Atomic Habits Thay đổi tí hon hiệu quả bất ngờ - Chương 17
CHƯƠNG 17 MỘT NGƯỜI BẠN ĐỒNG HÀNH TRÁCH NHIỆM CÓ THỂ THAY ĐỔI MỌI THỨ
Sau thời gian phục vụ trong quân ngũ với vai trò là một phi công trong Thế Chiến Thứ II, Roger Fisher theo học tại Đại học Luật Harvard và suốt 34 năm ông là chuyên gia trong lĩnh vực thương thuyết và giải quyết xung đột. Ông đã sáng lập nên dự án Harvard Negotiaton Project và làm việc với rất nhiều nhà lãnh đạo cuả các quốc gia và thế giới về các giải pháp hòa bình, khủng hoảng con tin, và hiệp ước ngoại giao. Nhưng vào những năm 1970 và 1980, khi hiểm họa chiến tranh hạt nhân leo thang, những gì mà Fisher đã làm được có lẽ là ý tưởng hấp dẫn nhất của ông.
Vào thời gian đó, Fisher tập trung vào thiết kế ra những chiến lược có thể ngăn chặn chiến tranh hạt nhân, và ông cũng lưu ý tới tới một vấn đề thực tế. Bất kỳ vị tổng thống đương nhiệm nào cũng có thể tiếp cận mã phóng có thể giết chết hàng triệu người nhưng ông ta lại không bao giờ thực sự nhìn thấy ai thiệt mạng cả bởi vì ông ta luôn luôn ở cách xa hàng nghìn dặm.Ông đã viết vào năm 1981, "Tôi có một gợi ý hết sức đơn giản". "Hãy đặt những mã phóng hạt nhân vào trong những viên nang nhỏ, và sau đó cấy những viên nang này kề ngay tim của một người tình nguyện.
Người tình nguyện này sẽ mang bên mình con dao cắt bơ to và nặng khi người này đồng hành cùng với tổng thống. Bất cứ khi nào tổng thống muốn phóng vũ khí hạt nhân, cách duy nhất người đó có thể làm là làm hại người của mình trước tiên, bằng chính đôi bàn tay của mình, giết một con người bằng xương bằng thịt. Ngài tổng thống nói, 'George, tôi xin lỗi nhưng mười triệu con người phải chết". Ngài ấy phải nhìn vào một con người và nhận ra rằng cái chết là gì - một cái chết vô tội là gì. Máu nhuộm lên tấm rèm của Nhà Trắng. Đây là cách để nhận ra hiện thực.Khi tôi đưa ra ý kiến này với những người bạn làm việc tại Lầu Năm Góc, họ đã nói rằng: "Trời ơi, việc đó thật kinh khủng. Phải giết một ai đó sẽ làm méo mó quyết định của tổng thống. Có lẽ ngài ấy sẽ không bao giờ bấm nút đó".
Xuyên suốt chương viết về Qui luật số 4 trong thay đổi hành vi chúng ta đã nói về tầm quan trọng của việc khiến những thói quen tốt mang tính thỏa mãn tức thời. Lời gợi ý của Fisher là bản đảo ngược của Qui luật số 4: Khiến việc đó mang tính không thoải mái ngay lập tức. Chúng ta thường có xu hướng lặp lại một trải nghiệm mang lại cảm giác thỏa mãn, dễ chịu khi kết thúc, chúng ta cũng có xu hướng lảng tránh bớt những trải nghiệm mang lại cảm giác tổn thương khó chịu khi kết thúc. Nỗi đau là một người thầy hiệu quả. Nếu một thất bại mang tới cảm giác tổn thương, nó sẽ được chữa lành.
Nếu một thất bại không mang tới cảm giác đau đớn, khó chịu gì, nó sẽ bị lờ đi. Sai lầm phải trả giá càng sớm và càng nhiều, bạn học từ sai lầm đó càng nhanh. Mối đe dọa của những lời nhận xét tồi tệ bắt buộc một thợ ống nước phải làm tốt công việc của mình. Khả năng một khách hàng không bao giờ quay trở lại khiến các nhà hàng phải phục vụ những món ăn ngon. Cái giá phải trả cho việc cắt nhầm mạch máu dẫn tới sự ra đời của chuyên khoa giải phẫu người và phẫu thuật rất thận trọng.
Khi phải trả giá nặng nề, con người học rất nhanh. Nỗi đau đến càng nhanh thì hành động đó càng ít khả năng được thực hiện. Nếu bạn muốn ngăn chặn thói quen xấu và loại bỏ những hành vi không lành mạnh, vậy thì hãy gán một cái giá phải trả ngay tức thì cho hành vi đó, đây là cách rất hay để loại bỏ những khả năng. Chúng ta lặp lại những thói quen xấu bởi vì chúng đem lại cho ta lợi ích ở một số mặt, và việc này khiến chúng ta gặp khó khăn trong việc từ bỏ chúng. Cách tốt nhất tôi biết để khắc phục được việc này là tăng tốc của sự trừng phạt gắn liền với hành vi đó. Không có khoảng cách, hậu quả đến ngay sau hành động.Ngay khi hành động nhận lãnh một hậu quả ngay tức thì, hành động đó bắt đầu thay đổi.
Khách hàng chi trả hóa đơn đúng hạn khi họ bị tính phí trả chậm. Sinh viên đến lớp đủ khi điểm chuyên cần tính vào điểm số. Chúng ta sẽ nhảy qua rất nhiều hố nhằm tránh những nỗi đau tức thời.Đương nhiên là cũng có giới hạn cho việc này. Nếu như bạn lệ thuộc vào việc trừng phạt để thay đổi hành vi, thì tiếp theo sức mạnh của sự trừng phạt phải cân xứng với sức mạnh của hành động mà nó đang cố gắng sửa đổi. Để làm việc có hiệu quả, cái giá của sự trì hoãn phải lớn hơn cái giá của việc hành động.
Để khỏe mạnh, cái giá của sự lười biếng phải lớn hơn cái giá của việc tập luyện. Bị phạt khi hút thuốc trong nhà hàng hoặc thất bại trong việc tái chế mang tới những hậu quả cho việc làm đó. Hành vi chỉ biến chuyển nếu sự trừng phạt gây ra đủ tổn thương và có tính thúc ép chắc chắn.Nói chung, hậu quả càng cục bộ, rõ ràng, chắc chắn, và tức thời, thì nó càng có khả năng tác động tới hành vi cá nhân. Hậu quả càng chung chung, không rõ ràng, mơ hồ, và đến sau, thì nó càng ít có khả năng tác động lên hành vi cá nhân.May mắn là có một cách dễ dàng để thêm những hậu quả tức thời vào bất kỳ thói quen xấu nào: tạo ra một hợp đồng thói quen.
HỢP ĐỒNG THÓI QUEN
Luật thắt dây an toàn được thông qua tại New York vào ngày 1 tháng 12 năm 1984. Vào thời điểm đó, chỉ 14 phần trăm dân số Hoa Kỳ thường xuyên thắt dây an toàn - nhưng đạo luật đã thay đổi toàn bộ.Trong vòng năm năm, hơn một nửa quốc gia đã áp dụng luật dây an toàn. Ngày nay, việc thắt dây an toàn là bắt buộc tại 49 bang trên 50 bang.
Nhưng nó không chỉ là sự ban hành một đạo luật, số lượng người thắt dây an toàn đã thay đổi đáng kể. Năm 2016, hơn 88 phần trăm dân số Hoa Kỳ cài khóa dây an toàn mỗi khi họ bước vào xe ô tô. Chỉ trong vòng hơn 30 năm, đã có sự thay đổi hoàn toàn trong thói quen của hàng triệu người.Các điều luật và qui định là một ví dụ cho cách thức mà chính phủ có thể thay đổi thói quen của chúng ta thông qua việc tạo ra những hợp đồng mang tính xã hội. Trong xã hội, chúng ta cùng đồng thuận tuân thủ những điều luật chung và sau đó hình thành tuân thủ theo số đông. Bất cứ khi nào một đạo luật, qui định mới được ban hành tác động tới hành vi - như luật thắt dây an toàn, luật cấm hút thuốc trong nhà hàng, luật tái chế bắt buộc - thì đó là một ví dụ cho hợp đồng mang tính xã hội định hình nên thói quen. Số đông đồng thuận hành động theo một cách thức nhất định, và nếu bạn không tuân thủ theo, bạn sẽ bị trừng phạt.
Giống như chính quyền sử dụng luật pháp để bắt công dân có trách nhiệm, bạn có thể tạo ra một bản hợp đồng thói quen để bắt bản thân có trách nhiệm. Một bản hợp đồng thói quen là một thỏa thuận miệng hoặc trên giấy mà trong đó bạn tuyên bố cam kết thực hiện một thói quen cụ thể và sẽ có sự trừng phạt trong trường hợp bạn không tuân thủ đúng như đã cam kết. Sau đó bạn tìm một hoặc hai người với vai trò là những người đồng hành có trách nhiệm nhắc nhở lẫn nhau cùng ký vào bản hợp đồng với bạn.
Bryan Harris, một doanh nhân tới từ Nashville, Tennessee, là người đầu tiên tôi biết đã bắt tay vào thực hiện phương thức này. Chỉ một thời gian ngắn sau khi con trai của anh chào đời, Harris nhận ra rằng anh cần giảm vài pound. Anh đã viết một hợp đồng thói quen ký giữa bản thân anh, vợ anh và huấn luyện viên cá nhân của anh. Bản hợp đồng đầu tiên ghi rõ, "Mục tiêu #số 1 của Bryan trong quý 1 năm 2017 là bắt đầu lại chế độ ăn đúng cách, nhờ đó anh cảm thấy khá hơn, nhìn gọn gàng hơn, và có khả năng đạt được mục tiêu lâu dài là có mức cân nặng khoảng 90kg với 10% mỡ cơ thể". Bên dưới cam kết Harris liệt kê ra phương thức để đạt được mục tiêu đã đề ra:
- #1: Quay trở lại chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt "slow-carb" trong 3 tháng đầu tiên.
- #2: Bắt đầu một chương trình theo dõi nghiêm ngặt lượng dinh dưỡng đa lượng trong 3 tháng tiếp theo.
- #3: Tinh lọc và duy trì từng chi tiết trong chế độ ăn kiêng và chương trình tập luyện trong 3 tháng cuối.
Cuối cùng anh viết ra từng thói quen hàng ngày một giúp anh đạt được mục tiêu. Ví dụ, "Viết ra toàn bộ thức ăn anh đã ăn mỗi ngày và theo dõi cân nặng hàng ngày". Và rồi sau đó anh cũng liệt kê ra các biện pháp trừng phạt nếu anh thất bại: "Nếu Bryan không thực hiện hai việc này thì bắt buộc phải chịu phạt như sau: Anh sẽ phải ăn mặc chỉn chu tất cả các ngày trong tuần, và mỗi sáng Chủ Nhật trong suốt những ngày còn lại của quý đó. Ăn mặc chỉn chu là không được mặc quần jeans, áo phông, áo hoodies và quần sóc. Anh cũng sẽ phải nộp cho Joey (huấn luyện viên của anh) 200$ để tiêu cho tới khi nào anh này thấy hợp lý nếu anh bỏ một ngày không ghi chép lại lượng thức ăn tiêu thụ".
Ở cuối trang, Harris, vợ anh, và vị huấn luyện viên cùng ký vào bản hợp đồng.
Phản ứng đầu tiên của tôi là có suy nghĩ bản hợp đồng như vậy có vẻ hơi quá nặng về hình thức và không cần thiết, đặc biệt là phần ký tên. Nhưng Harris đã thuyết phục tôi rằng việc ký vào hợp đồng là biểu thị của sự nghiêm túc. "Bất cứ lúc nào tôi bỏ qua một phần," anh nói, "tôi bắt đầu nhanh chóng trở nên uể oải". Ba tháng sau đó, sau khi đạt được mục tiêu của quý 1, Harris đã nâng cấp mục tiêu của mình.
Và hình thức phạt cũng nặng lên. Nếu anh không đạt được mục tiêu carbonhydrate và protein, anh sẽ phải trả cho huấn luyện viên 100$. Và nếu anh quên không cân mỗi ngày, anh sẽ phải đưa cho vợ mình 500$ để tiêu cho tới khi cô ấy thấy phù hợp. Có lẽ hình phạt nặng nề nhất là việc này, nếu anh quên chạy nước rút, anh sẽ phải ăn mặc nghiêm chỉnh đi làm hàng ngày và đội một chiếc mũ Alabma trong suốt thời gian còn lại của quý - đối thủ truyền kiếp của đội Auburn yêu dấu của anh. Chiến lược này đã phát huy tác dụng.
Cùng với vợ và huấn luyện viên của mình đóng vai trò như những người bạn đồng hành chịu trách nhiệm giám sát nhắc nhở cùng với bản hợp đồng thói quen nêu rõ một cách chính xác những gì anh cần thực hiện mỗi ngày, Harris đã giảm cân thành công [*Bạn có thể xem bản hợp đồng thói quen thực tế của Bryan Harris và tải về bản mẫu tại website atomichabits.com/contract]. Để khiến cho một thói quen mang tính khó chịu, lựa chọn tốt nhất dành cho bạn là khiến chúng gây ra tổn thương tức thời. Tạo ra hợp đồng thói quen là một cách dễ dàng để thực hiện việc đó một cách chính xác.Cho dù bạn không muốn lập nên một bản hợp đồng thói quen chi tiết, thì cách thức đơn giản là tìm một người bạn đồng hành có trách nhiệm giám sát cũng rất hữu ích. Diễn viên hài Margaret Cho sáng tác ra một câu truyện cười hoặc một bài hát hàng ngày. Cô còn tạo ra thử thách "một bài hát mỗi ngày" cùng một người bạn, việc ngày giúp cho cả hai người bọn họ cùng có trách nhiệm. Biết rằng ai đó đang dõi theo mình là một động lực mạnh mẽ. Bạn giảm bớt khả năng trì hoãn hay từ bỏ bởi vì sẽ phải trả giá ngay tức thì. Nếu bạn không thực hiện như cam kết, có thể họ sẽ nhìn chúng ta như một kẻ không đáng tin cậy hoặc lười biếng. Đột nhiên bạn không chỉ phải giữ lời hứa với chính mình mà còn phải giữ lời hứa với những người khác nữa.Thậm chí bạn có thể tự động hóa tiến trình này.
Thomas Frank, một doanh nhân ở Boulder, Colorado, thức dậy lúc 5:55 mỗi sáng. Và nếu anh không thức dậy đúng giờ, anh đã đặt nhắc nhở tự động theo thời gian đã định, "Bây giờ là 6:10 và tôi vẫn chưa rời khỏi giường bởi vì tôi là một kẻ lười biếng! Hãy trả lời tin nhắn này bằng cách chuyển khoản 5$ qua PayPal (giới hạn ở 5$)" trong trường hợp chuông báo thức của tôi gặp trục trặc.Chúng ta luôn luôn nỗ lực thể hiện cái tôi tốt nhất ra với thế giới. Chúng ta chải đầu và đánh răng, và mặc đồ một cách chau chuốt bởi vì chúng ta biết rằng những thói quen này có khả năng đem lại cho chúng ta những sự hồi đáp tích cực. Chúng ta muốn điểm cao và tốt nghiệp trường thuộc hàng top để gây ấn tượng với các nhà tuyển dụng, với người yêu, với bạn bè và gia đình. Chúng ta quan tâm tới ý kiến của những người xung quanh bởi vì nó có ích nếu người khác những người khác yêu quý chúng ta. Đây chính xác là lí do tại sao cần có một người đồng hành chịu trách nhiệm nhắc nhở hoặc việc ký kết một bản hợp đồng thói quen có thể đem lại hiệu quả cao.
Tóm tắt chương
- Phiên bản đảo ngược của Qui luật số 4 trong thay đổi hành vi là khiến việc đó mang tính khó chịu.
- Chúng ta ít có khả năng lặp lại một thói quen xấu nếu như nó gây ra cảm giác tổn thương hoặc không thỏa mãn.
- Một đối tác chịu trách nhiệm nhắc nhở có thể đưa ra một hình phạt ngay lập tức cho việc không thực hiện đúng cam kết. Chúng ta quan tâm một cách sâu sắc tới những gì người khác nghĩ gì về mình, và chúng ta không mong muốn người khác có những ý kiến đánh giá thấp chúng ta. Một hợp đồng thói quen có thể được sử dụng để thêm vào một hình phạt mang tính xã hội cho bất cứ hành vi nào. Nó đưa ra hình phạt đối với việc vi phạm lời hứa một cách công khai và đau đớn.
- Việc biết có một người đang theo dõi bạn có thể tạo ra động lực mạnh mẽ.