Bạn Không Thông Minh Lắm Đâu - Chương 15

Trò chơi lợi ích chung

Chúng ta có thể xây dựng một hệ thống xã hội không cần có sự quản lý, một nơi mà mọi người đều đóng góp vào lợi ích chung, đều được hưởng lợi và đều hạnh phúc.

Nếu không có một hình thức quản lý nhất định thì những người lười biếng và những kẻ lừa đảo sẽ nhanh chóng phá hoại nền kinh tế, bởi vì không ai muốn cảm thấy mình là một thằng khờ cả.

Trước khi tìm hiểu về trò chơi lợi ích chung (the public goods game), bạn cần phải nắm được về bi kịch của tài nguyên chung (the tragedy of the commons⦾). Đây là khái niệm xuất phát từ một bài tiểu luận xuất bản vào năm 1968 của nhà địa chất học Garrett Hardin bàn về việc chúng ta không thực sự biết cách chia sẻ.

Hãy tưởng tượng có một hồ nước rộng lớn với rất nhiều cá. Chỉ có bạn và ba người khác biết về sự tồn tại của hồ nước này. Cả bốn người cùng thống nhất là sẽ chỉ câu vừa đủ số lượng cá mỗi ngày để phục vụ nhu cầu của bản thân. Chỉ cần mọi người làm theo điều này thì hồ nước sẽ luôn có đầy cá.

Một ngày nọ, bạn chợt nhận ra một trong số những người còn lại đã câu nhiều cá hơn số mà anh ta cần và đem bán phần còn thừa tại một thị trấn gần đó. Dần dà anh ta tích cóp và mua được một chiếc cần câu tốt hơn của bạn nhiều.

Vậy bạn sẽ làm gì?

Nếu bạn cũng bắt đầu làm như anh ta thì sẽ sớm có đủ tiền mua cần câu mới, hay thậm chí tậu được một chiếc thuyền con. Hay là bạn cũng có thể nói với hai người còn lại để liên kết chống lại kẻ gian lận. Hoặc cả bốn người cùng phá vỡ giao ước và bắt đầu bắt cá một cách vô tội vạ. Bạn cũng có thể công bố cho bàn dân thiên hạ biết về hồ nước này. Tất cả những giải pháp trên có lẽ đều dẫn tới viễn cảnh đen tối cho tài nguyên chung là hồ cá. Tuy nhiên nếu bạn không hành động gì, mặc dù hồ nước sẽ vẫn tiếp tục tồn tại và cung cấp đủ cá cho bạn và hai người còn lại, nhưng kẻ gian lận sẽ chiến thắng. Không ai có thể chống lạl cảm giác tức giận trước một tình huống bất công.

Trong một tình huống như với hồ nước tưởng tượng nói trên, những người tham gia cùng thua cuộc bởi tất cả bọn họ đều nỗ lực để không bị tụt lại. Một bữa tiệc buffet lớn sẽ trở thành một trò chơi với tổng bằng không⦾ khi ai cũng cố gắng xúc cho đầy đĩa của mình, nhưng nếu mọi người chỉ lấy vừa đủ cho nhu cầu của bản thân thì tất cả đều sẽ được hưởng lợi. Bi kịch của tài nguyên chung là nó sẽ bị cạn kiệt nhanh chóng chỉ bởi một đốm lửa nhỏ của lòng tham. Chỉ cần sai lầm từ một trong những người khai thác là đủ để phá vỡ cả bộ máy. Lòng tham là một thứ có tính lây truyền rất cao.

Vậy còn đối với lợi ích chung, một thứ mà mọi người đều phải đóng góp vào thay vì lấy ra thì sao? Có vẻ cũng như vậy thôi. Những kẻ gian lận cũng vẫn sẽ phá hỏng mọi thứ, không phải bởi bản thân hành vi gian dối, mà bằng tính lây truyền của lòng tham khi những người khác nhận ra nó. Rất đáng tiếc là những nghiên cứu về hành vi con người đã cho thấy bạn chẳng hề thông minh chút nào khi tham gia đóng góp vào lợi ích chung.

Trò chơi lợi ích chung sẽ diễn ra như sau:

Một nhóm người ngồi quanh chiếc bàn và được phát cho vài đô-la, sau đó được phổ biến là họ sẽ phải trích từ số tiền vừa được phát một khoản bất kỳ để đóng góp vào quỹ chung. Người thực hiện thí nghiệm sau đó sẽ nhân đôi số tiền trong quỹ và rồi chia đều cho tất cả những người tham gia.

Nếu có 10 người chơi, mỗi người có 2 đô-la lúc đầu và họ đều đặt hết vào quỹ thì tổng số tiền góp được sẽ là 20 đô- la. Nó sẽ được nhân đôi lên thành 40 đô-la và chia 10. Vậy là mỗi người sẽ thu được 4 đô-la, gấp đôi lúc đầu. Trò chơi cứ tiếp tục lặp lại theo lượt như vậy. Lúc này bạn sẽ nghĩ rằng những người chơi sẽ luôn góp hết số tiền mình có vào quỹ trong mỗi lượt chơi phải không? Nhưng thực tế không như vậy. Dần dần sẽ có một người trong nhóm nắm được trò chơi và nhận ra rằng nếu họ đóng góp rất ít, thậm chí là không góp chút nào thì sẽ thu lợi nhiều hơn những người khác.

Nếu tất cả mọi người đều góp 2 đô-la trừ bạn, quỹ sẽ thu được 18 đô-la. Số này được nhân lên thành 36 đô-la và chia đều cho mỗi người chơi là 3,6 đô-la – kể cả bạn, kẻ không đóng góp chút gì.

Trong thí nghiệm này, việc đóng góp là công khai, quỹ chung thường được đóng góp đầy đủ trong khoảng mấy lượt đầu. Sau đó nó sẽ eo hẹp dần vì một số người thử đóng góp ít hơn một chút. Hành vi này sẽ nhanh chóng lan rộng bởi không ai muốn bị thiệt cả. Và cuối cùng thì nền kinh tế sẽ dừng phát triển. Nếu những người chơi được phép nghĩ ra hình phạt cho kẻ gian lận, hành vi này sẽ bị ngăn chặn và tất cả đều thắng cuộc. Nhưng nếu thay hình phạt bằng phần thưởng cho người chơi gương mẫu, nền kinh tế sẽ lại tiếp tục bị phá vỡ chỉ sau vài lượt chơi.

Điều khó hiểu ở trò chơi này là sự phi logic trong việc dừng đóng góp cho quỹ chung chỉ bởi vì có một kẻ đang ăn gian. Nếu tất cả những người khác vẫn kiên định và đóng góp hết những gì họ có như ban đầu thì họ vẫn sẽ hưởng lợi. Nhưng phần não cảm xúc đã kích hoạt khi thấy sự gian lận. Đây là một phản ứng tự nhiên vốn đã phục vụ tổ tiên của bạn rất hữu dụng. Sâu thẳm trong tâm trí, bạn biết những kẻ gian dối cần phải bị trừng trị, bởi chỉ cần có một người như vậy thôi là đã có thể phá hỏng toàn bộ hệ thống. Bạn thà thua cả trò chơi còn hơn là giúp đỡ một người vốn không giúp đỡ gì bạn.

Trò chơi này thường được sử dụng để minh chứng cho sự cần thiết của những quy tắc trong việc duy trì những cơ cấu phi lợi nhuận chung. Sẽ chẳng có đèn trên những con đường tối và cầu cống sẽ mau chóng hư hỏng nếu người dân không bị ép phải đóng thuế. Một sinh vật thuần lý trí sẽ nhận ra rằng cuộc sống không phải là một trò chơi với tổng bằng không, nhưng bạn thì lại không phải là một sinh vật thuần lý trí. Bạn sẽ tìm cách để ăn gian khi nghĩ rằng chính hệ thống đang lừa dối bạn.

Lòng thôi thúc muốn giúp đỡ người khác và ngăn chặn việc gian lận là thứ đã giúp cho những động vật linh trưởng bậc cao như bạn sống sót trong những quần thể nhỏ qua hàng triệu năm. Tuy nhiên khi hệ thống phát triển, trở nên khổng lồ và trừu tượng hơn, ví dụ như ngân khố quốc gia hay quỹ an sinh cho một tỉnh thì việc nắm bắt chúng thông qua những hành vi tiến hóa từ xa xưa trở nên vô cùng khó khăn.

Bi kịch của tài nguyên chung cũng lý giải cho những việc liên quan đến quyền tư hữu. Bạn được khuyến khích chú ý tới trách nhiệm của mình với xã hội. Nhưng khi nhắc tới những vấn đề chung như môi trường chẳng hạn, bạn vẫn có thể nghĩ rằng sẽ không có mấy ai mua xe tiết kiệm nhiên liệu và thực hiện việc tái chế đồ nhựa cả, vậy tại sao bạn lại phải làm?

Trò chơi lợi ích chung cũng cho thấy rằng việc có những quy tắc và hình phạt sẽ dễ dàng hạn chế những hành vi gian lận có hại.

Không phải là bạn không muốn đóng góp vào lợi ích chung, chỉ là bạn không muốn giúp một kẻ gian lận tiếp tục thu lợi, hay phải bỏ nhiều công sức hơn một kẻ lười biếng mà thôi – kể cả khi việc đó sẽ dẫn tới sự sụp đổ lợi ích cho bạn và tất cả những người khác.

Trò chơi tối hậu thư

Bạn chấp nhận hay từ chối một đề nghị dựa vào phân tích logic.

Trong một cuộc thỏa thuận, bạn sẽ đưa ra quyết định dựa vào địa vị của bản thân.

Tưởng tượng bạn vừa trúng xổ số 1 triệu đô-la. Tuy nhiên có một điều kiện đi kèm.

Đây là một thể loại xổ số mới mà theo luật bạn phải chia giải thưởng của mình cho một người lạ mặt. Bạn được phép chọn cách chia số tiền này, người còn lại sẽ có quyền chấp nhận hoặc từ chối đề nghị bạn đưa ra. Nếu họ từ chối thì cả hai sẽ chẳng nhận được gì cả. Bạn chỉ có một cơ hội để đưa ra đề nghị, và hai người sẽ không bao giờ gặp lại nhau nữa. Vậy bạn sẽ chia số tiền thưởng như thế nào?

Ngay lúc này, chính phần con người nhất trong bạn đã được kích hoạt. Thứ giúp chúng ta khác biệt với các loài động vật khác là khả năng tư duy lý luận xã hội phức tạp. Hàng triệu những biến số đang được tính toán, và bạn đang chạy một số lượng lớn những giả lập để tiên đoán tương lai trong chính bộ não mình. Bạn đang tưởng tượng xem đối phương sẽ hành động ra sao dựa vào trực giác và kinh nghiệm của bản thân.

Giờ bạn còn 10 giây để đưa ra quyết định.

Ôi không! Phải làm sao bây giờ?

Giải pháp logic nhất là đề nghị một số tiền nhỏ cho người lạ kia. 1000 đô-la chắc đủ rồi phải không? Rốt cuộc thì nếu họ từ chối, họ cũng sẽ chẳng nhận được gì mà. Không may cho bạn, con người không tiếp cận những vấn đề như thế này bằng logic thuần túy. Khi mà sự công bằng được đặt lên bàn cân, cảm xúc sẽ lên nắm quyền. Đâu đó sâu thẳm trong tâm trí, bạn đã tiên lượng trước được điều này, và giống như hầu hết những người khác, bạn sẽ đưa ra đề nghị gần với 50⁄50.

Khi thí nghiệm này được tiến hành với người thật tiền thật, hầu hết những đề nghị dưới 20% tổng số giải thưởng đều bị từ chối. Trong trường hợp với 1 triệu đô-la ở trên, mức tiền nhỏ nhất mà bạn cần phải chia cho người lạ kia là 200.000 đô-la – dù cho bạn mới thực sự là người trúng giải.

Đem bài toàn này cho một chiếc máy tính thì nó sẽ chấp nhận bất cứ mức chia nào lớn hơn không. Đối với một trí não logic thuần túy như vậy thì cứ có là hơn không rồi. Nhưng khi đặt bài toán này ra với con người, bạn sẽ phải tính tới cả ba triệu năm tiến hóa nữa.

Khi còn ăn lông ở lỗ, chúng ta sống trong những quần thể nhỏ, thường là khoảng dưới 150 người. Việc hiểu rõ thứ hạng của mình trong nhóm là điều tối quan trọng. Sự sinh tồn phụ thuộc vào các mối quan hệ và vị trí của bạn trong nhóm. Đối với con người, uy tín và địa vị quan trọng hơn tiền bạc. Những người có nhiều tiền thường đạt được địa vị cao trong xã hội, nhưng đến ngày tận thế – lúc Trái Đất bị lũ thây ma bủa vây – thì tiền cũng sẽ chỉ là giấy mà thôi. Lúc đó thì địa vị của bạn sẽ được xác định bằng những yếu tố khác.

Quay lại với trường hợp trúng xổ số, những người lạ sẽ coi số tiền bạn đề nghị là đánh giá của bạn về địa vị của họ trong xã hội. Nếu chấp nhận mức chia dưới 20%, họ sẽ cảm thấy thua kém và không được tôn trọng. Địa vị của họ sẽ bị coi thường dưới mắt người khác. Không cần biết tổng số tiền là bao nhiêu, trong thí nghiệm với người thật thì mọi đề nghị chia chác dưới 20% gần như đảm bảo rằng cả hai bên đều sẽ chẳng nhận được gì. Bạn biết được điều này thông qua trực giác, và hầu hết những người tham gia đều đề nghị chia khoảng một nửa tổng số tiền thưởng. Việc biết rằng đối phương có thể trả đũa khi bạn không công bằng sẽ khuyến khích bạn thực hiện những hành động mang tính vị tha hơn, thứ đã cho phép tổ tiên của chúng ta xây dựng nên những nền văn minh.

Hiệu ứng này sẽ còn mạnh hơn nếu người đưa ra quyết định cuối cùng trong cuộc thương lượng có lượng serotonin⦾ thấp. Nếu người đó cảm thấy buồn chán và không được ai cần tới, họ sẽ yêu cầu một khoản chia chác lớn hơn. Tình trạng này vốn đã khiến họ có cảm giác ở địa vị thấp, và vì vậy họ khó có thể chấp nhận việc bị hạ thấp hơn nữa khi chấp nhận một lời đề nghị bất công.

Khi những người làm thí nghiệm thay đổi luật lệ và cho phép người thắng giải được giữ khoản tiền của mình bất kể ý kiến của người còn lại là gì, hầu hết mọi người đều thay đổi thái độ hoàn toàn, và đưa ra khoản chia chỉ còn khoảng 10%.

Những tình huống tương tự luôn xảy ra trong đời thực. Bạn quyết định thời điểm để xin tăng lương, hoặc là để mở lời tán tỉnh trong một quán bar, hoặc là để bước lên sân khấu và hát đều dựa vào địa vị của bản thân trong nhóm. Nếu bạn cảm thấy vị trí của mình vốn đã thấp, bạn sẽ không mạo hiểm khiến nó bị đẩy xuống thấp hơn nữa. Nếu bạn cảm thấy tự tin về địa vị của mình, bạn sẽ mong chờ những đối đãi tốt hơn từ những người xung quanh.

Nguy cơ bị trả đũa là một cách khiến loài người đảm bảo sự công bằng sẽ diễn ra, và bạn được lập trình để trông đợi điều này. Cách bạn nhìn nhận địa vị của bản thân trong xã hội là một phần của công thức tính toán ngầm trong tiềm thức khi bạn chấp nhận, từ chối hay đưa ra đề nghị với những người khác. Bạn không thực sự thông minh đâu, bạn sẵn sàng chấp nhận việc hy sinh lợi ích hiển nhiên, miễn là điều đó đảm bảo cho sự công bằng trong tương lai và một vị trí an toàn hơn trên những nấc thang xã hội.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3