Gói thuốc lá - Chương 11

Chương 11: Những Việc Trong Bóng Tối

Nhà thương Phủ Doãn sáu giờ rưỡi chiều hôm đó, quang cảnh không khác gì một buổi chiều thường. Những lớp nhà thấp ở các khu yên lặng đợi đêm dưới những hàng cây cao lớn. Một vài người ốm trong bộ quần áo trắng của nhà thương lác đác đứng ở gần nhà bệnh, hoặc lững thững đi ở mấy lối gần. Thỉnh thoảng một người khán hộ vội vàng đi qua. Gió thổi đã bớt nóng và cùng với bóng tối ngày tàn, đưa một chút dễ chịu đến cho mọi người, sau những giờ nóng bức. Thời khắc bình tĩnh lặng lẽ trôi. Không ai có thể ngờ rằng trong bầu không khí hiền lành ấy lại có những tâm trí đang hồi hộp âm thầm để chờ đến những chuyện kịch liệt.
Một thiếu nữ ăn mặc lối nữ khán hộ bước lên khu Pasteur B. Cô nhanh nhẹn đi tới buồng số 1, đưa mắt trông lại đằng sau, rồi khẽ gõ vào mặt cửa ba tiếng. Trên cửa, một mảnh giấy lớn dán vào mặt kính mấy chữ ĐINH VÕ THẠC rõ rệt như nhãn hiệu của một nhà hàng.
Người thiếu nữ vặn nắm cửa bước vào, rồi khép lại cẩn thận. Trong buồng này chỉ có hai giường, một giường để không, trên phủ một chiếc chăn trắng mép chấm gần tới đất. Cô đến ngồi lên đó, lẳng lặng nhìn cái giường kê đối diện, áp với cái cửa sổ trông ra đầu hiên. Trên giường này, một người ốm nằm thẳng, đầu chìm trong những gối bông to và mình đắp một tấm khăn giường nhỏ. Tuy lúc ấy nhá nhem tối và trong phòng không mở đèn, nhưng ai có nhìn cũng nhận ra người ốm kia chính là Lê Phong. Anh hé mắt nhìn người mới vào rồi nhắm mắt lại. Một lát im lặng. Hai người cùng có vẻ nghe ngóng. Bỗng thấy Lê Phong thở một tiếng dài. Anh kéo chăn phủ xuống tới thắt lưng, rồi khẽ hỏi:
- Bảy giờ chưa?
Người thiếu nữ lắc đầu:
- Chưa, còn kém hai mươi.
- Những ai đến rồi?
- Đến đủ cả.
- Đủ? Mai Trung với Kỳ Phương?...
- Họ đợi ở phòng số 3. Họ cùng đến một lúc với người của ta...
- Họ ăn mặc thường?
- Không. Lúc gặp họ lần sau, em nói họ hiểu ý ngay, họ cũng ăn mặc lối khán hộ.
Lê Phong mỉm cười:
- Tử tế nhỉ. Nhưng tôi chắc họ vẫn chưa tin mình. Chúng ta làm việc có vẻ trò quỷ thuật lắm. Nhưng không hề gì. Chỉ mấy giờ nữa họ không tin cũng không được. Thôi thế là chu đáo. Bây giờ Mai Hương đi ra đi. Dặn mọi người nhớ lấy các dấu hiệu. Bình, Lịch với Thanh ở bên buồng số 2 đấy chứ?
- Vâng.
- Ngoài cửa sổ, chỗ ẩn có kín hẳn không?
- Kín. Em mượn nhà thương được hai cái thùng “tôn” có nắp.
- Được. Cô cẩn thận đi soát lại một lượt, đến bảy rưỡi thì “ngậm tăm”.
Phong đưa tay cho Mai Hương bắt. Cô nắm tay anh rất chặt, trong cử chỉ đó Phong đoán thấy sự khăng khít của bạn và cả sự lo sợ thay cho anh.
- Mai Hương đừng ngại gì, nó không biết được tôi đâu.
- Nhưng anh cũng phải coi chừng... Em sợ lúc cùng nó đâm liều thì nguy hiểm lắm cơ đấy...
- Mai Hương cứ yên tâm.
Người thiếu nữ kéo tấm chăn tới cằm Phong, đặt một chiếc khăn ướt lên trán anh, ép hai mép gối vào hai bên má, nhẹ nhàng ý tứ như một người khán hộ chăm sóc cho một bệnh nhân. Phong nhắm mắt, thấy một sự êm dịu phủ lên khắp mình, và cả tâm hồn anh như thu nhỏ lại.
Khi Mai Hương ra khỏi, những cảm giác khoan khoái cũng bắt đầu mất dần. Cả sự im lặng buồn bã ở nhà thương đều như dâng lên cùng bóng tối im lặng.
Phong nằm yên, nghe quả tim đập, nghe những tiếng nhỏ của lá cây khẽ động và tưởng đến những bước chân rón rén bước lại gần phòng anh.
Lần đầu tiên trong cả vụ này, lúc đó Phong mới biết hồi hộp. Bởi vì anh tự hiến mình làm một thứ mồi để nhử ác thú. Anh nhận lấy cái việc nguy hiểm, thay cho người sẽ bị giết chết để đón lấy khí giới của kẻ giết người đêm nay... Phong đợi mãi mà chưa thấy đến bảy giờ. Giây phút đi chậm lạ thường, hình như cùng với sự bí mật tiến lên bằng những bước dè dặt.
Anh ôn lại các điều dự định, tưởng lại các trường hợp, trông thấy hiện trong trí các cử chỉ và nghe thấy các lời nói của các nhân vật trong vụ này. Nguyên nhân vụ án mạng thứ nhất anh đã biết rõ như đọc trong cuốn sách. Vụ án mạng thứ hai đối với anh là một thứ kết quả dĩ nhiên, do cái án mạng thứ nhất gây nên. Vậy theo luận lý của anh thế nào cũng phải có cuộc mưu sát đêm nay. Anh tin một cách rất vững vàng rằng hung thủ có hết các lẽ quan trọng để phạm tội ác nữa. Trong sự bình tĩnh của tâm trí và của hoàn cảnh, Phong thấy óc mình sáng suốt và giác quan tinh tường thêm. Bất giác Phong mỉm cuời. Nụ cười đạo mạo, nghiêm nghị, chỉ nở trên miệng người phóng viên trong những trường hợp kì dị như những lúc này.
Bỗng Phong chau mày. Một tiếng động vừa chợt nghe thấy đâu đây. Một tiếng động rất nhỏ, nhưng lúc ấy không thoát khỏi cái tai người vẫn chú ý.
Anh hé mắt liếc nhìn về phía cửa, thì thấy nắm cửa trắng dần dần quay. Cửa nhẹ nhàng mở ra và một người mặc âu phục sẫm lách vào, khắp người trùm một thứ mặt nạ bằng vải đen, chỉ để hở hai con mắt long lanh sáng.
Phong hiểu ngay, lẳng lặng mỉm cười tự nghĩ:
- Trên sân khấu “bí mật” ai cũng muốn đóng những vai dị kì...
Người lạ mặt cẩn thận khép cửa lại thong thả đến bên giường Phong, nhìn người phóng viên lúc đó nằm thẳng dưới làn chăn mỏng trắng. Hắn thấy Phong có vẻ hoàn toàn như một người bị thương nặng: trên đầu buộc khăn, hai má khuất vì hai mép gối; cái bộ mặt biến gần hết và đổi khác hẳn: phải là người biết trước hoặc tinh ý lắm mới nhận được ra là anh. Hắn gật đầu rồi ghé xuống gần tai Phong, hạ thấy giọng xuống nói:
- Ông đợi tôi có nóng ruột không?
Phong hơi lắc đầu. Hắn lại hỏi:
- Đèn bật hay cứ để tối? Có lẽ để tối hơn.
Phong lắc đầu. Người kia ra ý hiểu:
- Phải cứ bật đèn lên có lẽ tự nhiên hơn. Tôi bật đèn nhá?
Bấy giờ Phong mới nói:
- Bật đèn nhưng để lát nữa đã. Bây giờ ông nghe tôi. Lúc vào đây, ông có chắc là nó chưa đến không?
Người đeo mặt nạ đáp, tiếng nói thều thào sau làn vải che trước miệng:
- Chắc. Tôi đã xem xét rất cẩn thận...
- Người sinh viên gác dẫn ông vào phải không?
- Vâng. Ông ấy lại cho tôi biết tên những người ra vào nhà thương từ sáu giờ rưỡi đến bây giờ.
- Những người được phép vào?
- Vâng.
- Mấy người?
- Ba người, mà không ai đáng chú ý. Vì toàn là những người vẫn ra vào đây.
- Việc canh gác nhà thương chu đáo chứ?
- Vâng.
- Được. Ông vào đây, ngoài người sinh viên, có ai trông thấy nữa không?
Người lạ mặt hơi ngập ngừng:
- Chỉ có một cô nữ khán hộ... nhưng cô ấy không để ý đến tôi...
- Ông gặp cô ta ở lối vào đây phải không?
- Vâng... sao kia?
- Cô ấy để ý lắm cơ đấy, nhưng không hề gì, vì đó là cô Mai Hương. Ông không thấy gì khác nữa chứ?... Nghĩa là không có gì khác có thể để cho nó nghi ngại chứ?
- Không.
- Mấy giờ rồi?
Người lạ mặt xem đồng hồ tay:
- Bảy giờ kém mười hai phút.
- Ông có khí giới gì không?
- Tôi không cần khí giới: chân tay không cũng đủ.
- Được. Bây giờ ta chỉ có việc đợi. Nửa giờ nữa hay một, hai giờ nữa cũng không chừng. Thế nào nó cũng đến, để giết Đinh Võ Thạc mà tôi thay mặt nằm ở đây...
Phong cười nhạt:
- Tôi sẽ dành cho hung thủ nhiều sự ngạc nhiên... cho hung thủ cũng như cho nhiều người... thí dụ như ông Mai Trung, ông Kỳ Phương và người bạn thân của tôi và ông Văn Bình. Thực là một món quà đột ngột mà họ không ngờ tới...
Phong chợt hỏi:
- Các khẩu hiệu ông biết cả rồi chứ?
- Bức thư của ông rành mạch lắm. Ông có điều gì dặn thêm nữa không?
- Không. Nhưng tôi tưởng nên nhắc lại cho ông nhớ lần nữa, vả lại có một vài chỗ quan trọng phải sửa đổi. Vậy ông nghe đây: Từ giờ đến đêm, không kể chuông đồng hồ, thì các chuông nhà thương đều không bao giờ đánh. Hễ có tiếng chuông đánh thì ta phải hiểu là có sự khác thường. Sự khác thường ấy có nghĩa là: hung thủ đã qua cổng. Từ lúc hung thủ qua cổng sẽ còn nhiều cách báo hiệu khác mà ta phải nhớ kĩ lấy thứ tự: một đoạn bài “Guitare d amour” thổi sáo miệng, tức là hung thủ đang tới đầu khu Pasteur B. Khi hung thủ qua những buồng cạnh đây thì bài “Guitare d amour” sẽ hát thành tiếng. Lúc có tiếng văng vẳng rên của một vài người ốm trên gác, thì hung thủ đã bước tới cửa buồng này. Hung thủ bước vào sẽ ra ngay, vì nó chỉ cần ở có nữa phút cũng đủ làm xong công việc của nó. Khi ấy tiếng còi của tôi thổi giật lên ba lượt thì mọi người phải xông vào. Nhưng nếu còi chưa thổi thì không ai được động cựa. Phần ông thì ông chỉ phải theo những dấu hiệu trên để cầm nhừng. Hiệu còi chỉ người khác cần nhớ. Còi thổi mà chưa ai kịp xông đến, ông cũng không ngại, ông cứ làm theo lời tôi dặn trong thư... ông hiểu chưa?
- Hiểu rồi.
- Nhất là không được đánh chết hung thủ. Dù nó chực đâm chết ông để thoát thân cũng vậy... Ông có thể thắng được nó không?
- Cái đó ông không lo! Tôi không sợ ai hết...
- Được lắm. Ông đưa cái bấm điện đây cho tôi để lát nữa tôi bật đèn. Bây giờ ông hãy bắc ghế, lấy mảnh giấy ở đầu giường tôi che ngọn đèn điện đi để tôi khỏi chói mắt... và để hung thủ không nhận được tôi...
Lúc ấy trong buồng Phong đã tối. Một chút ánh sángở những đèn điện bên ngoài chỉ lờ mờ đưa qua cái cửa sổ bên giường nằm. Người đeo mặt nạ chỉ là một cái bóng đen mơ hồ đương cử động theo lời Phong bảo.
Hắn bắc ghế, với tay vừa tới ngọn đèn điện giữa phòng, loay hoay để giắt tờ giấy lên chỗ cuống lắp bóng đèn, lựa cho tờ giấy có thể che khuất mặt Phong khi đèn bật cháy.
Phong lại bảo:
- Ông cất ghế vào chỗ cũ rồi vặn khuy đèn ở trên tường kia...
Người lạ mặt theo lời, nhưng trong phòng vẫn om tối. Hắn lại gần hỏi Phong:
- Kìa, sao đèn không cháy?
Phong cắt nghĩa:
- Vì tôi bấm tắt từ trước rồi. Đèn sáng mà ông ở đây thì người ta có thể trông thấy được. Đó là cách phòng xa. Vậy trước khi tôi bấm đèn sáng, ông phải ẩn đi đã.
Lúc Phong bật đèn thì trong phòng lại vắng như trước. Anh đưa mắt nhìn qua tứ phía rồi thở một tiếng dài. Sự chờ đợi bắt đầu, sự chờ đợi lặng lẽ và nặng nề, trong đó sự tịch mịch như lớn lao thêm, và lòng người xôn xao những ý nghĩ nghiêm trọng.
Tiếng náo động của thành phố vang tới đây như từ một nơi xa khuất. Nhà thương hình như là một cõi biệt tịch mà người đời không nhớ đến. Thời giờ càng về muộn càng làm cho vẻ quạnh vắng rõ rệt hơn lên.
Đủng đỉnh và rõ ràng, đồng hồ nhà thờ điểm hồi chuông bảy giờ, và Phong ngạc nhiên vì đêm đến quá chậm.
Bảy giờ mười lăm.
Rồi bảy giờ rưỡi.
Chuông đồng hồ xa điểm tiếng sau cùng một cách đạo mạo khác thường.
- Bảy giờ rưỡi rồi.
Đó là câu giản dị mà Phong nghĩ thầm.
Mai Hương, trong bộ áo nữ khán hộ ở phòng bên, cũng nghĩ thầm:
- Bảy giờ rưỡi rồi.
Kỳ Phương và Mai Trung ở phòng số 3 thì đưa mắt ra ý bảo nhau:
- Bảy giờ rưỡi rồi đấy.
Viên thanh tra mật thám vốn là người không để bụng được lâu một ý nghĩ, toan nói, nhưng Phương đưa tay bảo im. Một lát ông ta mới gật gù, lẩm bẩm mấy tiếng nhỏ.
Mai Trung thừa dịp nói:
- Ông có chắc hung thủ bị Lê Phong lừa vào trong phòng?
Phương trầm ngâm rồi lại gật đầu:
- Tôi đã hơi tin rằng Lê Phong có lý.
- Có lý thế nào? Tên Thổ để cho người ta bắt dễ thế sao?
Phương vẫn một vẻ trầm ngâm:
- Có nhiều khi sự vô lý cũng thành được sự thực...
- Tôi không hiểu...
Phương mỉm cười nhìn Mai Trung một cách ý tứ để Trung hiểu câu mà Phương không nói: “Ông thanh tra khéo nhún mình!”
Mai Trung bất đắc dĩ phải làm ra vẻ người thông minh và khiêm tốn. Cái ý tưởng tên Thổ bị Lê Phong tìm được trước sở liêm phóng làm ông ta khó chịu, nhưng ông lại tự an ủi bằng một ý tưởng khác: bắt được tên Thổ, Lê Phong vừa tỏ ra người khôn khéo lại thú nhận sự vụng tính của anh. Vì Lê Phong đã công bố ngay từ đêm hôm qua rằng tên Thổ không phải thủ phạm... Vậy sự thành công của anh về công việc lại chính là sự thất bại về lý thuyết: bắt được tên Thổ, Lê Phong chỉ bênh vực những lý thuyết mà anh phản đối, những lý thuyết mà Phương và ông ta vẫn theo...
Trung đoán rằng Kỳ Phương cũng nghĩ như mình, nên không bàn bạc gì thêm nữa.
Ông ta mím miệng lại, vẻ mặt nghiêm nghị, nhưng đôi mắt tươi cười. Bỗng ông ta cau mày hỏi Phương:
- Còn một điều này nữa, ông nghĩ sao?
Kỳ Phương đưa cao lông mày lên để đợi câu Trung nói tiếp:
- Còn một điều này nữa: tại sao Lê Phong lại biết rằng hung thủ vào đây hôm nay?
- Vì Lê Phong đăng báo rằng Thạc chưa chết. Các báo khác cũng đăng theo tin ấy, cả mọi người trong nhà thương này cũng tưởng thế, trừ những người trực tiếp coi xác Thạc như ông y sĩ, một, hai người khán hộ và sinh viên... Những người này, Lê Phong đã xin họ giữ kín sự thực cho đến khi hung thủ bị bắt.
- Nhưng sao Lê Phong biết là hung thủ cần phải giết Thạc? Thạc bị đâm tôi tưởng chỉ vì tên Thổ muốn tháo thân... Thoát thân rồi tên Thổ cần gì phạm tội ác lần nữa? Bảo rằng để Thạc không tiết lộ tên hung thủ thì thật là vô lý, vì tên Thổ chẳng để cái danh thiếp của nó ở cạnh Thạc đấy sao?
Kỳ Phương không trả lời, chăm chú lắng tai nghe động tĩnh.
- Mà còn cái danh thiếp... với những chữ lạ lùng mà Lê Phong khoe đã hiểu nghĩa?... Tên Thổ để lại cái danh thiếp để làm gì?...
Phương vẫn ngậm tăm, mắt lơ đãng liếc nhìn về một góc phòng, đôi mày cau xuống làm cho quầng mắt tối den, hai ngón tay vân vê điếu thuốc lá mà ông ta chưa châm hút. Phương chợt hỏi:
- Trước khi Thạc bị giết, trước khi đó lâu lắm, nghĩa là ngay từ lúc ông và tôi còn tra xét trong nhà 44 bis phố Richaud, ông có thấy Lê Phong hỏi Thạc một câu lạ lùng không?
Mai Trung còn đương cố nhớ lại thì Phương đã nói, tiếng hạ thấp xuống, và mặt nghiêm trọng hơn.
- Một câu khác thường, vì người ta không hỏi nhau trong những trường hợp thảm đạm ấy. Phải, một câu vô nghĩa lý mà bây giờ tôi mới nghĩ đến, nhưng lúc ấy tôi chỉ thấy chướng tai, Phong nhìn xác Đường, rồi lại gần bắt tay một người, cười nói như giữa một tiệc vui, hỏi Thạc: “Anh trả tôi gói thuốc lá chứ?” Thạc cũng thấy cử chỉ của Phong là khó chịu, chưa kịp đáp thì Phong nói luôn: “Gói thuốc lá anh mượn tôi từ lúc còn ngồi trong nhà chiếu bóng ấy mà!” Thạc trả gói thuốc lá thì Phong nhoẻn miệng cười và nhìn tôi một cách ngạo nghễ rất khó hiểu. Bây giờ tôi mới nghĩ ra. Phong quả thực là một tay phi thường nếu không là một anh chàng gặp những cái may hiếm có. Gói thuốc lá kia hẳn có một liên lạc tối quan trọng trong mấy vụ ám sát này. Cái liên lạc ấy Lê Phong tìm ngay được, hay ngờ sự tình cờ nào mà trông ngay thấy, trong lúc chúng ta ít may mắn hơn, còn đương ở trong vòng điều tra? Dù chưa đoán được rõ ràng, nhưng tôi cũng dám chắc một điều này, xin anh nhớ cho: gói thuốc lá kia hẳn là một cách... một thứ... một “sự bí mật” mà Lê Phong nắm giữ được. Phải, tôi vừa chợt nghĩ đến từ lúc nãy, và xin nhắc lại rằng: điều vô lý nhiều khi cũng có thể tin là sự thực được.
Mai Trung biểu lộ sự hết sức suy nghĩ trong các đường răn trên trán để hiểu Kỳ Phương. Ông gật đầu, nhưng đôi mắt ông chớp luôn trước những điều quá rắc rối. Ông hỏi như người đã nhận ra các lẽ tối tăm:
- Vì gói thuốc lá mà Lê Phong tìm thấy tên giết Đường trước chúng ta?
Phương gật đầu:
- Và sau khi Thạc bị giết, Phong nghĩ cách bắt được hung thủ đêm hôm nay... Lê Phong biết vụ án mạng thứ hai duyên do ở vụ án mạng thứ nhất và là nguyên nhân vụ ám sát sắp tới đây... Phải rồi... Ta nên nhận rằng Lê Phong tính việc này cũng khá... Chỉ còn một điều tôi vẫn ngờ là tại sao Phong vẫn chưa chịu rằng tên Thổ Nông An Tăng là hung thủ?
Trung cười:
- Cái lầm to lớn của Phong ở đấy. Nếu hung thủ đến để cho người ta bắt được thì Lê Phong sẽ thấy bại ngay trong lúc thành công...
Kỳ Phương bỗng đưa tay để ngăn tiếng cười hơi ầm ĩ của viên mật thám. Hai người lặng im để nghe gnóng thì vừa lúc chuông đồng hồ xa điểm ba khắc: bảy giờ bốn lăm.
Mai Trung cắn lấy môi, mặt biến hẳn sắc và, lần thứ nhất, chịu ảnh hưởng của người bạn mà ông ta tín phục. Trung thấy giây phút đó nghiêm trọng và tin rằng Lê Phong có tài.
Hai phút chưa qua, bỗng Trung đứng vùng lên, đi lại phía cửa. Một tiếng chuông đồng hồ nhà thương vừa gióng và liền đó một hồi sáo miệng thổi mấy câu đầu bài “Guitare d amour”.
Bên ngoài, dưới ánh mấy ngọn đèn quạnh hiu ở lối đi, một người đàn ông đang vừa chậm chạp bước về khu Pasteur B. Vừa nhìn đó đây, dáng điệu bỡ ngỡ như người tìm tòi: hắn ăn mặc như một tên đầy tớ. Tay hắn mang một cái đèn cồn, một gói to bọc nhật trình và một chiếc va ly nhỏ. Hắn có vẻ một tên người nhà đem mấy thức ăn cần dùng vào cho chủ ở nhà thương.
Bài “Guitare d amour” thổi sai cung bậc nhưng người thổi đứng khuất đâu đó vẫn thích cho người ta nghe.
Rồi cao hứng, người ấy lại cất tiếng hát. Giọng hát ấy cũng không đúng, nhưng tiếng hát cứ to mãi cho đến lúc tên đầy tớ từ cuối khu Pasteur B bước tới những căn phòng riêng có số.
Hắn dừng lại trước phòng có số 1, đọc những chữ dán trên cánh cửa, ngơ ngác nhìn trở lại, vì có tiếng rên của mấy người ốm ở gần quanh.
Không thấy qua một ai, và tiếng rên mà hắn tưởng đưa từ phía sau lưng, lúc đó nhận kẽ ra mới biết từ trên gác đưa xuống, hắn vụng về đưa tay ra vặn nắm cửa rồi bước vào.
Trong phòng, người ốm nằm thẳng dưới lớp chăn, cả khuôn mặt chìm sâu và khuất dưới những khăn bông và mép gối. Hắn chỉ trông thấy đôi mắt của người ốm lúc đó nhắm lại. Hắn nghe ngóng một lát, thấy không có chi đáng lo ngại, liền bỏ hẳn vẻ ngờ nghệch, đặt nhanh những đồ đạc xuống đất, rồi lẹ làng một cách lạ, hắn rút một con dao nắm gọn trong tay.
Lê Phong, trong trang phục người bị thương vẫn nằm im, đôi mắt nhắm, hơi thở đều, và hình như không để ý tới hắn. Hắn bình tĩnh nhưng quả quyết, không vội vã, không sợ hãi, đến bên giường, chọn trước một chỗ nguy hiểm nhất trên ngực Lê Phong, rồi đâm con dao xuống rất mạnh.
Ngay lúc ấy, một cái chớp bừng lóe lên trong phòng cùng với một tiếng động khẽ ở giường Phong. Hắn kinh ngạc nhìn lên thì thấy hai người đã đứng đợi hắn ở sau khung cửa sổ. Một người chĩa về hắn một cái máy ảnh nhỏ, còn người kia sắp sửa trèo vào. Nhảy lùi lại một bước, hắn toan mở cửa phòng, nhưng cửa phòng đã bị ai khóa chặt lại. Lê Phong tuy bị con dao cắm giữa ngực, cũng vừa ngồi dậy. Trúng kế, hắn đánh liều xông đến, định cố chết vượt qua cửa sổ tháo thân. Nhưng một quả đấm dữ dội của Lê Phong đẩy hắn về phía sau, hắn ngã ngửa lên chiếc giường bỏ không và tức khắc bị một người, ở dưới gầm giường chui lên, chẹn lấy cổ.
Đó là người đeo mặt nạ.
Phong lại gần cúi xuống kéo lấy hắn dậy, vừa rút con dao cắm trên ngực ra vừa cười:
- Trước khi giết người, anh nên xem người đó có phải là Lê Phong không đã...
Tên thủ phạm kêu lên một tiếng sợ hãi:
- Lê Phong!
Phong ngả đầu:
- Phải, Lê Phong đây. Lê Phong vẫn đợi nhát dao đây! Nhát dao rất nguy hiểm cho mọi người thường, nhưng Lê Phong thì không thể chết được. Vậy lại xin hiến anh một lời khuyên nữa: trước khi đâm Lê Phong, anh nên xem trên ngực hắn có cái gì thì bỏ đi đã rồi hãy đâm.
Phong lấy ra một đệp giấy bản dầy ngót một gang anh độn trong áo sơ-mi:
- Nếu không có cái này thì trong làng báo An Nam hẳn đã bớt đi một phóng viên, và trong lương tâm anh có thêm một án mạng nữa. Kể ra thì tôi không phải dùng cái mưu nguy hiểm ấy mới bắt được anh. Nhưng tôi muốn báo Thời Thế ngày mai có một bức ảnh khác thường để kèm vào bài tường thuật. Mấy khi một nhà báo được một thứ tài liệu hiếm có ấy: một bức ảnh chụp giữa lúc hung thủ đương phạm tội ác! Thực anh là một người đáng cho tôi cám ơn.
Phong ngoảnh lại bảo người đeo mặt nạ trói hắn lại, lấy khăn bông buộc chặc lấy mặt hắn, chỉ để lộ hai con mắt, rồi rút cái còi trong túi ra thổi ba tiếng dài:
- Anh chịu khó một chút, buộc thế thì hơi khó thở thực, nhưng anh không phải khó chịu lâu.
Nói vừa dứt lời thì cửa phòng bật mở, sáu, bảy người cùng dồn vào. Phong tươi cười đưa mắt nhìn khắp một lượt:
- Không thiếu một ai đấy nhỉ: nhà liêm phóng, nhà báo, nhà y sĩ, nhà sự chủ và cả nhà nghệ sĩ hát bài “Guitare d amour” bằng cái giọng khàn khàn. Đến chứng kiến tấn bi kịch này, thực có cả một công chúng hoàn toàn, đủ mọi hạng người trong xã hội.
Bỗng đổi ra vẻ đạo mạo, lấy giọng một người đăng đàn diễn thuyết, Phong nói luôn:
- Thưa các ngài, trước hết xin giới thiệu với các ngài một người rất đáng chú ý trong vụ án mạng vừa xảy ra đêm hôm qua, một người sở liêm phóng đã giúp tôi tìm ra, một kẻ mang rất nhiều vẻ dị kì mà hai ông Kỳ Phương và Mai Trung rất muốn gặp; một người bí mật người ta thấy tên họ ở bên cạnh người bị giết thứ nhất cũng như người bị giết thứ hai; một người... “xuất quỷ nhập thần” mà tôi hứa sẽ nộp trong tay hai ông bạn của tôi ở sở liêm phóng. Người ấy, thưa các ngài, hiện đang ở trước mặt các ngài.
Mai Trung mở hết sức mắt nhìn người bị troí ở cột giường, cau mày hỏi Phong:
- Xin ông nói vắn tắt cho. Nông An Tăng ở trong phòng này phải không?
- Vâng, Nông An Tăng đang đợi lệnh của ông thanh tra mật thám đấy ạ.
Trung chỉ người bị trói:
- Mà hắn ăn mặc giả làm tên đày tớ này?
Phong lắc đầu, mỉm cười. Cả Kỳ Phương cũng ngạc nhiên. Hai người cùng hỏi:
- Thế nào? Ông bảo sao?
Phong đủng đỉnh thưa:
- Tôi không bảo sao hết. Tôi chỉ xin giới thiệu với các ngài một người đắc lực cộng tác với tôi trong việc bắt hung thủ và cũng như tôi, có một tật xấu đáng khoan thứ, là ưa làm cho người khác ngạc nhiên. Người ấy là ông Nông An Tăng đây.
Người đeo mặt nạ liền bỏ cái mũ chùm đi và cúi đầu mỉm cười.
- Thế nào? Tên Thổ này không phải là hung thủ sao?
Phong nhã nhặn trả lời:
- Thưa ông Mai Trung, ông Nông An Tăng chưa hề phạm một tội ác nào hết. Hung thủ là người chính tay Nông An Tăng trói lại để chờ sự phán đoán của ông Mai Trung.
- Thế ra hung thủ lại là thằng này?
- Vâng. Chính thị.
- Hung thủ giết Đường ở 44 bis Richaud và giết Thạc ở ngõ Hội Vũ?
- Vâng, hung thủ trong cả hai vụ án mạng, và gần là hung thủ vụ án mạng thứ ba.
- Ông biết trước nó sẽ vào nhà thương đêm nay?
- Vâng.
- Vậy nó tên là gì?
Phong mỉm cười, thong thả lấy gói thuốc lá ra, thong thả đánh diêm châm, thở một hơi khói lên trần nhà, rồi thản nhiên như ta nói một lời bình thường, anh trả lời viên thanh tra mật thám:
- Thưa ông Mai Trung, hung thủ hai vụ án mạng, người bị trói trước mặt các ngài đây, tên là Đinh Võ Thạc.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3