Của Cái Của Các Dân Tộc - Quyển 1 - Chương 11

Chương XI

TIỀN THUÊ ĐẤT

Tiền thuê đất là giá phải trả cho việc sử dụng đất, và tất nhiên phải là giá cao nhất mà người thuê có khả năng trả trong những điều kiện đất đai hiện nay. Bằng cách điều chỉnh các điều khoản trong bản hợp đồng cho thuê đất, các chủ đất mưu tính làm cho người thuê không được qua nhiều lợi nhuận trong việc canh tác, sau khi đã trả tiền giống, tiền công lao đông, tiền thức ăn gia súc và tiền hao mòn dụng cụ lao động với một số tiền lãi vừa phải cho số vốn bỏ ra. Đó tất nhiên là phần lợi nhuận ít nhất mà người thuê có thể chấp nhận được để không bị thua lỗ. Những gì mà sản phẩm của đất mang lại vượt quá phần đã tính toán dành cho người thuê, thì người chủ đất giữ lại cho mình như là tiền thuê đất. Đôi khi, do sự thiếu hiểu biết, người chủ đất đồng ý nhận một số tiền thuê ít hơn phần nói trên, và cũng có khi người thuê nhận trả một số tiền thuê cao hơn, và như thế tự giảm phần lợi nhuận mà đáng lẽ ra anh ta phải thu được từ số tiền vốn bỏ ra so với những người thuê khác ở những vùng lân cận. Cái phần nói trên có thể được coi là tiền thuê đất tự nhiên hay tiền thuê đất mà tất nhiên phần lớn đất đai phải được cho thuê với giá đó.

Mọi người có thể nghĩ rằng tiền thuê đất thường không vượt quá một số lợi nhuận hay tiền lời hợp lý cho số tiền vốn mà người chủ đất đã bỏ ra để làm cho đất đai thêm màu mỡ và phì nhiêu hơn trước. Điều này có thể có thật trong một vài trường hợp mà thôi. Người chủ đất tất nhiên vẫn đòi tiền thuê, dù đất đó chẳng được chăm bón gì, và nếu họ có bỏ tiền ra để chăm bón thì tất yếu họ sẽ tính thêm vào giá cho thuê đất. Ngoài ra, mọi khoản tiền chăm bón đất đai đôi khi do chính người thuê bỏ ra từ tiền vốn của họ. Song, khi bản hợp đồng được ký kết lại, người chủ đất thường đòi tăng tiền thuê đất như là chính họ đã bỏ tiền ra cải tạo đất.

Người chủ đất đôi khi còn đòi tiền thuê cho cả loại đất đai mà con người không thể làm cho tốt hơn lên được. Tảo bẹ là một loại tảo biển khi đốt lên cho một loại muối kiềm dùng cho việc làm thủy tinh, xà phòng và một vài thứ khác nữa. Loại tảo này mọc ở một vài nơi ở vương quốc Anh, nhất là ở Scotland, ở trên các tảng đá lớn nằm trên bờ biển mà chỉ khi nước lên mới tới được, như vậy cứ một ngày hai lần bị nước biển nhận chìm và sản phẩm của vùng đất này không thể dùng thứ công nghệ nào để làm cho mọc tốt hay nhiều hơn được. Thế mà người chủ đất có những bãi biển có tảo bẹ mọc vẫn đòi một số tiền thuê không kém đất trồng lúa mì.

Vùng biển xung quanh các đảo ở Shetland có rất nhiều loại cá và là nguồn kiếm sống của ngư dân vùng đó. Nhưng muốn đánh bắt các hải sản đó, họ phải có một cái nhà ở vùng đất lân cận. Người chủ đất lợi dụng tình hình này đã đòi tiền thuê đất làm nhà ở tạm không phải chi bằng giá đất, mà kể cả giá hải sản dự tính sẽ bắt được. Tiền thuê một phần được trả bằng cá biển, cho nên tiền thuê đất thường được tính vào giá hàng hóa trong nước.

Tiền thuê đất, coi như cái giá phải trả cho việc sử dụng đất, đương nhiên là một giá tính trên cơ sở độc quyền. Tiền thuê này không tính theo tỷ lệ tiền vốn người chủ đất bỏ ra để mua và cải tạo đất, mà tính theo khả năng người thuê có thể trả được.

Có những sản phẩm của đất được mang ra chợ bán với giá thông thường vừa đủ để hoàn lại khoản tiền vốn phải chi ra cộng với một số tiền lời thông thường. Nếu giá thông thường cao hơn giá nói trên, thì phần dư đó sẽ dùng để trả tiền thuê đất, nếu giá đó không cao hơn, mặc dù hàng được mang ra chợ bán, thì giá đó không đủ để trả tiền thuê cho chủ đất. Giá bán cao hơn hay không, còn tùy vào nhu cầu của thị trường.

Có những loại sản phẩm có thể luôn luôn bán được giá cao do nhu cầu của người mua, nhưng cũng có những sản phẩm có thể hoặc cũng không có thể bán được giá cao như vậy. Những loại sản phẩm đầu luôn luôn cho phép trả tiền thuê cho chủ đất, nhưng các loại sản phẩm sau đôi khi có thể, và đôi khi không thể trả tiền thuê đất, tùy theo từng trường hợp khác nhau.

Do vậy, tiền thuê đất là một thành phần trong giá hàng hóa, nhưng khác với tiền công và lợi nhuận. Tiền công cao hay thấp, tiền lời nhiều hay ít là nguyên nhân gây ra giá cả cao hay thấp, còn tiền thuê đất cao hay thấp là hậu quả của giá cả. Chính vì tiền công và lợi nhuận nhiều hay ít để làm ra một sản phẩm đem ra chợ bán mà giá sản phẩm đó phải tính cao hay thấp. Nhưng chính vì giá hàng bán cao hay thấp, đắt hơn nhiều hay hơn ít hay không quá số tiền vừa đủ để trả tiền công và lợi nhuận mà giá cả có khả năng trả được tiền thuê đất cao hay thấp hoặc không đủ để trả tiền thuê đất.

Chúng ta sẽ nghiên cứu riêng biệt trước hết là những loại sản phẩm của đất có khả năng luôn luôn trả được tiền thuê đất, và sau đó là những loại sản phẩm có thể hoặc không có thể trả được tiền thuê đất, và cuối cùng là những biến động mà trong những thời kỷ cải tạo đất khác nhau làm thay đổi giá trị tương đối cho hai loại sản phẩm thô nói trên khi so sánh giữa chúng với nhau và giữa chúng với các mặt hàng công nghiệp – cách nghiên cứu này sẽ chia chương này thành ba phần.

PHẦN I

CÁC LOẠI SẢN PHẨM CỦA ĐẤT LUÔN LUÔN CÓ KHẢ NĂNG TRẢ TIỀN THUÊ

Mọi người và vật đều phải tồn tại và sinh sống, và lương thực là rất cần thiết cho sự sống. Để có được lương thực nuôi sống con người, người lao động động phải trồng trọt, chăn nuôi để có được lượng lương thực mà học cần có. Số lượng lương thực do sức lao động làm ra bao giờ cũng có thể thừa, nếu biết tiết kiệm hoặc tiền công được trả cao.

Đất, trong hầu hết các tình huống, sản sinh ra một số lượng lương thực nhiều hơn so với số lượng đủ để duy trì sự sinh sống của người lao động. Số lượng thực dư thừa cũng luôn luôn nhiều hơn số lượng đủ để hoàn lại số tiền vốn bỏ ra để thuê mướn người lao động, cùng với lợi nhuận cho công việc kinh doanh đó. Vì vậy, một cái gì đó luôn luôn còn lại, đó là tiền thuê trả cho chủ đất.

Những cánh đồng cỏ hoang dại ở Na Uy và xứ Scotland sản sinh ra một thứ cỏ để nuôi gia súc, mà số nữa và số sinh sản tăng thêm của chúng là quá đủ không những để nuôi sống và duy trì những người lao động cần thiết cho việc chăn nuôi chúng và trả một số lợi nhuận thông thường cho người chủ trại hoặc cho người có đàn gia súc đó, mà còn có thể trả một số tiền thuê nhỏ cho chủ các cánh đồng chăn nuôi đó. Tiền thuê này tăng theo tỷ lệ số cỏ tốt mọc ở đó để chăn nuôi. Quy mô cánh đồng chăn nuôi như nhau, nhưng cỏ tốt hơn thì có thể chăn nuôi một đàn gia súc lớn hơn mà không cần nhiều người làm công việc chăn nuôi cũng như thu hoạch sản phẩm (sữa). Người chủ đất thu được tiền lời từ hai mặt, số lượng sản phẩm tăng và số người dùng cho việc chăn nuôi và thu hoạch sản phẩm giảm.

Tiền thuê đất không những thay đổi tùy theo tính chất màu mỡ của nó, bất kể sản phẩm thuộc loại nào, mà còn tùy theo tình hình, bất kể độ phì nhiêu của nó. Đất đai gần các thành thị thường được hưởng tiền thuê cao hơn so với đất đai cũng màu mỡ như vậy ở nơi xa thành thị, ở vùng nông thôn. Mặc dù khi khai thác đất đai thuộc cả hai loại này, người ta vẫn chi phí gần như giống nhau về sức lao động, nhưng đất đai ở xa đòi hỏi phải tốt kém hơn về mặt vận chuyển sản phẩm đến chợ. Do đó, người ta phải chi thêm cho một số lao động vận chuyển, và số dư, trong đó có tiền lợi nhuận cho người chủ trại và tiền thuê cho người chủ đất, phải bị giảm bớt. Nhưng, như đã được trình bày ở trên, ở những nơi xa xôi, hẻo lánh, mức lợi nhuận thường cao hơn so với vùng chung quanh thành thị. Một phần nhỏ hơn của số tiền dư giảm đi đó tất nhiên thuộc về người chủ đất.

Nếu như một nước có đủ đường sá giao thông, sông ngòi thuận tiện thì phí tổn vận chuyển sẽ giảm đi, và vì thế những vùng xa xôi héo lánh sẽ ở gần ngang mức với những vùng chung quanh thành thị. Vì thế, giao thông tốt là thành quả cải thiện lớn nhất ở nông thôn. Nó thúc đẩy việc khai thác các vùng hẻo lánh, xa xôi là những vùng rộng lớn ở nông thôn. Việc đó cũng có lợi cho thành thị vì nó làm mất tính độc quyền của những vùng nằm ven thành thị. Giao thông rất có lợi cho các vùng xa xôi. Mặc dù một số sản phẩm được đưa vào thị trường cũ, nhưng thị trường mới cũng được mở thêm cho các sản phẩm của các vùng nay. Ngoài ra, độc quyền là kẻ thù lớn đối với việc quản lý tốt, mà quản lý tốt không thể có được trừ khi có sự cạnh tranh tự do và rộng khắp, nó buộc các nhà sản xuất phải biết cạnh tranh để bảo vệ lợi ích của chính họ. Cách đây chưa quá 50 năm, một vài tỉnh ở gần London đã đưa kiến nghị lên quốc hội chống lại việc mở các con đường lớn đi tới các vùng xa xôi, hẻo lánh. Họ đưa ra lý lẽ là các nơi xa xôi, hẻo lánh, do lao động rẻ, sẽ có thể bán các loại ngũ cốc rẻ hơn tại thị trường London, và như thế sẽ làm giảm tiền thuê đất và làm suy yếu ngành trồng trọt ở ven đó. Tuy thế, tiền thuê đất đã tăng cao và việc trồng trọt của họ lại được thúc đẩy mạnh mẽ hơn từ thời đó.

Một cánh đồng ngũ cốc với mức màu mỡ trung bình sản xuất được một số lượng lương thực nhiều hơn cho con người so với một cánh đồng chăn nuôi cũng có quy mô rộng lớn như nhau. Mặc dù việc trồng trọt đòi hỏi nhiều sức lao động hơn, tuy thế phần lương thực dư thừa, sau khi đã hoàn vốn tiền hạt giống và trả hết tiền công lao động cần thiết, rõ ràng là lớn hơn nhiều. Vì vậy, nếu như một pound (khoảng 450 gam) thịt của người bán thịt chưa từng bao giờ được giả định có giá trị hơn 1 pound bánh mì, thì sự dư thừa lớn này lại càng có giá trị lớn hơn nhiều ở bất cứ nơi nào và là một quỹ lớn cả về lợi nhuận cho người trại chủ và về tiền thuê cho người chủ đất. Hình như mọi nơi đều làm như vậy trong thời kỳ mở đầu hoang sơ của nền nông nghiệp.

Nhưng những giá trị so sánh (tương đối) giữa hai loại thực phẩm khác nhau này – bánh mì và thịt – là rất khác nhau ở vào những thời kỳ khác nhau của nền nông nghiệp. Vào thời kỳ hoang sơ ban đầu, những cánh đồng hoang chiếm phần lớn đất đai trong nước và thường chỉ để chăn thả súc vật. Do đó, thịt mọi loại vật thường có nhiều hơn lúa mì, cho nên bánh mì được đánh giá cao hơn nhiều so với thịt thời đó, và tất nhiên cũng được bán với giá cao nhất. Ở Buenos Aires (thành phố cảng của Argentina), ông Ullon cho chúng tôi biết rằng 40 hoặc 50 năm trước đây 4 real (tương được 21,5 penny) là giá thông thường của một con bò được tùy ý lựa chọn trong một đàn bò hai, ba trăm con. Ông này không nói gì về giá bánh mì, có thể vì ông ta thấy không có gì đặc biệt về giá mặt hàng này. Ông còn cho biết con bò giá chỉ cao hơn chút ít so với tiền công lao động bắt nó mà thôi. Nhưng muốn trồng trọt ngũ cốc thì đòi hỏi rất nhiều sức lực lao động bất kỳ ở đâu, và trên đất nước có con song Plate, thời ấy là con đường nối liền Châu Âu với các mỏ bạc ở Potosi, giá công lao động trả bằng tiền cũng không rẻ lắm. Khi mà công việc trồng trọt được mở rộng ra trên phần lớn đất nước, lúc đó có nhiều bánh mì hơn thịt. Cuộc cạnh tranh đã thay đổi chiều hướng, và giá thịt trở nên đắt hơn so với giá bánh mì.

Cùng với việc mở rộng trồng trọt ngũ cốc, những cánh đồng hoang vì không được chăm sóc đã không còn đủ cỏ cho việc chăn nuôi để cung cấp thịt cho mọi người. Một phần đất đai trồng trọt phải để dùng cho việc chăn nuôi và vỗ béo gia súc. Vì thế tiền bán gia súc phải đủ không những chỉ để trả tiền công chăn nuôi gia súc, mà cả tiền thuê trả cho chủ đất và tiền lãi cho chủ trại mà đáng lẽ ra chủ đất và chủ trại đã có thể thu được từ phần đất trồng trọt. Những súc vật nuôi trên những đồng hoang, khi mang đến chợ bán, cũng được bán theo cân nặng hoặc chất lượng như những súc vật nuôi trên đất màu mỡ dùng để trồng trọt. Những người chủ các đồng hoang đó lợi dụng tình hình này và nâng giá tiền thuê đất hoang của họ theo cùng tỷ lệ với gia súc vật nuôi của họ.

Chưa quá 100 năm trước đây, ở nhiều nơi trên cao nguyên xứ Scotland, giá thịt còn rẻ bằng hoặc rẻ hơn giá bánh mì làm bằng bột yến mạch. Nghiệp đoàn đã mở rộng thị trường nước Anh cho các gia súc nuôi ở vùng cao nguyên. Giá thịt súc vật thông thường hiện nay tăng lên khoảng ba lần cao hơn so với giá vào đầu thế kỷ, và tiền thuê đất ở vùng cao nguyên cũng được nâng lên ba hoặc bốn lần. Ở tất cả mọi nơi trên đất nước Anh, giá một pound thịt loại tốt nhất hiện nay thường cao hơn giá hai pound loại bánh mì trắng tốt nhất, và vào những năm nông nghiệp được mùa, một pound thịt đôi khi còn bằng ba hoặc bốn pound bánh mì.

Như vậy, chúng ta nhận thấy trong quá trình cải tạo đất đai, tiền thuê đất và tiền lợi nhuận của những bãi chăn nuôi không có sự chăm sóc được điều tiết trong một chừng mực nào đó bởi tiền thuê đất và lợi nhuận của những bãi chăn nuôi đã được chăm bón, và tiền thuê và lợi nhuận này lại được điều tiết bởi tiền thuê đất và lợi nhuận thu được từ đất nhập từ nước ngoài. Hà Lan hiện nay chính là loại nước nói trên, và một phần khá lớn của nước Italia cổ đại đã làm như thế trong suốt thời kỳ phồn vinh của người La Mã. Cụ Cato nói, như sau đó chúng tôi được Cicero truyền lại, cho người và súc vật ăn tốt là điều chính yếu và có lợi nhất trong việc quản lý ruộng đất tư hữu; cho người và súc vật ăn vừa phải là điều cần làm thứ yếu, và cho người và súc vật ăn không đầy đủ và quá thiếu thốn là điều thứ ba và tất nhiên là điều tồi tệ nhất. Quả thực việc cày cấy ở phần đất thuộc nước Italia cổ xưa nằm ở vùng lân cận Roma (La Mã) chắc hẳn đã bị thất vọng rất nhiều do sự phân phát ngũ cốc cho dân chúng, hoặc cho không, hoặc lấy theo giá rất thấp. Ngũ cốc này mang về La Mã từ các tỉnh bị chinh phục. Một số tỉnh, thay cho thuế, đã phải nộp một phần mười sản phẩm của mình theo giá quy định 6 penny một thúng. Do ngũ cốc với giá thấp được phân phối cho dân chúng, cho nên số ngũ cốc từ Latium, một vùng đất cổ xưa của La Mã, mang ra chợ bán không có người mua, và do đó không ai muốn cày cấy, trồng trọt ngũ cốc ở vùng đất đó.

Trong một vùng nông thôn rộng lớn, mà ở đó người ta chủ yếu trồng các loại ngũ cốc, thì tất nhiên một cách đồng cỏ được rào kín sẽ được thuê cao hơn bất kỳ một cánh đồng ruộng canh tác ngũ cốc nào ở gần đó. Đó là do người ta cần dùng cánh đồng cỏ đó để nuôi súc vật kéo sử dụng cho việc cày bừa, cho nên giá tiền thuê đất trong trường hợp này không chỉ tính theo giá trị riêng của cánh đồng cỏ mà còn tính cả tính hữu ích của cánh đồng cỏ đó đối với cánh đồng trồng ngũ cốc nữa. Cánh đồng cỏ có thể phải hạ giá cho thuê nêu như mọi khoanh đất trồng trọt xung quanh đó đều được rào kín hoàn toàn. Ở xứ Scotland hiện nay, tiền thuê một mảnh đất được rào kia là khá cao do hiếm có hàng rào vây quanh, nhưng chắc sẽ không kéo dài hơn sự khan hiếm hàng rào. Thật ra, hàng rào rất lợi cho việc chăn nuôi hơn là cho việc trồng trọt. Hàng rào bao quanh làm giảm bớt sức lao động trông coi gia sức, và hơn nữa, chúng cũng ăn tốt hơn khi chúng không bị canh gác và chó của anh ta quấy rầy.

Nhưng ở đầu không có lợi thế cục bộ kiểu đó, thì tất nhiên tiền thuê đất và lợi nhuận của ngũ cốc phải điều tiết tiền thuê và lợi nhuận của bãi chăn thả.

Việc sử dụng các loại cỏ trồng, các loại củ cải, cà rốt, cải bắp và các cách khác nữa mà giúp cho người ta nuôi được một số lượng lớn gia súc so với khi chỉ nuôi chúng bằng cỏ dại, có thể làm giảm giá thịt so với giá bánh mì. Có một vài lý do để tin rằng, ít nhất tại thị trường London, hiện nay giá thịt so với giá bánh mì thấp hơn khá nhiều so với đầu thế kỷ trước.

Trong bản phụ lục của cuốn Cuộc đời hoàng tử Henry, Tiến sĩ Birch đã kể lại tường tận các loại giá thịt mà vị hoàng tử đã thường xuyên phải trả. Trong đó đã nói rõ là 4 “chân” của con bò cân nặng 600 pound thường phải trả với giá 9 bảng 10 shilling hoặc gần như vậy, như thế là 100 pound thịt chăn bò có giá là 31 shilling 8 penny. Hoàng tử Henri mất ngày 5 tháng 11 năm 1612 khi mới 19 tuổi.

Tháng 3, 1764, nghị viện Anh mở một cuộc điều tra về nguyên nhân giá cả các loại lương thực, thực phẩm tăng cao vào thời bấy giờ. Trong số các bằng chứng được cung cấp để làm sáng tỏ vấn đề này, một người lái buôn ở Virginia đã nói rõ ràng ông ta cung cấp lương thực, thực phẩm cho các tàu biển của ông ta với giá 24 hay 25 shilling một trăm pound thịt bò mà ông ta coi là giá thông thường vào tháng ba năm 1763, trong khi đó năm sau, 1764 ông phải trả tới 27 shilling 100 pound thịt bò cùng loại. Giá khá cao năm 1764, tuy nhiên, vẫn còn rẻ hơn 4 shilling 8 penny so với giá thông thường mà Hoàng tử Henri đã phải trả, và đó là loại thịt bò tốt nhất có thể ướp muối để dành cho các chuyến đi biển xa.

Hoàng tử Henri đã phải trả penny cho 1 pound thứ thịt bò bao gồm cả xương ống, thịt bạc nhạc và thịt ngon tính đổ đồng, và theo cái mức đó, giá thịt loại ngon phải được bán rẻ ít nhất là 4,5 penny hoặc 5 penny một pound.

Trong cuộc điều tra do nghị viện Anh tiến hành năm 1764, những người làm chứng tuyên bố là giá loại thịt bò ngon nhất bán cho người tiêu dùng là 4 penny hoặc 4. ¼ penny một pound; và loại thịt bạc nhạc dính xương nói chung thì chỉ bán từ 7 đồng farthing (bằng ¼ penny) tới 2 ½ penny hoặc 2 ¾ penny. Theo họ nói, loại thịt này nói chung đắt hơn nửa penny so cùng với loại thịt đã được bán hồi tháng ba. Nhưng ngay cả cái giá cao này vẫn còn rẻ hơn nhiều so với giá bán lẻ vào thời của hoàng tử Henri.

Trong suốt 12 năm đầu của thế kỷ trước, giá trung bình loại lúa mì tốt nhất bán tại chở Windsor là 1 bảng 18 shilling 3 1/6 penny cho hai giạ (72 lít).

Nhưng trong 12 năm trước 1764, kể cả năm đó nữa, giá trung bình của 2 giạ lúa mì tốt nhất cũng tại chợ Windsor là 2 bảng 1 shilling 9 ½ penny.

Vì vậy, trong 12 năm đầu của thế kỷ trước, giá lúa mì rẻ hơn nhiều và giá thịt lại đắt hơn nhiều so với 12 năm trước năm 1764, kể cả năm sau đó nữa.

Tại tất cả các nước lớn, phần lớn đất đai trồng trọt đều được sử dụng để sản xuất thức ăn hoặc cho người hoặc gia súc. Tiền thuê đất và lợi nhuận của những loại đất này điều tiết tiền thuê và lợi nhuận của tất cả các loại đất canh tác khác. Nếu loại đất trồng loại cây khác mang lại ít hiệu quả thì loại đất đó tức thì được chuyển thành đất trồng ngũ cốc hay trồng cỏ làm thức ăn cho gia súc, và ngược lại, nếu hiệu quả hơn, thì một phần đất trồng ngũ cốc và trồng cỏ sẽ chuyển sang trồng loại cây này.

Những sản phẩm mà đòi hỏi phải có những chi phí lớn hơn lúc ban đầu để cải tạo đất hoặc những chi phí hàng năm lớn hơn cho việc cày cấy, trồng trọt để làm cho đất đai phù hợp với những sản phẩm đó, trong trường hợp cải tạo đất thường đem lại tiền thuê cao hơn, và trong trường hợp chi phí hàng năm thì đem lại số lợi nhuận lớn hơn so với trồng ngũ cốc hoặc trồng cỏ làm thức ăn cho gia súc. Tính trội về mặt này, tuy vậy, ít khi đạt tới một số tiền lời nhiều hơn mức hợp lý hoặc hơn mức đền bù cho những chi phí cao phải bỏ ra.

Trong một vườn trồng hoa bia[1], một vườn cây ăn quả hay một vườn rau, tiền thuê của chủ đất và lợi nhuận của chủ trại thường cao hơn so với đất trồng ngũ cốc hoặc đồng cỏ. Nhưng để cho loại đất này phù hợp với điều kiện này, người ta phải chi ra nhiều tiền hơn. Do đó, tiền thuê đất cũng cao hơn. Và cũng cần có tài năng về mặt quản lý. Do đó, lại phải có nhiều lợi nhuận hơn cho người chủ trại.

Thu hoạch hoa bia và hoa quả ở vườn cây cũng khá mong manh. Giá của sản phẩm này, ngoài việc đền bù mọi tổn thất thỉnh thoảng xảy ra, phải mang lại một số tiền lời giống như tiền lời bảo hiểm. Tình cảnh của người làm vườn cũng bình thường thôi, và điều đó cho thấy tài khéo léo của họ thường cũng chẳng được trọng thưởng quá mức. Nghề trồng vườn cây cảnh được rất nhiều người giàu có tiến hành để giả trí, cho nên những người chuyên kinh doanh nghề này chẳng còn lợi lộc nhiều lắm.

Mối lợi mà người chủ đất thu được từ những số tiền bỏ ra ban đầu để cải tạo đất hình như không bao giờ nhiều hơn là đủ để bù đắp lại những khoản chi phí đã bỏ ra. Trong nghề trồng trọt cổ xưa, sau vườn nho là vườn rau mà người ta cho là một bộ phận của trang trại có khả năng mang lại những sản phẩm có giá trị nhất. Nhưng Democritus, người đã viết về nghề trồng trọt 2000 năm về trước và đã được coi là một trong những người mở đầu cho nghề này, đã nghĩ rằng người nào rào vườn rau là hành động thiếu khôn ngoan. Ông ta cho rằng tiền lời thu được không đủ đền bù cho những chi phí rào giậu như xây một bức tường rằng bằng đá hay bằng gạch (ông có ý nói gạch nung bằng sức nóng của mặt trời) vì bức tường rào đó sẽ chẳng bao lâu bị mưa và giông bão làm nát vụn ra, và do đó luôn luôn phải sửa chữa. Columella, người đã cho mọi người biết về nhận định này, nhưng ông đưa ra một phương pháp rào giậu đỡ tốn kém hơn nhiều, đó là trồng xung quanh một hàng rào cây gai hay cây tầm xuân có gai, mà theo kinh nghiệm, ông cho rằng tốt cũng chẳng kém gì, vì hai loại cây này dùng làm hàng rào sẽ sống rất lâu và khó có ai chui qua được. Nhưng loại hàng rào bằng cây gai như vậy hình như chưa được biết đến vào thời Democritus. Palladius chấp nhận đề nghị nói trên của Columella vì loại hàng rào này đã từng được Varro nói đến trước đó. Theo sự nhận xét của những người cải tiến cổ xưa, một vườn rau chỉ mang lại một số sản phẩm mà giá trị chỉ hơn một ít so với chi phí cho các thứ giống cây trồng và công tưới nước, chăm bón. Người ta đã nghỉ đến vào thời đại cổ xưa là nên đào những mương nhỏ dẫn nước từ suối và vào các luống rau… Trên phần lớn Châu Âu, hiện nay người ta cho rằng một vườn rau không cần phải có một hàng rào tốt hơn loại hàng rào gai mà Columella đã đề nghị từ thời xa xưa. Ở Anh và một vài nước Bắc Âu, người ta cho rằng các loại quả ngon cần phải có hàng rào tốt, tức là phải xây tường để che chắn. Khi bán những loại quả ngon, người ta có đủ tiền để trả cho các khoản chi về xây dựng và bảo dưỡng bức tường rào. Bức hàng rào bằng cây ăn quả thường bao quanh vườn rau, và như thề vườn rau cũng được bảo vệ mà chẳng mất tí tiền nào.

Trong một trang trại, vườn trồng nho là một phần đáng giá nhất nếu vườn đó được trồng trọt và chăm sóc tốt. Vườn nho như vậy vẫn được coi là một thứ cần thiết không thể thiếu được trong nền công nghiệp thời cổ xưa cũng như hiện nay tại các nước sản xuất rượu vang. Nhưng trồng một vườn nho mới có lợi hay không lại là một vấn đề tranh luận giữa các nhà trồng trọt Italia thời cổ đại, như chúng tôi được Columella cho biết. Như một người thực sự yêu thích những cách trồng trọt đòi hỏi phải có sự tiềm hiểu tỉ mỉ, ông ta quyết định ủng hộ việc trồng vườn nho, và cố gắng đưa ra sự so sánh giữa lợi nhuận và chi phí để chứng minh đó là cách trồng trọt cải tiến có lợi nhất. Tuy nhiên, những loại so sánh như vậy giữa lợi nhuận và chi phí của các dự án mới thường là rất khó thực hiện theo ý muốn, và điều này lại càng đúng với nông nghiệp. Chắc rằng sẽ chẳng có gì để tranh luận nếu như việc trồng trọt như vậy mang lại tiền lời thực sự nhiều như ông nghĩ là phải như vậy. Vấn đề này ngày nay đang gây ra nhiều ý kiến trái ngược tại các nước sản xuất rượu vang. Nhiều tác giả ở các nước này thường viết về nông nghiệp đều có những ý kiến ủng hộ Columella về việc trồng các vườn nho. Ở Pháp các chủ vườn nho cũ rất lo lắng khi có ý kiến cản trở trồng các vườn nho mới; họ bày tỏ sự tin tưởng vào việc mở rộng việc trồng nho và cho rằng nghề trồng trọt này sinh lợi nhiều hơn so với nhiều nghề khác. Đồng thời cũng có ý kiến cho rằng lợi nhuận do trồng nho không thể tồn tại lâu hơn các đạo luật mà hiện nay đang hạn chế việc tự do trồng nho. Năm 1731, những người trồng nho đã nhận được lệnh của hội đồng quốc gia ngăn cấm việc trồng các vườn nho mới và hồi sinh các vườn nho cũ, do đó việc trồng mới các vườn nho đã bị ngừng lại trong hai năm, trừ khi có giấy phép riêng của nhà vua trong đó nhà chức trách tỉnh phải chứng nhận rằng ông ta đã xem xét đất đai và thấy đất này không thể trồng thứ gì khác ngoài nho. Lệnh này của nhà vua là do thời đó ngũ cốc và thức ăn gia súc rất khan hiếm, trái lại nho được trồng quá nhiều. Nhưng nếu thực sự có sự quá dư thừa thãi về nhà thì sẽ bị thu hẹp lại do lợi nhuận của nho bị giảm sút dưới tỷ lệ tự nhiên so với ngũ cốc và cô nuôi gia súc. Còn về sự khan hiếm ngũ cốc với lí do là trồng quá nhiều nho, thì không nơi nào ở Pháp ngũ cốc lại được trồng trọt, chăm bón tốt hơn các tỉnh sản xuất rượu vang, vì ở đó đất đai rất phù hợp cho việc trồng ngũ cốc, như ở Burgundy, Guienne và Languedoc Thượng. Nhiều người được khuyến khích trồng loại cây lương thực mà đang được thị trường đòi hỏi. Thật là một phương pháp không có một sự hứa hẹn tốt đẹp nào khi cắt giảm việc trồng nho để khuyến khích trồng ngũ cốc. Điều đó cũng chẳng khác gì chính sách khuyến nông, nhưng không khuyến khích công nghiệp phát triển.

Tiền thuê đất và lợi nhuận của loại sản phẩm, mà đòi hỏi số tiền chi phí ban đầu lớn hơn để cải thiện đất cho phù hợp với loại sản phẩm đó, hoặc đòi hỏi số tiền chi phí hàng năm lớn hơn cho công việc trồng trọt, mặc dù nhiều khi lớn hơn nhiều so với tiền thuê đất và lợi nhuận do việc trồng ngũ cốc và có nuôi gia súc, nhưng không lớn hơn là đủ đền bù các khoản tiền chi phí bỏ ra, trên thực tế được điều tiết bằng tiền thuê đất và lợi nhuận của những cây trồng phổ biến đó.

Đôi khi xảy ra trường hợp là số lượng đất đai có khả năng phù hợp với một loại sản phẩm riêng biệt nào đó là quá ít nên không thể đáp ứng nhu cầu thực tế. Toàn bộ sản phẩm có thể được bán cho những ai chịu trả cao hơn số tiền vừa đủ để trả tiền thuê đất, tiền công và tiền lời cần thiết để làm ra loại sản phẩm đó, tùy theo tỷ suất tự nhiên của các loại tiền đó hoặc theo mức mà các loại tiền đó được trả ở phần lớn trên các loại đất đai trồng trọt khác. Phần tiền dư của giá cả, sau khi đã thanh toán các khoản cải thiện đất và trồng trọt, trong trường hợp này, và chỉ trong trường hợp này mà thôi, thường có thể không chiếm một tỷ lệ cố định như số dư tương tự về ngũ cốc hay cỏ nuôi gia súc, mà có thể vượt quá tỉ lệ đó với bất kỳ mức nào, và phần lớn số tiền dư này dùng để trả tiền thuê cho chủ đất.

Tỷ lệ thông thường và tự nhiên giữa tiền thuê đất và lợi nhuận của rượu vang và tiền thuê đất và lợi nhuận của ngũ cốc và cỏ nuôi gia súc chỉ đúng đối với các vườn nho mà làm ra các loại rượu vang trung bình. Loại đất thông thường trong nước có thể cạnh tranh với những vườn nho như vậy chứ rõ ràng là không thể cạnh tranh với những vườn nho có chất lượng đặc biệt.

Phải công nhận, cây nho chịu ảnh hưởng của loại đất nhiều hơn bất kỳ loại cây ăn quả nào khác. Cây nho trồng trên một loại đất nào đó có thể có được một vị ngon hay mùi thơm đặc biệt mà không có cách trồng trọt hay cách quản lý nào trên loại đất khác có thể có được. Vị ngon này, có thật hay tưởng tượng ra như vậy, đôi khi chỉ đặc thù cho sản phẩm của một ít vườn nho, đôi khi đặc thù cho phần lớn của một vùng nhỏ và đôi khi tỏa ra một phần lớn đất đai của một tỉnh lớn. Toàn bộ số lượng loại rượu vang có mùi vị đặc biệt này khi đem ra thị trường bán thì không đủ để đáp ứng nhu cầu thực tế, hoặc nói cho đúng hơn là không đủ để bán theo giá bình thường bao gồm tiền thuê đất, lợi nhuận và tiền công lao động cần thiết để trồng trọt và chế biến thành loại rượu vang này, hay theo mức trả cho rượu vang được chế biến từ các vườn nho thông thường. Toàn bộ số rượu vang đặc biệt này có thể bán hết cho những ai đồng ý trả giá cao hơn giá mua các loại rượu vang thông thường. Mức độ chênh lệch giá là tùy thuộc tính thời thượng và sự khan hiếm của loại rượu nhỏ này, và vì thế các người mua sẵn sang trả giá cao hay thấp. Do giá cả thế nào đi chăng nữa thì phần lớn giá bán cũng thuộc về người chủ đất. Vì mặc dù các vườn nho như thế nói chung được trồng trọt, chăm bón kỹ càng hơn hầu hết các vườn nho khác, giá rượu vang cao hình như chủ yếu không phải là hậu quả mà là nguyên nhân của việc trồng trọt, chăm bón kỹ càng. Trong việc sản xuất loại sản phẩm quý này, tính cẩu thả lơ đễnh thường gây nên những tổn thất lớn, cho nên những người cẩu thả nhất cũng phải cố gắng làm việc hết sức thận trọng để tránh những sai sót. Một phần nhỏ của giá bán cao này cũng đủ để trả tiền công lao động hết sức đặc biệt dành cho loại sản phẩm này, và trả lợi nhuận của số tiền vốn khá lớn bỏ ra để sử dụng loại nhân công này.

Các khu trồng mía lớn của các nước Châu Âu ở Tây Ấn có thể so sánh với các vườn nho quý đó. Toàn bộ sản phẩm của các khu trồng mía lớn này không đủ để đáp ứng nhu cầu thực tế của Châu Âu và có thể bán cho những ai có khả năng trả cao hơn số tiền đủ để trà tiền thuê đất, lợi nhuận và tiền công cần thiết để trồng trọt, chế biến và mang ra chợ bán ở thị trường theo mức giá thường được trả như đối với các sản phẩm khác. Ở Nam kỳ, đường trắng tinh chế thường bán với giá 3 đồng (tiền Đông Dương cũ trước đây gọi là Piaster) một tạ Tây (100 kg), tính chuyển sang tiền Anh là 13 shilling 6 penny theo lời kể của ông Poivre, một nhà quan sát tỉ mỉ tình hình nông nghiệp của xứ này, trong cuốn “Cách chuyến đi biển của một nhà triết học”. Một tạ Tây nặng 150 đến 200 pound Paris, hay trung bình là 175 pound Paris, điều đó làm giảm giá tạ Anh (bằng 50,8 kg, ở Mỹ bằng 46,3 kg) xuống còn khoảng 8 shilling sterling, không bằng một phần từ số tiền thưởng phải trả cho loại đường nâu hay đường muxkavada nhập từ các thuộc địa cho chúng ta, và không bằng 1/6 số tiền trả cho loại đường trắng tinh chế. Phần lớn đất đai trồng trọt ở Nam Kỳ được sử dụng để sản xuất ngũ cốc và gạo, là loại lương thực thiết yếu của phần lớn dân chúng vùng này. Giá của ngũ cốc, gạo và đường được tính theo một tỷ lệ tự nhiên, hoặc tính theo tỷ lệ hiển nhiên tồn tại giữa các vụ thu hoạch khác nhau ở phần lớn vùng đất canh tác. Khi tính theo tỷ lệ này, thì số tiền thu được phải đủ đề bù đắp chi phí cải tạo đất đai của chủ đất và chi phí hàng năm cho công việc trồng trọt của chủ trại. Nhưng ở các khu trồng mía của chúng ta, giá đường không tính theo tỷ lệ như đối với gạo, hay ngũ cốc ở Châu Âu hoặc Châu Mỹ. Người ta thường nói rằng một người chủ đồn điền trồng mía hy vọng rằng rượu rum và mật mía có thể thanh toán toàn bộ chi phí về trồng trọt của ông ta, và đường phải là lợi nhuận thuần túy. Nếu điều này là đúng, vì tôi không có ỷ khẳng định điều này, người ta có thể cho rằng một chủ trại trồng ngũ cốc cũng có thể hy vọng thanh toán mọi khoản chi phí bằng rơm và trấu, và hạt ngũ cốc là lợi nhuận thuần túy. Chúng ta luôn luôn thấy có những hội các nhà buôn ở London và ở các thành phố thương mại khác mua những vùng đất bỏ hoang tại các khu trồng mía của chúng ta mà họ muốn cải tạo và trồng trọt để thu lợi nhuận thông qua những người quản lý và những người đại diện của họ, bất chấp khoảng cách xa xôi và tiền lời không có gì chắc chắn do thực thi luật pháp còn nhiều sai sót ở các nước đó. Không một ai tìm cách cải tạo và trồng trọt như vậy đối với những đất đai hết sức màu mỡ thuộc xứ Scotland, Ireland hoặc ở các tỉnh trồng ngũ cốc ở Bắc Mỹ, mặc dù để thực thi luật pháp nghiêm chỉnh hơn ở các nước đó, có thể đảm bảo các khoản tiền lời đều đặn hơn.

Ở Virginia và Maryland, người ta ưa chuộng trồng thuốc lá và coi việc đó sinh lợi nhiều hơn so với trồng ngũ cốc. Thuốc lá có thể trồng với khá nhiều lợi nhuận ở phần lớn Châu Âu, nhưng hầu như ở bất kỳ nơi nào thuốc lá vẫn là đối tượng đánh thuế chủ yếu. Thu thuế đánh vào việc trồng thuốc lá tại các trang trại trồng loại cây này trên khắp đất nước còn khó khăn hơn là đánh thuế thuốc lá khi nhập khẩu tại các cơ quan hải quan. Vì thế, việc trồng thuốc lá bị cấm một cách phi lý trên phần lớn Châu Âu, và như thế vô hình dung tạo thành một loại độc quyền cho các nước mà ở đó được phép trồng thuốc lá. Virginia và Maryland sản xuất số lượng thuốc lá lớn nhất và họ chia sẻ rộng rãi món lợi độc quyền này dù cho với cả những ai cạnh tranh với họ. Tuy nhiên, việc trồng thuốc lá hình như cũng không sinh lợi nhiều như trồng mía. Tôi chưa từng được nghe thấy nói về các đồn điền trồng thuốc lá được cải tạo và nâng cao kỹ thuật trồng trọt bằng tiền vốn của các nhà buôn ở Anh, và các khu trồng thuốc lá cũng không thấy những điền chủ giàu có như những chủ đồn điền trồng mía. Mặc dù ở các thuộc địa đó trồng thuốc lá được ưu tiên hơn là trồng ngũ cốc, hình như nhu cầu thực sự về thuốc lá ở Châu Âu cũng không được hoàn toàn thỏa mãn, và chắc là không được đáp ứng như nhu cầu về đường, và mặc dù giá thuốc lá hiện nay chắc chắn cao hơn là đủ để trả tiền thuê đất, tiền công lao động và tiền lời cần thiết để làm ra thuốc lá và đem ra bán ở thị trường theo như mức giá thường trả cho ngũ cốc, nhưng giá này không được cao hơn nhiều so với giá đường hiện nay. Các nhà đồn điền trồng thuốc lá của chúng ta vì vậy đã biểu thị sự lo lắng về tình hình quá dư thừa thuốc lá, cũng chẳng khác gì sợ lo sợ của chủ các vườn nho ở Pháp về tình hình quá dư thừa rượu vang vậy. Theo sự thỏa thuận chung, các chủ đồn điền đã hạn chế việc trồng thuốc lá xuống còn 6000 cây, với giả thiết sẽ sản xuất ra một nghìn cân lá thuốc cho một người da đen từ 16 đến 60 tuổi. Một người da đen với tuổi tác như thế, ngoài số lượng thuốc lá này, có thể trông nom trồng trọt thêm bốn mẫu Anh (khoảng 0,4 ha) ngô. Chúng tôi được tiến sĩ Douglas[2] cho biết (tôi nghi ngờ rằng ông nhận được những tin tức có phần không chính xác) là vào những năm được mùa, để tránh cho thị trường bị tràn ngập thuốc lá, người ta đã cho đốt đi một số lượng thuốc lá do mỗi người da đen sản xuất ra, cũng giống như trường hợp người Hà Lan đã làm đối với các loại gia vị. Nếu phải sử dụng đến các biện pháp mạnh như vậy để giữ giá thuốc lá, thì thế lợi của thuốc lá đối với ngũ cốc, nếu vẫn còn, chắc cũng không thể tiếp tục kéo dài được.

Chính bằng cách này mà tiền thuê đất canh tác, mà sản lượng của nó là lương thực cho con người, điều tiết tiền thuê đất của phần lớn đất canh tác khác. Không có một sản phẩm nào có thể duy trì lâu dài số tiền thu nhập kém hơn bình thường, vì như thế người ta tất yếu phải sử dụng đất đó vào một công việc khác sinh lợi hơn. Và nếu bất kỳ một thứ sản phẩm riêng biệt nào mang lại một số tiền thu nhập cao hơn, thì đó là vì số lượng đất dùng để sản xuất sản phẩm đó quá ít nên không đáp ứng nhu cầu thực tế của người tiêu dùng.

Ở Châu Âu, ngũ cốc là sản phẩm chủ yếu từ đất dùng để nuôi sống con người. Do đó, trừ những trường hợp đặc biệt, tiền thuê đất trồng ngũ cốc điều tiết tiền thuê các loại đất canh tác khác ở Châu Âu. Nước Anh không chút thèm muốn các vườn nho ở Pháp mà cũng chẳng màng tới các đồn điền ô liu ở Italia. Loại trừ những trường hợp đặc biệt, giá trị của các sản phẩm này sẽ được điều tiết bằng giá ngũ cốc mà đất đai màu mỡ ở Anh không thu kém nhiều so với hai nước kia.

Nếu ở bất kỳ nước nào, lương thực thực vật thông thường được ưa chuộng của dân chúng phải lấy từ một loại cây mà một loại đất bình thường nhất được trồng một loại cây giống hoặc gần giống như thế lại làm ra một sản lượng lớn hơn nhiều so với sản lượng của loại đất phì nhiêu nhất được trồng ngũ cốc, thì tiều thuê trả cho chủ đất, hoặc lượng lương thực thặng dư thừa về ông ta, sau khi trả tiền công lao động và hoàn lại số tiền vốn của người chủ trại cùng với số tiền lời thông thường của số vốn đó, tất yếu sẽ phải lớn hơn nhiều. Bất kể mức tiền công lao động thường được trả như thế nào ở nước đó, phần dư lớn này có thể nuôi được một số lao động nhiều hơn, và do đó, cho phép người điền chủ thuê mướn hay điều động một số người lao động nhiều hơn. Giá trị thực sự tiền thuê đất của ông ta, quyền lực và sức mạnh của ông ta và việc ông ta nắm giữ trong tay mọi thứ cần thiết và tiện nghi cho cuộc sống mà những người khác có thể cung cấp cho ông ta bằng sức lao động của họ, tất cả những thứ đó nhất định sẽ lớn hơn nhiều.

Một ruộng lúa sản xuất ra một số lượng lương thực nhiều hơn so với cánh đồng cùng diện tích màu mỡ nhất được trồng loại ngũ cốc khác. Hai vụ trong một năm với mỗi vụ sản xuất từ 30 đến 60 giạ lúa (đơn vị đo lường thể tích khoảng 36 lít để đong thóc) là sản lượng thông thường của một mẫu Anh (khoảng 0,4 ha). Mặc dù trồng lúa đòi hỏi nhiều sức lao động, nhưng số dư còn lại rất lớn sau khi thanh toán mọi chi phí lao động. Ở các nước trồng lúa gạo mà ở đó dân chúng sống bằng gạo, một loại lương thực mà họ quen dùng và ưa thích, phần lớn số sản lượng tăng thêm lại rơi vào tay địa chủ. Ở Carolina, cũng như ở các thuộc địa khác của nước Anh, nói chung các chủ đồn điền vừa là các chủ trại trồng trọt, vừa là địa chủ, cho nên tiền thuê đất thường lẫn lộn với tiền lời; việc trồng lúa mang lại nhiều tiền lời hơn so với trồng ác loại ngũ cốc khác dù ruộng lúa chỉ trồng có một vụ trong năm, và hơn nữa, theo tập tục của Châu Âu, gạo không phải là loại lương thực chính và ưa thích nhất của dân chúng.

Một ruộng lúa tốt luôn luôn lầy lội suốt năm, và trong một vụ lúa thường luôn luôn có nước. Do đó ruộng trồng lúa không thể trồng ngũ cốc khác hay trồng cỏ nuôi gia súc được, kể cả dùng để làm nơi trồng nho; nói chung, ruộng lúa không thích hợp với bất kỳ loại thực vật nào khác mà con người cần dùng, và các loại đất phù hợp với các loại ngũ cốc khác lại không thích hợp để trồng lúa. Vì vậy, ngay cả ở các nước trồng lúa, tiền thuê đất trồng lúa không thể điều tiết tiền thuê các loại đất canh tác khác mà không thể dùng cho việc trồng lúa.

Đất trồng khoai tây cũng không kém đất trồng lúa về mặt sản lượng, và còn tốt hơn đất trồng lúa mỳ nhiều. 12000 đơn vị trọng lượng khoai tây thu hoạch từ một mẫu Anh là một sản lượng không lớn hơn 2000 đơn vị trọng lượng lúa mì. Lượng thực hay chất dinh dưỡng đặc rút ra từ hai loại cây trồng này không hoàn toàn tỷ lệ với trọng lượng của chúng vì khoai tây chứa đựng nước nhiều hơn. Tuy nhiên nếu cho rằng một nửa số trọng lượng của khoai tây là nước, thì một mẫu Anh trồng khoai tây vẫn còn sản xuất được 6000 đơn vị, tức là gấp ba lần so với sản lượng của một mẫu Anh trồng lúa mì. Một mẫu Anh trồng khoai tây ít tốn kém về mặt chi phí so với việc trồng một mẫu Anh lúa mì. Nếu như khoai tây trở thành một loại lương thực thường dùng và được mọi người ưa thích như gạo ở các nước trồng lúa, và chiếm một tỷ lệ giống như đất đai được cày, bừa để trồng lúa mì và các loại hạt lương thực, thì vẫn số lượng đất đai đó có thể nuôi sống được nhiều người hơn, và người lao động sẽ thường ăn khoai tây để làm việc, phần dư lớn sẽ còn lại sau khi hoàn lại số tiền vốn bỏ ra và trả tiền công cho người lao động trồng trọt. Một phần số dư đó sẽ thuộc về người chủ đất. Dân số do đó sẽ tăng lên và tiền thuê đất cũng sẽ vượt giá trị hiên nay.

Loại đất thích hợp cho việc trồng khoai tây hầu như có thể dùng để trồng các loại rau có ích khác. Nếu khoai tây chiếm một tỷ lệ giống như đất trồng ngũ cốc hiện nay, chắc hẳn nó sẽ điều tiết tiền thuê đất của phần lớn các loại đất canh tác khác.

Tôi đã được nhiều người cho biết rằng ở một vài nơi tại Lancashire, bánh làm bằng bột yến mạch đối với dân lao động là một thứ lương thực được coi là ngon hơn bánh mỳ làm bằng bột mì và điều này được xác định ở nhiều nơi tại xứ Scotland. Tuy thế, tôi vẫn cảm thấy nghi ngờ về sự thật của câu chuyện trên đây. Những người dân thường ở xứ Scotland thường xuyên ăn bột yến mạch, nói chung họ không được khỏe mạnh và đẹp đẽ như người dân Anh chuyên ăn bánh bằng bột mỳ. Họ làm việc cũng không được nhanh, trông có vẻ mặt thì cũng không tươi tắn, và vì không có sự khác biệt như vậy giữa những người cao sang thuộc hai nước này, nên thực tế cho rằng lương thực của người dân thường xứ Scotland không phù hợp với thể chất con người như lương thực của người dân láng giềng cùng hoàn cảnh ở Anh. Nhưng vấn đề lại khác hẳn khi nói đến việc ăn khoai tây. Những người khiêng kiệu, phụ khuân vác ở London và phụ nữ có số phận hẩm hiu phải làm nghề đĩ điếm, những người đàn ông khỏe nhất và phụ nữ đẹp nhất ở các thuộc địa của Vương quốc Anh phần lớn là thuộc hàng ngũ những người thấp hèn ở Ireland mà họ thường chỉ quen ăn khoai tây mà thôi. So với khoai tây, không có loại lương thực nào có thể cung ấp chất dinh dưỡng nhiều hơn hay thích hợp hơn đối với sức khỏe của con người.

Thật khó mà để dành được khoai tây dùng cho cả năm, và không thể nào tích trữ khoai tây trong kho như thường làm đối với ngũ cốc trong hai hoặc ba năm liền. Chính vì sự lo lắng khó có thể bán hết khoai tây trước khi nó bị hư thối đã làm cho mọi người không thích trồng cây lương thực này. Đó cũng là trở ngại chính làm cho khoai tây không thể trở thành một loại lương thực thực vật chính của mọi tầng lớp dân cư như bánh mì, ở bất kỳ nước lớn nào.

PHẦN II

CÁC LOẠI SẢN PHẨM CỦA ĐẤT ĐÔI KHI MANG LẠI, VÀ ĐÔI KHI KHÔNG MANG LẠI TIỀN THUÊ.

Lương thực cho con người là một thứ sản phẩm duy nhất của đất mà nhất thiết và luôn luôn mang lại tiền thuê cho người chủ đất. Các loại sản phẩm khác đôi khi có thể và đôi khi không thể mang lại tiền thuê đất, tùy theo từng trường hợp khác nhau.

Sau lương thực, quần áo và nhà ở là hai thứ cần thiết nhất cho con người.

Trong thời kỳ hoang sơ ban đầu, đất có thể cung cấp các vật liệu cần thiết cho việc may mặc và làm nhà ở cho một số dân nhiều hơn là số dân được cung cấp thực phẩm. Vào thời kỳ phát triển hơn, đất đôi khi có thể nuôi sống một số người lớn hơn là số người mà nó có khả năng cung cấp nguyên vật liệu, trừ trường hợp con người cần loại vật liệu đó và chịu trả tiền để mua nó. Vì vậy, trong thời kỳ hoang sơ, có quá nhiều vật liệu, và vì vậy chúng không có hoặc có quá ít giá trị. Trong thời kỳ phát triển, các thứ vật liệu thường khan hiếm, và do đó giá trị của chúng tăng quá cao. Trong tình trạng đầu, phần lớn các vật liệu phải vứt bỏ coi như chẳng có chút giá trị nào cả, còn giá của loại vật liệu được sử dụng thì chỉ tính bằng tiền công lao động và chi phí gia công chúng để có thể sử dụng được mà thôi, vì thế chúng không mang lại tiền thuê cho chủ đất. Trong tình trạng sau, các vật liệu của đất được sử dụng hết, và nhu cầu về các vật liệu đó thường nhiều hơn là có thể đáp ứng. Một số người chịu trả giá cao hơn số chi phí sơ chế và đưa các vật liệu đó ra chợ bán. Do đó giá của các vật liệu này cung cấp một số tiền thuê nào đó cho người chủ đất.

Trước hết, da súc vật là các vật liệu đầu tiên được con người sử dụng làm quần áo che thân. Những người săn thú, những người chăn cừu sống chủ yếu bằng thịt các con vật họ săn hay nuôi được. Họ có đủ thịt để ăn, và hơn nữa, những loại da súc còn cho họ vật liệu đề làm một lượng quần áo nhiều hơn là họ thật sự cần dùng. Nếu không có ngoại thương thì phần lớn các loại da súc vật đó bị vứt bỏ như những thứ chẳng có chút giá trị. Đây chắc hẳn là trường hợp của các dân tộc đi săn ở Bắc Mỹ trước khi được người Châu Âu khám phá ra. Người Châu Âu buôn bán trao đổi với những thổ dân đi săn thú để lấy da súc vật, khi đưa cho họ chăn, súng đạn và rượu mạnh; do đó da thú trở nên có một ít giá trị. Trong hoàn cảnh buôn bán hiện nay trên thế giới, các dân tộc sống trong tình trạng hoang dã nhất, mà giữa họ với nhau đã được xác lập quyền sở hữu đất đai, vẫn có một ít quan hệ buôn bán với người ngoại quốc theo kiểu này. Họ thấy các dân tộc láng giềng giàu có hơn có nhu cầu về các loại da thú để may quần áo mà đất đai của họ có thể sản xuất ra mà chính họ chẳng cần dùng làm già cả, nên họ sẵn sàng bán các thứ vật liệu dư thừa kia cho các dân tộc láng giềng giàu có. Và như thế, người chủ đất bắt đầu thu được một số tiền thuê nào đó. Khi các loại gia súc ở các vùng cao nguyên được mổ và ăn thịt thì da của chúng được coi là mặt hàng xuất khẩu của nước đó, và những gì mà da thú đó trao đổi được mang lại thêm một số tiền thuê cho các chủ đất vùng cao nguyên. Lông cừu của Anh, vào thời xa xưa, cũng không thể chế biến và tiêu thụ tại trong nước mà phải bán cho xứ Flanders giàu có hơn, và một phần số tiền thu được dùng để trả tiền thuê đất chăn cừu. Ở những nước không có sự trồng trọt tốt hơn nước Anh thời xưa, hoặc không tốt hơn vùng cao nguyên xứ Scotland hiện nay, và không có các quan hệ buôn bán, trao đổi với người nước ngoài, thì phải hủy bỏ một phần lớn các vật liệu dùng cho việc may mặc, coi như những vật vô giá trị, và không có vật liệu mang lại tiền thuê cho chủ đất.

Các vật liệu xây dựng cồng kềnh không thể lúc nào cũng vận chuyển đi xa được, như vật liệu may mặc, cho nên không thể dễ dàng chuyển đối tượng buôn bán với nước ngoài. Khi các vật liệu này có quá nhiều ở trong một nước, thì thường xảy ra tình trạng, dù cho có sự buôn bán ở trên thế giới, là chúng cũng không mang lại một giá trị nào cho người chủ đất. Một mỏ đá tốt ở gần London chắc chắn sẽ mang lại một số tiền thuê lớn. Ở nhiều nơi thuộc xứ Scotland và xứ Wales một mỏ đá như thế cũng chẳng có giá trị gì cả. Gỗ dùng trong xây dựng có giá trị lớn ở những nơi đông dân cư, có ngành trồng trọt mạnh, và đất sản sinh ra cây gỗ mang lại cho chủ đất một số tiền thuê kha khá. Nhưng ở nhiều nơi tại Bắc Mỹ, các chủ đất rất biết ơn nếu ai đó giúp họ chuyển đi những cây lớn. Ở một vài nơi vùng cao nguyên xứ Scotland, chỉ có vỏ cây là có thể mang đến chợ bán, còn thân cây vì thiếu phương tiện giao thông, nên cứ để cho nó mục nát trên mặt đất. Khi các vật liệu làm nhà quá ư thừa thãi thì phần được sử dụng chỉ có giá trị bằng sức lao động và chi phí làm cho nó sử dụng được mà thôi. Nó chẳng mang loại tiền thuê cho chủ đất mà trong trường hợp này ai hỏi lại cho thuê ngay. Song, nhu cầu về vật liệu của các nước giàu có hơn đôi khi đem lại cho chủ đất một số tiền. Thành phố London cần lát đá mặt đường các phố, và do đó các chủ của các mỏ đá xứ Scotland đã có dịp bán được đá của họ và nhân được một số tiền mà trước đó họ chẳng bao giờ nghĩ tới. Các loại cây có sẵn rất nhiều ở Na Uy và mọc dọc theo bờ biển Baltic đã tìm thấy thị trường ở nhiều nơi trên đất Anh, mà không thể nào báo bán được tại chính đất nước sản sinh ra chúng, và như thế chúng mang lại tiền thuê cho chủ sở hữu các nơi trồng các loại cây đó.

Các nước thường có số dân tỷ lệ với mức lượng thực sản xuất ra để nuôi sống họ, chứ không tỷ lệ với các sản phẩm tạo ra cho họ các đồ may mặc và các vật liệu để làm nhà ở. Khi có đủ lương thực để tự nuôi sống thì rồi các thứ cần thiết khác như quần áo, nhà ở cũng sẽ dễ tìm kiếm được. Nhưng mặc dù các vật liệu may mặc và làm nhà đã có trong tay, nhiều khi cũng không dễ dàng gì kiếm cho ra lương thực. Ở một vài nơi tại các thuộc địa Anh, cái gọi là nhà có thể xây dựng xong bằng một ngày công lao động của một người. Những loại quần áo đơn giản nhất làm bằng lông thú cũng chỉ đòi hỏi mất nhiều công sức lớn hơn chút ít để gia công và may thành quần áo. Tuy nhiên, nó không đòi hỏi quá nhiều công sức như đối với sản xuất lương thực. Đối với những người sống thời hoang dã, họ chỉ cần 1/100 (hay hơn một chút) công sức lao động của một năm là đã đủ để có quần áo, nhà ở thỏa mãn phần lớn số dân. Còn họ phải dùng tới 99/100 số công lao động hàng năm của họ vào việc cung cấp cho bản thân các loại lương thực cần thiết cho cuộc sống.

Nhưng khi đất đai được cải tạo và phương pháp canh tác được cải tiến, thì sức lao động của một gia đình sản xuất đủ lương thực để nuôi sống hai gia đình và sức lao động của một nửa xã hội có thể cung cấp đủ lương thực cho mọi người trong xã hội đó. Một nửa xã hội còn lại, hay ít nhất một phần lớn của nửa đó, có thể được sử dụng để sản xuất ra các thứ vật dụng khác hay để thỏa mãn những nhu cầu và những sở thích, thị hiếu của loài người. Quần áo và nhà ở, các đồ dùng trang trí trong nhà và nhiều vật dụng cần thiết khác cho cuộc sống là những thứ mà con người cần có và muốn có tùy theo sở thích, thị hiếu của từng cá nhân.

Một người giàu có tiêu thụ lương thực không nhiều hơn một người nghèo ở trong vùng lân cận. Về chất lượng, lương thực của người giàu có thể khác xa với lương thực của người nghèo, và để chọn lựa, chế biến cũng đòi hỏi nhiều công sức lao động và tài nghệ hơn, nhưng về số lượng thì hầu như bằng nhau. Nhưng khi so sánh cái lâu đài khang trang, cái tủ đựng quần áo đồ sộ của người giàu với căn nhà tồi tàn, bộ quần áo rách nát của người nghèo, thì mọi người hiểu rõ ngay sự khác nhau quá xa về mặt nhà ở, quần áo và đồ dùng trong nhà giữa hai người cả về mặt chất lượng lẫn số lượng. Yêu cầu về thức ăn của mỗi người bị hạn chế bởi khả năng nhỏ bé của dạ dày, nhưng nhu cầu về các mặt tiện nghi và đồ cần thiết trong nhà, các đồ sang trọng, các đồ trang trí nội thất hình như không có sự hạn chế cũng như chẳng có ranh giới nào cả. Vì vậy, những ai có trong tay số lượng lương thực lớn mà họ chẳng thể nào tiêu thụ hết, thì họ luôn luôn sẵn sàng trao đổi phần lương thực dư thừa đó, hay, nói một cách khác, lấy số tiền ngang giá với số lượng thực dư thừa đó để mua các đồ vật khác làm cho họ vừa lòng. Những ham muốn và sở thích của con người thật là vô hạn độ. Người nghèo, để có đủ lương thực, cố gắng làm vừa lòng mọi sở thích đó của người giàu, và cũng để đạt được ý muốn đó của mình một cách chắc chắn hơn, người nghèo tìm mọi cách ganh đua với nhau để làm với giá rẻ và với sự hoàn hảo hơn đối với mọi công việc được giao phó. Số người lao động làm thuê tăng lên cùng với số lượng lương thực tăng hoặc cùng với việc cải tạo ruộng đất và cải tiến cách canh tác. Và do tính chất công việc làm đòi hỏi sự phân công lao động ngày càng tỉ mỉ hơn, số lượng vật liệu mà họ phải chế biến tăng lên rất nhiều so với số lượng công nhân. Từ đó nảy sinh ra yêu cầu phải có rất nhiều loại vật liệu, mà con người có thể nghĩ ra và sử dụng một cách hữu ích hoặc chỉ để trang trí trong xây dựng, may mặc, làm ra các đồ cần thiết, các đồ dùng gia đình, đó là chưa nói tới nhu cầu về những vật hóa thạch, các khoáng sản nằm trong lòng đất, các kim loại và đá quý.

Như vậy, lương thực không những là nguồn cơ bản của tiền thuê đất mà các sản phẩm khác của đất, mà về sau mang lại tiền thuê cho chủ đất, đều nhận một phần giá trị của mình từ việc cải tiến năng suất lao động để sản xuất lương thực bằng cách cải tạo và nâng cao hiệu quả của đất.

Song những sản phẩm khác của đất, mà về sau mang lại tiền thuê, không phải luôn luôn mang lại tiền thuê đất. Ngay cả ở những nước tiên tiến về mặt trồng trọt, nhu cầu về các sản phẩm khác của đất không phải bao giờ cũng lớn để mang lại một giá cao hơn mức cần thiết để trả tiền công lao động, thanh toán lợi nhuận thông thường của tiền vốn và hoàn lại số tiền vốn bỏ ra để đưa các mặt hàng đó ra thị trường. Cái giá đó cao hơn hay không là tùy theo những hoàn cảnh khác nhau.

Ví dụ, một mỏ than có khả năng mang lại tiền thuê cho chủ đất hay không một phần là do mỏ đó có nhiều than hay không, và một phần khác là do địa thế của nó.

Một cái mỏ bất kỳ loại nào có thể được xem là có trữ lượng lớn hay không là tùy theo số lượng khoáng sản mà có thể khai thác được từ mỏ đó bằng một lượng lao động nào đó, lớn hơn hay kém hơn có lượng khoáng sản được khai thác cũng bằng một lượng lao động tương đương ở phần lớn các mỏ khác cùng loại.

Một vài mỏ than tuy ở vào địa thế thuận lợi nhưng không khai thác được vì chúng chứa đựng quá ít khoảng sản. Sản lượng khai thác được không đủ bù cho chi phí sản xuất. Vậy, các mỏ đó không mang lại lợi nhuận và tiền thuê đất.

Có một vài mỏ mà sản lượng của chúng chi vừa đủ để trả công lao động và hoàn lại số tiền vốn bỏ ra để khai thác, cùng với số lợi nhuận thông thường của tiền vốn. Các mỏ đó mang lại một số tiền lời cho người khai thác, nhưng không mang lại tiền thuê cho chủ đất. Vậy, không ai có thể khai thác các mỏ đó có lợi hơn chính bản thân người chủ đất có mỏ đó. Người chủ đất này tự mình khai thác mỏ, thu được tiền lời thông thường của số tiền vốn bỏ ra để dùng cho việc khai thác. Nhiều mỏ than ở xứ Scotland đã được khai thác theo cách này, và không có cách khác làm tốt hơn được. Người chủ đất có mỏ than nằm trên địa phận đất đai của mình sẽ không cho phép bất kỳ ai khai thác mỏ than mà không trả một số tiền thuê nào đó, và cũng không một ai có khả năng trả bất kì khoản tiền thuê nào cho loại mỏ không sinh lợi như thế.

Nhiều mỏ khác trong cùng một nước, tuy có đủ trữ lượng nhưng lại không thể khai thác được vì lý do địa thế. Người ta có thể khai thác từ những mỏ này một lượng khoáng sản đủ đề trả mọi khoản chi phí cần thiết bằng một lượng lao động vừa phải, hoặc có thể còn ít hơn nữa là khác, nhưng vì các mỏ đó nằm sâu trong nội địa, lại ở vào những vùng dân cư thưa thớt, không có các đường giao thông thuận tiện như đường bộ hay đường thủy, nên dù có khai thác được, cũng không có khả năng đem bán được.

Than là một thứ nhiên liệu không được mọi người ưa dùng như củi và được xem là có hại cho sức khỏe khi dùng nó. Do đó dùng than thì nói chung rẻ hơn dùng củi.

Giá củi gỗ lại thay đổi tùy theo tình trạng nông nghiệp cũng như giá bán gia súc. Trong thời xa xưa, phần lớn đất mỗi nước đều được cây cối bao phủ, và do đó, người chủ đất khi thấy có quá nhiều cây, cho đó là một điều trở ngại cho họ, và bất kỳ ai muốn ngả 4 cây làm củi đều được chủ đất vui lòng cho phép. Khi nông nghiệp phát triển, rừng cây một phần bị chặt đốn đi để lấy chỗ cho trồng trọt, một phần bị các đàn gia súc phá hại. Được người chăm sóc và bảo vệ, đàn gia súc sinh sôi nảy nở rất nhanh. Nhiều đàn gia súc được thả trong các rừng cây. Chúng không phá hoại các cây lớn nhưng lại dẫm nát các cây nhỏ mới mọc, và trong vòng một hoặc hai thế kỷ, toàn rừng cây bị đổ nát, suy tàn. Cũng vì thế, gỗ trở nên khan hiếm và giá gỗ tăng lên. Rừng cây mang lại một tiền thuê khá lớn, và người chủ rừng cây đôi khi thấy trồng cây lấy gỗ là một việc làm khá sinh lợi, vì lợi nhuận thu lại được tuy có chậm, nhưng họ được đền bù bằng những món tiền lớn. Điều này vẫn còn là một vấn đề thời sự hiện nay trên đất Anh mà ở đó người ta thu lợi nhuận từ việc trồng cây cũng chẳng kém gì trồng ngũ cốc hay trồng cỏ nuôi gia súc. Ở các bờ biển của một nước tiên tiến, nếu than có sẵn để dùng làm nhiên liệu, thì đôi khi nhập gỗ xây dựng từ các nước chậm phát triển hơn sẽ rẻ hơn là tự trồng lấy gỗ để dùng. Ở thành phố Edinburgh mới được xây dựng một vài năm gần đấy, người ta không thấy có gỗ của xứ Scotland được sử dụng (Edinburgh là thủ phủ của xứ Scotland).

Dù cho giá gỗ là bao nhiêu, nếu giá than lên tới mức mà chi phí đun than cũng ngang chi phí đun củi, chúng ta có thể chắc chắn rằng ở nơi đó và trong những hoàn cảnh đó, giá than đã cao đến mức vượt bậc rồi. Người ta thấy tình hình này xảy ra ở một số nơi trong các vùng nội địa ở Anh, đặc biệt ở Oxfordshire mà ở đó thông thường người dân vẫn trộn than và củi để đun và sự khác nhau về giá cả của hai loại nhiên liệu này không nhiều lắm.

Than, khai thác tại các nước có mỏ than, được bán với giá thấp hơn nhiều. Nếu than không rẻ thì nó không thể chuyên chở bằng đường bộ hay đường thủy tới bán ở những nơi xa hơn. Chủ mỏ than thấy bán than với giá cao hơn giá rẻ nhất một ít nhưng với số lượng lớn thì lợi hơn là bán với giá cao nhất nhưng với số lượng nhỏ. Mỏ than có trữ lượng lớn nhất sẽ điều tiết giá bán than của các mỏ khác ở các vùng xung quanh.

Người chủ có mỏ than và người thuê mỏ than để khai thác đều thấy có lợi trong việc bán như vậy, vì một bên được tiền thuê mỏ cao hơn và một bên thì thu được nhiều lợi nhuận hơn. Các mỏ than lân cận buộc phải hạ giá than của họ xuống ngang giá với giá do mỏ than lớn nhất ấn định, mặc dù bán như thế họ không đủ khả năng để cạnh tranh, và đôi khi còn giảm cả số tiền thuê mỏ và số lợi nhuận thu được nữa. Một vài mỏ than phải bỏ khai thác; vài mỏ khác thì không có khả năng trả tiền thuê, cho nên chỉ chính người chủ có mỏ than mới có thể tự khai thác có lãi được.

Than có thể bán với giá thấp nhất trong bất kỳ thời gian nào, cũng giống như các loại hàng hóa khác, khi giá bán được tính vừa đủ để hoàn lại số tiền vốn bỏ ra để khai thác với một số tiền lời thông thường. Tại một mỏ than, mà người chủ mỏ không thu được tiền thuê và ông ta phải tự khai thác lấy, giá bán than thông thường là gần như giá bán này.

Tiền thuê mỏ, nếu như số than khai thác được có khả năng trả, thường chỉ là một phần nhỏ nhoi nằm trong giá của than so với giá của hầu hết các sản phẩm thô khác lấy được từ đất. Tiền thuê một mảnh ruộng thường chiếm tới 1/3 tổng sản lượng, và tiền thuê này thường là chắc chắn, bất chấp mọi sự thay đổi của mùa màng. Đối với các mỏ than, 1/5 của tổng sản lượng đã là một số tiền thuê rất lớn, 1/10 là tiền thông thường và rất ít khi chắc chắn thu được vì còn tùy thuộc vào những biến động về sản lượng khai thác được. Những biến động này lớn đến mức trong một nước, mà ở đó thuê trong 30 năm được coi là một giá trung bình đối với quyền sở hữu một điền sản, thuê trong 10 năm được xem là một giá hời đối với quyền sở hữu một mỏ than.

Giá trị của một mỏ than đối với người chủ sở hữu luôn luôn tùy thuộc địa thế của mỏ than đó cũng ngang như trữ lượng của nó. Giá trị của một mỏ kim loại lại tùy thuộc vào trữ lượng của nó nhiều hơn là vào địa thế của nó. Các kim loại quý hiếm, khi đã tách rời khỏi quặng, có một giá trị cho phép trả mọi khoản tiền vận chuyển dù cho xa đến đâu. Thị trường các kim loại quý không chỉ hạn chế trong phạm vi các nước láng giềng lân cận, mà còn mở rộng tới tất cả các nước trên thế giới. Kim loại đồng của Nhật Bản là một mặt hàng thương mại ở Châu Âu; sắt của Tây Ban Nha được bán ở Chile và Peru. Bạc của Peru không những bán ở Châu Âu mà còn từ Châu Âu xuất sang Trung Quốc.

Giá than ở Westmoreland hay Shropshire có ít tác động tới giá than ở Newcastle, và giá than ở Lionnois chẳng có một tác động nhỏ tới than ở các nơi khác. Sản lượng của các mỏ than ở những nơi xa xôi, không thể nào cạnh tranh với nhau được. Nhưng sản lượng của các mỏ kim loại ở những nơi xa xối nhất thường thường vẫn có thể cạnh tranh với nhau, và trên thực tế, sự thể đang là như vậy. Vì thế, giá của kim loại thô, và hơn nữa giá của các kim loại quý khai thác từ các mỏ có trữ lượng lớn nhất trên thế giới tất nhiên phải có ảnh hưởng nhiều hay ít tới giá của các kim loại tương ứng ở các nơi khác trên thế giời. Giá đồng của Nhật Bản chắc phải có tác động tới giá đồng tại các mỏ đồng ở Châu Âu. Giá bạc ở Peru, hoặc số lượng lao động hay các thứ hàng hóa khác mà nó có thể thuê hoặc mua được ở đó, chắc phải có ảnh hưởng tới giá bạc không những tại các mỏ bạc ở Châu Âu mà còn tại các mỏ bạc ở Trung Quốc nữa. Sau khi các mỏ ở Peru được tìm ra, các mỏ bạc ở Châu Âu phần lớn đã thôi không khai thác nữa. Giá trị của bạc giảm xuống đến mức không thể bù lại chi phí khai thác mỏ bạc. Tình trạng như vậy đã xảy ra với các mỏ ở Cuba, ở St. Domingo và ngay cả với các mỏ cũ của Peru, sau khi tìm thấy mỏ bạc ở Potosi.

Vì vậy, giá kim loại ở mỗi mỏ được điều tiết ở mức độ nào đó bởi giá kim loại đó ở mỏ có trữ lượng lớn nhất thế giới đang được khai thác. Giá đó, tại phần lớn các mỏ, chỉ thu được số tiền lớn hơn một ít so với mọi khoản chi phí khai thác và ít khi có thể trả được một số tiền thuê cao cho chủ sở hữu đất đai của mỏ. Do đó tiền thuê hình như ở phần lớn các mỏ chỉ chiếm một phần nhỏ trong giá bán kim loại thô, và một phần còn nhỏ hơn nữa trong giá bán các kim loại quý. Tiền công lao động và tiền lời chiếm phần lớn giá bán.

Một phần sáu của tổng sản lượng có thể được tính là tiền thuê trung bình của các mỏ thiếc ở Cornwall, một vùng mỏ có trữ lượng lớn nhất thế giới, như chúng tôi đã được ngài Borlace, phó giám thị khu khai thác mỏ thiếc cho biết. Ngài Borlace nói, một vài mỏ thiếc có thể mang lại một số tiền thuê lớn, còn một số khác lại không được như vậy. 1/6 tổng sản lượng cũng là tiền thuê đất của một vài mỏ chì có trữ lượng lớn ở xứ Scotland.

Tại các mỏ bạc ở Peru, như chúng tôi đã được các ông Frezier và Ulloa cho biết, người chủ sở hữu đất mỏ thường chỉ đòi ở người khai thác mỏ một sự tạ ơn là phải nghiền quặng tại nhà máy của ông ta và trả tiền công nghiền cho ông ta. Cho tới năm 1736, tiền thuế của vua Tây Ban Nha lên đến 1/5 số bạc chuẩn mà cho đến năm ấy có thể coi là tiền thuê đất mỏ thực sự của phần lớn các mỏ bạc ở Peru, nước giàu nhất thế giới. Nếu không có thuế thì 1/5 số bạc chuẩn tất nhiên đã thuộc về chủ sở hữu đất mỏ. Nhiều mỏ đáng lẽ ra đã có thể được khai thác, nhưng vào thời bấy giờ lại không thể khai thác nổi vì không thể đóng được số tiền thuế này. Công tước Corwall đánh thuế thiếc lên tới hơn 5%, hay 1/20 của giá trị, và dù cho thuế đó đánh như thế nào thì tất nhiên chủ sở hữu mỏ thiếc phải chịu, nếu như không phải chịu thuế thì phần đó tất nhiên trả cho chủ mỏ thiếc như tiền thuê đất mỏ vậy. Nhưng nếu cộng 1/20 với 1/6 người ta sẽ thấy là toàn bộ tiền thuê các mỏ thiếc trung bình ở Cornwall chỉ là 13 trên 12 so với tiền thuê trung bình các mỏ bạc ở Peru. Nhưng các mỏ bạc ở Peru bây giờ cũng không có khả năng trả số tiền thuê mỏ dù thấp này, và tiền thuế đánh vào bạc năm 1736 đã được giảm từ 1/5 xuống còn 1/10. Ngay cả số thuế này đánh vào bạc cũng làm cho mọi người bị cám dỗ buôn lậu bạc hơn là số tiền thuế 1/20 đánh vào thiếc. Buôn lậu kim loại quý tất nhiên dễ hơn các thứ hàng cồng kềnh. Vua Tây Ban Nha thu được rất ít tiền thuế, trái lại, công tước Cornwall thu được khá nhiều. Chắc hẳn là tiền thuê mỏ trong cấu thành giá thiếc tại các mỏ thiếc có trữ lượng lớn nhất chiếm một phần lớn hơn so với tiền thuê trong cấu thành giá bạc tại các mỏ bạc lớn nhất trên thế giới. Sau khi đã hoàn lại tiền vốn bỏ ra để khai thác các loại mỏ đó, cùng với tiền lời thông thường thu được, phần để lại cho chủ đất mỏ khi khai thác kim loại thô là lớn hơn khi khai thác kim loại quý.

Tiền lãi cho người nhận thầu khai thác mỏ bạc ở Peru cũng không được nhiều lắm. Các tác giả đáng kính nói trên đã cho chúng tôi biết thêm rằng bất cứ người nào nhận thầu khai thác một mỏ mới ở Peru thường được mọi người đánh giá là người dễ bị phá sản, và cũng vì thế, chẳng ai dám giao du với họ, nếu không nói là lảng tránh họ là đằng khác. Khai mỏ được xem như đánh xổ số mà những giải trúng không đền bù nổi những số tiền đã mất, nhưng nhiều người phiêu lưu đã bị cám dỗ và ném toàn bộ tài sản vào những dự án ít khi thành công như vậy.

Vị vua nước Peru thu được khá nhiều tiền cho ngân quỹ từ việc khai thác các mỏ bạc, cho nên luật pháp nước này luôn luôn khuyến khích việc tìm kiếm và khai thác các mỏ mới. Luật pháp ghi rõ, bất cứ ai tìm ra được một mỏ mới cũng được quyền đo lấy 246 phút (đơn vị đo chiều dài Anh bằng 0,3048m) theo chiều dài mà người đó cho là hướng đi của vỉa kim loại và 123 phút theo chiều ngang. Người tìm ra mỏ mới đó trở thành chủ sở hữu của phần đất này của mỏ và có thể khai thác mà không phải đền bù gì cho chủ đất. Công tước Cornwall lại đưa ra một luật lệ gần giống như vậy ở đất công tước này. Ở các vùng đất hoang vu và không có sự rào giậu, bất cứ người nào tìm ra một mỏ thiếc có thể đánh dấu giới hạn của mỏ mới đến một chừng mực nào đó, điều này được gọi là quyền quy định giới hạn mỏ. Người được quyền quy định giới hạn mỏ này trở thành người sở hữu thực sự mỏ mới này và có thể tự mình khai thác hay cho một người khác thuê để khai thác theo hợp đồng mà không cần phải có sự đồng ý của chủ đất, nhưng cũng phải đền bù cho người chủ đất đó một phần rất nhỏ tiền lời khi khai thác mỏ. Theo cả hai luật lệ này quyền tư hữu thiêng liêng đã bị hy sinh vì lợi ích của thu nhập công quỹ.

Ở Peru, nhà cầm quyền cũng khuyến khích việc tìm kiếm và khai thác các mỏ vàng mới, và nhà vua chỉ đánh thuế bằng 1/20 số kim loại chuẩn khai thác được. Trước đó, đã có lần đánh thuế 1/5 và sau đó 1/20 cũng như đối với bạc vậy, nhưng nhà vua thấy việc khai thác vàng rất công phu và tổn phí lớn cho nên hai cách đánh thuế như trên là quá nặng. Theo hai tác giả Frezier và Ullon, thật là hiếm thấy có người nào lại làm giàu bằng khai thác mỏ bạc và lại càng hiếm hơn nhiều đối với việc khai thác mỏ vàng. 1/20 này hình như là toàn bộ tiền thuê mà phần lớn các mỏ vàng ở Chile và Peru phải trả. Vàng là một thứ kim loại hiếm để buôn lậu hơn cả bạc, không những vì giá trị cao của kim loại này so với khối lượng nhỏ bé của nó, mà còn do cách đặc biệt mà vàng được thiên nhiên tạo ra. Bạc ít khi được tìm thấy ở thể tinh khiết mà cũng giống như các kim loại khác, thường thường bị khoáng hóa với những tạp chất khác, do đó không thể tách bạc ra khỏi các tạp chất khác với số lượng lớn để giảm chi phí, mà phải được tiến hành trong những xưởng lập nên vì mục đích đó, và do đó, dễ bị sự kiểm soát của các viên giám thị do nhà vua cử xuống theo dõi.

Trái lại, có thể tìm thấy vàng hầu như ở thể nguyên chất và đôi khi ở dưới dạng những cục có thể tích khá lớn. Vàng cũng nhiều khi pha trộn với những hạt rất nhỏ, với cát, đất và các vật lạ khác. Chỉ bằng những thao tác đơn giản ngắn gọn là vàng được tác ra khỏi các vật thể bám vào nó và như thế có thể tiến hành tại nhà riêng của bất kỳ ai có một chút ít thủy ngân. Vì vậy nếu nhà vua thu được ít tiền thuế đánh vào bạc, thì tiền thu thuế đánh vào vàng lại càng ít hơn nhiều, và tiền thuê đất mỏ trong cấu thành giá vàng chỉ chiếm một phần nhỏ hơn nhiều so với giá bạc.

Giá thấp nhất, mà theo đó các kim loại quý có thể bán, hay số lượng ít nhất các loại hàng hóa khác mà các kim loại quý có thể đổi được trong bất cứ một thời gian dài nào, thường được điều tiết bằng chính những nguyên tắc mà quy định giá thông thường thấp nhất của tất cả các loại hàng hóa khác. Số tiền vốn, mà thường được sử dụng, số lương thực, quần áo và nhà ở mà thường phải dùng đến để khai thác vàng bạc và đưa đến bán ở thị trường, các yếu tố đó quyết định giá bán các kim loại quý đó. Tất nhiên, giá bán phải đủ để hoàn lại số tiền vốn bỏ ra và mang lại số tiền lời thông thường.

Nhưng giá bán cao nhất của các kim loại quý hình như không nhất thiết bị chi phối bởi bất kỳ điều gì ngoài sự khan hiếm thực sự hay sự dồi dào của chính các kim loại quý đó. Bất kỳ loại hàng hóa nào khác cũng không thể quy định giá của các kim loại đó. Nếu nâng sự khan hiếm vàng tới một mức độ nào đó, thì một mẫu nhỏ nhất của nó cỏ thể trở nên quý hơn kim cương và có thể đổi lấy được một số lượng lớn hàng hóa khác.

Nhu cầu về các loại kim khí quý một phần là do dự hữu ích của chúng, một phần là do vẻ đẹp tuyệt vời của chúng dùng làm đồ trang sức. Trừ sắt ra, các kim loại quý này còn có nhiều ích lợi hơn bất kỳ kim loại nào khác. Vì các kim loại này ít bị han rỉ và rất tinh khiết, có thể dễ dàng giữ cho chúng được sạch sẽ. Các thứ đồ dùng làm bằng vàng bạc đặt trên bàn ăn hay trong nhà bếp được xem như vừa đẹp mắt vừa trang nhã và sạch sẽ hơn những thứ làm bằng đồng hay bằng thiếc. Giá trị chủ yếu của vàng bạc là do chúng đẹp, trang nhã, rất hợp với việc trang trí các quần áo và đồ dùng nội thất. Giát vàng làm cho đồ trang trí nổi bật lên hơn nhiều so với sơn hay nhuộm. Giá trị cái đẹp của vàng bạc tăng gấp đôi vì chúng là thứ kim loại hiếm. Đối với những người giàu có, không gì làm cho họ sung sướng hơn là phô bày những đồ đạc tiêu biểu cho sự giàu sang, sung túc mà chỉ riêng họ có được. Theo con mắt đánh giá của người giàu sang phú quý, giá trị của một đồ vật, dù nó có ích hay đẹp đến mức nào đi chăng nữa, còn phải là một đồ vật hiếm có và phải do nhiều công sức để thu nhập hoặc làm ra nó, và trừ họ ra, thì không người nào khác cỏ thể mua nổi đồ vật đó. Người giàu thích mua các đồ vật quý hiếm, ít người có, hơn là các đồ đẹp và có ích nhưng thông thường ai cũng có thể có được. Vậy, tính hữu ích, sự đẹp đẽ trang nhã và sự khan hiếm ít ai có là những nét cơ bản tạo nên giá cao của các kim loại quý đó hay của một số lượng lớn các thứ hàng hóa mà các kim loại quý đó ở đâu cũng có thể đốt được. Giá trị này của các kim loại là làm tiền đúc, và cũng chính phẩm chất này làm cho chúng thích hợp với việc đúc tiền. Tuy nhiên, việc sử dụng các kim loại quý để đúc tiền, bằng cách tạo ra một nhu cầu mới và giảm số lượng của chúng trong việc sử dụng vào các công việc khác, có thể về sau đã đóng góp vào việc giữ giá trị hoặc tăng thêm giá trị cho kim loại đó.

Nhu cầu về đá quý hoàn toàn xuất phát từ vẻ đẹp óng ả của chúng. Các loại đá quý chẳng có công dụng gì khác ngoài việc dùng làm đồ trang sức; và giá trị về vẻ đẹp của chúng lại càng được tăng thêm vì sự khan hiếm, khó tìm và chi phí khai thác chúng từ mỏ lên. Vì vậy, tiền công và lợi nhuận, trong hầu hết mọi trường hợp, cấu thành giá cao của các viên đá quý. Tiền thuê đất mỏ chỉ là một phần rất nhỏ, và nhiều khi chẳng có phần nào cả, và những mỏ có trữ lượng lớn nhất, chỉ mang lại số tiền thuê khá hơn một chút mà thôi. Khi Tavernier, một nhà kim hoàn nổi tiếng, đến thăm các mỏ kim cương ở Golconda và Visapour, ông được mọi người ở đó cho biết là nhà vua đã ra lệnh đóng cửa tất cả các mỏ kim cương trừ một vài mỏ có khả năng cung cấp các viên đá kim cương, lớn nhất và đẹp nhất. Những mỏ khác không đáng để chủ mỏ khai thác.

Do giá của các kim loại và đá quý được điều tiết trên toàn thế giới bằng giá của chúng được tính toán ở mỏ có trữ lượng lớn nhất, tiền thuê, mà mỗi loại mỏ này có khả năng trả cho chủ đất có mỏ, không tỷ lệ với trữ lượng tuyệt đối mà tỷ lệ với cái gọi là trữ lượng tương đối của mỏ hoặc tỷ lệ với mức ưu việt của mỏ để so với các mỏ khác cùng loại. Nếu những mỏ mới được tìm thấy còn tốt hơn những mỏ đang khai thác ở Potosi, như là những mỏ ở Potosi tốt hơn các mỏ ở Châu Âu, thì giá trị của bạc tất nhiên sẽ bị giảm xuống tới mức là cho những mỏ ở Potosi không đáng khai thác nữa. Trước khi tìm ra Tây Ấn thuộc Tây Ban Nha (các đảo nằm giữa đông nam Bắc Mỹ và đông bắc Nam Mỹ, vây quanh vùng biển Caribbean) những mỏ giàu quặng nhất ở Châu Âu có thể đã mang lại cho chủ đất có mỏ số tiền thuê lớn chẳng khác gì những mỏ giàu quặng nhất ở Peru hiện nay. Mặc dù số lượng bạc khai thác được ít hơn nhiều, nó đã có thể đổi lấy được một số lượng ngang giá các hàng hóa khác, và phần tiền thuê dành cho chủ sở hữu mỏ đã có thể giúp cho ông ta mua hay có trong tay một lượng lao động hay hàng hóa tương đương với số tiền thuê đó. Giá trị sản lượng và tiền thuê đất mỏ, số tiền thu nhập thực sự, mà chúng mang lại cho công quỹ và cho chủ sở hữu mỏ, có thể đã như nhau.

Những mỏ phong phú nhất về kim loại quý hay về đá quý đã mang lại thêm một ít của cải cho thế giới. Sản phẩm, mà giá trị của nó chủ yếu là do nó khan hiếm, nhất định sẽ giảm giá khi nó có nhiều. Một bộ đồ dĩa và các thứ trang trí có tính phù phiếm khác về quần áo, đồ dùng nội thất có thể được mua bằng một lượng lao động ít hơn, hay một lượng hàng hóa ít hơn, và trong việc này có phần đóng góp của tình trạng thừa thãi đó. Đối với các bất động sản nằm trên mặt đất thì sự thể lại khác. Giá trị của các sản phẩm do ruộng đất mang lại, kể cả tiền thuê nữa, tỷ lệ với khả năng sinh sản tuyệt đối, chứ không phải tương đối của đất đai. Đất đai sản sinh ra một số lượng nào đó về lương thực, vật liệu làm ra quần áo và nhà ở, thì chỉ có thể luôn luôn nuôi sống, cung cấp đồ ăn mặc và nhà ở cho một số người nhất định. Dù cho chủ đất được tiền thuê là bao nhiêu đi chăng nứa, số tiền đó cũng sẽ tạo ra những hàng hóa mà lượng lao động đó có thể cung cấp cho ông ta. Giá trị của những khu đất đai cằn cỗi không bị giảm màu mỡ. Trái lại, giá trị đó thường được tăng thêm do sự màu mỡ của đất đai xung quanh đó. Một số lớn người sinh sống trên những mảnh đất màu mỡ trở thành một thị trường cho các loại sản phẩm của đất bạc màu mà họ chẳng bao giờ thấy trong số những người được nuôi sống bằng sản phẩm của họ.

Bất kể cái gì làm tăng độ phì nhiêu của đất đai sản xuất lương thực, đều nâng cao giá trị đất đại đã được chăm bón tốt và đồng thời làm tăng thêm giá trị các loại đất đai khác bằng cách tạo ra nhu cầu mới cho các sản phẩm của các loại đất đại đó. Nhiều người có trong tay quá nhiều lương thực do cải tạo và nâng cao khả năng sinh sản của đất đai, nên có nhu cầu mua các kim loại và đá quý cũng như họ còn đòi hỏi phải có thêm tiện nghi trong cuộc sống và những quần áo may mặc đẹp, nhà ở rộng rãi và các thiết bị cần thiết đắt tiền. Lương thực không những là phần chủ yếu của mọi của cải trên thế giới mà nó còn mang lại phần lớn giá trị cho nhiều loại của cải khác. Những dân nghèo ở Cuba và St. Domingo, khi họ được những người Tây Ban Nha lần đầu tiên phát hiện ra, có thói quen đeo những mẫu vàng như đồ trang điểm trên tóc và quần áo. Họ coi chúng như chúng ta coi một vài thứ đá cuội có màu sắc và hình dáng đẹp, và họ không từ chối bất cứ người nào muốn xin các mẫu vàng đó. Họ sẵn sàng làm quà biếu cho vị khách mời quen biết theo lời yêu cầu của những người đó mà chẳng hề suy nghĩ rằng họ biếu cho các vị khách đó một món quà rất giá trị. Họ tỏ ra rất ngạc nhiên khi nhận thấy sự vui mừng quá đỗi của những người Tây Ban Nha nhận các mẫu vàng đó. Họ cũng chẳng hề biết rằng họ có những nước mà ở đó dân chúng có thừa thãi lương thực, mà đối với họ lại là thứ rất khan hiếm, rằng chỉ một số lượng rất nhỏ các đồ trang sức lòe loẹt, rẻ tiền theo suy nghĩ của họ lại có thể đổi lấy rất nhiều lương thực có thể nuôi sống cả gia đình họ trong nhiều năm. Nếu họ được biết lý do tại sao những người Tây Ban Nha lại ham chuộng các đồ trang sức của họ, chắc họ đã chẳng ngạc nhiên trước thái độ của các vị khách mới đến.

PHẦN III

NHỮNG BIẾN ĐỘNG VỀ TỶ LỆ GIỮA GIÁ TRỊ CỦA LOẠI SẢN PHẨM LUÔN LUÔN MANG LẠI TIỀN THUÊ ĐẤT VÀ GIÁ TRỊ CỦA LOẠI SẢN PHẨM ĐÔI KHI MANG LẠI VÀ ĐÔI KHI KHÔNG MANG LẠI TIỀN THUÊ ĐẤT

Do việc tăng khả năng sinh sản của đất bằng cải tạo đất và phương pháp canh tác, lương thực thu hoạch ngày càng dồi dào, và như thế làm tăng nhu cầu về các sản phẩm khác của đất mà không phải là lương thực, và có thể sử dụng có ích hoặc để trang trí. Trong toàn bộ quá trình cải tạo chất đất, có thể thấy là chỉ có một sự biến động về các giá trị so sánh của hai loại sản phẩm đó. Giá trị của loại sản phẩm, mà đôi khi mang lại và đôi khi không mang lại tiền thuê đất, luôn luôn tăng lên theo cùng tỷ lệ với loại sản phẩm luôn luôn mang lại số tiền thuê cho chủ đất. Do mỹ nghệ và công nghiệp phát triển, các vật liệu sử dụng cho việc may mặc, xây dựng nhà ở, các vật hóa thạch và các khoáng sản có ích trong lòng đất, các kim loại và đá quý sẽ dần dần càng ngày càng được một số lượng lương thực ngày càng lớn, và nói một cách khác, sẽ dần dần trở nên ngày một đắt hơn. Điều này đã là như vậy đối với hầu hết các đồ vật trong mọi trường hợp và chắc sẽ là như thế đối với tất cả các đồ vật trong tất cả các trường hợp, nếu những sự việc đặc biệt xảy ra trong một số trường hợp đã không làm tăng thêm mức cung cấp các đồ vật đó nhiều hơn nhu cầu cần thiết.

Ví dụ, giá trị một mỏ đá tất yếu sẽ được tăng thêm do có sự cải tiến quy trình khai thác và có thêm dân cư ở địa phương đến ở xung quanh đó, và nhất là khi mỏ đá đó là mỏ duy nhất của cả vùng này. Nhưng giá trị một mỏ bạc mặc dù không có một mỏ bạc nào khác trong vòng một nghìn dặm quanh đó, chắc chắn sẽ không tăng lên cùng với sự cải thiện tình hình nơi mỏ đó hoạt động. Thị trường tiêu thụ sản phẩm của mỏ đá thường thường tương xứng với các công việc xây dựng ở thị xã và số dân cư sinh sống ở đó. Nhưng thị trường tiêu thụ sản phẩm của một mỏ bạc có thể rộng lớn hơn nhiều, bao trùm khắp mọi nơi trên thế giới. Trừ khi toàn thế giới nói chung đều ngày càng phồn vinh thịnh vượng thì đó là một việc khác, nhưng nếu chỉ có một nước giàu ở gần nơi có mỏ bạc thì nhu cầu về bạc vị tất đã tăng lên rất nhiều. Ngay cả khi thế giời nói chung đều tiến lên và bước vào giai đoạn phồn thịnh thì cũng phải tính đến sự việc là trong quá trình phát triển đó, người ta sẽ còn tìm ra nhiều mỏ mới có trữ lượng lớn hơn nhiều, cho nên dù cho số cầu về bạc có tăng lên thì số cung cũng tăng lên nhiều hơn số cầu đó, do đó, giá của kim loại này có thể dần dần giảm xuống; điều này có nghĩa là một đơn vị trọng lượng của bạc chỉ thuê mướn được một số lao động nhỏ hơn trước, hoặc đổi được một lượng nhỏ hơn của ngũ cốc, nhu yếu phẩm của người lao động.

Thị trường rộng lớn đối với bạc lại thuộc tầng lớp thương mại và văn minh của thế giới.

Nếu do kết quả của sự phồn vinh chung, số cầu về mặt hàng này trên thị trường cũng tăng lên trong khi số cung lại không đủ để đáp ứng, thì giá bạc sẽ dần dần phải tăng lên theo với giá ngũ cốc. Bất kỳ một lượng bạc nhất định nào đó có thể đổi được một lượng ngũ cốc ngày càng lớn hơn, hay nói một cách khác, giá trung bình tính bằng tiền của ngũ cốc sẽ ngày càng rẻ hơn.

Ngược lại, nếu, vì một sự ngẫu nhiên nào đó, trong nhiều năm liền số cung tăng nhiều hơn số cầu, thì giá kim loại này ngày càng rẻ đi; hoặc nói một cách khác, giá trung bình tính bằng tiền của ngũ cốc, mặc dù có những cải tiến về mọi mặt, ngày càng đắt hơn.

Mặt khác, nếu số cung của kim loại này tăng gần như cùng tỷ lệ với số cầu, thì nó vẫn tiếp tục mua được hoặc đổi được gần như một lượng tương đương của ngũ cốc, và giá trung bình tính bằng tiền của ngũ cốc, mặc dù có những cải tiến về mọi mặt, vẫn gần như giữ nguyên.

Ba trường hợp trên đây cho chúng ta thấy mọi tổ hợp các sự kiện có thể xảy ra trong quá trình cải tiến và hoàn thiện, và trong bốn thế kỷ trước đây, nếu chúng ta có thể phán đoán qua những gì đã xảy ra ở Pháp và Anh, một trong các tổ hợp đó đã có thể xảy ra trên thị trường Châu Âu, và cũng gần như theo trình tự mà tôi đã trình bày.

NÓI THÊM VỀ NHỮNG BIẾN ĐỘNG VỀ GIÁ TRỊ CỦA BẠC TRONG 4 THẾ KỶ QUA

THỜI KÌ THỨ NHẤT

Năm 1350 và trước đó một khoảng thời gian nào đó, giá trung bình của một góc tạ (khoảng 12,70 kg) lúa mì ở Anh không kém hơn 4 ounce (đơn vị đo lường Anh bằng 0,28 gam) bạc, tính theo trọng lượng Tower, bằng khoảng 20 shilling tiền Anh hiện nay. Từ giá đó, chúng ta có thể thấy là giá một góc tạ đã dần dần tụt xuống còn 2 ounce bạc, (bằng 10 shilling theo giá tiền tệ hiện nay) vào đầu thế kỷ thứ 16 và tiếp tục giữ vững cho tới năm 1570.

Năm 1350, năm thứ 25 thời trị vì của vua Edward III, đã ban bố Bản điều lệ về những người lao động. Ngay trong phần mở đầu của bản điều lệ này, người ta đã thấy những lời ca thán về sự hỗn xược của đầy tớ vì họ đã tìm mọi cách đòi chủ phải tăng lương. Bản điều lệ này qui định rằng tất cả những người đầy tớ và người lao động phải chấp nhận, từ nay trở đi, số tiền công và chế phục (quần áo cấp phát cho những người hầu các nhà quyền quí; vào thời đó chế phục là quần áo cộng thêm lương thực) mà họ đã quen nhận từ năm thứ 20 thời trị vì của nhà vua, và theo như cách đó, thì số lúa mì được cấp phát không được tính giá cao hơn 10 penny một giạ Anh (khoảng 36 lít), và chủ được quyền lựa chọn trả hàng lúa mì hay bằng tiền. 10 penny một giạ Anh lúa mì, do vậy, vẫn được xem là một giá rất vừa phải vào năm thứ 25, thời vua Edward III, vì phải ban hành một bản điều lệ đặc biệt bắt buộc những người đi ở phải chấp nhận giá đó thay thế cho số lương thực (lúa mì) mà chủ cấp phát cho họ, và giá này đã được công nhận là giá phải chăng 10 năm trước đây hoặc vào năm thứ 16 thời nhà vua này. Nhưng vào năm thứ 16 thời vua Edward III 10 penny chứa đựng khoảng nửa ounce bạc, theo trọng lương Tower, và ngang với gần nửa curon tiền hiện nay (1 curon bằng 5 shilling). Do vậy, 4 ounce bạc, theo trọng lượng Tower, bằng 6 shilling 8 penny tiền tệ thời đó, và gần bằng 20 shilling theo giá tiền tệ hiện nay. Và 4 ounce được xem là giá vừa phải đối với hai giạ Anh.

Bản điều lệ này chắc chắn là một bằng chứng tốt hơn về cái được coi là giá vừa phải của lúa mì vào thời đó so với giá trong một vài năm đặc biệt nào đó mà các nhà viết sử hay các nhà văn ghi nhận là đặc biệt đắt hoặc đặc biệt rẻ, và do đó khó mà phán đoán được giá thông thường là bao nhiêu. Ngoài ra, còn có những lý do khác nữa để tin rằng vào đầu thế kỷ thứ 14 và một thời gian trước đó nữa, giá chung của lúa mì không kém hơn 4 ounce bạc một góc tạ Anh (bằng 12,7 kg) và cũng là giá của các loại ngủ cốc tương đương khác.

Năm 1309, đức ông Ralph de Born, trưởng tu viện St. Augustine, Canterbury, đã thiết tiệc nhân dịp nhận chức, và ông William Thorn đã giữ lại không những bản kê thực phẩm mà còn cả giá các món ăn đặc biệt nữa. Trong bữa tiệc đó đã sử dụng trước hết là 53 góc tạ Anh lúa mì, trị giá 19 bảng Anh, hay 7 shilling 2 penny một góc tạ,bằng khoảng 21 shilling, 6 penny theo giá tiền của chúng ta ngày nay; thứ hai là, 58 góc tạ Anh mạch nha trị giá 17 bảng 10 shilling, hoặc 6 shilling chúng ta; thứ ba là, 20 góc tạ Anh yến mạch, trị giá 4 bảng, hoặc 4 shilling một góc tạ, bằng khoảng 12 shilling theo giá tiền hiện nay. Giá của mạch nha bà yến mạch hình như ở đây có cao hơn tỷ lệ bình thường của hại loại lương thực này so với giá lúa mì.

Những giá trị trên đây không có ý nói về tình trạng đắt đỏ hay rẻ rúng mà chỉ ngẫu nhiên kể đến, vì có liên quan đến một bữa tiệc lớn sử dụng một số lương thực lớn.

Năm 1262, dưới triều đại vua Henry III, đã được khôi phục lại bản điều lệ Giá quy định của bánh và rượu bia mà nhà vua đã nói rõ ở phần mở đầu là điều lệ quy định giá này được ban bố từ thời tổ tiên của nhà vua. Bản điều lệ này ít nhất đã xuất hiện dưới thời ông của nhà vua Henry II. Bản điều lệ này điều chỉnh giá bánh mỳ tùy theo giá lúa mì biến động từ 1 đến 20 shilling vào thời đó. Nhưng các bản điều lệ qui định giá thuộc loại này thường chú ý đến những sai lệch so với giá trung bình, khi giá hạ hơn hay giá cao hơn giá trung bình. Vì vậy, 10 shilling, mà chứa đựng 6 ounce bạc theo trọng lượng Tower, và bằng khoảng 30 shilling theo thời giá ngày nay, theo sự giả định này, đã được coi là giá trung bình một góc tạ Anh lúa mì khi bản điều lệ này được ban bố đầu tiên, và chắc là tiếp tục như vậy cho đến năm thứ 51 thời vua Henry III. Vì thế, chúng ta không thể nhầm lẫn nhiều, khi giả định rằng giá trung bình tất phải không ít hơn 1/3 giá cao nhất mà theo đó bản điều lệ này đã điều chỉnh giá bánh mì, hoặc 6 shilling 8 penny tiền thời đó, chứa đựng 4 ounce bạc theo trọng lượng Tower.

Vì vậy, từ các sự việc khác nhau này chúng ta có lý do để kết luận rằng vào giữa thế kỷ thứ 14, và một thời gian khá dài trước đó nữa, giá trung bình hay giá thông thường một góc tạ Anh lúa mì tất phải không kém hơn 4 ounce bạc theo trọng lượng Tower.

Từ giữa thế kỷ thứ 14 cho đến đầu thế kỷ thứ 16, giá mà vẫn thường được coi là hợp lý và vừa phải, nghĩa là giá trung bình hoặc thông thường của lúa mì đó, dần dần tụt xuống chỉ còn khoảng một nửa giá ban đầu mà thôi, tức là khoản 2 ounce bạc trong lượng Tower, bằng khoảng 10 shilling theo giá tính hiện nay. Giá này tiếp tục được giữ y như vậy cho đến năm 1570.

Trong quyển gia phả của triều đại vua Henry do bá tước thứ năm xứ Northumberland viết năm 1512, thời đó có hai cách đánh giá lúa mì khác nhau. Theo một cách thì lúa mì được tính với giá 6 shilling, 8 penny một góc tạ Anh; theo cách thứ hai thì giá đó chỉ là 5 shilling 8 penny. Vào năm 1512, 6 shilling 8 penny chỉ chứa đựng có 2 ounce bạc theo trọng lượng Tower, và bằng khoảng 10 shilling theo giá tiền hiện nay.

Kể từ năm trị vì thứ 25 của vua Edward III cho đến đầu triều đại nữ hoàng Elizabeth, trong một khoảng thời gian hơn 200 năm, 6 shilling 8 penny vẫn tiếp tục được coi là giá vừa phải và hợp lý, tức là giá trung bình hoặc thông thường của lúa mì. Tuy nhiên, số lượng bạc chứa đựng trong số tiền danh nghĩa đó tiếp tục giảm sút trong khoảng thời gian đó, vì có một số thay đổi về hàm lượng bạc trong các đồng tiền đúc. Nhưng giá trị của bạc tăng đã đền bù lại mức giảm về hàm lượng trong số tiền danh nghĩa tương ứng mà cơ quan lập pháp đã không coi là cần phải chú trọng tới tình tiết này.

Vì vậy, năm 1436 nhà nước đã ra chỉ thị rằng lúa mì có thể mang xuất khẩu không cần có giấy phép khi giá thấp đến mức 6 shilling 8 penny, và năm 1463 lại có lệnh của nhà cầm quyền cấm nhập khẩu lúa mì, nếu giá lương thực này ở trong nước không vượt qua 6 shilling 8 penny một góc tạ Anh. Cơ quan lập pháp cho rằng khi giá đã hạ tới mức đó thì không có điều gì trở ngại trong việc cho phép xuất khẩu, nhưng nếu giá lên cao hơn thì nên thận trọng cho phép nhập khẩu lúa mì. Do đó, 6 shilling 8 penny chứa đựng một số lượng bạc ngang với 13 shilling 4 penny tiền hiện nay của chúng ta (ít hơn 1/3 so với hàm lượng bạc mà vẫn số tiền danh nghĩa ấy đã chứa đựng dưới triều đại vua Edward III) và vào thời đó đã được coi là giá lúa mì vừa phải và hợp lý.

Năm 1554, vào năm thứ nhất và thứ hai triều đại vua Philip và hoàng hậu Mary, và năm 1558, vào năm thứ nhất thời hoàng hậu Elizabeth, lúa mì bị cấm xuất khẩu cũng theo như quy định nói trên mỗi khi giá một góc tạ Anh lúa mì vượt quá 6 shilling 8 penny, số tiền này lúc đó không chứa đựng lượng bạc trị giá cao hơn 2 penny so với vẫn số tiến danh nghĩa ấy hiện nay. Nhưng các nhà cầm quyền đã nhận ra rằng hạn chế xuất khẩu lúa mì cho đến khi giá đã hạ thấp như vậy, trên thực tế cũng như cấm hoàn toàn việc xuất khẩu. Năm 1562, vào năm thứ năm triều đại nữ hoàng Elizabeth, xuất khẩu lúa mì đã được tiến hành tại một số thương cảng mỗi khi giá một góc tạ Anh không quá 10 shilling, mà chứa đựng hầu như cùng một lượng bạc mà số tiền danh nghĩa tương đương hiện nay chứa đựng. Bởi vậy, giá này vào thời đó được coi như giá vừa phải và hợp lý của lúa mì. Giá đó hầu như phù hợp với sự đánh giá trong cuối gia phả Northumberland năm 1512.

Ở Pháp, giá trung bình của thóc lúa vào cuối thể kỷ thứ 15 và đầu thế kỷ thứ 16 cũng đã giảm thấp hơn nhiều so với hai thế kỷ trước. Điều này đã được ông Dupre de St. Maur và tác giả xuất sắc viết bài tiều luận về phương pháp khống chế giá thóc lúa khẳng định. Giá thóc lúa trong cùng thời kì này chắc là đã tụt xuống một cách tương tự trên phần lớn Châu Âu.

Giá trị của bạc tăng lên hầu như nói ở trên để cân xứng với giá ngũ cốc, có thể hoặc là do nhu cầu về kim loại này tăng vì đời sống được nâng cao, trong khi đó cũng vẫn y nguyên như trước, hoặc là do nhu cầu vẫn giữ nguyên như trước, những lượng cung bị giảm sút vì thời đó phần lớn các mỏ trên thế giới hầu như cạn kiệt, và do đó chi phí khai thác mất nhiều hơn, hoặc có thể do kết hợp cả hai bối cảnh trên. Và cuối thể kỷ thứ 15 và đầu thế kỷ thứ 16, phần lớn Châu Âu tiến gần đến một hình thức cai trị ổn định hơn so với các thể kỷ trước. An ninh được đảm bảo, và như thế làm cho sản xuất phát triển và đời sống được cải thiện, và nhu cầu về các kim loại quý hiếm cũng như về các đồ trang trí xa xỉ tăng lên khá nhiều cùng với việc tăng thêm sự giàu có. Sản phẩm lưu thông hàng năm ngày càng nhiều đòi hỏi một số lượng lớn tiền kim loại đúc dùng cho việc buôn bán, trao đổi. Các nhà giàu ngày càng có nhu cầu mua các bộ đồ ăn (thìa, nĩa, bát, dĩa,…) làm bằng vàng, bạc và các đồ trang trí bằng bạc. Cũng thật là điều tự nhiên là phần lớn các mỏ dùng cho việc cung cấp bạc cho thị trường Châu Âu đang trên đà cạn kiệt sau một thời gian dài khai thác, và hơn nữa, chi phí cho công việc khai khoáng càng ngày càng tốn kém hơn trước vì, như chúng ta đã biết, nhiều mỏ đã được khi khác từ thời người La Mã thống trị.

Phần lớn các tác giả viết về giá cả hàng hóa thời cổ xưa đều cho rằng từ thời kỳ Chinh phục, có lẽ là từ thời kỳ xâm lược của Julius Caesar cho đến khi tìm ra các mỏ ở Châu Mỹ, giá trị của bạc luôn luôn giảm. Ý kiến này của họ một phần là dựa vào những nhận xét mà họ đã có dịp đưa ra về giá của các loại ngũ cốc và các sản phẩm thô khác của đất, và một phần là xuất phát từ ý kiến của dân chúng cho rằng khi số lượng bạc tất nhiên ngày càng tăng ở mỗi nước cùng với số của cải ngày càng nhiều hơn trước, thì giá trị của bạc tất yếu phải giảm đi.

Trong những nhận xét của họ về giá ngũ cốc, có 3 trường hợp hình như đã đưa họ đến chỗ sai lầm:

Thứ nhất, ở vào thời đại cổ xưa mọi giá thuê ruộng đất đều phải trả bằng hiện vật, tức là trả bằng một số lượng nào đó ngũ cốc, gia súc, gà vịt… Đôi khi cũng xảy ra trường hợp địa chủ quy định là họ có quyền quyết định đối người thuê mướn ruộng đất hàng năm phải trả hoặc bằng hiện vật hoặc bằng một số tiền thay cho số hiện vật đó. Giá mà theo đó số hiện vật chuyển thành tiền, ở xứ Scotland được gọi là giá chuyển đổi. Vì địa chủ có quyền lựa chọn lấy hiện vật hay lấy tiền, người thuê ruộng đất, để đảm bảo an toàn cho bản thân, đòi giá chuyển đổi phải thấp hơn giá trung bình tại thị trường chứ không được cao hơn. Do đó, ở nhiều nơi, nó thường không hơn nhiều qua ½ giá này. Tiếp tục về giá chuyển đồi này vẫn còn được tiếp diễn ở phần lớn xứ Scotland đối với gia cầm, và ở một vài nơi đối với gia súc. Cách chuyển đổi giá này lẽ ra cũng đã được áp dụng đối với ngũ cốc, nếu không có thể chế định giá thuê đất hàng năm là cho sự chuyển đổi đó chấm dứt. Hàng năm, theo như bảng quy định giá bánh mì, rượu, có sự định lại giá trung bình của tất cả các loại ngũ cốc và đánh giá các mặt hàng lương thực về mặt chất lượng theo đúng như giá thị trường ở mỗi tỉnh. Thể chế này làm cho người thuê ruộng đất được khá an toàn về mặt chuyển đổi và cũng thuận tiện cho địa chủ khi muốn chuyển số tiền thuê nộp bằng ngũ cốc theo định giá mỗi năm chứ không tính theo một gia cố định nào. Nhưng nhiều tác giả khi thu lượm giá cả về ngũ cốc thời cổ xưa, thường lầm lẫn mà ở xứ Scotland gọi là giá chuyển đổi với giá thị trường. Ông Fleetwood đã có một lần nhận là mình có sự sai lầm trong vấn đề nay. Tuy nhiên khi ông viết cuốn sách của ông ta, vì một lý do nào đó, mãi đến khi ghi chép lại giá chuyển đổi này tới 15 lần ông mới thấy phải xác nhận sự sai lầm này. Giá này là 8 shilling một góc tạ Anh lúa mì. Số tiền này vào năm 1423, năm ông ta bắt đầu ghi nhận giá chuyển đổi này, chứa đựng một số lượng bạc ngang với 16 shilling theo giá hiện nay. Nhưng nằm 1562, năm mà ông ta chấm dứt việc ghi nhận giá chuyển đổi, thì số lượng bạc chứa đựng trong số tiền nói trên không nhiều hơn số lượng bạc chứa trong số tiền danh nghĩa tương ứng hiện nay.

Thứ hai, các tác giả đó còn bị sai lầm do cách làm luộm thuộm mà đôi khi những người sao chép lười biếng ghi lại các bảng giá quy định thời xưa và đôi khi là do sơ suất của cơ quan lập pháp lúc đó.

Những đạo luật thời cổ xưa về quy định giá bánh mì và giá rượu bia phải như thế nào khi giá lúa mì và lúa mạch ở mức thấp nhất và sau đó dần dần tiến hành quy định giá hai thứ thực phẩm đó sẽ phải như thế nào khi giá của hai loại lúa đó tăng dần lên so với giá thấp nhất. Nhưng những người ghi chép các đạo luật về quy định giá cả này hình như cho rằng cũng đủ khi ghi chép bằng quy định giá nhiều lắm là ba hoặc bốn giá thấp nhất đầu tiền, do đó họ đỡ mất công và còn cho rằng, tôi giả định như vậy, việc làm này là đủ để biết được tỷ lệ cần thiết mà suy ra các giá cao hơn.

Như vậy, trong giá quy định của bánh mì và rượu bia dưới triều đại vua Henry III giá bánh mì đã được điều chỉnh theo nhiều giá lúa mì khác nhau, từ một shilling tới 20 shilling một góc tạ Anh theo giá trị đồng tiền thời bấy giờ. Nhưng trong các bản viết tay, mà từ đó các bảng quy định giá được xuất bản nhiều lần, trước khi bản của ông Ruffhead được in, những người sao chép không bao giờ ghi lại sự điều chỉnh này quá giá 12 shilling. Do đó, một vài tác giả, do bị hiểu lầm bởi cách ghi chép như vậy, tất nhiên kết luận rằng giá ở giữa, hay 6 shilling một góc tạ Anh, bằng khoảng 18 shilling theo giá tiền hiện nay, là giá trung bình và thông thường của lúa mì vào thời đó.

Trong điều luật của Tumbrel và Pillory, ban hành gần như vào khoảng thời gian đó, giá rượu bia luôn luôn được điều chỉnh theo mỗi lần lúa mạch tăng 6 penny, từ 2 đến 4 shilling một góc tạ Anh. Việc 4 shilling, tuy vậy, không được coi là giá cao nhất mà lúa mạch thường có thể lên đến vào thời bấy giờ, và các giá này chỉ đưa ra làm ví dụ về tỷ lệ mà theo đó có thể tính tất cả các giá khác, dù cao hơn hay thấp hơn, chúng ta có thể suy ra từ câu cuối cùng của điều luật này “et sic deinceps crescetur vel diminuetur per sex denarios”. Tuy câu cuối này viết rất luộm thuộm nhưng ý nghĩa trong đó lại khá rõ ràng, đó là “Rằng giá rượu bia theo cách này phải tăng hay giảm tùy theo giá lúa mạch tăng hay giảm 6 penny mỗi lần”. Trong việc thảo ra điều luật này, người ta thấy pháp luật cũng khá lỏng lẻo và có nhiều điều sơ xuất cũng chẳng khác chi sự cẩu thả của những người sao chép các điều luật khác.

Trong một bản chép tay cổ xưa hơn của Regiam Majestatem, một quyển sách luật của xứ Scotland, có một điều luật quy định giá bánh mì và rượu bia, trong đó giá bánh mì được điều chỉnh theo mọi thời giá khác nhau của lúa mì, từ 10 penny tới 3 shilling một boll Scotland, bằng khoảng nửa góc tạ Anh. Ba shilling Scotland vào thời mà điều luật quy định giá bánh và bia này được ban hành thì bằng khoảng 9 shilling sterling (đồng bảng Anh) theo giá tiền hiện nay. Từ sự việc này ông Ruddiman hình như đã kết luật rằng 3 shilling là giá cao nhất mà lúa mạch đã đạt tới vào thời đó, và rằng 10 penny, 1 shilling hay nhiều nhất 2 shilling, là giá thông thường. Tuy nhiên, khi nghiên cứu bản viết tay, người ta thấy rõ ràng rằng tất cả các giá này chỉ đưa ra như những ví dụ về tỷ lệ, mà người ta cần phải tính đến khi so sánh giữa giá bánh và giá lúa mì. Những chữ cuối cùng của điều luật này là: “reliqua judicabis secundum proescripta habendo respectum and pretium bladi” (câu này có nghĩa: Chúng ta phải phán đoán các trường hợp còn lại theo cách đã được viết trên đây, khi có mối liên quan với giá ngũ cốc).

Thứ ba, những người đó còn mắc sai lầm bởi giá rất thấp mà đôi khi lúa mì được mang bán vào thời xa xưa đó, và họ chắc đã nghĩ rằng do giá lúa mì thấp nhất thời cổ xưa còn thấp hơn nhiều so với thời sau đó nữa, cho nên giá thông thường chắc còn phải thấp hơn nhiều. Tuy nhiên, họ cũng có thể thấy rằng vào các thời cổ xưa đó, giá cao nhất cũng như giá thấp nhất đã phải cao hơn hoặc thấp hơn so với một thứ gì đó mà mọi người đều biết rõ trong các thời kỳ sau đó. Chẳng hạn, năm 1270, Fleetwood đã đưa ra hai giá cho một góc tạ Anh lúa mì. Một giá là 4 bảng 16 shilling theo giá tiền thời bấy giờ, bằng 14 bảng 8 shilling theo giá tiền thời nay. Không có một giá nào được biết vào cuối thế kỷ thứ 15, hoặc vào đầu thế kỷ thứ 16 là gần với hai giá quá cao này. Giá ngũ cốc, mặc dù luôn luôn có sự biến động, chỉ thay đồi nhiều nhất trong các xã hội hỗn loạn và mất trật từ mà ở đó mọi sự buôn bán và giao thông bị ngừng trệ và gián đoạn đến mỗi nơi có dư thừa thóc lúa không thể mang đến nơi khan hiếm được. Trong tình trạng rối loạn, mất trật tự ở Anh dưới triều đại của dòng họ Plantagenets đã trị vì nước Anh từ khoảng giữa thế kỷ thứ 12 đến cuối thế kỷ thứ 15, người ta nhận thấy vùng này thì dồi dào và sống qua ư đầy đủ, trong khi một vùng khác không xa đó nhiều, do mùa màng thất bát hoặc do thiên tai, hỏa hoạn, hoặc do sự xâm lấn của một nam tước lân cận nào đó, có thể đành phải cam chịu mọi sự khủng khiếp của nạn đói, và nếu giữa hai vùng này là đất đai của một lãnh chúa thù địch, thì vùng này chẳng có thể nào giúp vùng kia được dù chỉ tí chút đi chăng nữa. Dưới chính quyền hùng mạnh của dòng họ Tudors trị vì nước Anh từ nửa sau của thế kỷ thứ 15 cho tới hết thế kỷ 16, không có một vị nam tước nào có đủ quyền lực dám gây rối tình hình an ninh công cộng.

Bạn đọc sẽ tìm thấy ở phần cuối chương này mọi giá cả của lúa mì do Fleetwood thu nhập từ năm 1202 đến năm 1597 (bảng cuối chương - chú thích trang 295), giá được quy đổi về tiền tệ hiện nay và sắp xếp theo trình tự thời gian, chia thành 7 phần, mỗi phần là 12 năm. Ở cuối mỗi phần, bạn đọc sẽ thấy giá trung bình của 12 năm thuộc phần đó. Trong thời gian dài đó Fleetwood chỉ có thể thu nhập được giá cả của 80 năm, ở đó phải cần thêm 4 năm nữa để lập thành 12 năm cuối cùng. Lấy từ các bản tính toán của trường đại học Eton, tôi đã thêm vào giá của các năm 1598, 1599, và 1601. Đó là một đoạn thêm duy nhất mà tôi đã làm. Bạn đọc sẽ thấy từ đầu thế kỷ thứ 13 đến giữa thế kỷ thứ 16, giá trung bình của mỗi giai đoạn 2 năm dần dần càng ngày càng hạ, và đến cuối thế kỷ thứ 16, giá lại bắt đầu nhích lên. Những gì mà Fleetwood thu nhập được là những giá có tính chất đặc biệt là hết sức đắt hoặc hết sức rẻ, và tôi không hy vọng rút ra từ đó bất kỳ một kết luận chắc chắn nào cả. Tuy nhiên, nếu các giá đó cho thấy một điều gì đó, thì đó là chúng xác nhận lý do mà tôi đang cố gắng giải thích. Tuy thế, Fleetwood tự bản thân ông ta, cũng như hầu hết các tác giả khác, đã tin tưởng rằng trong suốt thời kỳ nay, giá trị của bạc, do ngày càng có nhiều hơn, đã luôn luôn bị giảm sút. Các giá ngũ cốc mà ông ta đã thu nhập được chắc hẳn không phù hợp với ý kiến này, mà hoàn toàn phù hợp với ý kiến của ông Dupre de St. Maur là hai tác giả, với sự cần mẫn và tính trung thực cao, đã thu thập được giá các vật phẩm thời cổ xưa. Thật là một điều kỳ lạ, mặc dù ý kiến của hai ông rất khác nhau, Những tìm tòi của hai ông, ít nhất cũng là về giá ngũ cốc, có những trùng hợp đáng kể.

Tuy nhiên, những tác giả có đầu óc suy xét thận trọng nhất đã suy luận giá trị to lớn của bạc trong thời cổ xưa (trước khi đế quốc La Mã tan rã) không chỉ từ giá rẻ của ngũ cốc mà chủ yếu từ giá rẻ của những sản phẩm thô khác sinh ra từ đất. Người ta đã nói rằng ngũ cốc là một thứ do sản xuất mới có, và vì thế, trong thời cổ xưa nó đắt hơn nhiều so với phần lớn các thứ hàng hóa khác, nghĩa là so với phần lớn các thứ không phải do sản xuất mà có, như súc vật, gia cầm, các loại chim muông cầm thứ sống trong rừng… Giá các thứ này tất nhiên phải rẻ hơn ngũ cốc trong cái thời còn nghèo đói và man rợ. Nhưng tình trạng rẻ rúng của các thứ đó không phải là hậu quả của giá trị cao của bạc, mà là do giá trị thấp của các thứ hàng hóa đó. Không phải vì bạc vào thời cổ xưa có thể đổi lấy một lượng lao động lớn hơn, mà chính vì những sản phầm hàng hóa như vậy chỉ có thể đổi lấy một lượng lao động ít hơn so với thời kỳ phồn vinh, thịnh vượng. Bạn chắc hẳn phải rẻ hơn ở các nước Châu Mỹ thuộc Tây Ban Nha so với ở Châu Âu. Bạc tất nhiên phải rẻ hơn ở chính nước mà nó được khai thác hơn là ở những nơi mà nó được đưa đến bán sau khi đã phải chịu cước phí và tiền bảo hiểm chuyên chở qua biển và trên đất liền. Ông Ulloa đã cho biết rằng không nhiều năm lắm trước đây thôi, ở Buenos Aires, giá một con bò đực chọn từ một đàn từ một trăm đến bốn trăm con là 21 penny rưỡi sterling. Ông Byron kể, giá một con ngựa tốt ở thủ đô Chile là 16 shilling sterling. Tại một nước có đất đai tự nhiên màu mỡ nhưng phần lớn là bỏ hoang, không cày cấy trồng trọt, thì các loại súc vật, gia cầm … có thể chăn nuôi với rất ít lao động, do đó chỉ bán với giá rất thấp. Giá tiền thấp trả cho súc vật, chim muông không phải là bằng chứng cho thấy rằng giá trị thực tế của bạc ở đó rất cao, mà chính là giá trị thực tế của các loại hàng hóa đó rất thấp mà thôi.

Cần phải luôn luôn nhớ rằng sức lao động, chứ không phải một thứ hoặc một nhóm hàng hóa riêng biệt nào khác, là thước đo thực sự đối với giá trị của cả bạc lẫn các loại hàng hóa khác.

Ở các nước mà đất đai còn ở trong tình trạng hoang dã hoặc có rất ít cư dân, thú vật, chim muông đủ các loại … là những sản phẩm sẵn có trong thiên nhiên, cho nên thường có nhiều hơn là nhu cầu tiêu thụ của con người. Trong tình trạng như vậy cung thường vượt xa cầu. Vì vậy, trong các tình trạng xã hội khác nhau, trong những giai đoạn phát triển khác nhau, những loại hàng hóa như vậy sẽ đổi lấy hoặc tương đương với các lượng lao động rất khác nhau.

Trong mỗi trạng thái của xã hội, trong mỗi giai đoạn phát triển, ngũ cốc là sản phẩm lao động của con người. Sản lượng trung bình do lao động của con người làm ra, với độ chính xác nào đó luôn luôn đáp ứng mức tiêu dùng trung bình, tức là mức cung trung bình đáp ứng mức cầu trung bình. Ở mỗi giai đoạn phát triển khác nhau, việc trồng trọt một số lượng ngũ cốc ngang nhau trên một vùng đất như nhau, với khí hậu như nhau, thì , tính trung bình, sẽ đòi hỏi một số lượng lao động gần ngang nhau, và do đó, giá cũng phải cân xứng với số lượng lao động gần ngang nhau. Việc giá gia súc tăng lên vì chúng là công cụ chính trong nông nghiệp. Theo như sự phân tích nói trên, chúng ta có thể tin chắc rằng những lượng ngũ cốc bằng nhau trong mỗi tình trạng xã hội, trong mỗi giai đoạn phát triển, phải ngang giá với những lượng lao động bằng nhau hơn là với các lượng bằng nhau của các sản phẩm thô khác của đất. Do vậy, người ta đã nhận xét là ngũ cốc, dù ở bất kỳ giai đoạn phồn vinh và phát triển nào, vẫn là thứ thước đo giá trị chính xác hơn bất kỳ loại hàng hóa nào khác. Trong các giai đoạn khác nhau đó, chúng ta có thể xét đoán tốt hơn giá trị thực sự của bạc bằng cách so sánh nó với ngũ cốc hơn là so sánh nó với bất kỳ loại hàng hóa nào khác.

Ngoài ra, ngũ cốc là một thứ lương thực thực vật thông thường và được ưa chuộng của dân chúng ở bất kỳ một nước văn minh nào, và là phần lương thực chủ yếu để nuôi sống người lao động. Do mở rộng sản xuất nông nghiệp, đất đai sản sinh ra lương thực thực vật với số lượng lớn hơn nhiều so với lương thực động vật, và người lao động ở bất kỳ nơi nào đều sinh sống chủ yếu bằng thứ lương thực lành mạnh, rẻ và dồi dào này. Thịt chỉ chiếm một phần không đáng kể trong bữa ăn của họ; gia cầm cũng rất ít thấy trong bữa ăn, còn thịt thú săn thì không thấy bao giờ. Ở Pháp và ngay cả ở xứ Scotland mà ở đó người lao động được trả công có phần nào khá hơn ở Pháp, người lao đông nghèo cũng thỉnh thoảng mới ăn thịt và họ thường dùng thịt vào các dịp lễ tết và trong những trường hợp đặc biệt mà thôi. Giá công lao động trả bằng tiền tùy thuộc chủ yếu vào giá ngũ cốc là thứ lương thực thiết yếu của người lao động, chứ không dựa vào giá thịt hay một thứ sản phẩm thô nào khác của đất. Giá trị thực tế của vàng bạc, tức là lượng lao động thực sự mà chúng có thể đổi lấy được phần lớn tùy thuộc vào số lượng ngũ cốc mà chúng có thể đổi lấy được, chứ không phải vào số lượng thịt hoặc bất kỳ thứ sản phẩm thô nào khác lấy ra từ đất.

Những nhận xét nhẹ nhàng như vậy về giá ngũ cốc và các hàng hóa khác chắc sẽ chẳng gây nên sự hiểu lầm cho các vị tác giả thông minh nếu như họ không bị ảnh hưởng bởi ý kiến thường có trong dân chúng cho rằng số lượng bạc tất nhiên tăng lên ở mỗi nước cùng với sự gia tăng mọi của cải, như thế giá trị của bạc tất nhiên phải giảm sút, khi số lượng của nó ngày càng nhiều lên. Tuy thế, quan điểm như vậy hình như hoàn toàn không có cơ sở.

Số lượng các kim loại quý có thể tăng ở bất cứ nước nào do hai nguyên nhân khác nhau: trước hết do việc tìm ra và khai thác ngày càng nhiều mỏ để cung cấp cho tiêu dùng, và sau đó do việc dân chúng ngày càng giàu vì có hàng năm sản xuất ra càng nhiều sản phẩm lao động. Nguyên nhân thứ nhất chắc chắn có liên quan với việc giảm giá trị của các kim loại quý, nhưng nguyên nhân thứ hai thì chẳng có mối liên quan nào cả với việc giảm giá trị các kim loại quý.

Khi nhiều mỏ với trữ lượng lớn được phát hiện ra, một số lượng lớn kim loại quý được mang ra thị trường, mà số lượng vật phẩm tiêu dùng cho đời sống và các thứ tiện nghi khác, mà kim loại quý đó có thể đổi lấy, vẫn y nguyên như trước, thì một lượng kim loại quý bây giờ chỉ đổi được một lượng hàng hóa ít hơn. Do đó số lượng kim loại quý tăng lên ở một nước do tìm ra và khai thác được nhiều mỏ hơn trước, tất yếu liên quan đến giá trị của chúng bị giảm sút.

Trái lại, khi của cải một nước tăng lên và sản phẩm lao động ở nước đó càng ngày càng có nhiều hơn, thì cần thiết phải đúc một số lượng lớn đồng tiền bằng kim loại để giúp cho việc lưu thông hàng hóa. Dân chúng khi có trong tay nhiều hàng hóa để bán lấy tiền, tất nhiên sẽ mua một số lượng lớn các đồ dùng bằng vàng, bạc. Họ có trong tay nhiều đồng tiền đúc bằng kim loại hơn vì đó là điều cần thiết, nhưng nếu họ mua nhiều đồ dùng bằng vàng, bạc thì đó là do tính kiêu căng, hợm mình, muốn tỏ ra ta đây là người giàu sang phú quý hơn người. Họ muốn mua nhiều loại đồ vật xa xỉ khác nữa, các bức tượng, bức tranh đẹp và các thứ đồ quý hiếm mà người khác không có. Các nhà điêu khắc, nặn tượng, các họa sĩ vào thời kỳ phồn vinh, thịnh vượng thường kiếm sống dễ dàng hơn là vào thời kỳ suy thoái và nghèo đói, vì thể vàng bạc cũng được giá hơn.

Giá vàng, bạc tất nhiên tăng lên cùng với sự giàu có của mỗi nước nếu như sự phát hiện và khai thác các mỏ vàng bạc mới không đủ làm cho nó bị quá ưu thừa thãi, do đó bất luận tình hình các mỏ mới đó như thế nào, vàng bạc ở một nước giàu luôn luôn vẫn được đắt giá hơn là ở một nước nghèo. Vàng, bạc cũng giống các loại hàng hóa khác, thường tìm thị trường mà ở đó nó được trả giá cao nhất. Lao động là giá cơ bản trả cho các loại hàng hóa. Ở các nước mà ở đó lao động được trả công xứng đáng, giá lao động trả bằng tiền sẽ cân xứng với mức đủ nuôi sống người lao động. Nhưng vàng bạc ở một nước giàu có thường được trả giá cao hơn là ở một nước nghèo. Nếu hai nước ở cách xa nhau nhiều, sự khác nhau về giá vàng bạc có thể khá lớn, vì mặc dù kim loại quý thường được mang từ nước nghèo tới nước giàu, túc là từ một thị trường có sức tiêu thụ kém đến một thị trường có sức tiêu thụ lớn hơn, nhưng khó có thể chuyên chở một số lượng lớn đề làm cho giá vàng bạc ở hai nước gần ngang nhau. Nếu hai nước ở gần nhau, sự chênh lệch về giá cả ít hơn và đôi khi khó nhận thấy được. Trung Hoa là một nước giàu so với bất kỳ nước nào ở Châu Âu, và sự khác nhau về giá sinh hoạt ở Trung Hoa và ở Châu Âu là rất lớn. Gạo ở Trung Hoa rẻ hơn lúa mì ở bất kỳ nơi nào ở Châu Âu. Nước Anh giàu có hơn xứ Scotland nhưng sự chênh lệch về giá ngũ cốc trả bằng tiền ở hai nước này rất nhỏ và cũng vừa đủ để nhận thấy mà thôi. Về mặt số lượng hay cân đong, ngũ cốc xứ Scotland rẻ hơn nhiều so với ngũ cốc ở Anh, nhưng nếu so về chất lượng thì giá có phần đắt hớn. Scotland hầu như mỗi năm đều nhận được những số lượng cung cấp rất lớn từ nước Anh. Mỗi mặt hàng ở nước, mà nó được chuyên chở tới bán, thường đắt hơn là ở nơi mà nó được sản xuất ra. Do đó, ngũ cốc của Anh ở Scotland tất phải bán đắt hơn ở Anh, nhưng nếu so về chất lượng, tức là số lượng và chất lượng bột mì và các thức ăn khác có thể làm ra từ ngũ cốc Anh, thì nó khó bán được với giá cao hơn ngũ cốc của Scotland được mang tới bán tại thị trường để cạnh tranh với ngũ cốc Anh.

Sự chênh lệch giữa giá lao động trả bằng tiền ở Trung Hoa và ở Châu Âu còn lớn hơn là sự chênh lệch về giá sinh hoạt giữa hai khu vực này, vì công lao động ở Châu Âu được trả cao hơn ở Trung Hoa, vì phần lớn các nước ở Châu Âu ở trong tình trạng phồn vinh, thịnh vượng trong khi Trung Hoa hình như vẫn đứng nguyên tại chỗ. Giá công lao động trả bằng tiền ở xứ Scotland thấp hơn ở nước Anh vì việc trả công lao động ở xứ này thấp hơn ở nước Anh khá nhiều. Mặc dù Scotland có tăng tiền về mặt của cải, những xứ này tiến chậm hơn nhiều so với Anh. Lao động từ Scotland nhập vào Anh khá đông, và người Anh di cư rất ít, điều đó đủ để chứng tỏ là mức cầu về lao động rất khác nhau ở hai đất nước này.

Tỷ lệ về mức trả công lao động tại nhiều nước được điều tiết không phải bởi sự giàu có hay nghèo nàn của các nước đó, mà bởi tình trạng các nước đó đang tiến lên, đứng yên tại chỗ hay thụt lùi.

Vàng và bạc có giá trị lớn nhất ở các nước giàu sang nhất, thì lại có giá trị nhỏ nhất ở các nước nghèo nhất. Nó hầu như chẳng có chút giá trị gì đối với những người còn sống trong tình trạng hoang dã, mọi rợ, vì họ là những người nghèo nhất trong các dân tộc trên thế giới.

Ở các thành phố lớn, ngũ cốc luôn luôn bán với giá đắt hơn so với các vùng xa xôi, hẻo lánh. Song đây không phải là do giá bạc thực sự rẻ mà do giá ngũ cốc thực sự đắt ở các nơi đó. Chuyển bạc về thành phố lớn cũng tốn công sức nhưng ít hơn nhiều so với chuyển ngũ cốc.

Tại một vài nước buôn bán rất giàu có như Hà Lan và vùng lãnh thổ Genoa, ngũ cốc có giá đắt vì lý do tương tự như ở các thành phố lớn. Các thành phố này không sản xuất đủ ngũ cốc để nuôi sống số dân ở đó. Thành phố có nhiều ngành công nghiệp, có nhiều thợ thủ công tài năng và khéo léo và các thợ chế tạo. Thành phố có đầy đủ các loại máy móc cần thiết để làm giảm bớt sự căng thẳng lao động, có ngành đóng tàu và cơ quan hàng hải, các phương tiện vận chuyển và hoạt động giao dịch kinh doanh, nhưng lại nghèo về ngũ cốc, và vì lương thực phải mang từ các nước xã hội đến, cho nên ngoài giá thực còn phải cộng thêm các loại cước phí vận tải nữa. Vận chuyển bạc tới Amsterdam tốn kém không ít thơn là tới Dantzick, nhưng nếu là vận chuyển ngũ cốc tới hai nơi này thì còn tốn kém hơn rất nhiều. Giá bạc thực ra gần như giống nhau ở cả hai nơi, nhưng ngũ cốc thì rất khác nhau về giá cả. Hãy giảm bớt sự giàu có thực sự hoặc của Hà Lan hay của vùng lãnh thổ Genoa, trong khi số dân cư ở hai nơi này vẫn giữ nguyên như cũ, hãy giảm bớt khả năng tự cung cấp của họ từ các nước phương xa; lúc đó giá ngũ cốc, đáng lẽ ra hạ xuống cùng với việc giảm số lượng bạc trong tình trạng sa sút này, thì lại tăng lên tới mức gây nên nạn đói. Khi chúng ta cần những thứ thiết yếu cho đời sống thì chúng ta phải từ bỏ những vật không cần thiết mà giá của chúng thường tăng lên vào thời kỳ giàu có, phồn vinh và giảm sút vào thời kỳ nghèo đói và túng quẫn. Nhưng đối với những thứ cần dùng cho đời sống thì lại khác. Giá thực sự của chúng lên cao trong thời nghèo đói, gieo neo túng quẫn và hạ xuống vào thời kỳ giàu có phồn vinh là thời kỳ thừa thãi nhất. Ngũ cốc là một thứ cần thiết cho đời sống, bạc chỉ là đồ xa xỉ.

Bất kể số lượng kim loại quý đã tăng lên như thế nào trong khoảng thời gian từ giữa thế kỷ thứ 14 đến giữa thế kỷ 16 tăng lên nhờ sự gia tăng của cải và cải thiện đời sống, các kim loại quý này không có nhiều hướng giảm giá trị của chúng ở nước Anh cũng như các nơi khác ở Châu Âu. Nếu những người đã có công thu nhập các số liệu về giá các đồ vật ở thời cổ xưa, trong khoảng thời gian này không có lý do gì để phỏng đoán việc giảm giá trị của bạc từ những nhận xét mà họ đã có đối với giá ngũ cốc hoặc các thứ hàng hóa khác, thì họ lại càng có ít lý do hơn để phỏng đoán việc giảm giá bạc từ bất kỳ một sự gia tăng giàu có và cải thiện sinh hoạt nào.

THỜI KỲ THỨ HAI

Cho dù ý kiến của những người hiểu biết về giá trị của bạc trong thời gian đầu là khác nhau thế nào đi chăng nữa, thì những người đó lại đồng nhất ý kiến về việc này trong thời kì thứ hai.

Từ 1570 tới 1640, trong một thời kì khoảng 70 năm, sự biến động về tỷ lệ giữa giá trị bạc và giá trị ngũ cốc đã đi theo một quá trình diễn biến ngược lại. Giá trị thực tế của bạc tụt xuống, hay nói một cách khác là chỉ đổi được một số lượng lao động ít hơn so với trước, còn ngũ cốc đã tăng về giá danh nghĩa của nó, và đáng lẽ ra thường được bán với khoảng 2 ounce bạc 1 góc tạ Anh, hay khoảng 10 shilling theo giá tiền hiện nay, thì đã bán được với giá 6 và 8 ounce 1 góc tạ Anh hoặc khoảng 30 hay 40 shilling theo giá tiền hiện nay.

Việc phát hiện ra rất nhiều mỏ ở Châu Mỹ đã là nguyên nhân duy nhất gây ra việc hạ giá trị của bạc so với giá trị của ngũ cốc. Ai ai cũng nói như vậy và cũng không thấy có sự tranh cãi về sự việc đó hoặc về nguyên nhân gây ra sự việc đó. Trong thời kỳ này, phần lớn Châu Âu đang có những bước tiền về công nghiệp và về các mặt khác, và nhu cầu về bạc do đó đã tăng lên. Nhưng do số cung tăng vượt quá xa mức tăng của số cầu, cho nên giá trị của bạc tụt xuống đáng kể. Việc phát hiện ra nhiều mỏ ở Mỹ hình như cũng chẳng có chút tác động đáng kể tới giá cả ở nước Anh cho đến sau năm 1570; mặc dù kể cả những mỏ ở Potosi đã được phát hiện và khai thác hơn 20 năm trước đó.

Từ 1595 đến 1620, giá trung bình một góc chín giạ Anh loại lúa mì tốt nhất tại chợ Windsor, theo các bản giải trình của trường đại học Eton, là 2 bảng 1 shilling 6 penny ¾. Từ số tiền này, bỏ qua số lẻ và khấu trừ 1/9, hay 4 shilling 7 penny 1/3, thì giá một góc tám giạ Anh được tính là 1 bảng 16 shilling 20 penny 2/3. Và từ số tiền này, cũng bỏ qua số lẻ và khấu trừ 1/9, hay 4 shilling 1 penny, vì có sự chênh lệch giữa giá loại lúa mì tốt nhất và giá loại lúa mì trung bình, thì giá lúa mì loại trung bình được tính vào khoảng 1 bảng 12 shilling 9 penny, hoặc khoảng 6 và 1/3 ounce bạc.

Từ năm 1621 đến năm 1636, giá trung bình của một số lượng tương tự loại lúa mì tốt nhất tại chợ Windsor, cũng theo các bản giải trình này, đã là 2 bảng 10 shilling, từ số tiền này lại làm các việc khấu trừ giống như ở trên, giá trung bình một góc của 8 giạ Anh loại lúa mì trung bình đã là 1 bảng 19 shilling 6 penny, hoặc khoảng 7 và 2/3 ounce bạc.

THỜI KÌ THỨ BA

Giữa 1630 và 1640, hoặc vào khoảng năm 1636, tác động của việc phát hiện ra các mỏ ở Châu Mỹ đến việc làm giảm giá trị của bạc hình như không còn nữa, giá trị của kim loại này chưa bao giờ lại hạ thấp hơn so với giá ngũ cốc như vào thời đại đó. Hình như giá bạc cũng nhích lên đôi chút trong thế kỷ hiện nay.

Từ năm 1637 tới năm 1700, có nghĩa là trong vòng 64 năm cuối của thế kỷ trước, giá trung bình của một góc của 9 giạ Anh lúa mì loại tốt nhất tại chợ Windsor, cũng theo các bản giải trình nói trên, là 2 bảng 11 shilling 1/3 penny, giá này chỉ đắt hơn 1 shilling 1/3 penny so với 16 năm trước đó. Nhưng trong vòng 64 năm ấy, đã xảy ra hai sự kiện gây nên tình trạng khan hiếm lương thực.

Sự kiện thứ nhất là cuộc nội chiến. Nó làm cho nông dân không thiết tha với công việc trồng trọt chăn nuôi và mọi hoạt động buôn bán bị đình trệ, vì lý do đó giá ngũ cốc đã tăng lên hơn nhiều so với những năm thời bình. Việc giá ngũ cốc tăng có ảnh hưởng ít nhiều tới các chợ ở khắp nơi trong vương quốc Anh, đặc biệt tại các chợ ở vùng lân cận London mà ở đó ngũ cốc thường được chuyên chở từ các nơi xa đến bán. Năm 1648, giá lúa mì loại tốt nhất tại chợ Windsor là 4 bảng 5 shilling và năm 1649 là 4 bảng một góc của 9 giạ Anh. Vậy chúng ta thấy là trong 2 năm nói trên, giá ngũ cốc vượt quá 2 bảng 10 shilling (giá trung bình của ngũ cốc trong 16 năm trước năm 1637) là 3 bảng 5 shilling, nếu đem chia số vượt trội này cho 64 năm cuối cùng của thế kỷ trước thì nó thể hiện được tại sao thời gian này giá chỉ tăng ít thôi. Tuy thế, những giá này, dù cho cao nhất đi chăng nữa, không phải là những giá cao duy nhất mà các cuộc nội chiến đã gây ra.

Sự kiện thứ hai là việc cho phép xuất khẩu ngũ cốc năm 1688 mà mọi người cho đó là một sự khuyến khích nông dân cày cấy đề sản xuất ra nhiều ngũ cốc, và do đó, dẫn đến giá ngũ cốc ở thị trường trong nước sẽ rẻ hơn khi cấm xuất khẩu.

Vậy sự khuyến khích này có ảnh hưởng như thế nào, tôi sẽ xem xét vấn đề này ở dưới đây. Lúc này tôi chỉ nhận xét rằng từ 1688 đến 1700, sự khuyến khích xuất khẩu ngũ cốc chưa có tác động gì. Trong thời kỳ ngắn này, tác dụng của sự khuyến khích là xuất ra nước ngoài phần sản phẩm lương thực dư thừa mỗi năm, và do đó cản trở việc bù đắp của năm được mùa đối với năm mất mùa và làm tăng giá ngũ cốc tại thị trường trong nước. Sự khan hiếm ngũ cốc ở nước Anh từ 1693 đến 1699, mặc dù chủ yếu là do mùa màng thất bát không những ở nước Anh mà còn ở phần lớn các nước Châu Âu, nhưng cũng phần nào do sự khuyến khích này mà trở nên càng trầm trọng hơn. Năm 1699, cũng vì thế, việc xuất khẩu ngũ cốc bị cấm trong 9 tháng.

Còn có một sự kiện thứ ba xảy ra vào cùng thờ kỳ này. Mặc dù không gây ra sự khan hiếm ngũ cốc mà cũng chẳng làm tăng số lượng thực sự của bạc trả cho số ngũ cốc tương ứng, sự kiện này chắc chắn đã gây nên sự gia tăng phần nào về số tiền danh nghĩa. Sự kiện này là sự giảm đáng kể giá trị đồng bạc đúc bằng cách cắt xén hàm lượng bạc trong đồng tiền. Việc làm tồi tệ này bắt đầu dưới triều đại vua Charles II và cứ tiếp diễn cho tới năm 1695. Ông Lowndes cho biết là đồng tiền bằng bạc đúc hiện nay trung bình mất đi gần 25% giá trị chuẩn. Nhưng số tiền danh nghĩa theo giá thị trường của mỗi mặt hàng cần phải được điều chỉnh, không phải bằng số lượng bạc theo giá trị chuẩn phải có trong đó, mà bằng số lượng bạc thực sự chứa trong đó mà thôi. Số tiền danh nghĩa này tất yếu phải cao hơn khi đồng tiền bị mất giá trị nhiều vì bị giảm hàm lượng bạc so với khi hàm lượng bạc gần với giá trị chuẩn của đồng tiền.

Trong suốt thể kỷ hiện nay, đồng tiền đúc bằng bạc chưa bao giờ bị sút về trọng lượng chuẩn như hiện nay. Nhưng dù cho bị mất giá trị rất nhiều, giá trị của đồng tiền bằng bạc vẫn được giữ vững bởi giá trị đồng tiền vàng, vì đồng tiền bạc vẫn được trao đổi với tiền vàng. Vì mặc dù trước lần được đúc lại gần đây, đồng tiền vàng cũng bị mất giá, nhưng ít hơn so với đồng tiền bạc. Năm 1695, ngược lại, giá trị đồng tiền đúc bằng bạc lại không được đồng tiền vàng nâng đỡ nữa; đồng guinea (tiền vàng của nước Anh xưa, giá trị tương đương 21 shilling) vào thời đó thường được đổi lấy 30 shilling của đồng tiền bạc bị giảm hàm lượng. Trước lần tiền vàng được đúc lại gần đây, giá bạc thỏi ít khi cao hơn 5 shilling 7 penny một ounce, giá này chỉ hơn giá quy định của sở đúc tiền của Vương quốc Anh 5 penny mà thôi. Nhưng năm 1695, giá thông thường của bạc thỏi là 6 shilling và 5 penny một ounce, giá này chỉ hơn giá quy định của sở đúc tiền của Vương quốc Anh 5 penny mà thôi Nhưng năm 1695, giá thông thường của bạc thỏi là 6 shilling và 5 penny một ounce[3], thế là cao hơn giá quy định của sở đúc tiền 15 penny. Ngay cả trước lần đúc lại tiền vàng gần đây, đồng tiền vàng và bạc khi so sánh với bạc thỏi đã không được xem là hơn 8%, dưới mức giá trị chuẩn. Năm 1695, trái lại, nó lại được xem là gần 25% dưới mức giá trị chuẩn. Nhưng vào đầu thế kỷ hiện nay, có nghĩa là ngay sau lần đúc lại tiền quy mô lớn dưới thời vua William, phần lớn tiền bạc đúc chắc là đã gần hơn với trọng lượng chuẩn của nó so với hiện nay. Trong suốt thế kỷ hiện tại, không có những tai họa lớn như nội chiến làm cản trở công việc cày cấy trồng trọt hoặc làm gián đoạn các hoạt động buôn bán trong nước. Và mặc dù sự khuyến khích nông nghiệp, tiến hành trong phần lớn thế kỷ này, đã luôn luôn nâng giá ngũ cốc một phần nào cao hơn trước, nhưng khi điều đó có tác động tốt tới cày cấy, trồng trọt, do đó làm tăng lượng ngũ cốc bán trên thị trường trong nước, thì theo những nguyên tắc của một chế độ mà tôi sẽ giải thích và xem xét dưới đây, sự khuyến khích đó có thể được coi là đã làm được một việc gì đó để một mặt hạ giá của thứ hàng hóa đó, và, mặt khác, cũng nâng giá nó lên. Nhiều người còn cho rằng có thể làm được nhiều hơn nữa. Trong 64 năm đầu của thế kỷ hiện tại, vì thế mà giá trung bình của một góc của 9 giạ Anh loại lúa mì tốt nhất bán tại chợ Windsor, cũng theo các bản giải trình của trường đại học Eton, là 2 bảng 6 và ½ penny, vào khoảng 10 shilling 6 penny, hay 25%, rẻ hơn giá đã bán trước đây trong suốt 64 năm cuối của thế kỷ trước, và khoảng 9 shilling 6 penny rẻ hơn giá đã bán trong 16 năm trước 1636 khi việc khám phá ra những mỏ có trữ lượng lớn ở Mỹ đã được xem là được khai thác đầy đủ và có hiệu quả, và khoảng 1 shilling rẻ hơn giá đã được bán trong vòng 26 năm trước 1620, trước khi sự phát hiện ra các mỏ ở Mỹ có thể được giả định là phát huy đầy đủ tác dụng. Theo như các bản giải trình này, giá trung bình loại lúa mì hàng vừa trong suốt 64 năm đầu của thế kỷ hiện tại đã được bán khoảng 32 shilling một góc 8 giạ Anh.

Giá trị bạc do đó đã tăng lên một chừng mực nào đó so với giá ngũ cốc trong thế kỷ hiện tại, và chắc là nó đã bắt đầu tăng như vậy trong cả một thời gian nào đó trước khi thế kỷ trước kết thúc.

Năm 1687, giá một góc của 9 giạ Anh loại lúa mì tốt nhất bán tại chợ Windsor là 1 bảng 5 shilling 2 penny, một giá có thể coi là thấp nhất kể từ năm 1595.

Năm 1688, ông Gregory King, một người có những hiểu biết rất sâu sắc về các vấn đề thuộc loại này đã ước lượng giá trung bình lúa mì trong những năm sung túc vừa phải đối với người trồng lúa là 3 shilling 6 penny một giạ Anh hoặc 28 shilling một góc tạ Anh. Giá của người trồng lúa, theo tôi hiểu, đôi khi cũng giống như giá hợp đồng hay là giá mà người chủ trại bán cho người buôn lúa mì trong một thời hạn nhất định. Do việc ký kết hợp đồng bán thóc lúa theo kiểu này làm cho người trồng lúa không phải lo lắng về khâu bán sản phẩm, cho nên giá hợp đồng thường thấp hơn giá trung bình ở tại chợ. Ông King đã ước tính 28 shilling một góc tạ Anh vào thời gian đó là giá thông thường quy định trong hợp đồng vào những năm sung túc vừa phải. Giá hợp đồng này áp dụng cho tất cả các năm bình thường trước khi có sự khan hiếm gây ra bởi thời kỳ màu màng thất bát.

Năm 1688, nghị viện Anh cho phép khuyến khích xuất khẩu ngũ cốc. Các nhà quý phái ở nông thôn thời đó phần lớn là thành viên của cơ quan lập pháp này, họ cho rằng giá ngũ cốc tính bằng tiền đang trên đà hạ xuống. Việc cho phép xuất khẩu là một phương pháp có hiệu quả nhằm nâng cao giá đó cho ngang bằng với giá bán thông thường dưới triều đại các vua Charles I và Charles II. Do đó, sự việc xảy ra là giá lúa mì lại lên cao đến 48 shilling một góc tạ Anh, nghĩa là 20 shilling cao hơn giá mà ông King đã ước đoán trong năm đó là giá bán của người trồng lúa trong thời kỳ sung túc vừa phải. Nếu như những tính toán của ông ta cũng xứng đáng một phần với danh tiếng của ông ta đã được mọi người thừa nhận, thì 48 shilling một góc tạ Anh là một giá cao mà nếu không có việc cho phép xuất khẩu thì không thể nào đạt được trừ trong những năm xảy ra nạn khan hiếm cực kỳ trầm trọng. Nhưng chính phủ của vua William không được hoàn toàn ổn định về một mặt tài chính vào thời bấy giờ, cho nên nó không thể từ chối bất cứ yêu cầu gì của các nhà quyền quý ở nông thôn để đổi lấy việc cơ quan lập pháp đồng ý cho chính phủ ban hành việc thu thuế đất hàng năm.

Giá trị bạc, do đó, tỷ lệ với giá ngũ cốc, chắc hẳn đã tăng lên một phần nào trước khi kết thúc thế kỷ trước, và nó vẫn tiếp tục tăng lên trong suốt phần lớn thế kỷ hiện tại, mặc dầu cách thực hiện việc khuyến khích xuất khẩu ngũ cốc cần phải làm thế nào để việc tăng giá bạc không ảnh hưởng quá nhiều tới công việc cày cấy, trồng trọt hiện nay.

Trong những năm được mùa, việc cho phép xuất khẩu quá mức này tất nhiên làm cho giá ngũ cốc cao hơn mức mà đáng lẽ ra đã có trong những năm đó, nếu không cho phép xuất khẩu. Khuyến khích cày cấy, trồng trọt bằng cách giữ cho giá ngũ cốc cao ngay cả trong những năm sung túc nhất là một cứu cánh đã được thừa nhận của thể chế.

Trong những năm rất khan hiếm, thường thường việc cho phép xuất khẩu ngũ cốc bị đình chỉ. Song, việc xuất khẩu trước đó đã phần nào tác động tới giá nhiều mặt hàng trong các năm đó. Việc xuất khẩu quá nhiều ngũ cốc trong những năm được mùa thường luôn luôn không thể bù đắp cho sự khan hiếm của năm mùa màng thất bát.

Kể cả trong năm sung túc, dồi dào và những năm thóc lúa khan hiếm, việc cho phép xuất khẩu đã nâng giá ngũ cốc lên cao hơn giá mà thực trạng nền nông nghiệp không cho phép. Nếu trong 64 năm đầu của thế kỷ hiện tại giá trung bình đã thấp hơn so với 64 năm cuối của thể kỷ trước, nó lẽ ra còn thấp hơn như vậy, trong thực trạng cày cấy trồng trọt như nhau, nếu không có tác động của việc xuất khẩu này.

Nhưng nếu không có việc cho phép xuất khẩu, người ta có thể nhận thấy rằng tình hình cày cấy, trồng trọt sẽ không giữ nguyên. Các tác động của thể chế này đối với nông nghiệp của đất nước có thể sẽ như thế nào, tôi sẽ cố gắng giải thích dưới đây khi tôi nói riêng về việc khuyến khích xuất khẩu. Hiện giờ tôi chỉ nhận xét rằng việc tăng giá trị của bạc để cân xứng với giá trị của ngũ cốc không phải là đặc thù đối với nước Anh. Đã có những nhận xét là việc đó đã xảy ra ở Pháp trong cùng thời kỳ và gần như theo cùng một ty lệ, đó là nhờ ở ba nhà sưu tầm trung thực cần mẫn và chăm chỉ về giá của ngũ cốc; ông Dupre de St Maur, ông Messance và tác giả của Bản tiều luận về khống chế giá thóc lúa. Nhưng ở Pháp cho đến năm 1764 luật pháp đã cấm ngặt việc xuất khẩu thóc lúa. Thật ra cũng có phần nào khó mà giả thiết rằng hầu như sự giảm giống nhau về giá cả xảy ra ở nước này là do sự ngăn cấm xuất khẩu mà ở nước kia là do việc khuyến khích xuất khẩu.

Có thể sẽ đúng hơn khi xem xét sự biến động này qua giá trung bình của ngũ cốc như tác động của sự tăng dần giá trị thực tế của bạc ở thị trường Châu Âu hơn là tác động của sự giảm giá trị trung bình thực tế của ngũ cốc. Người ta đã nhận xét rằng ngũ cốc ở những thời xa xưa, vẫn là thước đo chính xác hơn về giá trị so với bạc hoặc bất kỳ thứ hàng hòa nào khác. Sau khi tìm ra nhiều mỏ bạc ở Châu Mỹ, ngũ cốc tăng lên 3-4 lần giá bằng tiền trước đó của nó, sự biến động này được toàn thể mọi người đổ cho là tại giá trị thực tế của ngũ cốc tăng. Nếu trong suốt 64 năm đầu của thế kỷ hiện tại, giá trung bình bằng tiền của ngũ cốc đã hạ xuống thấp hơn đôi chút so với giá trung bình trong phần lớn thể kỷ trước, chúng ta phải, cũng theo cách như vậy, gán sự biến động đó không phải cho sự giảm giá trị thực tế của ngũ cốc, mà cho sự tăng lên nào đó về giá trị thực tế của bạc trên thị trường Châu Âu.

Giá ngũ cốc cao trong 10-12 năm qua thực sự đã gây ra điều nghi ngờ rằng giá thực của bạc còn tiếp tục giảm sút trên thị trường Châu Âu. Tuy thế, giá ngũ cốc cao rõ ràng là hậu quả của tình hình không thuận lợi về mùa màng, và phải được xem như một sự kiện không phải thường xuyên mà chỉ có tính nhất thời mà thôi. Mùa màng trong khoảng 10-12 năm vừa qua đã không thuận lợi đối với phần lớn Châu Âu, và hơn nữa những sự lộn xộn, mất trật tự ở Hà Lan đã làm tăng thêm sự khan hiếm tại tất cả các nước đó mà vào những năm đắt đỏ thường được thị trường đó cung cấp. Mùa màng không thuận lợi trong một số thời gian khá dài như thế, tuy không phải là một sự kiện thông thường, nhưng cũng không phải là một sự kiện đơn nhất. Những người nào đã dày công nghiên cứu, điều tra về giá cả ngũ cốc vào những thời kỳ trước sẽ chẳng phải lúng túng, khi nhớ lại những ví dụ khác cùng loại. Thực vậy, mười năm cực kỳ khan hiếm cũng không có gì lạ lùng hơn mười năm cực kỳ sung túc… Giá ngũ cốc hạ từ năm 1741 đến 1750, kể cả hai năm này, có thể đối nhau rất tốt với giá cao của nó trong 8-10 năm vừa qua. Từ 1741 đến 1750, giá trung bình ở một góc của chín giạ Anh loại lúa mì tốt nhất bán tại chợ Windsor là chỉ ở mức 1 bảng 13 shilling 9 và ½ penny, thấp hơn giá trung bình trong 64 năm đầu của thế kỷ hiện tại gần 6 shilling 3 penny theo bản giải trình của trường đại học Eton. Giá trung bình một góc của tám giạ Anh loại lúa mì hạng vừa, cũng theo bản giải trình nói trên, chỉ là 1 bảng 6 shilling 8 penny trong vòng 10 năm này.

Tuy nhiên, từ 1741 đến 1750, việc khuyến khích xuất khẩu ngũ cốc chắc là đã ngăn không cho giá thóc lúa hạ hơn nữa trên thị trường trong nước như người ta đã thường thấy. Trong suốt 10 năm này, số lượng các loại thóc xuất khẩu theo nhưng con số do sở hải quan cung cấp, lên tới 8 triệu 29 nghìn 165 góc tạ Anh. Số tiền thưởng cho việc này lên tới 1.514.962 bảng 17 shilling 4,5 penny. Năm 1749, ông Pelham, lúc đó là thủ tướng, tường trình trước Hạ nghị viện Anh rằng trong ba năm trước đã phải chi một số tiền thưởng rất lớn cho việc xuất khẩu ngũ cốc. Ông ta có đầy đủ lí do để đưa ra sự nhận xét này, và ngay năm sau, số tiền thưởng phải trả lên tới 324.176 bảng 10 shilling 6 penny[4]. Không cần thiết phải nhận xét rằng việc xuất khẩu bắt buộc này chắc là đã nâng giá ngũ cốc cao hơn giá mà đáng lẽ ra phải bán trên thị trường trong nước.

Ở cuối các bảng tường trình phụ lục cho chương này (bảng cuối chương - chú thích trang 315) bạn đọc sẽ thấy có một bảng tường trình riêng biệt về 10 năm đó tách hẳn với các bảng khác. Bạn đọc cũng thấy ở đó bảng tường trình riêng biệt về 10 năm trước đó nữa, mà trong thời gian này giá trung bình cũng thấp hơn, tuy không nhiều lắm so với giá trung bình cho cả 64 năm đầu của thế kỷ hiện tại. Tuy thế năm 1740 vẫn là năm khan hiếm đặc biệt. 20 năm trước năm 1750 có thể đặt tương phản với 20 năm trước năm 1770. Khi giá của 20 năm trước năm 1750 thấp hơn nhiều so với giá trị trung bình chung cho toàn thế kỷ, bất kể trong đó có 1 hay 2 năm đắt đỏ, thì giá của 20 năm trước năm 1770 lại cao hơn nhiều, mặc dù có 1 hay 2 năm rẻ, như năm 1759 chẳng hạn. Nếu như 20 năm trước năm 1750 lại không có giá thấp hơn nhiều so với giá trung bình chung như là 20 năm trước 1770 có giá cao hơn giá trung bình thì chắc là mọi người phải gắn sự biến động đó cho số tiền thưởng mà nhà nước đã dành cho xuất khẩu. Sự biến động đó rõ ràng là quá nhanh nên không thể coi đó là hậu quả của biến động về giá trị của bạc mà sự lên xuống của kim loại này luôn luôn từ từ và khá chậm chap. Sự bất thần xảy ra đó chỉ có thể do sự thay đổi ngẫu nhiên về mùa màng mà thôi.

Giá lao động trả bằng tiền ở Anh quả thực dần tăng lên trong suốt thế kỷ hiện tại. Tuy vậy, điều này chủ yếu không phải do nguyên nhân của việc giảm giá trị của bạc trên thị trường Châu Âu mà là do nhu cầu lao động ở Anh tăng trên cơ sở phồn vinh của đất nước. Ở Pháp, một nước không được phồn vinh như Anh, giá lao động trả bằng tiền, kể từ giữa thế kỷ trước, được xác nhận là giảm dần cùng với giá trung bình của ngũ cốc trả bằng tiền. Kế cả thế kỷ trước lần thế kỷ hiện tại, tiền công nhật của người lao động bình thường được tính bằng khoảng 1/20 giá trung bình của một septier lúa mì, một đơn vị đo lường bằng 4 giạ lúa Winchester hay hơn một ít. Ở Anh, tiền công lao động thực sự đã tăng lên đáng kể trong thế kỷ này. Giá công lao động trả bằng tiền tăng không phải là do giá trị của bạc giảm trên thị trường Châu Âu mà do những hoàn cảnh may mắn đặc biệt của nước này.

Trong một thời gian nào đó sau khi tìm ra mỏ bạc ở Châu Mỹ, bạc đã được bán tiếp tục theo giá cũ hoặc không kém giá cũ là bao. Lợi nhuận từ công việc khai thác mỏ trong một khoảng thời gian nhất định là rất lớn, cao hơn mức tự nhiên rất nhiều. Những người nhập kim loại này vào Châu Âu chẳng bao lâu thấy rằng số lượng kim loại nhập hàng năm không còn có khả năng tiêu thụ hết được theo giá cao này. Do đó, bạc dần dần đổi lấy được một số lượng hàng hóa ngày càng ít hơn trước. Giá bạc giảm dần cho đến khi nó xuống ngang với giá tự nhiên của nó hoặc ngang với giá vừa được để trả công lao động, để thu một số lợi nhuận của số tiền vốn và để nộp tiền thuê đất mỏ và các khoản chi phí vận chuyển bạc từ mỏ đến thị trường tiêu thụ. Tại phần lớn các mỏ bạc ở Peru, thuế của vua Tây Ban Nha chiếm tới 1/10 tổng sản lượng khai thác cho nên đã ngốn hết toàn bộ tiền thuê đặt mỏ. Phải nói là tiền thuế này thoạt đầu là ½ sau đó hạ xuống 1/3 rồi 1/5 và cuối cùng là 1/10 sản lượng khai thác và tỉ suất này vẫn tiếp tục như vậy cho đến nay. Tại phần lớn các mỏ bạc ở Peru, số tiền còn lại là quá ít cho người khai thác, sau khi hoàn lại vốn và số lợi nhuận thông thường của vốn, cho nên, nếu nói trước kia người khai thác mỏ thu được lợi nhuận rất cao thì bây giờ họ chỉ còn đủ để làm công việc khai khoáng bình thường mà thôi.

Tiền thuế của vua Tây Ban Nha đã giảm xuống 1/5 số lượng bạc đăng ký đã khai thác được năm 1505, 41 năm trước năm 1545, niên kỷ khám phá ra các mỏ ở Potosi. Trong vòng 90 năm, hay trước năm 1636, những mỏ này, những mỏ có trữ lượng lớn nhất ở toàn Châu Mỹ, đã có đủ thời gian để phát huy hết tác dụng của mình cho nên đã làm giảm giá bạc trên thị trường Châu Âu, xuống tới mức thấp nhất có thể xuống được, trong khi đó vẫn đóng mức thuế đó cho vua Tây Ban Nha. 90 năm là một thời gian đủ để làm giảm giá bất kỳ loại hàng nào, nếu không có sự độc quyền nào che chở, xuống tới mức thấp nhất mà chỉ còn đủ để trả tiền thuế và vẫn có thể tiếp tục bán được trên thị trường trong một thời gian dài.

Giá bạc trên thị trường Châu Âu có thể còn bị hạ xuống thấp hơn nữa và có thể đã trở thành cần thiết hoặc giảm thuế đánh vào bạc, không phải chỉ là 1/10 như vào năm 1736 mà phải xuống mức 1/20, cũng giống như thuế đánh vào vàng, hoặc thôi hẳn công việc khai thác ở phần lớn các mỏ ở Châu Mỹ mà hiện nay đang được khai thác. Điều này đã không xảy ra do nhu cầu về bạc dần dần tăng lên, hay do việc mở rộng dần thị trường cho sản phẩm của các mỏ bạc ở Châu Mỹ. Hơn nữa cũng vì lí do trên mà giá trị của bạc không những được giữ vững trên thị trường Châu Âu mà thậm chí còn được nâng lên chút ít so với thời kỳ giữa thế kỷ trước.

Từ khi tìm ra Châu Mỹ, phải nói rằng thị trường buôn bán sản phẩm khai thác từ các mỏ bạc ở châu này đã ngày càng được mở rộng và phát triển.

Thứ nhất, thị trường Châu Âu đã dần được mở rộng hơn trước. Từ khi tìm ra Châu Mỹ, phần lớn các nước Châu Âu đã trở nên phồn vinh, thịnh vượng. Anh, Hà Lan, Pháp và Đức, kể cả Thụy Điển, Đan Mạch và Nga đã tiến những bước dài trên con đường sản xuất nông nghiệp và công nghiệp. Italia hình như cũng chẳng chịu lùi bước, nước này suy sụp trước khi có cuộc chinh phục Peru. Từ thời gian đó, Italia đã dần dần hồi phục. Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha quả thực có thụt lùi. Tuy nhiên, Bồ Đào Nha chỉ là một bộ phận rất nhỏ của Châu Âu, và tình trạng sa sút của Tây Ban Nha cũng không phải quá đáng như người ta tưởng. Vào đầu thế kỷ 16, Tây Ban Nha là một nước rất nghèo ngay cả khi so sánh với Pháp, nhưng nước Pháp đã có sự tiến bộ lớn từ thời đó, Hoàng đế Charles V, người đã đi thăm nhiều lần cả hai nước này, đã đưa ra một nhận xét rất hay được mọi người công nhận là rất đúng sự thật. Đức hoàng đề nói rằng ở Pháp cái gì cũng thừa thãi, và ở Tây Ban Nha cái gì cũng thiếu. Các sản phẩm ngày càng nhiều của nền nông nghiệp và công nghiệp chế tạo ở Châu Âu chắc là phải đòi hỏi số lượng tiền bằng vạc đúc ngày càng tăng để sử dụng trong mọi công việc giao dịch, buôn bán và trao đổi, đó là chưa nói đến nhiều cá nhân trở nên giàu có đòi hỏi ngày càng nhiều các đồ dùng và các đồ trang sức bằng bạc.

Thứ hai, Châu Mỹ cũng tự nó trở thành một thị trường mới cho các sản phẩm khai thác từ các mỏ bạc, và châu này đã có những bước tiến mạnh mẽ về mặt công nghiệp và nông nghiệp, và hơn nữa dân số ở đây cũng tăng nhanh hơn so với các nước phồn vinh nhất ở Châu Âu. Do đó, nhu cầu của dân Châu Mỹ về mọi mặt của đời sống cũng tăng nhanh hơn. Các thuộc địa của Anh cũng tạo thành một thị trường mới đòi hỏi ngày càng mua nhiều hơn các đồ dùng bằng vàng bạc và các đồng tiền đúc bằng kim loại quý – nhu cầu mà trước kia chưa hề có. Đó là chưa kể tới các thuộc địa của Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha bấy giờ cũng tạo thành những thị trường mới. New Granada, Paraguay bà Brazil, trước khi được người Châu Âu khám phá ra, chỉ là nơi trú ngụ của các dân tộc còn sống trong thời kỳ hoang dã. Họ chẳng biết gì đến mỹ nghệ hoặc nông nghiệp. Bây giờ họ làm quen với nhiều ngành nghề có liên quan đến mỹ nghệ và nông nghiệp và có những tiến bộ nhất định về cả hai mặt này. Ngay cả Mexico và Peru, mặc dù không thể coi là thị trường hoàn toàn mới, đã trở nên những thị trường rộng lớn hơn nhiều so với thời kỳ trước đó. Theo như những câu chuyện thần kỳ được đăng tải trên báo chí về tình trạng tuyệt diệu ở các nước đó vào thời kỳ cổ xưa, bất kỳ người nào đã đọc lịch sử khám phá ra các vùng đất mới và cuộc chinh phục dân bản xứ với sự phán xét đúng mục, chắc chắn sẽ đi đến kết luận chung là về mặt mỹ nghệ, nông nghiệp và thương mại, các thổ dân ở các nơi đó còn kém hơn nhiều so với người Tartar ở Ukraina hiện giờ. Ngay cả các thổ dân ở Peru, một dân tộc có một nền văn minh cao hơn Mexico, mặc dù họ biết sử dụng vàng bạc làm đồ trang sức, nhưng chưa có tiền đúc bằng vàng bạc. Họ trao đổi chỉ bằng hàng hóa và hầu như chưa có phân công lao động. Những cư dân cày cấy trồng trọt trên mảnh đất mà họ sinh sống, đều tự làm lấy nhà ở, tự sản xuất ra các đồ dùng cần thiết cho già đình, tự làm ra vải, quần áo, giày dép và các dụng cụ nông nghiệp. Ở các nước đó cũng có những thợ thủ công khéo léo, tinh xảo, nhưng bị các vua chúa, các nhà quý tộc, các tu sĩ bắt giữ làm tôi tớ hoặc nô lệ suốt đời cho họ. Ngành mỹ nghệ của Mexico và Peru chưa bao giờ cung cấp được các mặt hàng công nghiệp hoặc thủ công nghiệp cho Châu Âu. Quân đội Tây Ban Nha, dù chưa bao giờ quân số vượt quá 500 người, và thường cũng ít khi lên tới 1 nửa quân số đó, đã gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm lương thực để sống. Họ thường được xem là những người gây ra nạn đói cho những vùng nào họ đến đóng quân, và những vùng đó được coi là đông dân cư và cấy cày trồng trọt khá. Vậy thì đó chỉ là những câu chuyện hoang đường về tình hình dân cư đông đúc và nông nghiệp trù phú ở các vùng đó mà thôi. Các thuộc địa của Tây Ban Nha thường sống dưới chính quyền không có xu hướng phát triển nông nghiệp, cải thiện đời sống và tăng dân số như chính quyền ở các thuộc đại của Anh. Tuy nhiên, trong các lĩnh vực này hình như các thuộc địa này tiến nhanh hơn bất kỳ nước nào ở Châu Âu. Đất đai màu mỡ, khí hậu ôn hòa, đất hoang còn nhiều và rẻ, đó là một thế lợi rất lớn để bù đắp những thiếu sót về mặt cai trị của một chính phủ dân sự. Ông Frezier khi đến thăm Peru năm 1713, miêu tả Lima chỉ có khoảng 25-28 nghìn dân. Ông Ulloa, người đã ở nước này từ năm 1740 đến 1746, nói là dân số ở Lima hơn 50 nghìn người. Sự chênh lệch trong các bài tường thuật của họ về tình hình dân số của một số thành phố chính của Chile và Peru cũng gần tương tự như vậy, chúng ta cũng chẳng có lý do gì để nghi ngờ về những lượng thông tin mà hai ông đã cung cấp; điều đó chỉ cho thấy là các nước đó dân cư thưa thớt hơn so với các thuộc địa của Anh. Châu Mỹ vì vậy là một thị trường mới đối với các sản phẩm từ các mỏ bạc của chính nó: nhu cầu về bạc tất phải tăng nhanh hơn nhiều so với các nước phồn vinh nhất Châu Âu.

Thứ ba, Đông Ấn là một thị trường khác nữa tiêu thụ sản phẩm của các mỏ bạc ở Châu Mỹ, và phải nói rằng ngay từ khi bắt đầu khai thác, các mỏ này đã bán được số lượng bạc ngày càng nhiều cho Đông Ấn. Từ thời kỳ đó, việc buôn bán trực tiếp giữa Châu Mỹ và Đông Ấn tiến hành bằng tàu biển Acapulco, đã luôn luôn tăng lên và hơn nữa, việc buôn bán gián tiếp thông qua Châu Âu lại còn tăng hơn nhiều. Trong suốt thế kỷ 16, người Bồ Đào Nha là dân tộc Châu Âu duy nhất tiến hành các hoạt động thương mại với Đông Ấn. Trong những năm cuối cùng của thế kỷ đó, người Hà Lan đã đánh bật người Bồ Đào Nha ra khỏi những khu lập nghiệp chính của họ ở Ấn Độ. Trong suốt phần lớn thể kỷ trước, hai dân tộc này đã chia nhau phần đáng kể nhất về mặt buôn bán với Đông Ấn. Những người Hà Lan luôn luôn đẩy mạnh các hoạt động của họ, trong khi đó người Bồ Đào Nha lại hoạt động có chiều hướng ngày càng sút kém. Người Anh và người Pháp cũng có những quan hệ thương mại với Ấn Độ vào thế kỷ trước nhưng cả hai đã tăng mạnh các hoạt động thương mại của họ vào thế kỷ hiện nay. Việc buôn bán với Đông Ấn của người Thụy Điển và Đan Mạch bắt đầu vào thế kỷ hiện tại. Ngay cả người Nga (người Moscow) cũng tiến hành buôn bán thường xuyên với Trung Hoa thông qua việc thành lập các đoàn người đi buôn vượt qua vùng Siberi và Tartary để tới Bắc Kinh. Công việc buôn bán của tất cả các nước này, ngoại trừ nước Pháp bị cản trở bởi cuộc chiến tranh, đã luôn luôn tăng lên rõ rệt. Việc tiêu thụ ngày càng nhiều ở Châu Âu các hàng hóa của Đông Ấn đã mang lại công việc làm cho người dân ở nơi đó. Ví dụ, chè rất ít được dùng ở Châu Âu trước giữa thế kỷ trước. Hiện nay giá trị chè mà công ty Đông Ấn của Anh nhập vào trong nước để cho người Anh tiêu dùng lên tới 1 triệu rưỡi bảng một năm, và như thế vẫn còn chưa thỏa mãn nhu cầu tiều dùng. Một số lượng lớn chè còn luôn luôn được nhập lậu vào trong nước qua các hải cảng của Hà Lan, hải cảng Gothenburg ở Thụy Điển và từ bờ biển của nước Pháp chừng nào công ty Đông Ấn của Pháp vẫn còn kiếm được nhiều lợi nhuận qua việc buôn bán mặt hàng này. Lượng tiêu dùng cũng tăng lên không kém đối với các đồ sứ của Trung Hoa, đồ gia vị của Moluccas, các hàng hóa thủ công mỹ nghệ của Bengal và nhiều mặt hàng khác nữa. Trọng tải của các tàu chuyên chở hàng mà Châu Âu sử dụng trong các hoạt động thương mại với Đông Ấn trong suốt thể kỷ trước có lẽ là không lớn hơn nhiều so với công ty Đông Ấn của Anh.

Nhưng ở Đông Ấn, đặc biệt ở Trung Hoa và Indostan, giá trị các kim loại quý, mà người Châu Âu đã buôn bán với các nước này, còn cao hơn nhiều so với ở Châu Âu, và cho đến này giá trị vẫn còn cao. Các nước trồng lúa gạo thường thu hoạch hai, và đôi khi ba vụ trong một năm, mỗi vụ lúa gạo ở các nước đó cũng cho sản lượng nhiều hơn vụ ngũ cốc ở các nước lớn thường có dân số đông hơn nhiều. Ở các nước đó, người giàu thường có quá nhiều lương thực để bán ngoài phần dùng vào việc tiêu dùng cho gia đình họ, do đó tiền bán lúa cho phép họ có thể thuê mướn một số lao động lớn hơn nhiều của những người khác. Số người tùy tùng và phục vụ cho một nhà quý tộc ở Trung Hoa hoặc Indostan theo các bản báo cáo cho biết thì nhiều và sang trọng hơn hẳn các nhân vật giàu có nhất ở Châu Âu. Do các nhà quý tộc ở đây có quá nhiều lương thực mà họ bán đi, nên họ mua được những thứ đồ quý hiếm như kim loại và đá quý mà thiên nhiên chỉ cung cấp với những số lượng nhỏ, vì thế các thứ đồ quý đó đã trở thành những thứ đồ phô trương sự giàu sang của họ. Mặc dù các mỏ cung cấp cho Châu Âu, các thứ hàng hóa đặc biệt này tuy vậy ở Ấn Độ vẫn đổi được một số lương thực nhiều hơn ở Châu Âu. Nhưng cũng phải nói là các mỏ cung cấp các kim loại quý cho thị trường Ấn Độ hình như có trữ lượng ít hơn so với các mỏ cung cấp các kim loại quý cho Châu Âu nhưng các mỏ đá quý lại có trữ lượng nhiều hơn, cho nên kim loại quý ở Ấn Độ tất nhiên đổi được một số lượng đá quý nhiều hơn và cũng vì thế mua được một số lượng thực nhiều hơn so với ở Châu Âu. Giá trả bằng tiền của kim cương, loại có giá trị nhất trong những đồ xa xỉ, cũng sẽ hạ hơn một mức độ nào đó. Và giá lương thực, thứ đồ cần thiết cho đời sống, lại rẻ hơn rất nhiều, tùy theo từng nước. Nhưng giá thực của lao động, số lượng thực sự của các vật dụng cần thiết cho đời sống của người lao động ở cả Trung Hoa lẫn Indostan, hai thị trường lớn nhất của Đông Ấn, thì thấp hơn so với phần lớn các nước ở Châu Âu. Tiền công của người lao động ở Đông Ấn chỉ mua được một số lượng lương thực ít hơn tiền công lao động ở Đông Ấn thấp hơn so với Châu Âu vì hai lẽ: tiền công rẻ mạt chỉ mua được một số lượng nhỏ lương thực và giá lương thực đó lại thấp. Nhưng ở các nước có nền mỹ nghệ và công nghiệp tương đương (với Châu Âu) thì giá phần lớn các hàng chế tạo được trả cân xứng với công lao động. Về mỹ nghệ và công nghiệp chế tạo, Trung Hoa và Indostan, mặc dù còn thấp kém nhưng không kém quá nhiều so với bất kỳ nơi nào ở Châu Âu. Trên phần lớn lãnh thổ châu Âu, cước phí chuyên chở bằng đường bộ làm cho giá thực tế và giá danh nghĩa của hàng công nghiệp tăng lên khá nhiều. Việc sản xuất, chế tạo đòi hỏi rất nhiều phí tổn về tiền công lao động cũng như chi phí mang hàng ra thị trường bán. Ở Trung Hoa và Indostan, do có khá nhiều đường thủy dùng cho công việc vận chuyển hàng hóa trong nội địa, cho nên cước phí về mặt này không đáng kể và do đó lại làm cho giá thực tế và giá danh nghĩa của phần lớn các hàng chế tạo thấp hơn nữa. Vì các lẽ đó, các kim loại quý là một thứ hàng hóa hết sức có lợi để chuyên chở từ Châu Âu sang Đông Ấn. Không có thứ hàng hóa nào được giá hơn kim loại quý bán ở Đông Ấn, so với số lượng lao động và hàng hóa mà một lượng kim loại quý nào để thuê mướn hay mua được ở Châu Âu, nếu mang sang bán ở Đông Ấn, lượng kim loại đó sẽ thuê mướn được một số lượng lao động và mua được một lượng hàng hóa lớn hơn nhiều. Có lợi hơn nếu mang bạc hơn là mang vàng sang đó bán vì ở Trung Hoa và nhiều thị trường khác ở Đông Ấn, tỷ lệ giữa giá bạc và giá vàng chỉ là 1 so với 10 hoặc nhiều nhất là 12, trong khi ở Châu Âu, tỷ lệ đó là 1 so với 14 hay 15. Ở Trung Hoa và ở phần lớn các thị trường khác ở Đông Ấn, 10 hay nhiều nhất là 12 ounce hoặc mua được 1 ounce vàng. Ở Châu Âu phải cần đến 14-15 ounce. Vì vậy bạc là một mặt hàng có giá trị nhất trong số các loại hàng hóa chở bằng tàu biển từ Châu Âu sang Đông Ấn. Bạc cũng là mặt hàng có giá trị nhất trở trên các tàu biển Acapulco đi Manilla. Bạc của lục địa mới trở thành một trong số các hàng hóa chủ yếu trao đổi giữa hai đầu của lục địa cũ, và cũng do sự buôn bán về bạc mà hai vùng xa cách này của thế giới đã được nối liền nhau.

Để có thể cung cấp đầy đủ số lượng bạc cần thiết cho một thị trường rộng lớn như vậy với mục đích không chỉ đúc tiền bằng kim loại và làm ra các đồ dùng bằng bạc để trang trí cho các gia đình giàu có mà còn bù đắp lại số bạc bị thường xuyên hao mòn và mất mát cho nên các mỏ bạc phải được khai thác mạnh mẽ và triệt để để thảo mãn mọi đòi hỏi nói trên ở các nước phồn vinh và ở các nơi khác cần tiêu dùng kim khí quý này.

Sự hao mòn liên tục các kim khí quý dưới dạng tiền đúc dùng cho việc mua bán, và dưới dượng các đồ dùng hàng ngày là một lượng mất mát đáng kể. Ở vài nơi sản uất, tuy mức tiêu hao kim khí quý nhìn chung có thể không lớn hơn so với mức tiêu hao dần dần nói trên, nhưng lại cần kim khí quý theo một vòng quay khá nhanh, cho nên lượng tiêu hao lớn hơn. Chỉ riêng các xưởng chế tạo ở Birmingham dùng vàng bạc để mạ vàng và mạ bạc, hàng năm sử dụng hơn 50.000 pound sterling. Từ những lượng thông tin trên đây, chúng ta đã thấy việc tiêu thụ vàng bạc lớn biết bao ở tất cả mọi nơi trên thế giới qua việc mạ vàng mạ bạc như ở các xí nghiệp cùng loại với các xưởng ở Birmingham, hoặc để làm ra các loại đồ trang sức như vòng, nhẫn, xuyến, đồ dùng bằng vàng và bạc, việc mạ gáy các quyển sách, các đồ dùng trang trí nội thất… Đây là chưa nói tới sự mất mát, thất lạc hàng năm do việc vận chuyển các kim loại quý đó trên mặt biển và trên mặt đất từ nơi này sang nơi khác. Ở các nước Châu Á người ta còn có tập tục giữ của cho con cháu bằng cách chôn vàng bạc xuống đất mà khi người chôn của chết đi thì số vàng bạc đó bị lãng quên.

Số lượng vàng, bạc nhập vào Cadiz và Lisbon (kể cả lượng đã đăng ký và lượng nhập lậu), theo những báo cáo đáng tin cậy nhất là vào khoảng 6 triệu đồng sterling một năm.

Theo ông Meggens[5], số lượng kim loại quý nhập hàng năm và Tây Ban Nha, tính trung bình trong 6 năm, tức là từ năm 1748 đến 1753, đã lên đến 1.101.107 pound bạc và 29.940 pound vàng. Số bạc tính theo giá 62 shilling một pound Troy, lên tới 3.413.431 bảng 10 shilling sterling. Số lượng vàng, tính 44,5 guinea một pound Troy, lên tới 2.333.446 bảng 14 shilling sterling. Tổng số tiền cả vàng và bạc lên tới 5.746.878 bảng 4 shilling. Con số vàng bạc nhập theo sổ đăng kí được ông ta bảo đảm là xác thực. Ông ta cũng chỉ rõ chi tiết các nơi mà từ đó vàng bạc được đưa tới và cả số lượng riêng của từng kim loại mà mỗi nơi nói trên đã cung cấp và được ghi trong sổ sách. Ông ta cũng tính đến số lượng vàng bạc mà ông ta giả định là được nhập lậu. Kinh nghiệm của người lái buôn đứng đắn này làm cho những lời ông ta tuyên bố có cơ sở đáng tin cậy.

Theo tác giả có khá nhiều hiểu biết của cuốn Lịch sử triết học và chính trị học về việc lập nghiệp của các người Châu Âu ở Đông Ấn và Tây Ấn, số vàng bạc đã đăng ký nhập vào Tây Ban Nha, tính trung bình trong 11 năm từ 1754 đến 1764 lên tới 13.984.185 ¾ đồng real (tiền Tây Ban Nha). Nếu tính cả số vàng bạc có thể đã nhập lậu, ông ta giả thiết là số tiền đó lên tói 17 triệu đồng Tây Ban Nha, và nếu tính 4 shilling 6 penny một đồng Tây Ban Nha, thì bằng 3.825.000 bảng sterling. Ông ta cũng cho biết những nơi cụ thể mà từ đó vàng bạc được đưa đến và số lượng của từng kim loại mà mỗi nơi đó đã cung cấp. Ông cũng thông báo cho chúng ta biết rằng nếu chúng ta phỏng đoán số lượng vàng nhập hàng năm từ Brazil và Lisbon theo số tiền thuế phải nộp cho vua Bồ Đào Nha, mà con số này chỉ là 1/5 kim loại chuẩn, chúng ta có thể xác định trị giá số lượng vàng đó bằng 18 triệu cruzado hoặc 45 triệu livres Pháp, bằng khoảng 2 triệu sterling. Để tính thêm số lượng nhập lậu, chúng ta có thể chắc chắn tính thêm 1/8 số tiền trên đây, hoặc 250.000 bảng sterling, để đạt tới tổng số là 2.250.000 bảng sterling. Theo cách tính toán này, số kim loại quý nhập hàng năm vào Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha lên tới 6.075.000 bảng sterling.

Một vài cách tính đáng tin cậy khác, mặc dù chỉ ở dạng viết tay, đã đi đến kết luận chung là số lượng nhập kim loại quý trung bình hàng năm là vào khoảng 6 triệu bảng sterling, cũng có thể đoi khi hơn hay kém số tiền đó một ít.

Lượng nhập kim loại quý hàng năm vào Cadiz và Lisbon không bằng tổng sản lượng hàng năm của các mỏ ở Châu Mỹ. Một phần nào đó được huyên chở hàng năm tới bán ở Manilla bằng tàu biển Acapulco, một phần khác được sử dụng vào việc buôn lậu mà các nước thuộc địa của Tây Ban Nha tiến hành với các nước Châu Âu khác, và một phần nào nữa thì nằm lại trong nước. Ngoài ra các mỏ ở Châu Mỹ không chỉ là những mỏ vàng, bạc duy nhất trên thế giới. Tuy thế, các mỏ đó là phong phú nhất về mặt trữ lượng. Sản lượng của tất cả các mỏ khác không đáng kể, điều này đã được xác nhận, so với các mỏ ở Châu Mỹ, và người ta cũng cộng nhận rằng phần lớn sản phẩm khai thác từ cá mỏ ở Châu Mỹ thường được nhập vào Cadiz và Lisbon. Nhưng lượng tiêu thụ riêng Birmingham với mức 50.000 bảng một năm là bằng 1/120 số lượng nhập hàng năm này với mức 6 triệu bảng 1 năm. Vì thế tổng mức tiêu thụ hàng năm về vàng bạc ở tất cả các nước trên thế giới, mà ở đó các kim loại quý được ưa chuộng và sử dụng rộng rãi, có thể gần bằng tổng sản lượng hàng năm. Số còn lại cũng không quá thừa thãi để cung cấp cho số cầu ngày càng tăng của các nước đang tên đường phồn vinh, thịnh vượng. Cũng có thể không đủ thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng, và đó là nguyên nhân giá các kim loại đó tăng lên trên thị trường Châu Âu.

Số lượng đồng và sắt khai thác hàng năm từ các mỏ, lớn hơn số lượng vàng bạc rất nhiều. Tuy nhiên chúng ta cũng không thể vì lí do này mà nghĩ rằng các kim loại thô đó có thể được khai thác nhiều đến mức vượt quá nhu cầu hoặc ngày càng trở nên rẻ hơn. Tại sao chúng ta lại có thể nghĩ rằng các kim loại này có thể sẽ như vậy? Thực vậy, các kim loại thô, mặc dù cứng hơn nhưng lại được dùng trong các điều kiện khắc nghiệt hơn nhiều, và vì các thứ kim loại này có giá trị kém hơn, cho nên người ta ít quan tâm hơn đến việc bảo quản chúng. Tuy nhiên, các kim loại quý không nhất thiết phải bền lâu như kim loại thô, nhưng cũng có thể bị mất mát, bị vung phí và tiêu hao bằng nhiều cách khác nhau.

Giá của các kim loại, mặc dù cũng biến động dần dần nhưng từ năm này qua năm khác biến động ít hơn so với giá của hầu như bất kỳ sản phẩm thô này khác lấy từ trong lòng đất. Và giá của các kim loại quý ít biến động đột ngột hơn so với các kim loại thô. Tính bền của kim loại là cơ sở của giá cả vững và ổn định của nó. Ngũ cốc mang ra chợ bán năm ngoái có thể được dùng hết hay hầu như gần hết trước khi kết thúc năm nay. Nhưng sắt được khai thác từ mỏ hai hay ba trăm năm trước vẫn còn được sử dụng. Mặc dù sản lượng của phần lớn các mỏ kim loại từ năm này sang năm khác biến động ấy không có tác động như nhau đối với giá các mặt hàng khác nhau.

NHỮNG BIẾN ĐỘNG VỀ TỶ LỆ GIÁ TRỊ CỦA VÀNG VÀ BẠC

Trước khi khám phá ra các mỏ ở Châu Mỹ, giá trị vàng đủ tuổi so với bạc đủ tuổi do các sở đúc tiền ở Châu Âu điều chỉnh từ tỷ lệ 1/10 đến 1/12, nghìn là 1 ounce vàng đủ tuổi được xem như có giá trị bằng 10 đến 12 ounce bạc đủ tuổi. Đến giữa thế kỷ trước, tỷ lệ này là từ 1/14 đến 1/15, nghĩa là 1 ounce vàng đủ tuổi có giá trị bằng 14 đến 15 ounce bạc đủ tuổi. Vàng tăng giá trị danh nghĩa của nó hay là có thể đổi được một lượng bạc nhiều hơn. Cả hai kim loại đều tụt xuống về giá trị thực tế hay là về lượng lao động mà chúng có thể đổi lấy, nhưng bạc mất giá nhiều hơn so với vàng. Mặc dù các mỏ vàng, bạc ở Châu Mỹ đều có trữ lượng lớn hơn so với bất kỳ mỏ nào tìm thấy trước đấy nhưng về mặt tỷ lệ thì trữ lượng mỏ bạc còn lớn hơn trữ lượng của mỏ vàng.

Các số lượng bạc lớn chuyên chở hàng năm từ Châu Âu đến Ấn Độ đã dần dần làm giảm giá trị của bạc so với vàng. Sở đúc tiền Calcutta điều chỉnh tỷ lệ giữa vàng và bạc là 15 ounce bạc nguyên chất mới bằng 1 ounce vàng nguyên chất, cũng giống như ở Châu Âu. Chính do sự đánh giá quá cao của Sở đúc tiền này mà có tỷ lệ như vậy trên thị trường Bengal. Ở Trung Hoa tỷ lệ vàng so với bạc vẫn là 1 trên 10 hay 1 trên 12. Ở Nhật tỷ lệ này là 1 trên 8.

Theo bản tường trình của ông Meggans, tỷ lệ giữa số lượng vàng và bạc nhập hàng năm vào Châu Âu là 1 trên 22 hay gần như vậy, nghĩa là cứ nhập 1 ounce vàng thì người ta nhập kèm theo khoảng 22 ounce bạc. Do có số lượng bạc lớn chuyên chở sang Đông Ấn hàng năm, cho nên nó làm giảm số lượng của hai kim loại quý này ở Châu Âu xuống đến tỷ lệ 1 trên 14 hay 15, và đó cũng là tỷ lệ về giá trị giữa hai kim loại này. Ông ta cho rằng tỷ lệ giữa giá trị của 2 kim loại này tất yếu cũng phải giống như tỷ lệ giữa số lượng của chúng, và vì thế cũng sẽ là 1 trên 22 nếu như không có sự xuất sang Đông Ấn một số lượng bạc lớn.

Nhưng tỷ lệ thông thường giữa giá trị của hai loại hàng hóa không nhất thiết phải giống như tỷ lệ giữa số lượng của chúng thường thấy trên thị trường. Giá một con bò đực được tính là tương đương với 10 guinea (tiền vàng của nước Anh xưa, có giá trị bằng 21 shilling) gấp 60 lần giá một con cừu non giá 3 shilling 6 penny một con. Sẽ là một điều phi lý khi từ đó suy ra rằng ở chợ cứ 60 con cừu non thì có một con bò đực, và cũng sẽ phi lý không kém khi suy ra rằng ở chợ cứ 14 hay 15 ounce bạc thì có 1 ounce vàng, bởi vì tỷ lệ giữa chúng thường là 1 trên 14 hay 15.

Chắc hẳn trên thị trường tỷ lệ giữa số lượng bạc và số lượng vàng lớn hơn tỷ lệ về giá trị giữa hai kim loại này. Tổng số lượng của một thứ hàng hóa rẻ tiền nào đó mang ra chợ bán thường là không những nhiều hơn mà còn có giá trị lớn hơn so với tổng số lượng của một mặt hàng đắt tiền. Cũng như vậy, tổng số lượng bánh mỳ tiêu thụ hàng năm không những có số lượng lớn hơn mà còn có giá trị lớn hơn tổng số lượng thịt lợn và bò; thịt lợn và thịt bò thường có nhiều hơn gia cầm, và gia cầm lại có nhiều hơn chim muông săn bắn được từ rừng mang về. Người muốn mua những mặt hàng rẻ bao giờ cũng nhiều hơn người mua các mặt hàng đắt tiền, cho nên mặt hàng rẻ không những bán được số lượng lớn hơn, mà còn thu được giá trị lớn hơn. Khi chúng ta so sánh các kim loại quý giữa chúng với nhau, bạc là mặt hàng rẻ, vàng là mặt hàng đắt. Do đó, chúng ta phải nghĩ đến là ở chợ bạc phải sẵn có nhiều hơn vàng cả về số lượng và giá trị. Nếu một người giàu có nào đó mang so sánh các đồ vàng bạc mà ông ta có trong nhà, tất nhiên ông ta sẽ thấy có nhiều đồ bạc hơn. Rất nhiều người có rất nhiều đồ bằng bạc, nhưng lại không có đồ bằng vàng, và nếu ai đó có ít đồ trang sức bằng vàng thì chúng ít khi có giá trị lớn vì đó chỉ là những vỏ đồng hồ, hộp đựng thuốc và các đồ lặt vặt khác. Trong tiền đúc bằng kim loại của Anh, hàm lượng vàng trội hơn nhiều so với các nước khác. Trong số tiền đúc ở một vài nước, giá trị của hai thứ kim loại này gần bằng nhau. Trong tiền đúc của xứ Scotland, trước khi sát nhập vào nước Anh, vàng cũng có trội hơn tí chút theo như các báo cáo của Sở đúc tiền. Bạc thì có hàm lượng khá hơn trong số tiến đúc ở nhiều nước. Ở Pháp, các số tiền lớn đều được thanh toán bằng bạc, và ở nước này, khó mà có đủ vàng cần thiết để bỏ túi mang đi để tiêu dùng. Tuy nhiên, giá trị hơn hẳn của các đồ dùng bằng bạc so với các đồ dùng bằng vàng được sử dụng ở tất cả các nước sẽ bù lại một cách xứng đáng ưu thế của tiền vàng đối với tiền bạc được sử dụng chỉ ở một số nước

Mặc dù, về một nghĩa nào đó của từ này, bạc chắc chắn rẻ hơn vàng nhiều nhưng về một nghĩa khác, hiện nay trên thị trường Tây Ban Nha vàng có thể rẻ hơn bạc chút ít. Một thứ hàng hóa có thể được xem là rẻ hay đắt không thể chỉ theo giá tuyệt đối cao hay thấp mà tùy theo giá đó cao hơn nhiều hay ít so với giá thấp nhất, mà với giá đó người ta có thê mang thứ hàng đó ra chợ bán trong một thời gian khá dài. Giá thấp nhất này là giá vừa đủ hoàn lại, với một lợi nhuận vừa phải, số tiền vốn sử dụng để sản xuất và mang thứ hàng hóa đó ra bán ở thị trường. Đó là giá không có khả năng trả tiền thuê đất cho điền chủ, mà tiền thuê đất hòa nhập hoàn toàn vào tiền công lao động và lợi nhuận. Nhưng trong tình hình hiện nay của thị trường Tây Ban Nha, so với bạc thì vàng gần hơn với giá thấp nhất này. Thuế của nhà vua Tây Ban Nha đánh vào vàng chỉ là 1/20 kim loại chuẩn hay là 5%, trong khi đó thuế của nhà vua đánh vào bạc lên tới 1/10 kim loại chuẩn hay là 10%. Người ta còn nhận xét là những thứ thuế này còn bao gồm cả tiền thuê phần lớn các mỏ vàng bạc ở Châu Mỹ thuộc quyền Tây Ban Nha cai trị, và số tiền phải trả cho mỏ vàng còn rẻ hơn trả cho mỏ bạc. Người khai thác các mỏ vàng chỉ đạt được lợi nhuận ít hơn so với người khai thác mỏ bạc và do đó rất hiếm có người làm giàu và xây dựng nổi cơ đồ. Giá vàng Tây Ban Nha, do đó chỉ đóng được tiền thuê đất mỏ ít hơn và dành được một số lợi nhuận ít hơn, cho nên so với giá bạc thì gần hơn với giá thấp nhất, mà với giá đó có thể đưa vàng tới chợ bán. Khi mọi khoản chi phí đều được tính toán, tổng số lượng của thứ kim loại này trên thị trường Tây Ban Nha hình như khó bán được một cách có lợi như tổng số lượng của thứ kim loại kia. Thuế mà vua Bồ Đào Nha đánh vào vàng của Brazil cũng giống như thuế mà trước đó vua Tây Ban Nha đánh vào bạc của Mexico và Peru, tức lá 1/5 tổng lượng kim loại chuẩn khai thác được. Cho nên cũng có thể không chắc chắn, liệu toàn bộ khối lượng vàng Châu Mỹ trên thị trường Châu Âu có được bán với cái giá gần hơn với giá thấp nhất so với toàn bộ khối lượng bạc cũng từ Châu Mỹ mang tới.

Giá kim cương và các đá quí khác so với giá vàng thì có thể gần hơn với giá thấp nhất mà với giá đó có thể dễ dàng mang bán đá quý ở trên thị trường.

Thuế đánh vào những thứ quý hiếm hất, tuy chỉ là những đồ xa xỉ và không cần thiết, nhưng mang lại một nguồn thu quan trọng cho nhà nước như thế đánh vào bạc. Thuế đó không bao giờ giảm bớt đi chừng nào mà người khai thác còn nộp được. Nhưng trên thực tế năm 1736, do không có khả năng nộp thuế, cho nên nhà vua đã phải giảm thuế từ 1/5 xuống còn 1/10 và sẽ còn có lúc phải giảm hơn nữa, cũng chẳng khác gì khi giảm thuế vàng xuống còn 1/20. Phải thừa nhận rằng các mỏ bạc ở Châu Mỹ thuộc Tây Ban Nha, cũng như nhiều mỏ khác, ngày càng mất nhiều phí tổn khai thác hơn trước, do độ sâu ngày càng lớn, do phải hút nước từ mỏ ra ngoài và cung cấp không khí cho công nhân làm việc ở dưới lòng đất. Số phí tổn về các mặt này ngày càng lớn đến mức khó có thể thu được lợi nhuận đủ để đền bù số tiền vốn bỏ ra và nộp đủ thuế cho nhà vua.

Những nguyên nhân gây ra sự khan hiếm bạc ngày càng lớn (vì một thứ hàng hóa được xem là khan hiếm khi muốn mua thứ hàng đó đòi hỏi phải mất công tìm kiếm và phải trả giá đắt hơn trước) sẽ gây ra một trong ba hiện tượng sau đây: thứ nhất, các phí tổn khai thác phải được hoàn toàn bù đắp bằng việc tăng giá kim loại; thứ hai, phí tổn đó phải được hoàn toàn bù đắp bằng việc giảm thuế đánh vào bạc; và thứ ba, phí tổn đó phải được đền bù một phần bằng cách thứ nhất và một phần bằng cách thứ hai. Cách thứ ba này có khả năng làm được. Vì vàng tăng giá theo tỷ lệ cân xứng với bạc, bất kể vàng được giảm thuế khá nhiều so với bạc, cho nên bạc có thể tăng giá theo tỷ lệ cân xứng với sức lao động bỏ ra và với giá các loại hàng hóa khác, đó là chưa nói đến bạc cũng phải được giảm thuế như vàng.

Sự giảm thuế liên tiếp như vậy, mặc dù nó không có tác động ngăn chặn hoàn toàn, nhưng tất nhiên cũng làm chậm đi ít nhiều việc tăng giá trị bạc trên thị trường Châu Âu. Cũng do việc giảm thuế như vậy, nhiều mỏ có thể lại được khai thác, mặc dù trước đây người ta không thể làm được vì không đủ khả năng đóng thuế theo mức cũ, do đó số lượng bạc hàng năm mang bán trên thị trường luôn phải nhiều hơn trước một ít, và cũng vì thế mà giá cả cũng thấp hơn trước.

Do việc giảm thuế năm 1736, giá bạc trên thị trường Châu Âu, mặc dù ngày đó có thể chưa hạ xuống so với trước khi giảm thuế, nhưng chắc chắn ít nhất đã giảm bớt 10% so với giá mà lẽ ra phải bán nếu như triều đình Tây Ban Nha cứ tiếp tục thu thuế theo mức cũ. Bất chấp sự giảm thuế này, giá trị cũng đã bắt đầu tăng lên một ít trong thế kỷ này trên thị trường Châu Âu; những sự kiện và lý do được đưa ra trên đây làm cho tôi tin điều đó, hay nói một cách đúng hơn là nghi ngờ và phỏng đoán điều đó vì thấy đó là ý kiến tốt nhất mà tôi có thể có được về vấn đề nay. Sự tăng giá bạc, dù cho rằng đã xảy ra đi chăng nữa, cho tới này cũng rất nhỏ nhoi, cho nên mọi người thấy chưa thật chắc chắn rằng đó là một sự kiện đã xảy ra, mà là một sự kiện ngược lại đã xảy ra hoặc giá trị của bạc có thể còn tiếp tục hạ trên thị trường Châu Âu.

Tuy nhiên, cũng cần nhận định rằng dù cho số lượng vàng bạc nhập hàng năm là bao nhiêu đi chăng nữa, chắc cũng phải có một thời kỳ nào đó khi số tiêu dùng hàng năm các kim loại đó ngang với số lượng nhập. Sức tiêu thụ các kim loại quý đó phải tăng theo mức khai thác được ngày càng nhiều. Cũng do khối lượng kim loại khai thác được nhiều hơn trước, nên giá trị của chúng có phần giảm đi. Sau một thời gian nào đó, mức tiêu dùng hàng năm những kim loại đó trở nên ngang bằng với số lượng nhập hàng năm, miễn là số lượng nhập không được tiếp tục tăng lên, mà hiện nay chúng ta thấy trường hợp như vậy chưa xảy ra.

Nếu, khi lượng tiêu thụ hàng năm ngang bằng với lượng nhập hàng năm, số lượng nhập hàng năm dần dần giảm đi, tức tiêu dùng hàng năm đến một lúc nào đó có thể vượt quá lượng nhập hàng năm. Khối lượng kim loại đó có thể dần dần giảm bớt đi, và vì thế giá trị của nó được tăng lên cho đến khi mà số lượng nhập trở lại tình trạng tĩnh lập, mức tiêu dùng sẽ dần dần thích ứng với số lượng nhập hàng năm đó.

NHỮNG CĂN CỨ CHO SỰ NGHI NGỜ BẰNG GIÁ TRỊ BẠC HÃY CÒN TIẾP TỤC GIẢM XUỐNG

Sự giàu có ở Châu Âu tiếp tục tăng, và dân chúng có sự nhận định rằng số lượng các kim loại quý hiếm tất nhiên tăng lên cùng với sự giàu có của đất nước, và cũng vì thế mà giá trị của các kim loại đó tất yếu phải giảm sút chừng nào số lượng của chúng tăng lên. Điều đó làm cho nhiều người tin rằng giá trị của chúng còn tiếp tục giảm sút trên thị trường Châu Âu, và hơn thế nữa, giá các sản phẩm thô lấy từ đất ngày càng tăng lên, lại khẳng định thêm niềm tin đó của họ.

Thực ra, việc tăng số lượng các kim loại quý ở bất kỳ nước nào đã đạt được sự giàu sang, không có chiều hướng giảm bớt giá trị của chúng, tôi đã cố gắng chứng minh điều đó từ trước. Vàng bạc tất nhiên thường dốc vào các nước giàu có, cũng vì lý do như là các loại đồ dùng sang trọng, đắt tiền và các vật quý hiếm dốc vào các nước đó. Không phải các thứ đó ở các nước ấy được bán với giá rẻ hơn ở các nước nghèo, mà vì ở các nước giàu chúng thường được bán với giá đắt hơn, hoặc chúng bán được giá hơn so với những nơi khác. Chính giá cả cao đã hấp dẫn chúng, và chừng nào tính ưu việt này không còn nữa thì các đồ vật đó cũng chẳng còn được mang đến bán ở đó nữa.

Trừ ngũ cốc và các thứ rau quả do con người trồng trọt để nuôi sống mình và đồng loại, tất cả các loại sản phẩm ở dạng thô khác như gia súc, gia cầm, các muông thú săn bắn, các vật hóa thạch hữu ích và các khoảng sản lấy từ lòng đất… tất nhiên ngày càng bán với giá đắt hơn khi xã hội tiến lên trong sự giàu sang phú quý. Tôi cũng đã cố gắng trình bày điều này rồi. Mặc dù những sản phẩm như vậy đổi được một số lượng bạc lớn hơn trước đây, nhưng cũng không vì lẽ đó mà bạc đã trở nên thực sư rẻ hơn hoặc thuê mướn được ít nhân công hơn trước; nhưng nói đúng ra, các sản phẩm đó chính tự nó đã trở nên đắt hơn hoặc sẽ đổi được một lượng lao động nhiều hơn trước. Không chỉ giá danh nghĩa mà cả giá thực tế của các sản phẩm đó đã tăng lên theo sự tiến lên của xã hội. Sự tăng lên về giá danh nghĩa của các sản phẩm đó là hậu quả không phải của việc giảm giá trị của bạc, mà chính là của sự gia tăng về giá thực tế của những sản phẩm đó.

NHỮNG TÁC ĐỘNG KHÁC NHAU CỦA QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN ĐỐI VỚI BA LOẠI SẢN PHẨM THÔ KHÁC NHAU

Các loại sản phẩm ở dạng thô này có thể chia thành ba loại. Loại thứ nhất bao gồm những sản phẩm mà sự siêng năng cần mẫn của con người ít khi làm tăng số lượng của chúng được. Loại thứ hai bao gồm những sản phẩm có thể nhân lên theo nhu cầu. Loại thứ ba là những sản phẩm mà đối với chúng sự cần mẫn siêng năng của con người bị hạn chế hoặc khó mang lại hiệu quả chắc chắn. Trong quá trình xã hội tiến lên giàu sang phú quý, giá thực tế của loại sản phẩm thứ nhất có thể tăng lên đến bất kỳ mức độ quá đáng nào, và nó hình như không bị hạn chế hoặc khó mang lại hiệu quả chắc chắn. Trong quá trình xã hội tiến lên giàu sang phú quý, giá thực tế của loại sản phầm thứ nhất có thể tăng lên đến bất kỳ mức độ quá đáng nào, và nó hình như không bị hạn chế bởi bất kỳ ranh giới nào. Giá của loại sản phầm thứ hai, mặc dù có thể tăng lên rất nhiều, tuy nhiên vẫn có một thứ ranh giới nào đó mà nó không thể vượt qua được trong một khoảng thời gian khá dài. Giá của loại sản phẩm thứ ba, mặc dù có xu hướng là tăng lên theo đã tiến bộ của xã hội, tuy nhiên vẫn trong đã tiến bộ ấy nó có thể đôi khi bị tụt xuống, đôi khi vẫn cứ tiếp tục giữ nguyên như vậy và đôi khi tăng lên, ít hay nhiều tùy theo những sự ngẫu nhiên đã làm cho các cố gắng lao động của con người trong quá trình gia tăng số lượng loại sản phẩm ở dạng thô này, đạt thành công nhiều hay ít.

LOẠI THỨ NHẤT

Loại thứ nhất của sản phẩm ở dạng thô mà giá của nó tăng lên cùng với sự tiến bộ của xã hội, là loại mà sự siêng năng, cần mẫn của con người không có khả năng làm tăng lên được về mặt số lượng. Nó bao gồm các vật mà thiên nhiên chỉ sản xuất ra một số lượng nhất định rất dễ hỏng, cho nên không thể tích trữ các sản phẩm này từ nhiều mùa vụ khác nhau. Đó là những loại chim, cá quý hiếm, các loại muông thú, nhất là các loại chim luôn luôn thay đổi nơi sinh sống tùy theo thời tiết… Khi mà của cải và mức sống sang trọng được tăng lên thì người ta muốn có những sản phẩm đó như một thứ đồ giả trí xa xí, và nhu cầu đó của người giàu ngày càng tăng, và con người dù cố gắng và siêng năng đến mấy cũng không thế nào tăng số lượng cung cấp các mặt hàng quý, hiếm đó vượt quá số lượng đã có trước khi nhu cầu đó tăng. Số lượng các thứ sản phẩm đó không thay đổi hoặc gần như không thay đổi, trong khi đó thì người ta lại thi nhau mua cho bằng được các thứ quý hiếm đó để làm cảnh, cho nên giá của các thứ sản phẩm đó tùy thuộc vào số cầu và có thể tăng lên một cách quá đáng không thể ngờ tới được và hình như không có giới hạn nào cả. Nếu con chim sẽ gà trở thành một cái mốt được nhiều người ưa thích, và có thể bán tới 20 guinea 1 con, thì cũng không một ai dù siêng năng, cần mẫn đến đâu, cũng không thể làm tăng số chim này nhiều hơn số chim hiện có. Người ta cũng nhớ lại những người La Mã, trong thời kỳ huy hoàng nhất của đế chế, đã trả giá rất cao để mua các loại chim và cá quý, hiếm. Những giá cao đó tất nhiên không phải là hậu quả của bạc bị xuống giá thời bấy giờ, mà chính là do sự khan hiếm những vật quý, vật hiếm và cảnh lạ làm cho giá cả tăng lên cao vọt như vậy.

Ở La Mã trong một thời gian trước và sau sự sụp đổ của nước cộng hòa, bạc được bán với giá cao so với ở phần lớn các nước Châu Âu hiện nay. Ba sestertium (đông tiền cổ La Mã có giá trị bằng ¼ denarius), bằng khoảng 6 penny sterling, là giá trả cho một peck (độ 9 lít) lúa mì đã chịu thuế thập phân ở Sicily. Giá này tuy nhiên thấp hơn giá trung bình ở thị trường. Người trại chủ ở Sicily bị buộc phải bán lúa mì với giá đó, được xem như là đã đóng thuế (bằng 1/10 giá trị lúa). Tuy nhiên, khi người La Mã cần mua nhiều ngũ cốc hơn so với số lượng phải chịu thuế thập phân, thì họ buộc phải trả giá 4 sestertium, hoặc 8 penny sterling, cho một peck (khoảng 9 lít), và giá này được xem là vừa phải, hợp lý, tức là giá trung bình thời bấy giờ. Giá này bằng khoảng 21 shilling một góc tạ Anh. 28 shilling một góc tạ Anh là giá trung bình thường bán theo hợp đồng cung cấp lúa mì ở Anh trước những năm khan hiếm gần đây nhất, nhưng lúa mì Anh chất lượng kém hơn lúa mì Sicily và thường bán với giá rẻ hơn trên thị trường Châu Âu.

Vì thế, ngược lại, giá trị bạc vào thời kỳ cổ xưa đó so với giá bạc vào thời kỳ hiện tại chắc phải là ở tỷ lệ ba so với bốn, nghĩa là ba ounce bạc chắc hẳn đã mua được một số lượng hàng hóa hay thuê mướn được một số nhân công mà thời này phải cần tới bốn ounce bạc. Khi chúng ta đọc trong tác nhân của Pliny rằng Seius mua một con chim sơn ca lông trắng để làm tặng phẩm dâng lên cho nữ hoàng Agrippina với giá 6000 sestertium, nghĩa là có giá trị bằng khoảng 50 bảng Anh theo thời giá hiện nay, và Asinius Celer mua một con cá phèn với giá 8000 Sestertium bằng khoảng 66 bảng 13 shilling 4 penny theo thời giá hiện nay, và Asinius Celer đã mua con cá phèn với một số tiền ngang với 88 bảng 17 shilling 9,5 penny theo thời giá hiện nay. Vậy, các giá mua quá đáng nói trên, không phải là do có sự thừa thãi về bạc cũng như sự dư thừa về sức lao động và các phương tiện nuôi sống mà người La Mã có, ít hơn rất nhiều so với số lượng bạc mà một lượng tương đương về lao động và các phương tiện sinh sống hiện nay có thể mang lại cho họ.

LOẠI THỨ HAI

Loại thứ hai của sản phẩm ở dạng thô mà giá của chúng tăng lên cùng với sự tiến bộ của xã hội, là những sản phẩm mà con người bằng sự siêng năng cần mẫn có thể sản xuất được nhiều để đáp ứng nhu cầu của đời sống. Nó bao gồm các cây cối và động vật có ích mà, ở các nước không trồng trọt, thiên nhiên đã cung cấp một cách quá ư thừa thãi đến mức chúng không có hoặc chỉ có một giá trị nhỏ nhoi mà thôi, và khi ngành trồng trọt được hình thành và ngày càng tăng tiến, thì chúng buộc phải nhường chỗ cho các loại sản phẩm sinh lợi hơn.

Trong một thời kỳ dài trong quá trình tiến lên và đổi mới phương thức canh tác, số lượng các cây cối có ích này liên tục giảm đi, trong khi đó thì nhu cầu về chúng lại liên tục tăng. Giá trị thực tế của chúng cứ tăng dần tới mức mà chúng cũng trở nên những loại sản phẩm sinh lợi như các thứ khác mà con người sản sinh ra bằng sức lao động của mình trên những mảnh đất màu mỡ, phì nhiêu nhất. Khi giá trị thực tế của chúng đã lên đến mức rất cao, thì không thể nào cứ tiếp tục cao mãi lên được, vì như thế người ta sẽ dùng đất đai và sức lao động để tăng số lượng của chúng.

Khi giá súc vật tăng cao tới mức người ta thấy việc trồng cỏ nuôi gia súc cùng có lợi như việc trồng lúa nuôi sống con người thì gia súc vật sẽ chững lại và không thể lên cao hơn được nữa. Nếu giá súc vật cứ lên, thì tất nhiên đất trồng thóc lúa sẽ chuyển thành cánh đồng cỏ nuôi gia súc. Việc mở rộng canh tác bằng cách giảm bớt số lượng cánh đồng cỏ, làm giảm lượng thịt cung cấp cho thị trường. Giá thịt và giá gia súc sẽ dần dần tăng lên tới mức người trồng trọt cảm thấy tốt hơn nên chuyển sang chăn nuôi và biến đất trồng ngũ cốc thành đất trồng cỏ nuôi gia sức. Nhưng trong quá trình phát triển xã hội ít khi cày cấy trồng trọt được mở rộng đến mức làm cho giá súc vật tăng lên cao quá như vây. Cũng có một vài nơi ở Châu Âu mà ở đó giá gia súc chưa đạt tới mức cao này. Ví dụ, ở xứ Scotland trước khi liên hiệp với vương quốc Anh, giá gia súc cũng không tăng lên được tới giá cao. Nếu như gia súc của xứ Scotland chỉ hạn chế trên thị trường trong nước mà ở đó những cánh đồng cỏ rộng lớn chỉ có thể dùng để chăn nuôi chứ chẳng phải để trồng trọt được sản phẩm gì khác, thì giá gia súc không thể cao đến mức người ta thấy có lợi là nên bỏ đất trồng ngũ cốc để trồng cả cả. Ở Anh người ta nhận thấy rằng ở các vùng lân cận London, giá gia súc tăng đến mức cao này vào đầu thế kỷ trước , nhưng mãi về sau này nó mới tăng cao như vậy ở các tỉnh xa hơn, nhưng ở một số tỉnh giá gia súc không lên cao như vậy. Vậy trong số những sản phẩm ở dạng thô thuộc loại thứ hai này, gia súc có lẽ là loại mà giá cả tăng lên tới mức cao như vậy trong quá trình đất nước chuyển biến và tiến lên.

Cho đến khi giá gia súc tăng lên tới mức cao, chúng ta thấy không phải phần lớn đất đai, dù là loại đất cho năng suất cao nhất, được nông dân sử dụng triệt để vào công việc cày cấy trồng trọt. Tại tất cả các trang trại nằm ở xa tỉnh thành mà phân bón khó có thể chuyện chở tới, số lượng đất đai được chăm bón tốt chỉ tương xứng với số lượng phân bón mà bản thân trang trại đó có được, và phân bón thì lại tỷ lệ với số lượng gia súc chăn nuôi trong trang trại đó. Đất đai trồng trọt được bón bằng phân gia súc chăn thả ở ngay tại đó ngoài vụ mùa hoặc bằng cách chở phân từ các chuồng nuôi gia súc ra bón. Nhưng trừ khi giá gia súc đủ để trả tiền thuê đất và lợi nhuận của đất đai trồng trọt, người chủ trại không thể có khả năng chăn thả gia súc trên đất đó và hơn nữa họ cũng chẳng có khả năng nuôi gia súc trong các chuồng trại.

Chỉ với sản phẩm của đất đai đã được chăm bón và cày cấy tốt thì gia súc mới có đủ thức ăn để nuôi trong các chuồng trại. Nếu như giá gia súc không đủ để trả cho sản phẩm của đất đai được chăm bón và cày cấy tốt, khi gia súc được chăn thả trên đất đó, thì giá gia súc lại càng không đủ để trả công cho người lạo động thu hoạch thức ăn giá súc và mang tới cho chúng tại chuồng trại. Trong các trường hợp này, tất nhiên, người ta thấy không có lãi nếu nuôi gia súc nhiều hơn số lượng cần thiết để cày ruộng, cho nên phân bón sẽ thiếu và một phần đất bị bỏ hoang.

Trang trại mặc dù không đủ đàn gia súc để đáp ứng những yêu cầu về trồng trọt mở rộng, toàn diện, nhưng lại quá đầy đủ để làm ra sản lượng thực tế. Tuy nhiên, một phần đất bỏ hoang hóa này, sau khi dùng để chăn thả gia súc theo cách thiếu thốn như vậy trong sáu, bảy năm, có thể lại được cày bừa, trồng trọt và khi nó cho một vài vụ yến mạch với sản lượng không tốt lắm hoặc cho một vài vụ ngũ cốc khác thì lại trở nên cằn cỗi, nó lại được sử dụng vào việc chăn thả gia súc như trước kia, và một phần đất khác lại được cày bừa và sử dụng như vừa nói ở trên. Đó là phương pháp quản lý canh tác của các vùng thấp thuộc xứ Scotland trước khi vào khối liên hiệp Anh. Những đất đai được bón và chăm sóc tốt ít khi chiếm quá 1/3 hay ¼ toàn thể đất đai của trang trại và đôi khi còn không được tới 1/5 hay 1/6 của số đất đai đó. Phần còn lại chẳng bao giờ được bón phân, nhưng một phần trong số đất đó thì thay phiên nhau để canh tác và sau đó thì trở thành cằn cỗi. Theo phương pháp quản lý canh tác như thế, thật là quá rõ, cái phần đất đai có khả năng cày cấy trồng trọt tốt của xứ Scotland cũng chỉ có thể mang lại một hiệu suất thấp so với khả năng sinh sản thực tế của nó. Phương pháp canh tác đó dù bất lợi thế nào đi chăng nữa, nhưng giá gia súc rẻ đã làm cho phương pháp đó hầu như không thể tránh được. Có hai cản trở đối với công việc thiết lập một phương pháp canh tác mới, một là nghèo, không đủ tiền mua gia súc, hai là chưa có thời gian cải tạo đất để có đủ thức ăn cho gia súc.

Tăng đàn gia súc và cải thiện đất đai là hai việc phải làm song song, và việc này không thể làm trước hay vượt việc kia được. Không tăng đàn gia súc, khó có thể cải tạo ruộng đất, và không thể nào tăng đàn gia súc nếu không cải tạo ruộng đất, nếu không thế thì đất đai sản xuất không đủ nuôi đàn gia súc. Những sự cản trở này đối với việc thiết lập một hệ thống quản lý trồng trọt, chăn nuôi tốt hơn chỉ có thể đạt được bằng một sự căn cơ, tiết kiệm, siêng năng và cần mẫn. Một nửa thế kỷ hay một thế kỷ nữa sẽ trôi qua trước khi chế độ trồng trọt chăn nuôi cũ đang dần dần mất đi, sẽ hoàn toàn bị loại bỏ ở tất cả mọi nơi trên đất nước. Có thể nói, cái mặt thuận lợi nhất về buôn bán mà xứ Scotland đã nhận được qua việc liên hiệp với vương quốc Anh, đó là việc tăng giá gia súc, và đó là điều lớn nhất mà xứ này thu được. Điều này không những nâng cao giá trị ruộng đất ở các vùng cao, mà có lẽ còn là nguyên nhân chính để phát triển vùng đất thấp nữa.

Tại các thuộc địa mới có rất nhiều đất đai bỏ hoang mà từ bao đời nay chẳng thể dùng làm gì ngoài việc chăn nuôi gia súc mà càng nhiều đất đai bỏ hoang bao nhiêu thì gia súc chăn nuôi thả rông lại càng rẻ bấy nhiêu. Mặc dù gia súc của các thuộc địa Châu Âu ở Châu Mỹ đều mang từ Châu Âu sang, nhưng vì cánh đồng cỏ rộng rãi mênh mông đã làm cho chúng sinh sản và nhân lên nhanh chóng, và do đó, giá trị của chúng xuống thấp tới mức gần như không còn gì nữa, đến nỗi các con ngựa cứ tha hồ chạy rông trên các cánh đồng và trong các cánh rừng mà chăng có người chủ nào nghĩ đến việc đòi hỏi quyền sở hữu chúng. Phải mất một thời gian dài sau khi thiết lập các thuộc địa như vậy người ta mới thấy có lợi trong việc chăn nuôi gia súc bằng sản phẩm của đất đai được trồng trọt. Do đó, những lý do giống nhau như đã từng nói đến ở trên –việc thiếu phân bón và sự mất cân đối giữa đàn gia súc dùng cho trồng trọt và đất dai dành cho nông nghiệp tại các thuộc đại này – có thể dẫn đến một hệ thống quản lý na ná như đã thấy ở nhiều nơi tại xứ Scotland. Ông Kalm, một nhà du lịch Thuỵ Điển, khi tường thuật về nghề nông ở một vài thuộc địa của Anh ở Bắc Mỹ như ông ta khó tìm thấy ở đó tính chất của dân tộc Anh là một dân tộc rất thông thạo về các ngành nông nghiệp. Ông nói, họ ít khi bón ruộng ngũ cốc, và khi thấy một mảnh đất đã trở nên cằn cỗi do đã trải qua nhiều vụ trồng trọt thì họ lập tức chuyển sang cày cấy trồng trọ ở một mảnh đất mới, và khi mảnh này lại cạn kiệt thì họ lại chuyển đến một mảnh thứ ba và cứ tiếp tục như thế. Gia súc thì họ bỏ mặc thả rông trong rừng và trên những cánh đồng hoang vu mà ở đó chúng ăn không đủ no. Loại cỏ mọc hàng năm là loại cỏ mọc tự nhiên tốt nhất ở Bắc Mỹ, và khi người Châu Âu đặt chân lần đầu tiên lên đất Châu Mỹ, họ thường trồng cỏ rất dày và mọc cao đến 3 hoặc 4 phút (đơn vị đo chiều dài Anh bằng 0,3048m). Một mảnh đất không đủ nuôi một con bò sữa, ông ta tường thuật rõ như vậy, nhưng ông tin rằng trước kia mảnh đất đó có thể nuôi được 4 con bò sữa, mỗi con đã có thể cho một lượng sữa gấp bốn lần con bò hiện nay. Theo ý kiến ông ta, do đồng cỏ ngày càng không còn màu mỡ như trước, cho nên gia súc nuôi ngày càng trở nên thoái hóa từ thế hệ này sang thế hệ khác. Những con bò sữa đó chắc hẳn cũng chẳng khác gì giống bò sữa còi cọc 30-40 trước đây mà người ta thường thấy ở xứ Scotland, và hiện nay người ta đang cố gắng phục hội lại giống bò này tại phần lớn các vùng đất thấp chủ yếu không phải bằng việc phối giống, mặc dù cách này đã được sử dụng ở một vài nơi, mà bằng phương pháp nuôi dưỡng đầy đủ chất hơn.

Mặc dù đến cuối quá trình cải tạo đổi mới, gia súc mới đem lại cái giá cao và người ta thấy có lợi là nên canh tác để sản xuất thức ăn nuôi chúng, nhưng trong các sản phẩm thô thuộc loại thứ hai, gia súc là sản phẩm đầu tiên có khả năng mang lại giá cao này, vì chỉ khi nào chăn nuôi trở thành một ngành sinh lợi thì mới có thể đạt được những tiến bộ và đổi mới mà hiện nay nhiều nước ở Châu Âu đã dành được.

Nếu như gia súc là sản phẩm đầu tiên mang lại giá cao, thì thịt hươu, thịt nai là một trong những sản phẩm thô cuối cùng thuộc loại hai mà mang lại giá cáo. Giá thịt hươu, thịt nai ở Anh, dù cho giá cao đến mức nào đi chăng nữa, thì cũng hầu như không đủ để bù đắp chi phí cho việc xây dựng và bảo trì vườn hươu, nai, như nhiều người có kinh nghiệm về nuôi giống thú rừng nào cho biết. Nếu như nuôi hươu nai không quá tốn kém thì nó đã trở thành một ngành chăn nuôi thông thường, chẳng khác gì người La Mã trước kia nuôi loại chim nhỏ tên là Turdi. Theo lời ông Varro và ông Columelia, đó là một nghề mang lại khá nhiều tiền lời. Nếu thịt hươu, nai tiếp tục được mọi người ưa thích, nước Anh sẽ tăng thêm sự giàu sang, phú quý như thời gian qua, thì giá thịt hươu nai chắc là còn có thể tăng cao hơn hiện nay rất nhiều.

Giữa thời kỳ tiến bộ và đổi mới, mà trong đó giá gia súc được nâng lên mức cao nhất, và thời kỳ, khi thứ thịt hươu nai xa xỉ cũng đạt được giá cao không ai ngờ tới, tồn tại một khoảng thời gian dài mà trong đó nhiều sản phẩm hoang dã khác nữa cũng dần dần được mọi người ưa chuộng và bán được giá cao nhất có thể, dù sớm hay mượn, tùy theo từng hoàn cảnh và trường hợp khác nhau.

Như vậy, cám bã của vựa thóc cũng như những đồ vứt bỏ của chuồng trại được sử dụng để nuôi gia cầm tại các trang trại. Những loại gà vịt chim muông nuôi bằng các đồ đáng lẽ ra phải mang đồ vứt đi và chỉ sử dụng vì mục đích tiết kiệm đã làm cho người chủ trại hầu như chằng tốn kém gì, cho nên được bán với giá rất rẻ. Người chủ trại thu lời mà chẳng phải mất gì, và giá cũng chẳng quá thấp để làm cho người đó cảm thấy nuôi nhiều mà không có lợi gì. Nhưng ở các nước mà trồng trọt không được chú trọng và hơn nữa số dân cư thưa thớt, các loại gia cầm nuôi không phải chi phí gì, nhiều khi hoàn toàn đủ để đáp ứng cho nhu cầu của mọi người. Trong hoàn cảnh này, gia cầm thường rẻ cũng như thịt gia súc hay bất kỳ loại thực phẩm động vật nào khác. Nhưng tổng số gia cầm mà trang trại nuôi chẳng tốn kém gì về mặt thức ăn, tất nhiên cũng không thể bằng số lượng thịt gia súc được, mà ít hơn nhiều. Trong thời kỳ giàu sang và đời sống xa hoa ngày càng tăng, và cũng do kết quả của đổi mới về trồng trọt, giá gia cầm dần dần tăng lên hơn giá thịt gia súc và gia cầm ngày càng được ưa chuộng và bán được giá cao, đến mức người ta thấy có lợi phải làm ra thức ăn để nuôi gia cầm. Khi giá gia cầm cao tới mức như vậy, tất nhiên nó phải chững lại và không thể tăng lên hơn nữa. Vì nếu tăng nữa thì người nông dân sẽ dành thêm đất để sản xuất thức ăn cho chúng. Tại một vài tỉnh của nước Pháp, việc nuôi gia cầm được xem như một ngành quan trọng trong nền kinh tế nông thôn và nó mang lại lợi nhuận khá nhiều cho họ, cho nên họ sẵn sàng trồng thêm ngô và kiều mạch để nuôi gà vịt, chim để bán. Một người chủ trại trung bình nhiều khi nuôi tới 400 con gà, vịt trong sân nuôi của họ. Ở Anh, chăn nuôi gia cầm chưa được nông dân xem là một vấn đề quan trọng như ở Pháp. Và vì thế, giá gia cầm đắt hơn ở Anh so với Pháp, và Anh mua một số lượng gia cầm đáng kể của Pháp để cung cấp cho nhu cầu đời sống nhân dân. Giá các loại lương thực động vật thường bao giờ cũng đắt nhất ngay trước khi có sự trồng trọt phổ biến để sản xuất thức ăn nuôi gia súc, gia cầm. Trước khi sự trồng trọt để hổ trợ chăn nuôi trở thành một lệ thường, thì tất nhiên sự khan hiếm phải nâng cao giá của các loại thịt đó. Sau khi mọi người nông dân thấy rõ lợi ích của công việc chăn nuôi, họ nghĩ ra những phương pháp sản xuất thức ăn cho súc vật có lợi nhất, và như thế, họ có thể sử dụng cùng một khoang đất mà làm ra được nhiều thức ăn hơn cho gia súc, gia cầm. Khi nuôi được nhiều, tất nhiên, các trại chủ không những phải bán với giá thấp hơn, mà còn do cải tiến được phương pháp chăn nuôi và trồng trọt, nên họ còn có khả năng bán các sản phẩm của họ với giả rẻ hơn nữa vì nếu không bán rẻ thì chăn nuôi không thể tiếp tục phát triển lên được. Cũng vì lí do đó mà chúng ta thấy các trại chủ đã trồng cỏ ba lá, củ cải, cà rốt, cải bắp… để chăn nuôi và đãi làm cho thịt ở thị trường London hạ xuống một phần nào dưới mức ở đầu thế kỷ trước.

Giống lợn mà thức ăn của chúng là các thức ăn phế thải của các vật nuôi có ích khác, đầu tiên cũng chẳng khác gì gia cầm, được xem là một vật nuôi có tính cách tiết kiệm các đồ thừa phải bỏ đi trong trang trại. Chừng nào các con vật này được nuôi với ít phí tổn mà lại đủ cung cấp cho nhu cầu của thị trường, thịt lợn được bán với giá rẻ hơn nhiều so với loại thịt khác. Nhưng khi nhu cầu tiêu thụ thịt lợn tăng lên, vượt quá số cung, các trải chủ thấy cần thiết phải nuôi lợn lấy thịt bằng cách cho chúng ăn các thức ăn cần thiết và đầy đủ để vỗ béo, cũng như họ đã làm đối với các loại súc vật và gà vịt. Giá tất nhiên, phải tăng lên, và cao hoặc thấp hơn thịt các loại súc vật khác là tùy theo điều kiện thiên nhiên của đất nước và tình hình chăn nuôi làm cho thức ăn nuôi lợn đắt hơn nhiều hay ít so với thức ăn của các loại gia súc khác. Theo lời ông Buffon, ở Pháp giá thịt lợn gần ngang với giá thịt bò. Ở Anh giá thịt lợn hiện nay đã cao hơn trước.

Giá thịt lợn và gia cầm tăng cao ở Anh thường được gán cho việc giảm số người sống ở nông thôn cũng như số người chủ đất nhỏ. Sự kiện này báo trước việc cải tiến chăn nuôi, trồng trọt và đồng thời góp phần làm cho giá của các mặt hàng này tăng vừa sớm hơn, vừa nhanh hơn so với trường hợp không xảy ra sự kiện đó. Vì một gia đình nghèo nhất thường có thể nuôi được một con mèo hay một con chó mà chẳng thấy đó là một sự tốn kém gì cho họ, thì những người chủ nghèo nhất cũng có thể nuôi một số gia cầm, một con lợn nái và một vài con lợn con, đó là một việc thông thường không khó khăn gì cả. Nhưng thức ăn thừa bỏ đi, sữa và bơ họ không còn dùng nữa, cung cấp cho các vật nuôi đó một phần thức ăn và số thức ăn còn lại, học có thể tìm, mót được ở những cánh đồng xung quanh mà chẳng làm hại gì đến lợi ích của ai cả. Do số người sống ở nông thôn và số điền chủ nhỏ ngày càng giảm bớt, cho nên số vật nuôi không tốn kém thức ăn đó cũng giảm sút, và do đó chẳng có gì lạ là giá của các mặt hàng thiết yếu đó phải tăng lên nhanh và sớm hơn so với mức mà đáng lẽ ra chưa đến lúc phải như thế. Chẳng chóng thì chầy, trong quá trình xã hội tiến lên, giá của các loại gia súc, gia cầm đó phải tăng lên tới mức cao nhất hay là mức vừa đủ trả cho các khoản chi phí lao động trồng trọt đất đai để cung cấp cho chúng những thức ăn cần thiết cũng như công lao động và chi phí phải trả trên phần lớn đất canh tác.

Công việc sản xuất bơ sữa, cũng giống như việc nuôi lợn và gia cầm , thoạt đầu cũng chỉ là làm có tính cách tiết kiệm thời gian nhàn rỗi. Các con bò sữa nuôi ở trong trại thường sản xuất ra một lượng sữa nhiều hơn là để nuôi bê và cho việc tiêu dùng của gia đình chủ trại, và chúng thường cho sữa vào một mùa nhất định nào đó. Nhưng sữa rất dễ hỏng, không để được lâu so với các sản phẩm khác của đất. Trong mùa nóng bức, sữa không để quá được 24 giờ, trong khi bò cho rất nhiều sữa. Người chủ trại tất phải chế biến sữa thành bơ không mặn, dự trữ một phần nhỏ để dùng cho cả tuần lễ và làm bơ mặn để dự trữ cho cả năm và sữa còn chế biến thành pho mát và có thể dự trữ phần lớn trong vài năm. Một phần sản phẩm sữa dành cho gia đình chủ trại. Phần còn lại được mang ra chợ bán với giá cao nhất có thể đạt được. Người chủ trại thường bán được giá, nên sẵn sàng đem ra chợ bán số dư ngoài phần để dùng cho gia đình. Nếu giá bán quá rẻ, anh ta không ngần ngại mà chế biến bơ sữa một cách nhếch nhác và bẩn thỉu và không muốn chế biến trong một phòng riêng cho sạch sẽ và làm luôn bơ sữa ở bếp đầy bụi, khói, rác rưởi như trường hợp thường thấy ở các nơi làm bơ sữa của các chủ trại ở xứ Scotland ba, bốn mươi năm trước đây và bây giờ tình trạng này hãy còn tồn tại ở khá nhiều nơi trong xứ này. Những nguyên nhân dẫn đến việc dần dần nâng cao giá thịt gia súc - nhu cầu tiêu dùng tăng (vì đất nước ngày càng phồn vinh hơn trước) và số lượng gia súc, gia cầm nuôi theo cách tiết kiệm chi phí giảm đi – những nguyên nhân đó lại làm tăng giá các sản phẩm sữa. Do giá bơ, sữa tăng, sức lao động, việc trông nom cơ sở chế biến sữa được trả công xứng đáng, cho nên việc sản xuất sản phẩm sữa được chủ trại chú ý hơn, và chất lượng sản phẩm được nâng cao. Bơ, sữa cuối cùng được bán với giá cao tới mức người chủ trại thấy cần phải sử dụng những cánh đồng màu mỡ và được trồng cỏ tốt nhất để nuôi bò sữa với mục đích sản xuất bơ, sữa ngày càng nhiều và có chất lượng tốt hơn để đem bán. Phải nói rằng, phần lớn các nơi ở Anh bơ sữa bán với giá khá cao, cho nên đất đai màu mỡ dùng vào việc nuôi bò sữa càng nhiều.

Nếu chúng ta không tính đến vùng xung quanh một vài thành phố lớn, thì ở xứ Scotland giá bơ sữa chưa lên cao như vậy, và ở đó các trại chủ rất ít khi sử dụng đất tốt vào việc trồng lương thực để nuôi bò sữa với mục đích sản xuất sản phẩm sữa. Giá các loại sản phẩm này tuy có tăng rất nhiều trong vòng vài năm vừa qua, nhưng thật ra hãy còn quá thấp nên không thể chấp nhận được. Chất lượng sản phẩm bơ, sữa thấp thì giá thấp, tiền nào của nấy. Nhưng chất lượng thấp này có lẽ là hậu quả của giá bán thấp, hơn là nguyên nhân gây ra giá thấp. Mặc dù chất lượng có khá hơn trước nhiều, phần lớn các mặt hàng bơ sữa mang ra chợ bán trong hoàn cảnh hiện nay không thế bán được với giá cao hơn, và giá hiện nay rõ ràng là không đủ để trả các khoản chi phí về đất đai và lao động cần thiết để sản xuất ra sản phẩm có chất lượng tốt hơn. Tại phần lớn nước Anh, mặc dù giá bơ sữa cao hơn hẳn, việc sản xuất bơ sữa không được xem là một phương pháp sử dụng đất sinh lợi hơn so với trồng ngũ cốc hay vỗ béo gia súc, hai ngành chính của nông nghiệp. Còn ở xứ Scotland, phần lớn các vùng đều xem công việc đó còn kém phần sinh lợi hơn nhiều.

Điều rõ ràng là đất đai của bất kỳ nước nào cũng chỉ có thể cày cấy, trồng trọt làm cho màu mỡ hơn trước, một khi giá của mỗi sản phẩm mà sự siêng năng, cần mẫn của con người buộc phải làm ra trên đất đai đó, đã tăng lên đủ cao đế trả cho mọi chi phí về chăm bón và trồng trọt. Để có thể làm được việc đó, giá của mỗi sản phẩm trước hết phải đủ để trả tiền thuê đất trồng ngũ cốc tốt vì nó là giá để điều chỉnh tiền thuê phần lớn đất trồng trọt khác; và thứ hai, để trả tiền công lao động và mọi chi phí của người chủ trại như chúng đã được trả trên đất trồng ngũ cốc tốt, nói một cách khác, để hoàn lại với lợi nhuận thông thường số vốn của người chủ trại. Việc tăng giá mỗi sản phẩm này phải tiến hành trước khi cải tạo và canh tác đất đai dự tính để làm ra sản phẩm đó. Tiền lãi thu được là mục đích cuối cùng của tất ca mọi sự chăm bón, và sự thua lỗ nhất thiết không thể là kết quả của việc chăm bón, trồng trọt. Nhưng sự thua lỗ tất yếu phải là kết quả của việc chăm bón đất đai để sản xuất ra một sản phẩm mà giá của nó không bao giờ bù lại đủ số chi phí đã bỏ ra. Nếu việc chăm bón và trồng trọt toàn bộ đất đai trong nước là mối lợi chung lớn nhất cho toàn thể cộng đồng, thì việc tăng giá các loại sản phẩm thô không phải là một tai họa cho mọi người, mà cần phải được xem như một điềm báo trước và hiện tượng đồng hành của mối lợi lớn nhất cho toàn thể dân chúng.

Sự tăng lên về giá danh nghĩa hay giá trả bằng tiền của tất cả các loại sản phẩm thô đó cũng là hậu quả không phải của sự giảm giá trị của bạc mà của sự tăng lên về giá thực tế của các loại sản phẩm đó. Các loại sản phẩm đó đã trở nên tương xứng với một lượng bạc lớn hơn và một lượng lao động và hàng hóa lớn hơn trước. Vì đã phải mất khá nhiều lao động để tạo ra các loại sản phẩm đó, cho nên khi được mang ra chợ bán, chúng tiêu biểu cho một đại lượng lớn hơn hoặc tương đương với một đại lượng lớn hơn.

LOẠI THỨ BA

Sản phẩm thô thuộc loại thứ ba, loại cuối cùng, là những thứ mà hiệu quả tác động của con người để làm tăng số lượng của chúng bị hạn chế hoặc không chắc chắn. Mặc dù giá thực tế của loại sản phẩm thô này có chiều hướng tăng tự nhiên cùng với sự tiến bộ và đổi mới của xã hội, nhưng tùy theo các sự ngẫu nhiên có thể làm cho các nỗ lực của con người nhằm làm tăng số lượng của các sản phẩm đó đạt được kết quả nhiều hay ít, giá đó có khi giảm sút, có khi giữ nguyên trong các thời kỳ khác nhau của sự tiến bộ và đổi mới và có khi tăng nhiều hoặc ít trong cùng một thời kì.

Có một vài loại sản phẩm thô mà thiên nhiên đã biến thành vật phụ thuộc vào loại khác, do đó số lượng của loại này, mà một nước nào đó có, lại bị hạn chế bởi số lượng của loại kia. Ví dụ, số lượng lông cừu hay da sống (chưa thuộc) mà một nước nào đó có khả năng cung cấp lại tùy thuộc vào số lượng gia súc lớn và nhỏ có trong nước đó. Tình trạng phát triển của nước đó và tính chất của nền công nghiệp ở nước đó tất yếu quyết định số lượng này. Những nguyên nhân đã dần dần nâng giá thịt súc vật như đã nói ở trên, những nguyên nhân đó đáng lẽ ra cũng tác động làm tăng giá lông cừu và da sống theo gần như cùng một tỉ lệ. Chắc là đã xảy ra như thế, nếu trong thời kỳ đầu của sự khởi sắc của xã hội thị trường của lông cừu và da sống bị hạn chế trong những phạm vị nhỏ hẹp như thị trường của thịt. Nhưng thực ra phạm vi hoạt động của thị trường đối với hai loại hàng hóa này lại hết sức khác nhau.

Thị trường tiêu thụ thịt hầu hết ở khắp các nơi đều bị hạn chế trong phạm vi nước sản xuất ra nó. Ireland và một vài nơi ở phần Châu Mỹ thuộc Anh có tiến hành buôn bán một lượng lớn lương thực thực phẩm muối với các nước khác, nhưng đó là những nước duy nhất trong thế giới thương mại đã làm như vậy xuất khẩu sang các nước một phần đáng kể thịt muối.

Trái lại, thị trường lông cừu và da sống ngay từ đầu đã ít khi bị hạn chế trong phạm vị một nước, nơi đã sản xuất ra chúng. Các mặt hàng này rất dễ vận chuyển đi các nước xa xôi, lông cừu thì chưa chế biến và da sống mới chế biến qua loa, vì chúng là những loại vật liệu rất cần thiết cho nền công nghiệp chế tạo của nhiều nước khác.

Ở các nước ít cày cấy trồng trọt và dân cư thưa thớt, giá lông cừu và da sống rất đắt, chỉ chiếm phần rất lớn giá của toàn bộ con vật sống, nhưng ở các nước tiên tiến hơn, dân chúng quen ăn thịt và có nhu cầu về chất dinh dưỡng này, cho nên giá lông cừu và da sống chỉ bằng một phần nhỏ hơn nhiều so với giá con vật sống. Ông Hume đưa ra nhận xét rằng vào thời kỳ người Saxon, bộ da cừu được đánh giá bằng 2/5 giá trị của con cừu, và cách đánh giá này còn cao hơn nhiều so với tỷ lệ hiện nay. Tại một vài tỉnh của Tây Ban Nha, con cừu thường bị giết chỉ vì bộ da và mỡ của nó. Xác cừu thì thường vứt đi để cho thối rữa trên mặt đất, hoặc bị các con thú khác hay chim quạ ăn. Nếu điều này thỉnh thoảng mới xảy ra ở Tây Ban Nha, nó lại xảy ra hầu như thường xuyên ở Chile, tại Buenos Aires và ở nhiều nơi khác ở Châu Mỹ thuộc Tây Ban Nha mà ở đó những súc vật có sừng thường bị giết vì người ta muốn có bộ lông và mỡ. Điều này cũng xảy ra trước kia hầu như rất thường xuyên tại Hispaniola khi vùng này bị bọn Buccaneers xâm nhập ăn cướp trước khi có những khu định cư đông dân trong những đồn điền của người Pháp (ngày nay được mở rộng dọc theo bờ biển, chiếm toàn bộ nửa vùng phía tây đảo này). Người Tây Ban Nha hiện nay vẫn tiếp tục sinh sống không những phần phía đông của bờ biển mà cả toàn vùng nội địa và ở các vùng đồi núi của đảo này.

Mặc dù trong quá trình tiến lên của xã hội và dân cư ngày càng đông đúc hơn, giá của một con thú tất nhiên phải tăng lên, tuy nhiên phần tăng giá chủ yếu nhắm vào thịt con vật hơn là vào lông cừu và da sống. Thị trường tiêu thụ thịt trong thời kỳ xã hội còn ở tình trạng hoang sơ chỉ giới hạn trong phạm vi mỗi nước, nơi chăn nuôi gia súc, nhưng cung với đà tiến triển chung và dân số gia tăng, thị trường này được mở rộng hơn, tỷ lệ với sự phát triển và dân số của đất nước. Nhưng thị trường lông cừu và da sống ngay cả khi một nước hãy còn ở trong tình trạng man rợ, đã được mở rộng ra toàn thế giới thương mại, nó có thể rất ít được mở rộng theo cùng tỷ lệ nói trên. Tình hình của thế giới thương mại khi bị tác động nhiều bởi sự phát triển và đổi mới của một nước riêng biệt, và thị trường buôn bán các loại hàng nói trên vẫn giữ nguyên hoặc gần như giữ nguyên hiện trạng như trước, bất kể sự phát triển của một nước nào đó. Nếu như việc chế biến lông cừu và da sống được phát triển ngay tại nước chăn nuôi cừu, thì mặc dù việc chế biến có thể ở gần ngay những vùng chăn nuôi, chứ không ở xa như trước, giá lông cừu và da sống ít nhất cũng được tăng thêm một lượng bằng cước phí là trước đây phải trả công chuyên chở tới những nước xa xôi để sản xuất, chế tạo. Mặc dù giá các mặt hàng này không tăng theo cùng tỷ lệ với giá thịt, chắc chắn nó cũng phải tăng trong một chừng mực nào đó và tất nhiên nó không thể bị giảm xuống.

Tuy nhiên ở Anh, bất kể tình trạng khá phồn vinh của ngành chế biến lông cừu, giá len của Anh đã hạ xuống đáng kể từ thời vua Edward III đến nay. Có nhiều sổ sách, hồ sơ chứng minh rằng dưới triều đại của vị hoàng thân này (vào giữa thế kỷ thứ 14, hay vào khoảng năm 1939) giá một tod (đơn vị trọng lượng dùng cho lông cừu) hoặc 28 pound Anh lông cừu không kém hơn 10 shilling theo giá tiền thời đó, hoặc tương đương với 6 ounce bạc, thời đó mà tính theo giá bạc thời nay thì tương đương với 30 shilling. Vào thời kỳ này, 21 shilling một tod (bằng 28 pound hay 12.7 kg) có thể được xem là giả phải chăng đối với loại lông cừu tốt của Anh. Do đó, phải thấy rằng giá lông cừu tính bằng tiền dưới thời vua Edward III so với giá bằng tiền thời bây giờ có tỷ lệ bằng mười trên bảy. Nhưng thực ra giá thực tế của nó còn cao hơn nhiều. Tính với giá 6 shilling 8 penny một góc tạ Anh, thì 10 shilling vào thời cổ xưa đó là giá của 12 giạ Anh lúa mì. Tính theo giá 28 shilling một góc tạ Anh, thì 21 shilling vào thời bây giờ chỉ là giá của 6 giạ Anh mà thôi. Tỷ lệ giữa giá thực tế thời xưa và thời nay là 12 trên 6 hay 2 trên 1. Thời xưa, một tod lông cừu chắc chắn đã có thể mua được gấp đôi số lượng lượng thực mà một tod thời nay có thể mua được, và do đó nó cũng thuê được một số lượng lao động gấp đôi nếu tiền công lao động thực tế vẫn ngang nhau ơ cả hai thời kỳ.

Việc giảm giá thực tế và giá danh nghĩa của lông cừu không phải là kết quả của một quá trình diễn biến tự nhiên. Nó chính là quy kết của mưu đồ và quyền lực; trước hết, đó là do việc cấm ngặt không được xuất lông cừu ra khỏi nước Anh. Thứ hai là do việc cho phép nhập lông cừu miễn thuế từ Tây Ban Nha; thứ ba là do không cho Ireland bán lông cừu cho bất kỳ nước nào khác trừ nước Anh. Do kết quả của những luật lệ này, thị trường lông cừu của Anh, đáng lẽ ra được mở rộng do sự phát triển và cải tiến của nước Anh, thì lại chỉ giới hạn trong phạm vi nước mình mà ở đó lông cừu của Ireland cũng buộc phải tham gia vào sự cạnh tranh này. Ngành chế biến lông cừu ở Ireland không thể phát triển được, vì người Ireland chỉ có thể gia công một phần rất ít lông cừu ở trong nước họ vì buộc phải xuất phần lớn lông cừu sang Anh, thị trường duy nhất mà họ được cho phép buôn bán.

Tôi đã không thể sưu tầm được những tư liệu xác thực về giá da sống trong thời kỳ xa xưa. Lông cừu thường được đóng cho nhà vua như một thứ tiền cấp phí đặc biệt và theo cách đánh giá khoản tiền cấp phí đặc biệt đó, có thể suy ra trong một chừng mực nào đó giá bán thông thường của lông cừu. Nhưng điều này lại không giống với trường hợp da sống. Tuy nhiên, đức giám mục Fleetwood, trong bản tường trình năm 1425, đã thông qua câu chuyện giữa vị trưởng tu viện ở Burcester Oxford và một trong những giáo sĩ của ngài, cho chúng ta biết được một phần nào giá da sống thời bấy giờ. Qua câu chuyện đó chúng ta biết được là 5 bộ da sống của bò đực giá là 12 shilling, 5 bộ da sống của bò cái là 7 shilling 3 penny; 36 bộ da sống của cừu 2 tuổi là 9 shilling; 16 bộ da sống của bê là 2 shilling. Năm 1425, 12 shilling chứa đựng khoảng 1 lượng bạc bằng 24 shilling theo thời giá tiền tệ hiện nay. Một bộ da sống của bò đực như vậy được tính bằng 4 4/5 shilling tiền thời nay. Giá danh nghĩa của da sống thời xưa còn thấp hơn rất nhiều so với giá ngày nay. Với giá 6 shilling 8 penny một góc tạ Anh lúa mì, 12 shilling chắc hẳn vào thời xa xưa đã mua được 14 +4/5 giạ Anh lúa mì; và với giá 3 shilling 6 penny 1 giạ, chắc hẳn ngày nay số lúa mì trên trị giá tới 51 shilling 4 penny. Vì thế, một bộ da sống của bò đực chắc hẳn vào thời xưa đã mua được một số lượng ngũ cốc bằng với 10 shilling 3 penny thời nay. Giá trị thực tể của nó bằng 10 shilling 3 penny theo giá tiền tệ hiện tại. Trong thời xa xưa đó, khi mà gia súc sống thả rông thông thường là ăn đói vào mùa rét, chúng ta có thể phỏng đoán là chúng không to lớn gì cho lắm. Một bộ da sống của bò đực cân nặng 4 stone (stone = đơn vị trọng lượng khoảng 6,400 kg) hay 16 pound theo hệ thống cân lường avoirdupois, ngày nay được coi như một trọng lượng không quá kém, nhưng vào thời xưa chắc hẳn phải được xem là loại da sống rất tốt. Nhưng với 1 stone bán với giá ½ curon (tiền Anh, bằng 5 shilling), vào thời kỳ này (tháng 2 năm 1773), tôi cho đó là giá thông thường, thì một bộ da sống như thế có trị giá chỉ bằng 10 shilling. Vì vậy mặc dù giá danh nghĩa của bộ da đó hiện nay cao hơn so với thời xưa, giá thực tế của nó, tình bằng lương thực nuôi sống con người, sẽ có phần nào thấp hơn. Giá da sống của bò cái, theo như bản tường trình trên đây, thông thường gần như tương xứng với giá da sống của bò đực. Giá da sống của cừu cao hơn nhiều. Chắc có lẽ da sống thường bán cùng với lông cừu. Da bê, trái lại, bán với giá thấp hơn nhiều. Ở các nước mà giá gia súc rất thấp, các con bê thường bị giết lấy thịt lúc còn nhỏ, chứ ít khi nuôi cho lớn để nhập đàn, như trường hợp ở xứ Scotland 20, 30 năm trước đây. Vì vậy da bê không có giá trị gì lắm.

Giá da sống hiện nay còn thấp hơn so với vài năm trước đó lẽ vì không đánh thuế vào da lông chó biển, và hơn nữa do việc cho phép nhập da sống được miễn thuế từ Ireland và các đồn điền bắt đầu từ năm 1769. Nếu lấy giá trung bình của da sống trong suốt thế kỷ hiện nay, thì giá thực tế của da sống chắc là cao hơn một phần nào so với thời kỳ xa xưa. Tính chất của da sống làm cho nó không thuận tiện để chuyên chở đến các thị trường xa như lông cừu. Nò càng mất chất khi phải để lâu trong kho. Một bộ da sống ướp muối phải bán với giá hạ hơn bộ da sống tươi. Tình hình này càng làm cho da sống xuống giá tại các nước sản xuất ra nó, vì không có xưởng chế biến và bị buộc phải xuất khẩu. Nó bán được giá hơn, nếu như nước nào đó vừa có đàn gia súc lại có cả xưởng chế biến kèm theo. Như ta thấy, da sống có chiều hướng xuống giá tại một nước còn đang ở trong tình trạng hoang dã và lên giá tại một nước tiên tiến có nhà máy chế biến da sống. Các nhà thuộc da đã không thể nào thuyết phục được mọi người là phải khôn ngoan bảo đảm sự an toàn về mặt tiêu dùng của toàn khối liên hiệp Anh trên cơ sở thiết lập các nhà máy chế biến da sống. Thật vậy, về mặt này họ không được may mắn. Da sống, thực ra, bị cấm xuất khẩu và được coi là một vấn đề gây khá nhiều điểu phiền toái; da sống nhập từ các nước ngoài lại bị đánh thuế, và mặc dù Ireland và các đồn điền đã được miễn nộp thuế (chỉ được miễn trong 5 năm), thế nhưng Ireland không bị hạn chế trong phạm vi thị trường của nước Anh để bán da sống dư thừa và da sống chưa được chế biến thành da thuộc để làm quần áo, giày dép ở trong nước. Da sống của súc vật đã được liệt kê vài năm nay trong số các loại hàng hóa chỉ được bán cho mẫu quốc, trong trường hợp đó, việc buôn bán của Ireland không bị áp đặt các luật lệ hà khắc nhằm hỗ trợ cho nền công nghiệp chế tạo ở Anh.

Bất kể luật lệ nào nhằm làm hạ giá lông cừu và da sống dưới các giá mà đáng lẽ ra nó phải được bán, thì lạ có chiều hướng làm tăng giá thịt tại một nước có nền công nông nghiệp tiên tiến. Giá của các loại gia súc lớn và nhỏ được nuôi bằng sản phẩm của đất đai được cày cấy trồng trọt đều phải mang lại đủ tiền lời để trả tiền thuê đất cho điền chủ và lợi nhuận cho chủ trại. Nếu không được như vậy, các súc vật đó chắc cũng sẽ bị bỏ đói. Vậy thì, gia súc được tính toán trên cơ sơ giá trị lông, da và thịt của nó. Thứ này bán được đắt giá hơn thì bù cho thứ kia bị bán với giá kém hơn. Các phương pháp chia bán các bộ phận của gia súc như thế nào không làm cho điền chủ và trại chủ quan tâm, miễn là một bên có tiền thuê và một bên có tiền lời. Ở một nước có nền nông nghiệp, phát triển, các luật lệ nói trên không đụng chạm gì đến lợi ích của điền chủ và trại chủ, nhưng vì họ cũng là người tiêu dùng cao nên cũng bị ảnh hưởng bởi lương thực, thực phẩm lên giá. Nhưng sự việc có thể khác hẳn tại một nước mà nền nông nghiệp chưa phát triển, phần lớn đất đai không thể sử dụng vào mục đích nào khác, ngoài việc chăn nuôi súc vật; ở nước này lông cừu và da sống là phần giá trị chủ yếu của gia súc. Trong trường hợp này, tất nhiên, lợi ích của địa chủ và trại chủ bị ảnh hưởng khá nghiêm trọng bởi những luật lệ đã được ban hành, nhưng ngược lại, với tư cách là người tiêu dùng, họ lại ít bị tác động về mặt giá cả. Giá lông cừu và da sống hạ trong trường hợp này cũng không làm cho giá thịt cao lên được, vì phần lớn đất đai ngoài chăn nuôi cũng chẳng dùng vào việc trồng trọt được, cho nên số đầu gia súc vẫn được duy trì như trước. Số lượng thịt mang ra chợ bán cũng không hề thay đổi. Số cầu cũng vẫn y như cũ, không lên mà cũng không xuống, cho nên giá thịt cũng vẫn y như trước, không chút thay đổi. Giá toàn phần của súc vật nuôi sẽ bị giảm xuống và làm cho tiền thuê đất cũng như lợi nhuận thu được từ đất đai mà ở đó chăn nuôi gia súc là sản phẩm chủ yếu bị giảm đi đáng kể. Việc cấm xuất khẩu lông cừu thường đỗ tại lệnh của vua Edward III, nhưng không phải như vậy vì trong hoàn cảnh lúc bấy giờ, đó là một luật lệ tai hại nhất mà các nhà cầm quyền đã nghĩ ra và thực hiện. Nó không những làm giảm giá trị thực sự của phần lớn đất đai trong vương quốc Anh, mà còn làm giảm giá của rất nhiều loại gia súc nhỏ, và vì thế không làm cho chúng phát triển được trong một thời gain khá lâu sau này.

Xứ Scotland, do nằm trong khối liên hiệp với Anh, nên cũng phải chịu chung số phận là giá lông cừu xuống giá khá nhiều vì không được quyền bán lông cừu cho thị trường Châu Âu rộng lớn mà chỉ hạn chế trong phạm vi vương quốc Anh mà thôi. Giá trị phần lớn đất đai thuộc các tỉnh phía nam xứ Scotland mà ở đó ngành chăn cừu lẽ ra đã bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng, nếu không có giá thịt tăng lên khá nhiều và do đó hoàn toàn đền bù lại sự thiệt hại về giá lông cừu hạ.

Ngay cả số cá, một loại sản phẩm thô khác rất quan trọng, mang ra chợ bán cũng bị hạn chế và ở trong tình trạng bấp bênh không chắc chắn. Cá bị hạn chế do địa thế của đất nước, do các tỉnh của nó gần hay xa biển, có nhiều sông, hồ hay không và cũng do các vùng này có nhiều thủy sản hay không. Vì số dân ngày càng tăng nhiều hơn trước cũng như số sản phẩm của đất đai và lao động cũng ngày càng nhiều hơn, tất nhiên ngày càng có nhiều người mua cá, và chính những người mua đó cũng có nhiều loại hàng bán ra để mua bán trao đổi. Nhưng thường thường không thể cung cấp cho một thị trường mở rộng mà không sử dụng một số lượng lao động lớn hơn so với số lao động cần thiết để cung cấp cho một thị trường hẹp và hạn chế. Một thị trường vời thời trước đó chỉ cần 1 nghìn, nay mỗi năm cần 10 tấn cá thì lượng lao động cũng cần tăng lên gấp mười lần mới đủ cung cấp cá. Cho nên, cần phải đánh cá ở những vùng biển xa hơn, do đó cần phải có những tàu đánh cá có trọng tải lớn hơn và phải sử dụng đến nhiều thứ máy móc đắt tiền hơn. Tất nhiên, giá thực tế của loại thực phẩm này phải tăng lên cùng với nhu cầu ngày càng lớn của một xã hội phát triển. Tôi tin rằng việc này đã xảy ra tùy theo mức độ ít hay nhiều ở tất cả các nước.

Mặc dù số cá đánh được trong một ngày nào đó có thể là một vấn đề bấp bênh không chắc chắn, nhưng với địa thế đã biết của đất nước thì hiệu suất đánh bắt cá để mang ra chợ bán tính chung cho cả năm hoặc cho một vài năm, không nghi ngờ gì nữa là khá chắc chắn. Tuy nhiên, sản lượng cá tùy thuộc vào địa thế của đất nước nhiều hơn là vào tình trạng giàu có và nền công nghiệp của nước đó, vì thế sản lượng cá ở các nước khác nhau có thể bằng nhau trong các giai đoạn phát triển khác nhau, nhưng rất khác nhau trong cùng một gia đoạn. Sự liên quan của sản lượng cá với tình trạng phát triển là không rõ ràng, không chắc chắn, và tôi muốn bàn luận ở đây về điều không chắc chắn đó.

Hiệu quả của sự siêng năng, cần mẫn của con người không bị hạn chế nhưng cũng không được hoàn toàn chắc chắn trong việc khai thác các mỏ kim loại từ lòng đất, nhất là các kim loại quý.

Số lượng kim loại quý của một nước nào đó không bị hạn chế bởi địa thế và trữ lượng các mỏ của nước đó. Một nước có thể không có mỏ, nhưng có rất nhiều kim loại quý. Số lượng kim loại quý ở một nước nào đó tùy thuộc vào hai yếu tố. Thứ nhất, tùy thuộc vào sức mua vào tình trạng phát triển của công nghiệp, vào sản lượng hàng năm của đất đai và lao động, nhờ đó mà nước đó có thể sử dụng một lượng lao động và hàng hóa lớn để đổi lấy vàng bạc ở trong nước hoặc từ nước ngoài. Và thứ hai tùy thuộc vào trữ lượng của các mỏ có khả năng cung cấp kim loại quý cho thị trường thế giới. Chừng nào số lượng kim loại quý ở một nước nào đó tùy thuộc vào yếu tố thứ nhất (sức mua), thì giá thực tế của kim loại quý, cũng như các mặt hàng xa xỉ khác, có khả năng tăng lên cùng với sự giàu có và phát triển của nước đó, và giảm xuống khi nước đó suy thoái. Nước càng giàu thì càng mua được nhiều kim loại quý.

Chừng nào số lượng kim loại quý ở một nước nào đó tùy thuộc vào yếu tố thứ hai (các mỏ khai thác được một sản lượng nhiều hay ít để cung cấp cho thị trường thế giới) thì giá thực tế của kim loại quý, hay nói cho đúng, số lượng nhân công và hàng hóa mà kim loại quý có thể thuê mướn hay đổi lấy được tất yếu sẽ giảm nhiều hay ít tùy theo mức khai thác cao, và tăng tùy theo mức khai thác thấp của các mỏ đó.

Sản lượng khoáng sản cao hay thấp của các mỏ đang được khai thác để cung cấp cho nhu cầu tiêu dùng của thế giới, rõ ràng là không có mảy may quan hệ tới tình trạng phát triển công nghiệp của một nước nào đó. Và hơn nữa cũng chẳng có mối liên quan gì tới nền công nghiệp của thế giới nói chung. Cũng như mỹ nghệ và thương mại dần dần lan rộng ra toàn thế giới, các mỏ cũng vậy, có cơ hội được tìm thấy và khai thác tốt hơn, nếu được tìm kiếm mở rộng ra khắp nơi hơn là chỉ bó hẹp trong những giới hạn nhất định. Vì những mỏ cũ do khai thác đã dần dần cạn kiệt, việc tìm kiếm những mỏ mới là một điều rất bấp bênh không chắc chắn mà tài năng và sự khéo léo của con người không thể đảm bảo được. Mọi dấu hiệu, như người ta thừa nhận, đều rất đáng nghi ngờ, và mỏ mới có thể khẳng định được giá trị thực của nó, ngay cả sự tồn tại của nó nữa. Trong cuộc dò la, tìm kiếm mỏ mới này, phải nói là không có một giới hạn nào chỉ rõ sự thành công hay thất bại của con người. trong quá trình tìm kiếm trong một, hai thế kỷ vừa qua, nhiều mỏ mới đã được khám phá ra với trữ lượng lớn hơn bất kỳ mỏ cũ nào đã và đang được khai thác, và cũng có thể là những mỏ mới có trữ lượng lớn nhất cũng có thể cho sản lượng không bằng các mỏ đã được đưa vào khai thác ở Châu Mỹ. Bất kể sự kiện này hay sự kiện kia có thể xảy ra thì cũng chỉ có tầm quan trọng rất nhỏ đối với sự giàu sang và phồn vinh thực sự của thế giới, đối với giá trị thực tế của các sản phẩm lấy ra từ đất đai và sản phẩm lao động của con người. Số lượng vàng bạc thể hiện sản phẩm hàng năm đó, giá trị danh nghĩa của sản phẩm đó chắc chắn sẽ rất khác nhau, nhưng giá trị thực tế của nó, tức là số lượng lao động thực tế mà nó có thể mua hay đổi được chắc hẳn sẽ hoàn toàn giống nhau. Một shilling trong trường hợp này không thể hiện nhiều lao động hơn là một penny thể hiện trong hiện tại; và một penny trong trường hợp khác lại thể hiện một lượng lao động ngang với một shilling hiện nay. Người đã có một shilling trong túi trong trường hợp này chắc gì đã giàu hơn người chỉ có một penny hiện nay, và trong trường hợp kia, người đã có một penny chắc cũng đã giàu chẳng kém người có một shilling hiện nay. Sự rẻ tiền và sự thừa thãi dư dặt của các đồ dùng bày bán làm bằng vàng bạc sẽ là cái lợi duy nhất mà thế giới có thể rút ra được từ sự kiện này, và sự đắt tiền và sự khan hiếm của các thứ đồ dùng vặt vĩnh không chút cần thiết cho đời sống là một sự bất lợi duy nhất mà thế giời có thể phải gánh chịu từ sự kiện kia.

KẾT LUẬN VỀ NGOẠI ĐỀ LIÊN QUAN ĐẾN NHỮNG BIẾN ĐỘNG VỀ GIÁ TRỊ CỦA BẠC

Phần lớn các tác giả chuyên tâm vào việc thu thập các giá danh nghĩa của đồ vật thời xa xưa hình như có ý niệm cho rằng giá tiền thấp của ngũ cốc và hàng hóa nói chung, hoặc nói một cách khác, giá trị cao của vàng và bạc, là một bằng chứng không những chứng tỏ sự khan hiếm của các kim loại đó, mà còn nói lên sự nghèo khổ và tình trạng man rợ của đất nước vào thời kỳ xảy ra sự việc đó. Quan điểm này có liên quan đến hệ thống kinh tế học chính trị, mà theo đó sự giàu sang của đất nước được thể hiện bằng sự thừa thãi, và sự nghèo đói của một dân tộc được thể hiện bằng sự khan hiếm vàng bạc, một hệ thống mà tôi sẽ phải phải cố gắng giải thích và xem xét tường tận trong quyển 4 của cuốn sách nghiên cứu này.

Hiện nay, tôi chỉ có nhận xét là giá trị cao của các kim loại quý không thể và không phải là bằng chứng của sự nghèo đói và tình trạng man rợ của bất kỳ nước nào vào thời kỳ mà sự việc đó xảy ra. Nó chỉ là một bằng chứng nói lên sự cằn cỗi của các mỏ mà vào thời đó đã cung cấp cho thế giới thương mại mà thôi. Một nước nghèo vì không có đủ khả năng về tiền tài để mua nhiều hơn những đồ dùng cần thiết thì làm sao lại có thể trả giá đắt để mua vàng, bạc như một nước giàu có được, và giá trị của các kim loại quý đó ở nước nghèo không cao hơn ở nước giàu. Ở Trung Hoa, một nước được coi là giàu có hơn bất kỳ nơi nào ở Châu Âu, giá trị của kim loại quý cao hơn nhiều so với bất kỳ nơi nào ở Châu Âu. Vì sự giàu sang của Châu Âu đã tăng lên kể từ khi phát hiện ra các mỏ ở Châu Mỹ; cho nên giá trị vàng và bạc đã giảm dần. Việc giá trị vàng, bạc bị giảm sút này, tuy vậy, không phải do sự gia tăng của cải thực sự của Châu Âu, sự gia tăng sản lượng ngũ cốc hàng năm của đất đai và sản phẩm lao động tại lục địa này, mà do sự ngẫu nhiêu tìm ra nhiều mỏ với trữ lượng lớn so với những mỏ đã tìm thấy trước kia. Số lượng vàng bạc tăng lên ở Châu Âu và nền công nghiệp và nông nghiệp phát triển cao tại lục địa này là hai sự kiện, mặc dù xảy ra hầu như vào cùng một thời gian, nhưng lại xuất phát từ những nguyên nhân khác nhau và ít có sự liên quan đương nhiên với nhau. Một sự kiện nảy sinh từ một sự ngẫu nhiên chẳng có phần đóng góp nào cũng những sự tính toán thận trọng hay những chính sách thích hợp. Sự kiện kia là do sự sụp đổ của chế độ phong kiến và sự thành lập một chính phủ luôn luôn khuyến khích phát triển công nghiệp và cố gắng bảo đảm an ninh tối thiểu cho người lao động để họ có thể hưởng kết quả việc làm của họ. Ba Lan, một nước mà chế độ phong kiến tiếp tục thống trị, được xem như một nước nghèo nàn, cơ cực chẳng khác gì trước khi phát hiện ra Châu Mỹ. Giá trả bằng tiền của ngũ cốc, tuy nhiên, cũng đã tăng lên, giá trị thực tế của các kim loại quý ở Ba Lan giảm xuống cũng giống như ở các nơi khác ở Châu Âu. Số lượng kim loại quý, chắc đã phải tăng lên hơn trước chẳng khác gì tại các nơi khác ở Châu Âu và gần như theo cùng một tỷ lệ so với sản lượng hàng năm của đất đai và lao động ở nước này. Tuy thế, số lượng kim loại quý hiếm tăng cũng không giúp gì cho việc tăng sản lượng hàng năm và cải tiến nền công nghiệp và nông nghiệp của đất và hơn nữa cũng chẳng làm cho tình hình dân chúng được cải thiện tốt hơn. Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha là hai nước có nhiều mỏ, nhưng cũng chẳng khác gì Ba Lan, vẫn là những nước nghèo nàn, cơ cực nhất Châu Âu. Tuy nhiên, giá trị kim loại quý ở hai nước này phải thấp hơn ở các nước khác thuộc Châu Âu, vì vàng bạc phải chịu gánh nặng của cước phí vận chuyển từ hai nước này sang các nước khác, tiền bảo hiểm và chi phí chống buôn lậu. Nếu so sánh về mặt tỷ lệ với sản lượng hàng năm của đất đai và lao động, thì lượng kim loại quý ở hai nước này phải nhiều hơn các nước khác ở Châu Âu. Tuy nhiên, cả hai nước đều nghèo hơn so với phần lớn các nước Châu Âu. Mặc dù chế độ phong kiến đã bị thủ tiêu, cũng không phải vì thế mà dân chúng ở đây có một đời sống tốt đẹp hơn.

Vì giá trị thấp của vàng bạc không phải là bằng chứng nói lên sự giàu sang trù phú của đất nước; cho nên giá trị cao của vàng bạc và giá trả bằng tiền thấp của các loại hàng hòa, nhất là của ngũ cốc, cũng chẳng thể chứng minh cho sự nghèo đói và tình trạng man rợ của một nước.

Nhưng mặc dù giá trả bằng tiền thấp của hàng hóa nói chung và của ngũ cốc nói riêng không phải là bằng chứng của sự nghèo đói hay tình trạng man rợ, giá trả bằng tiền thấp của một vài loại hàng hóa đặc biệt như gia súc, gia cầm, thịt thú săn các loại… so với giá ngũ cốc, là một giá có tính chất quyết định. Điều đó rõ ràng cho thấy rằng, trước hết, các loại hàng hóa đặc biệt nói trên có quá nhiều và thừa thãi khi đem so sánh với lượng dư thừa của ngũ cốc, và số đất đai dành để nuôi súc vật lớn hơn nhiều so với diện tích canh tác ngũ cốc, và sau đó cho thấy là giá trị thấp của đất đai chăn nuôi so với giá trị của đất trồng ngũ cốc đưa đến kết quả là phần lớn đất đai của một nước chưa được cải tạo và canh tác tốt. Người ta thấy rằng đàn gia súc và số dân so với số đất như ở các nước văn minh, tiến bộ, và xã hội ở nước đó trong thời gian đó đang ở giai đoạn phôi thai. Từ giá danh nghĩa cao hoặc thấp của hàng hóa nói chung và ngũ cốc nói riêng, chúng ta chỉ có thể suy ra rằng hầm mỏ thời bấy giờ đã cung cấp nhiều hay ít vàng bạc cho thế giới, chứ không phải nước đó giàu hay nghèo. Nhưng từ giá danh nghĩa cao hay thấp của một vài loại hàng hóa so với giá của các loại vật phẩm khác, chúng ta có thể luận ra, với một độ tin cậy gần như chắc chắn, rằng nước đó giàu hay nghèo, rằng phần lớn đất canh tác tại nước đó đã được cải tạo tốt hơn hay chưa, rằng nước đó ở trong tình trạng văn minh hay còn man rợ.

Khi giá danh nghĩa của hàng hóa tăng lên do sự giảm sút về giá trị của bạc, thì điều đó sẽ tác động như nhau tới tất cả các loại hàng hóa và nâng giá của chúng lên 1/3, 1/4 hay 1/5 tùy theo giá trị của bạc giảm xuống 1/3, 1/4 hay 1/5 so với trước đó. Nhưng việc giá lương thực, thực phẩm tăng lên, và điều này đã là chủ đề của nhiều cuộc bàn cãi, tranh luận, không tác động như nhau tới tất cả các loại lương thực, thực phẩm. Khi lấy giá trung bình trong thế kỷ hiện tại để xem xét vấn đề này, thì giá ngũ cốc (ngay cả những người giải thích sự lên giá này là do giá trị của bạc giảm sút, cũng thừa nhận điều này) đã cá tăng nhưng không nhiều so với các loại lượng thực, thực phẩm khác. Giá các loại lượng thực, thực phẩm khác. Giá các loại lương thực thực phẩm khác đó có tăng lên cũng không phải hoàn toàn là do giá trị của bạc bị giảm sút. Một vài nguyên nhân khác cần được tính đến, còn những nguyên nhân vừa nêu lên trên đây, không cần phải đả động gì đến việc giảm giá trị của bạc, cũng đủ để giải thích giá một vài loại lương thực, thực phẩm trên thực tế đã tăng lên là để cân đối với giá ngũ cốc mà thôi.

Trong 64 năm đầu của thế kỷ hiện tại, và trước khi xảy ra những năm mất mùa, giá ngũ cốc một phần nào thấp hơn so với giá bán thịnh hành trong 64 năm thuộc thế kỉ trước. Sự việc này được xác nhận qua các sổ sách ghi chép của chợ Windsor cũng như các tài liệu lưu trữ tại các tỉnh xứ Scotland và qua các bản tường trình của khá nhiều chợ ở Pháp mà ông Messance và ông Dupre de St. Maur đã cần mẫn và chu đáo thu nhập được. Nhưng bằng chứng thu lượm được thật hết sức đầy đủ và có tính thuyết phục hơn là mọi người mong đợi, nhất là về vấn đề rất khó có thể xác định được.

Còn về giá ngũ cốc cao trong khoảng 10, 12 năm vừa qua, nguyên nhân là do mùa màng thất bát, chứ không có liên quan gì đến việc giảm giá trị của bạc. Ý kiến về giá trị bạc tiếp tục giảm hình như không căn cứ vào bất kỳ sự nhận xét xác đáng nào, như dựa vào giá ngũ cốc hay giá các loại lương thực thực phẩm khác.

Người ta có thể đã đi đến nhân định rằng một khối lượng bạc nào đó chỉ mua được một số lượng lương thực, thực phẩm ít hơn nhiều so với số lượng lương thực mà lượng bạc đó đã có thể mua được vào một khoảng thời gian nào đó thuộc thế kỷ trước, và việc xác định xem sự thay đổi này là do các loại hàng hóa nói trên tăng giá hay do giá trị bạc giảm sút, chỉ là một sự phân biệt tốn công vô ích không giúp gì cho một người chỉ có một ít lượng bạc mang đi chợ hay chỉ có một số tiền thu nhập cố định nào đó. Tôi không có ý muốn nói rằng do nắm được sự khác nhau này người đó có thể mua được rẻ hơn. Tuy nhiên, biết được điều này, có thể cũng không phải hoàn toàn vô ích.

Khi sự hiểu biết này cung cấp một bằng chứng về điều kiện phồn vinh của đất nước, thì nó cũng có ích phần nào cho dân chúng. Nếu việc giá của một vài loại lương thực, thực phẩm tăng do giá trị của bạc giảm sút, thì đó là do một tình huống mà từ đó người ta không thể suy luận ra điều gì khác ngoài việc các hầm mỏ ở Châu Mỹ đã được khai thác với hiệu quả cao. Sự giàu có thực sự của đất nước và sản lượng hàng năm của đất đai và lao động có thể dần dần bị suy giảm, như trường hợp ở Ba Lan và Bồ Đào Nha, hoặc dần dần tăng tiến, như đã thấy ở hầu hết các nước Châu Âu, bất kể tình huống nói trên như thế nào. Nhưng nếu giá của một vài loại lương thực thực phẩm tăng lên do giá trị thực tế của đất đai sản xuất ra chúng tăng lên, do độ phì nhiêu của đất đai đó tăng lên, hoặc do cải tiến canh tác và chăm bón đất tốt hơn, và do đó đất đai thích hợp hơn với công việc trồng trọt ngũ cốc, đó là một trường hợp chứng tỏ một cách rõ ràng nhất tình trạng phồn vinh và tiến bộ của đất nước. Đất đai luôn luôn là phần của cải lớn nhất, quan trọng nhất và lâu bền nhất của những nước quảng canh. Dân chúng chắc là có lợi hoặc phần nào được thỏa mãn khi nắm vững được một bằng chứng có tính chất quyết định về giá trị đang tăng của phần của cải lớn nhất, quan trọng nhất và lâu bền nhất của chính họ.

Dân chúng cũng thấy những sự hiểu biết là cần thiết cho họ để điều chỉnh tiền công cho những người làm công cho họ. Nếu một vài loại lương thực, thực phẩm tăng giá là do giá trị của bạc bị giảm thì tiền công lao động cần phải tăng lên một cách thích đáng cho cân xứng với mức giảm giá trị này, miễn là tiền công trước đây không quá lớn. Nếu số tiền công không được tăng lên, thì mức thù lao thực tế rõ ràng là sẽ giảm đi rất nhiều. Nhưng nếu sự tăng giá này là do giá trị của đất tăng lên, vì độ phì nhiêu của đất tăng lên, thì đó tất nhiên sẽ là một vấn đề tốt để xem xét nên tăng tiền công lao động theo một tỷ lệ nào hoặc nói chung có nên tăng không. Việc tăng cường cải tạo đất và mở rộng trồng trọt vừa làm tăng nhiều hay ít giá các loại lương thực động vật cho cân xứng với giá ngũ cốc, vừa còn làm hạ giá các loại lượng thực thực vật. Nó tăng giá lương thực động vật vì phần lớn đất đai được dùng để chăn nuôi súc vật được chuyển thành đất đai trồng ngũ cốc, và vì thế phải mang lại tiền thuê đất cho địa chủ và tiền lời cho trại chủ. Nó làm giảm giá lượng thực thực vật vì khi làm tăng khả năng sinh sản của đất, nó mang lại một sản lượng lớn hơn trước. Những cải tiến trong nông nghiệp cũng còn áp dụng nhiều loại lương thực thực vật đòi hỏi ít đất canh tác hơn và không quá nhiều sức lao động như trồng các thứ ngũ cốc, vì thế được mang bán tại chợ với giá rẻ hơn. Khoai tây và ngô là hai loại lương thực thực vật quan trọng nhất mà nền nông nghiệp cải tiến ở Châu Âu đã nhập được qua các mối quan hệ buôn bán và hàng hải. Nhiều loại lương thực thực vật khác trong giai đoạn hoang sơ và tự nhiên thì được trồng ở các vườn rau mà dụng cụ chủ yếu là cái mai, cái thuổng, nhưng do sau đó được cải tiến về mặt trồng trọt, các loại thực vật này được mang trồng đại trà ở đồng ruộng mà dụng cụ chủ yếu lại là cái cày, ví dụ như cải củ, cà rốt, cải bắp… Nếu trong quá trình phát triển nông nghiệp giá thực tế của một loại lương thực tất yếu phải tăng thì giá một loại khác lại hạ, và người trồng phải tính toán làm thế nào để sử dụng giá cao của loại này để bù đắp cho giá thấp của loại kia. Khi giá thực tế của thịt gia súc lên cao (về việc này đã xảy ra với tất cả các loại thịt, có thể trừ thịt lợn, trên khắp đất nước Anh hơn một thế kỷ qua) thì bất cứ sự tăng giá nào về bất kì loại thịt nào khác cũng không thể tác động nhiều tới tình cảnh của các tầng lớp dưới trong dân chúng. Các tầng lớp người nghèo trên khắp đất nước Anh chắc chắn chẳng hề lo lắng, hoảng sợ bởi giá gà vịt, cá, chim muông săn bắn được hay thịt thú rừng lên cao, vì họ thấy dễ chịu khi giá khoai tây hạ.

Vào thời kỳ khan hiếm hiện nay giá ngũ cốc lên cao làm cho người nghèo hết sức lo âu. Nhưng vào thời kỳ các loại lương thực – thực phẩm có tương đối đầy đủ, ngũ cốc bán với giá vừa phải, thì giá các thứ sản phẩm thô dù có tăng giá theo quy luật tự nhiên cũng không tác động nhiều tới người nghèo. Họ rất sợ và lo lằng nhiều về giá tăng một cách giả tạo do đánh thuế vào các mặt hàng như muối, xà phòng, da, nến, mạch nha, rượu bia…

ẢNH HƯỞNG CỦA QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN TỐI ĐA GIÁ THỰC TẾ CỦA CÁC MẶT HÀNG CÔNG NGHIỆP

Ảnh hưởng tự nhiên của quá trình phát triển là dần dần giảm giá thực tế của hầu hết các mặt hàng công nghiệp. Tác động của tay nghề trong sản xuất, chế tạo giảm bớt trong các mặt hàng này. Do sử dụng các máy móc tốt hơn, và phân công lao động hợp lí hơn (đó là do hậu quả tất nhiên của mọi sự cải tiến và đổi mới), cho nên bây giờ chỉ cần một lượng lao động ít hơn nhiều cũng có thể làm được một phần việc đáng kể. Với tình hình của xã hội ngày càng tốt đẹp hơn, giá thực tế của lao động tất nhiên phải tăng lên đáng kể, thế nhưng lượng lao động trong hàng hóa giảm quá nhiều so với giá lao động tăng.

Trên thực tế, có một vài mặt hàng công nghiệp mà giá thực tế của nguyên liệu cần phải sử dụng để chế tạo ra chúng sẽ tăng lên nhiều hơn là đủ bù đắp các mặt hàng cải tiến áp dụng cho việc sản xuất các mặt hàng này. Trong công việc của người thợ mộc, lượng tăng cần thiết về giá thực tế của gỗ do việc cải thiện đất đai sẽ lớn hơn là đủ bù đắp mọi cái loại mà máy móc mang lại, đó là chưa nói đến tài năng khéo léo và sự phân công lao động hợp lí nhất.

Nhưng trong mọi trường hợp khi mà giá thực tế của nguyên vật liệu không tăng hoặc chỉ tăng không nhiều, thì giá thực tế của hàng công nghiệp thường lại hạ xuống rất đáng kế.

Sự giảm giá này, trong thế kỷ này cũng như trong thế kỷ trước, là rất đáng kể trong các ngành công nghệ sử dụng vật liệu là kim loại. Một cái đồng hồ đeo tay loại tốt đã được bán với giá 20 bảng Anh vào giữa thế kỷ trước, thì nay có thể chỉ bán được với giá 20 shilling mà thôi. Trong công việc sản xuất, chế tạo của các người làm dao kéo và các người làm khóa, các người làm đồ chơi trẻ em bằng các kim loại thường và các thứ hàng hóa gọi là hàng kim khí Birmingham và Sheffield, người ta nhận thấy có sự giảm giá rất lớn trong cùng thời kỳ, mặc dù không giảm nhiều như đồng hồ đeo tay. Tuy nhiên, cũng là một điều khá ngạc nhiên là nhiều người thợ ở nơi khác tại Châu Âu đã phải thừa nhận trong nhiều trường hợp rằng họ không thể sản xuất một thứ đồ vật tốt như thế với giá gấp hai hoặc ba lần cao hơn. Có lẽ không có xưởng chế tạo nào mà ở đó sự phân công lao động có thể hoàn hảo hơn hoặc máy móc sử dụng có nhiều cái tiến hơn các xưởng sản xuất bằng các vật liệu kim loại thông thường.

Ngành may mặc trong thời kì này không có sự hạ giá đáng kể. Tôi được biết rằng giá một loại vải cực kỳ mịn, trong vòng 25 tới 30 năm qua đã tăng lên phần nào để cân xứng với chất lượng của nó, người ta còn cho biết rằng giá có đắt hơn vì giá nguyên vật liệu tăng vì phải dệt bằng lông cừu Tây Ban Nha. Vải len Yorkshire làm bằng lông cừu của Anh đã xuống giá khá nhiều tùy theo chất lượng của nó. Tuy thế chất lượng là một vấn đề đang được tranh cãi rất nhiều, cho nên tôi xem loại thông tin này là không chắc chắn. Trong ngành may mặc, sự phân công lao động hầu như vẫn y như một thế kỷ trước đây và các máy móc chuyên dùng cũng chẳng thay đổi khác nhau là mấy. Tuy vậy, cũng đã có một vài sự cải tiến trong ngành này, và do đó giá đã phần nào hạ xuống.

Nhưng sự giảm giá này lại tỏ ra khá lớn và không thể chối cãi được, nếu chúng ta so sánh giá trong ngành này hiện nay với giá hàng cũng của ngành này vào cuối thế kỷ thứ 15 khi lao động chưa có sự phân công và máy móc sử dụng lại chưa có gì gọi là hoàn hảo như bây giờ.

Năm 1487, vào năm thứ tư triều đại vua Henry III, một đạo luật đã được ban bố trong đó có nói rõ như sau: “… bất kỳ người nào bán lẻ một lát (thước Anh bằng 0,914 m) loại vải màu đỏ mịn nhất hay loại vải mịn nào khác trên 16 shilling sẽ bị phạt 40 shilling cho mỗi lát bán giá cao như vây”. 16 shilling chứa một hàm lượng bạc vàng 24 shilling theo giá tiền hiện nay, và vào thời bấy giờ được tính như là một giá hợp lí đối với một lát vải mịn nhất, và vì đây là một đạo luật hạn chế chi tiêu, cho nên chắc hẳn là loại vải mịn này thường phải bán đắt hơn 1 guinea (tiền vàng Anh trị giá bằng 21 shilling) được coi như giá cao nhất hiện nay. Cho dù chất lượng các loại vải phải giả thiết là ngang nhau, tuy là chất lượng vải thời nay chắc hẳn tốt hơn nhiều so với thời xưa, ngay cả với giả thiết đó, giá tiền loại vải mịn nhất đả giảm đi đáng kể từ cuối thế kỷ thứ 15. Nhưng giá thực tế của nó còn giảm xuống nhiều hơn. 6 shilling 8 penny thời xưa và sau đó rất lâu được xem là giá trung bình của một góc tạ Anh lúa mì. Vậy 16 shilling là giá của 2 góc tạ và hơn 3 giạ Anh lúa mì. Nếu đánh giá một góc tạ Anh lúa mì theo thời giá hiện nay là 28 shilling, thì giá thực tế của một lát vải mịn tốt vào thời xưa phải đắt ngang với 3 bảng 6 shilling 6 penny theo giá tiền hiện nay. Người nào mua một lát vải tốt thời đó phải trả một số tiền ngang với sức mua của số tiền nói trên theo thời giá hiện nay.

Việc giảm giá thực tế của hằng chế tạo thô tuy cũng đáng kể nhưng chưa thấm vào đâu so với hàng chế tạo mịn mặt và kiểu dáng đẹp.

Năm 1643, lúc đó vào năm thứ ba thời trị vì của vua Edward IV, một đạo luật đã được ban hành quy định rõ: “không một người đầy tớ hoặc người lao động làm công việc trồng trọt hoặc một người phục vụ cho một người thợ thủ công mỹ nghệ sống ở ngoài thành thị được ăn mặc quần áo với loại vải trị giá hơn 2 shilling một lát”. Dưới triều đại vua Edward IV, 2 shilling chứa một hàm lượng bạc bằng 4 shilling tiền hiện nay. Nhưng vải Yorkshire ngày nay bán với giá 4 shilling 1 lát chắc chắn có chất lượng cao hơn so với bất kì loại vải nào được làm ra để phục vụ cho người đầy tớ và lao động thời xưa. Ngay cả loại vải cùng chất lượng ngày nay tính theo giá danh nghĩa cũng bán rẻ hơn so với vải cùng loại thời xưa. Giá thực tế, tất nhiên, còn rẻ nhiều hơn nữa. 10 penny thời đó được coi là giá phải chăng và hợp lý cho một giạ lúa mì. Do đó, 2 shilling là giá 2 giạ Anh và gần 2 thúng (đơn vị đo lường Anh, khoảng 9 lít) lúa mì vào thời xưa mà hiện nay một giạ Anh bán là 3 shilling 6 penny, cho nên 2 shilling thời đó tương đương 8 shilling 9 penny bây giờ. Để mua được một lát vải để may quần áo, một người đầy tớ hay người lao động phải chịu mất đi sức mua một lượng lương thực trị giá 8 shilling 9 penny theo giá tiền hiện nay. Đây cũng là một đạo luật có tính chất điều chỉnh giá cả nhằm hạn chế người nghèo không được dùng các đồ xa xỉ hay làm các điều ngông cuồng trong ăn mặc. Do đó, vải mà họ mua để dùng thường cũng đắt hơn ngày nay khá nhiều.

Cũng theo đạo luật này, đầy tớ và lao công bị cấm ngặt không được dùng bít tất dài mà giá một đôi phải mua tới trên 14 penny, tương đương với khoảng 28 penny theo giá tiền hiện nay. Nhưng cũng nên lưu ý rằng vào thời đó 14 penny là giá một giạ và gần 2 thúng Anh lúa mì, ngày nay với giá một giạ là 3 shilling 6 penny, thì số lúa trên phải mua với giá 5 shilling 3 penny. Chúng ta thấy so với giá cả hiện tại, một đôi bít tất dài thời xưa thật là quá đắt, nhất là đối với những tầng lớp nghèo.

Vào thời trị vì của vua Edward IV, ở Châu Âu chưa biết tới cách đan bít tất dài. Vì vậy loại bít tất này phải may bằng vải và do đó giá mới đắt đến thế. Người đầu tiên đi bít tất dài ở Anh là Nữ hoàng Elizabeth. Đôi bít tất đó là quà tặng của ngài đại sứ Tây Ban Nha tại Anh.

Trong việc sản xuất các hàng len mịt và thô, máy móc được sử dụng vào thời xưa hay còn chưa hoàn hảo so với hiện nay. Ngoài những cải tiến nhỏ, đã có 3 cải tiến chủ yếu: thứ nhất, thay đổi giường quay và cọc sợi trong guồng xe sợi, điều này đã giúp tăng hiệu suất gấp hai lần; thứ hai việc sử dụng một vài loại máy rất tinh xảo trong việc quấn và xe sợi chải kỹ và chỉ len và cách sắp xếp rất thuận tiện sợi dọc và sợi ngang trước khi đặt và máy dệt, đây là một thao tác hết sức rắc rối và phiền toái trước khi phát minh ra các máy chuyên dùng này; thứ ba, sử dụng máy chuội và hồ vải mà trước đó phải giẫm bằng chân trong nước. Ở Anh, không một ai biết đến cối xay gió hay cối xay nước sớm hơn đầu thế kỷ thứ 16. Cối xay được đưa vào nước Ý một ít lâu trước đó.

Việc xem xét các tình tiết này có thể giải thích một phần nào cho chúng ta thấy rõ hơn tại sao giá thực tế của các mặt hàng công nghệ, kể cả các loại thô lẫn loại mịn thời xưa lại cao giá hơn nhiều so với hiện nay.

Để có thể sản xuất và mang hàng ra bán tại thị trường, người ta đã phải mất nhiều công lao động hơn. Vì vậy khi hàng được đưa ra thị trường, tất nhiên nó phải được mua hay trao đổi với giá cao hơn.

Các mặt hàng công nghệ còn thô ở Anh trong thời kỳ xa xưa đã được sản xuất cũng giống như những hàng hóa làm vào cùng thời gian đó ở các nước khác với trình độ kỹ thuật công nghệ hãy còn ở thời kỳ trứng nước. Đó là công việc sản xuất, chế tạo có tính chất gia đình với sự tham gia của một số thành viên trong quá trình đó. Nhưng họ lại sản xuất ra các mặt hàng đó khi nhàn rỗi, vì họ đã có những công việc chính mà nhờ đó học kiếm được phần lớn số tiền cần thiết để sinh sống. Các mặt hàng sản xuất phụ này thường được bán với giá rẻ hơn vì họ đã kiếm ăn bằng công việc chính gần đủ để nuôi sống họ. Trái lại, các mặt hàng công nghệ mịn màng, đẹp đẽ không sản xuất tại nước Anh vào thời kỳ đó, mà ở xứ Flanders giàu có và chuyên về thương nghiệp. Những người sản xuất các mặt hàng đẹp và mịn đó hoàn toàn hoặc chủ yếu sinh sống bằng nghề nghiệp này của riêng họ. Vì đây là những hàng ngoại nhập, cho nên phải đóng thuế cho nhà vua. Nhưng thuế đánh vào các hàng ngoại đẹp và mịn cũng không quá nhiều, vì chính sách của Châu Âu lúc đó là không có ý hạn chế nhập hàng nước ngoài, và hơn nữa, còn khuyến khích các lái buôn mua các hàng hóa có chất lượng cao từ các nước đem vào bán ở trong nước để phục vụ cho các vị có chức có quyền, các người giàu có để họ có thể mua được các vật dụng tiện lợi và các đồ xa xỉ mà họ muốn, vì nền công nghệ trong nước không có khả năng sản xuất được các hàng hóa đó.

Việc nghiên cứu các tình huống này có thể một phần nào giải thích cho chúng ta biết rõ tại sao trong thời kỳ xa xưa, giá thực tế của các loại hàng thô trong tương quan với mặt hàng đẹp và mịn lại rẻ hơn quá nhiều so với hiện nay.

KẾT LUẬN CỦA CHƯƠNG SÁCH

Tôi xin kết luận chương sách rất dài này bằng cách nhận xét là mỗi một sự cải tiến đổi mới của xã hội đều có chiều hướng trực tiếp hay gián tiếp nâng cao tiền thuế đất thực tế, tăng thêm của cải cho điều chủ, làm cho họ có thêm khả năng thuế mướn nhân công hoặc mua thêm sản phẩm của những người lao động khác.

Cải tiến phương pháp trồng trọt và mở rộng diện tích canh tác có chiều hướng trực tiếp làm tăng của cải. Phần sản phẩm chia cho điều chủ tất nhiên phải tăng lên cùng với sản lượng ngày càng lớn mà công việc trồng trọt mang lại.

Sự tăng lên về giá thực tế của các sản phẩm thô của đất, trước hết là hậu quả của việc cải tiến phương pháp trồng trọt, và sau đó là nguyên nhân làm cho sản phẩm đó tăng nhiều lên, chẳng hạn, giá gia súc tăng, sự tăng giá này cũng có chiều hướng nâng giá tiền thuê đất một cách trực tiếp và với một mức độ lớn hơn. Giá trị thực tế của phần trả cho điền chủ tức là khả năng thực tế của chủ đất đó thuê mướn được sức lao động của người khác, không những tăng lên cùng với giá trị thực tế của sản phẩm, mà phần chia cho người đó trong số tổng sản lượng cũng tăng lên. Sau khi giá thực tế tăng, thì so với trước không cần thêm lao động để có được sản lượng đó. Do vậy, một phần nhỏ hơn của sản lượng đó cũng đủ để hoàn lại, với một tỷ suất lợi nhuận thông thường, số tiền vốn bỏ ra để thuê lao động. Phần lớn hơn của sản lượng, vì thế, thuộc về người chủ đất.

Những cải tiến về năng suất lao động có xu hướng trực tiếp giảm giá thực tế của hàng công nghiệp và nâng tiền thuê đất thực tế một cách gián tiếp. Người chủ đất sử dụng số tiền thu được từ việc bán phần sản phẩm thô không tiêu dùng hết để đổi lấy hàng công nghiệp. Bất kể cái gì làm giảm giá thực tế của hàng công nghiệp, lại làm tăng giá sản phẩm thô. Một số lượng như trước của sản phẩm thô do đó lại tương đương với một số lượng lớn hơn của hàng công nghiệp, và người chủ đất có khả năng mua được một số lượng nhiều hơn các thứ đồ dùng tiện nghi, các đồ trang trí hoặc các đồ xa xỉ mà ông ta cần.

Của cải xã hội và số lượng lao động hữu ích tăng lên đều có chiều hướng gián tiếp nâng cao tiền thuê đất. Một phần lao động nào đó tất nhiên thuộc về đất. Một số lớn người và súc vật được sử dụng vào việc trồng trọt, số sản phẩm thu hoạch được tất phải tăng lên cùng với tiệc tăng số tiền vốn dùng cho sản xuất, và tiền thuê đất tăng lên cùng với số sản phẩm thu hoạch được.

Ngược lại, nếu công việc trồng trọt và cải tiến canh tác bị sao lãng, bỏ mặc chẳng ai chú ý đến, giá thực tế của các sản phẩm thô của đất bị giảm sút; giá thực tế của các hàng công nghiệp tăng cao do có sự bê trễ trong sản xuất, chế tạo công nghiệp và của cải xã hội bị sa sút, tiền thuê đất thực tế sẽ giảm đi, của cải thực tế của chủ đất sẽ ít đi, sức mua của chủ đất (thuê mướn lao động hoặc mua sản phẩm lao động của người khác) sẽ giảm xuống.

Toàn bộ sản lượng hàng hóa năm của đất đai và lao động của mỗi nước, hay nói một cách khác, toàn bộ giá tiền của sản lượng hàng năm đó, tất nhiên tự chia ra thành ba phần như đã được nhận định ở trên: tiền thuê đất, tiền công lao động và lợi nhuận của tiền vốn; và tạo thành tiền thu nhập của tất cả mọi người thuộc 3 tầng lớp khác nhau: của những người sống bằng tiền cho thuê đất đai, của những người sống bằng tiền công lao động và của những người sống bằng lợi nhuận. Đây là ba tầng lớp cấu thành cơ bản lớn nhất của bất kỳ một xã hội văn minh nào, mà từ thu nhập của ba tầng lớp đó, các tầng lớp khác cuối cùng cũng nhân được phần thu nhập của họ.

Lợi ích của tầng lớp thứ nhất trong số ba tầng lớp chủ yếu đó có sự liên quan chặt chẽ và không thể tách rời với lợi ích chung của toàn xã hội. Bất cứ điều gì thúc đầy hoặc cản trở lợi ích này, tất yếu thúc đầy hoặc cản trở lợi ích kia. Khi dân chúng thảo luận bất kỳ một luật lệ nào về buôn bán hay tổ chức quản lí, các chủ ruộng đất bao giờ cũng lái luật lệ theo hướng bảo toàn lợi ích của tầng lớp mình nếu như họ có sự hiểu biết về lợi ích đó. Thực ra, họ nhiều khi rất thiếu sự hiểu biết đó. Họ tạo thành một tầng lớp duy nhất trong số ba tầng lớp nói trên, mà để có thu nhập, họ không phải mất sức lao động cày cấy, trồng trọt và cũng không phải chăm nom đến cây trồng, nhưng thu nhập đó cứ tự đến với họ chẳng cần họ phải đề ra kế hoạch hay dự án gì. Sự biếng nhác đó là kết quả tất nhiên của tình trạng nhàn hạ và an toàn tình thế của họ, và nhiều khi làm cho họ trở thành ngu tối và không có khả năng động não – khả năng cần thiết để thấy trước và hiểu rõ những hậu quả của bất kỳ luật lệ nào của nhà nước.

Lợi ích của tầng lớp thứ hai, tức là những người sinh sống bằng tiền công lao động, cũng có liên quan chặt chẽ, chẳng khác gì tầng lớp thứ nhất, với lợi ích chung của toàn xã hội. Như chúng ta được biết, tiền công của người lao động không bao giờ được cao như khi số cầu về lao động luôn luôn tăng hay là khi số lao động được tuyển dụng mỗi năm tăng đáng kể. Khi của cải của xã hội trở thành tĩnh lập, thì tiền công lao động tất nhiên bị giảm tới mức chỉ còn vừa đủ để nuôi sống gia đình hoặc để tiếp tục nòi giống của người lao động. Khi xã hội bị sa sút, thì tiền công còn giảm thấp hơn mức đó nữa. Tầng lớp điền chủ có thể giành được nhiều lợi ích hơn tầng lớp lao động khi xã hội trở nên phồn vinh, trù phú. Nhưng mặc dù lợi ích của người lao động gắn bó chặt chẽ với lợi ích chung của xã hội, họ không thể hiểu nổi cái lợi ích chung đó là thế nào hoặc không hiểu rõ mối liên quan giữa lợi ích xã hội với lợi ích của họ. Họ không có điều kiện và thời gian để tìm hiểu mối liên hệ đó, và nếu như họ có thông tin đầy đủ thì nên giáo dục và tập quán quen thuộc của họ cũng không cho phép họ xét đoán và đánh giá được. Trong các cuộc bàn luận công cộng, tiếng nói của họ chẳng được ai chú ý nghe, và hơn nữa chẳng ai thèm để ý tới, trừ một vài trường hợp đặc biệt, khi họ kêu ca và làm ầm ĩ gây nên sự chú ý của dư luận, và các yêu sách của họ được sự ủng hộ của giới chủ, không phải vì lợi ích của người lao động, mà chính vì lợi ích riêng tư của giới đó.

Giới chủ tạo thành tầng lớp thứ ba tức là những người sinh sống bằng lợi nhuận. Chính tiền vốn, mà giới này bỏ ra, đem lại lợi nhuận là động cơ hoạt động chính của phần lớn lao động hữu ích của xã hội. Các kế hoạch, dự án sử dụng tiền vốn của giới chủ đều điều chỉnh và chỉ đạo tất cả các khâu hoạt động quan trọng nhất, và nhằm thu được số lợi nhuận đã dự tính. Nhưng tỷ suất lợi nhuận, không giống như tiền thuê đất và tiền công lao động, không tăng lên cùng với sự phồn vinh và hạ xuống cùng với tình trạng sa sút của xã hội. Trái lại, tỷ suất lợi nhuận thường thường thấp hơn tại các nước giàu và cao hơn tại các nước nghèo, và lợi nhuận luôn luôn ở vào mức cao nhất tại các nước đang lao nhanh nhất vào tình trạng suy thoái. Vì vậy, lợi ích của giới chủ không có mối liên hệ với lợi ích chung của toàn xã hội, như lợi ích của hai tầng lớp nói trên. Các nhà buôn và các chủ xưởng chế tạo công nghiệp là hai loại người chuyên sử dụng số tiền vốn lớn nhất mà họ có, và do sự giàu có đó, họ được nhiều người kính nể và trọng vọng. Vì suốt đời họ tính toán những kế hoạch, dự án mà họ thực hiện vì mục đích thu được lợi nhuận cao nhất, cho nên họ luôn luôn tỉnh táo, nhạy bén và có những hiểu biết sâu sắc hơn so với phần lớn các nhà quý phái ở nông thôn. Tuy nhiên, vì họ luôn luôn chỉ nghĩ đến lợi ích của ngành kinh doanh riêng của họ hơn là nghĩ đến lợi ích chung của toàn xã hội, cho nên những sự phán đoán, suy xét của họ, dù cho vô tư đến đâu đi nữa (nhưng không phải lúc nào cũng vô tư như vậy) thì vẫn tùy thuộc nhiều vào lợi ích bản thân hơn là vào lợi ích chung của xã hội. Họ hơn các nhà quý tộc ở nông thôn không phải vì có sự hiểu biết rộng về các mặt lợi ích của xã hội mà là về cách thức và phương pháp bảo vệ lợi ích riêng tư mà thôi. Người buôn bán trong một ngành thương mại hay công nghiệp riêng biệt lại có lợi ích đôi khi khác và thậm chí còn ngược lại với lợi ích của quần chúng nhân dân. Mở rộng thị trường và thu hẹp sự cạnh tranh là những mặt hoạt động phục vụ cho lợi ích của người buôn bán. Mở rộng thị trường làm cho dân chúng khá hài lòng, nhưng thu hẹp sự cạnh trang là chống lại họ và tạo cho người buôn bán có điều kiện nâng giá hàng, thu được nhiều tiền lời hơn, và như thế chẳng khác gì họ đánh thêm một thứ thuế vô lý bắt người tiêu dùng phải gánh chịu. Bất kì một đạo luật mới nào, hay luật lệ nào do tầng lớp này đề xướng, cần phải được nghe ngóng rất thận trọng và chỉ được thông qua sau khi đã nghiên cứu, xem xét một cách kỹ lưỡng nhất, với sự chú ý tập trung nhất. Đạo luật đó xuất pháp từ một tầng lớp mà lợi ích của họ không bao giờ đồng nhất với lợi ích chung của dân chúng, một tầng lớp mà mục đích chính là lừa dối và áp bức quần chúng để thu được lợi nhuận tối đa.

Giá của một thùng ngũ cốc chất lượng tốt nhất với giá thị trường mở tại ngày Phụ nữ hoặc ngày thánh Michael từ 1595 đến 1764, cả hai bao gồm cả thuế; giá mỗi năm tính trung bình giữa hai giá cao nhất của hai phiên chợ trên.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3