Con Chim Xanh Biếc Bay Về - Chương 07
Nửa tháng sau ngày khai trương quán ăn, mẹ tôi bất ngờ gọi điện thoại cho tôi. Sau khi hỏi thăm sức khỏe như thông lệ, bà bâng quơ nói:
- Hôm qua chú thằng Sẹo mới ghé nhà mình đó con.
- Dạ. - Tôi lí nhí, biết thừa mẹ tôi muốn gì.
- Chú nó hỏi con đã quyết định chưa?
Tôi cau mày:
- Quyết định chuyện gì hả mẹ?
- Chuyện xin vào làm trong ngân hàng đó.
- Con cần thêm thời gian để suy nghĩ mẹ à.
Tôi đoán mẹ tôi chỉ mới mào đầu. Nhũng gì quan trọng nhất có lẽ còn ở phía sau. Chắc chắn chú thằng Sẹo không rành rỗi đến mức ghé thăm ba mẹ tôi ngay sau Tết chỉ để hỏi mỗi chuyện đó.
Tôi vội vàng:
“ Con đang đi chợ. Ở đây ồn lắm. Bữa khác nói chuyện tiếp nghe mẹ Sâm nhận ra ngay vẻ mặt khác thường của tôi khi tôi tấp xe vào bãi gửi trước cửa quán.
- Cô sao vậy?
- Sao là sao?
- Cô đang lo lắng chuyện gì phải không?
Tự nhiên tôi giận Sâm. Cái cách quan tâm của anh khiến sự giận dỗi đột ngột bùng lên trong tôi. Tôi không biết tại sao tôi giận nhưng tôi biết là tôi đang giận. Người ta bảo con gái là sinh vật hay giận hờn vô cớ và tôi chưa bao giờ tin vào nhận xét đó cho đến hôm nay, khi tôi nhận ra tâm trạng của mình đang bị cột chặt vào nỗi ấm ức mà ngay cả tôi cũng không rõ nguyên do. Có phải tôi giận Sâm vì mối quan hệ mập mờ hiện nay giữa tôi và anh? Vì sự quan tâm của anh đối với tôi đặc biệt đến mức làm tôi mất quá nhiều thì giờ để nghỉ ngợi? Vì anh tốt với tôi một cách vô lối, do đó mà rất đáng ngờ?
- Không có gì đâu, anh. - Tôi đáp, cố giữ vẻ bình thản nhưng giọng nói đột nhiên khàn đi. - Chỉ là ba mẹ em kêu em về quê.
Sâm nhìn chăm chăm vào mặt tôi:
- Chắc ba mẹ cô đã xin được việc làm cho cô ở dưới quê?
- Dạ. Ba mẹ định xin cho em vô ngành ngân hàng.
- Vậy cô phải vui lên mới phải chứ.
Thái độ bàng quan của Sâm khiến tôi tức run người. Tôi lắc mạnh mái tóc, cố kềm một cái nghiến răng:
- Bộ anh thích em nghỉ việc ở đây lắm sao?
Tôi hừ giọng, nói như trút giận:
- Nói cho anh biết, ba mẹ em còn bắt em về quê lấy chồng nữa đó.
- Lấy chồng cũng là chuyện tốt mà.
Tôi nghe tim mình nhói một cái. Tôi không nghĩ Sâm đón nhận tin này bằng thái độ hững hờ như vậy. Tôi nhìn Sâm trừng trừng, vất vả lắm mới không xông vào bóp cổ anh:
- Anh muốn em về quê lấy chồng thật đó hả?
- Thì con gái lớn ai cũng phải lấy chồng mà.
Tôi gần như hét lên:
- Nhưng em không thích lấy thằng đó.
- Trời đất! Sao cô kêu chồng cô bằng “thằng”?
- Thằng đó là chồng em hồi nào!
Đêm đó tôi lên con sốt.
Tôi ít khi bị ốm vặt. Có lẽ tôi có thể trạng tốt nhờ vào một tuổi thơ lênh đênh sông nước, quen dãi nắng dầm mưa. Suốt năm năm sống ở thành phố, tôi chỉ bị sốt có hai lần, nếu không tính lần này.
Nửa đêm người tôi đột nhiên nóng hầm hập, đầu nhức như búa bổ. Miệng lưỡi khô rang, tôi dậy uống nước bốn, năm lần vẫn còn thấy khát.
Tiếng lục đục của tôi đánh thức Tịnh ở giường bên cạnh. Nó ngồi lên, dụi mắt:
- Chị bị sao vậy?
Tôi thều thào:
- Chắc chị bệnh rồi.
Tịnh bước lại sờ tay lên trán tôi, la hoảng:
- Trời ơi. Sao đầu chị nóng như hơ lửa vậy nè?
- Có lẽ hồi sáng chị mắc mưa.
Hồi sáng quả có mưa thật. Nhưng chỉ là mưa bụi, mảnh như tơ và chỉ thoảng qua không đến mười phút trên đường tôi đi từ chợ Nguyễn Tri Phương đến chợ An Đông. Cơn mưa như gió thoảng thế kia không đủ làm ướt người, làm sao gây sốt cho tôi được? Hay tôi đổ bệnh vì một nguyên nhân khác?
Tịnh vào nhà tắm, lấy khăn nhúng nước rồi đắp lên trán tôi. Xong, nó lật tôi lại, vén áo lên và cẩn thận lau khắp người.
Tay chân xụi lơ, tôi mặc cho Tịnh chăm sóc, đầu óc mê mê tỉnh tỉnh và thiếp đi lúc nào không hay.
Khi tôi thức dậy, trán đã bớt nóng nhưng người vẫn còn rất mệt. Tôi nhìn quanh không thấy Tịnh đâu, đoán nó đã đi làm. Sực nhớ đến Sâm, tôi hoảng hốt với tay chộp chiếc điện thoại trên bàn, giật bắn người khi thấy đồng hồ chỉ 7 giờ. Chết rồi! Tôi hấp tấp khua chân xuống sàn nhà tìm dép nhưng vùa đứng lên tôi đã vội buông mình rơi xuống, chỗ là đôi chân bây giờ là một thứ gì đó yếu ớt không còn chút hơi sức.
- Chị nằm nghỉ đi! Chị chưa khỏe hẳn, dậy làm gì! - Tịnh từ ngoài đi vào, tay cầm mấy vỉ thuốc, hớt hải nói.
- Em chưa đi làm sao?
- Hôm nay em làm ca chiều.
Tịnh đặt mấy vỉ thuốc bên cạnh chai nước suối trên bàn, rồi bước lại chỗ kê bếp ga:
- Em nấu cháo cho chị ăn nha. Ăn xong rồi uống thuốc.
Tịnh vừa nhấc chiếc nổi treo trên vách, chưa kịp lấy gạo, đã quay lại nhìn tôi, tròn mắt:
- Ủa, anh Sâm là ai vậy chị?
- Anh Sâm á? - Tôi ngơ ngác hỏi lại, nhớ ra mình chưa từng nhắc tên Sâm trước mặt cô bạn cùng phòng.
- Dạ. Tối qua chị mê sảng cứ gọi tên anh Sâm. Em nghi ảnh là người yêu của chị quá à.
Tịnh vừa nói vừa nheo nheo mắt, giọng hào hứng như bắt được trộm. Mái tóc xoăn viền quanh gương mặt lúc nào cũng rạng rỡ khiến nó giống như một con mèo láu lỉnh.
- Em đừng có nghĩ bậy! - Tôi nạt - Sâm là sếp của chị. Có lẽ tối qua bị sốt, chị lo anh Sâm sẽ la chị nếu chị nghỉ làm bất thình lình nên nói mớ đó thôi.
Tôi chỉ nói cho qua. Nhưng ngay sau đó, tôi quyết định bấm số máy của Sâm.
- Em xin phép nghỉ làm hôm nay nghe anh.
- Sao vậy?
- Em đang bị sốt.
- Vậy mà tôi cứ tưởng các loại bệnh không thể chạm tay được vào người cô chứ. Từ khi quen biết cô, tôi có thấy cô bị bệnh lần nào đâu.
- Nhưng lần này thì em bệnh.
Tôi đáp, cơn giận hôm qua tưởng đã nguôi chợt dâng lên ngang cổ khiến tôi thấy giọng mình méo đi. Tôi định nói “Tại anh đó!” nhưng đến phút chót tôi kịp tỉnh táo để tốp câu nói điên rồ đó lại.
- Thôi cô bệnh thì nghỉ đi. - Giọng Sâm chợt dịu dàng, có lẽ anh sực nhớ đang nói chuyện với người ốm - Khi nào hết sốt thì đi làm lại.
- Rồi ai đi chợ?
- Tôi sẽ đi thay cô.
Sáng hôm đó, tôi quanh quẩn trong nhà, người bứt rứt khó chịu, cứ chốc chốc lại đưa tay lên sờ trán. Tịnh lăng xăng quanh tôi, ríu rít đủ thứ chuyện, có lẽ nó muốn làm tôi vui.
Tôi nhìn đôi môi đỏ tươi của nó:
- Em điệu quá rồi đó nha! Nghỉ làm mà cũng tô son à?
- Hồi sáng đi ra tiệm thuốc tây, em cũng phải xanh xanh đỏ đỏ với thiên hạ một tí.
Tôi chợt nhớ câu nói hôm nào của Sâm “Cô nên dùng loại son gì khác cho mặt mày tươi lên”, liền bảo Tịnh:
- Vậy em cho chị một tí xanh xanh đỏ đỏ đi! Bệnh thế này, chắc mặt chị trông giống con ma quá!
Tôi ngồi xếp bằng trên giường, chìa môi cho Tịnh tô son, trong đầu hiện ra cảnh đối đáp với Sâm cách đây mấy ngày.
- Sao cô không cài băng-đô cho đẹp?
- Bộ anh tưởng em còn tuổi “teen” hả? Em hăm bốn rồi, anh.
- Tôi thấy con gái cài băng-đô trông xinh và trẻ. Nhất là khi để tóc mái ngang hoặc chải ngược ra sau.
- Anh quan tâm đến sắc đẹp của phụ nữ từ lúc nào vậy? Hay anh chê em già?
- Tôi chỉ ngạc nhiên thôi. Trong quán tôi chẳng thấy cô nào xài băng-đô.
Trước đây tôi cũng hay cài băng-đô. Nhưng từ khi có quy định đội nón bảo hiểm, băng-đô trở nên bất tiện. Mỗi ngày tôi đi cả chục ngôi chợ, cũ phải tháo ra đeo vào liên tục. Tôi chuyển qua xài kẹp tóc, vừa gọn vừa nhanh, mặc dù xài kẹp thỉnh thoảng tôi vẫn bị gãy tóc.
Tiếng gõ cửa thình lình vang lên cắt đứt những nghĩ ngợi miên man trong đầu tôi.
Tịnh nhấc thỏi son ra khỏi môi tôi, nói:
- Xong rồi đó, chị. Để em ra xem ai. Chắc bà chủ nhà lên đòi tiền trọ quá.
Tôi tưởng mình bị hoa mắt khi thấy Sâm hiện ra ngay cửa. Có giỏi tưởng tượng đến mấy tôi cũng không nghĩ anh lặn lội đến tận nhà trọ của tôi vào lúc này.
Tịnh trố mắt nhìn người khách lạ:
- Xin lỗi, anh tìm ai?
- Tôi tìm cô Khuê. - Sâm đáp lời Tịnh nhưng ánh mắt anh nhìn về phía tôi.
Tịnh bỗng “à” lên một tiếng, rất giống tiếng reo:
- Chắc anh là anh Sâm?
- Sao cô biết tôi? - Tới lượt Sâm dựng mắt lên.
- Chị Khuê vẫn hay nhắc anh mà.
Tịnh cười đáp, giọng thật như đếm. Nghe nó bịa chuyện, bụng tôi giật thon thót. Tính chửi thầm nó, nhưng ngẫm lại tôi thấy nó nói vậy dù sao cũng tốt hơn là bảo tôi nằm mơ gọi tên Sâm.
- Trên tay Sâm là một túi trái cây. Anh đặt chiếc túi lên chiếc bàn cạnh đầu giường, giơ tay ra cản khi thấy tôi thõng chân xuống đất định đứng lên:
- Cô cứ ngồi đi!
Tôi nhíu mày:
- Sao anh biết địa chỉ nhà em?
- Tôi hỏi cô Lương. Lương đến đây mấy lần rói mà.
Sâm đảo mắt nhìn quanh:
- Phòng này chắc khoảng mười sáu mét vuông.
Phòng tôi ở khá chật. Ngoài toa-lét, không gian còn lại chỉ đủ chỗ kê tủ quần áo, hai chiếc giường nhỏ và một chiếc bàn hẹp và dài chạy sát vách, kiểu bàn học trò, đầu bên này để ly tách, đầu bên kia kê chiếc bếp ga tôi và Tịnh vẫn dùng để nấu mì gói, nấu nước sôi pha sữa, cà phê, thỉnh thoảng nấu cơm, kho cá vào những hôm được nghỉ làm. Ngay phía trên là chiếc kệ lửng bằng gỗ tạp chia làm nhiều ngăn, ngăn xếp sách và tập vở, ngăn đựng chén bát, ngăn chứa đổ hộp, trứng, mì gói, mắm muối, tương chao.
Sâm quét mắt lên kệ, thắc mắc:
- Cô ra trường hơn một năm rồi, sao sách vở còn nhiều vậy?
Lâu nay tôi vẫn kiếm sống bằng nghề dạy kèm. Ngay năm đầu tiên bước chân vào đại học, tôi đã đi làm gia sư vào buổi tối và vào những ngày tôi không phải đến lớp. Trong thời gian thất nghiệp sau khi ra trường, tôi tiếp tục mưu sinh bằng nghề này. Trước khi làm chỗ Sâm, mỗi ngày tôi dạy hai lớp. Một lớp Toán cho các bé tiểu học. Một lớp tiếng Anh cho các bé lớp Sáu và lớp Bảy. Thu nhập hằng tháng khoảng hai, ba triệu đồng, không nhiều nhặn gì nhưng cũng đủ giúp tôi tằn tiện sống để nuôi nấng ước mơ. Tôi chỉ thôi công việc dạy kèm khi nhận ra tôi không thể sắp xếp thời gian để dạy một ngày hai lớp một cách ổn thỏa. Tôi chỉ có vỏn vẹn ba mươi phút để chạy sang lớp thứ hai sau khi kết thúc lớp thứ nhất trong khi tôi cần gấp rưỡi quãng thời gian như thế cho hai nơi ở rất xa nhau. Đúng vào lúc tôi chưa biết làm gì sau khi nghỉ dạy thì quán của Sâm thông báo tuyển người.
- Trước khi vô làm ở quán, em đi dạy kèm nên phải cần tới sách vở. - Trước vẻ mặt tò mò của Sâm, tôi từ tốn đáp.
Thấy Sâm vẫn đứng giữa nhà nghiêng ngó, Tịnh đẩy chiếc ghế về phía anh:
- Anh Sâm ngồi đi.
Tôi nhìn Tịnh, sực nhớ chưa giới thiệu nó với Sâm:
- Đây là Tịnh, bạn trọ cùng quê với em.
- Vậy chắc hai cô học chung với nhau từ nhỏ?
Tịnh mỉm cười:
- Dạ không. Em nhỏ hơn chị Khuê hai tuổi. Em lại ở khác xã nên học khác trường.
- Cô ở xã nào?
Tịnh nói xã. Và ngạc nhiên hỏi lại:
- Anh biết quê em à?
- Cách đây nhiều năm tôi từng tới quê của cô Khuê. Tôi theo ông cậu đi buôn dưa hấu ở miệt này.
- Ồ, nhà em là vựa trái cây lớn ở dưới đó. Vậy chắc là anh biết ba em?
- Ba em tên gì?
- Ba em là ông Mười Thái.
Giống như có một tiếng sét xẹt ngang đầu tôi khi nghe Tịnh bảo nhà nó là vựa trái cây lớn ở dưới quê, tôi đã thấp thỏm, ngờ ngợ. Đến khi Tịnh nói tên ba mình, dù đã chuẩn bị tinh thần, tôi có cảm giác người tôi phát sốt trở lại, mổ hôi ứa ra đây chân tóc. Hóa ra lâu nay tôi ở chung với con gái ông Mười Thái mà không hề biết. Một thời gian dài tôi vô tâm không hỏi gốc gác của Tịnh, chỉ biết nó ở xã bên cạnh. Tịnh chắc cũng không biết tôi là ngươi ba mẹ nó dạm hỏi cho anh trai mình. Lúc ông Mười Thái ngỏ lời với mẹ tôi, Tịnh đang sống trên thành phố, hơn nữa đó là một cuộc kết thân thất bại nên có lẽ ba mẹ nó không muốn để lộ cho nhiều người biết, kể cả con gái mình.
Tôi không bao giờ nghĩ Tịnh là con của ông Mười Thái còn vì một lẽ khác: Ngược lại với anh trai mình, Tịnh không ra dáng tiểu thư con nhà giàu. Từ cách ăn mặc đến sinh hoạt hằng ngày, tất cả đều giản dị. Nếu là con nhà giàu, tôi nghĩ, không việc gì Tịnh phải xin đi làm ở phòng khám tai mũi họng với đồng lương ba cọc ba đồng. Tịnh đi làm theo ca.
Hôm nay làm từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều thì hôm sau làm từ 2 giờ chiều đến 8 giờ tối. Hôm nào tăng ca do bệnh nhân đông hoặc phải đi phụ các ca mổ ở bệnh viện thì nó làm một mạch tù sáng đến tối. Lúc đầu, lương thử việc của Tịnh chỉ có hai triệu. Sau hai tháng, lên được ba triệu. Sau một năm, lương của nó cũng chỉ ở mức năm triệu rưỡi, thỉnh thoảng tháng nào tăng ca thì nó lãnh được sáu, bảy triệu.
Gần đây, Tịnh than với tôi:
- Chỗ này lương bèo bọt quá chị à. Thu nhập thấp quá, nhân viên nghỉ gần hết. Chắc sắp tới em cũng xin nghỉ, đi kiếm việc chỗ khác.
Câu nói yếm thế đó chỉ có thể thốt ra từ một cô gái có hoàn cảnh khó khăn như tôi. Đó là lý do tôi chưa bao giờ tò mò về gia cảnh của cô bạn chung phòng. Tóm lại, nhìn bề ngoài Tịnh không khác gì tôi, dù mẹ tôi đi làm thuê cho ba mẹ nó.
Trong khi tôi muốn ngất vì tiết lộ của Tịnh, Sâm có vẻ chẳng khá hơn.
- Ra cô là con ông Mười Thái? - Anh dán mắt vào mặt Tịnh, giọng ngỡ ngàng.
- Vậy là anh biết ba em?
- Đúng là cậu tôi từng mua dưa ở vựa trái cây của ba cô.
- Hèn gì em thấy anh quen quen. Chắc anh và em từng gặp nhau. Hồi đó em hay chạy ra vựa xem người ta bốc hàng, dỡ hàng.
- Ồ, có thể lắm.
Hôm đó tôi có cảm tưởng Sâm ghé thăm Tịnh chứ không phải thăm tôi. Sâm chỉ hỏi tôi qua loa vài câu về sức khỏe rồi lật đật quay sang trò chuyện với Tịnh. “Dạo này ba mẹ em có khỏe không?”. “Vựa trái cây có gì khác trước?”. “Em lên thành phố bao lâu rồi?”. “Công việc của em có ổn không?”…
Tôi nhớ chưa bao giờ Sâm hỏi tôi những câu như vậy. Thái độ nhiệt tình khác thường của anh đối vối cô gái mới quen khiến tôi thấy khó chịu. Đến khi phát hiện chiếc băng-đô màu vàng bằng vải đang quấn quanh mái tóc óng ả của Tịnh thì sự khó chịu trong tôi bỗng lớn phồng lên thành một cảm giác gì đó rất gần với sự ghen tức. Hóa ra nguyên nhân nằm ở đây! “Sao cô không cài băng-đô cho đẹp? Tôi thấy con gái cài băng-đô trông xinh và trẻ”. Câu nói hôm nào của Sâm xoáy vào tim tôi khiến tôi muốn tức thở. Cũng may lúc nãy mình tô son, tôi tự an ủi, nếu không bữa nay trông mình thật là tệ!
Có một lúc tôi bắt gặp mình ước gì hôm nay Tịnh đi làm ca sáng. Nếu vậy đã không xảy ra cuộc gặp gỡ ngoài ý muốn này. Tôi không hiểu tại sao tôi lại nảy ra ước muốn kỳ quặc đó, có lẽ trực giác đang mách cho tôi biết những gì tôi không chờ đợi nhất chỉ mới bắt đầu.
Khi Sâm về rồi, tôi quay sang Tịnh, bóng gió:
- Chị chưa thấy em trò chuyện với ai vui vẻ như vậy. Ngạc nhiên thật đó.
- Em thấy anh Sâm gần gũi mà, chị.
Suýt chút nữa tôi đã rơi ra khỏi giường. Lần đầu tiên trong đời, tôi nghe có người khen Sâm gần gũi. Khen Sâm gần gũi chẳng khác nào khen hổ báo hiền lành. Lâu nay Sâm nổi tiếng là người khép kín, khó gần và cực kỳ nguyên tắc. Sâm ít khi cười với ai, nếu có chỉ là nụ cười nửa miệng. Tôi cực ghét kiểu cười của Sâm dù tôi không biết nụ cười đó thật ra mang ý nghĩa gì: chế giễu, khinh mạn, khiêu khích hay chỉ đơn giản là anh chưa bao giờ cảm nhận được một niềm vui trọn vẹn. Nụ cười vẽ ra trên môi Sâm bao giờ cũng dừng lại nửa chừng, giống như niềm vui trong anh vừa chớm nở thì bị ai giật mất. Có lần Lương hỏi tôi “Chị đọc cuốn Người đàn ông có bộ mặt cười của Victor Hugo chưa?”. “Chưa”. “Vậy cuốn Người đàn ông có bộ mặt không biết cười chắc chị đọc rồi?”. “Cũng chưa”. “Chị đọc mỗi ngày mà chị quên đó thôi”. Tôi ngẩn ra một lúc mới hiểu Lương muốn nói gì “Con quỷ con! Em không sợ chị méc anh Sâm hả?”. Lương cong môi “Sợ gì chứ!”. Rồi nó tủm tỉm: “Chị cẩn thận đó. Hồi trước có vài cô trong quán thích anh Sâm nhưng sau một thời gian các cô nàng nông nổi đó chợt nhận ra mình thích một cục đá còn lãng mạn hơn nhiều”.
Lương hay ghép đôi tôi với Sâm. Thoạt đầu tôi hơi khó chịu, dần dần tôi mặc kệ, gần đây thì phản ứng của tôi giống như là đồng tình, mặc dù tôi không biết tôi đang có thứ gì nhiều nhất trong mối quan hệ này: là tình cảm trai gái hay chỉ là lòng biết ơn và sự ngưỡng mộ.
Cho đến lúc này, sau nhiều lân cẩn thận sàng lọc cảm xúc, tôi vẫn chưa thể tự tin xếp loại và dán mác cho tình cảm của mình, dù tôi biết rỗ thứ tình cảm phức tạp đó chắc chắn đã được sinh ra giống như một đứa trẻ, nó đang âm thầm lớn lên dù chưa có giấy khai sinh hợp lệ. Thứ tình cảm chưa được đật tên đó bắt đầu làm tôi hoang mang, mệt mỏi, đặc biệt từ khi Sâm ghé nhà trọ thăm tôi.
Và đúng như tôi linh cảm, cuộc trò chuyện thân mật giữa Sâm và Tịnh trong buổi trưa hôm đó chỉ là khúc dạo đầu. Đến khi biết Sâm vẫn hay gọi điện thoại cho Tịnh thì tôi đâm ra bần thần. Cao hơn sự bần thần nữa, đó là cảm giác uất nghẹn. Nó rất giống với cảm giác của người bị đâm sau lưng mặc dù xét cho cùng tôi không thể nhân danh bất cứ điều gì để phán xét hay lên án Sâm.