Bạn Không Thông Minh Lắm Đâu - Chương 08
Sự ngộ nhận
trạng thái bình thường
Bản năng đương đầu hay chạy trốn của bạn sẽ được kích hoạt khi đối mặt với hiểm nguy.
Bạn thường trở nên bình thản một cách kỳ lạ trước mối nguy và vờ như mọi chuyện vẫn ổn.
Khi biết một thiên tai khủng khiếp đang ập tới, bạn sẽ làm gì? Gọi điện cho những người yêu thương? Ra khỏi nhà và đứng ngắm cơn bão đang kéo tới? Hay bạn sẽ chui vào bồn tắm và lấy tấm đệm che thân?
Trước bất kỳ tình huống nào bạn gặp trong cuộc sống, phản ứng phân tích đầu tiên của bạn sẽ là đặt nó vào trong một bối cảnh bình thường đối với bản thân, sau đó so sánh và đối chiếu thông tin mới với những điều mà bạn biết rằng thường sẽ xảy ra. Chính bởi điều này mà bạn có xu hướng nhận định những việc kỳ lạ hoặc những tình huống đáng báo động như thể đó là những chuyện bình thường.
Năm 1999, hàng loạt cơn lốc xoáy khủng khiếp đã tàn phá cả một vùng quê của bang Oklahoma liên tục trong ba ngày. Trong số chúng có một cơn lốc kinh hoàng với cái tên Bridge Creek-Moore F5. Phần F5 trong tên của nó là lấy từ Thang đo Lốc xoáy Fujita Cải tiến. Thang đo này đi từ mức EF1 cho tới EF5 và được dùng để đo sức tàn phá của những cơn gió lốc. Chỉ có dướl 1% những cơn lốc xoáy có thể đạt tới mức độ cao nhất. Ở mức 4 thôi là đã đủ để cuốn bay xe hơi và phá tan những dãy nhà. Để đạt được mức 5 trên thang đo này, tốc độ gió của cơn lốc phải vượt 200 dặm⁄giờ (322 km⁄h). Cơn lốc Bridge Creek-Moore có gió giật lên tới 320 dặm⁄giờ (515 km⁄h). Cảnh báo thiên tai đã được đưa ra 13 phút trước khi thảm họa ập đến, nhưng nhiều người vẫn không phản ứng gì. Họ đi quanh quẩn với hy vọng rằng cơn lốc sẽ chừa mình ra. Họ thậm chí còn chẳng buồn chạy tới nơi trú ẩn. Hậu quả là cơn lốc đã phá hủy tới 8000 căn nhà và giết chết 36 người. Số thương vong sẽ cao hơn nhiều nếu trước đó không có cảnh báo. Ví dụ như vào năm 1925, một cơn lốc tương tự đã giết chết 695 người. Vậy tại sao đã có cảnh báo rồi mà nhiều người vẫn không hành động và tìm chỗ trú ẩn?
Những người săn bão và các nhà khí tượng học hiểu rõ và mặc nhiên công nhận sự tồn tại của xu hướng trở nên lúng túng khi đối diện với hiểm nguy của con người. Câu chuyện về những người cố gắng lái xe vượt mặt các cơn bão hay gió lốc đã quá phổ biến. Các chuyên gia thời tiết và nhân viên cứu hộ hiểu rằng bạn có thể bị cuốn vào vòng tay ấm áp của sự bình thản khi nỗi sợ hãi len lỏi vào thâm tâm. Các nhà tâm lý học gọi hiện tượng này là ngộ nhận trạng thái bình thường (normalog bias). Nhân viên cứu hộ khẩn cấp thì gọi nó là nỗi hoảng loạn tiêu cực. Hiện tượng kỳ lạ và gây tác dụng ngược này luôn được tính đến trong dự báo thương vong của các trường hợp khẩn cấp từ đắm tàu đến di tản sân vận động. Những bộ phim thảm họa đều sai toét. Khi được cảnh báo về một mối hiểm nguy cận kề, bạn và những người xung quanh thường sẽ không nhanh chân chạy trốn trong lúc vừa khua tay vừa la hét đâu.
Mark Svenhold, một người chuyên săn lốc xoáy, đã viết về tính lây lan của sự ngộ nhận trạng thái bình thường trong cuốn sách Big Weather của mình. Ông nhớ lại những lần người ta thuyết phục ông bình tĩnh và rằng không cần chạy trốn khỏi thảm họa sắp xảy ra. Mark nhận xét rằng ngay cả khi đã có cảnh báo thiên tai, nhiều người vẫn cho rằng đó là vấn đề của người khác. Có những người còn cố gắng chế nhạo ông để khiến ông phải phủ nhận thực tại vì xấu hổ, nhờ đó bản thân họ có thể tiếp tục bình tĩnh. Họ không muốn ông phá vỡ cái bong bóng đời thường của mình.
Ngộ nhận trạng thái bình thường len lỏi vào bộ não của bạn không cần biết mức độ hiểm nguy lớn tới cỡ nào. Nó sẽ xuất hiện cho dù bạn đã được cảnh báo trước từ nhiều ngày, hay chỉ có vài giây để phản ứng giữa sự sống và cái chết.
Hãy tưởng tượng bạn đang ngồi trên một chiếc máy bay Boeing 747 vừa mới hạ cánh sau một chuyến bay dài. Bạn cố giấu đi tiếng thở phào nhẹ nhõm sau khi máy bay đã chạm bánh thành công trên đường băng. Bạn nâng tay vịn của chiếc ghế ngay khi tiếng động cơ đã giảm bớt. Bạn cảm nhận được sự hối hả vội vã của 400 con người đang chuẩn bị rời khỏi máy bay. Quá trình di chuyển chậm rãi tới nhà ga bắt đầu. Bạn nhớ lại một số khoảnh khắc vừa trải qua trên chiếc máy bay khổng lồ này, đó là một chuyến bay tương đối thoải mái, ít xóc và bạn đồng hành dễ chịu. Bạn đã bắt đầu thu dọn hành lý và chuẩn bị tháo dây an toàn. Nhìn ra cửa sổ, bạn cố căng mắt tìm một thứ gì đó quen thuộc trong đám sương mù dày đặc. Bỗng dưng, chẳng có một tiếng cảnh báo nào cả, một cú sốc nhiệt và áp suất cực mạnh cắt vào da thịt bạn. Tiếng nổ khủng khiếp làm rung động tất cả các bộ phận trong cơ thể bạn và xé toạc chiếc máy bay. Tiếng rít của kim loại như tiếng hai đoàn tàu đâm sầm vào nhau ngay dưới cằm bạn làm đôi tai muốn nổ tung. Luồng nhiệt nóng rát chạy xuyên qua không gian xung quanh bạn, lấp đầy mọi chỗ trống. Ngọn lửa phun trào qua những hàng ghế, lối đi, và ngay cả trên đầu lẫn dưới chân bạn. Nó rút đi rất nhanh, nhưng để lại một luồng khí nóng không thể chịu đựng được. Tóc bạn cháy xém thành tro. Giờ thì bạn chỉ có thể nghe thấy tiếng lửa cháy râm ran xung quanh mình.
Hãy tưởng tượng bạn đang ngồi đó, trên ghế của mình. Nóc của chiếc máy bay đã biến mất và bạn có thể nhìn thấy bầu trời phía trên. Hàng loạt những cột lửa lại đang bùng lên dữ dội. Những lỗ lớn bên hông máy bay có thể trở thành đường thoát thân. Vậy bạn sẽ hành động thế nào?
Hẳn bạn đang nghĩ rằng mình sẽ đứng bật dậy thật nhanh và hét to “Nhanh lên! Hãy chạy ra khỏi đây!” Nếu không phải vậy thì chắc bạn nghĩ mình sẽ hoảng loạn tột cùng và co người lại tư thế của một thai nhi. Dựa trên số liệu thống kê thì không phải là cái nào trong cả hai phương án trên đâu. Điều bạn làm trong trường hợp ấy kỳ quặc hơn nhiều.
Năm 1977, trên đảo Tenerife thuộc quần đảo Canary, một loạt những biến cố và sai lầm đã dẫn tới việc hai chiếc máy bay Boeing 747 đâm vào nhau trong lúc một chiếc chuẩn bị cất cánh.
Một chiếc máy bay của hãng Pan Am chở 496 người đang di chuyển chậm dọc theo đường băng trong điều kiện thời tiết sương mù dày đặc. Cùng lúc đó, ở cuối đường băng, máy bay của hãng hàng không Hà Lan KLM với 248 hành khách xin phép được cất cánh. Sương mù dày tới nỗi phi hành đoàn của chiếc KLM không thể nhìn thấy chiếc máy bay còn lại, và tháp điều khiển cũng không thể nhìn thấy cả hai chiếc. Cơ trưởng của chiếc KLM đã nghe nhầm hiệu lệnh. Tin rằng đã được phép cất cánh, họ tăng tốc chạy dọc đường băng, lao thẳng về phía chiếc máy bay còn lại. Điều phối viên đã cố gắng cảnh báo, nhưng nhiễu sóng radio đã khiến cho lời cảnh báo không tới được tai cơ trưởng của KLM. Cuối cùng, khi mà cơ trưởng có thể nhìn thấy được chiếc máy bay của Pan Am trước mặt thì đã quá muộn. Ông đã cố gắng nâng mũi máy bay và hạ đuôi xuống sát đất để bay vượt qua nó nhưng không thể. Chiếc máy bay KLM đâm thẳng vào chiếc Pan Am với vận tốc 160 dặm⁄giờ (257 km⁄h).
Sau cú va chạm thảm khốc, máy bay KLM bật khỏi chiếc Pan Am, bay trong không trung thêm khoảng 150 mét và lộn nhào xuống đất, tạo nên một vụ nổ khủng khiếp. Tất cả mọi hành khách trên chiếc 747 của KLM đều tử vong. Đám cháy lớn tới nỗi nó có thể tiếp tục cháy cho tới tận ngày hôm sau.
Đội cứu hộ nhanh chóng tiếp cận hiện trường, nhưng họ lại không nhìn thấy chiếc Pan Am. Thay vào đó họ chỉ lao tới quả cầu lửa vốn là chiếc máy bay KLM. Trong vòng 20 phút hỗn độn, các nhân viên cứu hộ và cứu hỏa tưởng rằng mình chỉ đang phải đối mặt với một chiếc máy bay gặp nạn, và tin rằng đám cháy ở đằng xa xa kia chỉ đơn thuần là các mảnh vỡ. Những người sống sót trên chiếc Pan Am đã không có được sự hỗ trợ cần thiết ngay lập tức. Động cơ của chiếc máy bay vẫn hoạt động ở công suất tối đa bởi vì cơ trưởng đã cố gắng tăng tốc ở những giây cuối cùng để rẽ thật nhanh, và giờ thì họ không thể tắt nó đi do bộ điều khiển đã bị phá hủy. Cú va chạm đã xé toạc phần lớn nửa thân trên của chiếc 747. Rất nhiều xác người nằm lẫn trong đống đổ nát. Ngọn lửa dần bao trùm lên thảm cảnh mà không có gì có thể ngăn lại được. Khói nhanh chóng tràn đầy khoang máy bay. Để có thể thoát khỏi đây, những người sống sót sau cú va chạm cần phải hành động thật nhanh. Họ phải tháo dây an toàn, di chuyển qua đám hỗn độn để đi tới phía cánh trái còn nguyên vẹn, và rồi nhảy từ trên độ cao khoảng 6 mét xuống đám mảnh vụn dưới đất. Việc thoát thân là hoàn toàn có thể, nhưng không phải tất cả những người sống sót đều nỗ lực để thoát ra. Một số ít ngay lập tức hành động, nhanh chóng tháo dây an toàn cho người thân và những người xung quanh rồi đẩy họ tới nơi an toàn. Số còn lại thì ngồi yên tại chỗ, bị cú sốc nuốt trọn. Cuối cùng thì bình xăng chính của chiếc máy bay phát nổ, giết chết tất cả hành khách ngoại trừ 61 người đã kịp thoát ra ngoài.
Theo như cuốn sách The Unthinkable của Amanda Ripley, các điều tra viên cho rằng những người sống sót sau cú va chạm đầu tiên có khoảng một phút để thoát thân trước khi chết cháy. Trong vòng một phút đó, hàng tá người vốn đã có thể thoát chết đã không hành động. Họ đã bị tê liệt hoàn toàn.
Tại sao lại có nhiều người không thể hành động khi mà từng giây đều quý giá đến vậy?
Nhà tâm lý học Daniel Johnson đã nghiên cứu sâu xa về hành vi kỳ lạ này. Ông đã phỏng vấn những người sống sót sau vụ tai nạn ở Tenerife và cả những thảm họa khác như hỏa hoạn ở các tòa nhà chọc trời hay các vụ đắm tàu để hiểu được tại sao trong những tình huống khẩn cấp này, có những người tìm cách tháo chạy trong khi số còn lại không làm vậy?
Paul và Floy Heck là cặp vợ chồng đã sống sót sau tai nạn trên máy bay của Pan Am. Họ kể lại rằng trong lúc hai vợ chồng hối hả tìm cách thoát thân, những người xung quanh không những không phản ứng, mà thậm chí đến khi Paul và Floy chạy ngang qua chỗ họ, họ cũng chẳng buồn đứng dậy.
Trong khoảnh khắc đầu tiên sau va chạm, ngay sau khi nửa trên của chiếc máy bay bị xé toạc ra, Paul Heck đã quay sang nhìn vợ mình. Lúc đó bà ấy cũng bất động, đông cứng tại chỗ và không thể hiểu được chuyện gì vừa xảy ra. Paul đã phải hét lên để vợ mình đi theo. Họ tháo dây an toàn, nắm chặt tay nhau và ông kéo bà ra khỏi máy bay khi khói bắt đầu tràn ngập trong khoang. Sau này, Floy nhận ra rằng bà ấy lẽ ra đã có thể cứu được những người đang ngồi bất động chỉ bằng cách la lên và gọi họ đi theo mình, nhưng lúc đó chính bản thân bà cũng đang trong trạng thái mơ màng, không hề nghĩ tới chuyện thoát thân mà chỉ lơ đãng đi theo chồng. Nhiều năm sau, trong một lần được phỏng vấn bởi phóng viên tờ Orange County Register, Floy Heck kể lại rằng bà nhớ rõ ngay trước lúc nhảy qua lỗ hổng trên thân máy bay, bà đã ngoái lại và thấy bạn mình vẫn đang ngồi yên, đôi mắt vô hồn và tay đặt lên đùi. Người bạn đó của bà đã không sống sót sau vụ nổ.
Trong bất kỳ tình huống nguy hiểm nào như một vụ đắm tàu hay cháy nhà cao tầng, một vụ xả súng hay một cơn cuồng phong, có khả năng bạn cũng sẽ trở nên quá tải với dòng chảy những thông tin không rõ ràng và sẽ không hành động gì cả. Tâm trí bạn sẽ trôi vào miền vô định và chỉ để lại một cơ thể vô tri. Thậm chí bạn còn có thể từ từ nằm xuống một cách bình thản. Và nếu không ai tới trợ giúp, bạn sẽ tiêu tùng.
John Leach, nhà tâm lý học tại Đại học Lancaster, cũng nghiên cứu về việc sợ đến mức đờ người ra. Ông cho rằng khoảng 75% trong số chúng ta sẽ không thể suy nghĩ mạch lạc khi đối mặt với thảm họa hoặc mối nguy cận kề. Trong số còn lại, những người thuộc khoảng 15% ở hai cạnh của biểu đồ hình chuông hoặc là sẽ phản ứng nhanh chóng với sự tỉnh táo ở mức tối đa, hoặc là sẽ rơi vào trạng thái hoảng loạn tột độ.
Theo Johnson và Leach, những người có khả năng sống sót cao nhất là những người đã chuẩn bị cho tình huống xấu nhất và đã có sự luyện tập từ trước. Những người này đều đã nghiên cứu kỹ lưỡng về vấn đề, hoặc là đã xây chỗ trú ẩn, hay đã tập dượt trong các tình huống giả định. Họ luôn tìm cửa thoát hiểm và tưởng tượng xem mình sẽ làm gì. Có thể họ đã từng trải qua hỏa hoạn khi còn nhỏ, hoặc đã từng sống sót qua một trận bão lịch sử. Những người này không do dự trước hiểm nguy bởi vì họ đã từng trải qua sự do dự này rồi, trong khi những người xung quanh giờ mới trải nghiệm.
Ngộ nhận trạng thái bình thường là việc trì hoãn các hành động cần thiết trong một cuộc khủng hoảng và vờ như thể mọi thứ sẽ lại tiếp tục suôn sẻ và dễ đoán như bình thường. Những người chiến thắng được sự ngộ nhận này sẽ hành động, số còn lại thì không. Họ bắt tay vào việc trong khi những người khác còn đang do dự xem có nên hành động hay không.
Johnson chỉ ra rằng bộ não cần phải trải qua đủ những thủ tục cần thiết trước khi cơ thể có thể hành động – nhận thức, tri giác, lĩnh hội, quyết định, áp dụng, rồi cuối cùng mới hành động. Không có cách nào để đi tắt qua quá trình này, nhưng bạn có thể luyện tập để những bước này không còn quá phức tạp nữa, và từ đó sẽ không chiếm nhiều tài nguyên của não bộ. Johnson so sánh điều này với việc chơi nhạc cụ. Nếu bạn chưa bao giờ chơi hợp âm C trên đàn guitar, bạn sẽ cần phải nghĩ cách bấm phím rồi gảy đàn một cách lúng túng, tạo nên một tiếng bật vụng về. Nhưng chỉ sau vài phút tập luyện, bạn đã có thể lướt phím nhẹ nhàng mà còn không do dự như trước và tạo được tiếng nhạc êm dịu hơn.
Để nói một cách rõ ràng thì ngộ nhận trạng thái bình thường không phải là phản ứng đông cứng tại chỗ khi phát hiện ra hiểm nguy như khi con thỏ nhìn thấy một con rắn, mặc dù đây cũng là một phản ứng con người không thể chống lại. Việc đột nhiên dừng mọi hoạt động và hy vọng vào kết quả tốt nhất được gọi là suy giảm nhịp tim do sợ hãi, và đây là một phản xạ tự động và vô điều kiện. Điều này đôi khi được gọi là sự bất động có ích. Một số loài động vật như linh dương sẽ trở nên bất động hoàn toàn khi cảm thấy có sự hiện diện của thú săn mồi ở gần. Trong trạng thái bất động này, chúng có thể đánh lừa khả năng nhận biết chuyển động bằng thị giác của các loài thú đi săn và hòa lẫn vào với khung cảnh xung quanh. Một số loài động vật thậm chí còn giả chết để thoát khỏi hiểm nguy.
Năm 2005, các nhà nghiên cứu tại Đại học Rio de Janeiro đã thành công trong việc tạo ra hội chứng suy giảm nhịp tim do sợ hãi trên con người bằng cách cho các đối tượng tham gia xem ảnh của những người bị thương. Nhịp tim của những người này đã giảm mạnh và các cơ trên cơ thể co cứng lại. Nói một cách công bằng thì phản xạ này cũng xảy ra khi đối diện với thảm họa, nhưng chúng ta đang nói về sự ngộ nhận trạng thái bình thường, và đây là một thứ hoàn toàn khác.
Đa số các hành vi của bạn đều có chung mục đích là để làm giảm sự lo âu. Bạn biết rằng mình không gặp nguy khi mọi thứ đều an toàn và diễn ra như mong đợi. Ngộ nhận trạng thái bình thường xoa dịu bạn bằng cách khiến bạn tin rằng mọi thứ đều đang tốt đẹp. Nếu bạn vẫn làm mọi việc như bình thường, vẫn nhìn đời như thể không có gì xảy ra thì mức độ lo âu của bạn cũng sẽ không đổi. Ngộ nhận trạng thái bình thường là một trạng thái của tâm thức mà qua nó, bạn cố gắng làm mọi thứ ổn định bằng cách tự thuyết phục mình rằng không có gì nghiêm trọng đang xảy ra.
Sự ngộ nhận này không chấp nhận sự thật là những việc tồi tệ có thể xảy ra với bạn, mặc dù bạn có đầy đủ lý do để nhận thức rằng điều đó là rất có thể. Điều đầu tiên mà bạn cảm thấy khi thảm họa xảy ra sẽ là nhu cầu được an toàn và bình yên. Khi thực tế cho thấy điều đó là không thể, bạn sẽ mơ tưởng về nơi nhu cầu đó được đáp ứng.
Những người sống sót sau vụ 11/9 nói rằng họ nhớ rõ việc thu xếp đồ đạc cá nhân trước khi rời văn phòng. Họ mặc áo khoác, gọi điện cho người thân. Họ tắt máy tính và trao đổi những câu chuyện phiếm. Ngay cả trên đường đi xuống, hầu hết mọi người đều đi rất từ từ chậm rãi – không hề có cảnh tượng la hét hay hoảng loạn. Thậm chí chẳng ai cần phải nói câu “Mọi người hãy bình tĩnh”, bởi vì chẳng ai mất bình tĩnh cả. Thực tế là họ đang cầu xin thế giới quay trở lại bình thường bằng cách cư xử một cách thật bình thường.
Để làm giảm mức độ lo âu trong một thảm họa cận kề, phản ứng đầu tiên của bạn sẽ là bấu víu vào điều mà bạn biết. Sau đó bạn sẽ khai thác thông tin từ người khác. Bạn gợi chuyện với đồng nghiệp, bạn bè và gia đình. Bạn dính chặt với chiếc đài hay chiếc TV. Bạn tụ tập với những người khác để trao đổi các thông tin đã nắm được. Một số người tin rằng đây chính là điều đã xảy ra khi cơn lốc xoáy Bridge-Creek Moore F5 tiến tới gần và nó đã khiến cho nhiều người không đi tìm nơi trú ẩn. Mọi công cụ để nhận diện các khuôn mẫu, mọi thông lệ mà bạn đã quen thuộc trở nên vô ích khi tai ương ập đến. Tình huống khẩn cấp thường sẽ quá mới mẻ và mơ hồ. Bạn có xu hướng trở nên bất động không phải vì sự hoảng loạn đã chiếm lấy bạn, mà bởi vì sự bình thường mà bạn quen thuộc đã biến mất.
Ripley gọi thời khắc đông cứng này là sự ngờ vực theo phản xạ. Trong lúc bộ não đang cố gắng truyền tải thông tin, khát vọng sâu thẳm nhất của bạn là được mọi người xung quanh trấn an rằng chuyện tồi tệ không có thật. Bạn chờ đợi điều này cho đến khi bạn hiểu rằng chắc chắn nó sẽ không xảy ra.
Sự ngộ nhận này sẽ kéo dài cho tới khi con tàu nghiêng hẳn sang một bên, hoặc là khi toà nhà bắt đầu rung động. Bạn có thể tiếp tục giữ điềm tĩnh đến khi cơn lốc ném một chiếc xe hơi xuyên qua căn nhà bạn, hay cơn bão quật đứt đường dây điện. Nếu mọi người đều đang quanh quẩn chờ đợi thống tin, bạn cũng sẽ làm như vậy.
Những người có công việc liên quan tới các thủ tục sơ tán – nhân viên cứu hộ khẩn cấp, kiến trúc sư, nhân viên sân vận động, người làm trong ngành vận tải – đều nắm rõ về sự ngộ nhận trạng thái bình thường, và thường viết về nó trong các sổ tay hướng dẫn và những tạp chí chuyên ngành. Hai nhà xã hội học Shunji Mikami và Kenichi Ikeda tại Đại học Tokyo đã xác định những giai đoạn bạn có thể trải qua khi đối mặt với thảm họa trong bài nghiên cứu xuất bản năm 1985 trong International Journal of Mass Emergencies and Disasters. Họ cho rằng bạn có xu hướng phân tích tình hình dựa trên bối cảnh quen thuộc và đánh giá thấp sự nguy cấp thực tế. Khi mà từng giây đồng hồ đều quý giá, chính khoảnh khắc ngộ nhận này có thể cướp đi mạng sống con người. Theo hai nhà nghiên cứu thì sau đó, một chuỗi các hành vi dễ đoán sẽ diễn ra. Đầu tiên bạn sẽ tìm kiếm thông tin từ những người bạn tin tưởng, sau đó là từ những người ở gần. Tiếp theo, bạn sẽ cố gắng liên lạc với gia đình, và rồi bắt đầu chuẩn bị cho việc sơ tán hay tìm nơi trú ẩn. Cuối cùng, sau khi đã qua hết các bước trên, bạn mới thực sự hành động. Mikami và Ikeda cho rằng bạn sẽ rề rà hơn khi không hiểu được sự nghiêm trọng của tình hình, chưa bao giờ được nghe những lời hướng dẫn, hay chưa từng ở trong những trường hợp tương tự. Tệ hơn, bạn sẽ trì hoãn lâu hơn khi bị rơi vào cái bẫy so sánh và đối chiếu, khi mà bạn tự thuyết phục mình rằng mối nguy đang tới gần cũng không khác gì mấy so với những điều bạn đã từng trải qua – đó là sự ngộ nhận trạng thái bình thường.
Họ đã dùng trận lụt lịch sử năm 1982 tại Nagasaki làm ví dụ. Khu vực này hàng năm đều có lụt nhẹ, và người dân đã cho rằng mưa lớn năm đó cũng giống như những năm trước. Nhưng rồi họ sớm nhận ra mực nước dâng cao hơn và nhanh hơn nhiều so với mọi năm. Vào khoảng 4 giờ 55 phút chiều, chính quyền đưa ra cảnh báo chính thức. Mặc dù vậy, không ít người vẫn nán lại để xem trận lụt này sẽ khác tới mức nào. Tới 9 giờ tối, mới chỉ có 13% số người dân di tản thành công. Kết cục là đã có tới 265 người thiệt mạng.
Tôi còn nhớ lúc tới siêu thị mua thức ăn, nước uống và đồ dự trữ để chuẩn bị cho cơn bão Katrina đang tới gần, tôi đã bị sốc khi thấy nhiều người chỉ mua vài ổ bánh mỳ và dăm ba chai nước ngọt. Tôi nhớ họ đã rất cáu khi phải xếp hàng chờ tôi thanh toán hàng chồng nước đóng chai và đồ hộp. Tôi đã nói với họ, “Rất xin lỗi, nhưng chuẩn bị không bao giờ là thừa cả.” Và họ nói sao? “Tôi nghĩ cơn bão này sẽ chẳng tệ lắm đâu.” Giờ nghĩ lại tôi vẫn thường thắc mắc không biết những người đó đã xoay sở ra sao trong hai tuần cả khu vực mất điện và bị cô lập.
Sự ngộ nhận trạng thái bình thường là một thiên hướng mà bạn không thể loại bỏ. Cuộc sống hàng ngày dường như quá buồn chán và tẻ nhạt bởi vì bạn vô cùng gắn bó với sự bình thường. Nếu không nhờ thiên hướng có sẵn đó, bạn sẽ chẳng thể nào chịu nổi sự quá tải thông tin. Hãy thử nghĩ đến chuyện chuyển nhà, mua một chiếc xe hay một chiếc điện thoại mới. Lúc đầu, bạn để ý tới mọi thứ và bỏ ra hàng giờ để chỉnh các chế độ hay sắp xếp lại đồ đạc. Sau một thời gian, bạn quen dần với sự bình thường mới và để kệ mọi chuyện.
Bạn có thể quên mất cả một số đặc điểm nhất định trong căn nhà mới của mình cho tới khi có người khác chỉ ra, và bạn lại nhận ra nó. Bạn tự làm quen với khung cảnh xung quanh để có thể nhận ra sự thay đổi dễ dàng hơn, nếu không thì cuộc sống của bạn sẽ chìm nghỉm trong vô vàn tín hiệu mà không thể phân biệt được cái nào quan trọng cái nào không.
Mặc dù thế, đôi lúc chính thói quen tạo ra những nhiễu động nền này và rồi bỏ qua chúng khi không cần thiết lại gây ra rắc rối. Nhiều khi, dù không nên, bạn vẫn chú ý tới những tín hiệu thân thuộc và khao khát sự bình thường trong những tình huống không tưởng. Lấy ví dụ như siêu bão hay lụt lội, chúng quá lớn, quá chậm và quá trừu tượng để có thể khiến bạn giật mình nhảy vào hành động. Bạn thực sự không thể nhìn thấy chúng đang tiến tới. Giải pháp, theo như Mikami, Ikeda và các chuyên gia khác, là quan sát những người có chuyên môn, những người có cái nhìn về thảm họa tốt hơn bạn, lặp đi lặp lại các phản ứng nhanh. Chỉ cần những lời cảnh báo và hướng dẫn cụ thể được phát với tần suất vừa đủ thì chúng sẽ trở thành sự bình thường mới, và bạn sẽ nhanh chóng phản ứng khi cần.
Ngộ nhận trạng thái bình thường có thể lên đến quy mô lớn hơn nữa. Biến đổi khí hậu toàn cầu, điểm cực đại dầu mỏ, đại dịch béo phì và những vụ sụp đổ thị trường chứng khoán là ví dụ điển hình cho những sự kiện lớn và phức tạp. Khi đối mặt với chúng, mọi người thường không hành động kịp thời bởi họ không thể tưởng tượng ra cuộc sống sẽ bất thường đến thế nào nếu các cảnh báo trở thành hiện thực.
Chính việc truyền thông thổi phồng và gây hoảng loạn về những vấn đề như Y2K, cúm lợn, SARS và những thứ tương tự đã thêm dầu vào sự ngộ nhận trạng thái bình thường ở phạm vi toàn cầu. Các nhà phê bình chính trị ở cả hai phe đều cảnh báo về những khủng hoảng chỉ có thể được ngăn chặn bằng việc bầu cho ứng viên phe họ. Ngập trong nguồn thông tin hỗn loạn với hàng loạt báo động giả, rất khó để bạn nhận ra khoảnh khắc nào mới là thật và thực sự đáng lo. Phản xạ đầu tiên của bạn sẽ là đo lường xem tình huống này đã ở xa mốc bình thường tới mức nào, và chỉ thực sự hành động khi bạn không thể làm ngơ được nữa. Tất nhiên, thường thì lúc đó đã quá muộn rồi.