Chương 3: Dòng dõi nhà họ Dương

Đại Việt, triều Lý thứ tư: Lý Càn Đức

Lý Càn Đức lên ngôi vua đời thứ tư của triều Lý khi vừa tròn bảy tuổi (1072), đổi niên hiệu thành Thái Ninh.

Thái Ninh năm thứ hai (1073), trời mưa mãi không ngớt, vùng nào trũng thì ngập lụt, vùng cao hơn cây lúa vừa nảy mầm đã bị úng. Khắp nơi dân chúng lâm vào cảnh lầm than. Chưa bàn đến việc không có tiền để nộp thuế, ngay cả từng bữa ăn hằng ngày cũng chật vật vô cùng. Có nơi vì quá bần cùng, người dân lập nhóm cướp bóc, liều mạng chạy đến kho lương thực của triều đình tại địa phương, phá cửa tìm thức ăn.

Tấu chương trình lên vua về việc này tăng lên mỗi ngày. Mặc dù triều đình đã có lệnh cung cấp lương thực đến những vùng đói nhưng nước xa không cứu kịp lửa gần. Việc đắp đê cũng vì trời mưa không dứt mà không thể nào hoàn thành được.

Khi sức người đã không địch nổi ý trời, thì chỉ còn cầu mong thần Phật ban phước. Buổi sáng hôm ấy tại điện Thiên An, có nhóm quần thần đưa ra ý kiến.

“Bẩm bệ hạ, việc mưa lũ liên miên trong thời điểm này, lại vừa vặn trùng với chuyện năm xưa Thủy Tinh không lấy được công chúa Mị Nương nên tức giận gây chiến. Nếu đây là chuyện Thủy Tinh gây ra, thì chúng ta chỉ có thể cầu ngài Sơn Tinh giúp đỡ. Nếu bệ hạ có thể xuất hành lên núi Tản Viên, thành tâm cầu xin ngài Sơn Tinh, biết đâu có thể giúp Đại Việt vượt qua nạn mưa lũ lần này.”

Càn Đức nghe ý kiến cũng thấy khá hay nhưng vẫn quay sang xin ý của thái hậu: “Mẫu hậu nghĩ sao về việc này?”

Dương Hồng Hạc phía sau rèm buông, tay vẫn lần từng hạt chuỗi, đáp lời Càn Đức: “Ta thấy các bá quan nói cũng rất phải. Phàm việc gì đã nằm ngoài khả năng của con người thì chỉ còn cách trông cậy vào ý Trời!”

Lý Đạo Thành trước giờ vẫn đứng về phía Dương Hồng Hạc nên Càn Đức hỏi tiếp ý kiến Lý Thường Kiệt.

“Bẩm bệ hạ, nắng mưa vốn lẽ là chuyện của tự nhiên, của đất trời. Mặc dù thần không tin vào việc chỉ cần cầu nguyện cũng có thể xoay chuyển nhưng bệ hạ mới lên ngôi, lại gặp chuyện như vậy, nếu không làm gì thì ắt có lời vào lời ra nên việc đến núi Tản Viên như các vị ở đây thưa cũng là ý hay. Nhưng bên ngoài mưa lũ liên miên, thời tiết khắc nghiệt, bệ hạ lại còn quá nhỏ, long thể chưa thực sự rắn rỏi để vượt một đoạn đường xa như thế. Nên việc di chuyển đến núi Tản Viên xin hãy giao cho chúng thần tử, còn người có thể đến chùa Diên Hựu (chùa Một Cột), cùng trụ trì cầu cho mưa thuận gió hòa. Hạ thần ngu muội đề xuất như vậy, kính mong bệ hạ và thái hậu xem xét.”

Lời của Thường Kiệt nói không phải là không hợp lí. Quả thực nếu đích thân Càn Đức đi đến núi Tản Viên thì sẽ thể hiện hết tấm lòng thiên tử, nhưng Càn Đức hiện tại chỉ mới tám tuổi, nếu chẳng may có chuyện không hay xảy ra thì biết liệu thế nào. Vậy nên như lời Thường Kiệt, việc ấy vẫn nên để người khác đi thay.

Người thay vua làm việc này phải thật sự là người có đủ quyền uy và được vua hết lòng tín cẩn. Trong triều hiện tại chỉ có hai vị như vậy, Lý Thường Kiệt và Lý Đạo Thành. Xét về cấp bậc thì Đạo Thành hơn Thường Kiệt một bậc còn xét về đức tin thì Thường Kiệt trước nay chỉ tin vào người, không tin vào thần nên trọng trách lần này thuộc về Lý Đạo Thành.

Trước khi lên đường đến núi Tản Viên, Đạo Thành đến nói với Hồng Hạc: “Chuyến này thần đi không có lo lắng gì cho bản thân, nhưng lại không yên tâm về phía thái hậu. Chỉ mong thái hậu ở lại, mọi việc phải hết sức cẩn trọng, nếu có bất trắc thì cho bồ câu đưa thư gấp đến cho thần, thần sẽ lập tức quay về.”

Dương Hồng Hạc nghe Đạo Thành nói, mỉm cười trấn an.

“Hiện tại mọi chuyện vẫn ổn, ta hằng ngày chỉ có chép kinh niệm Phật thôi thì làm gì có chuyện được. Ta tin chắc Bồ Tát và tiên đế sẽ phù hộ cho mình. Ông cứ yên tâm đi đi, nếu lần này thành công cầu được mưa thuận gió hòa, sẽ hỗ trợ rất nhiều cho ấu chúa.”

Dù trong lòng đầy bất an nhưng Lý Đạo Thành cũng phải xuất hành cho kịp thời gian. Hai hôm sau khi Đạo Thành rời khỏi Thăng Long, Ỷ Lan đổ bệnh, Hồng Hạc đích thân đến thăm. Từ lần cuối cùng đến cầu xin Ỷ Lan nói với tiên đế về chuyện dòng họ Dương, cho đến lúc này thái hậu mới quay trở lại cung Du Thiền. Hồng Hạc rất sợ cảm giác tại đây, mỗi lần bước vào cứ như có oán khí dành hết cho mình.

Ỷ Lan ngồi trên ghế, tay cầm lục lạc chơi đùa với Càn Tín, sắc diện không có nét của một người bị bệnh. Hồng Hạc tuy thấy vậy nhưng vẫn ân cần hỏi han.

“Ta nghe cung nữ báo tin em bị bệnh, em thấy trong người thế nào rồi. Bên cung ta có một ít thuốc bổ, ta có mang sang để em dùng cho mau khỏe.”

Ỷ Lan cho bảo mẫu bế Càn Tín ra ngoài, các cung nữ khác cũng được lệnh lui ra. Đích thân nàng rót trà, kính cẩn dâng cho thái hậu.

“Đêm qua em mơ thấy Thánh Tông.” Ỷ Lan mở đầu câu chuyện trong đôi mắt đầy ngạc nhiên của Hồng Hạc: “Ngài nói với em rằng ngài cảm thấy có một day dứt mà cho đến khi băng hà vẫn không thực hiện được. Chị có biết đó là gì không?”

Hồng Hạc lắc đầu, Ỷ Lan lại tiếp tục.

“Thánh Tông nói với em rằng chị đối với ngài một mực trung thành. Khi ngài còn là Khai Hoàng Vương, chị và dòng họ Dương đã hết lòng phò trợ. Sau này, khi ngài đã là vua, một phần vì e ngại thế lực họ Dương quá lớn nên không thể thật tâm mà đối đãi với chị như những người khác. Ngài có những nỗi khổ của riêng mình, mong chị hiểu cho. Ngài bảo em phải chăm sóc chị thật tốt.”

Không biết những lời Ỷ Lan nói là giả hay thật, nhưng Hồng Hạc lại cảm thấy tủi thân. Bao nhiêu cảm xúc dồn nén trong lòng mấy mươi năm qua biến thành giọt lệ lăn dài trên má. Ỷ Lan thấy vậy, nhanh chóng dùng khăn lụa lau cho thái hậu. Đoạn, nàng lại nói tiếp.

“Em không muốn phụ ủy thác của tiên đế, nhưng biết bao đêm em khóc trong mơ vì xót xa cho ngài, chắc ngài cô đơn lắm. Nên lần này em muốn trình với chị, mong chị có thể thay em hỗ trợ ấu chúa việc chính sự, chăm sóc Càn Tín nên người. Còn em, chắc có lẽ em sẽ đi theo tiên đế để tiếp tục được hầu hạ ngài.”

Chuỗi hạt đeo tay của Dương Hồng Hạc đột nhiên đứt, hạt tràng rơi tung tóe lên nền gạch trong phòng. Thái hậu đã hiểu ra ý muốn trong lời lẽ của Thái phi. Lần này, điều Ỷ Lan muốn cuối cùng chính là mạng sống của người.

Hồng Hạc cười như không cười, nói với Ỷ Lan: “Khi nãy ta thấy lúc em chơi đùa với Càn Tín rất vui vẻ, đứa trẻ nhỏ cũng rất quấn mẹ, khi bảo mẫu bế đi còn giãy khóc không chịu. Tình cảm mẹ con bền chặt như vậy, làm sao ta có thể giương mắt nhìn mẹ con em phải xa nhau.”

Hồng Hạc ngừng lại, ho một tiếng rồi nói tiếp.

“Khi xưa tiên đế chính thức cưới ta về, ta được cùng với ngài trải qua biết bao nhiêu là chuyện, ta chưa từng oán trách bất kỳ việc gì ngài làm, ngay cả với họ Dương. Số ta bạc mệnh không con không cái, cha mẹ từ lâu cũng đã không còn. Thời gian qua cũng chỉ xem như là sống lay lắt qua ngày, chỉ mong mau chóng được đoàn tụ với tiên đế. Giờ ta đã biết tiên đế cô đơn như vậy, bổn phận làm vợ, ta không thể nào xem như không được, em hãy chăm sóc cho bệ hạ thật tốt, còn việc hầu hạ tiên đế, ta sẽ tiếp tục chức trách này.”

“Không được, chị là thái hậu một nước, sao có thể làm điều ấy được.” Ỷ Lan khước từ.

“So với ta thì bệ hạ cần em hơn. Em từng nhiếp chính khi tiên đế ra trận, em thông tuệ chuyện chính sự hơn ta, có thể phò tá bệ hạ tốt hơn ta. Điều tốt nhất ta có thể làm là dành hết tâm tư này cho tiên đế, hy vọng em đừng tranh giành với ta việc này.”

Ỷ Lan nghe xong, nắm lấy tay Hồng Hạc, siết chặt như rất thân thiết.

“Nếu chị đã nói vậy thì em không dám cãi. Xem như chị đi trước một bước chăm sóc tiên đế. Khi bệ hạ đã vững vàng ngôi vị, em sẽ tìm gặp ngài và chị. Trong buổi thượng triều ngày mai, hy vọng chị hãy nói ra để quần thần không dị nghị trước sau, gây khó xử cho bệ hạ.”

Dương Hồng Hạc chậm rãi gật đầu.

“Ỷ Lan, trước ta từng cầu xin em giúp đỡ dòng họ Dương thoát tội chết, ta vẫn còn ghi cái ơn đó trong dạ. Nhưng lần này, cho ta tham lam cầu xin em một lần nữa.”

“Giữa chúng ta còn điều gì phải ngại ngùng hay sao, chỉ cần là điều chị mong muốn, Ỷ Lan sẽ cố gắng hết mình.”

“Tiên đế đã ban chỉ dòng họ Dương ba đời không được làm quan. Gia đình anh trai ta cũng đã ra châu Nghệ An, sống cuộc sống của dân thường. Ta chỉ lo sau khi ta đi theo tiên đế, anh ta không còn ai chống lưng sẽ bị những kẻ thù trước đây kiếm cớ hãm hại. Xin em hãy bảo vệ gia đình anh trai ta, dòng họ Dương hiện tại chỉ còn lại gia đình của anh ấy mà thôi.”

“Em nhớ không nhầm thì Dương Đức Huy có một con trai và ba con gái. Em hứa với chị, cả bốn đứa trẻ đều sẽ được ban hôn với hoàng tộc hoặc vào nhà quyền quý. Riêng một trong ba đứa bé gái, sẽ có một đứa gả cho bệ hạ. Chị thấy có được không?”

“Cảm ơn em!”

Dương Hồng Hạc cúi đầu rồi lặng lẽ rời khỏi cung Du Thiền. Sau bao nhiêu năm, cuối cùng cũng đến khi người cảm thấy lòng mình như trút đi gánh nặng, bước chân bỗng nhẹ tênh. Bên ngoài trời vẫn mưa, nước mưa dâng lên trong sân, ngập nửa đế giày. Hồng Hạc bước thật chậm, thỉnh thoảng lại nhìn xuống những viên gạch in hình hoa cúc dưới chân mình. Đời người những tưởng lâu, ngờ đâu nhìn lại chỉ như một cái chớp mắt.

Bên tai Hồng Hạc như còn văng vẳng giọng nói của cha khi nàng vừa tròn mười sáu: “Con vì mang họ Dương mà có mệnh làm hoàng hậu, con phải nhớ, tất cả những chuyện sau này con làm, đều phải nghĩ đến dòng dõi nhà ta.”

Ba ngày sau Lý Càn Đức ban thuốc độc cho Thượng Dương thái hậu và bảy mươi hai cung nữ của bà rồi chôn theo lăng của Thánh Tông để hầu hạ người.

Tể tướng Lý Đạo Thành nghe tin thái hậu qua đời, bỏ dỡ việc cầu Sơn Tinh, tức tốc từ núi Tản Viên quay về kinh đô nên bị giang chức xuống làm Tả gián nghị Đại phu và chuyển đi trấn thủ Nghệ An.

Thái phi Ỷ Lan phong làm Linh Nhân thái hậu, buông rèm nhiếp chính. Thái úy Lý Thường Kiệt giữ vai trò phụ chính trong triều đình.

Giữ đúng lời hứa với Dương Hồng Hạc, Ỷ Lan sắp xếp cho con trai Dương Đức Huy là Dương Đức Dục cưới con gái duy nhất của thương gia họ Nguyễn tại Nghệ An. Con ba người con gái, cô cả Ngọc Vân nhập cung, phong làm Lan Anh phu nhân; cô thứ hai Ngọc Thủy làm vợ Thành Khánh hầu và cô thứ ba Ngọc Hoa gả cho Thành Quảng hầu.

Năm Hội Tường Đại Khánh thứ nhất (1110), Dương Ngọc Hoa sinh con đầu lòng, đặt tên Lý Dương Côn. Lúc này Lý Càn Đức đã ngoài bốn mươi nhưng vẫn chưa có con trai, Lan Anh phu nhân thì không sinh được nên xin phép vua cho nhận Lý Dương Côn làm nghĩa tử. Dương Côn mặt mày sáng sủa, Càn Đức và Lan Anh hết mực thương yêu.

Năm Hội Tường Đại Khánh thứ hai (1111), Dương Ngọc Thủy sinh con thứ là con trai, đặt tên Lý Công Hoan.

Đâu đó có lời đồn đại rằng con gái họ Dương nếu vào cung sẽ không sinh được con cái. Năm xưa Thượng Dương thái hậu đã như thế, giờ đây, Lan Anh phu nhân cũng chẳng khác cô ruột của mình. Còn Dương Côn, khi mới nhập cung vốn thông minh khỏe mạnh, nhưng một thời gian sau cơ thể yếu ớt dần, người càng lúc càng gầy, bao nhiêu thái y cũng không chẩn được bệnh. Đức vua xót thương con, ban lệnh cung nhân chuẩn bị không biết bao nhiêu thuốc bổ, nhưng hoàng tử không hấp thu được. Đến cả Linh Nhân thái hậu mỗi tháng cũng tình nguyện ăn chay niệm Phật mười ngày để cầu Bồ Tát phù hộ cho đứa trẻ này. Lan Anh phu nhân thấy con như vậy, trong lòng cũng đau xót, cơ thể dần suy nhược theo thời gian.

Năm Hội Tường Đại Khánh thứ sáu (1115), Lý Càn Đức phong Lan Anh phu nhân làm hoàng hậu.

Năm Hội Tường Đại Khánh thứ bảy (1116), cha ruột Lan Anh hoàng hậu là Dương Đức Huy qua đời, hoàng hậu khẩn xin vua cho phép người đưa hoàng tử Dương Côn về Nghệ An chịu tang cha. Lý Càn Đức dù không đành lòng để hoàng hậu đi đường xa trong tình trạng sức khỏe hiện tại, nhưng vì Lan Anh quá khẩn khoản nên người cũng bằng lòng. Để tránh đi đường xa xe xốc, đồi núi hiểm trở, Càn Đức cho người chuẩn bị thuyền đưa hoàng hậu cùng hoàng tử vào Nghệ An. Chỉ tạm xa nhau trong thời gian ngắn ngủi, nhưng sao lúc tiễn người đi lòng vua lại bịn rịn vô cùng!

Đúng như lo lắng của Càn Đức, chỉ vài ngày sau tin truyền về biển Đông có bão lớn, đoàn thuyền hộ tống hoàng hậu về Nghệ An bị đắm bốn chiếc, trong đó có thuyền của hoàng hậu và hoàng tử. Tổng số người trên thuyền hơn năm mươi, nhưng chỉ tìm được xác khoảng mười người. Số còn lại, dường như đã theo cơn sóng dữ, chìm sâu xuống lòng đại dương…

Cũng vào năm ấy, con trai đầu lòng của Sùng Hiền hầu Lý Càn Tín – em ruột đức vua được Đỗ thị sinh ra. Đó cũng lại là vào một ngày mùa hạ, mưa ngập Hoàng thành.