Bạn Không Thông Minh Lắm Đâu - Chương 14

Ngụy biện bù nhìn rơm

Khi tranh luận, bạn luôn bám vào những luận chứng khách quan.

Trong các cuộc tranh luận, sự bực bội sẽ khiến bạn cố tình bẻ cong và thay đổi lập trường của đối thủ.

Khi bị lép vế trong một cuộc tranh luận, bạn thường dùng một số kỹ thuật đánh lạc hướng để củng cố quan điểm của mình. Không phải bạn đang cố tình làm trò xảo trá, chỉ là bộ não con người có xu hướng hành xử theo một số khuôn mẫu nhất định khi nổi nóng trong một cuộc đấu khẩu.

Một trong những lối ngụy biện logic dễ đoán và dễ gặp nhất là ngụy biện bù nhìn rơm (the straw man fallacy). Và mặc dù khả năng nó xuất hiện là rất cao, bạn thường không nhận ra, cho dù chính bạn hay đối phương đang sử dụng lối ngụy biện này.

Nó hoạt động như sau: Khi tranh luận với một ai đó, bất kể là về chủ đề gần gũi, mang tính cá nhân hay trừu tượng, hay mang tính cộng đồng, bạn thường tạo nên một nhân vật mà bạn cảm thấy dễ phản đối hơn, và bạn đặt đối phương vào vị trí của nhân vật đó, mặc kệ cho ý kiến của họ có đúng là như vậy hay không. Đó chính là bù nhìn rơm.

Điều này xảy ra vô cùng thường xuyên. Bởi vậy mà những nhà hùng biện hay những người thuyết giảng khoa học đều được huấn luyện để nhận ra điều này ở chính bản thân họ và cả đối thủ trong lúc đưa ra ý kiến cũng như lúc phản pháo quan điểm. Lối ngụy biện này sẽ thay những luận điểm và lời khẳng định của đối thủ bằng những ý kiến khác dễ đối phó hơn do bạn tự tạo ra.

Ngụy biện bù nhìn rơm có lối hoạt động khá phổ biến. Đầu tiên bạn dựng nên tên bù nhìn rồi tấn công nó bằng các luận điểm của mình. Sau đó bạn chỉ ra sự dễ dàng trong việc hạ gục tên bù nhìn đó, và rồi từ đó rút ra kết luận.

Ví dụ thế này, bạn đang tranh luận về vấn đề có nên cho phép nuôi gà như thú cưng một cách rộng rãi không. Bản thân bạn thì cho rằng gà là những sinh vật ghê tởm bởi hồi nhỏ bạn đã bị một con gà mái ở sở thú tấn công. Từ sau lần đó bạn đã luôn tìm cách không để gia cầm tiếp xúc với trẻ nhỏ. Đối thủ của bạn thì đang xúc tiến thay đổi quy định của thành phố để anh ta có thể tạo ra một giống gà lai trông như những con hải quỳ và bán cho những cửa hàng thú cưng.

Bạn nói rằng: Nếu chúng ta cho phép việc nhân giống gà tại gia, gà sẽ sớm có mặt ở khắp nơi trên đường phố và các nơi công cộng. Rồi thì dần dần người ta sẽ mang theo gà tới chỗ làm, cho chúng góp mặt trong những bức ảnh Giáng sinh cùng những thành viên khác trong gia đình. Trong một tương lai như vậy thì điều gì sẽ xảy ra với ngành công nghiệp gia cầm? Sẽ không ai muốn ăn thứ có thể là thú cưng. Tôi không muốn sống trong một tương lai u tối như vậy. Bạn thì sao? Vậy nên chúng ta sẽ không thể cho phép thông qua quy định này được.

Bằng việc tạo nên viễn cảnh về một thế giới điên đảo khi đối phương thắng cuộc, bạn đã xây dựng thành công một bù nhìn rơm. Sẽ rất dễ để thấy được những khuyết điểm của tên bù nhìn này, và khó mà bảo vệ được nó. Tuy nhiên, đó cũng đâu phải là ý kiến do đối thủ của bạn đưa ra. Giờ thì người đó sẽ phải thanh minh rằng kế hoạch của họ không nhằm khiến cho các cửa hàng gà rán phải đóng cửa. Họ rơi vào tình thế buộc phải tranh luận chống lại viễn cảnh tận thế ngập trong lông vũ do bạn bịa ra thay vì đưa ra những cách hợp lý mà một người có thể chăm sóc một đàn gà thú cưng.

Trong bất kỳ một cuộc tranh luận nào về những chủ đề gây tranh cãi, bạn đều có thể tìm được những bù nhìn rơm do cả hai phía tung ra. Nhiều người biến chúng thành lời cảnh báo về tương lai đen tối cho nhân loại. Bất kỳ khi nào mà bạn nghe thấy những câu đại loại như: “Vậy theo ý kiến của bạn thì chúng ta cần phải…”, hay là “Ai cũng biết là…”, bạn có thể gần như chắc chắn rằng một tên bù nhìn rơm sắp được mang ra. Khi bạn hoặc ai đó bắt đầu tưởng tượng về những tương lai tăm tối nằm dưới ách thống trị của các ý tưởng từ đối thủ, thì có nghĩa là một tên bù nhìn rơm đã thành hình và ngồi chễm chệ trong căn phòng. Những tên bù nhìn này cũng có thể được sinh ra từ sự thiếu hiểu biết. Nếu ai đó nói rằng: “Khoa học cho rằng chúng ta tiến hóa từ khỉ. Điều đó là không đúng, và bởi vậy mà tôi chọn việc giáo dục tại gia,” người đó đang nấp sau một bù nhìn rơm, bởi vì thực chất khoa học đã chứng minh rằng chúng ta không tiến hóa từ loài khỉ.

Lần sau, khi bạn bất đồng quan điểm với một ai khác, hãy chú ý một chút và tự xem Ịại bản thân xem mình có đang kết rơm tạo bù nhìn không. Hãy nhớ rằng dù có thành công nhờ sử dụng chiến thuật này đi chăng nữa, thì nó vẫn là một ngụy biện logic, và đó sẽ không phải là một chiến thắng thực sự.

Ngụy biện

tấn công cá nhân

Nếu bạn không thể tin tưởng ai đó thì bạn nên bỏ ngoài tai những quan điểm của họ.

Điều mà người ta nói và tại sao mà họ nói điều đó cần được phán xét một cách tách biệt rạch ròi.

Thỉ thoảng có những cuộc tranh luận gay cấn tới mức bạn bắt đầu lăng mạ đối phương. Lúc đó, bạn đang tấn công bản thân người đối diện chứ không phải là tranh luận với luận điểm của họ nữa. Bất đồng và phản pháo một người mà bạn cho là xấu xa hoặc ngu dốt sẽ dễ dàng hơn nhiều. Việc gọi một ai đó là kẻ mù quáng, khờ khạo, hoặc là tên đểu cáng mang lại cảm giác thỏa mãn, nhưng lại không chứng minh được bạn đúng hay họ sai.

Nghe thì hợp lý đó nhỉ? Nhưng không phải lúc nào bạn cũng có thể nhận ra mình đang làm vậy. Khi bạn cho rằng quan điểm của ai đó là thiếu chính xác chỉ vì con người cá nhân của họ, hoặc hội nhóm mà họ là thành viên, đó là lúc mà bạn đã thực hiện hành vi ngụy biện tấn công cá nhân (ad hominem fallacy). Ad hominem trong tiếng latin có nghĩa là tới một người, cũng chính là điểm mà bạn tập trung tấn công khi mà cuộc tranh luận vượt quá tầm kiểm soát.

Hãy tưởng tượng bạn là thành viên của bồi thẩm đoàn trong vụ xét xử một người bị buộc tội trộm xe hơi. Công tố viên có thể đề cập tới quá khứ của bị cáo để chứng minh rằng đối tượng đã từng gây án, hoặc có thể mời những người quen biết bị cáo trong quá khứ đến để làm chứng rằng anh ta là một kẻ dối trá. Một khi hạt giống nghi ngờ đã được gieo xuống – nghi phạm là một tên trộm cắp gian dối – điều này có khả năng suy chuyển quan điểm lúc đó của bạn. Bất kể người đó có nói gì để thanh minh bản thân, ở đâu đó trong tâm trí bạn vẫn sẽ có những nghi ngờ bởi bạn không thể tin những kẻ dối trá. Nếu anh ta nói với bạn rằng bầu trời màu xanh và bánh mì là đồ ăn được thì bạn không thấy có vấn đề gì cả. Lối ngụy biện sẽ không xuất hiện. Chỉ khi những gì anh ta nói là điều mà bạn chưa chắc chắn thì bạn mới bị tác động. Khi bị cáo khẳng định rằng mình không hề đánh cắp chiếc xe hơi, cú tấn công cá nhân của công tố viên có thể sẽ khiến bạn bỏ qua những bằng chứng và mắc phải lỗi ngụy biện logic.

Giả sử một nhà khoa học nổi tiếng bị phát hiện là đã cố tình giả mạo kết quả nghiên cứu. Liệu bạn có chối bỏ tất cả thành tựu khoa học của ông ta? Nếu tất cả những công trình trước đó của ông ta đều đã được đánh giá và kiểm duyệt cẩn thận thì sao? Rất khó để gạt bỏ thôi thúc muốn gán mắc nhà khoa học đó là kẻ xảo trá và vô đạo đức. Khi bạn cho rằng mọi công trình trước đó của ông ta đều là giả dựa trên cái nhãn mà bạn đã gán lên ông ta – một kẻ dối trá – thì bạn đã mắc lỗi logic. Bạn cũng có thể sẽ mắc phải sai lầm này khi đọc một bài báo chứa quá nhiều thông tin sai lệch. Bạn có xu hướng nghĩ rằng nếu nhà báo đó bịa ra được một bài báo để đăng thì tất cả các bài từ trước đến nay của anh ta cũng đều là bịa đặt. Việc nghi ngờ là có căn cứ, nhưng nếu bạn đưa ra kết luận chỉ dựa vào cảm xúc của mình thì đó lại là một sai lầm.

Khi một ai đó góp ý về cách bạn lái xe và bạn phản pháo bằng: “Ông thì biết cái gì mà nói. Chính ông mới là tài xế tệ nhất trên đời,” thì đó chính là ngụy biện tấn công cá nhân. Bạn đang gạt đi ý kiến của đối thủ bằng cách tấn công vào bản thân họ chứ không phải là chống lại những luận điểm họ đưa ra.

Hành vi nói xấu người khác về bản chất không phải là một lối ngụy biện. Ngụy biện là khi bạn kết hợp điều đó với việc gạt đi những ý kiến họ đưa ra chỉ dựa vào ấn tượng của bạn về con người họ. Nếu bạn từ chối lắng nghe những lời khuyên về tài chính của một con nghiện bởi vì họ là người đã đốt tiền vào ma túy thì đó cũng là một dạng ngụy biện tấn công cá nhân. Giả sử một người nghiện thuốc lá nói rằng họ muốn bãi bỏ lệnh cấm hút thuốc trong nhà hàng, bạn cũng không nên phủi đi ý kiến này chỉ bởi vì họ có mối lợi cá nhân trong đó. Biết đâu họ lại có một quan điểm nào đó rất hợp lý thì sao? Hoàn cảnh cá nhân của họ không được phép gây ảnh hưởng lên lập luận logic của bạn.

Trong một chiến dịch tranh cử có thể có những banner đả kích đối thủ như sau: “Đừng bầu cho Susan Smith bởi vì bà ta từng thực hiện những nghi lễ tà thuật hồi còn là sinh viên.” Tuy nhiên, nếu suy xét một cách hợp lý thì một người có thú vui làm cô đồng không có nghĩa là họ không biết cách cân bằng ngân sách. Những chính trị gia luôn hy vọng rằng bạn sẽ dính vào bẫy ngụy biện khi thấy họ chỉ ra những mối quan hệ cá nhân của đối thủ. Việc kết tội dựa vào những mối quan hệ thường có nguyên nhân từ lối ngụy biện tấn công cá nhân. Có thể việc chơi với những kẻ tội phạm xấu xa khiến cho họ bị mất thanh danh, nhưng rạch ròi mà nói thì những chính sách do họ đưa ra và việc họ nướng BBQ với ai là hai vấn đề khác nhau hoàn toàn.

Tuy nhiên điều này cũng không có nghĩa là khi thấy một người mặc bộ quần áo hình quả chuối, chơi sáo và cầm một tấm bảng đề “Tận thế sắp đến!” thì bạn phải chạy ngay về nhà và nói lời từ biệt với người thân. Tránh mắc phải lối ngụy biện tấn công cá nhân không có nghĩa là bạn phải coi độ chính xác của mọi thông tin là như nhau. Tất nhiên là nói một cách logic thì bạn chẳng thể chắc chắn được liệu người mặc bộ đồ quả chuối đó nói đúng hay sai. Có thể là ngày tận thế đã cận kề thật. Nhưng bạn cần phải tự đi đến kết luận của mình dựa vào những bằng chứng và luận điểm mà anh ta đưa ra. Nếu quan điểm của anh ta dựa vào việc nghe lỏm được bọn chim bồ câu tán dóc với nhau thì bạn có thể bỏ qua nó mà không cần suy nghĩ nhiều.

Lối ngụy biện này cũng có thể hoạt động theo hướng ngược lại. Bạn có thể cho rằng đối phương là một người đáng tin cậy bởi cách mà anh ta ăn nói, hoặc là bởi vì anh ta có một công việc tốt. Thật khó có thể tin được một cựu phi hành gia lại có thể mặc bỉm và lái xe xuyên quốc gia để giết hại tình địch của mình, nhưng điều đó đã thực sự xảy ra. Lối ngụy biện nói tới trong chương này sẽ hoạt động theo hướng ngược lại nếu bạn là một thành viên trong ban bồi thẩm xét xử vụ án trên và có xu hướng gạt bỏ đi những chi tiết bất lợi trong bằng chứng chống lại bị cáo bởi lòng kính trọng của bạn dành cho những người có công khám phá vũ trụ.

Bạn thường cho rằng các tính cách đại diện cho mỗi cá nhân và rằng ai cũng có sự đồng nhất trong mọi hành động. Bình thường thì đây là một điều tốt bởi nó giúp bạn nhanh chóng chọn ra được những người mà bạn có thể tin tưởng. Tuy nhiên việc cân nhắc xem ai đáng tin và việc kết luận xem điều mà họ đang nói có phải sự thật hay không lại là hai thứ khác hẳn nhau. Đánh giá qua tính cách đã là một công cụ quá hữu hiệu trong lịch sử tiến hóa của loài người nên đôi lúc nó có thể lấn át lập luận logic của bạn. Bạn có thể rất biết nhìn người, nhưng bạn cũng cần kỹ năng đánh giá dựa vào bằng chứng để tránh mác phải những sai lầm trong lập luận.

Ngụy biện về

thế giới công bằng

Những người thất bại trong cuộc sống chắc chắn đã phải làm điều gì đó sai nên mới đáng bị như vậy.

Những người may mắn thường cũng chẳng phải do đã làm điều gì đó xứng đáng, và kẻ xấu thì cũng thường xuyên thoát tội mà không phải trả giá.

Một người phụ nữ vừa ra khỏi quán bar, đi giày cao gót, diện váy ngắn và không mặc đồ lót. Cô ấy đã khá say, chân nam đá chân chiêu, đi nhầm đường và bị lạc vào một khu phố không được tốt đẹp cho lắm. Và cuối cùng thì cô ấy đã bị hãm hiếp.

Vậy cô gái đó có đáng trách? Đó có phải là lỗi của cô ấy? Có phải là do cô ấy đã ăn mặc quá khêu gợi?

Nhiều người đã trả lời có cho cả ba câu hỏi trên trong một cuộc điều tra. Khi nghe kể về những tình huống mà bạn mong rằng sẽ không xảy ra với mình, bạn sẽ có xu hướng đổ lỗi cho nạn nhân. Điều này không có nghĩa bạn là một người xấu xa, mà bởi vì bạn muốn tự củng cố niềm tin rằng mình đủ thông minh để tránh gặp phải những trường hợp như vậy. Bạn cố thổi phồng mọi thứ thuộc về trách nhiệm của nạn nhân lên thành những điều to lớn hơn, những thứ mà bạn sẽ không bao giờ làm. Nhưng có một sự thật là: Hiếp dâm hiếm khi là hệ quả từ những hành vi không hay của nạn nhân. Thống kê cho thấy những kẻ thủ ác thường là người thân quen, và yếu tố về trang phục hay hành động của nạn nhân cũng không có ảnh hưởng nhiều. Kẻ hiếp dâm luôn là người đáng bị lên án, vậy mà hầu hết các chiến dịch tăng cường nhận thức về thực trạng này đều luôn nhắm tới phụ nữ chứ không phải đàn ông. Thông điệp đưa ra thường là: “Đừng làm điều gì khiến bạn trở thành nạn nhân bị hiếp dâm.”

Trong tiểu thuyết hay phim ảnh, người tốt thường chiến thắng và kẻ xấu sẽ thất bại. Đó là điều mà bạn luôn muốn thấy trong thế giới quanh mình – công bằng và đúng đắn. Trong tâm lý học, xu hướng suy nghĩ như vậy về cách mà thế giới vận hành được gọi là ngụy biện về thế giới công bằng (just-world fallacy).

Nói một cách cụ thể hơn, đây là xu hướng phản ứng của một người bình thường trước những điều bất hạnh khủng khiếp, ví dụ như tình trạng vô gia cư hay nghiện ngập. Người ta thường cho rằng những người rơi vào hoàn cảnh đó là những kẻ đáng bị như vậy. Từ khóa ở đây là đáng. Đây không phải việc quan sát và kết luận một cách logic rằng những lựa chọn sai lầm dẫn tới kết quả tồi tệ. Lối ngụy biện này giúp bạn dựng nên cảm giác an toàn giả tạo. Bởi vì bạn muốn có được cảm giác toàn quyền trong cuộc sống của bản thân, bạn cho rằng chỉ cần tránh không làm những điều xấu là bạn sẽ không gặp rủi. Bạn cảm thấy an toàn hơn khi tin rằng chỉ những người có hành vi xấu mới trở thành người vô gia cư, có thai, nghiện ngập hay là bị hiếp dâm.

Trong một nghiên cứu vào năm 1966 bởi Melvin Lerner và Carolyn Simmons, 72 người phụ nữ đã được cho xem một phụ nữ khác giải những câu đố và cô ấy bị giật điện mỗi khi làm sai. Thực ra thì cô ấy là một diễn viên và chỉ giả vờ bị giật, tuy nhiên những người quan sát không hề biết điều này. Khi được hỏi đánh giá của họ về người phụ nữ trong thí nghiệm, nhiều người quan sát đã hạ thấp giá trị của cô. Họ nói xấu về nhân cách cũng như ngoại hình của cô ấy, và cho rằng cô ấy bị như vậy là xứng đáng.

Lerner đã từng dạy một lớp học về xã hội học và y dược, ông nhận thấy nhiều sinh viên có quan điểm rằng những người nghèo là những kẻ lười biếng chỉ mong muốn nhận trợ cấp. Ông bèn tiến hành một thí nghiệm cụ thể, trong đó ông cho hai người đàn ông giải những câu đố trí tuệ. Sau khi hoàn thành, ông chọn ngẫu nhiên một trong hai người để thưởng một số tiền lớn. Mặc dù việc lựa chọn ngẫu nhiên này đã được thông báo trước cho những người quan sát nhưng khi được hỏi về nhận định của mình về hai người tham gia, phần lớn mọi người đều cho rằng người được thưởng là người thông minh hơn, có tài năng hơn, làm việc hiệu quả hơn và giải đố giỏi hơn. Một loạt những nghiên cứu về vấn đề này đã được tiến hành sau thí nghiệm của Lerner, và hầu hết đều có chung một kết luận: Bạn cố gắng giả vờ như thế giới luôn công bằng bởi vì đó là khát vọng của chính bạn.

Ngụy biện về thế giới công bằng có lẽ đã được lập trình sẵn trong tâm trí mỗi người. Không cần biết bạn theo phe tự do hay bảo thủ, kiểu gì lối ngụy biện này cũng sẽ xuất hiện ít nhiều trong những phản ứng cảm xúc khi bạn nghe về nỗi đau khổ của người khác. Trong một công trình nghiên cứu xuất bản năm 2010 bởi Robert Thomberg và Sven Knutsen từ Đại học Linkoping tại Thụy Điển, các nhà nghiên cứu đã hỏi thiếu niên về nguyên do của tình trạng bắt nạt học đường. Trong khi phần lớn cho rằng bắt nạt là hành vi của những kẻ khao khát quyền lực và độc ác, cũng có tới 42% cho rằng một phần lỗi nằm ở việc nạn nhân là những đối tượng dễ bị bắt nạt. Hãy tự hỏi bản thân mình xem, khi thấy một vụ bắt nạt tại trường học, bạn có từng cho rằng nạn nhân cần phải đứng lên tự đấu tranh bảo vệ mình? Bạn có nghĩ rằng những học sinh đang bị bắt nạt và trêu chọc phải học lại cách ăn mặc, học cách hành xử một cách tự tin và tìm cách giấu bản chất mọt sách của họ đi? Trong những bộ phim nói về tình trạng bắt nạt tại trường học, nhân vật chính luôn phải tự tìm cách đứng lên bảo vệ mình và chống lại lũ bạn xấu. Những tên chuyên bắt nạt sẽ chỉ phải trả giá khi nạn nhân phải nhận trách nhiệm. Nghiên cứu này cho thấy rằng cho dù bạn nhận thức được những kẻ bắt nạt là xấu xa, nhưng bạn cũng chấp nhận rằng thực trạng này là điều không thể thay đổi được. Thế giới đầy rẫy những kẻ xấu, và nạn nhân thì phải tự tìm cách mà thoát ra khỏi nỗi đau khổ của mình. Cũng trong nghiên cứu đó, có 21% số học sinh được hỏi tự trách bản thân mình – những người quan sát. Một số ít khác cho rằng đó là bản chất của xã hội và con người. Thế giới, dưới góc nhìn của những người này, là luôn công bằng, và chỉ có những người liên đới trong sự việc – nạn nhân và kẻ thủ ác – là những người phải chịu trách nhiệm về những điều xấu xảy ra.

Chắc chắn bạn đã nghe câu “gieo nhân nào gặt quả nấy”, hoặc là bạn đã thấy một người làm điều xấu phải nhận kết quả xứng đáng và nghĩ thầm “Nhân quả cả đấy!” Tất cả những điều này đều mang bóng dáng của ngụy biện về thế giới công bằng. Sẽ rất đau đớn khi phải nghĩ rằng cuộc đời là bất công. Ý niệm về một thế giới với những điều chính đáng ở một bên cán cân và những thứ xấu xa ở bên còn lại có vẻ rất hợp lý. Bạn muốn tin rằng những người chăm chỉ và chịu khó sẽ thành công, còn những kẻ lười biếng và gian dối sẽ thất bại. Tuy nhiên, điều này lại không phải lúc nào cũng đúng. Thành công chịu tác động rất lớn từ những yếu tố như bạn sinh vào thời kỳ nào, lớn lên ở đâu, hoàn cảnh gia đình của bạn và cả vận may rủi nữa. Dù có chăm chỉ và cố gắng tới đâu đi chăng nữa thì bạn cũng không thể thay đổi được những yếu tố ban đầu đó. Nhưng chấp nhận điều này cũng không có nghĩa là những người sinh ra từ những gia đình nghèo khó nên bỏ cuộc. Bởi vì rốt cuộc thì “Có khó mới có miếng ăn. Ngồi không ai dễ mang phần tới cho.” Trong một thế giới thực sự công bằng, đây sẽ là quy luật duy nhất cho dù xuất phát điểm của bạn có ra sao đi nữa. Tuy nhiên thế giới thực thì phức tạp hơn vậy nhiều. Nhiều người đã và vẫn đang thoát nghèo một cách thành công, tuy nhiên điều đó cũng không có nghĩa là những người chưa làm được không cố gắng hết sức. Nếu bạn nhìn những người nghèo khổ và không hiểu nổi tại sao họ không thể tự đưa mình thoát khỏi hoàn cảnh khó khăn đó và tìm được một công việc tốt như mình, bạn đang lập luận theo lối ngụy biện về thế giới công bằng. Bạn đang bỏ qua những may mắn đã nhận được dù có lẽ bạn cũng không thực sự xứng đáng.

Thật khó chịu khi bọn lừa đảo, gian lận có thể thành công và thu lợi trong một thế giới mà lính cứu hỏa và cảnh sát chân chính làm việc cật lực cả ngày với đồng lương ít ỏi. Sâu thẳm trong tâm, bạn mong ước rằng sự chăm chỉ và lối sống có đạo đức sẽ dẫn tới thành công, còn sự ranh ma và lọc lõi xấu xa sẽ kết thúc trong thảm bại. Bạn cứ thế thay đổi những suy nghĩ và quan điểm của bản thân cho phù hợp với mong muốn đó. Tuy nhiên, trong thực tế thì những kẻ xấu xa lại thường hưởng lợi mà không phải trả giá gì nhiều.

Nhà tâm lý học Jonathan Haidt cho hay những người dù tự nhận là không tin vào luật nhân quả, sâu thẳm trong tâm trí, vẫn tin vào nó ở một mức độ nào đó, và gọi nó với cái tên khác phù hợp với văn hóa của họ. Họ quan niệm rằng những hệ thống phúc lợi xã hội và những chính sách hỗ trợ phá vỡ trật tự của thế giới tự nhiên. Theo lời họ thì những kẻ lười biếng sẽ nhận được sự trừng phạt thích đáng, chỉ cần chính phủ không nhúng tay vào. Những kẻ gieo gió ắt phải gặp bão, nhưng những tác động phi tự nhiên đã ngăn cản điều đó. Trong khi đó, bởi vì những người này làm theo đúng luật, nộp thuế đầy đủ, bỏ thời gian ra để làm ngoài giờ, họ cho rằng phải có lý do cho những nỗ lực này. Việc theo đuổi cuộc sống tốt đẹp của họ không thể là vô nghĩa. Trong quan điểm của họ thì những người giàu chắc chắn đã làm gì đó xứng đáng với những thứ họ đang hưởng. Và họ tin rằng một ngày nào đó, nhờ thành quả từ những việc tốt đã làm, họ sẽ được đưa lên một tầm cao mới trên nấc thang xã hội, gia nhập với tầng lớp những người có cuộc sống mà họ xứng đáng được hưởng. Ngụy biện này cho họ niềm tin rằng sự công bằng nằm sẵn trong hệ thống, và vì vậy họ trở nên giận dữ khi mà chính hệ thống này lại can thiệp vào và gây xáo động luật nhân quả.

Tại sao chúng ta lại thường suy nghĩ theo cách này?

Các nhà tâm lý học vẫn chưa tìm được lời giải thỏa đáng. Một số cho rằng chúng ta có nhu cầu tiên lượng được kết quả từ hành vi của bản thân, hoặc là cảm thấy an toàn với những quyết định trong quá khứ. Nhiều nghiên cứu nữa sẽ cần được tiến hành. Nhưng có một điều chắc chắn là bạn muốn được sống trong một thế giới mà những người chính trực sẽ đưa những kẻ xấu ra xét xử công bằng, nhưng đó lại không phải là thế giới thực tế.

Mặc dù vậy, đừng để những điều này làm bạn nhụt chí. Bạn có thể chấp nhận rằng cuộc đời rất bất công, nhưng đồng thời vẫn có thể tận hưởng nó. Bạn không có quyền kiểm soát hoàn toàn cuộc sống của mình, tuy nhiên phần mà bạn có thể điều khiển được thì cũng không phải là nhỏ. Hãy làm hết sức mình trong phạm vi đó. Chỉ cần bạn luôn nhớ về bản chất bất công của thế giới và sự ngẫu nhiên của những đặc quyền mà bạn được hưởng từ khi sinh ra. Không phải ai chịu cơ cực cũng là kẻ xấu và không phải ai sống trong nhung lụa cũng là thánh nhân. Nếu bạn cứ tiếp tục cho rằng thế giới này là công bằng và đúng đắn thì những người gặp khó khăn có thể sẽ chẳng bao giờ được giúp đỡ. Hãy nhớ rằng mặc dù chúng ta phải chịu trách nhiệm cho mọi hành vi của bản thân, sự trừng phạt phải luôn dành cho kẻ thủ ác chứ không phải là nạn nhân. Không ai trên đời này xứng đáng bị hiếp dâm, bị bắt nạt, bị cướp hay bị giết cả. Để tạo nên một thế giới công bằng hơn, bạn sẽ phải tìm cách ngăn tội ác sinh sôi, chứ không phải là tìm cách làm giảm đi số nạn nhân tiềm năng.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3