Bạn Không Thông Minh Lắm Đâu - Chương 23

Ảo giác về

sự minh bạch

Khi bạn đang trải qua những cảm xúc mạnh, những người xung quanh chỉ cần nhìn là biết được điều bạn đang suy nghĩ và cảm nhận.

Những trải nghiệm chủ quan của bạn không thể quan sát được từ bên ngoài, và bạn đang đánh giá quá cao khả năng truyền tải suy nghĩ và cảm xúc cá nhân của mình.

Bạn đang đứng trước lớp huấn luyện phát biểu trước công chúng với những tờ giấy ghi chép được đặt ngay ngắn trước mặt. Dạ dày thì bắt đầu tập thể dục dụng cụ trong ổ bụng. Trước đó bạn đã ngồi lắng nghe tất cả những bài phát biểu của những người khác với đôi chân không ngừng dậm nhịp xuống sàn như thể cố gắng truyền hết sự bồn chồn xuống những viên gạch lát nền. Thi thoảng bạn lau đôi bàn tay đẫm mồ hôi vào quần. Mỗi khi một bài phát biểu kết thúc, cả lớp vỗ tay và bạn cũng làm theo. Và khi tiếng tán thưởng chìm dần đi thì bạn nhận ra tim mình đang đập rất mạnh. Cuối cùng, giảng viên cũng gọi tới tên bạn. Mắt bạn mở to. Trong lúc cẩn trọng bước từng bước lên bục, bạn cảm tưởng như thể mình vừa ăn nguyên một thìa đầy mùn cưa. Và khi bắt đầu bài nói đã được tập đi tập lại của mình, bạn nhìn quanh vào khuôn mặt của những người bạn cùng lớp.

“Sao thằng kia lại cười? Con bé kia đang hí hoáy viết gì vậy? Có phải cậu ta vừa nhíu mày không nhỉ?”

“Thôi chết rồi,” bạn nghĩ. “Tất cả mọi người đều có thể thấy rõ là mình đang bồn chồn lúng túng đến thế nào.”

Chắc mình trông như một thằng khờ. Mình thất bại rồi, phải không? Tệ quá đi. Cầu trời cho một mảnh thiên thạch rơi trúng căn phòng này trước khi mình phải nói thêm một lời nào nữa.

“Tôi xin lỗi,” bạn nói với khán giả. “Cho phép tôi được bắt đầu lại.”

Giờ thì mọi chuyện còn tệ hơn nữa. Có ai khùng tới nỗi đang phát biểu mà lại đi xin lỗi không? Giọng của bạn run run. Những hạt mồ hôi lấm tấm sau gáy. Bạn tin rằng mặt mình đã đỏ ửng hết cả lên rồi, và cả khán phòng chắc là đang phải cố gắng nhịn cười. Nhưng thực chất lại không phải vậy. Họ chỉ đang cảm thấy buồn chán như với tất cả các bài phát biểu khác mà thôi. Mặc dù vậy, sự lo lắng của bạn vẫn đạt đến đỉnh điểm, và bạn cảm thấy như thể những dòng cảm xúc đang tỏa ra quanh đỉnh đầu như một vòng hào quang của sự tuyệt vọng. Sự thật là người ngoài chẳng thể nhìn thấy gì ngoại trừ biểu cảm trên khuôn mặt bạn và có thể là những hạt mồ hôi đang tuôn ra nữa. Để thông tin có thể được truyền từ bộ não của người này qua người khác thì phải thông qua hình thức giao tiếp nào đó. Biểu cảm, âm thanh, cử chỉ, hay là từ ngữ như chính những thứ bạn đang đọc trên trang giấy này – chúng ta buộc phải phụ thuộc vào những công cụ thiếu tinh tế này để giao tiếp với nhau. Dù cảm xúc có mạnh mẽ hay ý tưởng có lớn lao tới mức nào đi chăng nữa, chúng cũng không bao giờ rõ ràng với người quan sát từ bên ngoài như với chính bản thân bạn. Và đây chính là ảo giác về sự minh bạch (illusion of transparency).

Bạn biết rõ mình đang cảm thấy gì, đang suy nghĩ gì, và bởi vậy bạn có xu hướng cho rằng những suy nghĩ và cảm xúc đó sẽ thẩm thấu qua lỗ chân lông của mình và trở nên rõ ràng với cả thế giới. Bạn đánh giá quá cao độ hiển nhiên của suy nghĩ trong đầu mình, và không nhận ra rằng những người khác cũng đang mải chìm trong bong bóng của riêng họ; tất nhiên, họ cũng suy nghĩ hệt như bạn. Khi phải đoán xem người khác đang nghĩ gì, bạn chẳng có lựa chọn nào khác ngoài việc bắt đầu với những suy nghĩ của bản thân mình. Và do bị giới hạn trong góc nhìn cá nhân, bạn cho rằng những suy nghĩ và cảm xúc mà bạn trải qua hẳn là hiển nhiên. Tất nhiên là nếu để ý thật kỹ, đối phương có thể đọc vị được bạn, nhưng cũng chỉ ở mức độ nào đó thôi. Và bạn thì luôn đánh giá quá cao khả năng này của họ.

Bạn có thể tự làm một bài kiểm tra về loại ảo giác này thông qua một phương pháp được sáng tạo bởi Elizabeth Newton.

Hãy chọn một bài hát mà ai cũng biết, ví dụ như quốc ca chẳng hạn, và nhờ một người ngồi đối diện bạn cùng tham gia. Giờ bạn hãy dùng ngón tay đập nhịp bài hát đó lên bàn. Sau một hay hai khổ nhạc, hãy thử hỏi xem đối phương có đoán được ra là bạn đang gõ nhịp bài hát nào không. Trong tâm trí của bản thân thì bạn có thể nghe rõ từng nốt nhạc, từng nhạc cụ. Còn họ thì chỉ nghe được tiếng gõ ngón tay của bạn. Đừng đọc nữa. Thử đi. Tôi sẽ chờ.

Được rồi. Cứ cho là các bạn đã thử thí nghiệm trên đi. Kết quả thế nào? Đối phương có đoán ra được là bạn đã gõ nhịp theo bài hát nào không? Chắc là không rồi. Trong nghiên cứu của Newton, người gõ nhịp tiên lượng rằng đối phương có thể đoán được chính xác một nửa trong tổng số bài hát, nhưng trên thực tế họ chỉ đoán trúng có 3% số bài hát thôi.

Sự khác biệt lớn giữa điều mà bạn nghĩ những người xung quanh sẽ hiểu và điều mà họ thực sự hiểu có lẽ đã dẫn tới đủ thể loại hiểu nhầm khi giao tiếp qua tin nhắn hay email. Nếu bạn giống tôi, có lẽ bạn sẽ thường xuyên phải đọc lại rồi sửa lại những gì mình đã viết, hoặc có thể sẽ phải tự chất vấn giọng điệu của mình, hay thậm chí là phải viết và gửi lại toàn bộ.

Cư dân mạng thường viết kèm ký tự /s ở cuối một câu để ám chỉ rằng câu đó mang tính châm biếm (đây là một trò đùa xuất phát từ những lập trình viên với ý nghĩa kết thúc châm biếm). Truyền tải giọng điệu qua mạng khó tới nỗi chúng ta đã phải sáng tạo thêm ký tự để làm rõ vấn đề. Tương tự như vậy, truyền tải ý tưởng của người này cho người khác cũng rất khó, và rất nhiều thông tin có thể bị mất đi. Một ý nghĩ chợt tới mạnh mẽ như thể trận tuyết lở trong trí óc bạn sẽ chẳng thể khiến người khác cảm thấy tương tự khi phát ra từ miệng hay tay bạn.

Năm 1998, Thomas Gilovich, Victoria Medvec, và Kenneth Savitsky đã công bố một nghiên cứu ảo giác về sự minh bạch. Họ cho rằng trải nghiệm chủ quan là một thứ mạnh mẽ, và rất khó để nhìn xuyên qua nó khi đang ở trong trạng thái hưng phấn. Giả thiết của họ được dựa trên hiệu ứng ánh đèn sân khấu – hiệu ứng cho rằng mọi người xung quanh đều tập trung chú ý vào bạn, soi xét từng hành vi và cử chỉ của bạn, trong khi thực tế là hầu hết thời gian bạn đều chìm vào phông nền. Gilovich, Medvec, và Savitsky cho rằng hiệu ứng này mạnh mẽ tới mức nó khiến bạn cảm thấy như có một ánh đèn sân khấu giả tưởng chiếu xuyên qua mọi lời nói và hành động, phơi bày nội tâm của bạn với thế giới. Họ đã chia sinh viên của Đại học Cornell thành các nhóm. Khán giả sẽ được nghe mỗi cá nhân trong từng nhóm đọc các câu hỏi từ một danh mục và rồi trả lời chúng. Những người này sẽ phải trả lời thật hoặc nói dối theo một yêu cầu kín. Khán giả sau đó sẽ được nhận giải thưởng dựa trên số kẻ nói dối mà họ bắt được. Những người nói dối sẽ nói những câu như: “Tôi đã từng gặp David Letterman;” sau đó họ sẽ phải đoán xem có bao nhiêu khán giả đã phát hiện ra lời nói dối của họ.

Kết quả ra sao? Một nửa số người phải nói dối đã tưởng mình bị bại lộ, trong khi thực tế con số chỉ là ¼ – họ đã tự đánh giá quá cao sự hiển nhiên của các suy nghĩ và cảm xúc của bản thân. Trong những thí nghiệm tiếp theo, một số yếu tố được thay đổi và những câu nói dối được trình bày theo kiểu khác, nhưng kết quả vẫn gần như y hệt.

Những nghiên cứu từ thập niên 80 đã cho thấy bạn rất tự tin vào khả năng nhận ra những kẻ nói dối của mình, nhưng thực chất bạn rất kém việc đó. Ngược lại, bạn nghĩ rằng lời nói dối của mình rất dễ bị phát hiện. Gilovich, Medvec, và Savitsky chuyển sang một thí nghiệm khác. Lần này họ cho các sinh viên ngồi đối diện một chiếc máy quay, và có 15 cốc chứa nước màu đỏ đặt trước mặt họ. Các nhà nghiên cứu yêu cầu sinh viên phải che giấu biểu cảm của mình khi uống những cốc nước này, bởi vì 5 trong số đó sẽ có vị cực kỳ kinh khủng. Sau đó 10 người được cho xem những đoạn phim quay cảnh nếm đồ uống. Các nhà khoa học đã yêu cầu các sinh viên dự đoán số người có thể đoán được chính xác lúc họ uống phải những cốc nước có vị kinh dị. Con số thật là khoảng ⅓ số người quan sát đã đoán đúng. Tuy nhiên các sinh viên lại cho rằng phải khoảng một nửa số người quan sát có thể nhìn thấu nỗ lực che giấu cảm xúc của họ. Ảo giác về sự minh bạch cường điệu hóa khả năng quan sát của những người xung quanh trong tâm trí chủ thể.

Tiến xa hơn, ba nhà khoa học tiếp tục thực hiện một thí nghiệm nữa dựa trên nghiên cứu của Miller và McFarland về hiệu ứng bàng quan (càng nhiều người chứng kiến một tình huống khẩn cấp thì khả năng có người ra tay hành động càng thấp). Một lần nữa, nghiên cứu của họ đã cho thấy khi ở trong một tình huống đáng lo, con người thường cho rằng sự lo lắng đó sẽ được biểu lộ một cách rõ ràng trên mặt mình, trong khi thực tế không phải như vậy. Và đó cũng là một trong những lý do mà không ai trong số những người quan sát hành động. Năm 2003, Kenneth Savitsky và Thomas Gilovich đã nghiên cứu xem liệu con người có thể vượt qua ảo giác về sự minh bạch hay không. Họ đã cho người tham gia phát biểu trước đám đông mà không hề được chuẩn bị, và rồi cho họ đánh giá mức độ bồn chồn của bản thân trong mắt khán giả. Như có thể dự đoán trước, những người tham gia cho rằng mình đã trông rất tệ, nhưng thực ra thì khán giả chẳng hề nhận ra điều đó. Tuy vậy, thí nghiệm này đã khiến một số người bị rơi vào vòng luẩn quẩn do lo sợ nhận xét. Họ tưởng mình trông rất bồn chồn, và bởi vậy họ cố gắng để bù đắp cho điều đó. Sau đó họ lại nghĩ rằng sự bù đắp đó rất lộ liễu, và tìm cách che giấu nó bằng thứ mà họ lại một lần nữa tự cho rằng còn vụng về hơn. Họ cứ như vậy cho tới khi tự đặt mình vào trạng thái hoảng loạn tột cùng và lần này, điều đó thực sự thể hiện ra ngoài. Các nhà khoa học sau đó đã thực hiện lại thí nghiệm, và họ quyết định giải thích trước cho một số đối tượng tham gia về ảo giác về sự minh bạch: Khi nói chuyện trước đám đông, ai cũng có thể cảm thấy như thể sự lúng túng, lo lắng của mình lộ rõ đến mức tất cả mọi người đều nhận ra, nhưng sự thật thì không phải vậy. Lần này, vòng tròn luẩn quẩn đã bị phá vỡ. Những người được phổ biến trước về ảo giác này trở nên thoải mái và ít bị căng thẳng hơn. Họ diễn thuyết tốt hơn, khán giả cũng đánh giá họ cao hơn.

Một khi cảm xúc lên ngôi và trạng thái tâm lý trở thành tâm điểm chú ý của riêng mình bạn, khả năng xác định những thứ mà người xung quanh đang nghĩ hay cảm nhận của bạn sẽ biến mất. Nếu bạn cố nhìn bản thân mình qua con mắt của khán giả, bạn sẽ thất bại. Nắm được điều này, bạn có thể lên kế hoạch chuẩn bị cho hiệu ứng của nó, và cuối cùng sẽ vượt qua nó.

Khi ở gần người mà bạn thích và cảm thấy trống ngực đang đánh thình thịch, đừng hoảng hốt. Trông bạn không hồi hộp như bạn đang nghĩ đâu. Khi đứng trước một khán phòng hay đang bị phỏng vấn qua truyền hình, có thể sự lo âu sẽ như một cơn giông vần vũ trong não bạn, nhưng hãy yên tâm, chúng không thể thoát ra ngoài được đâu. Bạn trông điềm tĩnh hơn bạn tưởng nhiều. Hãy cười lên. Dù món ăn mà mẹ vợ bạn nấu tệ tới nỗi chỉ đáng cho lợn ăn, thì bà ấy cũng không thể nghe thấy những tế bào thần kinh đang cầu xin bạn nhổ nó ra đâu.

Khi bạn đang cố nói về thứ gì đó phức tạp, hay thứ mà bạn có kiến thức sâu rộng, hãy nhớ rằng việc truyền tải thông tin từ bộ não của bạn tới bộ não của người khác không hề đơn giản. Việc giải thích có thể gặp trắc trở, nhưng cũng đừng trút giận lên họ. Đừng nghĩ là họ không thông minh chỉ bởi vì họ không thể đọc được suy nghĩ của bạn. Không có chuyện bạn tự dưng lại nhận được siêu năng lực thần giao cách cảm mỗi khi giận dữ, lo lắng hay hoảng hốt đâu. Hãy giữ bình tĩnh và tiếp tục công việc thôi.

Sự bất lực tự nguyện

Nếu bị rơi vào một tình huống tồi tệ, bạn sẽ làm mọi việc có thể để thoát ra.

Khi cảm thấy không thể điều khiển được vận mệnh của chính mình, bạn sẽ bỏ cuộc và chấp nhận an phận thủ thường.

Năm 1965, nhà tâm lý học Martin Seligman thực hiện thí nghiệm giật điện những con chó.

Ông đã thử mở rộng nghiên cứu của Pavlov – nhà sinh lý học đã khiến cho chó chảy nước miếng một cách vô thức khi nghe tiếng chuông kêu. Seligman muốn thử đi theo hướng ngược lại: Mỗi khi chuông kêu, thay vì cho chó ăn, ông lại giật điện chúng. Để giữ chúng ở yên một chỗ, ông đã sử dụng khung và dây để trói chúng lại. Sau khi những con chó đã bị điều kiện hóa, ông thả chúng vào một chuồng lớn được ngăn đôi bởi hàng rào. Ông dự đoán rằng khi chuông kêu, lũ chó sẽ hoảng sợ và nhảy qua hàng rào để chạy trốn sang nửa chuồng bên kia. Tuy nhiên chúng lại không làm vậy. Chúng chỉ ngồi im tại chỗ và gồng người lên. Sau khoảng vài lần, Seligman quyết định thử cho chúng bị giật điện sau khi nghe chuông giống như điều kiện ban đầu. Và dưới sự ngạc nhiên của ông, lũ chó vẫn ngồi im và hứng chịu cơn giật điện dù không hề bị trói buộc nữa. Khi thử thí nghiệm này với một con chó chưa từng bị giật điện, nó lập tức tháo chạy qua hàng rào.

Bạn cũng giống như những con chó tội nghiệp kia vậy.

Nếu trong cuộc đời, bạn phải trải qua những thất bại nặng nề, sự ngược đãi tệ hại, hay mất kiểm soát hoàn toàn, dần dần bạn sẽ tự thuyết phục bản thân rằng những bế tắc này không có lối thoát. Và lúc đó dù cho một lối thoát có mở ra ngay trước mặt, bạn cũng sẽ không hành động. Bạn trở thành một con người theo chủ nghĩa hư vô, tin vào sự bất lực hơn là sự lạc quan.

Khi nghiên cứu những người bị trầm cảm nặng, các nhà khoa học đã nhận thấy họ thường bỏ cuộc, chấp nhận thất bại và từ bỏ mọi nỗ lực. Một người bình thường sẽ tìm những yếu tố ngoại vi để đổ lỗi cho mọi việc, như khi trượt bài thi giữa kỳ chẳng hạn. Có thể họ sẽ nói giảng viên là tên khốn, hoặc là họ đã bị mất ngủ ngay trước ngày thi. Một người bị trầm cảm sẽ thường tự trách bản thân và cho rằng mình là một kẻ ngu ngốc. Seligman gọi đây là phong cách giải thích cá nhân. Bạn nhìn vào những sự kiện tác động lên cuộc đời mình dưới ba sắc thái khác nhau: cá nhân, vĩnh viễn, và lan rộng. Nếu bạn tự trách chính mình hay đổ lỗi cho những thế lực ngoài tầm kiểm soát, bạn sẽ tổn thương nặng hơn. Tin rằng tình huống sẽ không bao giờ thay đổi khiến nỗi buồn trở nên lớn hơn so với khi tin rằng ngày mai, mọi việc rồi sẽ tốt đẹp. Nếu cho rằng vấn đề trước mắt có tác động lên mọi yếu tố trong sự tồn tại của bạn thay vì chỉ một số mảng nhất định trong cuộc sống, một lần nữa, bạn sẽ cảm thấy tồi tệ hơn rất nhiều. Sự bi quan nằm ở một đầu của bảng màu, còn sự lạc quan thì ở đầu còn lại. Phong cách giải thích của bạn càng bi quan thì khả năng bạn trượt vào sự bất lực tự luyện (learned helplessness) càng lớn.

Bạn có đi bỏ phiếu không?

Nếu không, có phải là bởi bạn thấy điều đó không có ý nghĩa gì? Có phải bạn cho rằng mọi thứ sẽ chẳng thể thay đổi được? Các chính trị gia ở cả hai phe đều xấu xa như nhau? Hay là bởi một lá phiếu trong vài triệu cũng chẳng thấm thía gì? Đúng rồi đó, đây chính là sự bất lực tự luyện.

Khi một người phụ nữ khốn khổ, một con tin, một đứa trẻ bị bạo hành, hay một tù nhân lâu năm từ chối cơ hội để được giải thoát, đó là bởi vì họ đã chấp nhận số phận và cho rằng mọi nỗ lực đều là vô ích. Liệu điều đó có ý nghĩa gì không? Những người thoát ra được khỏi tình huống xấu cũng thường trở nên sợ sệt khi phải mạo hiểm làm gì đó có thể dẫn tới thất bại. Bất kỳ một cảm xúc tiêu cực kéo dài nào cũng có thể khiến bạn đầu hàng trước sự tuyệt vọng và chấp nhận số phận. Nếu bạn cô đơn trong thời gian dài, bạn sẽ cho rằng sự cô đơn là một phần của cuộc sống và bỏ qua những cơ hội kết bạn. Sự mất kiểm soát trong bất kỳ tình huống nào cũng có thể dẫn tới trạng thái này.

Trong một nghiên cứu khác của Seligman, ông đã cấy tế bào ung thư vào chuột thí nghiệm để chúng phát triển thành những khối u ác tính. Lũ chuột sau đó được chia thành ba nhóm. Hai nhóm sẽ thỉnh thoảng bị giật điện, nhưng một nhóm thì có cơ hội để trốn thoát khỏi lồng nhốt bằng cách sử dụng cần gạt. Nhóm thứ ba thì không bị giật điện. Một tháng sau, kết quả cho thấy 63% số chuột trong nhóm bị giật điện nhưng có cơ hội trốn thoát đã tự đào thải được khối u và sống sót. 53% trong nhóm không bị giật điện cũng thành công trong việc đào thải khối u. Còn đối với nhóm bị buộc phải chịu đựng những cú giật thì tỷ lệ sống sót chỉ là 23%. Vậy là chuột thí nghiệm bị ung thư sẽ chết nhanh hơn khi bị đặt vào một tình thế không có lối thoát.

Nghiên cứu của Langer và Rodin vào năm 1976 đã cho thấy ở những nhà dưỡng lão khuyến khích sự phục tùng và bị động, nơi mọi thứ đều được chăm chút tới mức kỹ nhất thì sức khỏe của bệnh nhân nhanh chóng suy giảm cả về thể chất lẫn tinh thần. Thay vào đó, nếu những người sống tại đây được phép lựa chọn và được giao một số trách nhiệm thì họ lại khỏe khoắn và năng động hơn. Nghiên cứu này cũng được lặp lại tại các nhà tù. Và đúng như dự đoán, chỉ cần cho phép tù nhân được di chuyển đồ vật trong phòng và sử dụng điều khiển TV theo ý mình là đủ để giúp họ không bị mắc các vấn đề sức khỏe, cũng như giảm thiểu việc nổi loạn. Những nhà tình thương dành cho người vô gia cư không cho phép người đến ở lựa chọn giường nằm hay đồ ăn thì họ cũng thường chán nản hơn, không còn nỗ lực tìm việc hay tự kiếm một căn hộ cho bản thân nữa. Khi đạt được thành công trong những việc nhỏ, bạn sẽ cảm thấy mình có khả năng thực hiện những việc lớn hơn. Còn khi ngay cả những việc nhỏ bạn cũng không thể làm nổi thì mọi thứ trong đời sẽ có vẻ khó khăn hơn.

Nhà tâm lý học Charisse Nixon tại trường Penn State Erie đã minh họa cách mà sự bất lực tự luyện phát huy tác dụng cho sinh viên qua một bài kiểm tra từ vựng. Bà giao cho các thành viên trong lớp nhiệm vụ lần lượt tráo thứ tự các chữ cái trong ba từ để tạo thành ba từ mới: whirl, slapstick, cinerama. Bạn hãy thử tự làm đi. Nhưng nhớ là phải xong một từ rồi mới được chuyển sang từ tiếp theo. Trong lớp học của Nixon, khi một vài sinh viên còn đang loay hoay với từ đầu tiên thì bà hỏi xem những ai đã làm xong. Ngước mắt nhìn lên và bạn thấy nửa lớp đã giơ tay. Nixon yêu cầu mọi người chuyển qua làm từ tiếp theo. Và một lần nữa, ngoại trừ bạn cùng với một vài người khác, mọi người trong lớp đều hoàn thành rất nhanh. Việc này lặp lại với cả từ cuối cùng, nửa lớp làm xong còn nửa còn lại ngồi đơ như phỗng. Thủ thuật của nghiên cứu nhỏ không chính thức này là một nửa lớp nhận được danh sách ba từ ở trên, nhưng nửa còn lại thì nhận được bộ ba bat, lemon, cinerama. Bat có thể được dễ dàng xếp lại thành tab, còn lemon thì thành melon. Và cứ vậy, nửa lớp nhận được những từ dễ sẽ tiếp tục giải từ thứ ba một cách nhanh chóng: cinerama đổi thành american. Nếu giống phần lớn mọi người, bạn sẽ thấy kỳ lạ và tự thấy có chút kém cỏi nữa khi thấy những người khác giải được câu đố một cách dễ dàng, trong khi mình thì vẫn đang vò đầu gãi tai cố giải chữ whirl. Nếu việc đó đơn giản đến vậy mà mình không làm được thì có phải mình có vấn đề không? Tiếp theo là slapstick, và giờ thì bạn còn cảm thấy mình ngu ngốc hơn nữa khi thấy nửa số bạn học có thể nhanh chóng tìm ra lời giải. Giờ thì sự bất lực tự luyện bắt đầu phát huy tác dụng, bạn nhìn vào chữ cinemara với con mắt khác hoàn toàn so với những người vừa mới tự tin giải được hai từ đơn giản trước. Và mặc dù đây không phải là một từ khó giải, sự bất lực tự luyện đã khiến bạn bỏ cuộc trước cả khi bắt đầu. Đây là điều đã xảy ra trong các lớp học của Nixon: Nửa lớp nhận được những từ khó đã bỏ cuộc khi tới từ thứ ba.

Giả thiết hợp lý nhất đến giờ để giải thích cho hành vi kỳ lạ này là mong muốn tiết kiệm tài nguyên và năng lượng của mọi sinh vật. Khi không thể thoát khỏi một tình huống căng thẳng, bạn sẽ càng cảm thấy căng thẳng hơn. Vòng luẩn quẩn này cuối cùng sẽ tắt hết tất cả các cảm xúc của bạn. Khi sự căng thẳng lên tới đỉnh điểm, bạn sẽ cảm thấy như thể nếu vẫn tiếp tục cố gắng thoát khỏi tình trạng tồi tệ, bạn sẽ thua cả mạng sống của mình. Còn nếu bạn dừng lại thì có khả năng nhỏ nhoi là điều tồi tệ đó sẽ qua đi.

Hàng ngày – khi phải đau đầu với công việc, chính phủ, những thứ làm dấy lên sự ham muốn trong bạn, tình trạng trầm cảm, và cả các vấn đề tài chính – bạn cảm thấy mình chẳng thể điều khiển tất cả những thứ đang ảnh hưởng lên số phận của mình. Vì thế bạn tham gia vào trò chơi Microvolts. Bạn thay đổi nhạc chuông, sơn tường phòng riêng, sưu tập tem. Bạn lựa chọn.

Mọi lựa chọn, kể cả là nhỏ nhất, đều có thể giúp bạn chống đỡ với sức nặng của sự bất lực, nhưng bạn sẽ không thể chỉ dừng tại đó. Bạn cần phải học cách chiến đấu chống lại bản năng, và học cách thất bại trong tư thế ngẩng cao đầu. Thất bại nhiều lần là cách duy nhất để có thể thành công và đạt được những thứ bạn muốn trong đời. Ngoài cái chết, không có gì là bạn không thể thay đổi được.

Bạn không thông minh lắm đâu, nhưng ít ra thì bạn cũng thông minh hơn những con chó hay những con chuột thí nghiệm. Đừng vội bỏ cuộc.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3