Cây Chuối Non Đi Giày Xanh - Chương 4-11
Chú tiểu Khôi sượng sùng thật. Đến lớp chú không dám nhìn về phía nhỏ Thắm. Nhưng càng không muốn nhìn nó chú càng trông thấy nó nhiều hơn. Vì chú phải đảo mắt xem nhỏ Thắm đang đứng ở đâu để bắt mình đừng nhìn về phía đó. Và thế là chú thấy nó lảng vảng khắp nơi. Nhỏ Thắm không phát hiện ra vẻ lấm lét của chú tiểu Khôi. Suốt buổi học, nó toàn nhìn về chỗ tôi ngồi. Tất nhiên tôi biết điều gì thúc đẩy nhỏ Thắm làm như vậy. Nó đang thắc mắc tại sao hai ngày nay tôi không ghé nhà rủ nó đi học dù nó đã mở lời bên bờ suối hôm nào.
Thực sự thì khi nghe đề nghị bất ngờ của nhỏ Thắm, cái hắt lên đầu tiên trong lòng tôi là sự ngạc nhiên, kế đến là niềm hân hoan nhưng tôi sự tự ái của một đứa con trai mới lớn đâm chồi ngay sau đó và lớn vụt lên, nhanh chóng án ngữ trái tim tôi. Hôm đó trên đường về tôi cứ dày vò bởi ý nghĩ nếu ông Hoạch không rút lại đề nghị của mình,liệu bà ƯỚc có dỡ bỏ sự cấn đoán của bà và cả nhỏ Thắm nữa, liệu nó có sẵn sàng đi cùng tôi trên con đường đến lớp nữa không. Tôi bứt một chiếc lá, vò nát trong tay và tự trả lời: "Chắc là không!". Ngay trong khoảnh khắc đó, lòng tôi trào lên nỗi tủi thân và tôi cảm thấy mình như một thứ đồ chơi. Chẳng ai buồn đếm xỉa đến cảm xúc của tôi, khi không cần thì người ta vứt đi, khi cần thì người ta nhặt lại rồi đến một lúc nào đó có thể người ta lại vứt đi lần nữa.
Đó là lý do tôi chống lại nhỏ Thắm, dù qua ngày thứ hai tôi mơ hồ cảm thấy làm như thế cũng là chống lại chính mình nhưng tôi nhất quyết không làm khác đi. Trong nhiều ngày, tôi cảm thấy tự ái của mình được thỏa mãn khi biết nhỏ Thắm vẫn liếc về phía tôi với cái nhìn hoang mang, u uất. Nhưng sự hoan hỉ trong tôi không kéo dài được lâu. Qua ngày thứ tư tôi phát giác ra trong lúc nỗi hờn dỗi của tôi được vỗ về, tôi vẫn thấy có cái gì đó như là sự buồn tẻ gieo vào lòng tôi từng phút một.
Chú tiểu Khôi đã nghe tôi kể về câu chuyện bên bờ suối nên chú cũng thắc mắc y như nhỏ Thắm.
Chỉ khác một điều, nhỏ Thắm hỏi tôi bằng mắt còn chú tiểu Khôi hỏi bằng miệng:
-Sao Đăng không rủ nhỏ Thắm đi học?
Tôi cười khẩy:
-Chà, chú quan tâm đến "vị hôn thê" của mình quá há!
Chú tiểu Khôi nhíu mày vẻ phật ý:
-Đăng đừng có nói linh tinh! Đăng trả lời tôi đi!
Tôi phồng má:
-Tại sao tôi phải rủ nó đi học khi mà trước đây tôi ghé rủ thì nhà nó đuổi tôi như đuổi tà?
-Đăng cũng biết lý do rồi mà.
-Đi sóng đôi ngoài đường sợ thiên hạ thấy chứ gì! - Tôi nhún vai - Nhưng tại sao đến trường nó cũng không dám lại gần tôi?
-Chính ở trường mới khí, Đăng à. - Chú tiểu Khôi điềm đạm - Nhỏ Lan nhỏ Phượng học ở đó, làm sao ba mẹ nhỏ Thắm dám để con gái họ lại gần Đăng. Chung quanh lại còn đám anh chị em họ của nhỏ Thắm nữa. Ai mà biết được tụi nó không phải là tai mắt của ba mẹ nhỏ Thắm. Tôi ngớ ngưới ra mất đi một lúc trước những phân tích của chú tiểu Khôi. Trước đây tôi chưa bao giờ nghĩ đến sự lắt léo này và vẫn thầm trách nhỏ Thắm về sự thờ ơ của nó. Tôi chợt nhận ra mình thường xuyên bất mãn khi nghĩ về nó trong thời gian gần đây, giống như người luôn nhìn thấy ma ở nơi thực ra chẳng có bóng ma nào. Ờ, nhỏ Thắm đâu đến nỗi như vậy. Có thể nó không quá xấu để tôi luôn miệng bài xích, chê bai. Tôi lục lọi ký ức, sàng lọc lại kỷ niệm và giật mình thấy những thứ tốt đẹp nhất đã không được nâng niu mà bị sự uất ức băm nhỏ ra từng ngày và cứ cái đà này, sẽ chẳng còn gì nữa giữa hai đứa tôi.
Tôi bắt đầu nghĩ đến chuyện ghé nhà rủ nhỏ Thắm đi học nhưng rồi tôi cứ nấn ná vì chưa tìm được lý do chính đáng. Tôi đã trót bỏ qua cơ hội mất rồi.
Trong khi chờ đợi, tôi ghé chơi nhà chị em nhỏ Lan để đầu óc bớt căng thẳng, nào ngờ hôm đó vừa đi tới nhà bà nội tôi, tôi đã kinh ngạc khi nghe tiếng khóc như rỉ từ bên nhà ông Hoạch vọng sang.
Tôi nhìn quanh không thấy bà tôi đâu liền ba chân bốn cẳng chạy sang tìm nhỏ Lan nhỏ Phượng. Hai chị em nó đang nước mắt nước mũi tèm lem khi tôi bước vào nhà. Ông Hoạch đang nằm thiêm thiếp trên giường, mắt nhắm nghiền. Vợ ông, cả bà tôi nữa đang lăng xăng quanh chỗ ông nằm. Trông hai người rất bận rộn nhưng dường như không ai ý thức mình đang làm gì, chỉ luống cuống kéo cái khăn, xếp lại góc mền hoặc xê dịch một chiếc ghế chỗ đầu giường.
Ông thầy Thám đang vạch miệng ông Hoạch đổ thứ thuốc gì đó có màu đen sóng sánh.
Tôi khều tay nhỏ Phượng, thấp thỏm hỏi:
-Có chuyện gì vậy em?
-Ba em sắp chết rồi. - Nó sụt sịt đáp, nước mắt tuôn thành dòng.
Tôi liếc về phía chiếc giường ở góc nhà:
-Ba em bị bệnh gì vậy?
-Em không biết. - Nhỏ Phượng đưa tay quệt nước mắt. - Lâu nay ba em vẫn hay bị sốt, thỉnh thoảng lại buồn nôn. Khi nãy tự nhiên ba em đau thắt nơi ngực, toát mồ hôi dầm dề rồi ngất đi. Nói xong, đã nín nó bỗng òa ra nức nở. Tôi định hỏi thêm vài câu nhưng thấy nhỏ Phượng mải khóc, liền quay mình ra cửa tức tốc chạy về phi báo cho chú tiểu Khôi.
Mười lăm phút sau, chú tiểu Khôi theo tôi xuống nhà ông Hoạch. Chị em nhỏ Lan thấy chú xuất hiện càng khóc to hơn. Chắc tụi nó nghĩ nhà chùa cử người tới chuẩn bị thủ tục làm lễ cầu siêu. Sau khi hỏi han, biết xưa nay ông Hoạch chỉ uống thuốc của thầy Thám, chú tiểu Khôi đề nghị mẹ chú chuyển ngay ba chú đến nhà thương thị trấn. Thú thật lúc đó tôi không thấy chú giống đứa học trò lớp Chín chút nào. Chú nghiêm nghị, chững chạc, toát ra một thứ uy lực khiến người khác phải răm rắp nghe theo.
Trên đường đến nhà thương, tôi nói nhỏ vào tai chú:
-Bữa nay nhìn chú oai phong giống hệt Huyền Tử phương trượng!
-Huyền Tử phương trượng là ai?
-Huyền Tử là một cao tăng. Oong là phương trượng chùa Thiếu Lâm, là Thái Sơn Bắc Đẩu trong võ lâm.
Mải rảo bước đến nhà thương, lại đang lo lắng, chú tiểu Khôi không hỏi tiếp.
Chú tiểu Khôi chắc không đọc truyện Kim Dung. Nếu biết Huyền Tử phương trượng là người đã bí mật có với Diệp Nhị Nương một đứa con tư sinh chắc chú rượt tôi mất dép.