Bức Tranh Kí Ức - Chương 01

Giáo dục công dân. Phải, lại là môn giáo dục công dân. Bài học hôm nay có thể tóm tắt ngắn gọn lại: “Nói không với HIV/AIDS”.

“Ê.” Người nọ thúc vào tay người kia.

“Gì?”

“Để tớ kể cậu nghe một câu chuyện nhé.”

“Hử?”

“Chuyện kể rằng trong làng Hạ này đã từng xảy ra một câu chuyện rùng rợn có thật của một gia đình nọ. Hôm nay học về HIV nên tớ mới nhớ ra. Nghe nói vợ chồng của gia đình đấy yêu nhau, sau đó lấy nhau, nhưng không hiểu sao họ lại luôn sống trong nỗi ám ảnh khiếp sợ, vì một lí do nào đó. Mấy năm sau, dân ở làng đấy báo công an là vợ chồng bị nhiễm HIV cùng với hành vi bỏ rơi con cái, công an đã đến. Nhưng…”

“Làm sao?”

“Chỉ thấy cảnh tượng đầy máu me của cặp vợ chồng đã chết. Về sau có thông tin chính thức thì mới biết là cặp vợ chồng chết do tự tử qua lời trần thuật của một số người thân thích trong làng, họ đều bị nhiễm HIV, xác được đem đi thiêu bởi chính làng ấy.”

“Thế còn đứa con?"

“Đứa con à? Không thấy, đã biến mất. Nghe đồn hình như được bố mẹ đem đi trại trẻ mồ côi trước đó. Và… cũng không rõ có bị nhiễm HIV hay không. Năm xảy ra vụ việc là năm 1993, dịch HIV bùng nổ tại Việt Nam, đồng thời chưa có thuốc chữa trị, cho nên ai cũng sợ bị dính líu tới những người bị nhiễm.”

“Dù rằng bọn họ không biết đường truyền nhiễm của HIV?”

“Ừ. Nhưng điểm lạ ở chuyện, và cũng là yếu tố khiến cho câu chuyện càng thêm khó hiểu, kinh dị nữa. Hai vợ chồng chết xong, mấy ngày sau, người công an được dân làng báo cáo tới xem xét chuyện của đôi vợ chồng đó cũng chết.”

“!”
“Do bị giết.”

------------------------------------------------

Tháng 7, giữa hè, ánh nắng oi ả. Nhiệt độ càng ngày càng lên cao thì phải. Ông nội tôi thường nói, cứ ngày hè nào nóng nhất là đa số tối đều mưa. Ông thân mến! Ngày nào cũng ba mươi tám, ba mươi chín độ đây.

Đang trong dịp nghỉ hè nên tôi tranh thủ sắp xếp thời gian xuống thăm ông ở quê một chuyến. Nếu như biết ở đây nóng như vậy, tôi đã không đến rồi. Nhưng, lúc nào cũng vậy, tôi không khỏi sốt sắng khi nghĩ về nơi đây, có một thứ gì đó, một điều gì đó của tôi, mà khiên cho thâm tâm tôi luôn cảm thấy bứt rứt. Tôi về nhà ông nội chơi luôn đi kèm với tâm trạng mơ hồ, mong muốn kiếm tìm thứ “gì đó” thuộc về mình.

Hôm qua, sau khi hoàn thành công việc tưới rau cho ông, bỗng nhiên tôi cảm giác lành lạnh ở sống lưng, bèn quay đầu lại thì thấy một đôi mắt híp đang hấp háy nhìn tôi. Láo liên một hồi, đôi mắt đó chợt nhắm lại. À, tôi biết đó là ai rồi. Cái Trang – đứa bạn hàng xóm chơi với tôi từ tấm bé – tinh nghịch nhảy qua cái rào chắn bằng gỗ mục ngăn cách giữa hai nhà. Nó cười hớn hở ôm chầm lấy tôi. “Tao nhớ mày quá Linh ơi!”

Tôi vui vẻ, lấy tay đập vào lưng nó. “Tao cũng thế, ôm chặt quá! Không thở được, bỏ ra cái con này!”

Trang bằng tuổi tôi, 17 tuổi. Dáng người bé con con, đứng với tôi lọt thỏm, thế mà rất năng động, tôi rất thích cái tính lúc nào cũng tươi cười, lạc quan của nó, trừ một số trường hợp.

Nó bỏ tôi ra, lại bắt đầu than thở về cuộc sống nhạt nhẽo của nó. Như thường ngày, như mọi mùa hè, như mọi chuyến về quê chơi, linh cảm mãnh liệt đào bới quá khứ thúc giục, nhưng tôi không có manh mối gì cả. Tôi thậm chí còn không nhớ đến cái Trang. Dằn vặt suốt một thời gian dài, tôi mới lần tìm được hình bóng của nó. Có vẻ như tôi bị mất trí nhớ, nhưng không phải, tôi vẫn nhớ hết mọi chuyện, chỉ là một số chuyện rất quan trọng, mà ý thức của tôi đã tự động xóa đi không cho phép nhớ đến. Tôi nghĩ hẳn là chuyện đó rất đau lòng, cho nên bản thân không hề gượng ép phải nhớ đến. Nhưng nỗi lo cứ ngày một lớn dần.

“Mày lại đau đầu à Linh?”

Trang lo lắng hỏi tôi. Tôi lắc đầu. Chợt nghĩ đến một vấn đề. “Dạo này ở đây buổi tối có hay mưa không?”
“Có.” Ồ, ông nội đúng rồi. “Mày cứ đứng đây một lúc nữa là bầu trời đen sì, xong rồi mưa to đùng.” Tôi thầm nghĩ cứ như bão vậy, nhưng… “Nhưng dự báo thời tiết nói không có bão.” Trang nói.

“Lạ nhỉ?” Tôi ngước nhìn lên lưới trời xa xăm, thẫn thờ một lúc. Rồi tôi láu cá đáp: “Thế thì càng mát. Mà chết, tưới rau suốt, mưa suốt, có bị ủng rễ không?”

Trang ngu ngơ nghe câu hỏi không hề ăn nhập của tôi, nhưng nó vẫn cười ngoác miệng. “Tao làm sao mà biết được.”

Chúng tôi hí hửng trò chuyện, vừa nhặt rau vừa té nước vào nhau, những giọt nước trong suốt, không nhiễm bụi trần, nhưng lúc rơi xuống đất lại vỡ ra như những giọt mưa mùa hạ mọi tối. Dường như tối nay cũng vậy. Trên cây, đàn chim líu lo hót. Trên cao, mây đen ngày một đến gần.