Con Chim Xanh Biếc Bay Về - Chương 06

Chiều mùng sáu Tết, tôi đã có mặt ở nhà trọ.

Mùng tám quán khai trương, vì vậy sáng mùng bảy tất cả nhân viên của quán, từ quản lý, tiếp viên, tiếp phẩm đến bảo vệ, nhà bếp, thu ngân đều phải có mặt để chuẩn bị.

Phòng trọ chiều mùng sáu chỉ có một mình tôi. Tịnh chưa thấy lên. Tịnh ở cùng huyện với tôi nhưng khác xã. Những ngày về quê vừa rồi tôi chỉ gặp nó có mỗi một lần khi tôi qua chợ huyện chơi lô tô với mấy đứa bạn. Bữa đó hai đứa đập tay, hẹn hò “Mùng sáu gặp nhau nghe” nhưng chẳng hiểu sao hôm nay nó lặn mất tăm. Tôi gọi điện thoại cho Tịnh, nghe nó cười hí hí bên kia “Ít hôm nữa em lên. Ba mẹ em giữ em ở nhà chơi thêm vài bữa cho đỡ nhớ”.

Sáng mùng bảy, tôi để đồng hồ báo thức sớm hơn nửa tiếng so với thường lệ, bắt gặp mình nôn nao như thể lần đầu hò hẹn. Tôi tự xấu hổ với mình nhưng không làm sao kém cảm giác đó lại. “Ngày đi làm đầu năm, chắc ai cũng háo hức như vậy”, tôi tặc lưỡi, cố tìm một lời giải thích chính đáng và hối hả dắt chiếc Cúp 81 ra khỏi bãi gửi.

Khi tôi tới, quán đã đông vui nhộn nhịp. Đồng nghiệp gặp lại nhau hỏi han chuyện trò ríu rít, miệng nói tay làm tất bật. Người rửa sàn nhà, người lau tủ kệ ly chén, người dọn dẹp bàn ghế, người lôi nồi chảo ra nấu nướng.

Tôi đưa mắt tìm Sâm, chưa nhìn thấy anh đã nghe tiếng anh từ sau lưng:

- Về quê ăn Tết vui không, cô?

- Dạ vui. - Tôi quay lại, mắt long lanh - Còn anh thì sao? Anh có về quê không?

- Có.

- Quê anh ở đâu vậy?

- Quê tôi ở ngoài Trung.

Tôi nheo mắt:

- Anh ở miền Trung sao tôi nghe giọng anh giống người miền Nam quá vậy?

- Chắc tại tôi vô trong này lâu rồi.

Gặp lại Sâm, lòng tôi nửa vui nửa buồn. Có lẽ tôi vẫn chưa ra khỏi câu chuyện của ba mẹ tôi. Những gì họ gieo vào đầu tôi đã bắt đầu nảy mầm khiến lòng tôi dậy lên nỗi lo lắng mơ hồ. Tại sao ba mẹ tôi lại mềm lòng trước sự ngỏ lời của chú thằng Sẹo? Phải chăng vì chú nó đang là phó giám đốc ngân hàng tỉnh? Nhưng ba mẹ tôi đâu phải là những người mờ mắt vì đồng tiền. Họ đã từng từ chối lời dạm hỏi của ông Mười Thái, người giàu nhất huyện. Hay ba mẹ tôi muốn nhân chuyên này để xin tôi về làm việc gần nhà?

Tôi quần thảo đầu óc đến mệt nhoài, cuối cùng kết luận mọi chuyện có lẽ bắt nguồn từ món nợ ân tình giữa ba tôi và ông Bảy Sớm. Tôi không nhớ tôi đã gặp ông Bảy Sớm bao giờ chưa. Nhà thằng Sẹo ở rìa làng, cách khá xa nhà tôi. Hơn nữa, hồi tiểu học nó là đứa để tôi bắt nạt hơn là để kết bạn. Tôi không có lý do gì để đến nhà nó. Điều duy nhất tôi còn nhớ về gia đình thằng Sẹo là cái chết của mẹ nó. Cũng chỉ là nghe người trong làng đồn thổi. Người bảo bà sẩy chân té xuống sông vì có chuyện gấp phải đi đêm. Người thì bảo bà tự tử vì bị mẹ chồng ghét bỏ. Với đầu óc non nớt của đứa con gái mười tuổi, những chuyên như vậy chỉ gợi chút tò mò trẻ thơ rồi sau đó mải chơi tôi quên bẵng. Nếu có điều gì còn neo lại trong trí nhớ tôi, đó là lần đầu tiên tôi bị thằng Sẹo quát đuổi khi tôi đến gần nó. Khi mẹ thằng Sẹo vừa qua đời, thấy nó hôm nào đến trường cũng ra ngồi một mình chỗ gốc đa, tự dưng tôi thấy tồi tội nên chạy lại ngồi chung với nó. Hằng ngày tôi không chỉ bắt nạt mà còn hay sai vặt Sẹo, lúc này thấy nó đột ngột mồ côi mẹ, tự dưng tôi thấy áy náy, muốn ngồi cạnh nó cho nó đỡ buồn. Nào ngờ nó chẳng thèm biết ơn, còn lớn tiếng đuổi tôi đi khiến tôi nghĩ rằng nó cố tình trả thù chuyện tôi từng xua đuổi nó khi nó mon men lại gần và ý nghĩ đó làm tôi ấm ức suốt mấy ngày sau.

Dẫu sao câu chuyện về gia đình thằng Sẹo cũng đã chìm vào dĩ vãng từ lâu. Chỉ đến khi ba mẹ tôi bất ngờ nhắc đến thì nó mới được trục vớt lên và khuấy động ký ức tôi.

***

Mùng bảy Tết, chợ Bến Thành lác đác người. Chỉ có khoảng một phần ba gian bày hàng ra bán. Đa số chủ sạp chọn khai trương vào mùng tám hoặc mùng mười.

Tôi nhìn thấy cô Mười từ xa, bên cạnh chậu mai hoa rụng gần hết, chỉ toòng teng những tấm thiệp lòe loẹt đỏ mà dù chưa đến gần tôi vẫn mường tượng được những hàng chữ “Khai trương hồng phát”, “Vạn sự như ý”, “Cung chúc tân xuân”…

Vẫn gói người trong quần lụa đen và áo vải bông màu mè quen thuộc, cô Mười tươi cười chìa ra túi thịt heo khi tôi đến gần:

- Của con nè.

- Bữa nay khai trương rồi hả cô?

- Chưa. Ngày mai cô mới khai trương. Cô ngồi đây đợi con.

Hôm đó tôi đi một vòng các chợ dưới tiết xuân mát mẻ. Sạp cá, sạp gia cầm, quầy trứng, quầy rau, có nơi khai trương có nơi chưa, nhưng chị Dần, chị Điệp, dì Hai Anh và các chủ sạp khác đều kiên nhẫn đợi tôi.

Sau Tết các mặt hàng đều tăng giá nhưng vì tôi là mối quen, các chủ sạp vẫn tính theo giá cũ. Chỉ có cá biển chỗ dì Ba Được ở chợ Hòa Bình là ngoại lệ. Thông thường, dù hàng tăng giá tôi vẫn lấy rồi về báo lại với Sâm. Nhưng lần này tôi lôi điện thoại ra gọi trực tiếp cho anh.

- Sao cô không lấy hàng về cho nhà bếp kịp nấu rồi trao đổi sau? - Sâm có vẻ không hài lòng khi nghe điện thoại của tôi.

- Nhưng giá chỗ dì Ba Được tăng cao quá anh à. Cá thu tăng tới 80.000 đồng một ký. Cá bạc má tăng 50.000 đồng…

- Mấy ngày Tết ngư dân chưa đi tàu, chưa ra khơi đánh bắt nên cá biển khan hiếm thôi. Cô cứ lấy về đi.

Tôi “dạ”, định cúp máy đã nghe Sâm nói thêm:

- À, cô nói với dì Ba Được, đợt này tôi đề nghị mỗi bên chịu thiệt một chút. Phần giá tăng đột ngột, bên mua chịu một nửa, bên bán chịu một nửa.

Tôi định hỏi lại nếu dì Ba Được không đồng ý thì sao, đã nghe tiếng “tít tít” ở đầu bên kia.

Trái với lo ngại của tôi, dì Ba Được vui vẻ gật đầu khi nghe tôi chuyển lời của Sâm. Có lẽ Sâm cũng đoán được điều đó nên anh đã tắt máy một cách tự tin! Tôi nhủ bụng khi xách giỏ cá đi ra cổng chợ.

- Có gì đâu mà cô ngạc nhiên! - Sâm giải thích khi tôi xuýt xoa về sự đồng ý nhanh nhẹn của dì Ba Được - Dì Ba chịu phân nửa thì dì chỉ không có lời thôi, chứ đâu có lỗ lã gì. Mình thì chịu giá cao một tí. Hơn nữa, dì thừa biết tôi đã dự trữ sẵn cá biển từ trước Tết. Tôi không nhất thiết phải lấy cá của dì bằng mọi giá. Và không chỉ cá biển, những mặt hàng dễ bị ảnh hưởng bởi Tết, tôi cũng phải lên kế hoạch đối phó để không bị động hoặc lệ thuộc vào người khác.

Tôi nghệt mặt nghe Sâm phân tích:

- Các loại thịt thì không bị ảnh hưởng nhiều, chỉ thỉnh thoảng gặp trục trặc khi vài lò mổ khai trương trễ. Riêng các mặt hàng lấy từ các tỉnh như bánh tráng hay các loại mắm, khâu vận chuyển trong những ngày Tết bao giờ cũng khó khăn. Các tài xế liên tục quay đầu xe, không có thời gian cho mình chuyển hàng và nhận hàng như ngày thường. Hành khách lại đông, hành lý nhiều, xe muốn chở hàng cho mình cùng không có chỗ. Phí vận chuyển lại tăng chóng mặt.

Sâm nói với tôi như thầy giáo đang giảng bài cho học trò. Với tôi, những điều Sâm nói thật mới mẻ.

Tôi có cảm giác lần nào trao đổi với anh, tôi cũng biết thêm một điều gì đó.

Cuộc trò chuyện chỉ chấm dứt khi Lương kêu to:

- Vào liên hoan tân niên đi, anh Sâm chị Khuê ơi.

Tiếng kêu réo của Lương làm mặt tôi nóng ran. Không biết vô tình hay cố ý nhưng cái cách Lương ghép tên tôi và tên Sâm chung với nhau như thể chúng tôi là một cặp và hét lên lông lộng như phát qua một cái máy khuếch âm công suất lớn khiến tôi có cảm giác như đang đút đầu vào lò nướng.

Mấy đứa khác không bỏ lỡ cơ hội, nhanh nhẩu hùa theo:

- Đúng rồi đó! Anh Sâm chị Khuê vào đi!

- Lẹ lên! Mọi người ngồi vô bàn hết rồi, chỉ còn thiếu hai anh chị thôi đó!

Tôi ngượng nghịu liếc Sâm, thấy anh vẫn thản nhiên như không biết mọi người đang trêu chọc mình. Anh nhìn tôi, hất đầu:

- Mình vào đi!

Trên chiếc bàn dài kê giữa quán, thức ăn đầy ắp. Bánh chưng, bánh tét, thịt kho tàu, tôm khô củ kiệu, có cả nước ngọt dành cho bọn con gái và bia cho lũ con trai.

Tiếng trò chuyện, tiếng khua bát đũa, tiếng bật nắp lon, tiếng giành giật và trêu chọc nhau rộn lên như hội. Không khí nhộn nhịp đó chỉ khựng lại khi hai bóng người từ ngoài cửa bất thần tiến vào.

Khách nam oang oang:

- Happy New Year tụi con nha!

- Ủa, cô chú ghé quán sớm vậy? - Lương nhận ra hai vị khách quen - Ngày mai quán tụi con mới khai trương, chú ơi.

- Chú có đọc tấm bảng thông báo treo trước cửa rồi. Nhưng nhớ quán quá nên cô chú ghé chơi.

Sâm lịch sự:

- Dạ, mời cô chú ngồi ăn với tụi con cho vui.

Khách nam ngồi xuống ghế, liếc các món ăn trên bàn:

- Chú ngồi chơi với tụi con chứ ăn uống gì. Mấy ngày Tết chú ăn mấy món này phát ngán rồi. Giờ chú chỉ tương tư cá nục hấp cuốn rau muống hay bánh bèo bánh đập thôi!

Khách nữ ngồi xuống theo, mỉm cười:

- Còn cô thì đang nhớ món rau lang, rau dền luộc chấm mắm cái.

Tiệc gần tàn, Sâm đứng dậy:

- Bây giờ tới tiết mục lì xì!

Cả bàn ăn vỗ tay, hét ầm:

- Hoan hô!

- Đúng rồi đó! Phải lì xì đầu năm chứ!

… Tiết mục cuối cùng bao giờ cũng là tiết mục hấp dẫn nhất!

Sau khi Sâm chia hết xấp bao lì xì trên tay cho mọi người, khách nam thình lình bật lên khỏi chỗ. Ông cho tay vào túi móc ra mớ bao màu đỏ, huơ qua huơ lại trên đầu, cười khì khì:

… Tiết mục vừa rồi chưa phải là cuối cùng đâu, tụi con! Cái này mới là tiết mục cuối cùng nè nè!

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3