Bạn Không Thông Minh Lắm Đâu - Chương 27

Thời khắc

Bạn là cá thể duy nhất, và sự hạnh phúc của bạn phụ thuộc vào việc bạn có bằng lòng với cuộc sống hay không.

Bạn là một tập hợp của nhiều bản ngã, và hạnh phúc của bạn dựa vào việc thỏa mãn tất cả những bản ngã này.

Đã bao giờ bạn bị ốm nặng tới mức phải nằm liệt giường nguyên một tuần chưa? Bạn có nhớ được điều gì trong khoảng thời gian đó không? Có lẽ là chẳng có gì mấy nhỉ? Suốt cả cuộc đời bạn, có những mảng trải nghiệm lớn đã bị ném qua một bên và lãng quên hoàn toàn. Đôi khi bạn nhìn lại và tự hỏi “Đã tháng Ba rồi cơ à?” hay “Mình đã làm việc ở đây được 5 năm rồi sao?”

Để hiểu được sự khác biệt giữa trải nghiệm và ký ức, trước tiên bạn phải hiểu rõ hơn một chút về bản ngã đã. Cảm giác về bản ngã của bạn chỉ dừng lại ở đó – nó là một cảm giác. Con người mà bạn tưởng là chính mình thực chất là một nhân vật giả tưởng trong câu chuyện bạn tự kể với bản thân và với người khác. Câu chuyện này cũng thay đổi qua thời gian và tùy vào tình huống. Tạm thời, hãy đơn giản hóa và tưởng tượng rằng luôn có hai bản ngã tồn tại đồng thời trong đầu bạn – bản ngã hiện tại và bản ngã ghi nhớ.

Bản ngã hiện tại là kẻ đang trải nghiệm cuộc sống trong thời gian thực. Đó chính là bạn trong khoảng 3 giây mà bộ nhớ giác quan đọng lại. Khoảng 30 giây sau đó, bộ nhớ ngắn hạn bắt đầu tung hứng với cảm giác và suy nghĩ của bạn. Bạn đưa kem lên miệng và cảm nhận hương vị ngọt ngào. Sau đó bạn nhớ rằng mình vừa ăn một miếng kem rất ngon. Rồi sau 5 năm, bạn chẳng còn chút ký ức nào về việc ăn cây kem đó cả. Đôi khi, rất hiếm thôi, một điều nổi bật xảy ra khiến bạn chuyển thông tin vào bộ nhớ dài hạn. Hãy thử nghĩ lại về tất cả những lần mà bạn đã ăn kem đi. Có bao nhiêu ký ức bạn có thể nhớ một cách thực sự rõ ràng chứ không phải là những làn khói mờ ảo? Bạn có thể kể bao nhiêu câu chuyện về những lần ăn kem? Bản ngã ghi nhớ của bạn được dựng lên từ những ký ức đã được lưu chuyển vào bộ nhớ dài hạn.

Khi tua lại cuộc đời mình trong tâm trí, bạn không thể nhớ hết tất cả mọi điều mà mình đã trải nghiệm. Chỉ có những thứ được chuyển từ trải nghiệm qua trí nhớ ngắn hạn rồi đưa vào bộ nhớ dài hạn mới có thể được gợi lại một cách đầy đủ. Việc đi mua kem không nhằm mục đích dựng lên một ký ức tuyệt vời. Nó chỉ đơn giản là một hành động nhằm trải nghiệm cảm xúc hạnh phúc trong vài phút ngắn ngủi. Tất cả chỉ đơn giản là sự thỏa mãn tức thời. Niềm hạnh phúc có được từ những trải nghiệm như vậy rất mong manh.

Nhà tâm lý học Daniel Kahneman có rất nhiều điều để nói về chủ đề này. Ông cho rằng bản ngã thường đưa ra quyết định trong cuộc đời bạn là bản ngã ghi nhớ. Nó kéo bản ngã hiện tại của bạn đi tìm những ký ức mới, và nó tạo ra sự trông đợi mới dựa trên những trải nghiệm cũ. Bản ngã hiện tại không có khả năng kiểm soát tương lai của bạn. Nó chỉ có thể điều khiển một vài hành động tức thời như rụt tay lại khi gặp lửa nóng, hay điều khiển hai chân bước đi. Thi thoảng, nó thôi thúc bạn ăn một chiếc bánh burger phô mai, ngồi xem một bộ phim kinh dị, hay là chơi trò chơi điện tử. Bản ngã hiện tại cảm thấy sung sướng khi được hành động hay cảm nhận. Nó thích được đắm chìm trong trải nghiệm.

Tuy nhiên, bản ngã ghi nhớ mới là kẻ đưa ra những quyết định lớn. Nó cảm thấy hạnh phúc khi bạn có thể ngồi lại, nhớ về cuộc đời mình và cảm thấy thỏa mãn. Nó hạnh phúc khi bạn kể với người khác về những điều mình đã thấy và đã làm. Kahneman đã đưa ra một thí nghiệm tưởng tượng sau: Hãy tưởng tượng bạn đang chuẩn bị tận hưởng một kỳ nghỉ hai tuần. Ngay sau kỳ nghỉ bạn sẽ phải uống một thần dược có tác dụng xóa bỏ mọi ký ức bạn có trong vòng hai tuần đó.

Điều này sẽ ảnh hưởng tới quyết định của bạn như thế nào? Biết rằng mình sẽ chẳng nhớ gì về hai tuần trong cuộc đời, bạn sẽ bỏ thời gian ra làm những gì? Cảm giác kỳ lạ mà bạn đang có ngay bây giờ chính là hệ quả của sự xung đột giữa hai bản ngã. Bản ngã hiện tại sẽ dễ dàng đưa ra lựa chọn: tình dục, trượt tuyết, nhà hàng sang trọng, những buổi hòa nhạc, những buổi tiệc – tất cả những thứ có thể khiến bạn hạnh phúc ngay tức thì. Bản ngã ghi nhớ thì lại không chắc lắm. Nó muốn đi tới Ireland và thăm thú các tòa lâu đài cổ, hoặc là thử lái xe từ New York tới Los Angeles chỉ để xem chuyện gì sẽ xảy ra.

Như vậy, dựa vào nghiên cứu của mình, Kahneman đã kết luận rằng có hai dòng suy nghĩ giúp bạn quyết định xem mình có hạnh phúc hay không. Bản ngã hiện tại cảm thấy hạnh phúc khi được trải nghiệm những thứ bạn thích. Bản ngã ghi nhớ thì lại hạnh phúc khi bạn có thể nhìn lại quá khứ và tìm được nhiều ký ức tích cực. Như Kahneman đã chỉ ra, một kỳ nghỉ hai tuần chỉ có khả năng đem lại một vài ký ức trọn đời. Có thể bạn sẽ thỉnh thoảng nhớ lại chúng và cảm thấy hạnh phúc. Có một sự thiếu cân bằng rõ rệt giữa khoảng thời gian mà bạn phải bỏ ra để xây dựng ký ức và thời gian bạn dùng để tận hưởng chúng sau này.

Bản ngã hiện tại chẳng ưa thích gì việc phải ngồi bàn giấy. Nó cảm thấy mình như chim nhốt trong lồng. Nó có thể dùng chỗ thời gian ấy để làm gì đó thật vui vẻ. Bản ngã ghi nhớ không có điều kiện tạo dựng ký ức mới nên nó sẵn sàng làm việc chăm chỉ để kiếm tiền chi trả cho thức ăn và chỗ ở; và tất nhiên, nó cũng sẵn sàng tạm gác sự thỏa mãn sang một bên.

Với bạn và rất nhiều người khác, hành trình đi tìm hạnh phúc trong cuộc sống là một chuỗi những xung đột của hai bản ngã này. Theo như nghiên cứu của Kahneman thì hạnh phúc không thể chỉ bao gồm mặt này hay mặt kia. Bạn cần phải cảm thấy hạnh phúc ngay trong hiện tại và đồng thời phải tạo ra những kỷ niệm đáng để nhìn lại sau này.

Để có thể cảm thấy hạnh phúc ngay lúc này và cảm thấy thỏa mãn về sau, bạn không thể chỉ tập trung vào việc đạt được các mục tiêu, bởi vì một khi bạn đạt được chúng, trải nghiệm sẽ kết thúc. Để có thể thực sự hạnh phúc, bạn phải thỏa mãn được cả hai bản ngã của mình. Hãy đi mua một cây kem đi, nhưng nhớ làm điều đó một cách thật ý nghĩa để có thể tạo ra một ký ức lâu dài. Hãy cứ cày kéo để có tiền cho sau này đi, nhưng đừng quên là bạn cũng cần phải làm sao để cảm thấy hạnh phúc ngay trong khi làm việc.

Thiên kiến về

sự nhất quán

Bạn biết rõ sự thay đổi trong các quan điểm của mình qua thời gian.

Trừ khi bạn ghi chép lại một cách có ý thức và chi tiết vê sự phát triển của bản thân, bạn sẽ luôn cho rằng cảm xúc và con người hiện tại của bạn từ xưa đến nay vẫn vậy.

Hãy nhớ lại bản thân thời trung học. Bạn đã là người thế nào?

Một số điểm nổi bật sẽ được gợi nhớ ngay lập tức – kiểu tóc kinh khủng, những chiếc áo phông ngu ngốc, và gu âm nhạc kỳ quái. Bạn từng là một kẻ dở hơi.

Nếu bạn từng theo một xu hướng phản văn hóa thì có lẽ sẽ còn đau đớn và khó khăn hơn khi nhớ lại con người cũ của mình. Có phải bạn từng là một người theo trường phái emo, một kẻ ăn mặc theo phong cách grunge, hay đã từng trao đổi tiểu thuyết Star Trek với lũ bạn trong câu lạc bộ cờ vua? Dù hồi đó bạn từng rất thích thứ gì đi nữa, thì giờ có lẽ là bạn cũng đã hết thích rồi. Chắc là bạn cũng đã học được cách đối phó với mái tóc bất trị, biết cách chọn quần áo hơn, và biết được thể loại nhạc nào thực sự đáng nghe. Bạn đã tìm ra được trường phái chính trị và gu phim ảnh cho bản thân. Bạn cũng hiểu được một tình bạn chân chính là thế nào. Rất dễ để nhận ra được sự khác biết giữa con người bạn ngày ấy và bây giờ, như thể nhìn vào hai tấm ảnh xưa và nay vậy. Tuy nhiên, có những khác biệt khó nhận biết hơn. Các nhà khoa học đã chứng minh rằng bạn không thực sự giỏi trong việc tự so sánh thế giới nội tâm của bạn bây giờ với thế giới nội tâm của bạn ngày trước.

Nhà tâm lý học Hazel Markus tại Đại học Michigan cho rằng khi nhận được thông tin mới có khả năng đe dọa hình ảnh bản thân, bạn sẽ nhanh chóng phản ứng để tái khẳng định danh tính. Các nhà tâm lý học đã biết ngay từ đầu rằng bản ngã là một thứ vừa nhất quán vừa hay thay đổi. Trong mọi thời điểm, bạn tự bảo vệ những kết luận từ sự tự nghiệm của mình, nhưng bản ngã mà bạn bảo vệ lại có thể thay đổi cho khớp với các tình huống xã hội ngoại vi. Theo như kết luận vào năm 1910 của nhà tâm lý học William James thì: “Một người sẽ có số bản ngã xã hội bằng với số nhóm người sở hữu ý kiến, quan điểm mà người đó quan tâm.” Ngay lúc này, những bản ngã trong bạn cũng giống như những mặt phản xạ của một lăng kính; thay đổi hướng xoay và một con người khác của bạn sẽ xuất hiện để phù hợp với thế giới bên ngoài. Thiên kiến về sự nhất quán (consistency bias) đã làm cho bạn nghĩ rằng lăng kính này luôn có kích thước và hình dạng nhất định, nhưng thực tế lại không phải như vậy.

Năm 1986, Markus đã xuất bản một nghiên cứu trong đó cho thấy các bản ngã dễ bị thao túng đến thế nào, và bạn mù tịt về những sự thay đổi này ra sao. Công trình này là thành quả của hai thập kỷ nghiên cứu. Từ năm 1965, Markus và đồng nghiệp đã thu thập ý kiến chính trị từ một nhóm học sinh trung học và cha mẹ họ. Sau đó ông tiếp tục liên lạc và thu thập ý kiến của những người này vào năm 1973 và 1982 để xem có sự thay đổi nào không. Những câu hỏi có chủ đề trải rộng từ việc hợp pháp hóa một số chất ma túy cho tới quyền của phạm nhân và tính hợp lý của các cuộc chiến tranh. Như bạn cũng có thể đoán, thái độ của những người trẻ có sự thay đổi rõ rệt hơn nhiều trong khoảng thời gian từ năm 1965 đến 1973 so với cha mẹ họ. Nhìn chung thì qua 17 năm, quan điểm của họ ngày càng trở nên bảo thủ. Markus đã chỉ ra rằng khi bạn còn trẻ, bạn cởi mở hơn, dễ dàng đón nhận những thay đổi trong quan điểm của bản thân hơn. Tinh thần đảng phái của bạn còn chưa được định hình rõ ràng thành những triết lý cá nhân. Sau khi đã thu thập đủ vốn sống, bạn bắt đầu ổn định hóa góc nhìn của mình và tìm một chỗ đứng cho đạo đức cá nhân. Điều này nghe thì có vẻ hiển nhiên, nhưng khi Markus hỏi những người tham gia thí nghiệm về điều mà họ từng tin vào, chỉ có khoảng 30% có thể nhớ lại được những câu trả lời cũ. Những người còn lại có xu hướng cho rằng quan điểm chính trị của họ vẫn luôn như vậy. Ví dụ như nếu họ đang tin rằng tử hình là một hình phạt thích đáng thì họ cũng mặc định mình đã nghĩ vậy ngay từ đầu, mặc dù trong các bản điều tra cũ, họ đã từng phản đối nó khi còn niên thiếu.

Thí nghiệm tương tự đã được thực hiện vào năm 1998 bởi Elaine Scharfe tại Đại học Trent và Kim Bartholomew tại Simon Fraser. Trong thí nghiệm ngắn hạn hơn này, họ đã cho người tham gia đánh giá về độ hạnh phúc của mình trong một mối quan hệ. Những người tham gia đều đang hẹn hò, sống chung, hoặc đã cưới. Các câu hỏi chi tiết từ tần suất đối phương làm họ khó chịu, đến việc họ nghĩ mối quan hệ ấy sẽ tồn tại trong bao lâu. Các câu hỏi này được lặp lại sau 8 tháng, và các nhà khoa học cũng yêu cầu người tham gia nhớ lại câu trả lời trước đây của mình. Những người có mối quan hệ ổn định và không thay đổi thì hầu hết đều nhớ rõ câu trả lời cũ, nhưng với những người mà mối quan hệ đã trở nên tốt đẹp hơn hay xấu đi thì lại không thể nhớ lại quá khứ một cách chính xác: 78% phụ nữ và 87% đàn ông đã nhớ sai câu trả lời cũ của mình. Hầu hết những người tham gia thí nghiệm đều có thể gợi nhớ khá tốt về cảm xúc ban đầu của bản thân, nhưng với những người không thể, thiên kiến về sự nhất quán đã thay đổi ký ức của họ sao cho phù hợp với cảm xúc tồn tại ở thời điểm nói.

Trong một thí nghiệm thực hiện bởi George Goethals và Richard Reckman tại Đại học Williams vào năm 1972, sinh viên đã được phép nêu ý kiến cá nhân về chương trình Racially Segregated Busing⦾. Câu trả lời của họ được ghi âm lại và sau đó vài tuần, họ được mời đến nói chuyện với một diễn viên có nhiệm vụ thay đổi ý kiến ban đầu của họ. Nếu họ là người ủng hộ chương trình này, diễn giả sẽ chỉ ra những khuyết điểm của nó. Nếu là người phản đối, họ sẽ được nghe về những mối hại của sự phân biệt chủng tộc. Và cũng giống với các thí nghiệm khác, sau buổi tranh luận, các sinh viên này được hỏi lại những câu hỏi cũ, và cả cả hai nhóm đều không thể trả lời đúng. Họ đã bị thuyết phục nhưng lại cho rằng quan điểm lúc sau vốn đã tồn tại trong đầu họ ngay từ đầu.

Một trong những điểm kỳ lạ của thiên kiến về sự nhất quán là nó có thể có tác dụng ngay lập tức. Nếu bạn được mồi cho tin rằng mình là một người trung thực, bạn sẽ hành xử đúng như vậy.

Năm 2008, Dan Ariely, Nina Mazar, và On Amir tại MIT đã thực hiện một thí nghiệm với các sinh viên trường kinh tế của Đại học Havard. Họ yêu cầu các sinh viên này giải nhiều bài toán nhất có thể trong vòng 5 phút. Sau đó một sinh viên sẽ được chọn ngẫu nhiên và sẽ được thưởng 10 đô-la cho mỗi đáp án đúng. Trước khi bài kiểm tra bắt đầu, một nửa số sinh viên được yêu cầu liệt kê 10 cuốn sách họ đã đọc hồi còn ở trung học, nửa còn lại phải kể ra 10 điều răn trong Kinh thánh. Sau đó, ở cả hai nhóm này, một nửa số sinh viên sẽ có cơ hội ăn gian qua việc tự thông báo số câu trả lời đúng, nửa còn lại sẽ phải nộp bài. Trong nhóm liệt kê sách, tổng điểm đã cao hơn trung bình tới 33%, nghĩa là có người đã ăn gian. Trong khi đó ở nhóm phải kể 10 điều răn, điểm số ở dưới mức trung bình; nghĩa là không ai gian dối cả. Một nửa số sinh viên đã bị mồi cho suy nghĩ về sự trung thực, và bởi vì ai cũng tin rằng mình là người trung thực, họ đã hành động như vậy để đảm bảo tính nhất quán.

Bạn luôn phải trải nghiệm thiên kiến về sự nhất quán tức thì. Nếu bạn ký một cam kết trung thực, bạn thường có xu hướng giữ đúng cam kết. Khi bạn đồng ý sẽ làm gì đó, nhưng sau này lại cảm thấy không hứng thú nữa, bạn vẫn sẽ thực hiện việc đó để tránh cảm giác thiếu nhất quán với bản thân và với người khác. Trong những trường hợp bạn bị mồi để nghĩ về bản thân theo một cách nhất định, khả năng cao là bạn sẽ hành xử đúng y như vậy. Năm 1978, trong thí nghiệm của mình, Robert B. Cialdinia, John T. Cacioppo, Rodney Bassett, và John A. Miller tại bang Arizona đã hỏi các đối tượng tham gia xem liệu họ có tình nguyện tham gia làm từ thiện không. Khoảng một nửa đã nhận lời. Sau khi đã nhất trí, những người này được phổ biến rằng công việc sẽ bắt đầu lúc 7 giờ sáng. 95% số người đồng ý đã có mặt đúng giờ. Khi họ lặp lại thí nghiệm này, nhưng lại thông báo thời gian bắt đầu công việc trước, chỉ có 24% số người nhận lời tham gia. Những người trong thí nghiệm ban đầu không thực sự muốn đến sớm như vậy, nhưng bởi vì họ đã nhận lời từ trước nên họ buộc phải chứng tỏ rằng mình là người nhất quán, dù sẽ không có hậu quả tiêu cực nào xảy đến nếu họ không giữ lời. Không ai muốn làm một kẻ đạo đức giả.

Thiên kiến về sự nhất quán là một phần trong mong muốn chung nhằm giảm thiểu sự khó chịu xuất phát từ sự bất hòa nhận thức – những cảm xúc bạn cảm thấy khi nhận ra rằng mình có hai quan điểm cho cùng một vấn đề. Khi bạn nói một đằng và làm một nẻo, cảm giác ghê tởm sự giả tạo sẽ phải được giải quyết, nếu không, bạn sẽ khó mà yên lòng để chuyển qua làm việc khác. Bạn luôn muốn cảm thấy mình có khả năng tiên lượng trước các hành vi của bản thân, và bởi vậy, thỉnh thoảng bạn sẽ vô thức tự biên tập lại lịch sử cuộc sống của chính mình để cảm thấy mình đáng tin tưởng. Nếu bạn có ít nhiều tự cải thiện bản thân, và bạn tìm thấy ý nghĩa trong sự thay đổi đó, bạn sẽ kìm nén thiên kiến về sự nhất quán. Thế nhưng nhiều lúc, bạn khao khát những chi tiết đã qua trong cuốn tự truyện đời mình được hé mở theo cách phù hợp hơn với mong muốn của bạn ở hiện tại và bạn không thể chấp nhận việc mình đã từng là kiểu người mà theo tiêu chuẩn mới của bạn là hoàn toàn đáng ghét. Bạn có thể đã từng yêu điên cuồng, nhưng một khi bắt đầu nghi ngờ, bạn sẽ xóa bỏ quá khứ và thay thế nó bằng một phiên bản khác hợp lý hơn với con người hiện tại. Những người lớn tuổi có xu hướng cho rằng lũ trẻ rất ngây thơ, và đôi khi họ cảm thấy thích thú khi thấy những người trẻ cũng thiếu hiểu biết như họ trước đây. Đôi khi họ nghĩ rằng chỉ cần đủ khôn ngoan, chín muồi là có thể đánh bại sự thiếu hiểu biết đó. Đây chính là thiên kiến về sự nhất quán: Bạn tin rằng nếu lúc trước bạn biết được những điều mà bạn biết ngay lúc này thì mọi thứ đã khác đi. Thực ra thì con người cần phải thay đổi qua thời gian. Thiên kiến về sự nhất quán là sự thất bại trong việc thừa nhận điều đó.

Sự tự nghiệm về

tính đại diện

Biết được lịch sử của người khác sẽ giúp bạn dễ dàng xác định xem họ là kiểu người thế nào hơn.

Bạn thường vội vàng đi đến kết luận sau khi so sánh họ với những mẫu người đã tồn tại sẫn trong tiềm thức của bạn.

Một người bạn vừa đi hẹn hò về và kể với bạn về một người rất hoạt bát, khó đoán, vui tính, nhưng cũng có thể hơi nguy hiểm. Người bạn đó nghĩ rằng mình đã phải lòng đối tượng kia. Khi bạn hỏi người kia làm nghề gì thì họ trả lời rằng đó là một bác sĩ chuyên chữa bệnh về chân. Liệu bạn có bất ngờ trước thông tin này không? Có lẽ là có. Nhưng tại sao? Nói cho cùng thì bạn biết gì về bác sĩ chữa bệnh về chân? Liệu họ có phải là loại người có thể đi nhảy dù vào cuối tuần trước và đi cá độ đá gà phi pháp vào cuối tuần sau? Liệu đó có phải là điều mà một chuyên gia về chân cẳng sẽ làm? Hay bạn đang mường tượng rằng đó sẽ là kiểu người nằm nghỉ giữa đám mèo trong khi xem qua album chứa toàn ảnh những bàn chân mọc nấm?

Trừ khi bạn đã từng làm ngoại trưởng, khả năng lớn là bạn chẳng biết gì mấy về những người khác biệt với bạn. Bạn sử dụng định kiến, có thể là định kiến tốt, có thể là không, để phân loại tất cả mọi người. Việc này giúp bạn suy nghĩ nhanh hơn vì nó tạo điều kiện để bạn xây dựng hình tượng sẵn cho những điều chưa biết để có thể đưa ra quyết định dễ dàng hơn. Nếu không có những bộ lọc, thế giới quanh bạn sẽ là một mớ hỗn độn. Qua thời gian, bạn phát triển những lối tắt trong tâm trí để có thể suy nghĩ nhanh chóng và gọn nhẹ hơn. Phân loại là một trong những cách tuyệt vời nhất để làm mọi thứ trở nên dễ hiểu. Và khi gặp người lạ, bản năng đầu tiên của bạn là xếp họ vào một trong những tuýp người có sẵn trong đầu bạn. Từ đó, bạn có thể nhanh chóng xác định giá trị lợi ích hay rủi ro mà những cá nhân này mang lại. Lối hành xử này được gọi là sự tự nghiệm về tính đại diện (representativeness heuristics).

Daniel Kahneman và Amos Tversky đã xuất bản một công trình nghiên cứu vào năm 1973 để lôi bật sự tự nghiệm về tính đại diện này ra khỏi đám lùng nhùng những thiên kiến nhận thức lúc nào cũng tồn tại trong tâm trí bạn. Ví dụ dưới đây là một đoạn tổng hợp rút ra từ nghiên cứu đó và nhiều nghiên cứu khác:

Donald là một sinh viên đại học rất thông minh, học giỏi tất cả các môn, nhưng lại thiếu sáng tạo. Anh ấy là một người rất gọn gàng, và luôn muôn mang lại sự ngăn nắp cho mọi mặt cuộc sống. Khi viết, giọng văn của anh ấy thiếu cảm xúc và anh ấy toàn sử dụng từ ngữ hay ví dụ liên quan tới khoa học giả tưởng. Anh ấy không thích gần gũi mọi người, và có tiêu chuẩn đạo đức rất cao.

Trong nghiên cứu này, các đối tượng tham gia cũng phải đọc đoạn văn giống như vậy. Chúng là những miêu tả cá nhân được rút ra sau khi phỏng vấn 30 kỹ sư và 70 luật sư. Giả sử bạn là một người tham gia nghiên cứu, theo bạn thì Donald là kỹ sư hay luật sư?

Đây là lúc mà sự tự nghiệm về tính đại diện sẽ đánh lạc hướng bạn. Nếu thuộc số đông, bạn sẽ cho rằng khả năng Donald là một kỹ sư sẽ cao hơn. Đúng là những miêu tả trên rất khớp với hình ảnh của một kỹ sư. Tuy nhiên bạn lại hoàn toàn bỏ qua sự thật là có đến 70% khả năng anh ta làm luật sư. Đó là tỷ lệ mà các nhà khoa học đã chọn: 70 luật sư – 30 kỹ sư. Kahneman và Tversky kết luận rằng con người đưa ra những dự đoán dựa vào tính đại diện – độ khớp của thông tin mới với thông tin bạn đã có sẵn trong đầu. Đôi khi, thứ thông tin mà bạn có sẵn chỉ là một bức tranh biếm họa của thực tế. Khi nghĩ về một lãnh tụ Hồi giáo, bạn sẽ tưởng tượng ra hình ảnh của một người mặc bộ áo dài trùm kín người và vấn khăn trắng, đi dép sandal. Nhắc tới cao bồi, bạn lập tức nghĩ tới những chiếc mũ rộng vành, quần bò da, dây thòng lọng, và đai đeo súng. Khi tưởng tượng đến kỹ sư và luật sư, và hình ảnh trong đoạn vừa đọc khớp với một kỹ sư hơn, bạn không chần chừ vứt những con số qua một bên. Các khuôn mẫu trong tâm trí bạn không chính xác, và thường thì chúng cũng chẳng nhất thiết phải đúng. Chúng chỉ cần xuất hiện một cách tức thời và tự động để hỗ trợ bạn trong việc suy nghĩ thôi. Nếu tổ tiên của bạn nghe thấy tiếng động trong bụi rậm, họ cần ngay lập tức cho rằng một con vật nào đó to lớn và đói khát đang tiến tới gần. Nếu cần sự trợ giúp y tế, bạn cần phải nhanh chóng nhận ra được biển báo có chữ thập màu đỏ phía trên dòng chữ Cấp Cứu để mà xông thẳng vào, dù bạn không thể biết chắc liệu đó có phải khu nhà bỏ hoang hay một trò chơi ở công viên giải trí hay không. Nghiên cứu của Kahneman và Tversky cho thấy bản năng của bạn thường bỏ qua các con số thống kê. Bản năng của bạn rất dốt toán.

Hãy thử lại với đoạn miêu tả sau:

Tom đã hai lần ly dị. Anh dành phần lớn thời gian rảnh để chơi golf. Anh thích mặc những bộ vest đắt tiền và lái một chiếc siêu xe. Tom thường hay tranh cãi, và một khi đã bắt đầu thì rất cố chấp, Tom phải thắng bằng được nếu không thì sẽ trở nên tức tối. Anh ấy đã phải học mãi mới được tốt nghiệp đại học và đang tìm cách bù đắp cho khoảng thời gian đó bằng cách giao du nhiều nhất có thể.

Giờ thì hãy tưởng tượng rằng để lấy ra được đoạn miêu tả này, họ đã phỏng vấn 70 kỹ sư và 30 luật sư. Giờ bạn đã biết về cách hoạt động của sự tự nghiệm về tính đại diện rồi, bạn thấy Tom giống một luật sư hay một kỹ sư? Phải rồi. Nếu nói trên phương diện xác suất thống kê thì khả năng Tom là một kỹ sư sẽ lớn hơn, không cần biết hình ảnh của anh ta khớp với khuôn mẫu tự nghiệm của bạn về một luật sư tới mức nào.

Sự tự nghiệm về tính đại diện còn là nguồn gốc của một số thiên lệch nhận thức khác nữa, ví dụ như là ngụy biện liên kết (conjunction fallacy). Đây là một ví dụ nữa từ nghiên cứu của Kahneman và Tversky:

Linda là một người phụ nữ độc thân 31 tuổi. Cô ấy có vẻ cởi mở và thông minh. Cô ấy đã tốt nghiệp đại học ngành triết học. Khi còn là sinh viên, cô ấy đã rất trăn trở về sự phân biệt đối xử và các vấn đề xã hội. Linda cũng đã từng tham gia vào một vài cuộc biểu tình.

Theo bạn thì Linda là một giao dịch viên ngân hàng bình thường, hay là giao dịch viên có tham gia hoạt động vì nữ quyền? Hầu hết những người đã đọc đoạn miêu tả trên đều chọn phương án thứ hai, mặc dù nếu xét trên phương diện thống kê thì rõ ràng khả năng để cô ta chỉ đơn giản là một giao dịch viên bình thường sẽ lớn hơn. Chắc chắn số giao dịch viên trên đời này nhiều hơn số giao dịch viên hoạt động vì bình đẳng giới, không cần biết quá khứ của họ có thế nào.

Ngụy biện liên kết được xây dựng dựa trên sự tự nghiệm về tính đại diện. Thông tin bạn thu được càng khớp với các khuôn mẫu trong tâm trí thì chúng càng có vẻ đúng. Phần miêu tả bên trên khớp với hình ảnh của cả nhân viên ngân hàng lẫn nhà hoạt động nữ quyền, và bởi vậy bạn có cảm giác khả năng nó là phương án đúng sẽ tăng gấp đôi. Mặc dù vậy, nếu xét về mặt xác suất thì rõ ràng đây phải là tỷ lệ nghịch. Nhưng bạn lại không suy nghĩ dựa trên các thống kê, logic, hay những điều kiện hợp lý. Bạn sẽ lao ngay vào trung tâm cảm xúc của mình và đưa ra quan điểm về người khác dựa trên những câu chuyện và nhân vật có sẵn trong tâm thức. Đó là những khuôn mẫu dựa trên những con người, sự kiện mà bạn đã từng trải qua trong quá khứ, hoặc có được thông qua ảnh hưởng của sự thẩm thấu văn hóa.

Kahneman và Tversky tiếp tục chứng minh điều này bằng những thí nghiệm với những người dự đoán tương lai chuyên nghiệp⦾. Năm 1982, họ yêu cầu 115 người làm nghề này dự đoán sự kiện có thể xảy ra vào năm sau. Họ được chia thành hai nhóm. Một nhóm ước tính khả năng Hoa Kỳ và Liên bang Xô Viết cắt đứt mọi quan hệ. Nhóm còn lại dự đoán khả năng Liên bang Xô Viết ngoài việc cắt đứt quan hệ với Hoa Kỳ còn thực hiện xâm lược Ba Lan. Nhóm thứ hai đã cho rằng khả năng để bối cảnh thứ hai, với gấp đôi số sự kiện, trở thành hiện thực là lớn hơn. Sự tự nghiệm về tính đại diện của họ đã bị kích hoạt tới hai lần, bởi vậy họ cho rằng khả năng nó xảy ra sẽ lớn hơn khả năng xảy ra của một sự kiện duy nhất.

Sự tự nghiệm về tính đại diện là một công cụ hữu ích, nhưng cũng không kém phần nguy hiểm. Nó có thể hỗ trợ bạn tránh khỏi những mối hiểm nguy và tìm kiếm sự giúp đỡ, nhưng nó cũng thường dẫn tới sự khái quát hóa và các định kiến. Khi bạn mong đợi người nào đó hành xử theo một cách nhất định chỉ bởi vì họ giống với khuôn mẫu sẵn có trong tâm trí bạn, thì lúc đó bạn không thực sự thông minh lắm đâu.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3