Chiếc áo lặn và con bướm - Chương 5

20 ăn một

Xong. Tôi đã nhớ ra tên con ngựa. Nó là Mithra-Grandchamp.

Vincent chắc giờ đang đi qua Abbeville. Nếu đi ôtô từ Paris thì giờ này là lúc chuyến đi bắt đầu có vẻ lâu đây. Ngay tiếp theo cao tốc vắng vẻ và cực nhanh là đường quốc lộ hai làn, noi lúc nào cũng chất đống cả đãy dài ôtô và xe tải.

Vào thời câu chuyện này xảy ra, cách đây 10 năm, Vincent, tôi và một vài người nữa có may mắn lạ thường là đã lãnh đạo một tờ nhật báo - hiện không còn tồn tại. Một nhà công nghiệp say mê báo chí, người sở hữu tờ báo đã liều cú chót phó thác đứa con mình cho êkíp làm việc trẻ nhất Paris trong khi âm mưu chính trị và ngân hàng đen tối ngấm ngầm muốn tước đoạt vị trí chủ bút của ông đã từ năm, sáu năm nay. Ông đã dốc toàn bộ số tiền còn lại vào cuộc chiến mà không để chúng tôi biết, cũng như chúng tôi đã dồn tâm huyết đến một nghìn phần trăm vào trận đấu ấy.

Vincent giờ đang đi qua các ngã tư, bỏ lại bên trái là hướng đi tới Rouen và Croytoy để đi vào con đường hẹp dẫn tới Berck qua một dãy các khu dân cư nhỏ. Ai không quen sẽ lạc đường ở những chỗ vòng vèo thế này. Nhưng Vincent thì không vì cậu ấy đã đến thăm tôi nhiều lần. Mà không chỉ có năng khiếu định hướng, cậu ta còn làm việc đó chính xác đến cực độ nữa.

Vậy là chúng tôi làm việc liên tục. Từ sáng sớm đến tối muộn, cuối tuần và đôi khi cả đêm nữa, năm con người không còn ý thức được mệt mỏi, chiến đấu vui vẻ với khối lượng công việc của người. Mỗi tuần, Vincent nghĩ ra đến 10 ý tưởng: ba xuất sắc, năm tốt và hai cái còn lại là thảm họa. Vai trò của tôi có một phần nhỏ là buộc cậu ta lựa chọn, trái với bản tính thiếu kiên nhẫn lúc nào cũng muốn thấy mọi điều hiện ra trong đầu thành hiện thực của anh chàng.

Từ đây tôi đã nghe tiếng cậu ta vặn vôlăng và càu nhàu về đám cầu đường. Hai năm nữa, đường cao tốc sẽ bảo đảm giao thông cho Berck nhưng hiện tại, nó vẫn chỉ là một công trường với đoàn ôtô xếp hàng dài, chậm chạp, kẹt cứng đằng sau các xe moóc cắm trại.

Thực tế, chúng tôi không rời nhau phút nào cả. Sống cùng, ăn cùng, uống cùng, ngủ cùng, yêu và mơ ước bằng tờ báo và vì tờ báo. Ai là người nảy ra ý tưởng đi xem đua ngựa chiều hôm đó nhỉ? Vào một ngày chủ nhật mùa đông đẹp, xanh, lạnh và khô, và chúng tôi chạy xe tới Vincennes(35). Không ai ở đây là người hay chơi cá ngựa, nhưng bác chuyên viết thời luận về đua ngựa quý chúng tôi nên mời ra nhà hàng trường đua thiết đãi và trao tin mật - hạt vừng hé mở cánh cửa thế giới đua ngựa bí ẩn. Cứ theo đó thì chắc chắc và bảo đảm là Mithra-Grandchamp sẽ thắng và vì con ngựa được đặt cược với tỉ lệ đến 20 ăn một nên nó hứa hẹn sẽ là một món hời nho nhỏ xinh xắn, hơn đứt thu nhập của ông bố trong gia đình.

35. Thị trấn trong vùng đô thị Paris.

Vậy là Vincent đã đến lối vào Berck và cũng như tất cả mọi người, đang thoáng lo âu tự hỏi không biết cậu ta đến đây làm cái quái gì.

Chúng tôi ăn trưa vui vẻ trong phòng ăn lớn nhô ra trên trường đua, nơi tiếp đón từng nhóm từng nhóm người ăn mặc bảnh chọe, ăn cướp, ma cô, những kẻ bị cấm lưu trú và các thành phần xấu xa khác đều đang hướng về thế giới của những bước đua nước kiệu. Hài lòng và no nê, chúng tôi hút lấy hút để điếu xì- gà dài trong lúc chờ lượt đua thứ tư trong không khí nóng bỏng nơi đủ loại lý lịch tư pháp nở rộ như nấm sau mưa.

Vincent đã đến trước biển, cậu rẽ trái, đi lên con đường đất lớn mà không nhận ra phía sau đám đông người đi nghỉ hè vẫn là cảnh sắc hoang vắng và lạnh giá của Berck trong mùa đông.

Ở Vincennes, chúng tôi đã không kịp đến trước khi cuộc đua bắt đầu. Quầy đặt cược đóng sập cửa ngay dưới mũi trước khi tôi kịp rút tập tiền mà cả ban biên tập giao mang đi đặt. Dù có lệnh giữ bí mật, nhưng cái tên Mithra-Grandchamp vẫn truyền từ nơi này sang nơi khác và con ngựa đua vô danh tiểu tốt qua tin đồn đã thành một con vật huyền thoại khiến ai cũng muốn đặt cược cho nó. Chỉ còn việc xem và hi vọng. Vào đoạn ngoặt cuối cùng, Mithra-Grandchamp bắt đầu bứt lên. Qua khúc ngoặt, nó đã vượt hơn con thứ hai năm thân và phi về đích như một giấc mơ, trước đối thủ liền sau gần 40 mét. Một chú phi cơ thực thụ. Trong bản tin thời sự hôm nay, khán giả hẳn sê thấy nó hớn hở trên tivi.

Ôtô của Vincent trượt trên bãi đỗ xe của bệnh viện. Ánh nắng chan hòa. Tới đây, khách đến thăm phải đủ dũng cảm mới có thể vượt qua, với cổ họng thắt lại, những mét cuối cùng chia cách tôi với thế giới: cửa kính mở tự động, thang máy số 7 và hành lang nhỏ kinh khủng dẫn tới phòng 119. Qua cánh cửa khép hờ, người ta chỉ thấy những thân người nằm liệt giường mà số phận đã vứt bỏ đến sát ranh giới của sự sống. Nhìn cảnh tượng này, một số người thấy khó thở. Đầu tiên, họ sẽ phải lạc một chút mới đến được chỗ tôi, giọng nói quả quyết hơn và mắt bớt nhòa. Cuối cùng, khi họ đến, cứ như thợ lặn phải ngừng thở vậy. Tôi thậm chí còn biết, đến đây, trước ngưỡng cửa này, họ không còn đủ mạnh mẽ nữa và đã quay trở lại Paris.

Vincent gõ cửa và yên lặng bước vào. Tôi đã quen với việc thấy trong mắt người khác thoáng chút ánh sáng sợ hãi. Hoặc, dù sao chúng cũng không còn khiến tôi run rẩy như trước nữa. Tôi cố nhoẻn một thứ tôi hi vọng là nụ cười chào đón từ nét mặt teo tóp vì liệt. Vincent đáp lại cái nhăn nhó ấy bằng một nụ hôn lên trán. Cậu ta chẳng hề thay đổi. Mái tóc hung, vẻ mặt cau có, thân hình béo lùn nhún nhảy trên hai bàn chân tạo cho cậu ta vẻ lố lăng của một nhà hoạt động công đoàn xứ Gaule tới thăm bạn bị tai nạn do ngạt khí mỏ. Dáng nghiêng nghiêng cúi thấp, Vincent đi lại như thể một võ sĩ đấm bốc kiểu to béo nhưng yếu ớt. Hôm Mithra-Grandchamps thắng, sau vụ trễ giờ, cậu ta chỉ buông một câu: “Lũ ngu. Mình đúng là ngu. Về tòa soạn, bọn chúng sẽ tháo rời mình ra từng mảnh cho mà xem!” Đó là lối nói ưa thích của Vincent.

Thật thà mà nói, tôi đã quên biến mất Mithra-Grandchamp. Ký ức về câu chuyện này chỉ vừa quay lại tâm trí tôi nhưng dấu vết nó để lại thì đau đớn gấp đôi. Nỗi nhớ về một quá khứ đã qua và trên hết là dằn vặt về những gì đã bỏ lỡ. Mithra-Grandchamp, đó là những người đàn bà ta đã không biết yêu, những cơ hội ta đã không biết nắm bắt, những khoảnh khắc hạnh phúc ta đã để bay đi. Hôm nay, dường như sự tồn tại của tôi là một chuỗi thất bại. Một cuộc đua ta biết rõ kết quả nhưng không thể thắng cược. À mà chúng tôi còn phải xoay xở để trả lại hết tiền hùn cho mọi người nữa chứ.

Săn vịt

Ngoài những khó chịu vốn có của hội chứng “bị nhốt”, tai tôi còn bị khốn khổ nghiêm trọng. Tai trái đầy cát, còn tai phải giờ phóng đại và bóp méo mọi âm thanh ngoài phạm vi hai mét rưỡi. Khi có chiếc máy bay nào đến vừa lượn trên bãi biển vừa chăng quảng cáo cho công viên giải trí trong vùng, tôi có cảm tưởng như màng nhĩ tôi được ghép thêm súng máy vào vậy. Nhưng đó chỉ là chút huyên náo thoáng qua thôi. Tiếng ồn thường trực ngoài hành lang bệnh viện còn điên đầu hơn nhiều. Mặc cho tôi đã cố gắng khiến người ta hiểu tai tôi có vấn đề, họ vẫn không bao giờ khép hộ tôi cánh cửa. Gót giày nện trên lớp thảm nhựa trải sàn, xe đẩy va vào nhau, tiếng người trò chuyện lẫn vào nhau, các ê kíp gọi hỏi nhau bằng giọng mời chào chứng khoán ngày thanh lý, đài bật không ai nghe và trên hết là tiếng máy đánh bóng sàn chạy điện như thể điềm báo địa ngục. Không những thế, bệnh nhân cũng thật kinh khủng. Một trong số họ có thú vui lúc nào cũng nghe đi nghe lại cùng một băng cassette. Thằng bé nằm cạnh tôi được tặng một con vịt bông trang bị hệ thống báo động cầu kì, phát ra tiếng nhạc chua và sắc nhọn ám ảnh mỗi khi có người bước chân vào phòng, có nghĩa là 80 lần một ngày. May cho nó là nó đã về nhà trước khi tôi bắt đầu thực hiện chiến dịch tiêu diệt con vịt. Tôi vẫn giữ kế hoạch đó dưới cùi chỏ, ai biết được các gia đình ủ ê sướt mướt có thể gây ra tai họa nào hay không chứ. Tuy nhiên, huân chương danh dự dành cho hàng xóm quá thể nhất phải thuộc về một bệnh nhân nữ sau khi hôn mê, các giác quan đã đảo lộn hết cả. Bà ta cắn y tá nữ, túm lấy bộ phận kín của các điều dưỡng nam và không thể yêu cầu uống nước mà không hét lên như cháy nhà. Ban đầu, các cuộc báo động giả này cũng gây náo loạn như sắp đánh nhau đến nơi, nhưng sau đó người ta cũng chán tình cảnh ấy và mặc kệ bà ta ca thán thỏa thích bất kể giờ nào, ngày hay đêm. Tấn kịch này khiến khoa Thần kinh có nét gì đó kích động giống “tổ chim cu cu” và khi họ gửi bà bạn của chúng tôi ra ngoài kêu gào “Cứu với, bọn chúng ám sát tôi!”, tôi có cảm thấy đôi chút tiếc nuối.

Nhưng tách xa khỏi những ồn ào ấy, khi tĩnh lặng được phục hồi, tôi có thể nghe được tiếng bướm bay trong đầu. cần thật chú ý, thậm chí là phải tĩnh tâm mới nghe được vì tiếng đập cánh của chúng gần như không thể nhận thấy. Một hơi thở mạnh cũng đủ che lấp âm thanh ấy. Vậy nên mới thật đáng ngạc nhiên. Thính giác của tôi không tốt hơn nhưng tôi nghe chúng ngày càng rõ. Chắc tai tôi thành tai bướm mất rồi.

Chủ nhật

Qua cửa sổ, tôi thấy mặt ngoài các tòa nhà bằng gạch đỏ sáng rực lên dưới những tia nắng đầu tiên. Màu gạch giống hệt màu cuốn ngữ pháp Hy Lạp của thầy Rat, kỉ niệm hồi năm lớp Tám. Tôi chưa bao giờ đủ xuất sắc cần thiết trong việc nghiên cứu thứ ngôn ngữ này, nhưng tôi yêu thứ màu ấm và sâu mở ra thế giới học tập nơi ta gặp gỡ con chó của Alcibiade(36) và những người anh hùng của trận Thermopyles. Người bán màu gọi nó là “hồng cổ đại”. Khác hẳn thứ màu hồng băng dính trong hành lang bệnh viện. Càng khác xa màu tím hoa cà ở các chân cột và khuôn cửa trong phòng tôi, thứ màu tím khiến người ta liên tưởng đến giấy gói ngoài một chai nước hoa rẻ tiền.

36. Nhà hùng biện, chính khách thời Hy Lạp cổ đại.

Chủ nhật. Chủ nhật sẽ đáng sợ nếu bất hạnh thay, không có vị khách viếng thăm nào thông báo đến và không có bất ki thể loại sự kiện nào phá vỡ chuỗi thời gian đằng đẵng giờ này nối giờ kia ở đây. Không thực hành vận động, không luyện tập chỉnh âm, cũng không làm việc với bác sĩ tâm lý. Xuyên qua sa mạc chỉ có duy nhất một ốc đảo là khoảng thời gian làm vệ sinh ngắn ngủi, thậm chí còn ngắn hơn thường ngày. Những ngày như thế này, ảnh hưởng kéo dài của bữa tiệc rượu tối thứ Bảy cộng với tâm trạng tiếc nuối chuyến picnic gia đình, cuộc thi bắn hay câu tôm bỏ lỡ do phải trực khiến các y tá rơi vào trạng thái ngây ngô cơ học và giờ tắm rửa có vẻ giống giờ xả thịt hoặc nhúng nước hơn. Xịt gấp ba loại nước hoa tốt nhất lên người cũng không che giấu được sự thật là chúng ta bốc mùi.

Chủ nhật. Nếu có người bật hộ tivi thì đừng để lỡ. Để làm điều này, cần phải cao mưu, nếu không bạn sẽ phải chờ ba hay bốn tiếng trước khi có người tốt bụng nào đó đến chuyển kênh khác hộ. Và đôi khi, tốt hơn là nên từ chối một chương trình thú vị nếu ngay sau đó là một vở kịch sụt sùi, một trò chơi nhạt nhẽo hay một talk-show ầm ĩ. Tiếng hoan hô khiến tai tôi đau nhức. Tôi thích sự yên lặng của phim tài liệu về nghệ thuật, lịch sử hay động vật. Tôi chỉ nhìn hình mà không bật lời bình, như thể đang lặng ngắm ngọn lửa trại.

Chủ nhật. Chuông nhà thờ trịnh trọng điểm giờ. Trên tường, quyển lịch nhỏ Ủy ban nhân dân tặng được xé hàng ngày đã chỉ tháng Tám. Ngược đời thế nào, thời gian ở đây đứng yên một chỗ lại điên cuồng lao vun vút ngoài kia? Trong vũ trụ thu hẹp của tôi, thì giờ như kéo dài ra và tháng năm trôi nhanh như chóp. Tôi không nhớ ra giờ đã là tháng Tám. Bạn bè, phụ nữ, trẻ con, tất cả rải rác khắp nơi theo ngọn gió nghỉ hè. Tôi trượt mình theo suy nghĩ đến các trại nghỉ hè, mặc kệ đôi chút xót xa những hình ảnh ấy gây ra cho tôi. Ở Anh, một đám trẻ đạp xe từ khu chợ về. Nụ cười sáng bừng trên khuôn mặt. Một vài đứa từ lâu đã đến tuổi phải lo nhiều thứ, nhưng trên con đường hai bên đỗ quyên nở rộ này, mỗi đứa trong chúng đều có thể tìm lại được nét hồn nhiên đã đánh mất. Chiều nay, chúng sẽ đi vòng quanh đảo bằng canô. Động cơ nhỏ sẽ chiến đấu với luồng nước. Ai đó sẽ nằm dài phía trước tàu, nhắm mắt và buông thõng tay xuống nước lạnh. Trong vùng Midi này, ta cần núp bên trong những căn nhà để tránh ánh nắng gắt. Vẽ đầy sổ cảnh núi sông. Một con mèo con gãy chân tìm các góc râm trong khu vườn của cha xứ, và xa xa, một đám mây hình đàn bò mộng bao trùm cả vùng đầm lầy, nơi tỏa mùi thơm của thứ rượu anít mẻ đầu tiên. Khắp nơi gấp rút sửa soạn cho buổi họp mặt tại nhà đầu tiên, buổi gặp khiến các bà mẹ ngáp dài vì mệt nhưng với tôi lại là một nghi thức tuyệt vời đã bị lãng quên: bữa ăn trưa.

Chủ nhật. Tôi chăm chú nhìn chồng sách chất đống dưới bệ cửa sổ, một thư viện nhỏ khá vô dụng vì hôm nay, chẳng ai sẽ đến đọc cho tôi nghe cả. Seneque, Zola, Chateaubriand, Valery Larbaud ở đó, chỉ cách tôi một mét, mà không tài nào với tới được. Một con ruồi đen xì tới đậu trên mũi tôi. Tôi vặn đầu để làm nó ngã. Nhưng nó vẫn bám riết lấy tôi. Các trận đấu thời Hy Lạp - La Mã ta vẫn xem trong Thế vận hội Olympic cũng chẳng dữ dội đến thế. Chủ nhật mà.

Các tiểu thư Hồng Kông

Tôi thích du lịch. May mắn là qua nhiều năm, tôi đã tích trữ được kha khá hình ảnh, mùi vị, cảm giác để vẫn có thể đi đây đó vào những ngày nơi đây bầu trời u ám không cho phép tôi ra ngoài. Đó là những chuyến lang thang kì lạ. Mùi khét của một quán bar ở New York. Hương vị khốn cùng trong khu chợ Rangoon. Những mẩu nhỏ vụn vặt của thế giới. Đêm trắng buốt giá ở Saint-Peterbourg hay ánh mặt trời cháy rực khó tin ở Furnace Creek trong sa mạc Nevada. Tuần này, đặc biệt hơn một chút, mỗi sớm bình minh, tôi lại bay đến Hồng Kông, noi tổ chức thảo luận giữa các nhà in báo của tôi trên thế giới. Tôi vẫn tiếp tục dùng từ “báo của tôi”, dù cách nói ấy đã trở thành hão huyền, nhưng từ ngữ sở hữu như vậy tạo nên một sợi chỉ mảnh nối tôi với thế giới đang chuyển động ngoài kia.

Ở Hồng Kông, tôi gặp chút khó khăn trong việc tìm đường vì không như nhiều người khác, tôi chưa bao giờ đi tham quan thành phố. Bởi cứ mỗi lần có dịp, tôi lại có việc đột xuất. Nếu không ốm ngay trước ngày đi, tôi cũng làm thất lạc hộ chiếu hoặc cần đi viết phóng sự ở một nơi nào đó khác. Tóm lại, đủ mọi sự tình cờ khiến tôi không đến được đó. Một lần, tôi đã để chỗ của mình lại cho Jean-Paul K, người từng sống nhiều năm trong tù tại Beyrouth, nhẩm đi nhẩm lại danh sách các vùng trồng nho lớn ở Bordeaux để không phát điên. Mắt anh ta lấp lánh cười sau cặp kính tròn khi mang cho tôi một chiếc điện thoại không dây, vật khiến anh ta vô cùng kinh ngạc. Tôi rất quý Jean-Paul nhưng chưa bao giờ gặp lại con tin của Hezbollah sau đó, hẳn là vì xấu hổ khi đã chọn sắm vai phụ trong thế giới những quần với áo trong một thời kì như thế. Nhưng hiện giờ, tôi là tù nhân, còn anh ấy là người tự do. Và vì tôi không biết hết các toà lâu đài ở Medoc nên tôi sẽ phải tìm một loại kinh cầu nguyện khác hòng lấp đầy những giờ quá trống. Tôi sẽ đếm các nước xuất bản báo của tôi. Đã có 28 nước tham gia vào liên họp các quốc gia yêu thích nó rồi.

Ấy mà giờ các bạn đang ở đâu, các chị em đồng chí của tôi, những đại sứ không mệt mỏi quảng bá cho cái French touch(37) của chúng ta? Cả ngày trong phòng khách khách sạn, các bạn nghiền ngẫm, tra xét bằng tiếng Hoa, tiếng Anh, tiếng Thái, tiếng Bồ Đào Nha, tiếng Séc, cố gắng trả lời câu hỏi siêu hinh nhất: Cô ấy(38) là người như thế nào? Tôi hình dung hiện các bạn đang rải rác khắp nơi trên đất Hồng Kông, qua những con phố nhỏ bán máy tính xách tay rực rỡ ánh đèn neon, lon ton chạy theo vết chiếc nơ con bướm của ngài Tổng giám đốc - người bắt tất cả mọi người bước theo quân lệnh. Nửa Spirou(39), nửa Bonaparte(40), ngài ta chỉ dừng bước trước những tòa nhà chọc trời cao nhất, kiêu hãnh và khinh thị nhìn như thể sắp nuốt chửng chúng vậy.

37. Dấu ấn Pháp.

38. Đại từ nhân xưng trong tiếng Pháp là elle, dùng để đặt tên cho tạp chí Elle.

39. Nhân vật hoạt hình trong sêri truyện tranh nổi tiếng Spirou và Fantasio của Pháp.

40. Napoleon Bonaparte.

Chúng ta sẽ đi đâu, thưa chỉ huy? Nhảy xuống xuồng bay tới Macao để đốt vài đồng đôla xuống địa ngục hay trèo lên quán bar Felix của khách sạn Peninsula do ông kiến trúc sư người Pháp Philippe trang trí? Tính ích kỷ thúc đẩy tôi chọn đề xuất thứ hai. Vốn rất ghét bị chụp ảnh, trong quán rượu xa hoa trên cao ấy, tôi và 10 khuôn mặt Paris khác đã được Philippe vẽ chân dung vào lưng ghế. Tất nhiên việc này được tiến hành trước khi số phận biến tôi thành thằng bù nhìn xấu xí. Tôi không biết ghế in hình tôi có được nhiều người chọn để ngồi không, nhưng các bạn đừng kể sự thật cho anh bán quán đấy nhé. Những người như họ mê tín lắm và sẽ không có cô gái Trung Hoa xinh xắn bé nhỏ mặc váy ngắn nào tới ngồi lên ghế in hình tôi nữa đâu.

Thông điệp

Nếu góc của bệnh viện đó có vẻ gì giống một trường trung học Ănglô-Xắcxông thì những khách quen của quán cà phê lại thuộc Câu lạc bộ các nhà thơ đã mất tích. Bọn con gái với ánh mắt khó hiểu, con trai xăm mình và đôi khi đeo nhẫn. Chúng ngồi trên ghế, tụ tập nói chuyện về các cuộc ẩu đả và xe phân khối lớn, hút thuốc lá hết điều này đến điếu khác. Đôi vai vốn đã khom lại dường như còn phải gánh thêm cây thánh giá, kéo lê số phận khốn khổ mà ghé qua bệnh viện này chỉ là một biến cố nối giữa tuổi thơ thảm hại với tương lai của kẻ bị sa thải. Khi tôi ngang qua căn hầm ám khói của chúng, tất cả chợt im lặng đầy kính cẩn, nhưng trong mắt chúng, tôi không thấy có chút thương xót hay cảm thông nào cả.

Qua ô cửa sổ để ngỏ, “trái tim đồng” của bệnh viện đang đập, tiếng chuông làm run rẩy không trung bốn lần mỗi giờ. Trên chiếc bàn đầy những chiếc cốc không là một máy đánh chữ nhỏ với tờ giấy hồng đặt lệch. Hiện giờ nó hãy còn trắng không, nhưng tôi chắc chắn một ngày nào đó, tôi sẽ viết vào đó một thông điệp. Tôi sẽ chờ.

Bảo tàng Grevin

Đêm nay, tôi mơ màng đến thăm bảo tàng Grevin. Bảo tàng đã thay đổi nhiều. Vẫn còn lối vào theo phong cách của Thời kỳ Đẹp(41), những cửa kính, những phòng trưng bày huyền ảo. Những bộ sưu tập nhân vật đương thời đã không còn. Trong phòng đầu tiên, tôi không lập tức nhận ra các hình người được trưng bày. Vì người may trang phục đã khoác thường phục lên cho chúng nên tôi buộc phải kiểm tra từng bức một bằng cách tưởng tượng họ trong chiếc áo blu trắng trước khi hiểu ra rằng những kẻ rỗi việc mặc áo phông ngắn tay, mấy cô gái váy ngắn, tượng bà nội trợ với xe đẩy hàng, cậu thanh niên đội mũ bảo hiểm, tất cả thực ra đều là các y tá và điều dưỡng nam và nữ cứ thay nhau qua lại đầu giường tôi từ sáng đến tối. Tất cả họ đều ở đó, cứng đờ trong sáp, dịu dàng hay thô lỗ, nhạy cảm hay thờ ơ, chủ động hay lười biếng, những người cởi mở với tôi và những người chỉ coi tôi là một bệnh nhân như bao bệnh nhân khác.

41. Một giai đoạn trong lịch sử xã hội châu Âu, kéo dài từ nửa cuối thế kỷ 19 đến trước Chiến tranh Thế giới thứ Nhất: hòa bình và phồn vinh.

Ban đầu, một số người khiến tôi kinh sợ. Tôi chỉ thấy họ như những kẻ gác ngục nơi tôi đang bị giam giữ, những kẻ giúp thi hành một âm mun ghê tởm. Sau đó, tôi căm thù những nhân viên khiến tay tôi bị vặn khi đặt tôi vào xe lăn, bỏ quên tôi cả đêm trước màn hình vô tuyến, bỏ tôi trong một tư thế đau đớn mặc cho tôi phản đối. Trong vài phút hay vài giờ, tôi đã muốn giết họ. Rồi thời gian cũng nhấn chìm những cơn tức giận lạnh lùng nhất, họ đần trở thành người thân của tôi, những người thực hiện một cách tàm tạm nhiệm vụ tế nhị của mình: dựng lại một chút cây thánh giá để nó không đè quá đau lên vai chúng tôi.

Tôi gán cho họ những biệt danh kỳ cục chỉ mình tôi biết để có thể gọi bằng giọng vang rền như sấm của mình khi họ bước vào phòng: “Hello, Mắt xanh! Xin chào, Em chã!” Hiển nhiên họ không biết gì về biệt danh của mình. Người hay nhảy quanh giường tôi và thỉnh thoảng đột ngột dừng ở tư thế biểu diên của các tay chơi rock để hỏi “Thế nào?”, là David Bowie(42). Giáo sư là người làm tôi cười với bộ mặt trẻ con, tóc muối tiêu và vẻ nghiêm trọng đáng yêu mỗi khi phát ngôn câu: “Không sao là được”. Rambo và Terminator chắc hẳn không phải kiểu dịu dàng. Tôi thích Nhiệt kế hơn bọn họ, nếu không thường xuyên quên rút nhiệt kế ra khỏi nách tôi thì hẳn cô ấy phải là một nhân viên tận tụy mẫu mực.

42. Biệt danh tác giả đặt cho các nhân viên y tế, trong đó David Bowie là tên của một ca sĩ nhạc rock nổi tiếng người Anh.

Nhà nặn sáp của bảo tàng Grevin không nắm bắt thành công tất cả các khuôn mặt đỏ bừng và xinh xắn của những con người đã sống ở miền Bắc từ vài thế hệ giữa những cơn gió vùng bờ biển Opale và mảnh đất màu mỡ Picardie, những người luôn nói tiếng địa phương khi họ gặp nhau. Một số hầu như không có nét nào giống. Hẳn cần tài năng của các họa sĩ thời Trung Cổ với ngòi bút vẽ đám đông xứ Flandres sống động kỳ diệu mói có thể làm được điều ấy. Nhưng nghệ sĩ của chúng ta thì không. Tuy vậy, anh ta cũng đã biết nắm bắt một cách ngây thơ nét duyên dáng tươi trẻ của các y tá học việc, cánh tay chắc lẳn và màu son ửng trên đôi má tròn. Rời khỏi phòng, tôi tự nhủ mình yêu tất cả bọn họ, những đao phủ của tôi.

Sang phòng tiếp theo, tôi ngạc nhiên khi phát hiện đó là phòng của mình trong Bệnh viện Hàng hải, được làm giống hệt. Nhưng khi bước lại gần, tranh, ảnh, áp-phích lại có vẻ tạo thành những mảng chắp vá với những sắc màu không xác định, cách bài trí gây ảo giác về một khoảng cách nhất định, như chi tiết trên bức tranh toan trường phái ấn tượng. Trên giường không có một ai ngoài chỗ trũng giữa tấm vải trải giường và ánh sáng trắng nhợt nhạt bao quanh. Không khó khăn gì để nhận ra các nhân vật đang lố nhố hai bên chiếc giường bỏ không. Họ là một vài thành viên trong đoàn bảo vệ cự ly gần tự phát mọc lên quanh tôi ngay sau khi tôi bị tai biến.

Trên ghế, Michel cẩn thận ghi tiếp vào cuốn vở khách viếng thăm toàn bộ những gì tôi nói. Anne-Marie đang cắm một bó hồng 40 bông. Bernard, một tay cầm cuốn Nhật ký của một tùy viên đại sứ của Paul Morand, tay kia phác một cử chỉ của luật sư. Cặp kính mắt tròn gọng sắt đặt trên mũi cậu ta hoàn thiện nốt vẻ ngoài giống một nhà bảo vệ luật pháp chuyên nghiệp. Florence ghim tranh của bọn trẻ lên tấm panô bẩn thỉu, mái tóc đen của cô viền quanh nụ cười rầu rĩ và Patrick, dựa lưng vào tường, dường như đang mải miết suy tư. Bức tranh gần như sống động này gợi ra một cảm giác dịu dàng rõ rệt, một nỗi buồn lan tỏa và mối xúc động nặng nề cô đặc mà tôi cảm nhận được mỗi khi họ đến.

Tôi những muốn tiếp tục cuộc hành trình xem viện bảo tàng còn dành cho tôi những ngạc nhiên nào khác nữa, nhưng trong hành lang tối tăm, một nhân viên bảo vệ rọi thẳng đèn vào mặt khiến tôi hấp háy mắt. Tỉnh dậy, một nữ y tá bé nhỏ với cánh tay tròn bằng xương bằng thịt đang nghiêng người phía trên tôi, tay cầm đèn pin: “ông muốn uống thuốc ngủ luôn bây giờ hay một tiếng nữa?”

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3