Cãi Gì Cũng Thắng - Chương 01

Suy luận gièm pha

Ngụy biện suy luận gièm pha là một phiên bản chuyên biệt của lập luận công kích cá nhân (ad hominem). Thay vì trực tiếp sỉ nhục người tranh luận, một suy luận được rút ra với toan tính đẩy người này vào trạng thái bị khinh rẻ hay mang tiếng xấu. Đối thủ hay hành vi của người này được so sánh với thứ gì đó khiến người nghe có phản ứng bất lợi cho anh ta.

Smith đã đề nghị chúng ta nên chèo thuyền ra biển trong kỳ nghỉ mặc dù hiểu biết của anh ta về tàu thuyền chỉ ngang với nhạc trưởng người Lào.

(Có lẽ bạn không cần phải biết quá nhiều để tham dự một kỳ nghỉ chèo thuyền ra biển. Smith luôn có thể học được. Điểm mấu chốt ở đây là sự so sánh trên được rút ra một cách tinh vi khiến Smith trông thật ngu xuẩn. Thậm chí có thể có nhiều vị nhạc trưởng người Lào là những người đi biển giỏi dù rằng đất nước đó không giáp biển.)

Suy luận gièm pha thậm chí có thể là một suy luận có giá trị xét theo cách so sánh được đưa ra. Điều này khiến nó hiệu quả hơn nhưng vẫn đầy tính dối lừa vì mục tiêu ở đây là đưa ra một tư liệu bổ sung, không thể chối cãi để gây ảnh hưởng lên một đánh giá.

Nếu khoa học thừa nhận rằng không tồn tại sự chắc chắn thì một nhà khoa học sẽ chẳng có nhiều tri thức chắc chắn về vũ trụ hơn một người kém thông minh đang chạy xung quanh bụi cây.

(Đây là sự thật nhưng nó được viết với mục đích gièm pha để từ đó người nghe sẽ ủng hộ những tri thức chắc chắn.)

Ngụy biện này rất tinh vi vì nó dựa trên những liên tưởng về một bức tranh trong tâm trí của người nghe. Người phạm ngụy biện không cần nói gì sai sự thật; anh ta có thể dựa vào các liên tưởng của người nghe để lấp đầy sự gièm pha kia. Suy luận gièm pha là một ngụy biện vì nó dựa trên tư liệu không liên quan gì để tác động đến lập luận.

Để chúc mừng đồng nghiệp của tôi trên cương vị mới, hãy để tôi chỉ ra rằng anh này không có nhiều kinh nghiệm cho công việc này, chẳng khác nào một chú bé con run rẩy trong ngày đầu tiên đến trường.

(Lại một lần nữa, phát biểu trên là đúng. Nhưng ai đang run rẩy?)

Trong khi các chính trị gia thích thú với những gièm pha và suy luận, ngạc nhiên thay là suy luận gièm pha có vài công dụng hữu ích. Một suy luận gièm pha hiệu quả phải chứa đựng yếu tố chính xác trong phép so sánh và gợi ra sự gièm pha thông qua những liên tưởng về nó. Nếu tất cả mọi yếu tố khác đều giữ nguyên, những so sánh sai sự thật rất dễ trở nên chướng tai gai mắt so với việc khéo léo sử dụng các yếu tố chính xác. Chỉ có vài người đạt đến trình độ miêu tả đáng nhớ như Daniel O’Connell khi nói về Sir Robert Peel:

…nụ cười như tấm kim loại bạc trên chiếc quan tài.

(Đúng là nụ cười đó có sự lấp lánh nhưng miêu tả này khiến chúng ta nghĩ đến cái gì đó khá lạnh lùng ẩn sau nụ cười kia.)

Ngòi bút đầy nanh độc của các nhà phê bình văn học nghệ thuật là những suối nguồn đầy hứa hẹn cho các suy luận gièm pha.

Anh ta bồn chồn đi lên sân khấu như thể một trinh nữ đang chờ vị vua Thổ Nhĩ Kỳ tiếp kiến.

(Và chết ngay sau đêm đầu tiên.)

Các lý luận gièm pha đòi hỏi phải được chuẩn bị tốt. Nếu bạn sử dụng chúng khi chưa chuẩn bị, bạn sẽ thấy bản thân mình đang rút các so sánh từ một kho so sánh đã cũ sờn không còn sự mới mẻ để gợi lên những hình ảnh sống động. Mô tả đối thủ của bạn như “bà hiệu trưởng khổ hạnh” hay “các tay chủ câu lạc bộ thoát y” sẽ không nâng bạn lên tầm cao hơn. Mặt khác, một so sánh gièm pha được soạn thảo cẩn thận có thể chất chứa sự giễu cợt lên tình huống tiêu biểu nhất mà bạn có thể tìm được: “bài nói chuyện dài như cái sừng bò Texas; đây một đầu nhọn, kia một đầu nhọn nhưng ở giữa thì toàn bò.”

Ngụy biện trọng âm

Ngụy biện trọng âm phát huy tác dụng dựa trên khả năng thay đổi nghĩa của phát biểu thông qua những chỗ nhấn giọng khác nhau trong từ ngữ. Đặt trọng âm vào một số từ ngữ hay cụm từ nhất định có thể mang lại một ý nghĩa khá khác biệt so với dự định ban đầu và có thể thêm vào đó những ẩn ý bao hàm không nằm trong nghĩa đen của câu từ:

Đốt điếu thuốc của bạn đi.

(Không có trọng âm, câu này giống như một chỉ dẫn hay lời mời đơn giản.)

Đốt điếu thuốc của bạn đi.

(Chứ không phải đốt tấm trải bàn hay bất kỳ gì khác bạn muốn đốt.)

Đốt điếu thuốc của bạn đi.

(Chứ không phải đốt điếu thuốc của người khác.)

Đốt điếu thuốc của bạn đi.

(Chứ không phải gài nó lên tai bạn.)

Thậm chí với một cụm từ rất đơn giản, thay đổi trọng âm có thể tạo ra sự thay đổi ngữ nghĩa đáng kể.

Chúng ta biết rằng con người sinh ra đều bình đẳng, nhưng đó không phải là lý do để trao cho họ tất cả các lá phiếu bầu bình đẳng.

(Thực ra, chắc hẳn chúng ta biết rằng con người sinh ra bình đẳng. Sinh ra bình đẳng hàm ý người ta không duy trì được sự bình đẳng đó lâu.)

Trong hầu hết các trường hợp, rõ ràng sử dụng trọng âm là hình thức ngụy biện bằng lời nói. Trong văn bản, sự nhấn mạnh thường thể hiện dưới dạng in nghiêng và những người sử dụng trích dẫn lời người khác thường phải ghi rõ nguồn. Tuy nhiên trong văn nói, các trọng âm thiếu chính đáng dễ dàng xâm nhập hơn, đánh thức những ẩn ý thiếu chính đáng. Ngụy biện này đi cùng những ẩn ý bổ sung được đưa ra bởi phép nhấn mạnh. Chúng không hình thành phần nào trong phát biểu được chấp thuận kia và được mang vào một cách lén lút mà không có công dụng hỗ trợ lập luận.

Ngụy biện trọng âm thường được sử dụng để biến một sự cấm đoán trở nên thoải mái hơn. Bằng cách nhấn mạnh sự việc bị loại trừ, nó hàm ý rằng những sự việc khác được chấp thuận.

Mẹ nói chúng ta không được ném đá vào cửa sổ.

Chúng ta dùng tảng kim loại này thì không sao cả.

(Và mẹ, người đã hứa sẽ không đụng tay đến chúng có thể sẽ phản ứng bằng cách đá lũ trẻ.)

Trong rất nhiều câu chuyện cổ xưa, các anh hùng gan dạ chiến thắng bằng cách sử dụng ngụy biện trọng âm để tìm ra kẽ hở trong những lời nguyền hay huấn thị. Perseus biết rằng ai nhìn vào Medusa sẽ bị biến thành đá. Ngay cả những kẻ hung ác cũng sử dụng ngụy biện này: Samson đã bị làm mù mắt bởi vua xứ Philistines – người hứa rằng không đụng vào anh này.

Có thể bạn thường sử dụng ngụy biện trọng âm nhiều nhất với mục đích hạ thấp đối thủ bằng cách thay đổi trọng âm lệch với dự định của người này khi trích dẫn lời nói của họ. (“Ông ấy nói sẽ không bao giờ nói dối người dân Mỹ. Bạn sẽ nhận ra tất cả những thứ còn lại ông ấy có thể làm.”) Richelieu cần sáu dòng từ lời nói của người trung thực nhất để tìm ra thứ gì đó có thể treo cổ anh này lên; với khả năng sử dụng ngụy biện trọng âm khéo léo, bạn thường chỉ cần nửa dòng để làm việc đó.

Ngụy biện này đặc biệt hữu ích khi bạn đang bảo vệ một hành động nhìn chung thường không được chấp thuận. Ngụy biện trọng âm cho phép bạn bào chữa rằng hành động mà bạn đề nghị dễ dàng chấp nhận hơn. (“Tôi biết chúng ta đã cam kết không tham gia vào chiến tranh vi trùng chống lại cư dân ở những vùng đất xa xôi, nhưng người Ailen thì không xa xôi gì cả.”)

Khi soạn thảo những quy tắc hay luật lệ, hãy luôn ghi nhớ trong đầu rằng có rất nhiều luật sư khôn khéo sử dụng nghệ thuật ngụy biện trọng âm để bác bỏ các dự định của bạn. Lời nói của bạn sẽ kết thúc với ý nghĩa hạn hẹp như sự độc quyền của hệ thống bưu chính cũ, trong đó hệ thống này quy định rằng ai la lối trên đường phố sẽ bị khép vào tội vi phạm sự độc quyền bưu chính. (Dù sao thì họ cũng chỉ quy định trên đường phố.)

Ngụy biện ngẫu nhiên

Ngụy biện ngẫu nhiên giả định rằng các đặc trưng kỳ lạ của một tình huống ngoại lệ là đủ để bác bỏ một quy luật tổng quát. Các đặc trưng của vấn đề có thể mang tính “ngẫu nhiên”, không liên quan gì đến luận điểm và dễ dàng được xác định là một ngoại lệ bất thường có thể chấp nhận được.

Chúng ta nên bác bỏ suy nghĩ chỉ cần trả cái mình nợ. Giả sử một người cho bạn mượn vũ khí và sau đó bị điên thì sao? Chắc chắn không thể chỉ đơn thuần là đặt vũ khí vào tay người điên kia được phải không?

(Ngụy biện này, từng được Plato sử dụng, tinh quái ở chỗ nó không nhìn nhận rằng tình trạng điên chỉ là một tai nạn “ngẫu nhiên”, và chỉ là một trường hợp quái đản không liên quan gì đến chủ đề, và thực sự rất ít xảy ra.)

Hầu như tất cả những khái quát hóa đều có thể bị bác bỏ dựa trên luận điệu rằng còn có những trường hợp “ngẫu nhiên” khác có thể xảy ra. Hầu hết những phát biểu chung chung về hệ quả theo sau hành động nào đó có thể được phủ nhận dựa trên luận điệu rằng chúng không bao quát trường hợp người đưa ra luận điệu kia bị thiên thạch rơi trúng trước khi hệ quả kịp xảy ra. Bảo vệ luận điểm này chính là phạm phải ngụy biện ngẫu nhiên.

Ngụy biện này xem một phát biểu khái quát như một tổng thể không hoàn hảo vì chấp nhận những ngoại lệ. Để làm điều đó bạn phải cấp cho nó một ý nghĩa và tính chính xác mà phát biểu này chưa bao giờ sở hữu. Hầu hết những phát biểu khái quát hóa đều hàm chứa ý niệm rằng tất cả mọi thứ đều giống nhau. Nếu có gì đó không như vậy, chẳng hạn sự tồn tại của trạng thái điên rồ hay thiên thạch, các ngoại lệ vẫn có thể được chấp nhận mà không làm mất đi giá trị của phát biểu khái quát kia.

“Anh nói anh chưa bao giờ gặp tên gián điệp này. Anh có chắc là hắn chưa bao giờ đứng gần anh ví dụ như trong một đám đông xem bóng đá không?”

“Ừm, tôi không chắc.”

“Lần anh gặp hắn là khi nào, và hai người đã chuyền cho nhau giấy tờ gì?”

(Nếu tôi có gặp hắn thì đó cũng chỉ là sự ngẫu nhiên.)

Ngụy biện ngẫu nhiên là ngụy biện thường gặp ở những người theo đuổi sự khái quát. Nếu bạn đang cố đưa ra những định nghĩa không thể phản bác cho những thứ như “sự thật”, “công lý” và “ý nghĩa”, bạn đừng ngạc nhiên khi những người khác giành rất nhiều công sức cố gắng tìm ra những điều ngẫu nhiên để tấn công xuyên qua tấm khiên bảo vệ của bạn.

Plato tìm kiếm công lý. John Stuart Smith, người cố gắng chứng minh rằng công lý là sự tự do nhưng không được gây ra thiệt hại hay rủi ro nghiêm trọng cho những người khác, luôn thấy luận điệu của mình bị phản đối với những câu bắt đầu bằng, “Nhưng còn trường hợp mà…?” Đây là một sự may rủi nghề nghiệp. Nếu bạn muốn tránh các ngụy biện ngẫu nhiên, hãy tránh sự khái quát.

Không phải lúc nào cũng nên giữ lời hứa. Giả sử bạn bị mắc kẹt ở một hoang đảo với một bá tước người Áo đang thực hiện sứ mệnh do thám quốc tế của mình; và giả sử chỉ còn đủ thức ăn cho một người và bạn hứa với ông này…

(Tình tiết gây sửng sốt duy nhất trong những câu chuyện ghê rợn kiểu này là việc có ai đó cho rằng các ngoại lệ quái đản có thể khiến một quy luật chung ít được chấp nhận hơn.)

Một trong những ví dụ nổi tiếng nhất của loại ngụy biện này là giai thoại về câu nói đùa của cậu học sinh:

Hôm qua bạn mang cái gì đến thì hôm nay bạn ăn nó. Hôm qua bạn mang thịt sống đến thì hôm nay bạn ăn thịt sống.

(Với sự khái quát hóa bất chấp trường hợp “ngẫu nhiên” riêng ở đây.)

Ngụy biện ngẫu nhiên hữu dụng cho những người theo chủ trương vô chính phủ vì nó có vẻ như phản bác lại mọi luật lệ chung. Khi bị cáo buộc phạm luật, hãy tìm kiếm những trường hợp ngoại lệ quái dị nhất trong khả năng tưởng tượng của bạn. Nếu luật lệ kia không áp dụng cho trường hợp này, tại sao nó lại áp dụng với bạn? (Tất cả chúng ta đều đồng ý rằng việc đốt một văn phòng thuế là đúng nếu đó là cách duy nhất để giải thoát những góa phụ và trẻ mồ côi bị nhốt dưới hầm rượu. Do đó, cái tôi làm vốn dĩ đã không sai…?)

Khẳng định hậu thức

Với những người rối mù trong vô vọng giữa ngựa và xe thồ, khẳng định hậu thức là một ngụy biện xuất hiện rất tự nhiên. Đây là một rủi ro cho những người chọn phương pháp lập luận có điều kiện, ngụy biện này không thể nhận ra rằng có nhiều hơn một cách để giết mèo.

Những con mèo sẽ chết khi bị loài nhím Âu mắc bệnh dại cắn. Con mèo này chết, hiển nhiên con nhím Âu là thủ phạm.

(Trước khi đóng nắp chiếc quan tài cho con mèo của bạn, hãy nhớ rằng con mèo quá cố đó có thể bị điện giật chết, bị siết cổ chết, bị mổ bụng hay bị xe cán. Có khả năng chính con nhím Âu đã giết con mèo nhưng chúng ta không thể xem nó là nguyên nhân duy nhất.)

Người đưa ra lập luận đã trộn lẫn tiên đề với hậu thức. Trong cấu trúc “Nếu….thì”, “nếu” là tiên đề và “thì” là hậu thức. Không sai khi khẳng định tiên đề để chứng minh hậu thức, nhưng không thể làm ngược lại.

Nếu tôi làm rơi một quả trứng, nó sẽ vỡ. Tôi làm rơi một quả trứng, vì thế nó vỡ.

(Đây là một lập luận hoàn toàn hợp lý. Nó được gọi là lý luận diễn dịch (modus ponen) mà chúng ta vẫn sử dụng hàng ngày. Hãy so sánh ví dụ trên với phiên bản dưới đây.)

Nếu tôi làm rơi một quả trứng, nó sẽ vỡ. Quả trứng này vỡ, do đó tôi đã làm rơi.

(Đây là một ngụy biện khẳng định hậu thức. Có thể có rất nhiều khả năng khác dẫn đến việc trứng bị vỡ như có thứ gì đó rơi trúng nó, ai đó khác làm rơi nó hay con gà con chui từ quả trứng ra…)

Để suy luận có căn cứ, chúng ta phải khẳng định tiên đề để từ đó suy ra hậu thức. Trong ngụy biện này, chúng ta khẳng định hậu thức trước nhằm suy ra tiên đề. Phép khẳng định hậu thức mang tính dối lừa vì một sự kiện có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Chỉ với việc nhìn thấy sự kiện, chúng ta không thể chắc chắn nó được gây ra bởi nguyên nhân cụ thể nào.

Nếu người Trung Quốc muốn hòa bình, họ sẽ ủng hộ các chương trình trao đổi văn hóa và thể thao. Vì họ ủng hộ những chương trình trao đổi này, chúng ta biết họ muốn hòa bình.

(Có thể là thế. Kết luận này nghe có vẻ hợp lý, nhưng cũng có thể có những lý do khác đáng ngại hơn để Trung Quốc ủng hộ các chương trình trao đổi quốc tế. Cũng như việc con mèo có thể bị giết bằng rất nhiều cách chứ không phải chỉ một.)

Ngụy biện này được sử dụng rất nhiều trong các phiên tòa vì nó là nền tảng của chứng cớ gián tiếp. Khi không có nhân chứng, chúng ta thường đi ngược lại để tìm ra những gì có thể gây ra các hành vi đó.

Nếu anh ta lên kế hoạch giết vợ, anh ta sẽ mua thêm bảo hiểm cho vợ. Anh ta đã làm vậy.

Nếu anh ta định đầu độc, anh ta phải mua thuốc độc. Anh ta đã mua một ít thuốc diệt cỏ.

Nếu anh ta muốn cắt xác, anh ta cần có một cái cưa lớn. Một cái cưa như vậy được tìm thấy trong nhà kho của anh ta.

(Có thể có những lý giải khác, những lý giải vô tội cho tất cả các hành động trên. Sẽ là ngụy biện khi nói rằng bất kỳ lập luận nào trên đây có thể chứng minh anh ta có tội. Nhưng khi kết hợp chúng lại, sẽ dễ dàng hơn nhiều cho mười hai thành viên bồi thẩm đoàn để loại bỏ những nghi ngờ hợp lý về sự trùng hợp. Không nghi ngờ gì, thỉnh thoảng những lập luận thế này cũng sai và do đó đã xử lầm những người vô tội.)

Đây là một ngụy biện rất phù hợp khi bạn muốn quy kết động cơ phạm tội cho ai đó. Động cơ không thể hiện ra bên ngoài nhưng hành động thúc đẩy bởi động cơ thì có. Bạn luôn có thể giành được sự chú tâm của người khác thông qua những lý lẽ về động cơ không chính đáng, qua việc sử dụng khéo léo ngụy biện khẳng định hậu thức.

Cô ta là một ả lẳng lơ. Đàn bà kiểu này luôn phơi bày trước mặt đàn ông, và cô ta đã xuất hiện trong buổi tiệc văn phòng với chiếc váy gần như trong suốt!

(Tất cả chúng ta đều có thể nhìn xuyên qua nó .)

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3