Cãi Gì Cũng Thắng - Chương 02
Chơi chữ
Chơi chữ là hình thức ngụy biện trên các cấu trúc tối nghĩa. Nó xuất hiện khi ý nghĩa tổng thể của một phát biểu có thể được hiểu nhiều hơn một nghĩa và thường là do lỗi bất cẩn trong sử dụng ngữ pháp.
Nữ công tước có một chiếc tàu rất tốt nhưng bà ta lại có nhiều động vật giáp xác bám dưới đáy tàu.
(Nữ công tước này đòi hỏi phải được chăm sóc đặc biệt cẩn thận.)
Dạng ngụy biện này có khả năng thay đổi vô hạn. Rất nhiều ví dụ tuyệt vời về ngụy biện chơi chữ tận dụng đại từ tối nghĩa: từ “she” ở đây ý nói về con tàu hay nữ công tước? Sự nhầm lẫn tương tự cũng có thể xảy ra ở động vật.
Tôi đã gặp ngài đại sứ cưỡi con ngựa của ông ta. Con ngựa khịt mũi và thở phì phò, do đó tôi cho nó một cục đường.
(Liệu tất cả những nhà ngoại giao đều có thể bị đem ra làm trò tiêu khiển rẻ tiền vậy sao?)
Cả việc sử dụng sai từ “mà” (which) và loại bỏ nó để rút ngắn câu lại đều tạo ra những ví dụ kinh điển. (“Trong phiếu khai, tôi đã điền chi tiết về chấn thương cột sống mà tôi đang phải chịu đựng.”) Có vô số những phiên bản của ngụy biện chơi chữ trong mẫu quảng cáo dưới đây:
XE BÁN: xe được sở hữu bởi một quý bà đứng tuổi với thân xe mới và bánh dự phòng.
Lỗi sai thường do người nói không nhận ra được còn tồn tại một cách hiểu khác. Đôi khi, chấm câu bị đặt sai chỗ; đôi khi, không có đủ chấm câu để xóa tan sự tối nghĩa. Các tiêu đề báo, cái đòi hỏi sắc sảo và ngắn gọn, là những bãi cỏ dài ưa thích mà từ đó ngụy biện chơi chữ thú vị thi thoảng đập vào mắt bạn. Những kiệt tác tiêu đề báo trong Chiến tranh Thế giới lần II bao gồm:
TƯỚNG MACARTHUR BAY NGƯỢC TRỞ LẠI TIỀN TUYẾN
[MACARTHUR FLIES BACK TO FRONT]
(Vẫn còn rất nhiều biến thể nếu từ “fly” được dùng như danh từ.)
QUÂN PHÁP ĐẨY MẠNH VIỆC KÌM CHÂN NGƯỜI ĐỨC!
[FRENCH PUSH BOTTLES UP GERMANS!]
(Đúng là đánh giáp lá cà. Nhưng cách viết ở đây thật buồn cười.)
Sử dụng ngụy biện chơi chữ với toan tính lừa dối ai đó là phương pháp yêu thích của các nhà tiên tri và thầy bói. Một ngụy biện chơi chữ đúng lúc cho phép nhà tiên tri rào lời tiên đoán của mình để theo cách nào thì nó cũng đúng. Sau khi kết quả xảy ra, nhà tiên tri luôn có thể lẩn trốn với lập luận rằng ý nghĩa lời nói của mình đã thành hiện thực. Khi vua Croesus hỏi nhà tiên tri chuyện gì sẽ xảy ra nếu ông đánh Ba Tư, câu trả lời “Một đế chế hùng mạnh sẽ bị hủy diệt” là một câu trả lời mang đầy tính tiên tri. Nhưng thực ra chính đất nước của Croesus mới bị hủy diệt.
Để trở thành người sử dụng ngụy biện chơi chữ khéo léo, bạn buộc phải hờ hững trước sự chính xác trong chấm câu, đặc biệt là với những dấu phẩy. Bạn phải học cách nói những câu như “Tôi nghe thấy tiếng chuông nhà thờ khi đang dạo chơi qua những con hẻm ”. Bạn phải có một kho từ vựng danh từ có thể dùng làm động từ và một văn phong ngữ pháp dễ dàng điều tiết trước những đại từ đặt sai chỗ và những chủ − vị mơ hồ. Mục chiêm tinh học trên báo là một nguồn tư liệu tuyệt vời.
Ngụy biện loại suy
Ngụy biện loại suy giả định rằng những thứ giống nhau ở khía cạnh này cũng giống nhau ở khía cạnh khác. Ngụy biện này đưa ra phép so sánh trên cơ sở những phần đã biết của sự vật và từ đó suy ra những phần chưa biết cũng giống nhau tương tự.
Bộ máy chính trị cũng tương tự như cơ thể con người, làm việc hiệu quả nhất khi được não bộ trực tiếp điều khiển. Đây là lý do tại sao các chính phủ chuyên chế lại hiệu quả hơn.
(Không suy luận loại suy sai lầm nào lại so sánh chính phủ với cơ thể con người, có vẻ nói nhiều về gan, tuyến tụy hay cơ chế thải chất độc.)
Phép loại suy là một cách hữu hiệu để truyền tải thông tin. Chúng cho phép chúng ta thảo luận về các khái niệm mới bằng những thuật ngữ nằm trong khả năng hiểu biết của người nghe. Ngụy biện loại suy đưa ra suy đoán rằng sẽ có thêm những yếu tố khác tương tự nhau dựa trên nền tảng của những yếu tố tương tự nhau đã được xác định.
Trẻ em cũng bất đoán như thời tiết.
(Chúng cũng ẩm ướt và thường ợ hơi .)
Đây là một ngụy biện vì phép loại suy là một công cụ giao tiếp chứ không phải một nguồn kiến thức. Một loại suy có thể gợi ý cho chúng ta những truy vấn để tìm ra vấn đề nhưng chúng không cung cấp nền tảng cho việc kiến lập các khám phá.
Cô ta có làn da như hàng triệu đô-la.
(Xanh hay nhăn nheo?)
Ngụy biện loại suy tồn tại đầy rẫy trong những diễn dịch lịch sử. Trong nỗ lực kiến tạo ý nghĩa cho các sự kiện lịch sử, đủ các kiểu so sánh xuất hiện. Tất cả các nền văn minh trong quá khứ đều tương đồng nhau ở điểm chúng đã từng là một nền văn minh nhưng trước đó chúng không tồn tại. Ba thực tế hoàn toàn cũ rích này khiến nhiều sử gia rơi vào một loại suy “vòng đời”. Câu mô tả đơn giản “không tồn tại, tồn tại, không còn tồn tại” gợi ra so sánh với những cơ thể sống. Trước khi chúng ta kịp bào chữa, chúng ta đã bắt đầu bằng những nền văn minh “phát triển rực rỡ” và “nở hoa”, rồi sớm rơi vào tình trạng “héo tàn và chết đi”.
Khi nền văn minh của chúng ta bắt đầu chín muồi, theo quy luật tự nhiên, cũng như bất kỳ cơ thể hữu cơ nào, nó sẽ gửi đi những hạt giống để tái tạo bản thân ở một nơi xa xôi khác.
(Đây là một lập luận của chủ nghĩa thực dân cần phải bị loại trừ ngay lập tức.)
Thực tế là các nền văn minh không phải những bông hoa. Nếu bạn rơi vào cái bẫy loại suy, bạn sẽ sớm làm cho các nền văn minh này lấy sức mạnh từ đất và có thể còn phô trương sự ra hoa kết quả của chúng.
Trong cuốn sách Đối thoại về tôn giáo tự nhiên, David Hume đề cập đến việc triết gia Cleanthes so sánh vũ trụ với một vật thể cấu tạo tinh tế như chiếc đồng hồ. Và từ sự tồn tại của chiếc đồng hồ, chúng ta có thể suy ra người làm đồng hồ, do đó, từ sự tồn tại của vũ trụ… Nhưng triết gia đầy hoài nghi Philo đã bác bỏ lập luận này bằng cách nói rằng vũ trụ giống một cái bắp cải hơn.
Ngụy biện loại suy có hiệu quả sắc bén khi dùng để đối phó với người sử dụng phép loại suy trước. Dù ai dùng bất kỳ kiểu loại suy nào; tất cả những gì bạn phải làm là nắm lấy một phép loại suy mà đối thủ kia sử dụng và tiếp tục phát triển nó theo hướng có lợi cho lập luận của bạn. Nếu bạn may mắn, đối thủ của bạn sẽ buộc phải thừa nhận rằng lập luận loại suy của anh ta không thực sự thuyết phục và sẽ mất điểm trước người nghe.
“Khi con thuyền của chúng ta tiếp tục khởi hành dưới sự dẫn dắt của ủy ban mới, tôi hy vọng tất cả chúng ta sẽ có một chuyến đi thuận buồm xuôi gió.”
“Chủ tịch nói đúng. Nhưng hãy nhớ rằng những người chèo thuyền thường bị đặt dưới kỷ luật và hình phạt. Nếu thuyền chìm, họ cũng chìm theo nó.”
Bạn sẽ tiến rất xa ở bất kỳ tổ chức nào nếu liên tưởng tổ chức như một gia đình. Cuộc sống gia đình gợi lên cảm giác dễ chịu, và lập luận loại suy này trong thực tiễn cho phép bạn tranh luận để bảo vệ bất kỳ thứ gì bao gồm cả việc thưởng thêm cho các thành viên có kỷ luật và bỏ đói những thành viên hư đốn.
Ngụy biện lối mòn (argumentum ad antiquitam)
Các sinh viên ngành khoa học chính trị nhận ra thuật ngụy biện cổ xưa trong cốt lõi các lập luận của Edmund Burke . Nói đơn giản, đây là ngụy biện cho rằng thứ gì đó tốt hay đúng chỉ đơn thuần vì nó đã có từ lâu.
Đây là cách tôi luôn làm và đây sẽ là cách chúng ta tiếp tục làm.
(Cách này mang lại sự nghèo khổ và bất hạnh trước đây và nó sẽ tiếp tục mang lại những hệ quả đó…)
Việc một niềm tin hay một sự xác nhận khẳng định “có tuổi” không khiến nó trở nên chính xác. Hiểu theo nghĩa đơn giản nhất, ngụy biện lối mòn là thói quen giảm thiểu tối đa suy nghĩ. Ngụy biện này chỉ ra cách thức hoàn thành mọi việc mà không cần phải tốn công suy nghĩ để đưa ra quyết định khó khăn. Khi được nâng lên tầm cao nhất, nó trở thành một triết lý. Các thế hệ trước đã làm theo cách này và tồn tại được; do đó chúng ta cũng sẽ như thế. Ngụy biện này được “tô son điểm phấn” bằng việc nói về tính liên tục và sự ưu ái dành cho những gì đã thân quen.
Dù “số tuổi” của một niềm tin chứng nhận kinh nghiệm trong quá khứ, nó không phản ánh sự đúng đắn của niềm tin đó. Đánh đồng cái thân thuộc hơn với cái tốt hơn là đang mạo hiểm đi vào vùng đất ngụy biện. Nói cho cùng, sự tiến bộ của loài người được thực hiện bằng cách thay thế những cái cũ kỹ bằng những cái tốt hơn. Đôi khi con người làm việc theo một cách nhất định hay có những niềm tin nhất định kéo dài hàng nghìn năm. Điều này không có nghĩa là cách thức hay niềm tin đó đúng, cũng như không có nghĩa rằng nó sai.
Anh không có xe hơi. Tôi chưa bao giờ có xe hơi, cha tôi chưa bao giờ có và ông tôi cũng vậy.
(Đây chắc hẳn là lý do vì sao không ai trong bọn họ đi đâu cả.)
Đảng Bảo thủ là ngôi nhà của ngụy biện lối mòn. Họ đưa ra nó và khư khư giữ lấy nó. Những giá trị quen thuộc chắc chắn phải đúng. Chủ nghĩa yêu nước, sự vĩ đại của quốc gia, tính kỷ luật – là một số ví dụ. Nếu nó quen thuộc, nó chắc chắn phải tốt.
Thế giới kinh doanh thường rất nhạy cảm trước sự vận hành của ngụy biện này và dựa vào đó để điều chỉnh hành vi. Nhãn hiệu thuốc lá có thị phần rộng lớn Woodbine lo sợ rằng hình ảnh của mình sẽ trở nên cũ kỹ, nhưng họ lại không muốn phá vỡ sự ưu ái mang tính bản năng của người tiêu dùng với thương hiệu truyền thống. Một tạp chí khoa học viễn tưởng mang tên Kinh hoàng (Astounding) sợ rằng tên tạp chí sẽ phản ánh một kỷ nguyên trước đây và có thể giảm đà tăng trưởng của tạp chí này. Trong cả hai trường hợp, hai công ty đều quyết định thay đổi dần thiết kế của vỏ bao thuốc lá và tên của tạp chí theo hướng mà người tiêu dùng khó nhận thấy trong nhiều tuần. Tờ Kinh hoàng đổi tên thành tờ Tương tự (Analog), nhưng cái tên Woodbine có vẻ như biến mất không một dấu vết. Có lẽ các khách hàng mua thuốc bảo thủ hơn độc giả của tạp chí viễn tưởng chăng?
Để sử dụng thuật ngụy biện lối mòn đòi hỏi bạn phải có kiến thức cặn kẽ về Trung Hoa. Lý do rất đơn giản. Nền văn minh Trung Hoa đã tồn tại hàng chục nghìn năm và bao quát nhiều khu vực đến nỗi hầu như tất cả mọi thứ đều đã được thử qua một hai lần. Kho kiến thức này cho phép bạn chỉ ra rằng cái bạn đang biện hộ là một phong tục cổ xưa đáng kính ở tỉnh Shin Shan và ở đó phong tục này đã mang lại tâm hồn tĩnh lặng, sự thanh bình và ấm no hàng thế kỷ.
Chúng tôi làm ra những vật dụng trong nhà bằng phương pháp tốt nhất; theo cách thức cũ.
(Và nó cũng không thoải mái y như nó luôn vậy.)
Chủ nghĩa tiên nghiệm
Thông thường chúng ta dùng dữ kiện để kiểm tra nguyên tắc. Khi thấy được dữ kiện, chúng ta có thể giữ hay chỉnh sửa những nguyên tắc của mình. Bắt đầu với những nguyên tắc trước tiên (một sự tiên nghiệm – a priori) và sử dụng chúng làm cơ sở để từ chối hay chấp thuận dữ kiện là cách xử lý sai lệch. Hành động này khiến chúng ta phạm phải ngụy biện chủ nghĩa tiên nghiệm.
Chúng tôi không cần nhìn qua cái kính viễn vọng của ông, Galileo ạ. Chúng tôi biết rằng không thể có hơn bảy thiên thể được.
(Đây là một cách nhìn rất thiển cận.)
Mối quan hệ giữa dữ kiện và nguyên tắc rất phức tạp. Chúng ta cần một loại nguyên tắc nào đó, nếu không sẽ không có thứ gì là dữ kiện ngay từ ban đầu cả. Ngụy biện này cấu thành từ việc căn cứ quá nhiều vào các quy tắc và không cho phép chỉnh sửa chúng dựa trên những gì chúng ta quan sát được. Nó tạo thành một suy đoán không có cơ sở trong việc ủng hộ một lý thuyết không được minh chứng bằng các chứng cứ và do đó bác bỏ những chứng cứ liên quan đến tình huống thực.
Mọi bác sĩ đều hành động vì bản thân. Nếu anh thực sự dành toàn bộ thời gian đó không công thì tôi chỉ có thể nói là chắc chắn phải có một khoản thù lao nào đó mà chúng tôi chưa biết.
(Bên cạnh cái ngụy biện được che giấu kém hơn mà chúng tôi biết.)
Lối suy luận tiên nghiệm được những người mà niềm tin của họ rất ít tính thực tế sử dụng rộng rãi. Ngụy biện này là một cây chổi quét tất cả những dữ kiện bừa bộn xuống dưới tấm thảm định kiến. Đây là một vật dụng gia đình thiết yếu dành cho những người quyết tâm giữ căn phòng tâm trí của mình sạch sẽ khỏi bụi bặm của thế giới thực. Trên cán chổi và trong tâm trí của người dùng luôn khắc sâu câu nói: “Trí óc tôi đã được sắp xếp gọn gàng rồi. Đừng làm tôi rối trí với những dữ kiện nữa.”
Rất nhiều người trong chúng ta có thể không ấn tượng với một thứ thuốc có đăng ký bản quyền được tuyên bố là nếu người bệnh hồi phục chứng tỏ thuốc đó có tác dụng, còn không thì chứng tỏ chúng ta cần tăng liều lượng sử dụng. Chúng ta có thể chỉ ngay ra rằng dữ kiện kia được dùng để bao biện cho loại thuốc trên bằng mọi cách. Nhưng hàng ngày, chính tuyên bố kiểu đó được đưa ra trong những chương trình viện trợ phát triển quốc tế với các nước nghèo. Nếu đất nước đó phát triển, tức là chương trình phát huy tác dụng. Nếu không, tức là chúng ta cần viện trợ nhiều hơn. Mặt ngửa họ thắng, mặt sấp lý luận thua.
Ngụy biện tiên nghiệm cũng có thể được dùng để hỗ trợ một quyết định được đưa ra trước nhằm chống lại những chứng cứ. Nếu chính khách yêu thích của chúng ta bị bắt khi đang gian lận trong phòng thi hay đang quan hệ với một bác sĩ nội trú, đây là những tình huống cần phải cải tạo nhân cách. Người ta đã tôi luyện và thử thách ông này để khiến ông trở thành ứng viên sáng giá hơn cho vị trí của mình. Tất nhiên với bất kỳ ai khác, những tình huống này khiến họ không đủ tư cách giữ vị trí đó nữa.
Vì không có mèo ở Tây Tạng, loài chó Tây Tạng với đặc điểm tai mèo, đuôi mèo, lông mèo và móng mèo là những diễn viên khá tài tình.
(Không chỉ vậy, chúng còn bắt chuột và uống sữa trong đĩa nhỏ nữa.)
Sử dụng ngụy biện tiên nghiệm để gạt bỏ ngay lập tức các dữ kiện với lý do chúng không đúng là một việc vô ích. Xét cho cùng, người nghe bạn nói có thể đã ở đó tận mắt chứng kiến chúng. Bạn sẽ thành công hơn bằng cách cắt nghĩa lại các dữ kiện này để cho thấy thực tế chúng không như bề ngoài. Chúng không mâu thuẫn với luận điệu của bạn mà thực ra còn ủng hộ nó.
Tôi vẫn nhớ rằng những cuốn sách tôi khuyên bạn đọc là những cuốn phổ biến nhất. Tất nhiên tôi không phủ nhận rằng chúng là những cuốn sách ít được đọc nhất trong thư viện; nhưng tôi xem đó là một dấu hiện thể hiện tính đại chúng của chúng. Bạn nghĩ xem, khi một quyển sách thực sự phổ biến, mọi người sẽ mua hay mượn bạn bè; họ không thể chờ để mượn nó ở thư viện.
(Ít ra ngụy biện này cũng phổ biến.)
Ngụy biện đe dọa (argumentum ad baculum)
Khi không thể dùng lý lẽ, hãy dùng roi. Ngụy biện đe dọa sử dụng quyền lực như một công cụ để thuyết phục, và nó thường được những người sắp sửa thua trong cuộc tranh luận sử dụng.
Sẽ tốt hơn nếu anh nói ra cái chúng tôi muốn biết. Rốt cuộc thì chúng ta đâu có muốn bà mẹ già của anh hay cô em gái tàn tật của anh phải khổ sở đúng không?
(Chắc chắn là không rồi.)
Sức mạnh mang tính đe dọa không nhất thiết phải ở dạng vũ lực. Ngụy biện đe dọa xảy ra bất cứ khi nào có các hứa hẹn về những hậu quả không dễ chịu nếu không làm theo ý muốn của người nói. (“Nếu anh không lấy cho chúng tôi các kế hoạch chế tạo tên lửa mới, tôi tiếc rằng tôi sẽ phải gửi những tấm hình này cho các báo.”)
Ngụy biện đe dọa sử dụng những tư liệu không liên quan. Nói cho đúng, nó bỏ mặc lập luận lại và dùng sức mạnh như cách thức để thuyết phục. Dù sức mạnh, không nghi ngờ gì, đôi khi rất hiệu quả để lịch sự hướng sự chú ý đến ý muốn của người nói, một khi sử dụng nó, bạn đã thất bại và phá hoại phương pháp lý luận.
Than ôi, kỹ thuật đe dọa lại luôn diễn ra trên các sân khấu quan hệ quốc tế. Những nước hùng mạnh khi thất bại trong đối thoại hợp lý chọn cách sử dụng kỹ thuật đe dọa để gây ảnh hưởng lên các cuộc đối thoại. Ngay cả khi cách này thất bại, họ lại sử dụng cái gì đó lớn hơn một chút.
Joseph Stalin là bậc thầy sử dụng kỹ thuật đe dọa. Thực tế, ông đã gây dựng khả năng ngụy biện đe dọa của mình đến mức tên tuổi của ông trở nên bất tử trong câu nói của Krushchev khi tóm lược uy quyền của nó: “Khi Stalin nói ‘nhảy!’, người thông minh phải biết nhảy.” Bản thân Stalin có vẻ như giữ quan niệm rằng người nào không có sức mạnh đe dọa thì không thể tham gia vào các vấn đề quốc tế. Câu hỏi nổi tiếng của Stalin, “Đức Giáo Hoàng có bao nhiêu phân khu?” là câu đáp trả cho đề xuất Đức Giáo Hoàng nên tham dự một hội nghị quốc tế. Kẻ thù của Stalin có thể thường xuyên nhận ra rằng lập luận không phải là cách đối phó hiệu quả với ngụy biện đe dọa.
Các đảng phái chính trị thành lập dựa trên cái nhìn lý tưởng hóa về bản chất con người thường cáo buộc đối thủ của mình với tội danh quá thường xuyên sử dụng chính sách ngoại giao đe dọa. Ngài William Browne đã viết một bài thơ trào phúng sắc nét về chủ đề này:
Đức vua gửi đến Oxford một đội mã binh,
Vì Đảng Bảo thủ chẳng có lý lẽ gì ngoài vũ lực.
Cũng như vậy ngài gửi đến Cambridge những quyển sách,
Vì Đảng Whigs (tiền thân của Đảng Tự do-ND) không dùng vũ lực mà chỉ nghe theo lý lẽ.
(Ngày nay rất khó để quyết định xem liệu tìm một người theo Đảng Bảo thủ ở Oxford khó hơn hay tìm một người có học thức ở Cambridge khó hơn.)
Bạn có thể dùng kỹ thuật đe dọa khi bạn có thể sử dụng vũ lực và không phải gánh chịu những hậu quả khi sử dụng nó. Pháp luật tồn tại để ngăn chặn việc các cuộc tranh luận luôn kết thúc với chiến thắng của kẻ mạnh hơn, và phải tranh cãi rất nhiều mới quyết định được ai là kẻ mạnh. Nhưng thông điệp đe dọa của bạn không nhất thiết phải dùng đến vũ lực để đạt hiệu quả. Rất nhiều người đã giành thắng lợi bằng cách đe dọa sẽ gây thiệt hại cho bản thân mình đến khi nào yêu cầu được đáp ứng. Người La Mã chắc chắn đã hủy diệt thành phố Carthage chỉ để Cato im miệng lại.