22. Vi và Vĩ

VI VÀ VĨ

***

Tác phẩm dưới đây xảy ra ở London, vào những năm 70.

Được sinh ra cùng một lúc, vì vậy, chúng tôi là anh em. Tôi, anh trai, tên Vi. Còn em gái tôi tên Vĩ.

“Bố” chúng tôi là một người đàn ông trung lưu.

Ông mang chúng tôi về cho con gái ông, cô bé có mái tóc vàng và đôi mắt xanh biếc rất đẹp. Cô tên Marie.

Marie, tôi, Vĩ trở thành những người bạn thân. Mỗi ngày, Marie nhảy múa với Vĩ. Tôi thì cất tiếng hát.

Các bước nhảy của Marie rất điêu luyện. Cô giống như vũ công giỏi. Cả ngày, chúng tôi ca hát nhảy múa suốt.

Năm tháng trôi qua, mọi thứ bỗng nhiên thay đổi khi bất ngờ xuất hiện một chàng trai quý tộc. Bố mẹ Marie, kể cả cô, đều yêu quý anh.

Mãi bên chàng trai quý tộc, Marie không còn thời gian ở cạnh chúng tôi nữa. Hai anh em bị bỏ rơi.

Những ngày nối tiếp nhau, chúng tôi vẫn đơn độc trong căn phòng trống.

Cho đến một đêm tối nọ, Marie trở về, bước vào phòng nhìn tôi và Vĩ. Tiếp, cô nắm tay hai anh em tôi kéo ra khỏi nhà.

Marie mang chúng tôi cho một người đàn ông quý tộc xa lạ.

***

Tôi và Vĩ đến sống ở nhà người đàn ông đó. Ở đây có rất nhiều người: già trẻ, trai gái, các cô cậu bé. Họ ăn mặc vô cùng sang trọng. Cứ hễ đêm xuống, là tất cả tụ họp về ăn uống, ca hát, nhảy múa.

Tôi và Vĩ bị người này đẩy qua, bị người khác đẩy lại. Chúng tôi lần lượt qua hết tay quý ông này đến quý bà khác. Họ bắt Vĩ nhảy múa liên tục, bắt tôi hát đến khàn cả giọng. Họ nhảy rất tệ nhưng luôn vỗ tay tán thưởng và cười lớn.

Hầu như chẳng ai biết gì về âm nhạc.

Lần nào chúng tôi cũng thức đến gần sáng mới được chợp mắt.

Rồi, một buổi trưa chủ nhật, nhân lúc chủ đi vắng, tên hầu trong gia đình lén đưa tôi và Vĩ rời đi.

Hắn dẫn cả hai vào khu chợ phiên, đến gặp người phụ nữ có hình dáng xồm xoàm. Hắn trao chúng tôi cho bà và nhận vài đồng tiền vàng.

Người phụ nữ ấy mang tôi và Vĩ về một nơi khá xập xệ. Chúng tôi nhìn xung quanh, ở đây cũng có trai gái, già trẻ nhưng họ khác với những người quý tộc kia. Họ ăn mặt lượm thượm, tóc tai rối mù. Họ uống mấy chiếc ly thủy tinh to, bên trong luôn đầy nước có bọt. Mọi người hát hò, nhảy nhót, la hét thậm chí đập bàn đập ghế. Âm thanh chỉ toàn tiếng ồn, huyên náo.

Tôi và Vĩ trở thành trung tâm chú ý. Thế là, cả hai bị lôi ra múa hát điên cuồng.

Những người đàn ông nắm tay Vĩ, nhảy với em một cách thô bạo. Đến nỗi, họ suýt làm rách váy em. Còn tôi thì họ bắt gào thật to. Không phải hát mà là gào.

Sau đó, họ ném chúng tôi vào lẫn nhau.

Mỗi ngày, mỗi đêm đều như vậy, hai anh em tôi sống với nỗi kinh hoàng khủng khiếp.

Họ gần như phá hủy chúng tôi.

Vài tháng sau, người phụ nữ xồm xoàm đem tôi và Vĩ đến chỗ một người nhạc sĩ.

Rồi cũng chẳng được bao lâu, ông ấy đổi chúng tôi cho người thương buôn.

Cứ như thế, chưa đầy một năm kể từ ngày rời khỏi nhà Marie, anh em tôi đã qua tay không biết bao nhiêu chủ nhân, bao nhiêu loại người.

Chúng tôi thật sự mệt mỏi, kiệt sức.

***

Ông lão có gương mặt khó chịu và vết sẹo dài trên trán đã mua tôi và Vĩ với cái giá rất rẻ.

Chúng tôi gọi ông là Mặt Sẹo.

Mặt Sẹo hơn sáu mươi tuổi, sống một mình trong khu nhà cho thuê tồi tàn. Như ông nói, nơi này là “ổ chuột” của những kẻ nghèo hoặc lang thang.

Mặt Sẹo làm khuân vác ở bến cảng đến tận chiều tối. Lúc nào về nhà, trên tay ông cũng có hai ổ bánh mình khô khốc, thỉnh thoảng có thêm vài miếng thịt gà nhạt thếch. Ông rất thích rượu và tối nào cũng uống say mềm.

Trong cơn say, Mặt Sẹo bắt đầu chửi mắng bất cứ ai ông có thể nhớ. Mắng xong, ông chuyển qua than vãn để rồi sau cùng là bật khóc tức tưởi. Tiếp, ông đến bên tôi và Vĩ.

Kỳ lạ thay, chỉ những lúc say, Mặt Sẹo mới đụng đến hai anh em tôi. Còn ban ngày tỉnh táo, ông tuyệt nhiên chẳng màng đến chúng tôi.

Mặt Sẹo bắt đầu nhảy với Vĩ. Và tôi cất giọng hát. Ông nhảy rất hay, uyển chuyển hệt như vũ công thực thụ. Ông nhẹ nhàng nâng đỡ Vĩ, nắm tay em, dịu dàng bước đi. Còn tôi, mỗi lần bước chân của hai người họ di chuyển nhịp nhàng là chất giọng của tôi càng lên cao, càng trong trẻo hơn.

Tuy cùng ông múa hát suốt đêm nhưng chúng tôi không hề mệt, trái lại rất vui! Cảm giác thật tuyệt!

Hai anh em chúng tôi ở bên Mặt Sẹo khá lâu, gần một năm. Dẫu ông là người thô lỗ, cộc cằn nhưng ông đối xử với chúng tôi rất tốt. Những tháng ngày sống cùng ông là khoảng thời gian hạnh phúc nhất!

Vào một đêm tối mùa đông, Mặt Sẹo ngồi uống rượu. Tôi và Vĩ thấy lạ là hôm nay ông không mắng nhiếc ai cả. Ông chỉ uống rượu trong lặng lẽ.

Vài phút sau, ông đứng dậy, đến bên chúng tôi. Nắm tay hai anh em, ông nhẹ nhàng kéo lại gần.

“Cám ơn hai đứa đã ở bên cạnh ông suốt một năm qua. Ông rất vui vì điều đó nhưng... ông không thể tiếp tục được nữa! Những con người ngoài kia đều khinh thường ông. Họ nói ông là một nhạc sĩ tồi và là tên ăn cắp xấu xa! Họ không chấp nhận ông!”

Vừa nói, Mặt Sẹo vừa khóc mếu máo như đứa trẻ. Trông ông thật đáng thương!

Tôi và Vĩ nhìn nhau vì không hiểu những điều ông nói.

Sau đó, Mặt Sẹo tiếp tục uống rượu. Uống và uống cho đến khi ông gục đầu xuống bàn, thiếp đi.

Căn phòng trở nên vắng lặng. Thời gian cứ chậm rãi trôi qua. Rất nhanh, chúng tôi cũng chìm vào giấc ngủ.

Tảng sáng, có tiếng đập cửa mạnh bạo, tôi và Vĩ choàng tỉnh. Đúng lúc, cửa phòng bật tung, một nhóm người mặt mày dữ tợn xông vào, đến bên chỗ Mặt Sẹo vẫn còn ngủ.

Chúng tôi thấy họ lay ông rồi cất tiếng la mắng. Họ gọi ông khàn cả giọng nhưng ông vẫn chẳng mở mắt.

Mặt Sẹo đã ngủ một giấc ngủ không bao giờ tỉnh lại! Ông không còn quay về bên hai anh em tôi nữa.

Tiếp theo, những người lạ mặt lấy đi hết đồ đạc trong phòng Mặt Sẹo. Còn chúng tôi, họ không cần nên vứt đi!

***

Thêm một đêm mùa đông giá lạnh, tôi và Vĩ ngồi dựa lưng bên bức tường gạch của ngôi nhà hoang đổ nát. Chúng tôi tựa đầu vào nhau, cùng nhìn tuyết. Tuyết đêm nay rơi rất dày. Vì thế, cả hai lạnh.

“Anh ơi, em nhớ ông Mặt Sẹo.”

“Anh cũng vậy. Ông ấy bỏ chúng ta rồi.”

“Sẽ không ai yêu thương chúng ta nữa, phải không anh?”

Tôi không trả lời Vĩ bởi chẳng biết phải nói gì.

Vĩ khẽ nhích người, ngồi sát vào tôi hơn. Hình như em đang rất lạng với chiếc váy cũ nhàu nát, bị rách vài chỗ. Nó không còn là bộ váy em hay tự hào nữa.

Tôi cũng chẳng hơn gì em. Chiếc áo măng tô màu nâu bóng của tôi rách tả tơi, ố vàng.

“Anh ơi, em buồn ngủ lắm! Em ngủ nhé!”

“Ừ, em ngủ đi. Khi trời sáng, anh sẽ đánh thức em dậy.”

“Anh hứa đó! Nhớ gọi em...”

Chưa nói hết câu, Vĩ đã nhắm mắt, tựa đầu vào vai tôi, ngủ thiếp.

Tôi nhẹ nhàng quay qua nhìn Vĩ. Gương mặt em bỗng trở nên thanh thản, bình yên. Em cười. Đôi môi em không còn hồng nữa mà dần tái đi.

Còn lại một mình, tôi ngước mặt nhìn hàng ngàn bông tuyết đang rơi. Có lẽ, tôi cũng phải ngủ thôi.

“Anh ngủ đây.”

Tôi thì thầm với Vĩ, xong, khẽ khàng tựa đầu vào mái tóc em, nhắm mắt. Tôi không rõ nhưng dường như tôi đã mỉm cười.

Tôi và Vĩ sẽ ngủ một giấc ngủ vĩnh viễn!

Chúng tôi hoàn toàn kiệt sức để có thể tiếp tục…

Suốt cuộc đời, tôi và Vĩ mang tiếng hát đến cho mọi người nhưng không ai trân trọng chúng tôi.

Có Mặt Sẹo nhưng rồi ông cũng bỏ ra đi.

Tôi không phải tên Vi. Em gái tôi cũng không phải tên Vĩ.

Tên tôi là Violon. Còn em tôi, Cây Vĩ.

Cây Vĩ mất dây thì không thể tạo ra âm nhạc trên Violon.

Và Violon, một khi không có cây Vĩ, sẽ chết.

Cũng như, tôi và em gái tôi không thể tách rời.

Chúng tôi tồn tại cùng nhau. Mãi mãi!

***

Buổi sáng mùa đông ở thành phố London, những người qua đường ngạc nhiên khi thấy, dưới nền tuyết trắng, bên bức tường gạch đổ nát, có một chiếc đàn Violon cũ bị hư và bên cạnh là Cây Vĩ đứt dây!

.H.Ế.T.

(TP HCM, 10/07/2012)