Của Cái Của Các Dân Tộc - Quyển 1 - Chương 06

Chương VI

CÁC CẤU PHẦN CỦA GIÁ HÀNG HÓA

Vào thời kỳ đầu và còn thô sơ của xã hội, trước khi có sự tích lũy tư bản và chiếm hữu ruộng đất, tỷ lệ giữa các lượng lao động cần thiết để có được các đồ vật dường như là yếu tố duy nhất quyết định quy tắc để trao đổi các đồ vật đó. Trong xã hội những người săn thú, nếu việc tìm giết được một con hải ly tốn công sức gấp đôi việc săn được một con nai thì hải ly tất nhiên phải có giá trị trao đổi gấp hai lần so với con nai. Một điều khá tự nhiên là công sức lao động hai ngày hoặc hai giờ để làm ra một sản phẩm thì nó phải có giá trị gấp đôi sản phẩm làm trong một ngày hay một giờ.

Nếu như một loại lao động lại căng thẳng, nặng nhọc hơn một loại lao động khác, tất nhiên cần phải tính đến sự căng thẳng, nặng nhọc này và sản phẩm của loại lao động này trong một giờ có thể trao đổi lấy sản phẩm của loại lao động khác trong hai giờ chẳng hạn.

Hoặc nếu một loại lao động đòi hỏi phải có tài khéo léo và sự khôn ngoan tài trí, tất nhiên sản phẩm của loại lao động đó có giá trị cao hơn so với một sản phẩm bình thường làm ra với một lượng thời gian tương đương. Những tài năng như vậy không phải ai cũng có thể có được, mà phải do sự học tập, rèn luyện lâu dài gian khổ và sản phẩm cao cấp này phải được tính thêm một lượng giá trị nào đó để đền bù cho thời gian và lao động đã được sử dụng trước đó để đạt được trình độ tài năng đó.

Ở các quốc gia phát triển, những loại công việc khó nhọc và đòi hỏi tài năng và khéo léo thường được đánh giá bằng tiền lương lao động cao hơn và một sự đánh giá nào đó tương tự chắc là cũng đã hình thành từ thời kỳ cổ xưa nhất.

Chừng nào số vốn đã được tích lũy trong tay một số người nào đó, tất nhiên họ sẽ sử dụng vốn đó để thuê những người cần cù lao động làm cho họ bằng cách cung cấp cho những người lao động đó vật liệu và những thứ cần thiết cho họ sinh sống và như thể việc kinh doanh đó sẽ mang lại cho họ lợi nhuận do bán sản phẩm lao động của những người làm thuê, hoặc do sức lao động đó làm tăng thêm giá trị của vật liệu. Khi mang trao đổi hàng hóa đã làm ra để lấy tiền, hoặc lấy sức lao động, hoặc lấy những hàng hóa khác với số lượng nhiều hơn là đủ để trả giá vật liệu và tiền lương cho người lao động thì người có vốn đã bỏ ra tất nhiên thu được một số lợi nhuận nhất định, vì người đó đã dám chịu mọi sự rủi ro khi đem về số vốn có trong tay sử dụng vào công việc kinh doanh. Giá trị mà người lao động làm tăng thêm cho vật liệu chia ra thành hai phần, một phần dùng để trả lương cho họ và phần kia là lợi nhuận của người tiến hành kinh doanh đã ứng trước số vốn để mua vật liệu và trả lương. Nhà kinh doanh chắc sẽ chẳng có lợi ích gì khi sử dụng những người làm thuê, nếu như ông ta không thu được từ sức lao động đó một cái gì nhiều hơn số vốn bỏ ra, và nhà kinh doanh cũng không có lợi ích gì khi bỏ ra một số vốn lớn chứ không phải nhỏ nếu như ông ta không thu được số lợi nhuận tỷ lệ với mức độ vốn bỏ ra.

Lợi nhuận của vốn có thể được coi như một thứ tên gọi khác của tiền lương trả cho một loại lao động đặc biệt – lao động giám sát và điều hành. Tuy thế, lợi nhuận thì khác hẳn, nó bị chi phối và điều chỉnh bởi những nguyên tắc hoàn toàn khác và không tỷ lệ với lượng khó nhọc hoặc tài khôn khéo của loại lao động giám sát và điều hành mà được điều chỉnh và chi phối bởi giá trị của số vốn được sử dụng và sẽ lớn hơn hoặc nhỏ hơn theo tỷ lệ với mức độ số vốn này. Chúng ta giả định chẳng hạn là ở một địa điểm nào đó mà ở đó lợi nhuận thông thường hàng năm của số tiến vốn dùng vào việc chế tạo sản phẩm là 10%, có hai xưởng công nghiệp chế tạo khác nhau, mỗi xưởng có 20 công nhân được sử dụng với mức lương 15 bảng một năm một người, hoặc với chi phí 300 bảng mỗi năm cho mỗi xưởng chế tạo. Chúng ta cũng giả định là vật liệu thô dùng để chế tạo ra sản phẩm trong một xưởng công nghiệp chỉ trị giá 700 bảng, trong khi vật liệu tốt hơn dùng trong xưởng công nghiệp kia trị giá 7000 bảng. Trong trường hợp này, số vốn sử dụng hàng năm cho một xưởng công nghiệp chỉ lên tới 1000 bảng, trong khi số vốn dùng cho xưởng công nghiệp kia lại lên tới 7300 bảng.

Với tỷ suất lợi nhuận 10%, người kinh doanh một xưởng công nghiệp sẽ chỉ mong thu được một khoản tiền lời hàng năm chỉ vào khoảng 100 bảng, trong khi người chủ xưởng công nghiệp kia có thể thu được khoảng 730 bảng. Nhưng mặc dù số lợi nhuận của họ rất khác nhau, sức lao động của họ dùng cho việc giám sát và điều hành có thể cũng chẳng khác gì nhau hoặc rất giống nhau nữa. Trong nhiều xưởng lớn hoặc nhà máy, toàn bộ công việc này thường được giao cho một người đốc công chính. Người này nhận được một số tiền lương tương ứng với giá trị công việc giám sát và điều hành được giao cho mình. Người đốc công chính này làm công việc trên không phải chỉ do tài năng, mà còn do sự tính nhiệm của chủ đối với anh ta, nhưng tiền lương anh ta được hưởng cũng không theo tỷ lệ thuận với số lượng tiền vốn của chủ mà anh ta phải chịu trách nhiệm quản lý. Người chủ xưởng hay nhà máy, mặc dù được miễn trừ mọi công việc vẫn mong muốn là lợi nhuận mang lại cho ông ta phải đều đều có một tỷ lệ tương xứng với số tiền vốn bỏ ra. Vì vậy, trong giá hàng hóa, tiền lợi nhuận do vốn là một bộ phận cấu thành hoàn toàn khác với tiền lương lao động và bị chi phối bởi các nguyên tắc khác hẳn. Trong tình hình này, toàn bộ sản phẩm lao động không phải luôn luôn thuộc về người lao động mà lượng lao động làm ra một mặt hàng nào đó là yếu tố duy nhất có thể điều tiết lượng lao động khác mà mặt hàng đó có thể mua hoặc đổi lấy được. Thật rõ ràng là một lượng lao động phụ thêm phải được dùng để trả cho lợi nhuận của số vốn mà đã ứng trước để trả lương và mua vật liệu lao động sản xuất.

Khi mà đất đai trở thành tài sản thuộc quyền sở hữu tư nhân, địa chủ, cũng như những người khác, đều muốn gặt hái những gì mà họ chưa từng gieo trồng và còn đòi địa tô ở những khu đất cây cối mọc trong trạng thái tự nhiên. Cây cối trong rừng, cây cỏ ngoài đồng ruộng và các quả mọc tự nhiên trên mặt đất chỉ cần người lao động bỏ công sức thu hái về khi đất đai còn là của chung nhưng khi quyền sở hữu tư nhân đã hình thành, người lao động phải trả tiền để được phép đi thu hái những thứ đó và phải trả cho chủ đất một phần những sản phẩm họ trồng hoặc thu hái được. Phần phải nộp cho chủ đất hay nơi đúng ra cái giá của phần phải nộp đó chính là tiền thuê ruộng đất, tiền nộp tô cho chủ đất và trong giá của phần lớn hàng hóa, nó là cấu phần thứ ba.

Giá trị thực tế của tất cả các bộ phận cấu thành của giá cả được đo bằng lượng lao động mà mỗi thành phần đó có thể mua được. Lao động do giá trị không chỉ của phần giá thuộc về lao động mà cả phần giá quy về cho đất (địa tô) và cả phần giá thuộc lợi nhuận nữa.

Ví dụ, trong giá ngũ cốc, một phần dùng để trả địa tô cho chủ đất, một phần khác trả tiền lương hoặc tiền nuôi sống người lao động và súc vật được sử dụng để sản xuất ra ngũ cốc và phần thứ ba là lợi nhuận của chủ trại. Cả ba phần này hình như hoặc ngay tức khắc hoặc cuối cùng sẽ cấu thành giá của ngũ cốc.

Một cấu phần thứ tư cũng rất cần thiết để dần dần hoàn lại số vốn mà người chủ trại bỏ ra hay đền bù cho sự hao mòn sức kéo và các công cụ khác của nghề nông. Nhưng cũng phải xem xét là ngay giá của mỗi nông cụ, như con ngựa để kéo chẳng hạn cũng tự nó bao gồm ba cấu phần giống như đã nói ở trên đó là tiền thuê đất để chăn dắt ngựa; công lao động để chăn ngựa và tiền lợi nhuận của chủ trại mà đã ứng trước tiền thuê đất và sức lao động để chăn dắt ngựa. Mặc dù giá của ngũ cốc có thể tính đến giá cũng như tiền nuôi con ngựa, nhưng toàn giá đó vẫn chia làm ba bộ phận cấu thành: tiền thuê đất, công lao động và lợi nhuận.

Trong giá bán bột mì, còn phải tính thêm vào giá ngũ cốc tiền lời của người chủ cối xay bột và tiền lương của những người phục vụ vào công việc này. Trong giá bánh mì cũng phải tính thêm lợi nhuận của chủ lò bánh và tiền lương của những người phục vụ và trong giá bán của bột mì hay bánh mì cũng cần phải tính đến tiền chuyên chở lúa mì từ nhà của chủ trại đến nhà của chủ cối xay và từ nhà của chủ cối xay đến nhà của chủ lò bánh mì cùng với số tiền lời cho những người đã ứng trước tiền vốn để trả tiền công lao động đó.

Giá cây lanh cũng dựa trên ba cấu phần giống như giá ngũ cốc. Nhưng giá của vải lanh còn phải tính thêm tiền lương của người xe sợi, người thợ dệt, người chuội vải v.v… cùng với các khoản lợi nhuận của những người chủ xưởng.

Khi một mặt hàng nào đó phải qua nhiều khâu chế tạo, phần giá dùng để trả lương và lợi nhuận sẽ lớn hơn so với tiền thuê đất. Trong quá trình chế tạo không những số các khoản lợi nhuận tăng mà mỗi khoản lợi nhuận của khâu chế tạo sau lại nhiều hơn của khâu chế tạo trước vì số vốn của khâu sau bao giờ cũng lớn hơn. Ví dụ, số vốn sử dụng cho khâu dệt tất phải lớn hơn số vốn sử dụng cho khâu xe sợi vì số vốn đó còn phải được tăng thêm phần tiền lương cho các thợ dệt và lợi nhuận của khâu dệt cũng lớn hơn, vì nó tỷ lệ với số vốn lớn hơn.

Trong các xã hội tiên tiến nhất vẫn có một số ít các hàng hóa mà giá cả chỉ tính dựa trên hai cấu phần mà thôi, đó là tiền công lao động và lợi nhuận của tiền vốn và có một số ít hơn nữa chỉ bao gồm độc có tiền công lao động. Ví dụ, giá cả biển gồm một phần dùng để trả công cho người đánh cá và một phần còn lại là lợi nhuận cho người bỏ vốn ra để tiến hành công việc đánh cá. Tiền thuê nhà, đất rất ít khi cấu thành một phần trong giá cả, mặc dù cũng có khi như vậy, và tôi sẽ trình bày dưới đây. Tiền thuê này được áp dụng ít nhất là trên phần lớn Châu Âu trong nghề đánh cá song. Đánh cá hồi phải trả tiền thuê mới được phép đánh. Mặc dù có thể gọi khoản đó là tiền thuê đất, nhưng nó nằm trong giá bán cá hồi như tiền lương và lợi nhuận. Ở một vài nơi ở Scotland, có một số người nghèo làm nghề nhặt những hòn đá nhỏ điểm những đốm màu muôn hình muôn vẻ nằm trên bãi biển mà người ta thường gọi là đá cuội Scotland. Người thợ chạm đá chỉ trả công lao động cho họ, không có tiền thuê đất mà cũng không có lợi nhuận trong giá các loại đá cuội đó.

Nhưng toàn bộ giá bất kỳ một loại hàng hóa nào cũng bao gồm một hay hai hoặc cả ba cấu phần. Vì sau khi trả tiền thuê đất và giá công lao động để chăn nuôi, chế tạo và đưa ra chợ bán, người ta còn phải tính thêm tiền lãi cho người có vốn bỏ ra.

Vì giá hay giá trị trao đổi của mỗi loại hàng hóa nào đó, khi xét riêng biệt, đều bao hàm một, hai hoặc cả ba cấu phần, cho nên giá của tất cả các loại hàng hóa cấu thành tổng sản phẩm lao động hàng năm của mỗi nước, nếu tính gộp lại cũng phải bao gồm ba cấu phần như nói ở trên và được chia cho những người dân trong nước dưới dạng tiền lương lao động của họ, tiền lãi của số vốn mà họ bỏ ra hoặc tiền thuê đất. Toàn bộ những gì thu lượm hay sản xuất ra bằng công sức lao động của xã hội, hoặc toàn bộ giá của những thứ đó thoạt đầu được phân chia theo cách này cho một số người khác nhau. Tiền lương, lợi nhuận và tiền thuê đất là ba nguồn ban đầu của mọi khoản thu cũng như mọi giá trị trao đổi. Những khoản thu khác đều phát sinh từ một trong 3 nguồn này.

Bất kỳ ai có được một khoản thu nào, khoản ấy phát sinh là nhờ có sức lao động, tiền vốn hoặc đất đai của anh ta. Thu nhập từ lao động được gọi là tiền lương, thu nhập từ tiền vốn của người quản lý hay sử dụng vốn được gọi là lợi nhuận. Thu nhập từ tiền vốn của người không tự mình sử dụng vốn, nhưng cho người khác vay, gọi là tiền lãi. Đó là số tiền đền bù mà người vay trả cho người cho vay khi sử dụng số tiền vay đó để kiếm lợi nhuận. Một phần lợi nhuận thuộc về người vay, người này phải chịu một sự rủi ro và phải mất công việc sử dụng vốn, một phần thuộc về người cho vay, người tạo cơ hội cho người vay kiếm lời. Tiền lãi là một thứ thu nhập phát sinh. Số tiền này nếu không lấy từ lợi nhuận thu được do việc sử dụng tiền vốn tất phải lấy từ một nguồn thu nhập nào khác, trừ khi người này có thể là một người ăn tiêu hoang phí lại đi vay lần thứ hai để trả lãi cho lần vay thứ nhất. Thu nhập từ đất đai được gọi là tiền thuê đất (địa tô) và thuộc về người chủ đất. Thu nhập cần một chủ trại một phần là do sức lao động và một phần khác là do tiền vốn của chủ trại. Đối với chủ trại, ruộng đất là phương tiện duy nhất cho phép ông ta kiếm được tiền công lao động và làm cho số vốn của ông ta sinh lợi. Mọi thứ thuế và tiền thu thuế, mọi khoản tiền lương, tiền lương hưu, tiền trợ cấp hàng năm đều lấy từ nguồn thu này hay nguồn thu khác trong 3 nguồn thu nhập nói trên và được thu trực tiếp hoặc gián tiếp từ tiền công lao động, tiền lãi của vốn hoặc từ tiền thuế đất đai.

Khi cả ba loại tiền thu nhập thuộc về những tác nhân khác nhau, chúng được phân biệt rõ ràng nhưng khi chúng thuộc về một người thì chúng đôi khi bị lẫn lộn loại nọ với loại kia, ít nhất về mặt ngôn từ nói chung.

Một người có đất tự cày cấy một phần ruộng đất của mình, sau khi chi các khoản về cày cấy, trồng trọt, lẽ ra người ấy đã thu được tiền thuê đất của chủ đất và lợi nhuận của chủ trại. Song ông ta có thể gọi toàn bộ khoản thu nhập là lợi nhuận và như vậy nhằm lẫn tiền thuê đất với lợi nhuận, ít nhất là trong ngôn từ thông thường. Phần lớn các chủ đồn điền ở Bắc Mỹ và Tây Ấn ở trong tình hình này. Họ trồng trọt trên đất đai của chính họ và do đó họ rất ít khi đá động đến tiền thuê đồn điền, mà chỉ thường nói đến lợi nhuận.

Các chủ trại bình thường ít khi thuê đốc công để điều hành hoạt động của trại. Họ thường cùng làm việc khá nhiều bằng chính bàn tay của họ như những người đi cày, đi bừa… Vì vậy sau khi trả tiền thuê đất, họ không những hoàn lại số vốn bỏ ra và thu lợi nhuận tương xứng mà còn tự trả lương cho chính bản thân mình vừa như người lao động vừa như là đốc công. Bất kỳ số tiền nào còn thừa lại sau khi trả tiền thuê đất và bù đắp đủ số tiền vốn bỏ ra, được gọi là lợi nhuận. Nhưng rõ ràng là tiền công cũng nằm trong số lợi nhuận đó. Người chủ trại không nói đến tiền công, nhưng nhất thiết có tiền công. Vì vậy trong trường hợp này tiền công bị lẫn lộn với lợi nhuận.

Một nhà sản xuất độc lập có đủ vốn để mua vật liệu và nuôi sống mình cho đến khi làm ra sản phẩm và mang ra chợ bán. Anh ta vừa thu được tiền công như một người thợ, vừa thu được lợi nhuận như một ông chủ bán sản phẩm của người thợ đó. Tuy nhiên, anh ta vẫn coi toàn bộ số tiền thu được là lợi nhuận, và trong trường hợp này, tiền công cũng bị lẫn lộn với lợi nhuận.

Một người làm vườn dùng chính sức lao động của mình để chăm sóc mọi công việc trong ngày cái vườn của chính mình và do đó đóng luôn cả ba vai: người chủ đất, người chủ vườn cây và người thợ làm vườn. Bởi vậy anh ta phải được hưởng tiền thuê vườn của chủ đất, tiền lời của chủ vườn và tiền công của người lao động. Song, toàn bộ số tiền kiếm được coi như tiền do sức lao động mà có. Do đó, cả tiền thuê vườn và lợi nhuận, trong trường hợp này, bị lẫn lộn với tiền công.

Ở một nước văn minh, chỉ có ít hàng hóa là có giá trị trao đổi xuất xứ chỉ từ lao động mà ra. Tiền thuê đất và lợi nhuận cấu thành một phần lớn giá trị trao đổi của hầu hết các loại hàng hóa, vì thế sản phẩm hàng năm của lao động xã hội sẽ luôn luôn có đủ để thuê một lượng lao động lớn hơn nhiều so với lao động đã được sử dụng để làm ra sản phẩm và mang ra chợ bán.

Nếu xã hội sử dụng toàn bộ số lao động mà nó có thể thuê được hàng năm, và do số lượng lao động tăng lên mỗi năm rất nhiều, cho nên sản lượng của năm sau chắc chắn sẽ có giá trị lớn hơn nhiều so với năm trước. Nhưng trên thực tế không có một nước nào mà lại dùng toàn bộ sản lượng hàng năm để duy trì, nuôi dưỡng đội ngũ lao động. Những người rỗi rãi, không có việc làm ở tất cả mọi nơi tiêu thụ một phần lớn sản phẩm. Và tùy theo những tỷ lệ phân phối khác nhau cho hai loại người: lao động và phi lao động, mà giá trị thông thường hoặc trung bình của sản phẩm hàng năm hoặc phải tăng lên hoặc giảm xuống hoặc tiếp tục giữ nguyên từ năm này sang năm khác.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3