Bản Kháng Cáo Cuối Cùng - Chương 23
23
Giáo sư James Zimmer đỗ xe vào chỗ của mình tại đại học Gateway và tắt máy. Một tuần đậu xe trong sân bay Los Angeles có vẻ không làm chiếc Mazda hề hấn gì. Quảng cáo của nhà sản xuất thật đúng không sai. Nó là một chiếc xe con tuyệt vời.
Đúng 6 giờ 59 phút chiều, chuyến bay của giáo sư Zimmer hạ xánh xuống sân bay, trễ bốn mươi bốn tiếng so với lịch trình. Ông bị trễ thêm ba mươi phút nữa tại khu lấy hành lí, và rồi thêm ba mươi lăm phút đợi xe buýt sân bay, mà theo lịch trình phải có mười phút một chuyến. Cuối cùng ông cũng tới được khu đỗ xe C để lấy chiếc Madza của mình bị kẹp giữa một chiếc Cadillac đen và một chiếc Winnebago vàng bị bụi bám, đúng ở nơi ông để nó lúc trước.
Chiếc Mazda khởi động được ngay, và lúc 10 giờ kém 15, ông trở về với chốn quen thuộc. Nếu ông là típ ham cho mình là trên hết, ông hẳn sẽ nói rằng chiếc Mazda của mình cũng mừng được trở lại. Có vẻ nó rên hừ hừ như mèo khi ông đỗ nó trong trường.
Giáo sư khóa xe và định bỏ đi thì nhớ ra cái túi du lịch nhỏ đặt bên ghế phụ. Có lẽ đem nó theo là một ý kiến hay. Đơn xin bổ nhiệm làm giáo viên dài hạn sẽ sớm được trình lên, và nếu có một anh chị sinh viên phải gió nào phá xe Mazda của ông và tìm ra thứ trong túi du lịch, lời đồn đại chắc chắn sẽ tới tai ban quản trị. Trong trường Gateway chẳng mấy khi xảy ra chuyện phá hoại tài sản, nhưng đại học vẫn thu hút một vài sinh viên cá biệt. Bố mẹ chúng mong đưa chúng tới một trường dòng sẽ giúp chúng về đúng quy củ, và thi thoảng cũng có thành công, nhưng chủ yếu là không ăn thua.
Khi giáo sư Zimmer cầm ca táp và túi du lịch qua nhà ăn tập thể, ông nhận ra mình rất vui được trở về. Mọi chuyện không tốt lắm ở Washington. Đạo đức và Truyền thông là một khái niệm hay ho và hợp thời, nhưng cấu trúc của hội thảo thật chẳng được như kì vọng. Mỗi buổi họp lại được tổ chức tại một tòa nhà khác nhau, và bản chỉ đường ông được nhận lại rất cẩu thả. Ông suýt nhỡ mất một buổi họp quan trọng vì số tòa nhà bị đảo ngược mất hai chữ số, và các học sinh ông hỏi thăm đều chẳng biết gì về các buổi hội thảo hay tòa nhà là địa điểm tổ chức.
Có một vài khía cạnh tiêu cực khác nữa, những nhân tố biểu thị sự xuống dốc trong sự nghiệp của ông. Đáng buồn là số đông đồng nghiệp của ông coi hội nghị là cái cớ để đi nghỉ mát bằng tiền thù lao của các viện tài trợ và lương họ nhận từ trường đại học của mình.
Giáo sư Zimmer đã phát biểu trước một viện sĩ hàn lâm cực kì nổi tiếng tới chỉ dự duy nhất buổi họp có ông phát biểu. Người đàn ông này đã thẳng thắn thừa nhận rằng mình dành phần thời gian còn lại trong phòng nghỉ ở khách sạn cùng cô nhân tình, mà cô ả cũng bay tới Washington bằng tiền của viện tài trợ.
Giáo sư Zimmer không ủng hộ hành vi đó, nhưng ông cũng thông cảm cho nỗi thèm khát một dạng đền đáp của đồng nghiệp. Cuộc đời của một giảng viên đại học trong thế giới ngày nay chẳng được đền đáp nhiều. Dạy học là một cuộc sống vỡ mộng và với rất nhiều người, điểm sáng duy nhất là tiền họ nhận được khi dự các hội nghị, và cơ hội hưởng thụ cuộc sống sung sướng nhờ tiền kẻ khác trong lúc có bạn bè bầu bạn.
Tổng lương của giáo sư thấp đến nực cười nếu so sánh với những lĩnh vực khác đòi hỏi bằng cấp cao. Mỗi năm các tiến sĩ y khoa kiếm được gấp mười lần tổng tiền lương của một giáo sư đại học, mà thời gian học hành của họ cũng ngang ngửa nhau đấy nhé. Giáo sư Zimmer càng buồn hơn khi phát hiện ra một vài sinh viên trong lớp ông kì này còn kiếm được nhiều tiền hơn mình. Và những sinh viên đó chỉ làm bán thời gian thôi đó!
Nhưng sao lại có người chọn theo đuổi một cái nghề lương thấp, làm nhiều giờ, ít cơ hội thăng tiến và phải tuân theo những luật lệ cứng nhắc quá ư kì quặc? Để rèn giũa những trí óc sáng láng non trẻ, tất nhiên rồi. Đó là lí do chuẩn mực mà hầu hết các giáo viên tận tâm với nghề đưa ra. Không may thay, những trí óc sáng láng non trẻ ngày nay dường như đã mất sạch lòng kính trọng đối với những học giả hàn lâm lương còm cõi này. Ông từng nghe một sinh viên phát biểu rằng không hiểu các giáo sư có chút tài năng nào không, rằng chẳng qua họ đang cố gắng kiếm chút lương ít ỏi, chứ có dạy học gì đâu. Học sinh giờ nghe đài xem ti vi còn chăm chú hơn nghe giáo viên giảng.
Đó chính xác là lí do giáo sư Zimmer đã tới gặp ban quản trị đại học Gateway và xin được đi dự hội nghị Washington. Giới truyền thông có ảnh hưởng lớn đối với lớp trẻ ngày nay, và họ phải mở mắt mà nhìn nhận xem mình cần thực hiện những nghĩa vụ đạo đức nào để mà hành động cho hợp lí.
Ban quản trị ngạc nhiên trước yêu cầu của ông. Thường thì giáo sư Zimmer hiếm khi lên tiếng đầy nhiệt huyết như thế. Họ chẳng nghe thấy ông ho he tiếng nào kể từ ngày thuê ông.
Cũng có vài lời phản đối qua loa, và giáo sư Zimmer đã lường trước rồi. Đại học Gateway là học viện tôn giáo tư thục không hề muốn nổi đình nổi đám. Trường không muốn thu hút sự chú ý, và hội nghị này chắc chắn sẽ xuất hiện đầy trên báo chí.
Giáo sư Zimmer đã tranh cãi đến cùng. Không phải vấn đề đạo đức của sự kiện lớn này chính là điều nhà trường một mực bám lấy sao? Hình ảnh của trường chắc chắn sẽ bị tổn hại nếu các trường đại học tôn giáo khác cử đại diện tới mà Gateway lại một mực từ chối tham gia. Ông đọc cho họ danh sách các đại học tham dự và để dành những trường nổi tiếng nhất để nêu lên vào phút cuối. Đối thủ không đội trời chung của Gateway, King’s Hall, cử đi ba đại diện.
Thế là vấn đề lại ra nhẽ khác. Họ vội vàng trấn an ông rằng họ cực kì ấn tượng với chuẩn mực đạo đức vững vàng của ông, nhưng giáo sư Zimmer ngờ rằng cái khiến họ ấn tượng hơn là với chuyện viện tài trợ hội nghị này đã đồng ý trả cho ông chút thù lao nho nhỏ. Vậy là họ có thể đưa ông đi dự hội nghị mà không mất một cắc nào phí công tác.
Có một cuộc bỏ phiếu, trong lúc đó ông rời phòng, và khi ông được gọi trở vào phòng làm việc riêng đó, người ta tuyên bố rằng tất cả đều nhất trí cho ông đi. Không may là họ chẳng có ngân sách trả lương theo ngày cho ông. Hoặc chi phí đi lại. Nhưng nếu giáo sư vẫn nghĩ rằng nghĩa vụ đạo đức của ông là phải tham dự, họ sẽ sắp xếp đổi giờ dạy các lớp ông phụ trách trong tuần ông vắng mặt. Chuông bắt đầu điểm khi giáo sư Zimmer đi qua nhà thờ. Vậy là sắp mười giờ rồi.
Nó luôn đổ sớm hai phút. Mọi người trong đại học đều biết điều đó, và lí do tháp chuông được đặt sớm là để sinh viên nhanh chân lên lớp, nhưng kết quả lại chẳng được như trường mong muốn. Giáo sư Zimmer rảo chân bước tới văn phòng, đi lên cầu thang, và mở cửa phòng. Giờ đã muộn và ông còn vài việc phải làm.
Khi giáo sư mở cửa và bật đèn, ông cứ tưởng mình vào nhầm phòng. Bàn làm việc vốn gọn gàng của Dorothy nay chất đầy tạp chí và sách vở.
Ông mỉm cười khi tới gần hơn để xem xét chồng lộn xộn. Có một đống tạp chí ngổn ngang, loại mà chất đống ở quầy thanh toán tại siêu thị. “Ngôi sao phim truyền hinh tiết lộ chồng mình thích mặc váy”, tiêu đề là vậy đấy. Chắc chắn ông không bao giờ nghĩ Dorothy lại đi đọc mấy vụ scandal của các ngôi sao!
Có một cuốn sách chiêm tinh quăn mép ở góc bàn và một tờ cung hoàng đạo chi chít chữ viết tay của Dorothy. Giáo sư Zimmer choáng tới độ suýt không thấy cái gạt tàn đầy đầu mẩu thuốc lá. Ông không hề biết Dorothy có hút thuốc. Hoặc đánh son, nhưng nhìn các đầu mẩu kia là thấy rõ rành rành. Hoặc sơn móng tay màu mận tím vương ở góc bàn. Ông chắc chắn ban quản trị cũng không hề hay biết, nếu không họ đã chẳng thuê Dorothy.
Giáo sư Zimmer quan sát bằng chứng về cuộc sống bí mật của thư kí riêng rồi cười khùng khục. Dorothy luôn tỏ ra là một con người đức hạnh. Hẳn phải có một luật bất thành văn về tư cách đạo đức của thư kí, cũng như của các giáo sư. Dorothy chắn chắn đã lừa ông quá ngọt, cho tới tối nay.
Ông có nên nhắc chuyện này với Dorothy và cười đùa cùng cô thư kí mà đôi lần ông nghi ngờ là tay trong của ban quản trị không nhỉ? Thôi, vậy là không khôn ngoan. Ông chỉ khiến cô ngượng, và thế có khi lại làm hỏng mối quan hệ làm việc giữa họ. Cô không cần biết ông đã bay chuyến sớm để trở về. Cô cứ làm việc của mình, còn ông làm việc của ông. Nhưng giáo sư cũng thấy sung sướng khi biết rằng trong cái trường này còn một người khác có bí mật cần giấu giếm.
Giáo sư Zimmer vào văn phòng và ngồi bên bàn gọi đến một số điện thoại không hề có trong danh bạ của mình. Ông nhíu mày khi nghe tiếng máy trả lời tự động, nhưng tự nhắc mình nhớ ra rằng đáng lẽ phải đến mai ông mới về. Để lại tin nhắn có an toàn không nhỉ? Có chứ, chỉ cần ông cẩn thận là được.
“Xin chào, anh Jamie đây.” Giọng giáo sư Zimmer nghe trẻ hơn rất nhiều. “Anh về sớm, em yêu ạ. Giờ là mười giờ mười lăm, và anh còn dở chút công chuyện ở văn phòng, nhưng anh sẽ gọi lại cho em ngay khi về đến nhà. Anh đã mua quà cho em. Chính là cái chúng ta đã nhắc đến vào lần gặp nhau trước đấy. Và đúng, anh dám mua nó!”
Giáo sư Zimmer cúp máy và vỗ vỗ cái túi ông mang từ xe vào. Ông phải lấy hết dũng khí mới dám bước vào cửa hiệu đó dù đã tự nhủ rằng chẳng ai có thể nhận ra ông. Có lẽ ông khiêu gợi nhiều hơn ông tưởng. Và giờ ông nên nghĩ tới những thứ khác, hoặc ông sẽ không bao giờ sẵn sàng tiếp tục dạy được.
Còn phải gọi một cuộc nữa. Giáo sư Zimmer ấn số và lại nghe tiếng máy trả lời tự động. Ông cũng đoán trước là chẳng còn ai ở văn phòng đó. Giờ đã quá giờ hành chính rồi. Ông để lại tin nhắn và ngay lập tức thấy khá hơn. Chỉ còn một việc nữa phải làm. Ông liền cầm hồ sơ thư kí để trên bàn và mở ra.
Tuần trước, Dorothy đã coi thi giữa kì của lớp truyền thông hôm thứ Hai giùm ông. Phải có người chấm bài, và nếu ông không bắt tay vào ngay thì không kịp mất.
Bài kiểm tra dạng trắc nghiệm, có sáu mươi câu tất cả. Vì ông có mẫu sẵn nên chấm cũng nhanh thôi. Nhưng câu hỏi tự luận cuối cùng lại mất thời gian một chút. Giáo sư Zimmer làm việc độ một tiếng và vừa xong hơn nửa thì nghe có tiếng ai đó bước rón rén bên ngoài phòng làm việc. Ngay khi ông vừa định đứng lên xem là ai thì anh bảo vệ bước vào.
“Ôi, giật cả mình! Xin lỗi nhé, giáo sư. Tôi cứ tưởng sang thứ Hai thầy mới về.”
“Tôi cũng định thế, George. Nhưng rồi tôi quyết định bay chuyến sớm.”
George, chàng trai có vóc người săn chắc với vốn từ chẳng lấy gì làm phong phú, tỏ vẻ ngượng ngùng. “Xin lỗi khi đường đột xông vào thế này, thưa giáo sư, nhưng tôi cứ tưởng thầy là trộm.”
Ông gật đầu ra chiều thông cảm. “Đây là công việc của anh mà. Hoàn toàn không sao hết, George. Rất mừng được biết anh tận tâm như vậy. Chắc chừng một giờ nữa tôi sẽ về, vậy nếu anh thấy ai sau giờ đó thì đấy là trộm thật đấy.”
“Vâng, thưa giáo sư. Tôi sẽ để ý. Thầy muốn tôi mang cho thầy cái gì không? Tôi có cà phê bên ngoài phòng bảo vệ.”
“Không cần đâu, George. Cà phê sẽ làm tôi mất ngủ. Tôi sẽ gặp lại anh vào thứ Hai nhé.”
George đi ra, và giáo sư Zimmer lắc đầu. Đây không phải anh chàng sáng dạ nhất thế giới, nhưng lại được cái tận tâm. Nếu gặp bất trắc, ông sẽ muốn George bên cạnh chứ không phải ai khác. Người gác đêm này được cái chân tay nhanh nhẹn và có vẻ không biết sợ là gì. Giáo sư Zimmer chắc chắn không có can đảm xông vào một văn phòng khi trong tay chẳng có gì ngoài một khẩu súng cao su nếu như nghi ngờ bên trong có trộm.
Gần tới nửa đêm giáo sư Zimmer mới chấm bài xong. Ông thử gọi cho số kia thêm lần nữa, nhưng không ai nhấc máy. Ông để lại tin nhắn, lần này ngắn hơn, nói rằng mai sẽ gọi lại. Muộn thế này không nên gặp người yêu nữa. Ông kiệt sức, và muốn về thẳng nhà và leo lên giường. Dù ông biết giữa Washington D.C và Los Angeles chỉ chênh nhau có ba tiếng đồng hồ, nhưng ông nghi mình cũng bị chứng lệch múi giờ rồi.
Giáo sư Zimmer nhét đống bài kiểm tra vào ca táp. Lớp truyền thông làm bài không quá kém, nếu xét theo mức độ khó của bài kiểm tra này, nhưng đây chắc chắn không phải những học sinh thông minh nhất ông từng dạy. Rồi ông cầm túi du lịch, tắt đèn, khóa cửa văn phòng trước khi ra về, và bước đi trong bóng tối tịch mịch.
Lòng thảnh thơi rời tòa nhà, ông mỉm cười. Đại học Gateway đẹp nhất vào ban đêm khi vắng bóng đám sinh viên lắm mồm lắm miệng. Nó được xây trên khu đất có những ngọn đồi mấp mô lên xuống với những rặng thông xanh. Khu rất này rất rộng, vẫn còn chưa được xây dựng hết, và đã được tặng cho Reverend Esmond Heath từ hồi thế kỉ trước, rồi sau này mới trở thành nơi tọa lạc của trường đại học tôn giáo này. Kiến trúc sư đầu tiên quả thật tài giỏi khi làm cho kiến trúc gạch đá hài hòa với khung cảnh mộc mạch xung quanh, và giáo sư Zimmer mong rằng nếu Gateway muốn mở rộng khuôn viên, ban quản trị sẽ thuê được một kiến trúc sư có tài thiết kế tương tự.
Ông không chọn đường đi qua nhà thờ - nó luôn khiến cảm giác tội lỗi dấy lên trong lòng ông, mà chọn đi trên Lối Tượng, dù đường đấy xa hơn. Phần này của đại học thuộc về khoa mỹ thuật tạo hình, và luôn treo đầy những tờ rơi màu mè sặc sỡ khoa phát ra để tuyển sinh vào mùa thu.
Nếu sinh viên nào có tác phẩm ấn tượng, nó sẽ được đặt bên cạnh con đường ngoằn ngoèo này để các thế hệ sinh viên sau và giáo viên chiêm ngưỡng. Lối Tượng dài gần bằng hai dãy nhà trong thành phố, và rợp bóng cây xanh. Nó được thiết kế sao cho những người tản bộ theo con đường lát đá đẹp đẽ này sẽ gần như vô tình bắt gặp các bức tượng. Khi sắp đặt để ánh đèn chiếu lên những bức tượng điêu khắc đẹp đẽ đó cũng là để chiếu sáng được đường đi khi trời tối.
Giáo sư Zimmer mỉm cười khi đi qua bức đầu tiên, Đức mẹ Đồng Trinh và Chúa Hài đồng mà ông thấy trông cứ như một tảng đá to tướng ôm một khối đá bé hơn. Dọc đường này thiếu gì tượng Đức Mẹ, rồi thì tượng Chúa Jesus, trong đó một số là tượng Chúa bị đóng đinh trên cây thập giá, một số thì không. Chuyện tác phẩm của sinh viên mỹ thuật trường Gateway lấy cảm hứng từ tôn giáo cũng dễ hiểu. Hồi năm ngoái có một vụ khá ầm ĩ khi một trong những sinh viên năm cuối giỏi giang nhất trường đi đặt tên bức tượng đồng khỏa thân theo phong cách tả thực đến không thể thực hơn là Con điếm thành Babylon. Bức tượng không chiếm được một chỗ trên Lối Tượng, nhưng giáo sư Zimmer đã từng có cơ hội được chiêm ngưỡng và thấy nó rất đẹp.
Bức tượng nổi tiếng nhất được trưng bày ở đây được mang tên Khải huyền. Giáo sư Zimmer thì chỉ nhìn ra nó là một khối toàn chân với cẳng, cùng cái đầu to tướng mang ngàn vạn khuôn mặt tượng trưng cho các nhóm dân tộc chính sống tại Los Angeles. Tác giả của nó là một anh sinh viên nhà giàu. Gia đình đã mua cho cu cậu một khối cẩm thạch đen mắc tiền cho thằng con đục đẽo. Giáo sư Zimmer đã thấy khối đá tuyệt đẹp ấy khi nó được chuyển đến, và ông ước cậu sinh viên kia đặt tên cho bức tượng là Khải huyền trong Cẩm thạch đen và để nó nguyên hiện trạng.
Khải huyền được xuất hiện trong một bộ phim truyền hình vào năm ngoái, và giáo sư Zimmer đã túm tụm cùng những giáo sư khác của khoa mỹ thuật tạo hình xem nó qua cái ti vi lớn của đại học. Cặp vợ chồng trong tập phim ấy sở hữu một văn phòng thám tử, còn cậu con trai là một ảo thuật gia có tài. Nhiệm vụ của cậu ta là làm trò khiến bức tượng biến mất trong khi thực ra nó vẫn ở nguyên tại Lối Tượng. Nếu cậu ta làm được, bọn người xấu sẽ bị lừa và thả con tin. Ban quản trị đại học Gateway được trả mười ngàn đô một ngày để cho phép các diễn viên và đoàn quay phim vào trường trong ba ngày quay.
Giáo sư Zimmer bước qua Khải huyền và thở dài. Có lẽ ông không hiểu nghệ thuật đương đại vì ông nghĩ bức tượng được người người tán tụng kia xấu mù. Mà tối nay chắc chắn trông nó không những xấu mà còn đáng sợ. Trong bóng tối từ những chiếc đèn pha, đám chân cẳng dường như đang vươn về phía ông, trườn đến càng lúc càng gần như một con quái thú thời tiền sử nào đó đang rình mồi. Kể cả khi bức tượng đã ở phía sau, ông vẫn có thể thấy những cái bóng xấu xí của nó in trên đường, càng lúc càng lớn khi ông rời xa nguồn sáng. Có lẽ ông đã sai khi chọn Lối Tượng cho tối nay. Có một khoảnh khắc ông còn tưởng tượng rằng một trong những cái bóng dài đó đã di chuyển.
Lại nữa kìa! Giáo sư Zimmer quay phắt lại, nhưng chẳng thấy ai. Chắc ông mệt mỏi hơn ông tưởng. Ông không chỉ nhìn thấy thứ không có thật, mà thính giác cũng đang chơi ông. Ông khá chắc mình nghe thấy tiếng bước chân rón rén ở khu vực đèn không chiếu đến. Trí tưởng tượng của ông, cộng thêm sự mệt mỏi sau một tuần dự hội nghị, đã tác động đến trị óc ông. Bản năng bảo ông nên bỏ chạy ra xe, nhưng ông biết mình sẽ thấy bản thân như thằng ngố nếu để George nhìn thấy cảnh mình chạy như bị ma đuổi ra khỏi Lối Tượng.
Giáo sư chậm rãi bước từng bước đều đặn. Ở nơi ánh sáng không chiếu tới kia chẳng có gì ngoài những hình ảnh do trí tưởng tượng của ông nặn ra đâu. Cuối con đường là pho Dị giáo, bức tượng cuối cùng ở đây và cũng là một trong số những tác phẩm ông thích nhất. Nó được đặt vào đây mới một tháng trước, và là một đa hợp của nhiều vị thần cổ đại. Giáo sư Zimmer không biết nhiều về thần thoại, nhưng ông thích đoán xem nó biểu trưng cho những vị thần nào. Vì chân tượng có cánh, nên ông cho rằng có yếu tố của thần Mercury trong thần thoại La Mã. Tượng trong tư thế lom khom như thần Titan Atlas đỡ cả thế giới trên vai. Và có gì đó lúc trước ông không để ý - có vài chỗ trên đầu bức tượng có tóc xoắn như dây thừng. Đây là ảnh hưởng của Medusa trong số các chị em Gorgon chăng? Tất nhiên ông nhận ra thần Thor của Bắc Âu đang cầm búa. Nó được gọi là gì nhỉ? Ông mới tra cứu hôm kia xong. À đúng rồi, Mjolnir. Và một vị thần khác, một vị thần ông chưa nhớ ra…
Giáo sư dừng sững lại. Có gì đó đằng sau bức tượng vừa nhúc nhích. Ông chắc chắn mà. Chắc như bắp luôn. Có gì đó ở đằng đấy!
Giáo sư Zimmer hối hả chạy, cái túi du lịch và ca táp đập cả vào chân ông. Ông thấy nơi cuối Lối Tượng rồi, chỉ cần vượt qua cái cây kia thôi! Ông vừa đi được ba phần tư quãng đường thì thứ gì đó nhanh hơn và mạnh hơn tóm ông từ đằng sau. Giáo sư ngã nhào xuống con đường lát đá phiến, dộng xương bánh chè xuống nền đá gồ ghề. Ông không kịp cảm nhận cơn đau thấu trời mà một vết thương như thế sẽ gây ra. Cảnh tượng cuối cùng mà bộ não đang hoảng hốt tột độ của ông có thể xử lí là cái bóng đen to tướng của cây búa hùng mạnh của thần Thor giáng xuống sọ ông.
* * *