Tâm lý vợ chồng - Phần II - Chương 3

CHƯƠNG III

1. NHỮNG VA CHẠM HẰNG NGÀY TRONG CUỘC SÔNG LỨA ĐÔI

Cuộc sống vợ chồng là một cuộc sống tế nhị, con người khi lập gia đình phải hiểu được những khó khăn, phiền phức trong cuộc sống lứa đôi đó mới có thể mang lại cho nhau nguồn hạnh phúc chân thật đứng như lòng mình mong muốn.

Yêu tức là thừa nhận, yêu là tha thứ, đó là một chuyện đương nhiên không ai không biết, nhưng không phải vì thế mà câu chuyện vợ chồng trở thành đơn giản, mọi người đều thừa biết là như thế, song cuộc sống vợ chồng vẫn là một cuộc sống phiền toái luôn luôn phức tạp. Chuyện vợ chồng là một chuyện rất thông thường, nhưng cũng rất quan trọng, trong cuộc sống chung đôi đó con người phải tế nhị và đầy đủ khôn ngoan mới mong chiếm được cho mình một nguồn hạnh phúc thực sự, không lạc lõng. Người con trai cũng như con gái khi lớn khôn tới tuổi trưởng thành chuyện đầu tiên trong đời là thành lập gia đình, nhưng trong chuyện thành lập đó còn bao nhiêu trở ngại khác mà không ai có thê ngờ trước được những kết quả sẽ ra sao.

Cuộc sống vợ chồng khó khăn là như thế, nếu khi thành lập gia đình cả hai vợ chồng cùng có những nhận xét tinh vi cùng với sự hiểu biết, sức phán đoán và khôn ngoan thì hai vợ chồng sẽ tìm thấy ở nhau một nguồn hạnh phúc chân thành, bền vững. Ngược lại, nếu cả hai vợ chồng không biết phán đoán, thiếu nhận xét tinh tế về tâm tình, thì nhất định chỉ một thời gian ngắn hai vợ chồng sẽ đưa gia đình đến chỗ đổ vỡ hoàn toàn nền hạnh phúc.

Trong cuộc sống vợ chồng, cần phải một thời gian trường kỳ, một thời gian để chịu đựng những thử thách của cuộc đời, điều kiện cần thiết nhất cho cả hai người chồng và vợ là phải luôn luôn tìm cách tránh né những va chạm hằng ngày trong cuộc sống vợ chồng. Có khôn ngoan tránh né, hai vợ chồng mới có thể cùng chung sống bên nhau mà không bị những thói hư tật xấu làm cho sứt mẻ tình cảm thiêng liêng trong lòng hai người.

Không riêng gì đối với người đàn bà hay người đàn ông mà thôi, điều đó còn cần thiết cho cả hai vợ chồng. Hai người đã cùng nhau chung sống, cùng nhau gánh vác những sung sướng, cũng như đau khổ của cuộc đời, vì vậy cả hai vợ chồng phải tìm hiểu, cảm thông, nhận thức những điều cần phải biết thế nào là có lợi, như thế nào là có hại cho nếp sống, tình cảm của hai vợ chồng. Cả hai cùng phải có những ý kiến sáng suốt như nhau. Có thế mới tránh được những chuyện buồn lòng, những điều không vừa ý của nhau.

2. ĐỐI VỚI NGƯỜI CHỒNG

Đối với người chồng, trong gia đình có những điều cần nên tránh như sau:

* Đừng quá nhỏ mọn.

Một người chồng trong gia đình luôn luôn phải rộng lượng đúng lúc, đúng chỗ. Đối với vợ con, đừng bao giờ quá keo kiệt, nếu người đàn ông luôn luôn dè sẻn với vợ con khiến cho người vợ cảm thấy mình bị thiệt thòi và nhất là người đàn bà luôn luôn có ý nghĩ so sánh giữa mình với người khác, khi người chồng trong gia đình quá ư coi nặng vấn đề tiền bạc, thường thường làm cho người vợ thấy mình quá khô khan gò bó trong nếp sống vật chất của người chồng.

Một người đàn bà, khi có chồng luôn luôn hướng tương lai mình về với người chồng, mọi chuyện nên hư trong đời đều tin tưởng vào người chồng và có một điều quan hệ là bất cứ người con gái nào khi có chồng cũng tin tưởng cuộc đời mình sẽ được nhiều sung sướng hạnh phúc, người đàn bà khi lấy chồng thường hay nhìn tương lai bằng một cặp mắt nhiều hy vọng, họ tin tưởng luôn luôn người chồng sẽ là một người hoàn toàn hơn người khác, vậy khi có vợ bạn nên nhớ một điều là đừng bao giờ coi nặng về mình mà coi thường vợ con.

Không một người đàn bà nào không đau khổ khi người chồng luôn luôn quan trọng hóa vấn đề tiền bạc. Người đàn ông đã đành đi làm ra tiền bạc, nhưng khi có vợ bạn cũng cần nên dễ dãi một chút, bạn đừng mang nặng trong người thành kiến trong gia đình người đàn ông hoàn toàn làm chủ, ý nghĩ đó khiến cho vợ chồng thường hay sinh ra những chuyện giận hờn.

Chúng ta cũng thừa hiểu rằng, trong cuộc sống vợ chồng thì tình cảm chiếm phần quan trọng hơn là vật chất, nhưng tình cảm không thể thay thế hoàn toàn cho vật chất được mà trái lại phải nhờ vả vào tiền bạc. Có tiền bạc hoàn toàn thoái mái, mới có thể an lòng mà xây đắp nguồn hạnh phúc cho gia đình. Vì thế, khi lập gia đình, người đàn ông cũng nên nhớ rõ vấn đề đó là chớ bao giờ quá nhỏ mọn với vợ con, dù là bất cứ trong trường hợp nào. Người đàn ông phải chứng tỏ “nam tính” của mình là như thế. Nếu bạn coi nặng vấn đề tiền bạc mà coi thường chuyện tình cảm, thì nhất định hạnh phúc khó được bảo tồn.

* Chớ nên lấn lướt quá nhiều.

Một điều khác nữa bạn cũng cần nên biết và tránh để khỏi va chạm trong cuộc sống lứa đôi chớ nên quá lấn lướt vợ.

Khi lập gia đình, bạn nên nhớ mỗi một điều căn bản là vợ chồng quyền hạn ngang nhau, luôn luôn coi nhau như người bạn mà không bao giờ nuôi trong đầu tư tưởng chồng là trên hết, tư tưởng coi vợ như người giúp việc hay người dưới tay mình, điều đó là một điều lầm lẫn tai hại vô cùng.

Trong gia đình, mặc dù bạn là một người chồng, một người luôn luôn làm chủ chốt trong gia đình, nhưng bạn đừng bao giờ quan trọng hóa chức vụ làm chồng và coi thường người vợ. Làm như thế bạn không bao giờ có lợi vì nó không mang đến cho bạn một sự thiết thực nào, mà trái lại nó còn đưa bạn đi càng ngày càng xa hạnh phúc gia đình.

Trong gia đình mà bạn coi quyền làm chồng là một quyền hạn tuyệt đối, coi vợ là một người dưới tay, tầm thường thì nhất định người bạn đời của bạn sẽ đau khổ vô cùng, đau khổ và có mặc cảm là không chiếm được tình yêu của chồng và bị chồng coi rẻ. Càng sống chung nhau, càng ngày người đàn ông càng tỏ ra quá độc đoán, có khi những tư tưởng độc đoán đó là những tư tưởng sai lầm, những người đàn ông lại thích bảo thủ. Như thế, càng ngày tình cảm vợ chồng càng bị chia rẽ, cách xa và như thế, chẳng bao lâu hai vợ chồng tiến đến chỗ chán nản và xa nhau.

* Đừng coi nặng bên chồng, xem nhẹ bên vợ.

Điểm thứ ba trong cuộc sống vợ chồng người đàn ông phải tránh là đừng bao giờ nghiêng hẳn tình cảm sang một bên. Nói thế có nghĩa là đừng bao giờ coi nặng bên gia đình mình nhiều quá mà coi thường bên vợ.

Khi thành lập gia đình, mọi người đều coi vợ chồng ngang nhau. Quyền hạn của vợ chồng, cũng vì thế mà bằng nhau. Như vậy bạn nên nhớ một điếu là đừng bao giờ bạn chú trọng quá nặng tình cảm về phía mình, mà coi thường bên nhà vợ. Trong gia đình, bạn phải luôn luôn đóng vai trò một con người trung lập, nghĩa là: đứng giữa cả đôi bên. Bên cha mẹ, anh em của bạn, cũng như bên cha mẹ, anh em nhà vợ. Đừng bao giờ bạn coi cha mẹ bạn quá trọng, mà cha mẹ vợ bạn lại có thái độ coi thường, khinh khi.

Khi bạn muốn mua một món quà gì đó, cho cha mẹ bên bạn, bạn nên nghĩ mua thêm một phần quà tương tự như thế, để tặng cho cha mẹ bên vợ. Bạn làm như thế, chứng tỏ lòng tôn kính cả hai bậc cha mẹ mình cũng như vợ đều bằng nhau. Bạn đừng nên có ý nghĩ tặng một bên bạn mà thôi, làm như vậy, đương nhiên vợ bạn sẽ thấy đau buồn, vì lòng tự ái và vợ bạn có mặc cảm là bạn không thành thật và coi thường gia đình bên vợ. Khi hai vợ chồng cùng nhau chung sống, mà đã có tư tưởng nghiêng về một bên, và những mặc cảm không mấy tốt đẹp đó nảy sinh, thì nhất định tình yêu và hạnh phúc khó được bảo toàn cho trọn vẹn.

* Đừng hỗn hào.

Điểm thứ tư là bạn nên thận trọng từ lời ăn tiếng nói. Dù là trong khi giận hờn cũng thế. Đã đành khi giận hờn thì khó lòng mà ai giữ được bình tĩnh như khi không giận dỗi được. Tuy nhiên, bạn đã có bực bội, giận dữ bao nhiêu bạn cũng cần nhớ một điều là đừng bao giờ có những lời lẽ hỗn hào, xúc phạm đến các bậc sinh thành bên vợ, như cha mẹ vợ chẳng hạn.

Đó là một lỗi lầm to tát nhất, thường làm cho tình thương yêu của vợ chồng sứt mẻ một cách nhanh chóng vô cùng. Có nhiều người đàn ông khi giận không nghĩ tới những hậu quả đó, nhưng hành động đó đã làm cho người bạn gái của bạn đau khổ, và thấy rằng bạn là một người chồng không xứng đáng, vì không giữ được chữ kính. Khi ở chung nhau mà bạn đã làm cho người hôn phối của bạn phải đau khổ và cảm thấy đau khổ, chán nán vì tính tình của bạn thì nhất định người bạn đời của bạn sẽ đau khổ, và từ những đau khổ đó khiến cho người đàn bà cảm thấy tủi thẹn thân phận mình với những người bạn gái cùng chung lứa tuổi, khi người đàn bà đã bất mãn với chính chồng con và đem chồng con so sánh với gia đình người khác thì nhất định hạnh phúc trong gia đình sẽ không bao giờ bền vững được nữa. Nếu không đổ vỡ thì ít ra tình cảm của người bạn đời của bạn cũng sứt mẻ đi nhiều, một khi tình yêu đã bị sứt mẻ thì dù bạn có làm gì đi nữa cũng khó lòng mà chiếm lại được tình yêu ban đầu trong lòng vợ bạn.

Tóm lại, đối với đời sống hằng ngày của vợ chồng, bạn đừng bao giờ nên có những lời lẽ không đẹp đối với bậc cha mẹ của vợ mà khiến cho tình yêu thương của vợ chồng phải tổn thương, sứt mẻ.

3. ĐỐI VỚI NGƯỜI VỢ

Những điểm vừa trình bày trên đây là nhưng điều cần nên tránh của người chồng trong gia đình. Phần sau đây, chúng tôi xin trình bày những điều cần nên tránh của người vợ trong gia đình để hầu tìm cách thoát khỏi những va chạm hằng ngày trong đời sống vợ chồng.

* Đừng lắm lời.

Điều cần thiết nhất đối với người đàn bà trong gia đình là đừng nên lắm lời. Trong mười người đàn ông hết chín người khi nói đến những tật xấu của người đàn bà thường thường là tật lắm lời.

Thật quả vậy, người đàn bà có một nết xấu nhất là thường nói nhiều. Trong gia đình người đàn bà thường làm cho người chồng hay buồn phiền vì nói nhiều, khi sống trong một xóm, người đàn bà cũng vì nhiều lời mà sinh ra cãi vã đôi co phần nhiều là những chuyện không đâu. Người đàn bà trong gia đình phải luôn luôn biết ý chồng mình, không một người đàn ông nào thích nói nhiều, và nhất là nói chuyện kẻ khác, những chuyện không đâu, không liên hệ tới mình.

Người đàn bà khi có gia đình cần nên biết điều này và cần phải tránh, tuyệt đối không bao giờ nên nói nhiều với chồng. Khi có chuyện buồn phiền không hài lòng giữa hai vợ chồng, người đàn bà khôn ngoan luôn luôn im lặng, nếu người đàn bà nói nhiều lời lấn lướt hơn chồng muốn chứng tỏ sự khôn ngoan của mình đối với chồng thì đây là một điều tai hại vô cùng.

Nó hoàn toàn không có lợi bất cứ một điều gì, chẳng những nó không mang lại cho người đàn bà một sự ích lợi thiết thực nào mà ngược lại còn làm cho người đàn ông thêm chán chường vợ con hơn. Trong gia đình một khi người chồng thấy chán chường vợ con thì đó là một chuyện không mấy tốt đẹp, đối với gia đình nó là một triệu chứng xấu, những đám mây đen luôn ám ảnh tương lai gia đình bạn, mà những ngày đen tối chắc chắn không xa.

Đối với một người đàn bà khôn ngoan, luôn luôn ít nói, khi nói ra thường dò xét thái độ của chồng, mà nhất là khi người đàn ông bực hội giận dữ, thường thường người đàn bà hay im lặng để tránh những hồi sóng gió dồn dập có thể xảy ra.

Tóm lại, lắm lời là một đức tính xấu mà người đàn bà nên tránh, để bảo tồn hạnh phúc và tránh va chạm cho cuộc sống vợ chồng.

* Đừng lớn tiếng.

Một điều cần thiết đối với người vợ sau hành động lắm lời là đừng bao giờ lớn tiếng.

Trong gia đình khi có chuyện không vừa ý, người đàn ông thường hay có những lời lẽ trách móc vợ, trong trường hợp đó, một người đàn bà khôn ngoan thì nên nhớ một điều là đừng bao giờ to tiếng cãi lại với chồng. Một gia đình, dù đã biết vợ chồng là ngang nhau, song bạn nên chứng tỏ cho chồng bạn thấy rằng, bạn là một người đàn bà khôn ngoan, biết nhường nhịn chồng, chiều chuộng chồng.

Hành động đó của bạn sẽ có một ảnh hưởng quan trọng trong lòng người đàn ông. Không có người đàn ông nào không thương vợ khi có chuyện rầy rà mà người vợ im lặng không chống cãi. Ngược lại, nếu trong lúc hai vợ chồng nóng giận mà bạn không chịu nhường nhịn lại to tiếng cãi vã cùng chồng thì nhất định chẳng bao lâu hai vợ chồng sẽ tiến đến to chuyện, có thể ẩu đả lẫn nhau.

Tóm lại, một người đàn bà khôn ngoan luôn luôn ý thức được vai trò làm vợ trong gia đình. Luôn luôn nhường nhịn chồng mà đừng bao giờ cãi vã to tiếng. Có như thế, vợ chồng mới có thể tìm được nguồn hạnh phúc vững bền.

* Đừng cãi vã.

Đối với vợ chồng, bạn đừng bao giờ cãi vã. Chuyện vợ chồng là luôn luôn có những chuyện không vừa ý một cách bất thường. Trong những lần bất đồng ý kiến đó, bạn nên nhớ là đừng bao giờ cãi vã. Đã yêu nhau thì luôn luôn nhường nhịn cho nhau. Ai cũng biết rằng, đời sống vợ chồng không bao giờ tránh được câu chuyện cãi lẫy với nhau, nhưng đó là một chuyện bất đắc dĩ, bằng không thì bạn nên nhường nhịn chồng bạn một chút. Tiếng nhường nhịn đối với chồng không có nghĩa là sợ chồng hay chịu thua chồng một cách nhục nhã, hành động đó không thể coi như là một chuyện nhục nhã mà trái lại, người vợ sống trong gia đình biết nhường nhịn chồng là một người vợ tốt, một người vợ hoàn toàn mà mọi người ai ai cũng mến phục.

Tóm lại, bạn cần nên nhớ mỗi một điều đã sống chung, thành vợ chồng thì đừng bao giờ cãi vã cùng nhau. Bạn nên tỏ vẻ khôn ngoan và hiền thục bằng cách nhường nhịn chồng bạn một cách khéo léo, như vậy, chẳng những giữ được hòa khí trong gia đình mà bạn còn tạo được một tình yêu vĩnh cửu cho cả hai vợ chồng nữa.

* Đừng hỗn xược.

Một điểm khác nữa không kém quan trọng đối với bạn gái là bạn nên cẩn thận trong lời ăn tiếng nói, suy nghĩ kỹ trước những lời lẽ của mình, dù cho trong khi giận hờn cũng thế. Con người ai ai cũng thừa hiểu rằng khi đã nóng giận thì không còn trí khôn và đủ sáng suốt nữa, nhưng dù cho có giận hờn bao nhiêu đi chăng nữa, bạn cũng nên thận trọng từ ngôn ngữ, đừng bao giờ lộng ngôn, có những lời lẽ xúc phạm đến bậc cha mẹ, sinh thành ra người chồng của bạn. Có lắm người đàn bà khi bực tức vì con, hay giận chồng trách mắng thì thường hay có nhiều lời lẽ kém nhã nhặn đối với các bậc sinh thành của chồng. Điều này là một thói xấu phải chữa bỏ.

Bạn nên hiểu rằng, đây là một trong những lầm lỗi quan trọng nhất trong đạo vợ chồng, không thể tha thứ được. Nó chẳng những làm cho tình vợ chồng không còn giữ được tình yêu thương mà còn làm thương tổn nguồn hạnh phúc trong nhà. Có rất nhiều người đàn bà trong khi giận dỗi con cái thì thường hay có những lời lẽ như thế mà bất chấp những hậu quả tai hại trong tương lai.

Hành động đó của bạn khiến cho người đàn ông cảm thấy giận hờn và căm tức. Nếu đối với chồng hiền thì có thể nhịn, nhưng ngược lại, nếu là một người đàn ông nóng tính thì những lời lẽ đó của bạn thật tai hại vô cùng vì nó có thể làm cho chồng bạn và bạn sanh chuyện ẩu đả lẫn nhau, chỉ vì một lời nói vô ý thức cửa bạn mà ra.

Tóm lại, trong đời sống hằng ngày của vợ chồng, người chồng cũng như vợ nên thông cảm nhau, hiểu biết nhau mà tránh cho nhau những câu chuyện không đâu, chỉ vì vô tình có thể đưa tới hậu quả không đẹp.