Bạn Không Thông Minh Lắm Đâu - Chương 07

Sự trì hoãn

Bạn thường trì hoãn công việc bởi vì bạn là một kẻ lười biếng và không biết cách kiểm soát thời gian của mình.

Sự trì hoãn được thúc đẩy khi bạn yếu đuối trước những cám dỗ và không tự ngẫm về các suy nghĩ của bản thân.

Netflix có lẽ đã cho bạn thấy điều gì đó về hành vi của bản thân mà tới giờ chắc hẳn bạn cũng đã phải nhận ra, một thứ luôn chen vào giữa bạn và những việc mà bạn muốn hoàn thành. Nếu bạn có tài khoản Netflix, đặc biệt là nếu bạn dùng nó trên TV nữa, khả năng là bạn đã tích cóp tới hàng trăm tựa phim mà bạn nghĩ ngày nào đó sẽ lôi ra xem phải không?

Hãy nhìn vào danh sách đó. Sao lại có nhiều phim tài liệu và phim sử thi nằm đóng bụi vậy? Tới thời điểm này có lẽ bạn đủ khả năng vẽ lại được ảnh bìa của phim Dead Man Walking từ trí nhớ rồi. Vậy sao bạn lại cứ lướt qua nó mà không nhấn vào để xem?

Các nhà tâm lý học thực ra đã biết câu trả lời cho việc tại sao bạn cứ tiếp tục cho thêm vào bộ sưu tập những phim bạn sẽ chẳng bao giờ xem. Đó cũng là lý do cho việc bạn tin rằng tới một lúc nào đó bạn sẽ làm điều tốt nhất cho bản thân ở những lĩnh vực khác, nhưng rồi cuối cùng lại không làm.

Trong một nghiên cứu được thực hiện vào năm 1999 bởi Read, Loewenstein, và Kalyanaraman, các nhà nghiên cứu đã cho người tham gia lựa chọn 3 trong tuyển tập 24 bộ phim để xem. Một số là những phim đơn giản và dễ xem như Sleepless in Seattle hay Mrs. Doubtfire. Số còn lại là những phim mang tính hàn lâm hơn như Schindler’s List hay là The Piano. Nói cách khác thì đây là sự lựa chọn giữa những bộ phim vui vẻ, dễ quên, và những bộ phim đáng nhớ nhưng cần phải cố gắng một chút mới hiểu được. Sau khi lựa chọn, những người tham gia sẽ phải xem ngay một phim. Rồi xem một phim nữa sau đó hai hôm. Và xem phim cuối cùng cách phim thứ hai thêm hai hôm nữa. Hầu hết mọi người đều chọn Schindler’s List trong bộ ba phim họ sẽ xem. Họ biết rằng đó là một tuyệt tác điện ảnh – bạn bè họ đều nói vậy mà, chưa kể là bộ phim này cũng giành một loạt những giải thưởng danh giá nữa. Nhưng hầu hết mọi người lại đều không chọn xem phim này vào ngày đầu tiên. Thay vào đó, phần lớn đều chọn một phim dễ hiểu để xem trước. Chỉ có 44% chọn các phim được đánh giá là khó nuốt cho lượt xem đầu tiên. Số đông đều chọn những phim hài dạng như The Mask hay là những bom tấn hành động như Speed khi biết rằng họ phải xem ngay lập tức. Những người lên kế hoạch xem các phim mang tính hàn lâm ở ngày thứ hai chiếm tới 63%, và ở ngày cuối cùng là 71%. Sau đó, các nhà khoa học cho chạy thử thí nghiệm một lần nữa, lần này yêu cầu người tham gia phải xem cả 3 phim liền một lúc. Trong thí nghiệm lặp lại này, số người chọn Schindler’s List ít hơn 13% so với ban đầu. Các nhà nghiên cứu cho rằng kết quả này cho thấy người ta thích chọn đồ ăn vặt trước, rồi mới lên kế hoạch cho những bữa lành mạnh trong tương lai.

Nhiều nghiên cứu đã cho thấy rằng bạn thường có biến động ưu tiên theo thời gian. Khi được hỏi bạn sẽ chọn ăn hoa quả hay bánh ngọt vào tuần sau, khả năng cao là bạn sẽ chọn hoa quả. Một tuần sau đó, khi đứng giữa các lựa chọn thực tế: một bên là miếng bánh sôcôla Đức và một bên là quả táo, nhiều khả năng bạn sẽ chọn miếng bánh thay vì quả táo. Các số liệu thống kê đã minh chứng cho điều này.

Đây là lý do tại sao bộ sưu tập phim trên Netflix của bạn chứa đầy những tựa đề kinh điển nhưng bạn lại luôn lướt qua chúng để nhấn vào xem Family Guy. Với Netflix, việc lựa chọn giữa phim để xem ngay bây giờ và phim để xem sau cũng giống với việc chọn lựa giữa thanh kẹo ngọt và củ cà rốt. Khi lên kế hoạch cho tương lai, thiên thần trên vai bạn chỉ vào những thứ có ích, nhưng tại thời điểm quyết định thì bạn sẽ chọn việc tận hưởng thứ ngon hơn.

Điều này đôi khi được gọi là thiên kiến hiện tại – việc không nhận thức được rằng ý muốn của bạn có thể thay đổi, và thứ mà bạn muốn bây giờ có thể sẽ không còn là thứ mà bạn muốn sau này. Thiên kiến hiện tại là thủ phạm khiến bạn phải vứt bỏ chỗ xà lách và chuối đã hỏng đi vì nhỡ mua mà quên không ăn. Đây là lý do mà khi còn là một đứa trẻ, bạn thắc mắc tại sao người lớn không còn chơi đồ chơi. Thiên kiến hiện tại là nguyên nhân khiến danh sách quyết tâm đầu năm của bạn không đổi trong 10 năm liên tiếp. Nhưng năm nay sẽ khác. Bạn sẽ giảm cân thành công và tập luyện để có được sáu múi cơ bụng chắc khỏe tới mức tên xuyên không thủng, nhỉ?

Bạn đứng lên bàn cân. Bạn mua những đĩa DVD hướng dẫn tập luyện. Bạn đặt mua một bộ tạ. Rồi một ngày, bạn đứng trước lựa chọn giữa việc ra ngoài chạy bộ hoặc nằm nhà xem phim, và đương nhiên là bạn sẽ chọn phim rồi. Một ngày khác bạn đi chơi với lũ bạn và phải chọn giữa chiếc bánh burger phô mai thơm lừng và một đĩa salad. Sau một hồi cân nhắc thì bạn chọn chiếc bánh. Những sự sơ suất nho nhỏ, những cái tặc lưỡi trở nên thường xuyên hơn, nhưng bạn vẫn tự khẳng định với bản thân là rồi bạn sẽ bắt đầu luyện tập. Bạn sẽ bắt đầu lại từ thứ Hai, và rồi thứ Hai tuần này trở thành thứ Hai tuần sau. Những cái tặc lưỡi nho nhỏ đã đánh gục ý chí quyết tâm của bạn. Và khi mà mùa đông tới, có lẽ bạn đã tự biết quyết tâm cho năm sau của mình là gì rồi.

Sự trì hoãn hiện diện ở khắp mọi ngóc ngách trong cuộc sống của bạn.

Bạn đợi cho tới phút chót mới mua quà Giáng sinh. Bạn trì hoãn việc tới gặp nha sĩ, đi khám định kỳ, hay là kê khai nộp thuế. Bạn quên mất không đăng ký đi bầu cử. Bạn cần phải thay dầu xe. Đang có một chồng bát đĩa ngày càng cao hơn trong chậu rửa. Chẳng phải là bạn nên giặt quần áo ngay bây giờ để khỏi phải mất cả một ngày Chủ Nhật ngồi giặt hết đống đồ tích tụ của cả tuần sao?

Nhưng đôi khi rủi ro bạn phải đối mặt lại cao hơn nhiều so với việc chọn giữa chơi Angry Birds hay là tập thể dục. Có thể là một bản kế hoạch lớn sắp phải trình, một bài luận án, hay là một cuốn sách.

Bạn sẽ làm nó. Bạn sẽ bắt đầu từ ngày mai. Bạn sẽ dành thời gian để học một ngôn ngữ mới, để học chơi một nhạc cụ. Và có một danh sách ngày càng dài những quyển sách mà bạn sẽ đọc trong tương lai.

Trước khi làm những điều trên, có khi bạn cần phải kiểm tra email một chút đã. Rồi lướt qua Facebook xem có gì mới không. À, một cốc cà phê cho tỉnh táo nữa nhỉ, cũng không tốn thời gian lắm đâu mà. Xem mấy tập phim bạn thích nữa nhé.

Bạn có thể cố chống lại thế lực vô hình này. Bạn bỏ tiền ra mua sổ lịch trình và chương trình lập kế hoạch trên điện thoại. Bạn có thể tự viết cho mình những ghi chú và điền đầy vào thời gian biểu. Bạn có thể trông giống một kẻ nghiện việc, bao vây bởi những công cụ làm cho cuộc sống trở nên hiệu quả hơn. Nhưng những thứ này chẳng giúp ích gì mấy, bởi vì vấn đề không phải là cách bạn quản lý thời gian – vấn đề nằm ở chỗ bạn là một nhà hoạch định chiến thuật tồi trong cuộc chiến diễn ra bên trong bộ não của chính mình.

Sự trì hoãn len lỏi khắp mọi ngóc nghách trong đời sống của con người, tới nỗi đã có hơn 600 đầu sách đang nằm trên kệ hứa hẹn có thể giúp bạn thoát khỏi nó. Và chỉ trong năm nay thôi đã có thêm 120 đầu sách mới về vấn đề này được xuất bản. Rõ ràng đây là một căn bệnh mà ai cũng mắc phải, vậy tại sao nó lại khó trị đến vậy?

Để giải thích cho vấn đề này, hãy nghĩ tới sức mạnh của những viên kẹo dẻo.

Walter Mischel đã từng tiến hành nhiều thí nghiệm với trẻ con tại Đại học Stanford vào những năm 60 và 70. Ông và đồng nghiệp đã cho chúng những lời đề nghị hấp dẫn. Lũ trẻ tham gia thí nghiệm ngồi trước một cái bàn có để một chiếc chuông và một số món bánh kẹo. Chúng được phép chọn giữa bánh mỳ pretzel, bánh quy, và một viên kẹo dẻo lớn. Các nhà nghiên cứu nói với những đứa trẻ là chúng có thể ăn món mình thích ngay lập tức, hoặc cố gắng chờ. Nếu chúng chịu khó chờ thì sẽ được nhân đôi số bánh kẹo. Nếu chúng không thể chờ nổi nữa thì sẽ phải rung chuông và thí nghiệm sẽ dừng lại.

Một số đứa trẻ chẳng buồn kiềm chế bản thân và ăn ngay lập tức. Số khác thì nhìn chằm chằm vào món mà chúng thích nhất cho tới khi phải chịu khuất phục trước cám dỗ. Nhiều đứa vặn vẹo người vì khó chịu, nhúc nhích tay chân trong khi cố nhìn ra chỗ khác. Có những đứa tạo ra những tiếng động buồn cười. Và cuối cùng thì ⅓ trong số đó đã không thể kiềm chế. Thí nghiệm với mục đích ban đầu là tìm hiểu về sự kiểm soát ham muốn, giờ đây sau vài thập kỷ, đã gieo mầm cho những khám phá thú vị về siêu nhận thức – tư duy về tư duy.

Mischel đã theo dõi cuộc sống của tất cả những đứa trẻ tham gia thí nghiệm trên qua thời trung học, những năm tháng đại học, cho tới lúc họ trưởng thành, bắt đầu có con, có việc làm và vay tiền mua nhà. Kết quả nghiên cứu của ông cho thấy những đứa trẻ có khả năng chiến thắng cám dỗ của món lợi trước mắt để nhận được phần thưởng hậu hĩnh hơn không hề thông minh hơn hay ít tham lam hơn nhóm còn lại. Những đứa trẻ này chỉ đơn giản là biết cách tự đánh lừa bản thân để làm việc có lợi hơn cho mình. Chúng nhìn vào những bức tường thay vì đồ ăn. Chúng dậm chân thay vì ngửi mùi kẹo ngọt. Việc phải chờ đợi trong thí nghiệm đó giống như một sự hành hạ đối với tất cả các đối tượng tham gia, nhưng có những đứa trẻ ý thức được rằng chúng sẽ không thể kiềm chế được bản thân nếu chỉ ngồi đó và nhìn chằm chằm vào những miếng kẹo ngon lành. Những đứa trẻ có khả năng kiểm soát ham muốn tốt hơn cũng sử dụng khả năng đó để có được cuộc sống thỏa mãn hơn. Còn những đứa trẻ rung chuông sớm thì bị dính vào nhiều rắc rối liên quan tới hành vi hơn. Trung bình cộng điểm SAT chênh lệch giữa những đứa trẻ đã nhịn tới cuối cùng và những đứa chọn ăn kẹo ngay lên tới 200 điểm.

Tư duy về tư duy, tự ngẫm về các suy nghĩ, đó chính là điểm mấu chốt. Trong cuộc chiến dai dẳng giữa muốn và nên, có những người đã ngộ ra điều tối quan trọng – muốn sẽ không bao giờ biến mất. Bản chất của sự trì hoãn chỉ đơn giản là việc bạn chọn làm điều mình muốn thay vì điều cần làm bởi vì bạn đâu thể lên kế hoạch cho những lần bị cám dỗ. Bạn thực sự rất kém trong việc dự đoán trước trạng thái tâm lý của mình. Và lại càng chẳng giỏi giang gì trong việc lựa chọn giữa bây giờ và để sau. Chắc bạn cũng biết rằng, để sau là một nơi vô cùng tăm tối mà bất kỳ điều gì cũng có thể đi sai hướng.

Nếu tôi đề nghị đưa bạn 50 đô-la ngay bây giờ, hoặc là đưa 100 đô-la sau một năm, bạn sẽ chọn phương án nào? Rõ ràng là bạn sẽ lấy luôn 50 đô-la phải không? Ăn chắc mặc bền, ai mà biết được điều gì sẽ xảy ra trong vòng một năm tới. Được rồi, vậy sẽ ra sao nếu tôi thay đổi đề xuất: 50 đô-la sau 5 năm, hoặc là 100 đô-la sau 6 năm? Về cơ bản thì chẳng có gì thay đổi trong đề xuất của tôi, ngoại trừ việc có một khoảng thời gian trì hoãn. Vậy mà bây giờ thì bạn có vẻ thiên phía sẽ chờ nhận luôn cả 100 đô-la phải không? Đằng nào cũng mất công đợi mà. Nếu đưa đề xuất này cho một sinh vật có logic thuần túy thì hẳn nó sẽ nghĩ: “nhiều hơn là nhiều hơn” và sẽ luôn chọn phương án với số tiền lớn hơn trong cả hai trường hợp. Vấn đề là ở chỗ bạn không phải là một sinh vật logic thuần túy. Khi đối mặt với hai món hời, bạn luôn có xu hướng chọn thứ mà bạn có thể hưởng thụ ngay thay vì phải chờ đợi, kể cả là khi phần thưởng cho sự chờ đợi có lớn hơn nhiều đi chăng nữa. Ngay tại lúc này, việc sắp xếp lại hệ thống các thư mục trong máy tính của bạn có vẻ hấp dẫn hơn nhiều so với một nhiệm vụ phải hoàn thành trong tháng tới, ví dụ như một bài khóa luận hay một bản báo cáo. Mặc dù nhiệm vụ này có thể ảnh hưởng tới vị trí công việc hay bằng cấp của bạn, khả năng cao là bạn vẫn sẽ chờ cho tới những ngày cuối mới xắn tay lên làm đúng không? Nhưng nếu bạn cân nhắc xem điều gì sẽ có giá trị hơn sau một tháng – tiếp tục có một công việc được trả lương hay có một màn hình máy tính gọn gàng – chắc chắn là bạn sẽ chọn thứ có giá trị cao hơn. Xu hướng trở nên lý trí hơn khi bị buộc phải chờ đợi được gọi là chiết khấu hyperbol, bởi vì xu hướng gạt bỏ lợi ích lớn hơn từ các giá trị tương lai của bạn giảm dần theo thời gian và tạo thành một đường dốc trên đồ thị hàm số.

Nếu đứng trên phương diện tiến hóa thì quan niệm ăn chắc tại thời điểm hiện tại lại vô cùng hợp lý. Tổ tiên của bạn không phải lo nghĩ về chuyện nghỉ hưu hay mắc bệnh tim mạch khi về già. Bộ não của bạn đã tiến hóa trong một thế giới mà con người ít khi sống được đến lúc gặp cháu mình. Và chính phần não khi ngu ngốc này là thứ khiến bạn muốn bốc ngay đống kẹo và mặc kệ đống nợ chồng chất.

Chiết khấu hyperbol khiến cho để sau trở thành một nhà kho lý tưởng ôm trọn những việc mà bạn không muốn xử lý, nhưng chính nó cũng khiến các kế hoạch tương lai của bạn trở nên quá tải. Bạn chẳng còn đủ thời gian để hoàn thành mọi việc bởi vì bạn nghĩ rằng trong tương lai, tại cái nơi huyền bí trong mơ ấy, bạn sẽ rảnh rỗi hơn hiện tại.

Một trong những cách tốt nhất để biết được mức độ nghiêm trọng của tính trì hoãn là nhìn vào cách mà bạn xử lý các công việc có thời hạn. Hãy thử tưởng tượng bạn đang tham gia một khóa học và cần phải hoàn thành 3 bài nghiên cứu trong 3 tuần, và giáo viên hướng dẫn đồng ý cho bạn tự đặt lịch nộp bài của mình. Bạn có thể nộp mỗi tuần một bài, nộp hai bài vào tuần đầu tiên và bài cuối vào tuần tiếp theo. Bạn có thể nộp cả 3 bài vào ngày cuối, hoặc có thể dàn trải ra. Thậm chí bạn cũng có thể nộp cả 3 sau tuần đầu tiên là xong. Tất cả là do bạn quyết định, nhưng một khi đã chọn ngày nộp thì bạn phải hoàn thành đúng thời hạn. Chỉ cần chậm là bạn sẽ ăn ngay trứng ngỗng.

Vậy bạn sẽ quyết định thế nào? Phương án tối ưu nhất sẽ là nộp cả 3 bài trong ngày cuối cùng phải không? Với cách này, bạn có nhiều thời gian để làm tất cả các bài một cách chỉn chu và có cơ hội đạt kết quả tốt nhất. Có vẻ đó là lựa chọn sáng suốt, nhưng bạn chẳng thông minh lắm đâu.

Đó cũng chính là thí nghiệm do Klaus Wertenbroch và Dan Ariely thực hiện với các sinh viên vào năm 2002. Các sinh viên này được chia thành 3 lớp, mỗi lớp đều có 3 tuần để hoàn thành hết các bài nghiên cứu. Lớp A được phép nộp cả 3 bài vào ngày cuối, lớp B phải tự chọn cho mình 3 thời hạn hoàn thành, và lớp C phải nộp mỗi tuần một bài. Lớp nào được điểm cao hơn? Câu trả lời là lớp C, nhóm có thời hạn nộp bài cụ thể. Lớp B, nhóm được tự do chọn thời hạn, xếp thứ hai về điểm số. Và nhóm được phép nộp dồn hết bài vào ngày cuối cùng, lớp A, đã đội sổ. Những sinh viên được phép tự do chọn thời hạn có xu hướng tự chia thời hạn của mình ra khoảng mỗi tuần một bài. Họ ý thức được sự trì hoãn của bản thân nên đã tự tạo ra những khoảng thời gian để ép mình làm việc. Mặc dù vậy, một số người quá lạc quan hoặc là đã đợi đến ngày cuối cùng, hoặc là đã đặt ra những thời hạn không tưởng đã kéo điểm trung bình của cả nhóm xuống. Những sinh viên không nhận được sự hướng dẫn và áp lực cụ thể, đại diện là lớp A, thường để dồn cả ba bài cho tới tuần cuối cùng mới vội vàng làm. Trong khi đó những người thuộc lớp C, vốn không được phép lựa chọn và bị ép phải chia nhỏ sự trì hoãn của mình ra thì lại làm tốt nhất, bởi những kẻ phá đám như trong nhóm B đã bị kìm nén. Những người không thành thực với bản thân về xu hướng trì hoãn công việc của mình, hay những người quá tự tin đã không có cơ hội tự huyễn hoặc mình.

Nếu bạn không tin rằng mình sẽ trì hoãn, hay lý tưởng hóa khả năng làm việc chăm chỉ và quản lý thời gian của bản thân, bạn sẽ chẳng bao giờ có thể phát triển được chiến thuật để vượt qua chính điểm yếu của mình.

Sự trì hoãn là một cơn bốc đồng nhất thời, cũng giống như việc bạn mua kẹo ở quầy thanh toán vậy. Sự trì hoãn cũng mang tính chiết khấu hyperbol, ưu tiên chọn một thứ chắc chắn trong hiện tại hơn là một tương lai xa xôi mờ mịt. Bạn phải cực kỳ thông thạo trong việc tư duy về chính những suy nghĩ của mình mới có thể đánh bại sự trì hoãn. Bạn cần phải ý thức được rằng phiên bản hiện tại của bạn đang ngồi đây đọc cuốn sách này, nhưng rồi sẽ có phiên bản khác của bạn trong tương lai chịu ảnh hưởng từ những ý tưởng và ham muốn khác; vẫn sẽ là bạn thôi nhưng với bộ não sở hữu một bảng màu khác để vẽ nên một bức tranh khác về thực tại.

Phiên bản hiện tại của bạn có thể thấy rõ được điểm lợi và hại nhất khi phải lựa chọn giữa việc ngồi nhà học ôn thi hay đi lên sàn nhảy với lũ bạn, ăn salad hay bánh ngọt, ngồi viết bài hay là chơi điện tử. Mẹo là bạn cần phải chấp nhận rằng phiên bản hiện tại của bạn mặc dù ý thức được vậy, nhưng lại không phải là người thực sự ra quyết định. Kẻ đưa ra quyết định sẽ là bạn-trong-tương-lai, một người không đáng tin cho lắm. Bạn-trong-tương-lai sẽ bị khuất phục trước các cám dỗ, và rồi khi lấy lại được sự minh mẫn như hiện tại thì bạn sẽ cảm thấy vô cùng yếu ớt và xấu hổ. Bởi vậy, bạn-trong-hiện-tại cần phải tìm cách đánh lừa bạn-trong-tương-lai, làm sao để hắn buộc phải làm điều tốt nhất cho cả hai. Đây là lý do vì sao những kế hoạch dinh dưỡng như của Nutrisystem⦾ lại có hiệu quả với nhiều người. Họ-trong-hiện-tại đã bỏ rất nhiều tiền ra để mua những hộp thức ăn khổng lồ mà họ-trong-tương-lai phải giải quyết theo đúng kế hoạch. Một số người cũng vì lý do này mà sử dụng những công cụ hỗ trợ như Freedom, một chương trình có khả năng ngắt kết nối Internet trên máy tính trong khoảng thời gian lên tới 8 giờ mỗi ngày, giúp cho họ-trong-hiện-tại kiểm soát và ngăn chặn được họ-trong-tương-lai phá hoại những công sức đã bỏ ra.

Tâm hành gia là những người biết suy nghĩ về chính cách mà họ tư duy, về trạng thái của tâm trí, về hoạt cảnh và bối cảnh. Họ có thể làm việc một cách hiệu quả không hẳn là bởi họ có ý chí hay động lực mạnh mẽ, mà bởi vì họ nắm được rằng hiệu suất làm việc đơn giản là một trò chơi chiến đấu chống lại bản năng ngây ngô vốn không thể tách bỏ của mỗi con người. Nó là thứ luôn ưa chuộng những việc nhẹ nhàng và những điều mới mẻ. Sẽ ý nghĩa hơn nhiều nếu bạn để dành nỗ lực của mình vào việc chiến thắng trò chơi đó, thay vì đặt ra những lời hứa suông hay viết đầy lên quyển lịch những thời hạn vô nghĩa chẳng thể thực hiện được.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3