thiếu một số tiền không thể nào trả được phải chịu làm dâu cho nhà chủ nợ, hoặc ngược lại gia đình người chồng giàu sang, còn một gia đình bên họ gái đem lòng tham muốn ép buộc con gái mình ưng thuận lấy chồng để chiếm đoạt gia tài.

Tất cả những trường hợp trên đều là những hậu quả nặng nề của hôn nhân cưỡng bức. Hạnh phúc bị chính thức đe dọa tiền tài trở thành một thứ khí giới mà người thanh niên thiếu nữ lúc ấy trở thành một vật thí nghiệm không hơn không kém!

Qua hai trường hợp điển hình, chúng ta nhận thấy cả hai không đưa con người đến nơi một bến bờ lý tưởng nào cả, vì cả hai đều có lợi và cũng có cái hại lẫn nhau.

Theo thiển ý của tôi thì vấn đề hôn nhân và hạnh phúc cần phải tương trợ và bổ túc cho nhau, cả hai đều được xây dựng trên nền tảng lý trí và đạo lý, hòa hợp với sự kiên nhẫn đắn đo tin tưởng và nhận chân giá trị của việc mình làm, có thể như thế gia đình mới trường cửu và hạnh phúc mới trở thành một hình ảnh lý tưởng và bền lâu được.