Chiếc áo lặn và con bướm - Chương 6 (Hết)

Anh chàng khoác lác

Trên chiếc ghế băng trong lớp cấp ba ở Paris, nơi mài mòn đũng những chiếc quần jeans đầu tiên, tôi có một anh bạn hàng xóm cao, mặt hồng hào tên Olivier. Cậu ta có thói hay bịa chuyện nhưng chính điều đó khiến việc nói chuyện với anh chàng này rất dễ chịu. Với cậu ta, không việc gì phải mua vé xem phim cả. Vì cậu luôn luồn có chỗ ngồi tốt nhất và không bao giờ không còn chỗ cả. Mỗi thứ hai, Olivier lặng lẽ đón chúng tôi với những câu chuyện không thua gì Nghìn Lẻ Một Đêm. Nếu không phải cậu đi chơi hôm chủ nhật với Johnny Hallyday thì cũng là đến London xem phần tiếp theo của James Bond, trừ phi không ai cho cậu ta mượn chiếc Honda mới. Vào thời đó, xe phân khối lớn của Nhật xuất hiện ở Pháp và gây kích động các sân trường giờ ra chơi. Từ sáng đến tối, cậu bạn cùng lớp phỉnh phờ chúng tôi bằng những lời nói dối từ linh tinh đến nghiêm trọng, chẳng hề e dè sáng tác ra chuyện mới cho dù chúng mâu thuẫn với những điều cậu ta nói lúc trước. Lúc mười giờ là trẻ mồ côi, trưa đã là con trai độc nhất trong gia đình và đến chiều cậu ta có thể phát hiện ra mình có bốn bà chị trong đó một người là vô địch trượt băng nghệ thuật, về bố cậu ta, một công chức trung hậu trên thực tế, tùy theo ngày mà trở thành người sáng chế ra bom nguyên tử, ông bầu của nhóm nhạc Beatles hoặc đứa con bí mật của tướng De Gaulle. Vì chính Olivier không sắp xếp tư duy mình cho trật tự nên chúng tôi cũng chẳng phàn nàn với cậu ta về tính vô lý của những câu chuyện ấy. Chuyện nào quá “khó tiêu”, bạn bè mới e dè góp ý, nhưng khi ấy cậu ta phản đối ra mặt với những câu “Tôi thề là thật mà!” đầy phẫn nộ thì mọi người cũng nhanh chóng đầu hàng.

Lần cuối cùng tôi gặp Olivier, cậu không làm nghề dẫn đường săn, không làm nhân viên bí mật hay cố vấn của một thủ lĩnh Hồi giáo như từng lên kế hoạch mà trong quán rượu, nơi tài năng bất tận lòe thiên hạ được vận dụng họp lý.

Tôi hơi tiếc vì đã không coi trọng anh chàng vì từ giờ trở đi, tôi sẽ ghen tị với Olivier và nghệ thuật kể chuyện của cậu ấy. Tôi chưa từng nghĩ mình cũng có thể kể dễ dàng như vậy ngay cả khi tôi đã đang bắt đầu sáng tác ra cho mình hàng loạt số phận vinh quang thay thế cho tôi hiện nay. Lúc này, tôi là vận động viên đua xe Công thức 1. Chắc chắn các bạn đã thấy tôi ở vài đường đua ở Monza hay Silverstone. Chiếc xe bí ẩn màu trắng, không nhãn hiệu cũng không biển số đó chính là tôi. Nằm dài trên giường, tôi muốn nói trong buồng lái máy bay của mình, tôi đã ngoặt các đường cong với hết tốc lực và đầu tôi, nặng trịch vì mũ bảo hiểm, đau đớn chúi xuống dưới tác động của trọng lực. Tôi cũng đóng vai những anh lính quèn trong một sêri chương trình tivi về các trận chiến vĩ đại trong lịch sử, đã tham gia chiến đấu tại Alesia, Poitiers, Marignan, Austerlitz và Con đường các Quý bà(43). Vì bị thương trong lần đổ bộ tại Normandie nên tôi không rõ liệu mình có tham gia nhảy dù xuống Điện Biên Phủ không. Trong tay bác sĩ trị liệu vận động, tôi chỉ là một đấu thủ làng nhàng trong cuộc đua xe đạp Vòng quanh nước Pháp trong một chặng đua buổi tối. Bác sĩ giúp tôi làm dịu các bắp cơ đang nổ tung vì gắng sức. Nhưng bất ngờ, tôi đã bay lên đỉnh đèo Tourmalet và nghe tiếng hò reo của đám đông dọc đường lên đỉnh và tiếng rít gió của nan hoa khi xuống dốc, vượt trước những tay sừng sỏ nhất đến 15 phút.

“A day in the life”(44)

43. Các trận chiến lớn trong lịch sử.

44. Một ngày bình thường

Vậy là chúng ta đã đi gần hết quãng đường, phần còn lại chỉ là tôi sẽ kể lại cái ngày thứ Sáu mùng Tám tháng Mười hai năm 1995 ấy, một ngày bi thảm trong ký ức. Ngay từ đầu, tôi đã muốn kể lại những thời khắc cuối cùng làm Con Người một cách tử tế của mình, nhưng hiện tại tôi đã khác đến nỗi mỗi khi tìm cách nhảy vào kho kỷ niệm, tôi lại cảm thấy choáng váng. Tôi không còn biết phải nắm bắt thời gian bằng cách nào nữa, nặng nề và vô vọng, không thể tóm lấy như những giọt thủy ngân lăn ra từ chiếc nhiệt kế vỡ đôi. Từ ngữ không thể hình thành được. Nói thế nào về thân thể mềm mại và ấm áp của người phụ nữ cao, tóc nâu mà tôi dựa vào lần cuối cùng tỉnh giấc mà không hề để tâm đến, thậm chí còn cáu gắt? Mọi thứ hôm ấy đều xám xịt, nhão nhoẹt và nhẫn nhục: Bầu trời, con người, thành phò mệt mỏi vì ngành giao thông đình công suốt nhiều ngày. Như hàng triệu người Paris khác, Florence và tôi khởi đầu ngày mới uể oải, mắt lờ đờ và vẻ mặt mệt mỏi, bước thẳng vào một mối lằng nhằng khó gỡ. Tôi máy móc làm tất cả các công đoạn đơn giản mà hôm nay đã là điều thần kỳ với mình: cạo râu, mặc quần áo, uống một cốc sôcôla. Tôi đã quyết định từ nhiều tuần trước hôm nay là ngày đi thử mẫu xe mới của một hãng của Đức. Họ cho tôi toàn quyền sử dụng chiếc xe và tài xế trong vòng một ngày. Đến giờ hẹn, một anh chàng trẻ tuổi ăn mặc đúng cách đợi tôi trước cửa toà nhà, tựa lưng vào một chiếc BMW màu ghi xám. Từ cửa sổ, tôi thấy chiếc xe kếch xù và xa hoa ấy. Tôi tự hỏi không biết trông mình sẽ ra sao với chiếc áo vest cũ bằng vải bò trong cỗ xe sang trọng dành cho viên chức cấp cao ấy. Tựa trán vào cửa kính, tôi cảm nhận rõ cái lạnh. Florence dịu dàng vuốt gáy tôi. Lòi tạm biệt chỉ nghe thoảng qua, môi chúng tôi chỉ khẽ mấp máy. Tôi đi nhanh xuống các bậc cầu thang vẫn còn nghe mùi xi đánh gỗ. Đó sẽ là thứ mùi cuối cùng của thời xưa cũ.

I read the news today, oh boy(45).

45. Tôi đã đọc tin tức hôm nay, ôi chàng trai…

Giữa hai bản tin về tình trạng giao thông kinh khủng trên đài là một bài hát của Beatles, “A day in the life”. Tôi đã định viết một bài hát “cũ” của Beatles, nhưng đúng là thừa lời vì bản thu âm cuối cùng của họ là từ năm 1970. Xuyên qua rừng Boulogne, chiếc BMW lướt đi như một tấm thảm bay, một tổ kén êm ái và khoái lạc. Tài xế dễ chịu. Tôi trình bày với cậu ta kế hoạch buổi chiều: đến đón con trai tôi ở nhà mẹ nó cách đây 40 cây số và đưa nó về thành phố lúc chập tối.

He did not notice that the lights had changed(46)…

46. Anh ta không nhận ra mọi thứ đã đổi khác rồi.

Từ tháng Bảy khi tôi không sống trong nhà cũ của gia đình nữa, tôi và cậu con trai Théophile chưa có dịp nào thực sự trò chuyện như hai người đàn ông với nhau. Tôi tính sẽ dẫn thằng bé đến nhà hát xem kịch, sau đó đi ăn vài con sò trong một quán bia ở quảng trường Clichy. Chúng tôi đã quyết định sẽ ở bên nhau cả cuối tuần này. Chỉ hy vọng kế hoạch sẽ không bị cuộc đình công ngăn trở.

I’d like to turn you on(47)..

47. Tôi muốn làm cậu vui…

Tôi thích bản nhạc này nhất khi cả dàn nhạc choi càng lúc càng mạnh và bùng nổ ở nốt cuối cùng. Tựa như một chiếc piano rơi từ tầng 60 xuống đất. Phố Levallois đây rồi. Chiếc BMW dừng trước cửa tòa soạn. Tôi hẹn anh lái xe đón lúc 3 giờ chiều.

Trên bàn làm việc chỉ có duy nhất một lời nhắn, nhưng vô cùng nghiêm trọng! Tôi phải gọi ngay tức khắc cho Simone V., bà cựu bộ trưởng bộ Y tế, người đàn bà nổi tiếng nhất nước Pháp và người suốt đời đứng ở bậc trên cùng điện Pantheon(48) tưởng tượng của báo chúng tôi. Cuộc gọi này không phải tình cờ. Ban đầu, tôi hỏi khắp tòa soạn không hiểu chúng tôi có thể đã nói hay làm gì khiến một nhân vật gần như thần thánh ấy phản ứng như vậy. “Tôi chắc tại bà ta không hài lòng lắm với bức ảnh của mình trên số vừa rồi”, cô trợ lý của tôi nhẹ nhàng thông báo vấn đề. Tôi kiểm tra số báo vừa nói và thấy ngay bức ảnh bị buộc tội, bức hình khiến thần tượng của báo có vẻ buồn cười hơn là nổi bật. Đó chính là một trong những bí ẩn của nghề này. Một chủ đề được nghiên cứu suốt nhiều tuần, lật đi giở lại trong tay những kẻ lão luyện nhất nhưng không ai nhận thấy sai lầm mà một sinh viên thực tập mới được 15 ngày nhìn ra ngay. Tôi đã phải chịu đựng một cơn giông tố trong điện thoại. Nhân vật này luôn tin rằng tòa báo âm mưu chống lại mình suốt nhiều năm nay nên tôi thật quá khó khăn để thuyết phục bà ta tin vào điều ngược lại, rằng chính bà mới là người được chúng tôi tôn thờ. Bình thường việc sửa chữa, chắp vá này là của Anne-Marie, chỉ đạo biên tập, người luôn kiên nhẫn một cách hoàn hảo với các nhân vật nổi tiếng, trong khi tôi, về ngoại giao, lại giống thuyền trưởng Haddock(49) hơn là Henry Kissinger(50). Khi gác máy sau 45 phút trò chuyện, tôi kiệt sức.

48. Công trinh ghi danh các nhân vật lịch sử và những người làm rạng danh cho nước Pháp.

49. Nhân vật trong bộ truyện tranh “Những cuộc phiêu lưu của Tintin”, nổi tiếng với cách cư xử theo cảm hứng.

50. Nhà ngoại giao tài ba của Hoa Kỳ dưới thời tổng thống Nixon (1973 -1977), đã đoạt giải Nobel Hoà Bình nẳm 1973.

Mặc dù lịch sự mà nói, họ “có đôi chút nhạt nhẽo”, nhưng các quý ông quý bà tổng biên tập của tòa soạn cũng không bao giờ bỏ lỡ một trong những bữa trưa mà Geronimo, ngài thủ lĩnh da đỏ, còn được những người ủng hộ gọi là Louis XI hay vị đại diện bảo thủ tổ chức để “điểm lại tình hình”. Chính tại đây, tầng trên cùng, trong phòng ăn lớn nhất dành riêng cho quan chức cấp cao, chỉ huy vĩ đại nhỏ từng giọt dấu hiệu cho phép tính toán chỉ số tình cảm dành cho từng khách mời. Giữa lòng yêu mến dựa trên giọng nói mượt như nhung với câu đáp trả khô khan ác ý là cả loạt điệu bộ nhăn mặt và gãi râu. Tôi không nhớ nhiều về bữa ăn cuối đó, hẳn chẳng phải vì tôi đã uống nước thay cho cốc rượu của kẻ bị kết án. Tôi nhớ trong thực đơn có món thịt bò. Có lẽ chúng tôi đã mắc chứng bò điên, chứng bệnh 15 năm nay không được nhắc đến. ủ bệnh đến 15 năm nên giờ chúng tôi mới có thời gian mà nhìn nó biểu hiện. Điểm khó chịu nhất của bữa trưa kiểu này là mãi không kết thúc. Khi tôi gặp lại anh lái xe, bầu trời tối đã sụp xuống mặt tiền bằng kính của toà nhà. Để tiết kiệm thời gian, tôi ghé qua phòng làm việc lần nữa như một tên trộm, không chào tạm biệt ai cả. Bốn tiếng đồng hồ đã trôi qua từ lúc bắt đầu bữa trưa.

“Chúng ta sẽ kẹt xe mất”.

“Tôi xin lỗi”.

“Ngài có toàn quyền mà…”

Trong một thoáng, tôi muốn dừng hết mọi thứ: Hủy vé nhà hát, nói với thằng bé Théophile lùi cuộc hẹn của hai bố con lại để về chui vào chăn với một hộp phomát trắng và chơi ô chữ. Nhưng tôi quyết định cưỡng lại cảm giác mệt mỏi đang dâng tràn ấy.

“Chỉ cần không đi vào đường cao tốc là được.

“Xin theo ý ngài…”

Dù động cơ khỏe nhưng chiếc BMW vẫn chết cứng trong đám đông hỗn loạn trên cầu Suresnes. Chúng tôi chạy dọc trường đua Saint-Cloud rồi bệnh viện Raymond-Poincare ở Garches. Mỗi lần qua đây, tôi không thể không nhớ lại một kỷ niệm từ thuở nhỏ khá đen tối. Khi còn là học sinh trường cấp ba Condorcet Paris, tôi căm ghét hết thảy các giờ thể dục ngoài trời trên sân vận động Marche ở Vaucresson(51). Một hôm, chiếc xe chở chúng tôi đã tông thẳng vào một người đàn ông đang chạy ra từ bệnh viện. Một tiếng động kỳ quặc, một cú phanh gấp và người này chết ngay lập tức, để lại trên kính xe một vệt máu dài. Hôm đó cũng là một buổi chiều mùa đông như bây giờ. Sau khi làm xong mọi thủ tục thì trời đã tối. Một tài xế khác chở chúng tôi quay lại Paris. Ngồi ở nửa sau xe, chúng tôi hát “Penny Lane” với giọng run rẩy. Luôn luôn là nhạc Beatles. Không biết đến khi Théophile 44 tuổi, thằng bé sẽ nhớ những bài hát nào nhỉ?

51. Cách Paris 20km về phía Tây.

Sau khi chạy xe một tiếng rưỡi, chúng tôi cũng đến trước ngôi nhà tôi đã sống trong suốt 10 năm. Sương buông xuống khu vườn, nơi đã từng vang lên bao tiếng la hét, cười đùa nắc nẻ thuở còn hạnh phúc. Thằng bé Théophile đợi chúng tôi ngoài lối vào. Nó ngồi trên balô, sẵn sàng cho chuyến đi chơi cuối tuần. Tôi muốn gọi cho Florence, bạn gái mới của tôi, để nghe giọng nàng nhưng giờ là tối thứ Sáu, chắc nàng đã đi lễ với bố mẹ rồi. Tôi sẽ thử gọi lại sau vở kịch. Lần duy nhất tôi tham dự nghi thức này của gia đình Do Thái là ở Montainville, trong nhà ông bác sĩ già người Tunisia đã đỡ đẻ cho hai đứa con tôi. Từ lúc đón thằng bé, mọi thứ trở nên thật rời rạc. Mắt tôi mờ đi và suy nghĩ cứ rối tung trong đầu. Nhưng tôi vẫn ngồi sau vô-lăng chiếc BMW, cố gắng tập trung vào các vệt màu cam trên tấm biển báo. Tôi lái chậm nhưng chỉ nhận ra tức thì trong ánh đèn pha các khúc quanh mà tôi đã lái qua hàng nghìn lần. Tôi cảm nhận mồ hôi đang nhỏ giọt trên trán và khi đi ngang qua một chiếc ôtô khác, tôi thấy thành hai chiếc. Ngay ngã tư đầu tiên, tôi dừng xe lại bên đường, lảo đảo ra khỏi chiếc BMW. Hầu như không đứng vững nổi, tôi ngồi xệp xuống ghế sau, trong đầu chỉ có một suy nghĩ: phải quay lại làng - nơi Diane, chị dâu tôi làm y tá. Trong trạng thái gần như mất ý thức, tôi bảo Théophile chạy đi tìm bác sĩ ngay khi chúng tôi đến nhà chị ấy. Vài giây sau, Diane đã ra. Chị kiểm tra cho tôi trong vòng một phút và tuyên án: “Đến bệnh viện ngay. Càng nhanh càng tốt”. Bệnh viện cách đó 15 cây số. Lần này, tài xế khởi động xe như thể đua tốc độ. Tôi cảm thấy cực kỳ kỳ lạ, như thể vừa nuốt một viên ma tuý gây ảo giác và tự nhủ rằng những ý nghĩ tưởng tượng kiểu này không còn họp với tuổi của mình nữa. Không giây phút nào tôi thoáng nghĩ có lẽ mình sắp chết. Trên đường từ Mantes, chiếc BMW kêu gừ gừ sắc lạnh và chúng tôi vượt qua nguyên một hàng biển báo dọc đường. Tôi muốn nói gì đó kiểu như: “Chậm tôi. Sẽ tốt thôi mà. Không cần gây tai nạn đâu”, nhưng không âm thanh nào thoát khỏi miệng tôi và đầu tôi lắc lư không kiểm soát nổi. Bản nhạc sáng nay của Beatles quay lại trong trí nhớ. And as the news were rather sad, I saw the photograph(52). Rất nhanh chóng, chúng tôi đã tới nơi. Trong bệnh viện, người ta chạy lung tung từ các hướng. Họ chuyển tôi với cánh tay buông lủng lẳng vào một chiếc xe lăn. Cánh cửa xe BMW sập lại nhẹ nhàng. Ai đó đã nói với tôi một lúc nào đó, rằng muốn biết xe tốt, hãy nghe nó sập cửa như thế nào. Ánh đèn nêông trên hành lang khiến tôi lóa mắt. Trong thang máy, những con người xa lạ luôn miệng động viên và Beatles đã chơi đến nốt cuối trong “A day in the life”. Chiếc piano rơi từ tầng 60. Trước khi nó vỡ vụn, tôi đủ thời gian cho một suy nghĩ cuối cùng. Phải hủy đặt chỗ ở nhà hát. Dù sao chăng nữa, hai bố con cũng sẽ đến muộn. Tối mai đi vậy. Nhân tiện, Théophile đâu rồi nhỉ? Và tôi chìm vào hôn mê.

52. Tin tức khá buồn, tôi đã trông thấy bức ảnh.

Kỳ nghỉ kết thúc

Mùa hè đã gần kết thúc. Đêm dịu đi và tôi lại bắt đầu thu mình dưới lớp chăn xanh lơ dày ghi chữ “Bệnh viện Paris”. Mỗi ngày thêm hàng loạt khuôn mặt quen thuộc quay trở về sau kỳ nghỉ: bà thay chăn đệm, bác sĩ nha khoa, anh đưa thư, một y tá đã lên chức bà của một nhóc Thomas nào đó và anh chàng hồi tháng Sáu đã gãy ngón tay vì thanh giát giường. Ta lại thấy lại những biểu hiện cũ, thói quen cũ và ngày đầu tiên mọi người quay về bệnh viện sau kỳ nghỉ này khiến tôi biết chắc mình đã thực sự bắt đầu một cuộc sống mới ở đây, giữa những giường, ghế, hành lang này chứ không phải ở bất kỳ đâu khác.

Tôi đã có thể làu bàu được một bài hát ngắn về con kăngguru, bài thánh ca đo tiến bộ của tôi trong chỉnh âm:

“Kăngguru nhảy lên tường,

Tường sở thú,

Chúa ơi, nó cao quá,

Chúa ơi, nó đẹp quá”.

Tôi chỉ được nghe đồn đại về các cuộc tái xuất khác: sách mới ra mắt, trường học khai giảng, dân Paris về lại thành phố. Sắp tới tôi sẽ còn nghe nhiều hơn khi khách du lịch về lại Berck với đầy những tin tức kỳ lạ. Có vẻ Théophile đi giày basket gót nhấp nháy khi dậm xuống sàn thì phải. Giờ ta có thể đi theo thằng bé trong bóng tối. Trong lúc chờ đợi, tôi nhấm nháp tuần cuối cùng của tháng Tám với tâm trạng gần như nhẹ bẫng vì lần đầu tiên sau một thời gian dài, tôi không có cảm giác đếm từng ngày kinh khủng như từ đầu kỳ nghỉ. Cảm giác ấy rõ ràng đã khiến tôi bỏ lở phần lớn thời gian ấy.

Chống khuỷu tay lên chiếc bàn có bánh xe nhỏ bằng formica dùng thay bàn làm việc, Claude đọc lại những đoạn văn chúng tôi đã kiên nhẫn kéo ra từ vô định các buổi chiều trong suốt hai tháng qua. Tôi rất vui khi được nghe lại một vài trang. Các trang khác làm chúng ta thất vọng. Một cuốn sách được làm từ những thứ như thế này ư? Vừa nghe, tôi vừa quan sát mấy lọn tóc nâu, đôi má nhợt nhạt quá đỗi mà nắng và gió cũng chỉ đủ làm lan màu hồng nhè nhẹ, đôi bàn tay với tĩnh mạch dài xanh nhạt của cô và cảnh tượng sẽ trở thành hình ảnh - kỷ niệm của một mùa hè chăm chỉ. Quyển vở xanh cô chép kín một mặt bằng nét chữ thẳng đứng cẩn thận, hộp bút học sinh đựng đầy bút để thay khi cần, chồng khăn giấy sẵn sàng cho những cơn khạc đờm dữ dội nhất và chiếc túi sợi đỏ thỉnh thoảng cô lấy ra ít tiền đi mua cà phê. Qua miệng túi khép hờ, tôi thấy một chìa khóa phòng khách sạn, một vé tàu điện ngầm và một tờ một trăm franc gập làm bốn, như thể những đồ vật mang về từ máy dò không gian sau khi được gửi đến Trái Đất tìm hiểu cách sống, giao thông và trao đổi thương mại của người Trái Đất hiện đại. Cảnh tượng ấy khiến tôi lúng túng và ngẫm nghĩ. Trong vũ trụ này, có chìa khóa nào mở được chiếc áo lặn của tôi không? Một chuyến tàu điện ngầm không có điểm kết thúc? Một thứ tiền đủ mạnh để mua lại tự do cho tôi? Phải tìm ở nơi khác. Tôi sẽ tới đó.

Berck - Plagel, tháng Bảy - Tám năm 1996.

‘Thị trấn ven biển thuộc thành phố Berck

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3