Gói thuốc lá - Chương 12 (Hết)

Chương 12: Nhân Quả

- Sao? Sao? Đinh Võ Thạc! Thạc là hung thủ?
Sự kinh dị thực đã tới cực điểm khi Lê Phong nói ra câu ghê gớm vừa rồi.
Những người có mặt lúc đó trong gian buồng nhà thương: Mai Trung, Kỳ Phương, Văn Bình, người sinh viên gác đêm, hai người phóng viên báo Thời Thế và cả đến người Thổ Nông An Tăng nữa, ai ai cũng dồn mắt nhìn Phong.
Người ta tưởng anh muốn bông đùa chơi, muốn làm ngạc nhiên mọi người trong chốc lát. Nhưng Phong không có vẻ đùa cợt. Anh nhắc lại:
- Phải, hung thủ vụ án mạng ở phố Richaud và ở ngõ Hội Vũ chính là Đinh Võ Thạc, người bị trói chân ở giường kia!
Nói đoạn, anh lại gần Mai Trung, lễ phép hỏi:
- Thưa ông thanh tra mật thám, ông có đem theo trong túi một tờ trát bắt và một cái khóa tay?
- Có, tôi có đem theo.
- Cảm ơn ông. Đó là một nhã ý. Điều đó là chứng cớ cho tôi biết rằng dù sao ông cũng có bụng tin cái tài sức nhỏ mọn của tôi. Tuy trong hai vụ án mạng đêm qua, chúng ta có một vài lý thuyết tương phản, nhưng khi ông nhận đến chứng kiến việc bắt hung thủ ở đây tức là ông chắc rằng hung thủ thế nào cũng bị bắt. Vậy hung thủ đấy, xin gửi lại ông...
- Nhưng mà...
- Nhưng sao nữa? À, tôi hiểu. Trước khi bước chân vào đây, ông vẫn đinh ninh hung thủ là người Thổ Nông An Tăng... Nhưng hung thủ là người mà ta không bao giờ ngờ đến. Cái đó không hề gì. Xin ông cứ coi đó là một sự thay đổi nhỏ. Điều cần nhất bây giờ là xin ông nhận lấy Đinh Võ Thạc, mời ông Thạc về ở một nơi xứng đáng với ông ấy, nghĩa là về chỗ ở của một kẻ giết người. Cái trách nhiệm săn sóc ông Đinh Võ Thạc là về phần ông Mai Trung. Tôi hứa tìm thấy kẻ giết người, nay tôi tìm thấy rồi, phận sự của tôi thế là hết.
Mai Trung toan nói, nhưng Kỳ Phương lúc đó mới bỏ sự yên lặng, tiến đến đưa tay giữ lại. Phương mỉm cười bảo Lê Phong:
- Hãy gượm! Ông Lê Phong chưa làm hết phận sự!
Vẻ đạo mạo của Phương không còn trên nét mặt người tài tử trinh thám. Chàng ta tỏ ra một thái độ rất nhã nhặn và nhìn Phong một cách thân thiện và mến phục như trước một người có tài. Phương đưa mắt trông mọi người, gật đầu với Nông An Tăng và sau cùng nhìn Thạc, Phương nói:
- Tôi tưởng lúc này là lúc đáng ghi nhớ nhất, vì là lúc cho tôi biết chân giá trị một người sáng suốt lạ thường. Sự bí mật đối với ông Lê Phong chỉ là một bài tính rất dễ. Khi người ta đã coi là việc dễ, người ta đã sẵn một khiếu phán đoán sâu sắc như thế thì người ta không hay mắc những cái lầm như chúng ta. Tuy vậy, trong vụ này, cách làm việc nhanh chóng của ông Lê Phong thực quá sức tưởng tượng. Ông đã cho thấy kết quả. Ta nên nhận lấy cái kết quả đó và ngờ vực mình là người tỏ ra kém độ lượng, không biết phục thiện và phụ lòng người có tài. Song ta cũng nên yêu cầu ông cho biết những bí thuật của ông và xin đừng bỏ dở cái phận sự quý hóa của ông, cắt nghĩa cho ta hiểu tại sao ông tìm được những manh mối kì dị kia một cách mau chóng đến thế...
Đó là những lời khen ngợi, nhưng đó cũng có những thâm ý mà Lê Phong trông thấy ngay. Kỳ Phương, tuy chịu là Lê Phong không lầm, nhưng vẫn mong rằng anh vì may mà biết được những lẽ kín đáo trong vụ án mạng. Nài Lê Phong phân giải những “lý thuyết” của anh ra, Phương có ý cho mọi người thấy rằng lý thuyết ấy không có gì sâu sắc lắm. Sự đắc thắng của anh sẽ vì thế mà kém phần rực rỡ và có thể khiến cho sự thất bại của Mai Trung nhẹ bớt đi.
Phong hiểu thế, và muốn cho sự thành công của mình không làm phiền lòng ai, nên vui vẻ đáp:
- Xin vâng lời ông Kỳ Phương. Trong vụ bí mật này, quả thực không còn gì là lạ lùng khi người ta đã rõ các manh mối. Nếu các ông không nóng ruột, tôi xin đem hết những mánh khóe nhà nghề ra nói để các ông nghe... Nhưng trước hết, tôi muốn nhân lúc đông đủ mọi người đây, cám ơn ông Mai Trung là người đã giúp tôi đõ tốn được rất nhiều công việc khó nhọc.
“Thực vậy, vì cách tổ chức cuộc săn bắt của ông rất chu đáo, nên chỉ phải bàn mấy câu nhỏ với cô Mai Hương là tìm được ông Nông An Tăng. Sau khi biết tin Đường bị giết và sở liêm phóng ngờ cho mình là hung thủ, ông Tăng cố tìm cách trốn chạy nhưng không thể nào thoát được Hà Nội, vì ông thấy chỗ nào cũng có người của sở liêm phóng bổ vây.
“Tôi biết thế nên nhờ cô Mai Hương đi dặn trẻ bán báo ở đây để ý tìm ông Tăng và khi gặp ông thì đưa bức thư của tôi cho ông. Bức thư tôi nói cho ông yên lòng rằng tôi đã biết hung thủ là ai và đang tìm cách bắt nó cho ông khỏi phải tội oan, luôn thể nhờ ông giúp tôi một việc như ta đã thấy. Trẻ bán báo ở Hà Nội, đối với tôi là những người bạn cộng tác nhỏ, nhưng rất hết lòng. Đó là nguồn tin tức của tôi và đó cũng là những tay trinh thám phụ rất đắc lực. Họ theo lời chỉ dẫn của cô Mai Hương, tức khắc tổ chức một cuộc điều tra rất nhanh và chỉ không đầy ba giờ đồng hồ, nghĩa là từ mười giờ rưỡi sáng đến quá một giờ trưa, ông Tăng đã nhận được thư của tôi và đến tìm tôi ở nhà riêng, rồi lại đến báo Thời Thế. Ông đến hơi sớm một chút nên chỉ gặp Văn Bình và thiếu chút nữa Văn Bình làm hỏng việc của tôi vì trông thấy Tăng, Bình chực đuổi bắt. Bình sốt sắng nhưng không được kín đáo, nên tôi không dám bàn bạc gì với anh ấy, và ép ở cả ngày ở tòa báo để khỏi bắt gặp người Thổ mà anh vẫn có ý tìm.
“Tôi sở dĩ tìm Nông An Tăng là vì tôi muốn hỏi lại xem những điều tôi đoán về sự liên lạc của ông Tăng với anh Đường có đúng không. Lúc hỏi ra thì quả nhiên đúng. Ông Nông An Tăng không những không có thù oán gì với Đường, lại có thể gọi là bạn của anh Đường được. Sự hiềm khích gây nên bởi ông thân sinh ra Đường và ông Lý trưởng Điềm He ngày trước, nay chỉ còn trong trí tưởng tượng của Đường, chứ thực ra Tăng không bao giờ mang oán. Vừa rồi Tăng về Hà Nội hỏi chỗ ở của Đường, để cho Đường biết một việc rất có lợi, là khu đất ông Bố Chánh bán lại cho một người Thổ có họ xa với Tăng ở Lạng Sơn hiện có một ít của gia bảo và tiền bạc người ta mới đào được, và người có đất muốn nhường lại cho Đường một phần. Hai lần ông Tăng muốn gặp Đường, nhưng Đường vẫn e sự hiềm khích ngày xưa, tìm cách tránh mặt. Người Thổ dân không hiểu ra sao cả, sau mới vỡ chuyện nên lại định tìm tôi để tôi phân giải, và nhờ tôi đem việc ở Lạng sơn nói lại với Đường. Không ngờ, tối hôm qua ông Tăng muốn gặp tôi thì tôi đi xem chiếu bóng với Thạc, Huy, và Bình và xảy ra vụ án mạng mà ai cũng tương ông Tăng là hung thủ.”
Kỳ Phương hỏi:
- Ai cũng tưởng ông Tăng là hung thủ vì bề ngoài có nhiều chứng cớ rõ rệt quá làm ai cũng có thể làm được, trừ có ông Lê Phong. Nhưng vì sao mà ông không ngờ cho Tăng? Ngay từ lúc đầu, vì sao chưa có chứng cứ gì, ông đã biết ngay là ông Tăng bị tiếng oan?
Phong đáp:
- Có nhiều chứng cớ lắm chứ! Trước hết, ông Tăng đến tìm tôi lúc gần mười giờ, nghĩa là lúc Đường bị giết. Một tên hung thủ, cho giảo quyệt đến đâu nữa, cũng không dám giáp mặt người bạn của kẻ bị giết, nhất là khi người bạn ấy lại là... Lê Phong. Không phải là tôi có ý khoe khoang, nhưng cái danh hiệu phóng viên trinh thám nhỏ mọn của Lê Phong cũng có thể làm cho nhiều kẻ gian phi chột dạ. Vả lại, sau đó hơn một giờ, lúc các ông đương tra xét ở nhà Đường, Ông Tăng lại đến tìm tôi lần nữa, và nếu không có cái thái độ vô lý của Văn Bình thì ông Tăng sẽ không sợ hãi, sẽ tin theo tôi và không tìm cách tháo thân, sau quả đấm gửi lại dưới má Văn Bình. Nhưng đó là những điểm phụ. Chứng cớ quan hệ nhất tỏ ra người Thổ không phải là thủ phạm, tôi tìm thấy ngay từ lúc Văn Bình đến báo tin cho tôi đêm hôm qua.
“Theo các việc xảy ra, thì cái chết của Đường rất bí mật: cửa đóng kín, hung thủ vào ra lúc nào không ai biết, nghĩa là cách giết người của hung thủ rất kín đáo và chu tất. Vậy mà hung thủ lại để các dấu hiệu để bất cứ ai cũng có thể đoán ngay được ra mình. Đó là điều mâu thuẫn rất dễ thấy. Có phải không? Người Thổ giết người rồi để danh thiếp lại cho người ta theo đó mà đi tróc nã mình ư? Rồi lại còn nói một hồi tiếng Thổ ở dưới đường, nói rõ ràng như có ý cho người ta nghe thấy? Phải là một người điên hoăc. là một kẻ giết người siêu việt thì mới dám làm những điều khác thường như thế. Trong hai cái giả thuyết: điên và siêu việt thì ông Kỳ Phương chọn lấy thuyết thứ hai. Ông thấy vụ án mạng kia có đủ các điều dị thường, ông tìm được ra âm loại của những tiếng nói ngoài đường lúc hơn chín giờ đêm và đoán ngay rằng người Thổ chính là thủ phạm. Theo ý nghĩ của ông, thì người Thổ giết Đường vì thù oán, và hắn để lại nhiều dấu vết cho người ta tưởng là kẻ khác muốn vu oan cho mình... Đó là lý luận rất khéo, nhưng sự thực thì khác hẳn với lý luận của ông. Người Thổ không phải là người điên, cũng không phải là hạng cao đẳng thủ phạm. Vậy người Thổ không có liên can gì. Họa chăng chỉ có một chút liên lạc rất nhỏ với án mạng là đã bị hung thủ lợi dụng cái chuyện thù oán cũ để đổ tội ác cho. Đây, tôi xin theo thứ tự từng điều để phân giải.
Trước khi nói đến cách hành động của hung thủ, tôi hãy xin nói đến nguyên nhân vụ án mạng. Cái nguyên nhân đó tôi tìm thấy ở những chữ viết sau tấm danh thiếp của ông Nông An Tăng. Tấm danh thiếp đó ông Tăng để lại hôm thứ Năm lúc muốn gặp Đường. Đường không tiếp và giữ tấm danh thiếp. Lúc đó thì những chữ X. A. E. X. I. G. chưa có, và giá không vì một sự tình cờ không có nghĩa lý gì hết thì chữ ấy không viết lên đó bao giờ. Ai viết lên? Điều đó trước khi xem lại các tang vật và trông thấy nét chữ tôi đã đoán ra, và sau lại có cớ để tin một cách chắc chắn: đó là chữ của người bị giết, chữ của Đường, Đường viết lên lúc ngồi buồn một mình, và lúc trong lòng có một sự tiếc hận.
“Sao lại tiếc?” - Tiếc là chỉ sai có một chút nhỏ, nếu không thì Đường giàu to. Đây, tôi xin cắt nghĩa: Những chữ cái ta tưởng là những lời bí mật đó chỉ là những chữ số dịch ra chữ cái: A là 1, B là 2, C là 3 v.v... Tại sao tôi lại biết thế, chỉ vì tôi thấy trong đó có sáu chữ, trừ hai chữ giống nhau, còn những chữ khác không chữ nào theo thứ tự mà ở quá số 10. Tôi liền thử đổi lại chữ cái bằng chữ số xem thì thấy đó là một hàng bốn chữ số 1597 và hai chữ X. Chữ X, nếu theo thứ tự, sẽ là số 23, nhưng nếu muốn dùng số 23, sao không viết chữ B. C? Vậy chữ X là số vô danh theo khoa toán pháp và ở đây, đó là một chữ có thể thay cho số 0. Tôi ghép lại thử xem. Không ngờ thử mà thành ra thực. X. A. E. X. I. G. tức là 015097, con số trúng độc đắc trong kì xổ số Đông Dương vừa rồi. Đó là điều tôi tìm ra trong ước đoán tình cờ và tự nhiên thấy hợp lý. Nhưng sự tình cờ bao giờ cũng đáng coi chừng nên tôi tìm cách thử ngay lại. Trong lúc các ông tra vấn ở giữa nhà, thì tôi bấm thằng nhỏ đến một góc hỏi nó xem anh Đường có mua vé số bao giờ không. Thằng nhỏ nhớ rằng có, mà chính Đường đưa cho nó một đồng bạc đi mua. Hỏi số bao nhiêu thì nó nói là không biết chữ. Tôi chợt để ý đến một số báo đã ra từ mấy hôm trước vứt gần đó; tôi liền lượm lấy và xuống nhà xem một mình. Thì ra đó là số báo có đăng kết quả cuộc xổ số, nhưng xem kĩ thì số độc đắc in ở báo này là số 015098 chứ không phải là 015097 như trên mọi tờ báo khác. Sao lại thế nhỉ. Báo này cũng là một tờ báo đứng đắn, sao lại có sự lầm to lớn đến thế được Bỗng nhiên tôi nghĩ ra một điều rất dị kỳ! “Hẳn là có người biết Đường trúng số, và vì Đường bị ốm ở nhà mấy ngày, nên đã tìm cách thuê in mấy số báo riêng để cho Đường không ngờ là mình trúng. Đường vốn là người kín đáo, mua số chỉ cho thằng nhỏ biết và lúc tưởng là không trúng thì chỉ phàn nàn riêng một mình, phàn nàn bằng cách loay hoay viết những con số không may ra chữ hoa, trong lúc ngồi buồn một mình và ngẩn ngơ tiếc. Đáng tiếc nhất là số trúng độc đắc thấy trên báo chỉ sai với số mình mua có một con rất gần. Những điều phỏng đoán vừa rồi, sáng ngày tôi đã có thì giờ thử lại, đều đúng cả. Nhà báo in số báo kia có một người thợ nhận thực với tôi rằng có người cho hắn hai chục để hắn đổi mấy con số nói trên kia. Việc tráo đổi rất dễ dàng: phải dán lên cột báo một khoảng giấy rồi cho in, xong rồi bóc ra, sắp chữ riêng và in lại những chỗ nào thiếu...
“Nhưng người định chiếm cái số độc đắc kia là ai? Tất nhiên là người hay chú ý đến Đường, là người tâm giao của Đường và tất nhiên là mấy người bạn ở cùng nhà Đường, là Huy và Thạc. Tôi tìm hung thủ trong hai người này chăng? Thoạt tiên thì đó là điều vô lý hết sức. Huy là người tôi biết đã lâu lắm, hiền lành, ngay thẳng... Còn Thạc cũng là người tôi quen, hoạt bát, thông minh và ăn nói dễ thương. Vả lại, chính lúc xảy ra án mạng, cả hai người cùng đi xem chớp bóng với tôi, Huy ngồi bên cạnh tôi, và Thạc cũng ngồi liền một bên. Tôi ngồi giữa... Tuy vậy, một sự gì rất bí nhiệm, một điều quan sát không mấy khi ta lưu tâm đến - có thể gọi là một sự nhận xét vô tình của... tiềm giác bao giờ cũng tinh tường - nghĩa là có một điều lúc thường tôi bỏ qua, nhưng bấy giờ đến mách bảo tôi, khiến tôi ngờ rằng hung thủ là Thạc. Thạc có những cử chỉ khác mọi ngày. Mọi ngày bẻm mép và to tiếng thì lúc ngồi trong nhà chiếu bóng, anh ta lại im lặng, và cả trong những đoạn phim vui nhất, anh ta cũng ít khi cười. Thường thường, không bao giờ Thạc xức nước hoa, mà tối hôm qua người anh ta thơm phức; rất ghét những ca-vát sặc sỡ, Thạc hôm qua đeo một cái ca-vát đỏ chói vừa mới mua được hai hôm. “Sự thực đến như một luồng ánh sáng, tôi gần như thấy cách hành động của hung thủ, và nhân một lúc tôi giả vờ nói những câu điên dại, (các ông hẳn còn nhớ lúc ngạc nhiên đấy chứ?) nói những lời cốt làm cho mọi người không hiểu gì hết, tôi liếc mắt nhìn kĩ vẻ mặt con người mà tôi đã bắt đầu ngờ. Tôi lại nghĩ ra được một mẹo nhỏ, và sau đó mười phút tôi đến gần bảo Thạc: “Anh trả tôi gói thuốc lá chứ! Gói thuốc lá anh mượn từ lúc ngồi xem xi-nê kia mà!” Thạc hình như chợt nhớ ra, lấy gói thuốc lá trả tôi, và tôi hiểu rằng mưu của tôi đã thành. Vì thực ra thì trong lúc ngồi ở nhà chiếu bóng, tôi có cho Thạc mượn gói thuốc lá nào đâu? Và cũng không một lần nào Thạc hỏi tôi hay tôi mời Thạc hút thuốc. Bây giờ thì hẳn anh Huy và cô Mai Hương đã hiểu ra ý nghĩa câu hỏi vu vơ của tôi lúc chiều; lúc ấy tôi đòi Huy một cái bật lửa mà tôi không có và bởi vậy không hề cho Huy mượn bao giờ... Đó cũng là một cách “thử ngược bài tính”. Nếu Thạc tối hôm trước cũng ngạc nhiên như Huy chiều hôm nay thì tôi còn mất công phu tìm tòi nhiều hơn. Nhưng Thạc lấy gói thuốc lá của mình để trả tôi và bị trúng kế tôi ngay lúc đó.
“Vậy cái anh Thạc ngồi trong nhà chiếu bóng đã có một vài lúc không phải là Thạc chính hiệu. Đó là Thạc giả hiệu, Thạc số hai. Mãi mười giờ sáng hôm nay tôi mới tra căn cước tìm ra là Đinh Võ Tạc, em đẻ sinh đôi với Thạc, và là một đứa lêu lỏng, bỏ nhà, bỏ học và bị gia đình từ.
“Thạc ghét em và không bao giờ hắn muốn gặp mặt, nhưng hôm mở số, bỗng nghĩ đến hắn và lợi dụng khuôn mặt giống nhau của hai anh em, Thạc tính kế giết Đường.
“Trước hết, Thạc thuê in tờ báo đổi số trên đem về cho Đường xem, để Đường không biết là mình được số độc đắc. Rồi ngay hôm sau, bàn tính với Tạc các kế hoạch. Thạc có khôn ngoan rủ Huy đi xem chiếu bóng và nhân thể mời Văn Bình và tôi cùng đi. Ba người có đủ tín nhiệm để làm chứng rằng Thạc không thể nào về nhà trong lúc Đường bị giết. Đến cửa nhà chiếu bóng, nhân lúc mọi người không để ý, Thạc lẻn ra tức khắc, Tạc vào thế chân. Hai người ăn mặc không khác nhau một tí gì, - (hai cái ca-vát, cùng màu đỏ chói làm điểm quan trọng cho mọi người nhớ rõ khi nghĩ lại) - và thứ nước hoa sức trên mình cùng một hiệu. Ai ngờ được sự tráo lộn của hai giọt nước ấy? Cho nên tôi cũng như Huy và Bình vẫn yên trí rằng Thạc ngồi với mình.
“Trong lúc đó thì Thạc về nhà, hẳn là đi xe cho nhanh, bắt chước tiếng trọ trẹ gọi cửa nhà số 44 bis Richaud, hỏi ông cụ mấy câu, và khi ông cụ đóng cửa vào, vặn khóa ở trong thì Thạc dùng chìa khóa riêng lựa đẩy cho chiếc ở trong ổ rơi ngay xuống đất. Công việc ấy làm rất khéo khiến cho ông cụ tưởng mình vụng tay và lẩm cẩm đánh rơi.
Đợi ông cụ nhặt chìa khóa cất đi. Thạc tiến ra rìa đường nói mấy tiếng Thổ mà Thạc học được. Thạc biết Đường vẫn e dè sự báo thù của người Thổ, và chắn hắn bàn với Đường, gửi cho tôi bức thư kể chuyện lo sợ của Đường, có ý để cho tôi cũng phải ngờ người Thổ.
“Nghe ngóng một lúc, khi biết ông cụ đã ngủ yên, Thạc cẩn thận mở chìa khóa rất êm, lên nhà Đường còn ngồi đọc sách, nhưng lúc đó không cử động nữa vì Đường đã bị cái khói thuốc trừ muỗi của Thạc chế riêng làm mê đi từ lúc Thạc còn ở nhà. Thuốc này lúc sau không ai tìm ra, tôi phải nhờ thằng nhỏ lên quét lại nhà mới thấy còn có một mẩu ngắn và đã tắt.
“Không vội vã, Thạc rút con dao Thổ sắm sẵn từ trước, giết chết Đường một cách rất êm lặng; lục ví Đường lấy cái vé trúng độc đắc, xóa các vết tích có thể tố cáo Thạc, bình tĩnh xuống nhà, rồi thản nhiên đến nhà chiếu bóng thay chân cho Tạc sau hồi “tạm nghỉ”.
“Thạc không lộ vẻ bối rối, lại đóng vai bạn người bị giết một cách rất tự nhiên. Cái danh thiếp có những chữ kì dị mãi lúc xem chiếu bóng trở về Thạc mới để mắt tới tuy vẫn có ở trên cuốn sách đã lâu. Vì chưa nghĩ ra những chữ đó là những chữ số nên mách cho Huy và Bình trông thấy, mãi sau mới chợt hiểu, Thạc liền lượm lấy, nhân tiện để cho câu chuyện rắc rối thêm lên.
“Và muốn làm cho việc bí mật càng thêm tối tăm, lúc các nhà chuyên trách đã ra về, Thạc lại bày ra một tấn kịch ghê gớm và rất khôn khéo nữa. Lúc đó, dưới nhà chỉ còn ông cụ, Huy, Thạc, và Bình. Thằng nhỏ tìm hộ tôi “mẩu hương đốt muỗi” tôi dặn nó tìm ở trên gác. Nghe tiếng động, Huy, Bình, Thạc cùng lên và không có duyên cớ gì, Thạc chạy ra cửa sổ nhìn xuống đường và kêu lên rằng có người đứng rình, rồi chạy xuống đuổi. Người đứng rình đó, trong trí Huy và Bình, chỉ có thể là hung thủ, là người Thổ bí mật; nhưng sự thực là Tạc, em Thạc, đến để gọi anh xuống sách nhiễu hoặc hỏi han gì.
“Thạc trỏ cho Tạc chạy về ngõ Hội Vũ là chỗ vắng nhất lúc ấy, rút dao ra lừa giết chết Tạc. Tạc ăn mặc giống Thạc và lúc đó cũng bỏ áo ngoài như Thạc, Thạc chỉ có việc móc túi quần Tạc lấy cái ví có thẻ căn cước của Tạc, rồi quẳng cái danh thiếp của người Thổ xuống đó và chạy trốn một vụ án mạng nữa, để bắt buộc tội cho người Thổ, để làm tan hết những mối nghi ngờ mà Thạc biết rằng có thể xảy ra trong trí người đáng gờm nhất là Lê Phong. Nhưng giết Tạc đi, Thạc còn có một chủ ý quan trọng nữa. Thạc muốn trừ người có thể tố cáo mình sau này.
“Vụ án mạng thứ hai, đúng như ý Thạc muốn, quả nhiên làm cho ông Tăng thành một hung thủ táo bạo quỷ quyệt theo trí tưởng tượng của mọi người. Thạc theo sự tin tưởng của mọi người cũng đã bị giết. Vậy hung thủ chính thức là Thạc chỉ có việc yên tâm đem chiếc vé độc đắc, đổi tên khác lĩnh mười vạn bạc, rồi đi xa để hưởng cuộc đời giàu sang.
“Thạc tưởng ai cũng mắc mưu mình, từ sở liêm phóng đến báo Thời Thế. Báo Thời Thế cũng đăng rằng Thạc bị giết. Nhưng Thời Thế lại đăgn thêm một tin bịa đặt nữa để lừa hung thủ vào tròng. Đó là tin người bị ám sát còn có thể cứu được. Kẻ phải chết có thể sống được, có thể nói được, và sẽ khai tên kẻ giết người! Thạc tất nhiên phải lo, và tìm cách làm cho hoàn toàn cái tội ác mà hắn tưởng còn dở dang, nghĩa là Thạc tất nhiên phải vào giết người lần nữa. Nhưng lần này thì Thạc không may mắn lắm, vì người bị giết lại là Lê Phong...”
Phong nói đoạn, Mai Trung lẳng lặng lại gần cởi cái khăn bịt ngang miệng người bị trói ở chân giường ra, và, lúc cả khuôn mặt Thạc hiện dưới ánh đèn, thì mọi người đều sửng sốt. Da mặt Thạc tái mét, miệng mím chặt lại, hai mắt trừng trừng mở và mất hết tinh thần. Một dòng nước rãi lẫn chút máu chảy từ bên khóe mép xuống dưới cằm. Sờ chân, tay lạnh toát và cứng đơ: Thạc đã chết.
Trung gật đầu:
- Chết rồi! Mà chết mới độ một, hai phút...
Phương hỏi:
- Tự tử?
- Phải. Uống thuốc độc. Có lẽ thuốc độc hắn mang theo từ trước. Phải, phải, đích thị thuốc độc! Nhưng hắn tự tử lúc nào?
Phong im lặng.
[Chúc bạn đọc sách vui vẻ tại http://www.gacsach.com/ - gác nhỏ cho người yêu sách.]

Nhưng một lúc sau anh bảo nhỏ Mai Hương:
- Thạc biết lo xa cả đến sự có thể bị bắt. Quả là một trí khôn đáng gờm... Thôi thế cũng xong... Tôi trông thấy hắn lần tay, cố bỏ một vật vào mồm mười mấy phút về trước rồi kia! Nhưng tôi để yên. Hắn làm thế phải hơn. Đó vừa là cách thú tội, vừa là cách tự xử.
Hết

Thực hiện bởi

nhóm Biên tập viên Gác sách:

Xù Risan – Du Ca – trangchic

(Tìm – Chỉnh sửa – Đăng)

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3