Bạn Không Thông Minh Lắm Đâu - Chương 28

Sự trông đợi

Rượu vang là một thứ chất lỏng phức tạp, chứa đầy những hương vị tinh tế mà chỉ chuyên gia mới có thể thực sự cảm nhận. Những người nếm rượu có kinh nghiệm không thể nào bị đánh lừa.

Cả các chuyên gia về rượu vang cũng như người tiêu dùng đều có thể bị đánh lừa khi sự trông đợi của họ bị thay đổi.

Bạn lướt qua những dãy hàng trong cửa hàng bán rượu để tìm một chai vang ngon. Bạn cảm thấy bị choáng ngợp – có vô số chai lọ với đủ các hình thù khác nhau và được dán nhãn in hình từ các lâu đài, vườn nho, đến cả những con kangaroo. Và còn đủ các loại nữa chứ – Riesling, Shiraz, Cabernet – chọn rượu khó lắm đấy. Nhìn sang trái, bạn thấy những chai rượu với giá khoảng 12 đô-la, nhìn sang bên phải thì lại thấy những chai với giá khoảng 60 đô-la. Nghĩ lại về những cảnh phim mà các nhân vật ngồi với nhau thử rượu, cầm ly lên, soi dưới ánh sáng và bình phẩm về vị tannin, về thùng ủ, và về chất lượng đất trồng nho – dường như là rượu càng đắt thì càng tốt phải không?

Thực ra thì bạn lại chẳng thông minh lắm rồi. Nhưng đừng lo – những kẻ sành sỏi chuyên hớp một ngụm nước nho lên men, đẩy qua đẩy lại trong miệng rồi nhổ ra kia cũng chẳng hơn gì bạn đâu.

Thử rượu vang là chuyện lớn đối với nhiều người. Nó thậm chí còn có thể được phát triển lên thành sự nghiệp. Thực ra thì nghề này đã có từ cả ngàn năm rồi, nhưng phiên bản hiện đại với các thuật ngữ như lớp vị, lệ, độ hòa hợp, và vị nho ảnh hưởng bởi chất đất mới chỉ có lịch sử vài trăm năm trở lại đây. Những người thử rượu sẽ nêu ra đủ mọi thứ mà họ cảm nhận thấy trong một ly rượu vang cao cấp, như thể họ là máy quang phổ bằng xương bằng thịt với khả năng phát hiện ra tùng loại phân tử có trong đồ uống vậy. Tuy nhiên các nghiên cứu cho thấy sự nhận thức này hoàn toàn có thể bị thao túng, đánh lừa, hoặc là sai hoàn toàn.

Năm 2001, Frederic Brochet đã thực hiện hai thí nghiệm tại Đại học Bordeaux.

Trong thí nghiệm thứ nhất, ông chọn ra 54 sinh viên đang theo học tại khoa rượu nho và cho họ thử một ly vang đỏ và một ly vang trắng. Sau đó ông bảo các sinh viên miêu tả hai ly rượu mà họ vừa uống một cách chi tiết nhất có thể. Tuy nhiên điều mà ông không nói với họ là thực ra hai ly đó cùng chứa một loại rượu, chỉ là một bên đã được cho phẩm màu đỏ. Trong thí nghiệm thứ hai, ông yêu cầu các chuyên gia đánh giá hai chai vang đỏ khác nhau. Một chai rất đắt và chai kia thì lại cực rẻ. Và lần này cũng vậy, Brochet đã nói dối: Ông đã cho loại rượu ít tiền vào cả hai chai. Vậy kết quả của hai thí nghiệm này ra sao?

Những người thử rượu trong thí nghiệm thứ nhất đã miêu tả về loại nho và lượng tannin có trong rượu đỏ như thể đó là vang đỏ thứ thiệt. Cả 54 sinh viên đã bị đánh lừa, không một ai phát hiện ra đó thực chất là vang trắng. Trong thí nghiệm thứ hai, thí nghiệm với bao bì bị tráo đổi, thì các chuyên gia đã không tiếc lời khen ngợi thứ rượu rẻ tiền trong chai sang trọng. Họ cứ tuôn hàng tràng về sự phức tạp và toàn vẹn của nó, trong khi đó lại chê bai cùng thứ rượu đó trong chai ít tiền hơn là nhạt nhẽo và nhàm chán.

Một thí nghiệm khác thực hiện tại Cal-Tech đã cho năm chai vang đấu với nhau. Chúng được dán mác từ 5 cho tới 90 đô-la. Cũng giống như ở các thí nghiệm trước, các nhà tổ chức đã cho rượu rẻ vào chai đắt tiền – tuy nhiên, lần này, những người thử rượu còn được kết nối với một máy quét não. Một vùng nhất định trong não sẽ sáng lên khi họ nếm rượu, nhưng khi thử tới loại rượu mà họ tưởng là đắt tiền, có một vùng não khác cũng được kích hoạt. Trong một thí nghiệm khác thì người tham gia được chấm điểm các loại phô mai ăn kèm với hai loại rượu vang khác nhau, một từ California, và loại còn lại là từ North Dakota. Tất nhiên đó vẫn chỉ là cùng một loại rượu được cho vào hai chai khác nhau. Vậy mà những người tham gia vẫn đánh giá cao loại phô mai dùng kèm với rượu California hơn và ăn loại này nhiều hơn. Thế hóa ra cả ngành công nghiệp thử rượu đầy sang trọng chỉ là một trò bịp bợm ư? Không hẳn vậy. Những người thử rượu trong các thí nghiệm nêu trên đã bị ảnh hưởng bởi một con quái vật đáng sợ mang tên sự trông đợi (expectation). Trong điều kiện bình thường thì năng lực của một người thử rượu chuyên nghiệp rất đáng gờm. Tuy nhiên các thí nghiệm của Brochet đã thao túng các yếu tố trong môi trường xung quanh, đánh lạc hướng các đối tượng tham gia tới mức khiến năng lực đánh giá của họ bị suy giảm nặng nề. Sự trông đợi có thể làm tổn hại năng lực của họ như một viên đá Kryptonite làm suy yếu siêu năng lực của Superman. Như vậy là sự trông đợi cũng có tác động mạnh mẽ không kém gì các giác quan thuần túy. Hoàn cảnh tạo ra trải nghiệm có thể thay đổi hoàn toàn cách bạn giải nghĩa những thông tin được thu nhận từ các giác quan vốn vô cùng khách quan. Trong tâm lý học, sự khách quan hoàn hảo được coi là điều không tưởng. Ký ức, cảm xúc, sự điều kiện hóa, và đủ mọi loại tạp nham những thứ khác trong tâm trí đều có khả năng làm vấy bẩn những trải nghiệm mới của bạn. Bên cạnh đó thì sự trông đợi cũng có sức ảnh hưởng vô cùng lớn lên lá phiếu cuối cùng quyết định xem đâu mới là thứ mà bạn tin là thực tại. Bởi vậy, khi nếm rượu vang, xem một bộ phim, đi hẹn hò, hay là thưởng thức dàn loa âm thanh nổi mới qua chiếc dây nối trị giá 300 đô-la – hãy nhớ rằng trải nghiệm của bạn chịu ảnh hưởng từ cả các yếu tố bên trong và cả các yếu tố bên ngoài. Rượu vang cao cấp thì cũng như những thứ đắt tiền khác, bạn trông đợi rằng mùi vị của chúng sẽ ngon hơn và thế là bạn thực sự cảm thấy như thế.

Trong một nghiên cứu tại Hà Lan, những người tham gia được đưa vào một căn phòng dán đầy những tấm quảng cáo ca ngợi sự tuyệt vời của công nghệ độ phân giải cao. Sau đó họ được phổ biến là sẽ được xem một chương trình TV có độ phân giải cao. Sau khi xem xong, những người này đều nói rằng họ cảm thấy hình ảnh trên màn hình sắc nét hơn, màu sắc tươi sáng hơn so với các chương trình bình thường khác. Điều mà họ không biết là họ vừa mới được cho xem một chương trình ở độ phân giải bình thường. Chính sự trông đợi rằng sẽ được nhìn thấy hình ảnh chất lượng cao hơn đã khiến họ tin vào điều đó. Một thống kê gần đây cho thấy khoảng 18% số người sở hữu màn hình TV có độ phân giải lớn vẫn đang xem các chương trình phát sóng ở độ phân giải thường, nhưng họ vẫn tin rằng mình đang được xem hình ảnh chất lượng cao.

Trong những năm đầu của thập kỷ 80, Pepsi đã dùng những cuộc khảo sát mù trong chiến dịch marketing của mình để tạo hiệu ứng khiến mọi người tin rằng sản phẩm của họ được ưa chuộng hơn Coca-cola. Họ gọi đây là The Pepsi Challenge. Các nhà tâm lý học từ lâu đã kết luận rằng bạn không chọn lựa sản phẩm ưa thích vì giá trị thực của chúng, mà bởi vì các chiến dịch marketing, logo, và những thứ tương tự đã phù phép bạn bằng sự nhận dạng thương hiệu. Thế rồi bạn bắt đầu cảm thấy đồng điệu với một số chiến dịch quảng cáo nhất định. Đó là điều đã xảy ra trong những cuộc khảo sát trước The Pepsi Challenge. Dư luận yêu thích các mẫu quảng cáo của Coca-Cola hơn của Pepsi, và bởi vậy, mặc dù chúng có hương vị gần giống nhau, người ta vẫn chọn Coca-Cola. Vậy là trong The Pepsi Challenge, họ đã bỏ đi các nhãn hiệu. Các nhà nghiên cứu nghĩ rằng họ cần phải dán nhãn cho những chiếc cốc này, và họ quyết định sử dụng chữ M và Q. Sau thử nghiệm, nhiều người đã kết luận rằng họ thích Pepsi (được gắn nhãn M) hơn là Coca-Cola (gắn nhãn Q). Khó chịu trước kết quả này, Coca-Cola đã thực hiện một thí nghiệm tương tự và cho sản phẩm của mình vào cả hai cốc. Và một lần nữa, M đã chiến thắng. Vậy ra là thứ nước ngọt nào trong cốc không quan trọng; đơn giản là người ta thích chữ M hơn chữ Q mà thôi.

Bạn sẽ vô thức tìm những dấu hiệu ở môi trường xung quanh liên quan đến thứ mà bạn thích. Đây sẽ là những dấu hiệu giúp bạn tìm lại những thứ này trong tương lai. Vói những người nếm thử, hai sản phẩm có mùi vị gần như tương đương nhau. Bởi vậy khi bị ép phải đưa ra lựa chọn, họ chuyển sang phụ thuộc vào bộ những dấu hiệu khác để đưa ra quyết định – chữ cái nào trông có vẻ dễ chịu hơn. Rõ ràng, M được chuộng hơn Q, và trong những nghiên cứu khác thì người ta có xu hướng chọn nhiều A hơn B, chọn 1 nhiều hơn là 2. Thương hiệu cũng hoạt động trên nguyên lý đó. Lấy rượu vodka làm ví dụ – nó không có vị gì cả. Bởi vậy các nhà sản xuất không thể dựa vào mùi hương để làm bạn thích thú được. Thay vào đó, họ phụ thuộc vào các chiêu bài quảng cáo để đánh lừa bản năng phụ thuộc vào những lối tắt thị giác trong bạn. Các thương hiệu này hy vọng rằng mỗi khi bạn đứng trước quầy vodka trong cửa hàng rượu, sự trông đợi được tạo nên từ chiến dịch quảng cáo của họ trong tâm trí bạn sẽ đủ lớn để khiến bạn mua sản phẩm.

Trong một cuộc khảo sát mù thì những người nghiện thuốc lá chẳng mấy khi phân biệt được loại thuốc mình hút với những nhãn hàng đối thủ, và những người thử rượu chuyên nghiệp cũng luôn gặp khó khi phải phân biệt giữa loại rượu vang 200 đô-la và 20 đô-la. Khi bày đồ ăn đông lạnh được hâm nóng bằng lò vi sóng lên bàn ăn của một nhà hàng sang trọng, hầu hết mọi người đều không nhận ra. Khẩu vị là thứ hoàn toàn chủ quan. Nói theo cách khác, bạn chẳng hề thông minh khi phải đứng trước sự lựa chọn giữa sản phẩm này với sản phẩm khác. Mọi thứ đều như nhau – bạn sẽ nghĩ về các quảng cáo, để ý tới cách đóng gói, hoặc xuôi theo ý kiến của bạn bè và gia đình để đưa ra quyết định. Hình thức là tất cả.

Các nhà hàng đều dựa vào điều này. Nói chính xác thì hầu như tất cả các loại hình bán lẻ đều dựa vào điều này. Hình thức, giá cả, chiến dịch marketing tốt, dịch vụ khách hàng tuyệt hảo – tất cả đều dẫn tới sự trông đợi về chất lượng. Trải nghiệm thực sự cuối cùng lại thành ra ít quan trọng hơn. Chỉ cần nội dung không quá tệ, trải nghiệm sẽ khớp với sự trông đợi ban đầu. Một loạt những bình luận xấu sẽ khiến một bộ phim trở nên tệ hơn, ngược lại, những bình luận tích cực sẽ thay đổi suy nghĩ của bạn. Hiếm khi nào bạn có thể xem một bộ phim trong môi trường chân không, tách biệt khỏi bạn bè, giới phê bình và quảng cáo. Sự trông đợi của bạn là một con ngựa, và trải nghiệm của bạn là cỗ xe. Nhưng bạn lại thường cho rằng vị trí ngược lại mới là đúng bởi vì bạn chẳng thông minh chút nào cả.

Ảo giác về

sự kiểm soát

Bạn biết rõ khả năng kiểm soát những yếu tố xung quanh của bản thân.

Bạn thường xuyên tin rằng mình có khả năng kiểm soát kết quả của những sự kiện mang tính ngẫu nhiên, hoặc những thứ quá phức tạp để có thể tiên lượng trước.

Nếu bạn tung đồng xu và năm lần liên tiếp đều ra mặt ngửa, bạn sẽ có một cảm giác rất mạnh mẽ rằng lần tung tiếp theo sẽ ra mặt sấp. Bởi vì nó cần phải như vậy. Bạn cho rằng nó cần phải tự cân bằng.

Đây được gọi là ngụy biện của tay cá cược (the gambler’s fallacy), hay là ngụy biện Monte Carlo, đặt theo tên của một sòng bạc nơi mà vào năm 1913, vòng quay roulette đã rơi vào ô đen 26 lần liên tiếp. Và như bạn có thể đoán được, cửa cược cho các ô đỏ đã trở nên điên loạn khi mà bóng cứ tiếp tục rơi vào ô màu đen, 15, 16, rồi 17 lần. Điều đó thực sự khó tin, và trong tâm trí của những kẻ đặt cược thì khả năng bóng tiếp tục rơi vào ô màu đen đã trở nên vô cùng nhỏ: Lần tiếp theo chắc chắn phải là màu đỏ. Trật tự phải được lặp lại. Sự hưng phấn, tiếng reo hò, âm thanh khi quả bóng nảy qua các ô số và màu sắc – những yếu tố đó đã thực sự tạo nên ảo giác, bởi vì xác suất không hề thay đổi. Khả năng bóng rơi vào ô màu đen vẫn giống hệt như 26 lần trước.

Trong các trò cá cược, dù là trên máy đánh bạc, bàn quay roulette, hay một ván bài, bạn luôn có xu hướng cho rằng mình may mắn hoặc xui xẻo, đang vào dây đỏ hay dây đen. Bạn sẽ nói những câu đại loại như: “Sắp đổi vận rồi đây.” Bạn nghĩ thay người chia bài là một dấu hiệu tích cực, hoặc khi thấy có người đứng dậy, bạn tin rằng vòng chơi sẽ thay đổi. Bạn quay trúng hai quả cherry⦾ và quyết định phải quay thêm một lần nữa; bạn đặt cửa đỏ sau khi bóng rơi vào ô đen 10 lần liên tiếp bởi bạn nghĩ thời điểm của đỏ đến rồi.

Thậm chí bạn còn có thể tự tạo ra một hệ thống quy tắc để tối đa hóa độ may mắn của mình. Bạn không bao giờ ngồi ở ghế ngoài cùng khi chơi blackjack. Bạn chỉ chơi với các máy đánh bạc có cần gạt thật, hoặc là thổi những quân xúc xắc trước khi ném chúng xuống bàn. Thực tế là chẳng có hành động nào ở trên có thể thực sự ảnh hưởng lên xác suất. Xác suất chiến thắng là cố định, nhưng đôi khi bạn lại cho rằng mình có thể thay đổi nó bởi vì bạn chẳng thông minh như mình vẫn tưởng.

Khi đã xem ai đó chơi máy đánh bạc trong 20 phút và đứng dậy ra về, có thể bạn sẽ chạy ngay tới để thế chân, bởi vì dường như chiếc máy đã ăn đủ rồi và sắp nhả. Nhưng rất tiếc là không phải vậy, đó chỉ là hiện tượng ngụy biện của tay cá cược mà thôi – niềm tin xác suất sẽ thay đổi sau khi thống kê lịch sử các kết quả trước đó. Đương nhiên là qua một khoảng thời gian dài thì tỷ lệ sẽ trở về mức bình thường, nhưng trong khoảng thời gian ngắn thì bạn sẽ không thể chiến thắng sự ngẫu nhiên. Nếu tung xu 500 lần, bạn chắc chắn sẽ gặp phải những chuỗi mặt sấp hoặc ngửa liên tiếp, đôi khi là rất dài, nhưng cuối cùng thì tỷ lệ chung vẫn là khoảng 50-50. Nếu chỉ tung có 5 lần thì khả năng để bạn gặp một chuỗi các mặt giống nhau khá là cao. Đây là cách các sòng bạc kiếm lời: Khi đang chiến thắng thì bạn rất khó để có thể dứt ra. Bạn càng chơi lâu thì xác suất càng được chia đều, nhưng bạn sẽ chẳng bao giờ biết chuỗi chiến thắng của mình sẽ bắt đầu và kết thúc lúc nào.

Tổ tiên của bạn có thể sống đủ lâu để tìm được bạn đời và sinh con đẻ cái là nhờ họ đã rất giỏi việc nhận biết các hình mẫu. Thú săn mồi, con mồi, bạn bè, kẻ thù – tất cả đều nổi bật trên phông nền bởi họ có thể nhận ra tín hiệu giữa những nhiễu động thông tin. Và bạn thì được thừa hưởng khả năng này, mỗi tội là bạn không thể tắt nó đi. Bộ não bạn luôn tìm kiếm những hình mẫu và mỗi khi tìm được, nó lại gửi những thông điệp nhỏ đầy hạnh phúc tới khắp nơi trong cơ thể. Và cũng như những khuôn mặt trên mây, bạn thường nhìn ra hình mẫu ở những nơi mà nó không tồn tại.

Kể cả khi chơi xúc xắc và lần đầu, bạn gieo được 1 điểm, lần thứ hai, bạn gieo được 2 điểm, tiếp theo lại được 3 điểm, thì cũng chẳng có quy luật nào trong vũ trụ khiến cho khả năng bạn tung được 4 điểm ở lần đổ xúc xắc thứ tư sẽ cao hơn cả. Nhưng có phải bạn đang cảm thấy là kiểu gì nó cũng sẽ phải xảy ra đúng không? Đó chính là khả năng nhận dạng hình mẫu đang làm trò trong tâm trí bạn. Mỗi lần đổ xúc xắc đều là độc lập và không liên quan tới những lần đổ trước hay sau đó. Mặc dù vậy, một nghiên cứu của James Henslin vào năm 1967 đã chỉ ra rằng người ta thường ném xúc xắc mạnh hơn khi họ cần ra điểm cao hơn, và ngược lại, ném nhẹ khi cần số thấp. Bởi vì bạn có thể kiểm soát được hành động tức thời của mình, bạn cảm thấy như thể sự kiểm soát này không chỉ tác động lên cú ném mà còn điều khiển được cả sự ngẫu nhiên của kết quả.

Đã bao giờ bạn vắt chéo ngón tay để cầu may khi xem cầu thủ bóng rổ ưa thích của mình ném cú bóng quyết định? Đả bao giờ bạn rủa ai đó bị đau đớn, và họ đã thực sự gặp chuyện? Vào năm 2006, Emily Pronin và Sylvia Rodriguez tại Đại học Princeton cùng với Daniel Wegner và Kimberly McCarthy từ Đại học Havard đã quyết định thử nghiên cứu hành vi này trong phòng thí nghiệm.

Họ đã tập hợp một số sinh viên đại học để tham gia một nghiên cứu về một số triệu chứng thần kinh, cụ thể là những triệu chứng xuất hiện khi chỉ cần nghĩ về chuyện bị đau ốm.

Đây thực chất không phải là mục tiêu của nghiên cứu. Mục đích thật là để kiểm tra xem liệu ở dưới điều kiện nhất định thì người ta có thực sự tin rằng suy nghĩ của mình có thể làm hại hay chữa lành cho người khác không.

Các sinh viên tham gia được phổ biến rằng họ sẽ được ghép cặp với một sinh viên như mình, nhưng đó thực ra là diễn viên được cài vào. Trong một nhóm thì người diễn viên này đã đến muộn 10 phút, mặc chiếc áo phông có ghi chữ “Những kẻ ngu ngốc thì không nên sinh đẻ”. Anh ta hành xử rất thô lỗ trước mặt người điều hành thí nghiệm và nhai kẹo cao su nhóp nhép rất to. Ở nhóm thứ hai thì diễn viên là một người dễ gần và lịch sự. Diễn viên và sinh viên sẽ cùng phải rút thăm sau khi được cho đọc tài liệu viết về tà thuật và các pháp sư. Cả hai mẩu thăm đều viết là thầy phù thủy, nhưng sinh viên thì được phổ biến rằng một trong hai sẽ phải đóng vai nạn nhân, và người diễn viên giả bộ như mình đã bắt được lá thăm nạn nhân.

Tiếp theo, sinh viên tham gia được giao một hình nhân và được yêu cầu nghĩ về người còn lại trong lúc xuyên kim vào nó. Một lúc sau, người diễn viên sẽ tỏ vẻ khó chịu và kêu rằng mình bị đau đầu. Có lẽ bạn cũng đã đoán được, những người đã bị mồi cho ghét người diễn viên có xu hướng nghĩ rằng họ là nguyên nhân gây ra cơn đau đầu cho anh ta nhiều hơn những người ở nhóm còn lại. Hầu hết đều tỏ ra hoài nghi, nhưng sự hoài nghi của những người bị tác động để có ý nghĩ xấu về đối tượng đã bị dập tắt. Họ thấy một hiện tượng, và giữa muôn vàn khả năng, họ cho rằng suy nghĩ của mình cũng có thể là một nguyên nhân gây ra hiện tượng đó.

Các nhà khoa học tiếp tục làm thí nghiệm với việc cho người tham gia theo dõi một vận động viên bị bịt mắt ném bóng vào rổ. Tuy nhiên, thực ra vận động viên vẫn có thể nhìn xuyên qua chiếc khăn bịt mắt này. Những người xem được chia ra làm hai nhóm. Các nhà tâm lý học đã yêu cầu nhóm thứ nhất hình dung ra cảnh vận động viên ném bóng trúng rổ 10 giây trước khi anh ta thực sự ném. Nhóm còn lại thì được yêu cầu hình dung cảnh anh ta cử tạ. Họ thậm chí còn đi xa tới mức cho phép vận động viên được luyện tập trước trong vòng 1 phút để ném sao cho trượt phần lớn số lần.

Sau khi tập luyện, người ném bóng cố gắng luôn ném trúng được 6 trên 8 lần như phong độ bình thường. Đó là một điều không tưởng đối với một người đang bị bịt mắt, và hai nhóm khán giả đã nhìn nhận điều này theo những cách khác nhau. Khi được phỏng vấn sau thí nghiệm, hầu hết đều tỏ ra hoài nghi, nhưng trong nhóm đã tưởng tượng về cảnh vận động viên ném bóng, thì có gấp đôi số người nói rằng họ đã bằng cách nào đó giúp người ném bóng ném trúng nhiều hơn. Giống như đối với những trò ảo thuật kỳ thú, người ta thường muốn tin rằng những điều kỳ diệu và khả năng thần giao cách cảm là có thật.

Các nhà nghiên cứu đã kết luận rằng hầu hết mọi người, ở một mức độ nào đó, đều có những suy nghĩ về phép màu – cho rằng suy nghĩ của mình có thể gây ảnh hưởng lên những thứ nằm ngoài tầm kiểm soát. Những người tham gia biết họ là một phần của thí nghiệm khoa học, bởi vậy họ có xu hướng trở nên hoài nghi hơn bình thường. Tuy nhiên sự hoài nghi này có thể dễ dàng tan biến trong điều kiện thích hợp. Nếu là một người hâm mộ thể thao, bạn sẽ chẳng thể tránh được việc đôi lúc nghĩ rằng nhờ vào sự cổ vũ tinh thần của mình mà trận đấu đã có diễn biến tích cực. Bạn cảm thấy như mình cũng góp công sức vào chiến thắng cho đội mình hâm mộ. Khi họ thua cuộc, bạn cảm thấy áy náy vì đã cổ vũ chưa đủ sung. Thứ ảo giác về sự kiểm soát (illusion of control) này cũng xuất hiện trong những lúc thầy cô giáo nhận công lao về mình khi học trò cũ thành công, hay là những người sống ở vùng chiến sự bắt đầu trở nên mê tín, thu thập đủ loại bùa may mắn và tham gia vào những nghi lễ mà họ cho rằng sẽ giúp cho họ sống sót. Tương tự như vậy, bạn mong mọi người gửi những lời lẽ tốt đẹp, những câu chúc mau khỏi khi ai đó bị ốm.

Năm 1975, Ellen Langer đã thực hiện một loạt những thí nghiệm, trong đó bà cho người tham gia chơi những trò may rủi, có hoặc không có khả năng kiểm soát phần nào của trò chơi. Trong trò chơi với những lá bài, họ được xếp để chơi với đối thủ là một diễn viên, người này sẽ giả bộ như đang rất bồn chồn hoặc tự tin. Mặc dù kết quả của trò chơi này là hoàn toàn ngẫu nhiên, các đối tượng tham gia vẫn đặt cược nhiều hơn khi họ tin rằng đối thủ của mình yếu. Trong một thí nghiệm khác, Langer cho người chơi được tự chọn một số, hoặc bị giao cho một số bất kỳ để quay xổ số. Khi các nhà khoa học tỏ ý muốn mua lại tấm vé, những người được tự chọn số có xu hướng đưa ra giá cao hơn so với những người không được chọn. Bà cũng cho người tham gia tung đồng xu và dự đoán xem nó sẽ ra mặt nào. Kết quả của việc tung xu đã bị kiểm soát bởi người làm thí nghiệm: Một số đối tượng được cho biết rằng họ đã đoán đúng liên tiếp 15 lần đầu tiên, số khác thì tin rằng mình đã đoán đúng 15 lần liên tiếp ở khúc cuối, và nhóm cuối cùng thì được cho biết đã đoán đúng 15 lần nhưng trải đều trong cả 30 lần tung. Những người ở nhóm đầu tiên cho rằng họ có thể luyện tập để có kết quả tốt hơn. Ở những nhóm đạt kết quả không tốt lúc đầu, hoặc những lần đoán trúng được phân bổ ngẫu nhiên thì lại kém tự tin hơn. Số lần đoán đúng là như nhau ở cả ba nhóm, nhưng những người được hưởng vận đỏ lúc đầu cảm giác như thể mình ít nhiều có khả năng kiểm soát. Họ tin rằng mình có thể chiến thắng sự ngẫu nhiên.

Langer kết luận rằng yếu tố quyết định trong vấn đề này là những dấu hiệu trong trò chơi khiến người tham gia tin rằng họ có một số kỹ năng khiến điều đó xảy ra. Nhận ra được những hình mẫu, trở nên quen thuộc hơn với trò chơi, có những lựa chọn trong khi chơi – tất cả những điều này đều góp phần xây dựng nên ảo giác về sự kiểm soát. Sự ngẫu nhiên đáng ra là một điều rất hiển nhiên, nhưng những người tham gia lại có xu hướng cho rằng đó là thứ họ có thể đánh bại. Đó là lý do mà khả năng bạn tham gia vào một trò chơi may rủi sẽ lớn hơn khi trò chơi đó mang một đặc tính mà bạn có thể tùy biến theo ý mình. Việc được tự chọn số may mắn khi mua xổ số, hay chọn con số để đặt cược trên vòng quay roulette ảnh hưởng tới cách bạn nhận định kết quả. Bạn cho rằng bàn tay lạnh lẽo của số phận sẽ trở nên mềm yếu hơn nếu bạn có thể dụ dỗ nó.

Việc tung một đồng xu hay thắng một ván poker đơn giản hơn rất nhiều so với những con quái vật khổng lồ của sự ngẫu nhiên như thị trường chứng khoán hay chiến tranh, những vụ sát nhập của các tập đoàn lớn hay kỳ nghỉ gia đình. Tuy vậy vẫn có những người cho rằng họ có thể dự đoán và điều khiển được chúng, bất kể độ phức tạp của tình hình. Những người có quyền lực trở nên hoang tưởng về giới hạn quyền lực của mình.

Vào năm 2008, Nathaneal Fast và Deborah Gruenfeld tại Đại học Stanford đã thực hiện thí nghiệm để tìm ra cách mà ảo giác về sự kiểm soát được tạo ra. Từ những công trình nghiên cứu trong quá khứ, họ đã biết rằng những người với địa vị kinh tế – xã hội cao, hoặc chịu ảnh hưởng từ nền văn hóa đề cao sức mạnh và quyền lực sẽ có xu hướng tin rằng họ có khả năng dự đoán tương lai tốt hơn. Người ta thậm chí còn ít sợ chết hơn sau khi cầm trong tay tấm bằng đại học. Câu hỏi họ đặt ra là: Điều gì sẽ xảy ra khi bạn chỉ được yêu cầu tưởng tượng rằng mình là một người có quyền lực?

Các nhà nghiên cứu đã chia các đối tượng tham gia thành ba nhóm. Nhóm thứ nhất được giao nhiệm vụ viết bài luận ngắn về quãng thời gian họ từng được làm lãnh đạo. Nhóm thứ hai thì phải viết về quãng thời gian họ làm kẻ đi theo. Nhóm cuối cùng thì được giao làm nhóm đối chứng trong thí nghiệm và phải viết về một lần đi siêu thị. Sau khi viết xong bài luận của mình, các nhóm được cho chơi trò đoán mặt xúc xắc. Người đoán đúng sẽ nhận được 5 đô-la tiền thưởng. Điểm đặc biệt là gì? Họ được quyết định xem sẽ tự đổ xúc xắc hay để người khác đổ hộ.

Đúng như dự đoán, ảo giác về sự kiểm soát đã được mồi thành công vào tâm trí của những người viết về thời gian làm lãnh đạo. 100% số người trong nhóm này đã chọn phương án tự đổ xúc xắc. Trong nhóm viết về vị trí cấp dưới, chỉ có 58% số người chọn tự đổ. Nhóm đối chứng thì có tỷ lệ người muốn kiểm soát số phận là 69%. Tất nhiên viên xúc xắc chẳng quan tâm ai là người ném. Thế nhưng bạn lại có xu hướng cho rằng mình có những khả năng không ai có khi được cầm lái một con tàu to lớn và mạnh mẽ. Bạn có khả năng lập kế hoạch và đưa ra quyết định, còn sự ngẫu nhiên và hỗn loạn là dành cho những kẻ thấp kém hơn. Ảo giác về sự kiểm soát là một thứ kỳ lạ, bởi nó thường thổi phồng lòng tự trọng và tạo ra niềm tin cho rằng phần số phận nằm trong tay bạn lớn hơn so với thực tế. Quan điểm lạc quan thái quá này có thể chuyển hóa thành hành động cứ cắm đầu cắm cổ vào làm mà không để ý tới các yếu tố ngẫu nhiên. Đôi khi, thái độ như vậy có thể dẫn tới thành công. Nhưng về cơ bản thì hầu hết mọi người rồi cũng tới lúc bị thực tế cuộc sống đầy phũ phàng đánh cho một cú thức tỉnh. Nhiều lúc cú đấm đó không tới ngay, mà chỉ xuất hiện sau một chuỗi dài những chiến thắng, khi mà bạn đã thu thập đủ sức mạnh để gây ra hậu quả lớn. Đó là lúc mà cuộc chiến trở nên hỗn loạn, sàn chứng khoán đổ vỡ, và những vụ scandal chính trị tràn ngập trên các phương tiện truyền thông. Quyền lực sinh ra niềm tin vững chắc, nhưng niềm tin có vững chắc tới mấy thì cũng không thể thắng được những yếu tố bất ngờ, cho dù bạn có đang chơi poker hay đang điều hành cả một đất nước.

Các nhà tâm lý học đã nói những kết quả này không mang hàm ý rằng bạn nên nhụt chí, hay giơ tay đầu hàng trước số phận. Những người không bị trói buộc bởi thực tại nhiều khi lại đạt được rất nhiều thứ trong cuộc sống, đơn giản là bởi họ tin rằng họ có thể nỗ lực nhiều hơn người khác. Nếu tập trung quá lâu vào việc phần lớn cuộc sống nằm ngoài tầm kiểm soát của mình thì bạn sẽ nhanh chóng rơi vào trạng thái bất lực tự luyện. Nó sẽ cuốn bạn vào vòng lặp tiêu cực của sự trầm cảm. Bạn cần có sự kiểm soát nhất định với cuộc sống, nếu không thì bạn sẽ dễ dàng bỏ cuộc trước mọi thứ. Langer đã chứng minh được điều này qua việc nghiên cứu những viện dưỡng lão cho phép người già tự mình sắp xếp đồ đạc và tưới cây cảnh. Tuổi thọ của những người sống ở đây cao hơn tuổi thọ của những người sống ở những nơi mà mọi công việc đều do điều dưỡng viên làm.

Biết tới ảo giác về sự kiểm soát không nên là nhân tố khiến bạn nhụt chí và ngừng cố gắng tự tạo ra chỗ đứng cho riêng mình trong bất cứ lĩnh vực nào mà bạn chọn. Bởi vì nói cho cùng, có một điều là chắc chắn: Không làm gì thì sẽ không có bất kỳ thành quả nào cả. Bạn hãy cố gắng phấn đấu, nhưng cũng nên nhớ rằng phần lớn tương lai là không thể biết trước. Hãy học cách sống chung với sự hỗn loạn. Hãy tính đến nó trong các kế hoạch của mình. Hãy chấp nhận rằng thất bại luôn có thể xảy ra, dù bạn có là ai; những người cho rằng thất bại không được phép nằm trong từ điển của mình sẽ chẳng bao giờ chuẩn bị cho điều đó. Nhiều thứ có thể được dự đoán trước và điều khiển được, nhưng các sự kiện càng ở xa trong tương lai thì bạn lại càng có ít khả năng tác động lên chúng. Những thứ càng xa tầm với của bạn, càng có nhiều người liên quan, thì càng ít chịu ảnh hưởng từ bạn. Giống như một tỷ lần đổ của hàng triệu tỷ con xúc xắc, các yếu tố tác động ở đây quá phức tạp, quá ngẫu nhiên để có thể nắm bắt. Khả năng dự đoán chặng đường đời phía trước của bạn cũng chẳng nhiều hơn khả năng dự đoán hình dạng của những đám mây. Bởi vậy hãy tìm cách điều khiển từng yếu tố nhỏ, những thứ thực sự quan trọng, và để chúng dần chất đầy lên thành niềm hạnh phúc lớn. Trong bức tranh toàn cảnh, sự kiểm soát cũng chỉ là một ảo giác mà thôi.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3