Bạn Không Thông Minh Lắm Đâu - Chương 18

Sự tự nghiệm cảm xúc

Bạn luôn suy tính giữa rủi ro và lợi ích, và luôn lựa chọn để tối ưu hóa lợi nhuận trong khi giảm thiểu những thiệt hại.

Bạn phụ thuộc vào cảm xúc khi xác định một thứ là tốt hay xấu, thường đánh giá quá cao những lợi ích tiềm tàng và bị ám ảnh bởi ấn tượng ban đầu.

Giả sử tôi có thể giúp bạn nhanh chóng kiếm được một món tiền nho nhỏ: Bạn chỉ cần nhặt được những viên kẹo dẻo màu đỏ ra khỏi bát đầy kẹo.

Tôi sẽ cho bạn hai lựa chọn: Một chiếc bát khổng lồ với hàng trăm viên kẹo đỏ trộn lẫn với hàng trăm những viên kẹo màu khác, hoặc một chiếc bát nhỏ hơn chỉ có 50 viên kẹo với tỷ lệ kẹo đỏ cao hơn so với bát thứ nhất. Tôi thậm chí sẽ dán khả năng bốc trúng kẹo đỏ lên mỗi chiếc bát. Bát to sẽ có 7% khả năng trong khi bát nhỏ có 10%. Mỗi lần bạn bốc được một viên đỏ tôi sẽ cho bạn 1 đô-la. Vậy bạn sẽ chọn bát nào?

Trong một nghiên cứu xuất bản năm 1994 trên Tạp chí về Tính cách và Tâm lý học Xã hội, Veronika Denes-Raj và Seymour Epstein đã phát hiện rằng những người tham gia trò chơi trên có xu hướng chọn chiếc bát to mặc dù rõ ràng tỷ lệ kẹo đỏ trong bát nhỏ lớn hơn. Khi được hỏi nguyên do, những người tham gia nói rằng họ có cảm giác khả năng thắng sẽ lớn hơn nếu chọn chiếc bát to bởi trong đó có nhiều kẹo đỏ hơn, mặc dù họ đã nắm rõ được tỷ lệ chiến thắng thật sự của mỗi lựa chọn.

Xu hướng thiên về trực giác, đưa ra những quyết định không chính xác, và bỏ qua thực tế được gọi là sự tự nghiệm cảm xúc (the affect heuristic). Đây là thứ luôn chen vào giữa bạn và lợi ích lớn nhất mà bạn có thể đạt được, và nó xuất hiện khi bạn phải đưa ra đánh giá về điều gì đó mới.

Lần đầu gặp một ai đó, hàng tỷ những suy nghĩ siêu nhỏ chạy quanh trong não bạn dưới dạng các chất dẫn truyền và các tín hiệu thần kinh. Bạn sẽ bắt đầu đưa ra những đánh giá về con người họ một cách vô thức. Có thể bạn nhận thấy cái bắt tay của đối phương rất chặt và mạnh mẽ, tư thế của anh ta rất cường tráng và khoáng đạt, nụ cười của anh ta hoàn hảo và ấm áp. Bạn sẽ lấy tất cả những điểm trên, nhân với cách ăn mặc, chia cho hệ số mùi cơ thể, và thêm yếu tố tuổi tác vào để tạo nên một phương trình tính toán khổng lồ trong tiềm thức mà kết quả là ấn tượng ban đầu của bạn dành cho đối phương. Đây là một người tốt, đáng để bạn làm quen.

Thế sẽ ra sao nếu bạn gặp một người cứ mở miệng ra là nói những câu phân biệt chủng tộc, có hình xăm chữ thập ngoặc trên cổ tay và tỏa ra mùi như sốt nấm? Trước khi kịp biến cảm xúc thành suy nghĩ mạch lạc, chắc hẳn bạn đã kịp bước một quãng xa để tránh khỏi hắn.

Theo lẽ thường thì ấn tượng ban đầu sẽ phai nhạt dần khi bạn hiểu về người đó hơn, tuy nhiên thực tế lại cho thấy ấn tượng này quan trọng hơn bạn nghĩ. Các nghiên cứu đã chỉ ra ấn tượng ban đầu bạn có với một người, hay một thứ gì đó, có khả năng lưu lại rất lâu. Nghiên cứu năm 1997 do Wikielman, Zajonc và Shwartz thực hiện đã chứng minh điều này. Những người tham gia ngồi trước màn hình, một bức ảnh mặt cười hoặc nhăn nhó chớp nhoáng hiển thị. Sau đó, một ký tự tượng hình Trung Quốc xa lạ hiện ra. Những người tham gia được hỏi là họ có thích ký tự đang hiển thị trước mặt không. Họ thường nói thích những ký tự hiện lên sau hình ảnh nụ cười và không thích những ký tự theo sau khuôn mặt nhăn nhó. Tuy nhiên khi chữ này xuất hiện lại với hình ảnh trước đó bị đổi từ cười thành mếu và ngược lại, những người tham gia thí nghiệm vẫn có xu hướng giữ nguyên quan điểm. Như vậy có nghĩa là ấn tượng ban đầu vẫn lưu dấu trong tâm trí họ.

Về cơ bản thì ấn tượng ban đầu cho bất kỳ thứ gì bạn mới gặp được chia thành tốt hoặc tệ. Sau đó, bạn đặt nghĩa vụ chứng minh điều ngược lại lên những trải nghiệm trong tương lai. Bạn có thể có cảm tình với một ai đó từ đầu, nhưng rồi mới dần nhận ra sai lầm của mình sau một thời gian dài. Bạn cứ để cho ấn tượng ban đầu đó bị bào mòn dần chứ không chịu thay đổi ngay lập tức quan điểm của mình về con người họ. Có thể đó là một người biết ăn mặc và giữ vệ sinh sạch sẽ, nhưng lại có thói quen thích động chạm và sẽ tán tỉnh bất kỳ người khác giới nào ở bên cạnh họ quá bốn phút. Có thể đó là một kẻ vũ phu, đánh đập con cái mình ở nhà, nhưng lại bỏ thời gian cuối tuần ra để tới các trại dưỡng lão, tình nguyện hướng dẫn người già sử dụng máy tính. Bạn cần bao nhiêu chứng cứ thì mới có thể bắt đầu xếp loại lại một người mới quen từ nhóm này sang nhóm khác?

Sự tự nghiệm cảm xúc là một cách để bạn có thể nhanh chóng đưa ra kết luận về một thông tin mới. Bạn sử dụng nó để phân loại dữ liệu vào hai nhóm chính – tốt hoặc xấu – và rồi bạn lựa chọn cách ứng xử phù hợp với thứ vừa được đánh giá. Sự tự nghiệm cảm xúc được coi là chiếc Chén Thánh trong tất cả các loại thiên vị nhận thức người ta sử dụng trong quảng cáo và chính trị. Khi bạn có thể liên hệ mặt hàng hay ứng cử viên của mình với các hình ảnh tích cực, và đối thủ với các hình ảnh tiêu cực, bạn đã chiến thắng. Nếu bạn xây dựng được những mối liên kết đủ mạnh, nhãn hiệu bạn yêu thích thậm chí có thể trở thành đại diện cho cả loại sản phẩm. Khăn giấy trở nên đồng nghĩa với Kleenex. Thuốc giảm đau được gọi chung là Aspirin. Bông băng thì trở thành Band-Aids.

Vẫn còn có những tranh cãi trong cộng đồng tâm lý học về sức mạnh và độ đáng tin cậy của những quyết định nhanh và ấn tượng ban đầu. Tuy nhiên ảnh hưởng lớn của chúng lên cách mà bạn giải nghĩa cảm giác của mình là không thể bàn cãi. Khi mà ấn tượng ban đầu kéo dài và ảnh hưởng lên cảm giác của bạn cho những ấn tượng lần hai, lần ba, lần bốn thì nghĩa là bạn đã nằm dưới sự kiểm soát của sự tự nghiệm cảm xúc.

Phần lớn cỗ máy tâm trí của bạn bị ẩn giấu sau cánh cửa đóng ở cuối hành lang được gọi là tiềm thức, nhưng hoạt động của nó thì lại là một phần không thể thiếu, đóng góp cho sự tồn tại của nhận thức. Các nhà tâm lý học đôi khi chia tâm trí con người thành những phần tương ứng với sự phát triển của bộ não. Đây là một sự tối giản hóa, nhưng nó hữu dụng trong việc giúp chúng ta nắm được câu chuyện lịch sử tiến hóa bộ não người từ những phiên bản đơn giản tồn tại trong các loài côn trùng và cá. Bằng việc phân chia và phân tích các lớp của não bộ như các điểm khảo cổ với những hiện vật cổ xưa bị chôn sâu hơn hiện vật mới, bạn sẽ dễ dàng hiểu được cách mà tâm trí chúng ta hình thành. Phần cổ xưa nhất của não bộ gần như nằm gọn trong khu vực não sau. Những cấu trúc tại đây xử lý các vấn đề liên quan tới việc sống còn, điều tiết các hoạt động thường nhật của cơ thể mà bạn không cần phải bận tâm tới như hít thở hay giữ thăng bằng trên một chân. Phần não giữa được hình thành vào thời kỳ hưng thịnh của tổ tiên loài linh trưởng, mang tới cho bạn cảm xúc và nhận thức xã hội. Cuối cùng là lớp trên cùng, phần mới được tiến hóa gần đây nhất, có nhiệm vụ cung cấp khả năng suy luận và tính toán. Thùy não trước và và vùng tân vỏ não đóng vai trò như những cán bộ điều hành của tâm trí, thu nhận thông tin từ những bộ phận khác và đưa ra những kế hoạch hành động.

Phần nhận thức có lý trí, biết điều, có khả năng tư duy toán học với những phương pháp logic của bạn hoạt động rất chậm chạp và nặng nề. Chúng sử dụng khả năng lưu trữ và các công cụ khác. Trong khi đó phần tâm thức vô lý trí, chạy bằng cảm xúc và trực giác thì lại hoạt động vô cùng nhanh. Khi quyết định thay dầu xe hay lắp đặt một chiếc máy rửa bát, bạn sẽ phụ thuộc vào việc xử lý, thực hiện theo hướng dẫn, đo đạc kích thước của phần não có lý trí chứ không dựa nhiều vào cảm xúc. Tuy nhiên cảm xúc và đánh giá tức thời sẽ được sử dụng khi bạn lựa chọn những thứ không thể diễn đạt qua những phương trình trong tâm thức, ví dụ như là ăn trưa ở đâu hay thuê phim gì để xem. Phần lý trí vẫn đưa ra quyết định, nhưng tiềm thức mới là nơi cung cấp những ảnh hưởng và cảm xúc. Một phần lớn trong cuộc sống của bạn phụ thuộc vào bộ não cảm xúc. Điều này có nghĩa là trong những vấn đề xã hội hay những tình huống giữa sống và chết, suy nghĩ và hành vi của bạn được điều khiển bởi những phản ứng tự động và vô thức, những tác động từ một nơi tăm tối rất khó để chạm vào và giải thích. Đã có rất nhiều sách viết về đề tài này nên chúng ta sẽ không đi quá sâu vào nữa. Chỉ cần nhớ rằng cảm xúc có tác động rất lớn lên phần não có nhiệm vụ đưa ra quyết định. Bạn có thể chia tâm trí của mình ra thành các phần tự động, cảm xúc, hay lý trí. Nhưng để đơn giản hơn thì hãy chia làm hai thôi: con người có ý thức và con người vô thức của bạn.

Con người vô thức của bạn có nhiều điểm giống với loài chuột. Một con chuột ăn hết lượng thực phẩm bằng khoảng 15% khối lượng cơ thể chính nó mỗi ngày, điều này tương đương với việc một người đàn ông 80kg tiêu thụ gần nửa cân đồ ăn mỗi giờ đồng hồ. Những sinh vật nhỏ bé này rất tò mò nhưng cũng cẩn trọng. Và cũng giống như bất kỳ sinh vật nào ngoài tự nhiên, phần lớn các hành vi của chuột được dựa trên trận chiến giữa rủi ro và lợi ích. Vì cần phải ăn liên tục, một con chuột luôn phải đối mặt với những tình huống cần cân nhắc giữa mối nguy của việc kiếm thức ăn và nhu cầu nạp năng lượng. Chuột vốn có bộ não sơ cấp nên nó không thể lựa chọn dựa vào lý trí hay phân tích, so sánh giữa lợi ích kinh tế với tổn thương thể chất. Vậy nên nó phải tìm cách vượt qua sóng gió cuộc đời bằng trực giác của loài gặm nhấm. Khi gặp một tình huống mới, con chuột sẽ phải xác định hành động tiếp theo mà không thông qua những lý luận logic như bạn có thể sử dụng. Nếu không phải vậy thì bẫy chuột đã trở nên vô dụng. Xa xưa trong lịch sử tiến hóa, bạn và chuột đã từng có chung một tổ tiên. Những khả năng vô thức để nhận biết rủi ro và lợi ích từ hồi đó đã tiến hóa thành phiên bản mà ngày nay cả bạn và chuột đều sử dụng. Việc nhận biết rủi ro không phải là thứ được rút ra thành một bản báo cáo hay một cái thước đo tưởng tượng trong não. Phải có sự chuẩn bị kỹ càng mới có thể tạo ra những bản vẽ và đồ thị, còn việc nhận định rủi ro lại xuất phát từ tiềm thức, hay nói chính xác hơn là từ các cấu trúc đảm trách cảm xúc trong não của bạn. Chỉ một đánh giá đơn giản, phân loại tình hình là tốt hay xấu đã giúp cho tổ tiên bạn có thể tránh được hàm răng của thú săn mồi, hay một lưỡi gươm sắc lẹm. Tuy nhiên, khi mà vấn đề trở nên quá phức tạp, giống như trường hợp của chiếc bẫy với những con chuột đang đi lùng thức ăn, bạn sẽ dễ dàng thất bại.

Khi trở vẻ với nơi mà rắn trườn dưới chân và thức ăn mọc trong bụi, sự chú ý của bạn sẽ thu gọn lại về những thứ ngay trong tầm với. Khi quay về với môi trường mà từ đó bộ não bạn đã được tiến hóa để thích nghi, ví dụ như lúc bị lạc trong rừng, khả năng trực giác về rủi ro của bạn sẽ trở nên vô cùng hữu dụng. Trong bất kỳ trường hợp nào mà những mối lo giảm xuống chỉ còn rủi ro và lợi ích ngay trước mắt thì những phần mềm được cài sẵn trong bộ gen sẽ giúp bạn sống sót được khá lâu. Tua nhanh tới thời hiện đại, giờ thì bộ não cổ xưa của bạn phải chiến đấu với một thế giới hầu như toàn những thứ cao siêu khó chạm tới. Vay nợ và kế hoạch lương hưu, các bệnh tim mạch và bầu cử, đó toàn là những thứ khó hiểu hơn rất nhiều so với cảm giác đói cồn cào hay tiếng trườn bò của một sinh vật trong bóng đêm. Hệ thống lường tránh rủi ro của bạn rất giỏi đối phó với những tình huống cụ thể nhưng lại rất tệ khi phải đối đầu với sự trừu tượng.

Năm 1997, trên tạp chí Science, Antoine Becharo và Hanna Demasio đã công bố một nghiên cứu mà đến giờ vẫn được coi là ví dụ điển hình nhất về con người vô thức. Họ đưa ra giả thiết là khả năng tư duy của bạn “bị lấn át bởi những bước xử lý vô thức không sử dụng những cấu trúc thần kinh hỗ trợ tường thuật thông tin.” Nói một cách khác là bạn đã bắt đầu giải quyết vấn đề trước khi nhận thức được điều đó.

Trong nghiên cứu này, những người tham gia được chơi một trò chơi với những lá bài nhưng không hề biết quy luật của chúng. Họ chỉ biết rằng sẽ nhận được tiền thưởng nếu thắng và bị phạt tiền nếu thua. Để chơi trò này, họ rút từng lá bài một từ bốn bộ khác nhau cho tới khi các nhà tâm lý học tuyên bố trò chơi kết thúc. Hai bộ bài đầu tiên mặc dù có phần thưởng cao nhưng lại có rất nhiều những lá bài thua cuộc có thể khiến người chơi mất tiền. Hai bộ bài còn lại thì phần thưởng không lớn bằng, nhưng cái giá phải trả cho những con bài xấu cũng nhỏ hơn. Mặc dù không nắm được tính chất của bốn bộ bài này, tất cả những người tham gia thí nghiệm đều có xu hướng chuyển dần việc rút bài từ hai bộ ăn lớn thua lớn sang hai bộ rủi ro thấp hơn. Sức mạnh của việc nhận diện khuôn mẫu đã ảnh hưởng lên hành vi của họ, đưa họ tới với những lựa chọn tốt nhất mặc dù họ không hề nhận thức được điều đó. Không chỉ có vậy, nghiên cứu còn tiếp tục đi sâu hơn. Những người tham gia được kết nối với những cảm biến đo độ ẩm trên da. Ra mồ hôi là phản ứng cơ thể tự động điều tiết bằng phần tâm trí vô thức thông qua hệ thần kinh giao cảm. Kết quả cho thấy độ ẩm trên da tăng đột biến khi họ đưa tay về phía những bộ bài có tính rủi ro cao, trước cả khi họ bắt đầu chuyển hướng sang chọn bài từ những bộ khác. Phần tâm trí vô thức đã nhận ra mức độ rủi ro và bật những hồi chuông cảnh báo lên từ rất lâu trước khi phần trí não có ý thức nhận ra và làm theo. Khi được hồi sau thí nghiệm, khoảng ⅓ số người tham gia đã không thể giải thích tại sao họ lại chỉ bốc bài từ những bộ an toàn hơn.

Những quyết định liên quan tới rủi ro và lợi ích khởi nguồn từ phần tâm trí vô thức của bạn. Nhân cách vô thức này có khả năng nhanh chóng nhận ra những thứ tốt hoặc xấu, nguy hiểm hoặc an toàn trước khi phần nhận thức có thể đưa ra lời giải thích. Những thứ tốt mang lại lợi ích cho bạn, những thứ xấu thì làm hại bạn. Khi nói một thứ gì đó là tốt, bạn đang ám chỉ rằng nó xứng đáng với những rủi ro cần trải qua để đạt được. Liệu bạn có dám ngủ qua một đêm khi có một con rắn độc đang xổng chuồng ở đâu đó trong căn hộ của bạn? Mức độ rủi ro của khả năng bị rắn cắn cao hơn nhiều lần so với lợi ích có được từ việc ngủ một cách thoải mái trên chính chiếc giường của mình, bởi vậy lựa chọn của bạn có lẽ là không. Vậy liệu bạn có dám đặt chân lên máy bay để đi du lịch tới Las Vegas? Khả năng để máy bay rơi là quá nhỏ so với niềm vui khi được xem Penn và Teller trình diễn ảo thuật hay là chơi cờ bạc xuyên đêm trên sa mạc, bởi vậy bạn sẽ sẵn sàng mua vé và đối đầu với những vùng nhiễu động không khí.

Những tính toán này không được viết lên tấm bảng đen trong tâm trí bạn; chúng được rút ra từ trực giác và những rung động của cảm xúc, nổi lên như phần nổi của tảng băng khổng lồ nằm sâu trong vô thức. Con người, giống như các loài động vật khác, vốn đã luôn đưa ra những quyết định nhờ vào trực giác từ rất lâu trước khi có được khả năng cân nhắc kỹ lưỡng. Bởi vậy mà ảnh hưởng từ những cỗ máy cổ xưa này trong tâm trí là rất lớn.

Năm 1982, một bệnh nhân với cái tên Elliot đã trở nên nổi tiếng trong giới nghiên cứu về khoa học thần kinh. Một khối u ác tính đã xuất hiện tại khu vực vỏ não trán ổ mắt (orbitalfrontal cortex) của Elliot. Mặc dù khối u quái ác đã phá hỏng cuộc sống của anh, nó lại mang tới cho khoa học một cái nhìn chưa tùng có về vai trò quan trọng của cảm xúc trong quá trình đưa ra những quyết định. Trước khi khối u phát triển, Elliot là một kế toán thành đạt, có vợ và nhà riêng cùng tài khoản tiết kiệm trong ngân hàng. Sau khi khối u phát triển và được phẫu thuật để cắt bỏ, anh đã mất khả năng quyết định nhanh, thường sững lại khi bị đặt vào tình huống phải lựa chọn giữa những thứ vô cùng đơn giản, ví dụ như chọn quần áo để mặc mỗi sáng. Phần não cảm xúc của Elliot đã mất đi khả năng liên kết với phần não có lý trí sau phẫu thuật. Anh không biểu hiện bất kỳ phản ứng cảm xúc nào trước những bức ảnh vốn có thể khiến người thường rùng mình, ví dụ như ảnh của những thi thể nham nhở. Thậm chí khi được kết nối với thiết bị đo độ ẩm trên da như trong thí nghiệm với những lá bài, các nhà nghiên cứu cũng không thấy Elliot có bất kỳ phản ứng cảm xúc nào. Đối với Elliot, những hình ảnh này không xấu và cũng chẳng tốt. Anh đã trở thành một sinh vật thuần lý trí, xem xét mọi thông tin với ánh mắt lạnh lùng đầy logic. Elliot không thể lựa chọn giữa những thứ giản đơn bởi anh không còn chút cảm xúc nào. Nếu phải chọn món trong thực đơn, anh sẽ bắt đầu phân tích hằng hà sa số những dữ kiện như thể tất cả những bí ẩn của vũ trụ đang mở ra trước mắt vậy. Từ kết cấu, kích thước, hình dáng, mức năng lượng, mùi vị, cho tới lịch sử ăn uống của chính mình và giá cả – tất cả những dữ kiện này và hàng trăm thứ khác nữa sẽ bị đem ra soi xét, phân tích và so sánh trong một vòng tính toán vô tận. Đưa ra lựa chọn khi không có cảm xúc là một việc vô cùng khó khăn. Elliot đã trở thành một người máy, không còn biết đến yêu ghét hay thèm muốn. Cuối cùng, anh đã phải ly dị vợ, bị mất việc làm, tiền bạc, nhà cửa và tất cả những thứ khác trong cuộc đời cũ, chỉ trừ tình thương của cha mẹ anh, những người đã đón anh về sống chung.

Như vậy, nói cho cùng thì sự tự nghiệm cảm xúc thường là một thứ tốt. Bạn cần nó để có thể nhìn ra được những mối nguy – và để chọn được một nhà hàng mà ngồi ăn sau buổi hòa nhạc. Vấn đề sẽ chỉ xuất hiện khi bạn phải đánh giá một lượng lớn những khả năng, hoặc là khi bạn cần phải tìm ra sự kết nối và sự trừu tượng. Đây là lý do tại sao mà những chính khách đưa ra biểu đồ và đồ thị lại thường thua cuộc, trong khi người chuyên kể những câu chuyện vặt vãnh lại hay giành chiến thắng. Ở mức độ cảm xúc, những câu chuyện sẽ luôn mang lại cảm giác dễ hiểu, bởi vậy bất kỳ thứ gì có thể mang lại sự sợ hãi, lòng đồng cảm, hay niềm kiêu hãnh đều sẽ nổi bật hơn những số liệu thống kê rắc rối. Chúng khiến bạn phải mua hệ thống an ninh cho căn nhà của mình, trong khi lại chẳng màng tới việc trang bị một máy phát hiện radon⦾. Chúng khiến bạn luôn mang theo một lọ xịt hơi cay, trong khi vẫn cứ tiếp tục làm tắc mạch máu của chính mình bằng đồ ăn nhanh. Chúng khiến người ta phải lắp đặt các thiết bị phát hiện kim loại tại trường học, nhưng vẫn cứ để khoai tây rán có mặt trên thực đơn. Chúng tạo ra những người ăn chay hút thuốc. Những mối nguy hiểm nguyên thủy và phổ biến sẽ dễ để thấy hơn và dễ phòng tránh hơn, ngay cả khi những nguy cơ lớn hơn cũng đang lẩn khuất. Sự tự nghiệm cảm xúc cho những giao cảm cơ bản nhất của bạn biết về rủi ro và lợi ích trước mắt, trong khi bỏ qua bức tranh toàn cảnh và những nguy cơ tiềm tàng trong một hệ thống lớn, thứ cần phải có sự đào sâu nghiên cứu mới có thể thấy được.

Trong một nghiên cứu thực hiện vào năm 2000, Melissa L. Funicane, Ali Alhakami, Paul Slovic, và Stephen M. Johnson đã cho những người tham gia đánh giá về độ rủi ro và lợi ích của khí đốt tự nhiên, chất bảo quản thực phẩm, và nhà máy điện hạt nhân trên thang điểm từ 1 tới 10. Những người này được chia ra thành nhóm, trong đó có nhóm chỉ được đọc về rủi ro, và có nhóm chỉ được đọc về lợi ích. Sau đó, họ phải xem xét và đánh giá lại những thứ trên. Như bạn có thể đoán, những người đọc về lợi ích có xu hướng cho rằng những công nghệ trên có lợi cho xã hội hơn đánh giá ban đầu. Nhưng thứ kỳ lạ ở đây là gì? Họ cũng chấm điểm rủi ro giảm xuống luôn, khiến cho khoảng cách giữa hai điểm lớn hơn. Điều tương tự cũng xảy ra với những người đọc về rủi ro: Họ đánh giá những công nghệ này mang nhiều rủi ro hơn – và mang lại ít lợi ích hơn. Điều này càng trở nên rõ rệt khi các nhà nghiên cứu yêu cầu họ phải hoàn thành việc đánh giá trong khoảng thời gian ngắn. Một cách logic mà nói, rủi ro và lợi ích là hai thứ tách biệt và cần phải được đánh giá một cách riêng rẽ. Nhưng mà bạn lại không phán xét mọi chuyện một cách logic. Khi một thứ có vẻ có ích hơn đối với bạn, nó cũng sẽ có vẻ bớt rủi ro hơn. Khi bạn nhận định thứ gì đó là tốt, những tính chất xấu của nó sẽ bị bỏ qua. Ngược lại, khi bạn thấy một thứ là nguy hiểm, việc tìm ra những điểm tốt của nó sẽ trở nên khó khăn hơn. Hiệu ứng tự nghiệm cảm xúc này sẽ mạnh hơn khi đánh giá thứ gì đó gần gũi, hay có liên hệ với phần não nguyên thủy của bạn.

Những cảm giác mà bạn cảm thấy khi xác định một thứ là tốt hay xấu hay khi quyết định có nên làm việc gì đó hay không đều chịu ảnh hưởng rất lớn từ sự tự nghiệm cảm xúc. Hãy nhớ tới điều này khi bạn nhận thấy những ngôn từ hay hình ảnh thể hiện sự sợ hãi từ một nguồn có chủ đích. Khi ai đó cố gắng nâng cao quan điểm, tâng bốc một mặt tích cực nào đó của vấn đề, hay bắt đầu sử dụng ngôn từ bay bổng, hãy luôn nhớ về xu hướng đánh giá vội vàng và lưu dấu ấn tượng ban đầu của bản thân. Bạn luôn để ý tới nguy cơ và lợi ích, nhưng khi bạn muốn tin rằng một điều gì đó là tốt, bạn sẽ vô thức phớt lờ những khuyết điểm của nó, và ngược lại. Bất kỳ một mối nguy quen thuộc nào cũng có thể che khuất những mối nguy hiểm mới, và những ấn tượng ban đầu thì rất khó để thay đổi.

Con số Dunbar

Bạn có một cuốn danh bạ trong đầu lưu giữ tên gọi và khuôn mặt của tất cả những người mà bạn quen biết.

Bạn chỉ có khả năng duy trì và chăm chút cho các mối quan hệ với khoảng 150 người trong cùng một thời điểm.

Hãy tưởng tượng một cốc chứa đầy nước. Cho thêm một giọt nước vào, và một giọt sẽ tràn ra. Đổ thêm một cốc nước đầy vào, và lượng nước vừa bằng một cốc sẽ tràn ra. Đây được gọi là hệ có tổng bằng không. Để thêm bất kỳ cái gì vào đây, bạn cũng phải bỏ đi một lượng đúng bằng lượng cho thêm.

Ngân hàng của những tên gọi, những khuôn mặt, và những mối quan hệ trong tâm trí bạn, thứ giúp bạn có thể theo dõi xem ai là bạn, ai là thù, ai là bạn tình tiềm năng – ngân hàng này cũng là một hệ có tổng bằng không. Điều này không liên quan tới năng lực lưu trữ thông tin của bạn mà liên quan tới mức năng lượng bạn có để lo lắng về vị trí của bản thân trong cuộc sống xã hội.

Ở những loài linh trưởng khác, các mối quan hệ xã hội được duy trì thông qua việc chải chuốt – bắt chấy rận cho nhau. Tất nhiên là bạn không đến một buổi xem phim Mad Men rồi bới tóc và bắt chấy cho bạn bè trong lúc xem phim. Nhưng việc tụ tập dù với bất kỳ lý do gì vẫn là một hành động chải chuốt. Các bạn cùng đi chơi, cùng làm việc và gọi điện thoại cho nhau để giữ liên lạc. Tới nhà bạn bè để vui chơi là phiên bản con người của việc ngồi bắt chấy rận. Sự phát triển của công nghệ đã cho phép bạn giữ liên lạc với những người yêu thương dù có khoảng cách địa lý lớn, và nhờ vậy hành vi chải chuốt này vẫn được duy trì. Thực tế cho thấy hầu hết tất cả những tập tính kết bầy bẩm sinh của bạn đều hoạt động bằng cách tự thích nghi với thời kỳ mà bạn sống. Trong cuộc sống hiện đại, những mối quan hệ của con người đã không còn bị chia cách bởi khoảng cách địa lý. Bạn có thể chọn bất kỳ ai ở bất kỳ đâu trên thế giới và chơi trò 6 bước nhảy⦾ để kết nối họ với chính mình. Con người của thời hiện đại có sự liên hệ vô cùng khăng khít.

Thế nhưng bạn lại không thể giữ vững và duy trì được tất cả các mối quan hệ với những con người này theo đúng định nghĩa về quan hệ xã hội – bạn không thông minh lắm mà. Sự thật là là trong đám rối ren những dây mơ rễ má này, bạn chỉ có khả năng giữ chắc được mối quan hệ với khoảng 150 người. Nói một cách chính xác hơn là khoảng từ 150 đến 230 người. Mỗi đô thị lớn lại là nơi ở của hàng triệu người, mạng xã hội trên Internet luôn tràn ngập những dòng cập nhật trạng thái cá nhân, những tập đoàn lớn có chi nhánh ở khắp nơi trên thế giới – bộ não của bạn không có đủ khả năng để xử lý khối lượng các mối quan hệ khổng lồ trong những ví dụ trên. Cá tính của mỗi người, lịch sử của từng mối quan hệ, tất cả tập hợp lại thành một tệp dữ liệu vô cùng lớn chứa những thông tin xã hội cần chăm chút thường xuyên. Tâm lý học đã chỉ cho ta thấy bộ não không hoạt động như một ổ đĩa cứng, vậy nên vấn đề với các mối quan hệ không phải là chúng ta không có đủ chỗ để chứa dữ liệu. Vấn đề này liên quan nhiều hơn tới giới hạn lành mạnh của phần tâm trí đảm trách quan hệ xã hội.

Tại sao lại như vậy?

Vùng tân vỏ não ở các loài động vật linh trưởng chính là bộ phận có nhiệm vụ ghi nhớ và duy trì các mối quan hệ. Chúng ta không biết rõ kích cỡ của phần này do yếu tố nào quyết định, nhưng độ lớn của tân vỏ não của mỗi loài đều có liên quan tới số lượng cá thể trong một nhóm. Vượn sống trong những nhóm nhỏ, con người thì có những mối quan hệ xã hội rộng hơn. Nhà nhân chủng học Robin Dunbar là người đầu tiên đề xuất quan điểm này. Ông đã nhận ra kích cỡ một nhóm cá thể trung bình của mỗi loài có liên quan tới độ hiệu quả của những hành vi giao tiếp xã hội. Dunbar đã kết luận rằng độ hiệu quả này có thể được dự đoán thông qua mức độ phát triển của vùng tân vỏ não. Theo lời ông, nhóm cá thể càng lớn thì thời gian mỗi cá thể phải bỏ ra để giao lưu càng nhiều. Mỗi người phải kết nối với tất cả mọi người trong nhóm, và cũng phải để ý xem ai là bạn với ai, ai có thù hằn với ai, hiện trạng cuộc sống của từng người so với nhau và so với chính bản thân như thế nào. Sự phức tạp này tăng lên theo cấp số nhân mỗi khi có thành viên mới vào nhóm. Khi một ai đó chuyển tới nơi khác sống, bạn sẽ kết nối với họ ngày càng ít đi, và dần dà có thể sẽ chỉ gặp gỡ mỗi năm một lần, hoặc thậm chí là mất liên lạc trong nhiều năm. Giữ mối quan hệ với người đã ra khỏi vòng liên lạc trực tiếp của bạn tốn rất nhiều công sức. Và những nỗ lực này sẽ lấy bớt đi thời gian bạn dành cho những người khác. Không chỉ có vậy, bộ não đã thành hình trong một thế giới mà thời gian bỏ ra để duy trì các kết nối xã hội cũng sẽ ăn bớt vào quỹ thời gian cho những việc quan trọng khác, ví dụ như săn bắt, hái lượm, xây dựng nơi trú ẩn. Công sức và thời gian mà bạn có thể bỏ ra là có giới hạn – đây cũng là một hệ với tổng bằng không.

Bởi vì tính hiệu quả tác động lên độ lớn của nhóm cá thể nên khả năng sử dụng ngôn ngữ đã cho chúng ta lợi thế lớn hơn các loài vượn và khỉ. Theo quan điểm của Dunbar, việc duy trì các mối quan hệ xã hội thông qua ngôn ngữ dễ dàng hơn rất nhiều so với việc ngồi bắt chấy rận cho nhau. Khối lượng công sức dành cho các mối quan hệ xã hội được định trước bởi vùng tân vỏ não quyết định giới hạn về độ lớn của nhóm xã hội. Kết nạp thêm thành viên mới sẽ phá vỡ sự cân bằng. Một nhóm thiếu cân bằng thì dễ đổ vỡ. Nhóm đạt được độ cân bằng cao thì sẽ được duy trì.

Giói hạn này đã ảnh hưởng lên cách mà loài người sinh sống trong suốt quá trình lịch sử.

Mọi bằng chứng khảo cổ đều cho thấy những nhóm, bộ tộc, làng xã thời cổ đại đều có số thành viên đạt mức tối đa vào khoảng 150 người. Đây là khoảng giới hạn số lượng người mà bạn có thể tin cậy và nhờ vả, những người mà bạn có thể trò chuyện cùng. Một khi vượt quá con số này, theo như nghiên cứu của Dunbar, thì tới 42% tổng quỹ thời gian của cả nhóm sẽ phải dành ra để lo lắng về các mối quan hệ. Cần phải có áp lực rất lớn từ môi trường xung quanh để việc xây dựng một nhóm lớn như vậy trở nên xứng đáng. Dần dần, con người bắt đầu nghĩ đến những phương pháp để duy trì những nhóm lớn như quân đội, thành phố, hay cả một quốc gia, và phương pháp chia nhỏ ra đời. Con số Dunbar được sử dụng để giải thích tại sao những nhóm lớn luôn được cấu tạo nên từ các thành phần nhỏ hơn và dễ quản lý hơn, ví dụ như đại đội, trung đội, tiểu đội trong quân đội, hay là chi nhánh và các phòng ban trong các công ty. Không một nhóm nào với số lượng vượt quá 150 cá thể lại có thể hoạt động hiệu quả mà không có sự phân chia về cấp bậc, vị trì và vai trò.

Trong thế giới tự nhiên hoang dã, rất khó để một nhóm 150 người có thể hợp tác và cùng theo đuổi một mục tiêu chung. Trong cuộc sống hiện đại, điều này có thể đạt được thông qua những cấu trúc quản lý tổ chức. Giống như Malcolm Gladwell đã chỉ ra trong cuốn sách The Tipping Point của mình, khi một công ty có lượng nhân sự vượt quá con số 150, năng suất lao động sẽ giảm sút rõ rệt cho tới khi công ty này tự chia thành những phòng ban nhỏ hơn. Bạn hoạt động hiệu quả nhất khi ở trong một nhóm nhỏ – bằng cách này, tất cả những thành viên trong nhóm sẽ được kết nối với nhau, và sẽ có một số người nhất định đóng vai trò kết nối nhóm này với nhóm kia.

Con số Dunbar không phải là cố định. Nó có thể tăng lên hoặc giảm xuống dựa vào các yếu tố ngoại cảnh và những công cụ hỗ trợ. Khả năng là nhóm bạn của bạn sẽ chỉ có dưới 150 thành viên, nhưng khi bạn cần phải kết nối với những nhóm khác lớn hơn, ví dụ như ở chỗ làm hay trường học, con số 150 là ngưỡng mà tân vỏ não của bạn trở nên đuối sức. Với những công cụ hiện đại như điện thoại, Facebook, email, bang hội trong trò World of Warcraft, v.v. Bạn có thể duy trì quan hệ với nhiều người hơn một chút. Nghiên cứu gần đây nhất của Dunbar cho thấy ngay cả những người dùng Facebook với danh sách bạn bè trên 1000 người, họ cũng chỉ liên lạc thường xuyên với khoảng 150 người, và trong nhóm 150 người đó thì họ cũng chỉ thực sự thân với khoảng dưới 20 cá nhân.

Có thể mạng xã hội đang cách mạng hóa cách mà các tổ chức, và chính chúng ta liên lạc với nhau. Nhưng cuối cùng thì có lẽ chúng cũng không tác động nhiều lắm lên các nhóm quan hệ cốt lõi – những người mà bạn thân thiết thực sự. Bạn có thể duy trì một số lượng khổng lồ những mối liên kết lỏng lẻo với mọi người trên Facebook, Twitter, hay là bất kỳ mạng xã hội nào trong tương lai, tương tự như khi ở trong một công ty lớn. Nhưng những mối quan hệ thân thiết cần sự chăm chút thường xuyên. Bất kỳ ai sử dụng số lượng bạn bè trên Facebook để làm thước đo vị thế trong xã hội đều đang tự lừa dối bản thân. Bạn có thể chia sẻ video hài hước về một con dê ngất xỉu với hàng trăm người quen và hàng ngàn người theo dõi, nhưng bạn sẽ chỉ có thể tin tưởng giao phó bí mật với rất ít người bạn thực sự mà thôi.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3