Ba Chị Em Nhà Họ Tống - Chương 33

Ba Chị Em Nhà Họ Tống
Chương 33 - Cuộc Xung Đột Trung, Nhật Tại Thượng Hải (2)
gacsach.com

Thực ra sau khi bị Tưởng làm nhục, Tống Tử Văn có thể bỏ đi Hương Cảng khuyếch trương việc kinh doanh và làm một đại tài chủ thế giới, nhưng Tống Tử Văn vốn còn trẻ tuổi, còn nhiều năng lực, và nhất là còn tinh thần ái quốc, nên ông vẫn nán ở lại, mong làm một cái gì cho đất nước. Tưởng Giới Thạch có quyền, nhưng không biết cách tìm ra tiền. Tống Tử Văn biết cách làm đầy túi tiền, nhưng lại không ưa nổi Tưởng, vì thế Tống chỉ nhận làm cố vấn, và muốn Khổng Tường Hy tiếp tục chức bộ trưởng tài chánh làm trái độn giữa Tưởng và họ Tống. Tống Tử Văn không muốn nhìn mặt Tưởng nữa. Sau đó là những đạo luật mới về ngân hàng, bắt các ngân hàng phải đóng một phần tư tài sản của họ vào công khố phiếu chính phủ. Một số ngân hàng lớn chống đối. Nhưng Tưởng, Khổng Tường Hy và Tống Tử Văn đã hoạch định kế sách quốc hữu hóa các ngân hàng lớn, và anh em nhà họ Tống như Tống Tử Văn, Tống Tử Lương, Tống Tử An và Bố già Đỗ Đại Nhĩ được bổ nhiệm vào các chức vụ điều khiển các ngân hàng mới được quốc hữu hóa. Các ngân hàng mới này được quyền phát hành giấy bạc.

Trong chức vụ mới, Tống Tử Văn có dịp thu đoạt được một tài sản vĩ đại. Người ta đồn Tống Tử Văn có rất nhiều cổ phần trong các công ty General Motors và Du Pont của Mỹ. Bố già Đỗ Đại Nhĩ cũng trở thành "Một nhà từ thiện hay giúp đỡ kẻ nghèo" rất nổi tiếng. Số tiền giấy phát hành nhiều hơn số quý kim bảo đảm. Từ năm 1935 đến 1937, tiền giấy được gia tăng từ 453 lên 1477 triệu, mà chỉ một nửa được bảo đảm bằng quý kim như bạc. Còn lại trên 500 triệu chỉ là giấy lộn, không có giá trị gì, do chính phủ in ra để trả nợ. Sau năm 1937, người ta không biết số tiền giấy được in ra là bao nhiêu, vì đó là năm cuối cùng chính phủ Nam Kinh công bố về ngân sách và các sự chi tiêu. Và cũng từ đấy nền tài chánh của Trung hoa đi vào một giai đoạn bi thảm nhất trong lịch sử tiền tệ thế giới. Đó cũng là công trình của Tưởng Giới Thạch và Khổng Tường Hy.

Bố Già Đỗ Đại Nhĩ

Dưới chính quyền Tưởng Giới Thạch, Bố già Đỗ Đại Nhĩ trở thành một nhân vật "Khả kính" của Thượng Hải, điều khiển nhiều ngân hàng lớn, kể cả Trung Quốc Ngân Hàng. Tại bất cứ đâu, người ta cũng thấy ảnh hưởng của Đỗ Đại Nhĩ. Tuy vậy, bản chất của Đỗ Đại Nhĩ vẫn là một người thô bạo của thế giới anh chị. Khi hội đồng tiền tệ được thành lập, Khổng Tường Hy đề nghị Đỗ Đại Nhĩ làm hội viên của hội đồng đó thì viên cố vấn Leith- Ross người Anh phản đối vì tai tiếng của Đỗ Đại Nhĩ. Khổng Tường Hy nói thẳng rằng Đỗ Đại Nhĩ là người cầm đầu giới anh chị đông hàng ngàn người sẵn sàng tuân lệnh, và có thể gây rắc rối bất cứ lúc nào.

Những cuộc bàn cãi bí mật về tài chánh diễn ra tại nhà Khổng Tường Hy, và thường có Ái Linh tham dự, vì bà là chủ nhân. Ái Linh nghe được tin tức gì thì lập tức báo cho Đỗ Đại Nhĩ. Một lần Ái Linh cho Đỗ Đại Nhĩ biết tin tức về sự thay đổi hối xuất ngoại tệ. Đỗ Đại Nhĩ hiểu lầm nên đầu tư lầm, và bị mất 50 ngàn bảng Anh, một số tiền lớn vào thời đó. Đỗ Đại Nhĩ không chấp nhận sự thua thiệt này, và đòi Khổng Tường Hy lấy tiền của Ngân Hàng Trung Ương đền bù cho mình. Khi Khổng Tường Hy từ chối, thì ngay tối hôm đó một cỗ quan tài do sáu người phu nhà đòn khiêng đến đặt trước nhà họ Khổng, một cảnh cáo quyết liệt của Bố già. Lập tức sáng hôm sau, Khổng Tường Hy vội vã triệu tập một buổi họp tại Ngân Hàng Trung Ương, và ngân hàng đồng ý đền bồi cho một "Công dân ái quốc" mới bị thua lỗ trên thị trường hối đoái.

Dịch vụ nha phiến của Bố già Đỗ Đại Nhĩ được Tưởng Giới Thạch sử dụng như là một quốc sách. Các sứ quân và chính phủ Nam Kinh tận dụng khai thác nha phiến làm nguồn lợi tức chính yếu. Khi tổ chức độc quyền nha phiến của Nam Kinh đụng độ với khu vực của Đỗ Đại Nhĩ tại Chiết Giang và Giang Tô thì lập tức chính phủ rút lui, không dám đụng chạm tới quyền lợi của Đỗ Đại Nhĩ. Lúc đó các nhà trí thức Trung hoa và tây phương cực lực phản đối việc sử dụng nha phiến quá nhiều tại Trung hoa. Đến năm 1928 thì nha phiến xâm nhập vào mọi tầng lớp người Trung hoa. Phòng thương mại Qúi Châu còn dùng nha phiến làm đơn vị hối đoái chính thức. Tại Vân Nam, nơi trồng nhiều nha phiến, 90 phần trăm đàn ông nghiện nha phiến, và con nít sinh ra đã bắt đầu nghiện ngập, vì chúng là sự truyền giống của các bà mẹ nghiện ngập.

Vì sự tranh chấp khu vực buôn bán va chạm nhau nên Tưởng Giới Thạch tìm gặp Đỗ Đại Nhĩ để thương lượng, và hai người đi đến một giải pháp mới. Đỗ Đại Nhĩ được giao phó nhiệm vụ đặc trách tiễu trừ cộng sản, một chức vụ giúp Đỗ Đại Nhĩ tha hồ giết bất cứ ai không ưa, chỉ cần gán cho người đó là cộng sản. Lục Hội của Đỗ Đại Nhĩ được độc quyền bán nha phiến và được chính phủ bảo vệ, ngược lại Đỗ Đại Nhĩ phải đóng thuế trước cho chính phủ Nam Kinh 6 triệu.

Sau khi Đỗ Đại Nhĩ trả 6 triệu cho Tống Tử Văn, thì hắn lại đổi ý và đòi lại số tiền đó. Tống Tử Văn liền trả cho Đỗ Đại Nhĩ cả 6 triệu, nhưng bằng công khố phiếu chứ không phải là tiền mặt. Đỗ Đại Nhĩ hiểu rằng công khố phiếu chỉ là giấy lộn. Lập tức một cuộc ám sát Tống Tử Văn xảy ra tại một ga xe lửa. Khi Tống Tử Văn vừa bước ra khỏi sân ga thì súng nổ loạn xạ liên hồi và thuốc súng bốc lên mù mịt. Tống Tử Văn nhào xuống nấp sau một cây cột. Khi tất cả im lặng, Tống Tử Văn trông thấy viên thư ký của mình bị trúng đạn khắp người, nằm chết gục giữa đống máu, tập tài liệu trong tay viên thư ký cũng rơi tung tóe. Một điều lạ là Tống Tử Văn đứng ngay bên cạnh mà không trúng một viên đạn nào.

Thực ra Đỗ Đại Nhĩ chỉ muốn cảnh cáo Tống Tử Văn không được lừa dối mình.Một trong những vùng sản xuất thuốc phiện giàu nhất là miền bắc Trung hoa, và khi Nhật Bản chiếm vùng này trong những năm đầu của thập niên 1930 thì Tưởng mất hẳn nguồn tài chánh lớn lao ấy. Nhật Bản dùng thuốc phiện nguyên chất của miền bắc Trung hoa để chế tạo chất bạch phiến và có lợi hơn. Tưởng liền cấm người Trung hoa dùng bạch phiến. Và cuối cùng Tưởng kết thúc một hiệp thương với người Nhật Bản, và mua thuốc phiện của Nhật Bản sản xuất tại Trung hoa trong khu vực chiếm đóng của người Nhật.

Bạch phiến là một thứ thuốc vẫn được dùng để chữa trị cho những người muốn bỏ thuốc phiện. Năm 1931, hội Quốc Liên ấn định mức sản xuất bạch phiến, chỉ cho sản xuất dùng cho y học thôi. Cũng năm đó, Bố già Đỗ Đại Nhĩ khánh thành một nhà từ đường rất lớn, mới xây cất cho dòng họ tại Cao Châu. Lễ khánh thành rất náo nhiệt và tốn kém, kéo dài tới ba ngày, và có hàng ngàn nhân vật quan trọng trong chính phủ tới dự. Tưởng Giới Thạch trao tặng Đỗ Đại Nhĩ một bức chướng, ca ngợi sự đóng góp vĩ đại của Đỗ Đại Nhĩ cho nhân loại. Khi buổi lễ khánh thành chấm dứt thì nhà từ đường của Đỗ Đại Nhĩ trở thành một xưởng chế tạo bạch phiến lớn nhất Trung hoa. Xưởng chế tạo bạch phiến này dùng thuốc phiện mua lại của Nhật từ miền bắc Trung hoa. Nhờ công của Đỗ Đại Nhĩ, người Trung hoa được hưởng một nguồn cung cấp bạch phiến rất dồi dào. Người Trung hoa dùng bạch phiến để cai thuốc phiện, nhưng bỏ được thuốc phiện thì họ lại nghiện bạch phiến.

Đỗ Đại Nhĩ trở thành người có nhiều tước vị nhất Thượng Hải. Khi Tưởng Giới Thạch trở thành lãnh tụ Quốc dân đảng thì Đỗ Đại Nhĩ được phong chức đại tướng. Đỗ Đại Nhĩ đã hối lộ chia phần với tổng lãnh sự và cảnh sát trưởng tại tô giới Pháp để được tự do buôn bán bạch phiến. Lần đầu tiên việc này đến tai chính phủ Ba Lệ Lập tức một đô đốc được phái sang dọn dẹp tham nhũng. Đỗ Đại Nhĩ bị loại khỏi hội đồng thành phố. Viên tổng lãnh sự và cảnh sát trưởng chuẩn bị trở về Pháp, dưỡng già với tài sản khổng lồ do Đỗ Đại Nhĩ hối lộ. Đỗ Đại Nhĩ cho rằng đã bị viên tổng lãnh sự và cảnh sát trưởng phản bội. Đỗ Đại Nhĩ liền mời hai người này dự một bữa tiệc tiễn biệt. Đỗ Đại Nhĩ sai bỏ thuốc độc vào đồ ăn, và kết quả là viên tổng lãnh sự và vài người khác chết ngay tại chỗ. Viên cảnh sát trưởng tuy thoát chết, nhưng cũng bị bệnh trong nhiều tuần lễ.Viên tổng lãnh sự mới tới thay thế hoảng sợ, vội cộng tác với Đỗ Đại Nhĩ, và sai cảnh sát hộ tống tất cả những chuyến giao hàng bạch phiến của Đỗ ĐạI Nhĩ. Việc làm ăn của Đỗ Đại Nhĩ lại phát đạt như cũ. Tuy nhiên bây giờ Đỗ Đại Nhĩ không thấy cần thiết khu vực Thượng Hải nhỏ hẹp nữa, trong khi Tưởng cho phép Đỗ Đại Nhĩ được buôn bán tại khắp các khu vực do Quốc dân đảng kiểm soát. Thỉnh thoảng Đỗ Đại Nhĩ cũng nhắc cho chính quyền Nam Kinh biết sự nguy hiểm của mình. Với lợi tức vô cùng lớn lao thu được nhờ dịch vụ bạch phiến, Đỗ ĐạI Nhĩ bắt đầu khuynh loát chính phủ bằng tiền ấy. Đỗ Đại Nhĩ bỏ tiền mua máy bay của Mỹ và tặng cho chính phủ Nam Kinh từng phi đội. Ngày Tưởng ăn mừng sinh nhật ngũ tuần, Đỗ Đại Nhĩ tặng Tưởng một chiếc phi cơ mới mua, có sơn một hàng chữ "Diệt Trừ Thuốc Phiện Tại Thượng Hải."

Một ký giả Thụy Sĩ phỏng vấn Đỗ Đại Nhĩ và công nhận hắn là một người quyền lực nhất Trung hoa, một người vừa là trùm du đãng vừa là nhà tài phiệt. Đỗ Đại Nhĩ nắm tất cả mọi dịch vụ về ma túy tại Trung hoa. Các hoạt động ma túy của Đỗ Đại Nhĩ vươn tới tận Bắc Mỹ và Nam Mỹ. Tất cả thư tín gửi qua bưu điện Thượng Hải đều được người của Đỗ Đại Nhĩ đọc và kiểm duyệt trước. Chiến dịch diệt trừ thuốc phiện của Tưởng Giới Thạch được coi như là một trò hề. Tất cả thuốc phiện mà chính phủ của Tưởng tịch thu được đều giao lại cho Ủy ban Diệt trừ Thuốc phiện do Đỗ Đại Nhĩ chỉ huỵ Những thuốc phiện này đáng lẽ phải được tiêu hủy đi thì lại tái xuất hiện trên thị trường.

Năm 1936 Bố già Đỗ Đại Nhĩ xin được rửa tội theo đạo Thiên chúa. Mỹ Linh vô cùng xúc động, vì cho rằng Đỗ Đại Nhĩ trở lại đạo là nhờ những buổi đọc kinh và đọc Thánh Kinh theo giáo hội Methodist tại nhà Khổng Tường Hy và Ái Linh. Đỗ Đại Nhĩ chịu lễ rửa tội tại nhà thờ Tống Charliẹ Tống Mỹ Linh tuyên bố về Đỗ Đại Nhĩ vài tuần sau lễ rửa tội, "Ông Đỗ Nguyệt Thăng đang trở thành một tín đồ Thiên Chúa giáo đích thực, vì kể từ ngày ông được rửa tội đến nay, con số người bị bắt cóc tại Thượng Hải giảm xuống rõ rệt."