Cây Chuối Non Đi Giày Xanh - Chương 4-04
NHỏ Thắm dường như cũng biết dạo này tôi hay ghé chơi nhà ông Hoạch. Nó biết tôi không thèm nghe lời nó. Nhưng nó không chặn đường tôi để khuyến cáo như lần trước. Trên lớp thỉnh thoảng tôi thấy nó đưa mắt nhìn tôi rồi quay sang nhìn nhỏ Lan đầy ngụ ý.
Trong khi nhỏ Thắm quan sát tôi và nhỏ Lan, chú tiểu Khôi âm thầm quan sát cả ba đứa tôi.
-Sao chú và nhỏ Thắm không nói chuyện với nhau nữa? - Có lần không nén được, chú hỏi thẳng.
Tôi hừ mũi:
-Nó có chịu nói trước đâu.
-Đăng là con trai, Đăng phải làm lành trước.
-Làm lành? - Tôi nhếch môi - Chú không nói tiếng Ấn Độ đó chứ? Tại sao tôi phải làm lành khi mà hôm trước chính nó vặn vẹo trách móc điều tra tôi đủ thứ?
Chú tiểu Khôi hạ giọng:
-Ờ thì nhỏ Thắm có lỗi. Nhưng Đăng phải mở miệng trước thì nó mới có cơ hội làm lành với Đăng.
Chú hiến kế:
-Hôm nào Đăng vờ bước lại chỗ nó hỏi mượn tập hay mượn com-pa là nói chuyện được ngay chứ khó gì đâu.
Tôi biết chú tiểu Khôi có ý tốt. Từ hồi lớp Năm, chú đã chơi thân với tôi và nhỏ Thắm. Chú không muốn chứng kiến tình bạn giữa hai đứa tôi đổ vỡ. Nhưng sáng kiến của chú làm tôi nổi nóng:
-Tôi với nó chơi thân nhau từ hồi nhỏ, tại sao bây giờ tôi phải tìm cách làm quen nó lại từ đầu?
-Ờ...ờ...
Chú tiểu Khôi giống như người bị dồn vào chân tường. Lý lẽ của tôi khiến chú lúng túng. Chú "ờ, ờ" vài tiếng rồi lảng sang chuyện khác.
-Trưa nay Đăng qua ăn cơm với tôi không?
Tôi sực nhớ hôm nay là ngày rằm. Từ khi ba tôi cất nhà cạnh trường Bồ Đề, cứ đến ngày rằm là tôi chạy qua chùa Giac Nguyên ăn cơm. Nhà chùa những ngày đó rất đông Phật tử đến lễ Phật và làm công quả. Rằm tháng giêng, rằm tháng bảy và rằm tháng mười, cảnh chùa ngày càng tấp nập hơn nữa, người đi lễ như trẩy hội. Trong khi các thầy giảng pháp ở đằng trước, bà nội tôi cùng vài người khác phụ việc bếp núc nhưng mỗi khi nghe tiếng niệm Phật ở chánh điện vẳng râ từ chiếc loa treo lên cột nhà, bà tôi và các người khác đều lẩm bẩm niệm theo.
Bữa chay chỉ có chè xôi, rau đậu chấm với nước tương mà sao tôi thấy ngon miệng vô cùng.
Chú tiểu Khôi nhắc làm tôi nuốt nước bọt:
-Qua chứ! Tụi mình leo lên gác chuông ngồi ăn ha?
-Ngày rằm gác chuông thường có người lên xuống, tụi mình không ăn trên đó được đâu.
Tôi gãi gãy:
-Vậy vô phòng chú ngồi ăn!
Phòng của chú tiểu Khôi trưa đó hóa ra không chỉ có tôi và chú. Khi tôi đẩy cửa bước vào đã thấy thằng Phan và nhỏ Thắm ngồi sẵn ở đó rồi.
Tôi hơi khựng lại một chút chỗ ngách cửa vì bất ngờ. Nhác thấy tôi, nhỏ Thắm ngượng ngập quay mặt đi. Chỉ có thằng Phan bô bô:
-Nếu nhà tao gần đây, ngày nào tao cũng chạy qua chùa ăn cơm cho đỡ tốn gạo!
Câu pha trò của Phan giúp bầu không khí tự nhiên hơn một chút. Chỉ một chút thôi. Vì chốc sau đây lại vào đấy.
Cả bọn đều biết tôi đang giận nhỏ Thắm nên câu chuyện quanh mâm cơm đâm ra sượng sùng. Tôi đoán chú tiểu Khôi rủ nhỏ Thắm lên chùa ăn cơm là để giảng hòa hai đứa tôi. Nhưng thiện ý của chú rõ ràng không mang được tôi và nhỏ Thắm ra khỏi những rắc rối của mình.
Bữa trưa hôm đó chúng tôi ăn bằng những chiếc đũa thường chứ không phải những chiếc đũa thần để mà khi chạm vào đĩa rau xào là tôi và nhỏ Thắm có thể lập tức toét miệng ra cười được ngay. Suốt bữa ăn chúng tôi vẫn chuyện trò, vì không thể ngồi nhai trong thinh lặng. Nhưng chỉ có Phan nói với tôi, tôi nói với chú tiểu Khôi, chú tiểu Khôi nói với nhỏ Thắm, nhỏ Thắm nói với Phan. Riêng giữa tôi với nhỏ Thắm không ai nói với ai câu nào. Tất nhiên tôi ghét sự im lặng giữa tôi và nhỏ Thắm. Nó kéo dài quá lâu đến nỗi bây giờ trò chuyện với nhau cũng trở nên khó khăn. Nó dựng lên giữa tôi và nhỏ Thắm một bức tường vô hình, còn khó phá vỡ gấp trăm lần bức tường xây bằng gạch đá. Hằng ngày tôi vẫn nhìn thấy nhỏ Thắm trên lớp nhưng có cảm giác đã lâu hai đứa không gặp nhau. Ngay cả bây giờ, ngồi cách nhau một mâm cơm mà tôi tưởng hai đứa đang ngồi ở hai bờ đại dương và tôi vô cùng đau lòng nhận ra tình bạn gắn bó ngày nào đã thành lỏng lẻo mất rồi.
Ý nghĩ đó khiến tôi không nhai nổi cơm. Tôi buông đũa đúng dậy, giả vờ đi toa lét và lặng lẽ bỏ về nhà.