Chương 1: Ỷ Lan phu nhân

Đại Việt, Triều Lý thứ ba: vua Lý Nhật Tôn,

Năm Thiên Khánh Gia Khánh thứ năm (1063),

Mùa xuân, khí trời trong lành, muôn hoa khoe sắc. Mấy hôm trước tri phủ truyền tin đức vua sẽ đến chùa Pháp Vân ở phủ Thiên Đức (tỉnh Bắc Ninh) để cầu tự khiến vùng quê yên tĩnh nhốn nháo cả lên. Có những người sống cả đời nhưng chưa bao giờ được nhìn thấy đoàn giá của vua, nói chi là trong khoảng cách gần như thế. Và biết đâu có cô gái nào may mắn được ngài để mắt, rước về cung thì cả dòng họ hưởng phúc phần. Vì thế thiếu nữ trong làng Sủi ai nấy cũng khoác lên mình bộ xiêm y đẹp nhất, đổ xô ra hai ven đường, ngóng chờ xe ngựa của vua đi ngang. Hoa xuân cũng không tươi tắn được bằng nét xuân của những thiếu nữ này.

Lý Nhật Tôn vén màn nhìn ra ngoài, trông thấy dân chúng háo hức nhưng trong lòng lại chẳng lấy làm vui. Năm nay người đã ngoài bốn mươi, không có con trai để kế vị. Bao nhiêu chùa linh ứng tại Thăng Long đều được bá quan văn võ đề xuất vua đến lễ Phật cầu con. Nhật Tôn tin vào Bồ Tát, nhưng còn việc Bồ Tát có cho người một thái tử hay không thì còn phụ thuộc vào cơ duyên.

Đô úy Ngô Thường Kiệt cưỡi ngựa đi cạnh xe Nhật Tôn, thấy vua vén rèm nhìn ra nên thúc ngựa lại gần hỏi thăm.

“Các cô gái mỗi người mỗi vẻ, xinh đẹp như hoa, chắc muốn được bệ hạ chú ý!”

Nhật Tôn lắc đầu: “Trong cung nào có thiếu hoa, chỉ thiếu mỗi quả.”

“Bẩm bệ hạ, có hoa rồi mới có quả.”

“Hoa cỏ nơi đây trẫm không thấy hứng thú. Nhưng khanh có nghe thấy tiếng hát không?”

Ngô Thường Kiệt tập trung lắng nghe, lúc sau đáp lời – nửa đùa nửa thật.

“Bẩm, thần có nghe, có vẻ là giọng của một thiếu nữ. Những tưởng mọi người đều tập trung ra đường hết rồi, hóa ra cũng có kẻ không thiết tha gặp được long nhan.”

Nhật Tôn suy nghĩ đôi chút rồi nói với Thường Kiệt.

“Khanh cho dừng lại và vào trong này với trẫm.”

Ngô Thường Kiệt tuân lệnh rồi cho đoàn người ngựa tạm ngừng, bản thân cũng xuống ngựa và vào xe của Nhật Tôn. Ít lâu sau, y lại trở ra, leo lên lưng ngựa và phi đi thật nhanh. Người ta chỉ để ý vị quan áo xám vào rồi ra khỏi xe chứ không ai nhận ra gương mặt vị quan ấy đã thay đổi. Nhật Tôn thay xiêm y của Thường Kiệt, đi theo hướng giọng hát vang lên.

Giữa ruộng dâu xanh mướt, điểm xuyến sắc tím của những bụi cỏ lan. Có một cô gái y phục đơn giản, tóc búi cao, đang ngồi tựa vào một trong số những bụi cỏ lan ấy ngân nga hát. Đúng như lời Thường Kiệt nói, cô gái độ khoảng đôi mươi, nét xuân mơn mởn hiện rõ trên đôi má ửng hồng.

 

Nhật Tôn phi ngựa lại gần. Cô gái nghe tiếng động vội vàng ngừng hát, đứng dậy nhìn Nhật Tôn.

“Ông là ai? Sao lại cưỡi ngựa vào ruộng dâu nhà tôi?”

Nhật Tôn xuống ngựa, tiến lại gần cô gái ấy.

“Ta đang hộ tống hoàng thượng đi đến chùa Pháp Vân để bái Phật. Giữa đường nghe tiếng hát của cô nên tò mò lại xem. Này cô gái, ta thấy mọi người đang đổ xô đi xem long nhan, sao chỉ có mình cô ở đây?”

Cô gái ấy nghe Nhật Tôn hỏi liền phì cười.

“Ông ơi long nhan thì cũng hai mắt một mũi như mọi người, huống hồ nơi đó đông đúc như vậy, làm sao tôi chen vào nổi mà xem. Chưa kể có chen được thì cũng chỉ thấy mỗi chiếc xe, con ngựa và các vị quan binh thôi chứ làm sao trông thấy được mặt vua. Thôi, ruộng dâu tôi đầy cỏ, tôi nhổ cả buổi sáng cũng chưa được bao nhiêu đây này.”

Nhật Tôn nghe cô gái trả lời, vừa tự ái, vừa buồn cười. Quả thật cô ta không nói dối, tay chân vẫn còn dính đất bùn và gương mặt cũng hơi lem luốc. Nếu muốn quyến rũ vua thì với ngoại hình hiện tại chắc cũng không có khả năng.

“Cô gái còn nhỏ tuổi mà to miệng thế. Chồng cô đang ở đâu, sao lại để vợ mình cực khổ thế kia?”

“Ơ ông này, sao ông hỏi sổ sàng vậy. Ông có quen tôi không sao lại biết tôi đã có chồng hay chưa?”

“Vậy ra cô chưa có chồng à. Cô tên gì?”

“Sao tôi phải nói với ông?”

“Hay cô sợ tôi khai danh tính cô với đức vua rồi bị ngài trách phạt?”

Cô gái nghe đến đây, bật cười thành tiếng.

“Tôi không sợ đâu. Ông nghe cho rõ đây, tôi họ Lê, tên Khiết An. Nếu ông muốn định tội thì cứ gặp trưởng thôn mà đòi ông ấy giao người.”

Lê Khiết An – tên cô gái – sau khi nói xong liền phủi phủi người cho những lá cỏ rơi xuống, chuẩn bị bước ra ruộng dâu.

“Thôi tôi đi làm tiếp đây. Ông có thể đi theo hướng này hoặc hướng này, đừng đi ra phía này, ngựa của ông sẽ dẫm nát dâu nhà tôi mất!”

Bóng cô gái nhỏ dần sau những chiếc lá non xanh, Nhật tôn thẩn thờ trông theo. Cô gái này còn trẻ nhưng tính tình bộc trực, lời nói đanh thép, không sợ quan quyền. Hình ảnh ấy cứ đeo đẵng Nhật Tôn trong suốt buổi lễ Phật tại chùa Pháp Vân. Tuy là lần đầu gặp mặt, nhưng không hiểu sao Nhật Tôn lại có cảm giác cô gái này thân quen lắm, hay chính Bồ Tát đang dẫn lối, giúp ngài tìm được người sinh hoàng tử.

Trước khi rời nơi đây để quay về cấm cung, Nhật Tôn ý chỉ cho Thường Kiệt: “Khanh tìm gặp trưởng thôn, cho đón cô gái mang tên Lê Khiết An đi.”

Ngô Thường Kiệt mỉm cười tuân lệnh: “Bệ hạ yên tâm, hạ thần lập tức sắp xếp mọi việc, cô ấy sẽ sớm vào cung.”

*

* *

Chuyện Lý Nhật Tôn chọn tú nữ là một cô gái hái dâu nhanh chóng lan truyền khắp hậu cung. Sáng nào phi tần đến thỉnh an cũng bày tỏ bức xúc này đến hoàng hậu. Lê Khiết An còn chưa nhập cung mà các nàng phi kia cứ quấy lên chẳng khác nào cô dân nữ ấy đang hiện diện bên cạnh mình.

“Bẩm hoàng hậu, người nói xem, người là thiên kim của Tể tướng, chúng thần thiếp dù sao cũng là con gái nhà quan bậc tam phẩm trở lên. Bao nhiêu năm nay bệ hạ có bao giờ tuyển tú bên ngoài, lần này lại cho đón một ả dân nữ hái dâu thì sao được chứ?”

“Vâng thưa nương nương, cứ cho là bệ hạ tuyển tú nữ bên ngoài, nhưng ít nhất cũng nên là danh môn khuê cát, tiểu thư gia đình phú hộ nào đó được giáo dục đàng hoàng. Đằng này con gái một nông phu lại sắp ngồi chung mâm chung bàn với chúng thần thiếp, điều đó quá thiệt thòi cho chúng thần thiếp rồi.”

Dương Hồng Hạc ngoài mặt không cảm xúc nhưng bên trong đã bị tiếng than thở của mấy ả kia khiến cho mệt người. Hồng Hạc đặt mạnh tách trà xuống bàn. Âm thanh vang lên khiến các phi tân hoảng hốt im bặt. Lúc này, Hồng Hạc mới chậm rãi lên tiếng.

“Các ngươi đã nói xong chưa? Ta biết các ngươi đang cảm thấy uất ức về việc này. Điều này ta cũng cảm nhận được.”

Không gian bắt đầu rơi vào trầm lặng, mấy vị phi tần dù tức nhưng chỉ dám để trong ánh mắt, không dám thể hiện ra ngoài. Hồng Hạc tiếp tục.

“Từ đầu bệ hạ đã nói trước là sẽ tuyển tú ngay tại nơi thắp hương dâng Phật. Tại sao vua một nước lại phải đích thân đi lễ Phật ở nơi xa xôi như vậy? Đó là vì chúng ta cứ ngồi đây, ngoài việc mải mê than trách thì có ai đã làm gì được cho bệ hạ chưa? Chúng ta ở đây cũng gần hai mươi người, nhưng ngoài năm công chúa ra thì còn không có lấy một hoàng tử, đã ai thấy hổ thẹn chưa?”

Không gian lại yên lặng hơn. Một hai vị phi tần đã bắt đầu cúi đầu, đỏ mắt.

“Làm thê thiếp trong nhà bình thường, trách nhiệm sinh con nối dõi đã không nhẹ. Huống hồ chúng ta là thê thiếp của vua, trọng trách ấy lại càng nặng nề. Nhưng chúng ta nặng một thì bệ hạ nặng đến mười. Có ai biết tấu chương đề cập việc này qua bao nhiêu năm đã nhiều đến thế nào không? Rồi bao nhiêu nguy cơ đang rình rập. Tất cả việc ấy, chúng ta có thể cùng bệ hạ gánh vác mấy phần?”

“Cô gái lần này bệ hạ chọn, ta đã nghe qua, dung mạo xinh đẹp, đoan trang lại có chút chữ nghĩa. Đêm qua ta mơ thấy Bồ Tát, ngài nói rằng cô gái kia sẽ mang thêm phúc đến cho bệ hạ, cho Lý triều. Ta tin Bồ Tát và ta cũng tin vào bệ hạ. Thay vì oán trách, chúng ta hãy cầu phúc cho người và đối xử tốt với cô ấy nhưng đang đối xử với nhau. Chúng ta may mắn hơn cô ấy là vì sinh ra trong gia đình quyền quý, nhưng thử bỏ đi xuất thân, thì tất cả cũng chỉ là phận đàn bà như nhau thôi. Đã cùng phận như nhau, phải thấu hiếu nhau chứ sao có thể ganh ghét!”

Trong phòng vang lên tiếng sụt sịt, ban đầu một hai tiếng rồi sau đó cả đám phụ nữ òa khóc, khăn tay chấm một tí đã ướt đẵm nước mắt. Hồng Hạc nhìn những cô gái trước mặt, vốn đã quen sống trong nhung lụa, được chiều chuộng thương yêu mà không khỏi chạnh lòng. Là phận đàn bà, có ai không nhỏ nhen đố kỵ, ai không khỏi ghen tuông khi chồng mình bốn thiếp ba thê.

“Nương nương dạy phải, chúng thần thiếp xin nghe.”

Sau một trận khóc lóc phân bua thì bọn họ cũng ai về cung nấy. Đầu Hồng Hạc từ trước đã căng như dây đàn, giờ nhức không tả nổi. Cung nữ thay cho người tách trà nóng, hoàng hậu vừa uống, vừa thở dài…

Bệ hạ đã nói gì với người về việc chọn tú nữ đâu. Mọi việc người biết đều là do thái giám đến truyền tin. Thời gian đầu hoàng thượng e dè với mình, hoàng hậu còn hiểu có thể do đề phòng thế lực họ Dương. Nhưng giờ tóc trên đầu đã có sợi bạc, nhà họ Dương cũng một mực trung trinh, bệ hạ vẫn không thay đổi thái độ thì chắc có thể là một nguyên do: ngài thật sự không thích mình. Buồn hay vui cũng đã hơn nửa đời người, Hồng Hạc cũng không màng nghĩ đến nữa.

Nhật Tôn đến chùa Pháp Vân vào giữa tháng hai, sang đầu tháng ba Lê Khiết An chính thức nhập cung, phong làm Ỷ Lan phu nhân. Hồng Hạc sắp xếp cho Ỷ Lan ở Du Thiền các. Buổi vấn an đầu tiên, các phi tần khác nửa khinh khi nửa tò mò, cuối cùng nhận ra về phần nhan sắc Ỷ Lan chẳng so được với ai, về phong thái cũng không ra dáng khuê nữ quyền quý. Nhưng nhờ như vậy, thái độ ghét bỏ sân si của họ đã giảm đáng kể, cùng lắm chỉ là không mấy quan tâm đến Ỷ Lan nữa, để xem phu nhân này có thể giữ chân bệ hạ được bao lâu.

Ỷ Lan vào cung, mọi chuyện lớn nhỏ đều được Hồng Hạc đích thân dạy bảo. Người ngoài không biết còn ngỡ rằng Ỷ Lan có họ hàng với hoàng hậu nên đối với nàng, hoàng hậu đặc biệt nhân từ.

“Ỷ Lan, ta nhìn em thấy có nét rất quen…”

Ỷ Lan nhập cung đã được ba tháng, bồi bổ bằng những thực phẩm quý giá cộng với lụa tốt khoác lên người nên xinh đẹp và khí chất hơn trước rất nhiều. Điểm nổi bật của Ỷ Lan chính là đôi mắt to tròn đen láy như biết cười. Ánh mắt ấy khiến người khác cảm thấy rất dễ chịu. Một vài lần Hồng Hạc nhìn Ỷ Lan, tự nghĩ có phải chính vì vậy mà bệ hạ cho đón về cung.

“Bẩm nương nương, quê thần thiếp ở hương Thổ Lỗi, phủ Thiên Đức. Bản thân thần thiếp thì đây là đầu đến kinh thành, chẳng hay lúc trước nương nương có từng ghé ngang hương Thổ Lỗi?”

“Lúc chưa nhập cung ta có đi ngang Thiên Đức đôi lần để đến châu Lạng (tỉnh Lạng Sơn), nhưng chỉ là đi ngang chứ không ghé lại, cũng không có ấn tượng là gặp em ở đó. Có lẽ ta nhầm, ban đầu nhìn em thấy có nét quen, nhưng về sau lại không còn cảm giác ấy nữa.”

“Vâng ạ!”

Ỷ Lan lễ phép gật đầu rồi lại tiếp tục chép kinh cùng Hồng Hạc. Trời đã vào tháng bảy, thường xuyên đổ mưa. Không gian trong phòng tĩnh lặng, có thể nghe được tiếng lông bút chạm vào giấy, hòa vào tiếng mưa tí tách trên mái hiên. Bên ngoài, những đóa hoa cúc cũng đã vào mùa, thi nhau nở rộ vàng tươi cả một góc vườn Quỳnh Lâm.

*

* *

Ỷ Lan phu nhân nhập cung vừa tròn một năm tin vui đã đến, thái y chẩn mạch báo có long thai.

Nhật Tôn nghe tin vui mừng khôn xiết, miễn thuế nửa năm cho nhân dân. Lúc ấy dân chúng cả nước như chung vui cùng hoàng thượng, có người còn đi chùa, cầu cho trong bụng Ỷ Lan phu nhân là con trai. Thời gian này Nhật Tôn hay ở lại hoàng cung để chăm sóc Ỷ Lan, việc dẹp loạn bên ngoài giao hết cho thái sư Lý Đạo Thành.

Tháng Giêng năm Long Chương Thiên Trị thứ nhất (1066), Ỷ Lan hạ sinh bé trai. Nhật Tôn đặt tên con là Lý Càn Đức – nghĩa là ân đức Trời ban. Lý Càn Đức vừa được sinh ra đã được phong làm thái tử; Ỷ Lan phu nhân phong làm Thần phi, đại xá toàn dân.

Từ khi có Càn Đức, Ỷ Lan lại càng được Nhật Tôn sủng ái. Có những lúc phê duyệt tấu chương, người cho nàng vào hầu trà, mài mực… đôi khi cao hứng, người lại hỏi ý nàng về chuyện chính sự. Ban đầu Ỷ Lan có phần e dè, nhưng Nhật Tôn thích nghe nàng nói thật, Ỷ Lan cũng trình bày quan điểm của mình, rất hợp ý vua.

Năm Thiên Thống Bảo Trượng thứ nhất (1068), em trai Nhật Tôn là Phụng Càn vương Lý Nhật Trung qua đời, Nhật Tôn đem con gái của Trung vào cung, nhận làm con nuôi, phong làm công chúa, ban tên Ngọc Kiều. Lúc bấy giờ Ỷ Lan đang mang long thai lần hai vào tháng thứ tám, bụng to vượt mặt, đi đứng khó khăn nhưng vẫn đến Tử Ngọc cung gặp Ngọc Kiều. Vừa trông thấy Ngọc Kiều, Ỷ Lan chẳng ngại ôm lấy đứa trẻ, nước mắt ngắn dài thi nhau rơi xuống. Cung nô thầm nghĩ là do chủ nhân thương xót cho số phận công chúa từ nhỏ đã mồ côi giống như mình khi xưa.

Bệ hạ yêu thương Ngọc Kiều rất nhiều, chiều chuộng còn hơn cả Càn Đức nhưng Ỷ Lan chưa bao giờ buồn phiền về việc ấy, ngược lại còn nói với thái tử rằng do Ngọc Kiều là con gái yếu ớt nên cần tình yêu thương nhiều hơn. Càn Đức cũng không so đo gì việc đó, thái tử cũng rất quý người chị này và luôn bênh vực mỗi khi Ngọc Kiều bị các công chúa khác ức hiếp.

Ỷ Lan hạ sinh lần hai lại là hoàng tử, đặt tên Lý Càn Quyết. Nhưng không may hoàng tử chưa tròn một tuổi đã bị bệnh mà mất. Nhật Tôn thương tiếc truy phong nhị hoàng tử là Minh Nhân vương. Để an ủi Ỷ Lan, hoàng thượng phong nàng là Nguyên phi.

Ba năm sau nữa, Ỷ Lan lại mang thai. Chính vào thời điểm này em ruột của hoàng hậu là Dương Đức Thao dính vào vụ cấu kết với Chiêm Thành. Tội này tru di tam tộc, hoàng hậu khấu đầu trước điện Hội Tiên ròng rã ba ngày vẫn không xin được cho gia đình mình. Khi đi đến đường cùng, Hồng Hạc đành phải tìm gặp Ỷ Lan.