Của Cái Của Các Dân Tộc - Quyển 2 - Chương 01

QUYỂN II

TÍNH CHẤT CỦA VỐN, TÍCH LŨY VÀ SỬ DỤNG VỐN

LỜI GIỚI THIỆU

Trong trạng thái xã hội còn hoang sơ mà trong đó chưa có sự phân công lao động, việc trao đổi sản phẩm cũng chỉ thỉnh thoảng được tiến hành, và mỗi người tìm cách để tự cung tự cấp lấy những vật dụng cần thiết cho đời sống, thì tích lũy hay tích trữ vốn thật ra là một điều không cần thiết để tiến hành các hoạt động kinh doanh trong xã hội. Mỗi một người đều cố tìm cách tự tạo cho mình những thứ vật dụng mà ngẫu nhiên họ cần đến trong quá trình sinh sống.

Khi bắt đầu thực hiện phân công lao động, sản phẩm mà sức lao động của một người làm ra chỉ trực tiếp cung cấp một phần rất nhỏ những nhu cầu cần thiết của người đó. Những thứ khác mà anh ta cần đến thì anh ta mua bằng sản phẩm mà anh ta đã làm ra, nói đúng ra, bằng giá của sản phẩm mà anh ta làm ra. Nhưng việc mua sản phẩm của người khác chỉ có thể thực hiện được khi anh ta không những hoàn thành mà còn phải bán được sản phẩm mà anh ta làm ra. Anh ta phải dự trữ một số sản phẩm – hàng hóa thuộc các loại để khi cần thiết anh ta có thể bán hoặc trao đổi lấy lương thực để nuôi sống anh ta, và cung cấp cho anh ta vật liệu và dụng cụ cần thiết để anh ta hoàn thành và bán được sản phẩm của mình. Một người dệt vải chỉ có thể hành nghề một cách hoàn toàn chủ động khi anh ta đã dự trữ được từ trước một số vốn thuộc quyền sở hữu của anh ta hay là vay mượn của một người nào khác đủ để nuôi sống anh ta và cung cấp cho anh ta nguyên vật liệu và dụng cụ để anh ta tiến hành sản xuất cho tới khi anh ta hoàn tất số vải dự định dệt và bán được hết hàng. Sự tích lũy vốn tất nhiên phải làm trước khi bắt tay vào hành nghề và cứ tiếp tục như vậy chừng nào còn sản xuất.

Do việc tích lũy vốn, theo bản chất của sự việc, phải làm trước khi có sự phân công lao động, cho nên lao động càng ngày có thể phân chia nhỏ hơn nữa tùy theo số vốn tích lũy trước, ngày càng có nhiều hơn. Số lượng nguyên vật liệu, mà một số người nào đó có thể sử dụng để làm ra sản phẩm, ngày càng tăng lên với tỉ lệ lao động được phân chia ngày càng nhỏ hơn, và khi các thao tác của người thợ dần dần trở thành hết sức đơn giản thì một số máy móc mới được sáng chế để làm giảm nhẹ và rút ngắn thời gian thao tác đó. Khi mà sự phân công lao động ngày càng tinh vi hơn, để có thể tạo việc làm cho một số thợ tương ứng, cần phải tích lũy trước một số dự trữ lương thực – thực phẩm tương đương và một số dự trữ các vật tư cần thiết lớn hơn là khi ở trong tình trạng hãy còn hoang sơ của xã hội. Nhưng số thợ trong mỗi ngành kinh doanh thường tăng cùng với sự phân công lao động ngày càng tinh vi của ngành đó, hay nói đúng hơn, là số lương thợ tăng tạo điều kiện cho họ phân công lao động làm việc theo phương pháp mới có hiệu quả hơn.

Vì sự tích lũy vốn cần thiết phải được tiến hành trước để cải tiến và nâng cao hiệu suất lao động cho nên sự tích lũy tất nhiên phải dẫn tới sự cải tiến đó. Người sử dụng tiền vốn để thuê mướn nhân công tất nhiên mong muốn sử dụng số tiền vốn một cách sinh lợi nhất, nghĩa là làm ra sản phẩm càng nhiều càng tốt. Người dùng vốn cũng cố gắng phân công công việc một cách thích hợp và hiệu quả nhất giữa những người thợ làm thuê và hơn nữa cung cấp cho họ các loại máy móc tốt nhất mà người đó tự sáng chế ra hay mua của những người sản xuất khác. Người chủ có đầy đủ khả năng về hai mặt này để sử dụng số vốn hoặc số thợ để triển khai số vốn đó. Số lượng lao động không những tăng lên cùng với số tiền vốn tăng lên tại mỗi nước, mà, do số vốn tăng, vẫn số lượng lao động đó làm ra được một lượng sản phẩm lớn hơn nhiều.

Nói chung tác động của việc tăng tiền vốn đối với người lao động là như vậy, và hơn nữa còn nâng cao năng suất lao động.

Trong quyển sách sau đây, tôi đã cố gắng giải thích bản chất tiền vốn, những tác dụng của việc tích lũy vốn thành tư bản các loại khác nhau và các cách sử dụng các loại tư bản đó. Quyển này chia thành 5 chương. Trong chương I, tôi đã cố gắng trình bày những bộ phận hay ngành kinh doanh nào thu hút nhiều tiền vốn của tư nhân hay một hội buôn lớn. Trong chương II, tôi đã cố gắng làm rõ bản chất và hoạt động của tiền tệ được xem như một phần đặc biệt của tổng số tiền vốn chung của xã hội. Tiền vốn, khi được tích lũy thành tư bản, có thể được người chủ sở hữu sử dụng cho lợi ích bản thân hoặc cho người khác vay để lấy lãi. Trong chương III và chương IV, tôi xem xét cách mà tiền vốn được đưa vào sử dụng trong cả hai trường hợp nói trên. Chương V, và là chương cuối, bàn về các tác động khác nhau mà việc sử dụng tiền vốn khác nhau đã gây ra đối với việc mở rộng các ngành nghề kinh doanh trong nước và làm tăng số sản phẩm hàng năm của đất đai và lao động.

Chương I

PHÂN CHIA VỐN

Khi một người có một số tiền vốn ít ỏi chỉ đủ nuôi sống anh ta trong một vài ngày hay một tuần lễ, chắc hẳn anh ta ít khi nghĩ đến dùng số vốn nhỏ nhoi đó để kiếm thêm chút tiền lợi tức. Anh ta cố gắng chi tiêu tiết kiệm càng nhiều càng tốt và tìm mọi cách dùng sức lao động bản thân để kiếm ăn thêm trước khi số vốn đó bị tiêu dùng hết. Vậy, thu nhập của anh ta trong trường hợp này chỉ hoàn toàn do sức lao động của anh ta mà có được. Đây là tình trạng của quảng đại quần chúng lao động nghèo tại tất cả các nước.

Nhưng khi một người nào đó lại có trong tay một số tiền vốn lớn để để nuôi sống anh ta trong nhiều tháng hay nhiều năm, tất nhiên người đó phải tìm cách kiếm thêm lợi tức từ phần lớn số vốn có trong tay, và chỉ để lại một số vốn nhỏ đủ để sinh sống cho đến khi nhận được số lợi tức đã dự tính. Vậy, toàn bộ số tiền vốn của anh ta được chia ra thành hai phần: một phần mà anh ta sử dụng để kiếm thêm lợi tức được gọi là tư bản hay vốn đầu tư. Phần kia dùng để mua các vật phẩm tiêu dùng cần thiết cho đời sống, và nó bao gồm, thứ nhất, một phần của số vốn ban đầu dành cho mục đích nuôi sống anh ta, thứ hai, tiền lợi tức mà anh ta nhận được dần dần từ bất cứ nguồn nào, và thứ ba, các thứ vật dụng mà anh ta đã mua từ những năm trước đó bằng một trong hai khoản tiền nói trên, nhưng chưa hoàn toàn tiêu dùng hết, như quần áo, đồ đạc trong nhà, và nhiều thứ khác nữa. Các thứ đo, dù thuộc loại hàng thứ nhất, thứ hai hay thứ ba, đều là nằm trong số tiền vốn mà con người thường dự trữ để sử dụng cho việc tiêu dùng trước mắt của mình.

Có hai cách sử dụng vốn để mang lại lợi tức hay lợi nhuận cho người có vốn.

Thứ nhất, vốn có thể sử dụng để chế tạo, sản xuất hoặc mua hàng hóa rồi lại bán đi với một số tiền lãi nào đó. Vốn dùng theo cách nói trên không mang lại lợi tức hay lợi nhuận cho người sử dụng, trong khi vốn vẫn thuộc quyền sở hữu của người đó hay tiếp tục ở dưới dạng như vậy. Hàng hóa của người lái buôn chỉ mang lại cho người đó lợi tức hay lợi nhuận sau khi bán hết hàng hóa và dùng tiền bán được đó để lại đổi thành hàng hóa, người đó hưởng phần chênh lệch giữa mua và bán. Vậy tiền vốn của người lái buôn tiếp tục chuyển từ dạng này sang dạng khác, và thông qua sự lưu thông hàng hóa hay những sự trao đổi liên tiếp, người lái buôn đó kiếm được lợi nhuận. Loại tiền sử dụng như vậy được gọi là vốn luân chuyển (lưu động).

Thứ hai, tiền vốn có thể được sử dụng để cải tạo đất đai, mua các máy móc và các công cụ cần thiết để thu được lợi tức mà không phải thay đổi chủ sở hữu, không phải tiến hành các hoạt động lưu thông. Tiền sử dụng theo cách này được gọi là vốn cố định.

Các ngành nghề khác nhau yêu cầu các tỷ lệ khác nhau giữa vốn cố định và vốn luân chuyển.

Vốn của nhà buôn hoàn toàn là vốn luân chuyển. Ông ta không cần đến máy móc hay công cụ lao động, trừ khi cửa hàng hoặc kho tàng của ông ta được coi là như vậy.

Vốn của chủ cửa hàng thủ công mỹ nghệ hoặc của nhà chế tạo có thể một phần nào được sử dụng để mua các công cụ chuyên dùng, và đó là phần vốn cố định của họ. Số vốn cố định này ít hay nhiều tùy thuộc theo ngành, nghề khác nhau. Một người thợ may cần công cụ hành nghề là một bọc kim đủ các loại. Công cụ của người dệt vải đắt hơn nhiều so với công cụ của người đóng giày dép. Còn chủ hiệu sản xuất các đồ thủ công mỹ nghệ thì cần nhiều tiền vốn luân chuyển hơn vì phải trả tiền công thợ, tiền mua nguyên vật liệu, và kiếm được lợi nhuận khi bán sản phẩm của mình.

Nhiều ngành nghề khác đòi hỏi số vốn cố định lớn hơn nhiều. Ví dụ, trong một xưởng đúc gang thép một cái lò để nấu chảy quặng sắt, lò rèn, máy cắt kim loại là những công cụ hành nghề phải mua với giá rất đắt. Tại các mỏ than, các loại máy dùng để bơm hút nước từ trong mỏ ra ngoài và để dùng vào các công việc liên quan đến việc khai thác lại còn đắt hơn rất nhiều.

Các chủ trại phải bỏ một số tiền để mua các nông cụ và coi đó như phần vốn cố định, ngoài ra, còn phải sử dụng vốn luân chuyển để trả tiền công cho những người lao động nông nghiệp và đầy tớ phục vụ họ. Giá các vật nuôi dùng làm sức kéo cũng nằm trong số vốn cố định chẳng khác gì các nông cụ. Chi phí nuôi súc vật dùng trong nông nghiệp nằm trong số vốn luân chuyển chẳng khác gì nuôi những người làm và đầy tớ. Nhưng giá tiền mua, nuôi và vỗ béo súc vật để bán, chứ không phải để dùng trong lao động, thuộc về vốn luân chuyển. Người chủ trại kiếm được tiền lời khi bán các vật nuôi đó. Một đàn cừu hoặc một đàn gia súc được mua không phải để dùng trong lao động hay để bán mà chỉ cốt lấy lông, sữa và để chúng sinh sôi nảy nở, thì đó là vốn cố định. Lợi nhuận thu được từ chỗ bảo dưỡng chúng cho tốt. Nhưng số tiền chi cho việc chăn nuôi chúng lại thuộc về vốn luân chuyển. Lợi nhuận thu được khi đem bán các súc vật đó bao gồm cả tiền lời về số súc vật được sinh thêm, giá toàn bộ đàn gia súc, giá lông cừu, sữa bán đi. Toàn bộ giá trị của hạt giống thuộc về vốn cố định – mặc dù hạt giống nảy nở và sinh trưởng ở ngoài đồng ruộng và được cất giữ trong vựa thóc lúa, nó không hề thay đổi chủ sở hữu và, do đó, nó không có sự luân chuyển từ người này sang người khác. Người chủ trại kiếm được lợi nhuận không phải do bán hạt giống đi, mà là do hạt giống nảy nở và sinh trưởng thành thóc lúa.

Tổng số vốn của bất kỳ nước nào cũng giống như vốn riêng của các cư dân, và vì thế, tất nhiên cũng tự chia thành ba phần giống nhau, mỗi phần có chức năng riêng, nhiệm vụ riêng khá rõ ràng.

Thứ nhất là phần dùng cho việc tiêu dùng trước mắt mà đặc điểm của nó là chẳng mang lại tiền lời hay lợi nhuận gì cả. Nó bao gồm số lượng lương thực dự trữ, quần áo, đồ đạc trong nhà v.v… do chính người tiêu dùng mua sắm nhưng chưa sử dụng hết. Phần thứ nhất này còn bao gồm cả nhà ở. Số vốn dùng để xây nhà ở của chủ nhà, ngay từ sau đó không còn làm nhiệm vụ tiền vốn nữa, hoặc không mang lại bất cứ khoản tiền lời nào cho chủ. Một nhà ở, với chức danh như vậy, không đóng góp gì về mặt tiền lời cho người có nhà, nhưng nó lại rất ích lợi, cần thiết cho người đó chẳng khác gì quần áo, đồ đạc trong nhà, nó chỉ là một khoản chi tiêu chứ không phải lợi tức. Nếu nhà đó đem cho một người khác thuê để lấy tiền thuê nhà, vì nhà ở tự nó không thể sinh lợi, người thuê nhà luôn luôn trả tiền thuê bằng cách lấy từ các khoản lợi tức khác mà người đó thu được từ lao động, tiền vốn hay từ đất đai. Mặc dù nhà ở có thể mang lại nguồn lợi tức cho chủ nhà, và do đó, làm chức năng của tiền vốn cho ông ta, nhà ở đó không thể mang lại gì cho dân chúng mà cũng chẳng thể đóng vai trò là tiền vốn cho cộng đồng. Do đó, thu nhập của toàn thể nhân dân không thể tăng lên nhờ số tiền này dù chỉ ở mức độ nhỏ nhất. Quần áo, các đồ đạc trong nhà đôi khi cũng mang lại một số lợi tức, và vì thế, làm chức năng tiền vốn cho một người nào đó. Ở các nước thường có dạ hội hóa trang, có một số người cho thuê quần áo hóa trang qua một đêm. Có những người làm nghề bọc nệm ghế thường cho thuê các loại đồ đạc dùng trong nhà theo từng tháng hay từng năm. Các nhà làm nghề lo việc đám ma cho thuê các xem kiệu và cờ phướn dùng cho công việc chôn cất người chết tính theo ngày và theo tuần lễ. Không ít người cho thuê nhà với đày đủ đồ đạc cần thiết bên trong và nhận được tiền thuê nhà và cả tiền thuê các đồ đạc cần thiết bên trong nhà nữa. Tiền lời thu được từ các thứ kể trên thực ra là lấy từ những nguồn thu khác. Trong tất cả các phần của tiền vốn, dù của cá nhân hay của toàn xã hội, dùng cho việc tiêu dùng trước mắt, thì phần bỏ vào việc xây dựng nhà ở bị hao mòn chậm nhất. Một số quần áo có thể kéo dài được một vài năm; một số đồ đạc trong nhà có thể kéo dài được nửa thế kỷ hoặc một thế kỷ, nhưng một số nhà ở, được xây dựng kiên cố và chăm sóc tốt, có thể kéo dài nhiều thế kỷ. Mặc dù thời gian hao mòn của nhà cửa lâu hơn, chúng vẫn thực sự chưa được xem như vốn dành cho tiêu dùng trước mắt.

Phần thứ hai là vốn cố định có đặc điểm là mang lại lợi tức hoặc lợi nhuận mà không phải luân chuyển hoặc thay đổi chủ sở hữu. Vốn cố định này bao gồm bốn khoản như sau:

Thứ nhất, các máy móc hữu ích và các công cụ hành nghề làm giảm nhẹ lao động.

Thứ hai, các ngôi nhà mà đem lại lợi tức không những cho người chủ cho thuê nhà, mà cho cả người thuê nhà, đó là các cửa hàng, kho tàng, công xưởng, chuồng gia súc, kho thóc v.v… Đó cũng là một loại công cụ lao động.

Thứ ba, đất đai được chăm sóc và có những công trình sinh lợi như tưới tiêu, làm hàng rào bao quanh, bón phân, và tạo mọi điều kiện cần thiết cho việc cày cấy, trồng trọt. Một trang trại có đầy đủ các thứ tiện nghi cũng được coi như những loại máy móc có ích làm giảm nhẹ lao động và nhờ đó, một số vốn luân chuyển nhất định có thể mang lại một số tiền lời lớn hơn nhiều cho người chủ trại. Một trang trại với đầy đủ tiện nghi cần thiết không những có lợi chẳng khác gì các máy móc có ích mà còn bền lâu hơn các máy móc đó, thường không đòi hỏi tu bổ gì hơn là áp dụng một cách có lợi nhất tiền vốn của chủ trại vào công việc trồng trọt.

Thứ tư, tài năng của người dân trong xã hội. Người muốn đạt được một tài năng nào đó phải chịu tốn kém rất nhiều vì phải tự bỏ tiền ra ăn học, phải luôn luôn cố gắng học tập hoặc học nghề, đó cũng là vốn cố định mà chính người có tài năng đó đã có được nhờ những cố gắng của bản thân mình. Tài năng đó, không những là tài sản riêng của anh ta, mà cũng là tài sản chung của toàn xã hội mà anh ta là một thành viên. Tay nghề và sự khéo léo của một người thợ có thể được coi như một cái máy hay một công cụ hành nghề hoàn hảo giúp phần việc làm giảm nhẹ sức lao động và mặc dù nó cũng gây nên sự tốn kém về tiền của và sức lực, cuối cùng cũng hoàn lại số chi phí và thêm một khoản lợi nhuận thích đáng.

Phần thứ ba và là phần cuối cùng trong ba phần nói trên là vốn luân chuyển mà đặc điểm chủ yếu của nó là mang lại lợi tức chỉ qua việc luân chuyển hoặc thay đổi chút. Nó cũng bao gồm bốn khoản sau đây:

Thứ nhất, số tiền mà nhờ đó cả ba khoản khác được luân chuyển và phân phối cho những người tiêu dùng thích ứng.

Thứ hai, số dự trữ lương thực, thực phẩm nằm trong tay người hàng thịt, người chăn nuôi trâu bò, người chủ trại, người buôn bán ngũ cốc, người nấu rượu bia v.v… và những người này đều trông chờ thu được lợi nhuận từ việc bán các thứ đó.

Thứ ba, các nguyên vật liệu, dù còn ở dạng thô hoặc đã được ít nhiều chế biến, quần áo, đồ đạc trong nhà và nhà ở chưa được liệt kê vào bất kỳ một trong ba dạng đó, nhưng hãy còn nằm trong tay người trồng trọt, người sản xuất, chế tạo, người buôn bán tơ lụa vải vóc và người bán các đồ dùng may mặc, người buôn gỗ, người thợ mộc, người làm gạch ngói v.v..

Thứ tư và là cuối cùng, những sản phẩm đã làm ra và hoàn chỉnh, nhưng hãy còn nằm trong tay người buôn bán hay người sản xuất, còn chưa bán hay phân phối được tới tay người tiêu dùng, như các thành phẩm mà chúng ta luôn luôn thấy có sẵn để bán tại các xưởng của thợ rèn, các nhà làm đồ gỗ mỹ thuật, thợ làm hàng vàng bạc và đồ trang sức, các lái buồn đồ sứ v.v… Như vậy, vốn luân chuyển (lưu động) bao gồm lương thực – thực phẩm, nguyên vật liệu, thành phẩm các loại còn nằm trong tay người buôn bán và số tiền cần thiết để dùng vào việc lưu thông và phân phối các thứ nói trên cho người sử dụng hoặc tiêu dùng.

Trong số bốn khoản này, có ba khoản lương thực thực phẩm, nguyên vật liệu và sản phẩm hoàn chỉnh – hàng năm hay trong một thời kỳ ngắn hay dài, thường đều được rút ra khỏi vốn luân chuyển và đưa vào vốn cố định hoặc vốn dành cho tiêu dùng trước mắt.

Vốn cố định nào lúc đầu cũng rút ra từ vốn luân chuyển và luôn luôn được vốn này bổ sung. Tất cả các máy móc, công cụ cần thiết đầu tiên đều xuất phát từ vốn luân chuyển vì vốn này cung cấp nguyên vật liệu để chế tạo máy và công cụ và trả tiền công cho các thợ chế tạo. Các máy móc, công cụ cũng cần có loại vốn luân chuyển này để luôn luôn được bảo dưỡng và sửa chữa cho tốt.

Vốn cố định chỉ có thể mang lại lợi tức thông qua vốn luân chuyển. Những máy móc và công cụ hoàn hảo nhất không thể sản xuất ra được gì, nếu không có nguyên vật liệu do vốn luân chuyển cung cấp, và nếu không có thợ điều khiển mà tiền nuôi dưỡng họ lại do vốn luân chuyển chi. Ruộng đất, dù có phì nhiêu đến mấy, cũng chẳng mang lại lợi nhuận, nếu không có vốn luân chuyển dùng để trả tiền công cho những người lao động để cày cấy, trồng trọt và thu hoạch sản phẩm.

Duy trì và tăng số vốn dành cho việc tiêu dùng trước mắt là mục đích duy nhất của cả hai loại vốn, cố định và luân chuyển. Chính số vốn này cung cấp lương thực – thực phẩm, quần áo và nhà ở cho mọi người. Họ giàu hay nghèo là tùy thuộc vào sự cung cấp dư dật hay dè xẻn mà hai loại vốn đó trích cho số vốn dùng cho việc tiêu dùng trước mắt.

Người ta luôn luôn rút đi một phần khá lớn từ vốn luân chuyển để bổ sung cho hai loại vốn kia trong xã hội. Do đó, vốn luân chuyển cũng cần luôn luôn được bổ sung thêm, nếu không thì nó cũng khó tồn tại. Những nguồn bổ sung này được lấy từ các sản phẩm của đất đai, hầm mỏ và nghề đánh cá. Những nguồn này luôn luôn cung cấp các thứ lương thực và nguyên vật liệu mà một phần được chế biến thành thành phẩm, vì thế các nguồn này thay thế cho số lương thực, nguyên liệu và thành phẩm đã bị rút khỏi vốn luân chuyển. Người ta cũng lấy từ các hầm mỏ những gì cần thiết để duy trì và tăng thêm cái phần vốn luân chuyển bằng tiền. Vì mặc dầu trong quá trình diễn biến bình thường của công việc kinh doanh, khoản tiền vốn này, khác với ba khoản kia, không nhất thiết phải bị rút ra từ vốn luân chuyển để đưa vào hai loại vốn kia trong tổng số vốn của xã hội, tuy thế, cũng như tất cả các thứ tài sản khác, cuối cùng tất yếu nó phải bị hao mòn và phế thải và đôi khi còn bị mất mát hoặc bán ra nước ngoài, cho nên số tiền cũng luôn luôn cần được bổ sung, mặc dù không nhiều lắm.

Ruộng đất, hầm mỏ và nghề cá đòi hỏi cả vốn cố định lẫn vốn luân chuyển để cày cấy, trồng trọt, khai thác và đánh bắt, và sản phẩm thu hoạch được từ những ngành nghề đó không những mang lại lợi nhuận cho các loại vốn bỏ ra, mà còn đóng góp cho nhiều lĩnh vực khác trong xã hội. Như vậy, người chủ trại hàng năm sản xuất ra các sản phẩm để thay thế cho phần lương thực – thực phẩm mà nhà công nghệ đã tiêu dùng và các nguyên liệu mà người này đã sử dụng để chế tạo các mặt hàng thuộc năm trước đó; ngược lại, nhà công nghệ bổ sung các thành phẩm mà người chủ trại đã sử dụng bị hao mòn và phế thải cùng trong thời gian đó. Đây là sự trao đổi thực sự giữa hai tầng lớp xã hội này mặc dù các nguyên liệu của bên này và các thành phẩm của bên kia ít khi được trao đổi trực tiếp giữa hai bên vì ít khi xảy ra sự việc là người chủ trại lại bán thẳng ngũ cốc, gia súc, sợi lanh và lông cừu cho chính nhà công nghệ mà chủ trại đã mua của người này quần áo, đồ đạc trong nhà, công cụ hành nghề cần thiết. Vì vậy, người chủ trại mang các sản phẩm nguyên sơ của mình bán lấy tiền, và với số tiền thu được, anh ta mua bất cứ ở đâu anh ta thấy có các mặt hàng công nghiệp mà anh ta cần. Ruộng đất ít nhất cũng thay thế một phần số tiền vốn cần thiết cho việc khai thác mỏ và nghề cá. Chính những sản phẩm của ruộng đất đã góp phần đánh bắt cá từ dưới nước, và chính các sản phẩm của mặt đất đã góp phần khai thác khoáng sản từ lòng đất.

Sản phẩm của ruộng đất, hầm mỏ và nghề cá, khi có khả năng sinh sản như nhau thì tỷ lệ với mức độ đầu tư sử dụng tiền vốn. Khi các số tiền vốn đầu tư ngang nhau và sử dụng có hiệu quả như nhau thì sản lượng tỷ lệ với khả năng sinh sản của ruộng đất, hầm mỏ và nghề cá.

Tại các nước mà ở đó nền an ninh tương đối được bảo đảm, những người có sự hiểu biết bình thường đều tìm cách sử dụng bất kỳ loại vốn nào có trong tay để đảm bảo cho mình một đời sống tốt đẹp hoặc kiếm được lợi nhuận cho tương lai. Nếu vốn được sử dụng để đảm bảo cho đời sống hiện tại, thì đó là loại vốn dành cho tiêu dùng trước mắt. Nếu vốn được sử dụng để kiếm lợi nhuận trong tương lai, thì vốn đó phải ở lại với chủ sở hữu hoặc phải rời khỏi anh ta. Ở trường hợp đầu, đó là vốn cố định, ở trường hợp sau là vốn luân chuyển. Một người thật sự là điên dại, khi an ninh được đảm bảo mà anh ta lại không chịu sử dụng vốn, dù là vốn của chính anh hay là vay mượn của người khác bằng một trong ba cách nói trên.

Tại các nước chẳng may mà con người luôn luôn bị bạo lực đe dọa, họ thường chôn giấu một phần lớn của cải, tiền vốn mà họ có thể mang đi đến một nơi an toàn khi bị đe dọa bởi những tai họa có thể xảy ra đối với họ. Người ta cho biết đó là một thói quen thông thường của dân chúng ở Thổ Nhĩ Kỳ, Indostan và ở hầu hết các nước Châu Á. Đó là một cách làm thông thường của tổ tiên chúng ta trong thời kỳ bạo lực của chính quyền phong kiến. Vào thời đó, các kho tàng chôn giấu không biết ai là chủ đã được coi là một phần thu nhập rất được trân trọng của các vị quốc vương lớn nhất ở Châu Âu. Đó là những của cải chôn giấu được tìm thấy dưới mặt đất mà chẳng ai có thể có đủ bằng chứng để xác minh quyền sở hữu. Thời đó, các kho tàng đó rất quan trọng và được coi thuộc quyền sở hữu của vị quốc vương đang trị vì, và người tìm thấy kho tàng cũng như người chủ đất nói có kho tàng chôn giấu chẳng có quyền được gì cả, trừ khi quyền hưởng kho tàng đó được bán cho họ bằng một chỉ thị đặc biệt của quốc vương. Các mỏ vàng, mỏ bạc cũng vậy, dù tìm thấy ở đất thuộc bất kỳ người nào, thì vẫn không nằm trong quyền sở hữu của người chủ đất nếu không có một điều khoản đặc biệt quy định. Các mỏ khác như chì, đồng, thiếc và than cũng vậy, tuy tầm quan trọng kém hơn nhiều.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3