Gói thuốc lá - Chương 10

Chương 10: Cái Tin Quái Lạ

Phương bước lại sau, đọc qua vai Trung thì trên mảnh giấy đó viết bằng bút chì ba chữ tên Nông An Tăng và ở dưới một hàng chữ hoa, cái câu bí hiểm: X. A. E. X. I. G.
Mai Trung quay lại nhìn Kỳ Phương và Kỳ Phương cũng đáp lại bằng cách nói yên lặng giống như thế. Mất đến ba phút, hai người mới tìm đặng một câu:
- Tên Thổ Nông An Tăng?
Mai Trung quay lại hỏi đầy tớ.
- Mảnh giấy này ở đâu ra?
Tên đầy tớ thưa:
- Người ta đưa cho con.
- Ai?
- Cô ấy còn ngồi ở ngoài phòng khách.
- Sao lại “cô ấy”? Đàn bà ư?
- Vâng.
- Ồ quái lạ!... Nhưng vào bao giờ?
- Bẩm vừa mới vào.
Hai người bạn lại nhìn nhau, Phương hỏi đầy tớ:
- Người ấy có nói gì nữa không?
- Bẩm không, thấy con, cô ấy đưa cho con mảnh giấy, con liền vào mời ông con ra, vì thấy cô ấy ngồi ra ý đợi ông con ra tiếp.
Trung cau mày nghĩ ngợi, tay mở cúc túi đựng súng, gật đầu để điểm lại sự cả quyết, rồi bảo Kỳ Phương:
- Ta cứ ra xem sao.
Ngoài phòng khách, ngăn cách nhà trong một khung cửa, một thiếu nữ ngồi bắt chéo chân đang táy máy nghịch mấy bông hoa cắm trong bình. Người ấy ngẩng lên mỉm cười, cúi đầu chào hai người đàn ông bước ra rồi nhanh nhẹn nói:
- Xin hai ông thứ lỗi, tôi phải dùng cái mưu vô lễ ấy để được gặp hai ông. Từ sáng đến giờ không ai được vào phỏng vấn ở đây, nhất là ông Kỳ Phương, ông không để cho một nhà báo nào được giáp mặt. Tôi phải lấy cái tên người mà ông sẵn lòng tiếp ấy để... được may mắn hơn các bạn đồng nghiệp của tôi.
Hiểu vỡ chuyện, Mai Trung nghiêm thêm nét mặt đã sẵn nghiêm của ông ta lại. Còn Kỳ Phương thì chăm chú nhìn coi cuốn sổ mở cô ta cầm ở tay:
Trung hỏi:
- Thế ra cô là người nhà báo?
Cô ta hơi ngả đầu:
- Vâng ạ, phóng viên báo Thời Thế.
- Cô cũng ở báo Thời Thế?
- Vâng. Cũng như mấy người đến xin phỏng vấn sáng hôm nay...
Kỳ Phương gật gù, thong thả nói:
- Và cũng như ông Lê Phong... Cô... có phải là cô...
Người thiếu nữ đáp liền:
- Vâng, ông đoán đúng lắm. Tôi là Mai Hương đây ạ, tôi đến đây xin hai ông cái ân được phỏng vấn cho báo Thời Thế về vụ án mạng ở phố Richaud.
Trung không xiêu lòng vì nụ cười rất nhã nhặn của người thiếu nữ. Ông ta lạnh lùng đáp:
- Chúng tôi không có điều gì để cô phỏng vấn hết.
Nhưng Kỳ Phương ôn tồn hơn:
- Chúng tôi rất lấy làm tiếc không tiện trả lời những câu hỏi của cô trong lúc này. Trong vụ án mạng, ý kiến của chúng tôi về đại cương thì quý báo biết rồi, hung thủ chính là Nông An Tăng mà cô đã mượn tên một cách khôn khéo để bắt chúng tôi ra...
Mai Hương cười:
- Xin lỗi hai ông. Đó là một cách bất đắc dĩ.
- Hung thủ là Nông An Tăng, và chỉ có thể là tên Thổ ấy thôi.
- Vâng, nhưng giết ông Đường vì thù đã đành, sao Tăng lại giết cả ông Thạc?
- Vì ông Thạc đuổi theo tên Thổ gấp quá.
- Tên Thổ táo tợn đến thế là vì liều hay vì cớ gì khác nữa?
- Vì liều cần tháo thân cũng có, nhưng chính vì nó nhân cơ hội ấy để làm kinh hoặc người ta thêm. Tên Thổ có gan mà lại giảo quyệt lắm lắm.
Hương nhìn thẳng vào mặt Kỳ Phương trong lúc Phương nói câu ấy. Cô lại hỏi:
- Xin ông cho biết qua cách hành động của hung thủ trong hai vụ án mạng này.
Phương lắc đầu nghĩ thầm: “Lê Phong cho người đến dò hỏi ta đây, nhưng khi nào ta để cho hắn biết.” Rồi nhũn nhặn ông ta đáp:
- Tôi đã thưa trước với cô rằng tôi rất lấy làm tiếc...
Cô vẫn chưa ngả lòng:
- Hung thủ dự bị vụ án này hẳn từ lâu?
- Điều đó chắc chắn là thế. Nhưng... xin cô thứ lỗi, chúng tôi không thể chiều ý đáp cuộc phỏng vấn của cô hôm nay.
Hương mỉm cười:
- Tuy vậy, chúng tôi cũng xin cảm ơn ông, vì mấy lời quý hóa vừa rồi cũng đủ cho chúng tôi viết được bài phỏng vấn có giá trị. Và muốn tạ lại ông cái ơn đó (cô vừa nói vừa xem đồng hồ tay) tôi xin thay mặt ông Lê Phong mời hai ông chiều nay đúng bảy giờ rưỡi đến nhà thương Phủ Doãn chứng kiến một vụ ám sát nữa.
- Cái gì? (lời Mai Trung hỏi). Cô bảo gì? Cô có nói đùa hay nói thực đấy?
- Thưa ông Mai Trung, chưa bao giờ tôi ít muốn nói đùa bằng lúc này.
- Ồ ồ! Thế là thế nào?
- Thưa ông, nghĩa là tôi hết sức thành thực mời hai ông đến nhà thương Phủ Doãn bảy giờ rưỡi tối hôm nay.
- Để chứng kiến một vụ án mạng nữa?
Cô vừa bảo sẽ có một vụ ám sát?
- Vâng, hay nói cho đúng, một vụ mưu sát.
- Mà chiều hôm nay, bảy giờ rưỡi?
- Vâng. Ở nhà thương Phủ Doãn, phòng Pasteur B.
- Mà kẻ mưu sát là ai? Và ai sẽ bị mưu sát?
Mai Hương ranh mãnh nhìn hai người đàn ông:
- Tôi cũng rất tiếc rằng chưa thể trả lời hai ông lúc này được. Chỉ xin khẩn khoản mời hai ông đến, và đúng hẹn cho. Ông Lê Phong hình như có hi vọng bắt được hung thủ...
Cô nói rồi đứng dậy:
- Bây giờ xin phép hai ông, tôi phải về nhà thương xem bệnh tình ông Thạc.
Kỳ Phương vội đưa tay hỏi:
- Bệnh tình ông Thạc? Thế ra ông Thạc không chết sao?
Hương nhìn Kỳ Phương một lát mới đáp:
- Vâng, ông Thạc may ra có cơ sống được. Vết thương nguy hiểm, nhưng chỉ làm ông Thạc ngất đi, thầy thuốc sang máu rất nhiều, và chỉ mấy hôm nữa ông Thạc nói được. Thôi xin kính chào hai ông...
Mai Hương đã bước ra tới cửa, Kỳ Phương còn gọi:
- Cô... Mai Hương!
- Ông dạy gì kia?
- Không có lẽ nào! Ông Thạc đã chết thực rồi kia mà! Ông y sĩ cũng nhận thấy như thế...
- Nhưng ông y sĩ lại mới nhận thấy mình lầm.
- Tôi thì tôi cứ tưởng đó là một mưu của ông Lê Phong.
- Thưa ông, nếu ông chưa tin thì xin ông đến nhà thương hỏi lại.
- Được vào thăm ông Thạc chứ?
Mai Hương se sẽ nhếch miệng:
- Các ông thì vào thăm ai mà chả được.
Kỳ Phương cau mày, thở dài rồi bỗng nói:
- Được. Chúng tôi xin cám ơn cô... Thế nào chiều nay chúng tôi cũng có mặt ở nhà thương để... xem ông Lê Phong bắt hung thủ.
Lúc Mai Trung tiễn người thiếu nữ xong, quay vào thì thấy Kỳ Phương nhìn mình một cách lạ lùng và lẩm bẩm:
- Ông Mai Trung ạ, Lê Phong là một anh kì dị... tối nay ta đến nhà thương xem. Có lẽ... Lê Phong cải tử hồi sinh được cho người bị giết.
Viên thanh tra mật thám chỉ cho là một câu nói mỉa mai nên không chú ý đến vẻ trầm ngâm của Kỳ Phương lúc bấy giờ.
Mai Hương ở nhà viên thanh tra mật thám ra, vừa đi đến đầu phố thì gặp xe hơi của Lê Phong đến đón. Cô lên ngồi bên, Phong vừa cho xe chạy vừa hỏi:
- Họ đến chứ?
- Vâng, đến.
- Cô làm thế nào gặp được họ?
- Em xưng là nữ phóng viên Thời Thế.
- Chả có lẽ!
- Nói đùa đấy: em lập một mẹo thần tình lắm cơ...
Phong bật cười khi Mai Hương thuật lại câu chuyện đội tên người Thổ lúc nãy. Anh lại hỏi:
- Kỳ Phương có hỏi gì nữa không?
- Có. Trước ông ta còn ngờ, nhưng sau cũng có vẻ tin là mình nói thực.
- Chưa chắc, nhưng họ đến nhà thương đúng giờ là đủ. Tôi chắc may ra thì bắt được hung thủ hôm nay.
- Ngay hôm nay?
- Có lẽ. Vì hung thủ thế nào cũng phải đến nhà thương. Thế nào? Cô đã hỏi các chỗ rồi chứ?
- Vâng. Rồi.
- Đã đưa mấy bức thư của tôi cho trẻ bán báo rồi chứ?
- Đưa cả rồi.
- Cô cũng dặn thêm họ những điều tôi chỉ bảo chứ?
- Vâng.
- Và các việc cũng xong cả?
- Gần xong cả. Anh cứ yên tâm...
Phong cười:
- Công việc từ bây giờ mà đi thì dễ dàng lắm. Cô Mai Hương quả là một bậc kì nữ, một tay đắc lực vô song...
Mai Hương cũng cười:
- Chả dám ạ! Ngài dạy quá lời!
- Việc của ta có thể thành công lắm. Hung thủ thế nào cũng bị bắt mà bị bắt chiều hôm nay cũng chưa biết chừng. Sở liêm phóng sẽ thua báo Thời Thế và Lê Phong lại được một phen cười với Mai Hương, để cho ông Mai Trung được một phen khó chịu.
Mai Hương chợt hỏi:
- Nhưng này anh Phong! Sao anh không cho em biết ý anh?
- Vì chính tôi cũng chưa biết hết. Chỉ có một điều quan trọng, một điều tôi biết rõ và chắc chắn là tên hung thủ. Hung thủ là ai, tôi đã “thấy” rồi. Nhưng tôi muốn để cô nghĩ kỹ, tự tìm ra kia? Bao nhiêu việc chung quanh vụ này, từ cách hung thủ lẻn vào nhà và những chữ bí mật trên tấm danh thiếp cô đều đoán đúng cả... Cô cứ nghĩ xem, và khi biết được tên hung thủ rồi thì...
Bỗng Mai Hương ngắt lời:
- Chả có lẽ, anh Phong ạ.
- Chả có lẽ sao?
- Em chợt nghĩ ra một người nhưng không có lý gì để bảo người ấy là hung thủ hết...
Cô nhíu mày để theo đuổi một ý tưởng vụt hiện đến:
- Hay là... Này anh Phong! Anh có ngờ cho... anh ngờ Kỳ Phương phải không?
Phong sầm mặt lại, lắc đầu:
- Giá Kỳ Phương là hung thủ thì tiện biết chừng nào, việc của ta thành giản dị lắm! Nhưng trong vụ án mạng này, kẻ phạm tội ác có phải là Kỳ Phương đâu! Hung thủ có tài hơn Kỳ Phương nhiều...
Phong thở dài một tiếng chán nản rồi không có liên lạc gì, anh bảo Mai Hương:
- Sở liêm phóng làm việc hăng hái và chu đáo lắm. Các đường lối đều có người kiểm soát rất cẩn thận, rất kín đáo. Nông An Tăng khó lòng ra khỏi Hà Nội được ngay. Đó là một điều đáng mừng, vì ta đỡ mất công đi xa mới tìm được hắn.
Anh mỉm cười:
- Sở liêm phóng cũng có ích cho ta một vài việc đấy chứ.
Xe hơi đỗ trước nhà thương Phủ Doãn. Lê Phong và Mai Hương xuống thì lúc đó đã quá một giờ trưa. Anh bảo người thiếu nữ đợi, vẫy người gác cổng ra, thân mật hỏi mấy câu rồi vào trong sân đi rẽ ngay về phòng gác.
Phong ở phòng gác ra cùng với một người sinh viên đi theo. Hai người đến một chỗ vắng cùng đứng lại. Phong hỏi:
- Anh gác cả đêm hôm nay chứ?
- Phải, tôi cùng gác với một anh nữa.
- Một mình anh giúp tôi cũng đủ. Mà như thế lại hơn. Anh nhớ kĩ cho các điều tôi nói với anh sáng nay nhé.
Người sinh viên gật. Chàng ta là một người lanh lẹ, đôi mắt thông minh và tươi cười, nhưng dáng điệu nghiêm trang. Phong vỗ vai người bạn mới đó, dặn một câu sau cùng:
- Điều quan trọng nhất là trừ Mai Trung và Kỳ Phương thì từ giờ đến mai không ai được vào thăm Thạc.
- Được. Nhưng bao giờ Mai Trung đến?
- Chiều hôm nay.
- Lúc họ đến thì đối phó thế nào?
- Đã có tôi. Lúc đó tôi sẽ có ở đây.
- Bây giờ anh còn cần vào nhà mổ nữa không?
- Không cần. Sáng nay tôi chụp đủ các kiểu mặt của người chết rồi. Thôi chào anh, anh cẩn thận cho nhé.
Sắp quay ra cổng, Phong còn dặn dò thêm:
- Anh nhớ đấy nhé. Hết sức giữ bí mật cái chết của Thạc, và không được để một ai biết là Thạc đã chết thực rồi. Không một ai nghe chưa? Đêm nay tôi sẽ thay Thạc nằm ở Pasteur B. Cô Mai Hương sẽ là một người nữ khán hộ hoặc là người ốm ở phòng bên cạnh.
- Được, tôi hiểu rồi, anh cứ tin ở tôi.
Ở nhà thương ra, Phong cùng với Mai Hương rẽ vào nhà 44 bis phố Richaud. Phong gọi Huy bảo:
- Có lẽ đến chiều người nhà anh Đường ở quê mới ra tới Hà Nội. Vậy anh phải nhớ ra ga đón họ, nghe không?
- Nghe rồi.
- Anh phải tìm cách nói cho họ yên tâm và đừng đá động gì đến cái việc anh Thạc bị giết. Còn người nhà anh Thạc thì ít ra đến mai mới tới đây. Anh đánh điện tín cho họ lúc mấy giờ?
- Lúc 10 giờ sáng.
- Cũng nói rằng Thạc bị giết chứ?
- Không! Bị nạn!
- Nhà quê Thạc ở Hà Nam?
- Phải. Ở làng Yên Đổ.
- Được. Giây thép đến nơi, sớm ra cũng phải mất một ngày phu trạm mới đem đi...
Vậy đối với người nhà Thạc, ta không cần phải giấu giếm. Mai họ biết sự thực cũng không hại gì. Từ sáng đến giờ, những nhà báo nào đến điều tra ở đây?
- Tân Văn, Điện Báo và Thời Thế.
- Họ vẫn tưởng Thạc chưa chết chứ?
- Phải. Và chắc họ cũng sẽ đăng đúng như báo của anh đã đăng...
- Được rồi. Thế là mọi việc xong xuôi... Thạc chưa chết, và chưa chết thực. Thạc sẽ sống lại, anh nghe chưa?
Rồi bắt tay Huy rất mạnh, Phong quay ra lấy thuốc lá ngậm giữa nụ cười, hớn hở như đứa trẻ được ăn bánh.
Bỗng nhiên anh trở gót, chạy lại nghiêm sắc mặt hỏi Huy:
- À này anh Huy?
- Cái gì?
- Anh trả tôi cái bật lửa anh mượn đêm qua...
Huy cau mày:
- Bật lửa nào?
- Cái bật lửa tôi đưa anh lúc ở rạp chớp bóng ấy thôi.
Huy lấy làm lạ hết sức:
- Ô hay! Bật lửa nào? Anh đưa cho tôi bao giờ?
Phong đập vào tay Huy, bật cười:
- Không, nhưng thôi, không hề gì, anh làm ơn bỏ hộ tôi cái bộ mặt mán rừng kia đi...
Anh lấy diêm châm thuốc, chạy đến cạnh xe, vịn chắc tay lên hai bên cánh cửa chưa mở rồi nhún người nhảy vào nệm.
Cả Mai Hương cũng không hiểu gì hết. Cô mỉm cười trông những điệu bộ nhí nhảnh của Phong, trông bằng đôi mắt khoan dung và âu yếm.
Anh cho xe chạy qua Hàng Da, rẽ tay trái rẽ về phố Đường Thành qua cửa Đông, Gầm Cầu, rồi đỗ lại trước hàng cơm Joseph.
- Đói lắm rồi. Chúng ta đi bồi bổ lại sức đã. Mời cô Mai Hương vào đây.
Trong lúc đợi bồi đem món ăn, Phong mở mấy tờ báo nhi đồng của nhà hàng ra xem những hình vẽ. Anh có vẻ một người vô sự không còn công việc gì khác hơn là đọc những chuyện ngộ nghĩnh để sửa soạn ăn một bữa cơm ngon.
Mai Hương đợi đến lúc uống cà phê mới hỏi:
- Này, anh Phong! Lúc nãy anh đòi anh Huy cái bật lửa để làm gì?
- Để châm thuốc lá.
- Nhưng anh có bật lửa đâu mà đòi?..
- Đòi để cho Huy ngạc nhiên.
Người thiếu nữ không cho câu nói là dở hơi, cô nhè nhẹ gật đầu ra ý hiểu.
Phong nói:
- Mai Hương có thấy bộ mặt của Huy lúc tôi đòi cái bật lửa không nhỉ?
- Có. Mà đến em lúc ấy cũng phải lấy làm lạ, nữa là Huy.
- Đó là một cách đùa cợt rất có ích, sau này Huy sẽ hiểu rõ... Và đó cũng là một cái mưu mẹo láu lĩnh tôi thử lại lần thứ hai Mai Hương ạ, tôi vẫn cứ thấy đời giản dị quá, và sự bí mật chỉ có một nghĩa nghèo nàn đối với tôi trong những lúc bình tĩnh này... Tôi mong cho việc rắc rối gấp trăm lần, mà việc lại quá rõ ràng, quá đơn sơ để cho tôi không được vất vả... Trong lúc sở liêm phóng với hai tướng soái của sở ấy xuôi ngược hết đây cùng đó để tìm hung thủ, thì tôi chỉ có việc ngồi đây, hút thuốc lá, để nghĩ đến tên hung thủ mà tôi sẽ tóm được đêm hôm nay. Lúc nãy thì tôi còn ngờ, nhưng bây giờ thì sự thành công thực chắc chắn. Đêm nay hung thủ sẽ bị bắt trước mặt một nhà thám tử có đại tài: Kỳ Phương, một nhà thám tử cũng gần có đại tài là ông Mai Trung, thanh tra sở liêm phóng.
Một người bồi đi nhanh lại chỗ Phong ngồi rồi thưa:
- Ở nhà báo Thời Thế gọi tê-lê-phôn hỏi ông.
Phong sang buồng bên nghe thì nhận được tiếng Văn Bình, Văn Bình nói như người kêu cứu:
- Lê Phong hở? Bây giờ mới đến đấy à?
- Ừ. Vừa mới ăn cơm xong. Gì thế?
- Nông An Tăng!...
- Nông An Tăng làm sao?
- Nó vừa đến tòa soạn.
Phong không đổi giọng, thản nhiên bỏ điếu thuốc ra khỏi miệng:
- Nó đến tòa soạn?
- Phải. Tôi thấy có tiếng hỏi dưới cổng, chạy ra cửa sổ thì nó đang hỏi người loong toong.
- Hỏi ai?
- Hình như hỏi anh. Hắn đến tìm anh! Thế mới lạ!
- Ừ, nói mau lên, thế rồi sao?
- Tôi lập tức chạy xuống, qua phòng trị sự bảo mấy người ra giúp sức, suýt nữa bắt được nó, thì nó nhảy lên xe hơi chạy trốn. Anh đợi tôi nhé, tôi lại đây!
Phong không nén được giận, bật lên tiếng gắt:
- Đồ tồi!
- Kìa anh mắng tôi đấy à?
- Chứ gì! Mà anh đến đây làm gì?
Anh bực dọc để ống nghe xuống rồi ra ngồi chỗ cũ, vẻ mặt hầm hầm. Mai Hương hỏi, anh chỉ trả lời nhát gừng, và cứ thế đến hơn năm phút.
Bỗng anh nhíu mắt lại, gật đầu mấy cái rồi lẳng lặng nhoẻn miệng cười:
- Văn Bình thực là một đồ tồi, làm hỏng việc của tôi mấy lần. Nhưng không hề gì. Ra anh chàng vẫn còn căm tên Thổ: bị mấy quả tống đáo để như thế cũng khó quên được ngay.
Phong xem đồng hồ đeo tay:
- Hai giờ rồi. Hai giờ chiều ngày thứ bảy...
Anh nhắc lại để tự nhủ rằng mình không lầm.
- Hai giờ chiều ngày thứ bảy. Hừm! Chóng thực! Việc án mạng mới xảy ra không đầy mười bốn giờ đồng hồ. Vậy mà tôi cứ tưởng đã lâu lắm. Bởi vì tôi không ngờ rằng chỉ nội đêm nay là bắt được kẻ giết Thạc và Đường.
Phong ký tên vào cuốn sổ tháng của nhà hàng, rồi toan cùng với Mai Hương bước ra thì Văn Bình vừa tới, vẻ mặt ngơ ngác trước sự điềm tĩnh của Lê Phong:
- Anh Phong! Đi đâu bây giờ? Tên Thổ Nông An Tăng...
Bình chưa nói dứt lời, Phong đã ngắt:
- Nông An Tăng đến tìm tôi ở Thời Thế chứ gì.
- Đến tìm hay đến dò anh cũng không biết chừng, vì tôi thấy mặt nó đầy những sát khí...
- Đối với anh thì cái việc gì cũng ghê gớm. Có lẽ anh cho là tên Thổ chực hại tôi nữa cũng nên.
- Biết đâu đấy! Bây giờ đối phó thế nào?
- Đối phó với ai?
Bình ngạc nhiên:
- Còn với ai nữa? Anh vẫn có ý tìm tên Thổ kia mà?
- Ừ, thế sao?
- Còn sao nữa. Tên Thổ vẫn ở Hà Nội, chưa trốn ra ngoài...
- Tôi biết rồi. Không những Nông An Tăng chưa trốn, mà lại còn muốn gặp tôi nói chuyện thân mật nữa kia!
Bình trách:
- Bây giờ mà anh còn nói đùa.
- Kìa tôi có nói đùa đâu. Nông An Tăng nếu không hẳn muốn nói chuyện thân mật với tôi thì ít ra cũng muốn nói chuyện... tâm sự. Ngoài ra không còn ý gì khác nữa, đó là điều khó hiểu đối với anh thực, nhưng không hề gì. Anh cứ chịu khó chờ đến đêm hôm nay gặp hắn ở nhà thương Phủ Doãn sẽ rõ.
- Gặp ai? Nông An Tăng ấy à?
- Ừ.
- Mà gặp ở nhà thương Phủ Doãn?
Lê Phong mỉm cười bí mật:
- Phải. Hắn sẽ đến. Và đêm nay có nhiều sự bất ngờ. Một vụ ám sát nữa xảy ra, hung thủ sẽ bị bắt quả tang và Lê Phong sẽ đọc cho Văn Bình viết một bài tường thuật nữa.
Bỗng đổi giọng, Phong dặn Văn Bình:
- Bây giờ anh lại về nhà báo, sắp đặt cho mau xong những bài trang tin tức và chọn cho tôi hai người chụp ảnh đêm. Năm giờ chiều, các anh ăn cơm ngay ở nhà báo; sáu giờ ăn mặc giả làm ba người khán hộ và cầm tờ giấy này đưa cho người gác để vào nhà thương. Ở nhà thương, các anh chỉ đóng vai khách quan, dù thấy chuyện gì cũng không được can thiệp. Anh thì nghe, trông và nhớ lấy các việc tai nghe, mắt thấy, còn hai phóng viên thì chụp ảnh để kèm theo bài đăng báo số sau. Chắc tôi không cần dặn thêm anh rằng anh phải giữ kín những kế hoạch tôi đã dặn. Từ sáng đến giờ, các điều định đoạt của tôi đều vào khớp cả, cơ mưu cũng khá chặt chẽ. Nhưng còn từ giờ đến đêm. Nếu hung thủ hơi có một chút ngờ nào thì việc của tôi có thể hỏng một cách tai hại được.
Bình chực hỏi, nhưng Phong đưa tay cản lại:
- Anh biết thế là đủ. Thôi đi về đi. Sáu giờ mười lăm phút phải có mặt ở nhà thương đấy.
Bình đi khỏi, Phong vui vẻ bảo Mai Hương:
- Thỉnh thoảng cũng phải làm cho to chuyện để mua vui. Nếu bây giờ nói thẳng ra thì anh Bình anh ấy không thấy gì là bí mật nữa.
Câu nói của Phong có giọng đùa cợt như ở một trường hợp thông thường, nhưng Mai Hương chợt thấy có vẻ lo âu thoáng qua trên gương mặt bạn. Cô ra xe trước, đợi Lê Phong lên ngồi vào chỗ rồi mới hỏi:
- Việc không giản dị đến thế đâu, phải không anh?
Lê Phong im lặng, nhìn đi, mím một khóe miệng lại. Anh thở dài một tiếng rất nhẹ, mãi sau mới hơi gật đầu:
- Việc thì không rắc rối chút nào hết, song cái khó là khiến thế nào cho hung thủ nhất định phải giết người đêm nay. Phải, hung thủ thế nào cũng sẽ giết người mà nó tưởng chưa chết, song phải giết đêm nay đi. Để lâu e lộ cơ mưu của ta mất.
Nhưng anh bỗng khoát tay lên gió, nhanh nhẹn ấn khuy máy rồi lại cho xe hơi chạy về phía nhà thương.
Phong để Mai Hương lại đó, dặn dò mấy điều quan trọng rồi lấy xe hơi đi một mình đến sở liêm phóng. Phong đến sở liêm phóng như người không có mục đích gì, không có chủ định gì, và chỉ theo một ý kiến chưa rõ rệt. Lòng anh lúc đó rất phức tạp, trí nghĩ lại bông lông. Phong ngạc nhiên cho tâm trí lạ lùng của anh lúc bấy giờ và không hiểu tại sao không vì một cớ gì hết, anh lại thấy băn khoăn hoài. Tại sự mệt nhọc sau một đêm không ngủ ư? Hay tại còn nhiều điều ngờ vực? Anh cũng nhận rằng sau hai vụ án mạng, anh suy tính nhanh chóng quá thực, nhưng có khuyết điểm chỗ nào đâu. Thế thì tại sao? Người anh vẫn khỏe mạnh, mưu cơ anh chu đáo, trí nghĩ vẫn sáng suốt, tại sao anh lại lo ngại? Cho đến lúc bước lên mấy bực cửa sở liêm phóng, Phong tự hỏi mà chưa tìm được câu trả lời. Nhưng khi qua gian dưới, anh theo bực thang lên từng trên thì anh lại thấy sự bình tĩnh ngay. Người thứ nhất anh gặp lúc lên tới đầu cầu thang là viên thanh tra mật thám.
Mai Trung ở một phòng gần đó vội vã bước xuống, ra vẻ nghĩ ngợi lung lắm, đến nỗi chỉ chút nữa vấp phải Lê Phong. Tay ông ta cầm mấy tờ giấy đánh máy lẫn với mấy chiếc điện tín màu xanh. Chỉ nhìn qua, Phong cũng biết đó là giấy thông cáo của các nơi gửi đến. Anh ngả mũ chào và hỏi:
- Ông Mai Trung đi đâu mà hấp tấp thế?
Trung sửng sốt đứng lại thì người phóng viên mỉm cười:
- Tôi muốn đến báo cho ông một tin lạ, đúng như tin trong những tờ thông báo này.
Mai Trung càng sửng sốt. Ông ta hỏi:
- Tin gì?
Phong đủng đỉnh:
- Một tin... về tên Thổ.
- Vâng, nhưng tin thế nào?
- Tên Thổ vẫn ở Hà Nội.
Mặt viên thanh tra là hình ảnh rõ rệt của sự kinh ngạc lẫn với sự bực mình:
- Phải, tên Thổ chưa ra khỏi Hà Nội, thế rồi sao nữa?
Phong tỏ vẻ ái ngại, làm bộ phàn nàn:
- Chưa ra khỏi Hà Nội, vậy mà sở mật thám mất công đi lùng bắt tận đâu... Nhưng không hề gì. Nếu sở mật thám muốn bắt thì sẽ bắt được. Chúng tôi sẽ xin trợ lực thêm.
Mai Trung không biết trả lời ra sao. Ông nhìn Lê Phong như nhìn một vật kì dị. Ngẫm nghĩ một lát, ông ta đổi nét mặt khó khăn ra nét mặt vui vẻ, nhưng Phong cũng biết đó là thái độ thật thà. Ông ta bảo Phong:
- Tôi vẫn biết cái giá trị của ông, được ông giúp một tay thì còn gì hơn. Nhưng ông cho biết tại sao ông lại đem tin vừa rồi nói với tôi mà ông không giữ riêng lấy?
- Vì tôi muốn giúp ông.
- Đành vậy. Nhưng ta đã hứa... ta đã mỗi người làm việc riêng cho mình rồi kia mà. Mà tại sao ông biết tên Thổ vẫn còn ở Hà Nội?
Phong nói dối rất tự nhiên:
- Vì Hà Nội là nơi sở liêm phóng không để tâm đến nhất. Sở liêm phóng tưởng tên Thổ trốn ngay từ sáng ngày và xô đi các ngả để đuổi bắt... Nhưng đó là chuyện viển vông. Điều ta cần chú ý đến bây giờ là: Tên Thổ vẫn chưa ra khỏi Hà Nội. Muốn bắt được nó chỉ có việc tìm xét kĩ lưỡng, nghĩa là tổ chức lại cuộc săn đuổi cho chu đáo như các ông vẫn quen làm... Nhưng tôi có cách đơn giản hơn, là mời các ông lại nhà thương Phủ Doãn tối hôm nay cùng với một cái khóa tay chắc chắn để đón lấy tên hung thủ mà tôi sẽ nộp tận tay các ông.
Phong không để cho Mai Trung trả lời, nói rất nhanh một câu mà anh rắp sẵn: - Nhưng các ông cũng vui lòng giúp chúng tôi... nghĩa là... nghĩa là không cản trở một điều gì trong công việc của tôi, các ông cứ bình tĩnh mà xem tôi làm.
Thế là Phong lợi dụng được một lúc nhã nhặn nhất của Mai Trung để nói một lời khó nói và để yên trí rằng cái trở lực mà anh gờm sợ nay đã rào đón được. Phong đưa tay bắt thật chặt tay Mai Trung:
- Vậy bây giờ tôi xin lỗi ông và nhắc lại để ông nhớ chiều nay, từ bảy giời rưỡi đến nửa đêm, mời ông lại bắt hung thủ ở nhà thương với chúng tôi, hung thủ hai vụ án mạng sáng hôm nay và một vụ mưu sát nữa. Ông làm ơn chuyển lời mời của tôi đến ông Kỳ Phương giùm.
Nói rồi Phong bước xuống, ra xe, băng băng cho chạy trên đường, lòng khoan khoái như cất được gánh nặng. Anh nghĩ bụng:
- Mai Trung chỉ gẩy một cái cũng có thể làm hỏng mưu kế của mình được. Thí dụ ông ta tìm cách cấm ta đặt cái bẫy để bắt hung thủ ở ngay nhà thương Phủ Doãn... Nhưng không hề gì... Bây giờ thì ta hết lo rồi.
Phong xem đồng hồ, tính nhẩm:
- Ba giờ kém mười lăm, ta còn ba giờ nữa để nghỉ dưỡng sức.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3