Của Cái Của Các Dân Tộc - Quyển 2 - Chương 03
Chương III
TÍCH LŨY TƯ BẢN HAY LAO ĐỘNG SẢN XUẤT VÀ LAO ĐỘNG PHI SẢN XUẤT
Có một loại lao động làm tăng thêm giá trị của đồ vật mà nó tác động đến, nhưng có một loại lao động khác lại chẳng có tác động như vậy. Loại lao động thứ nhất, do nó sản sinh ra giá trị, cho nên gọi là lao động sản xuất; loại thứ hai gọi là lao động phi sản xuất (1). Vậy, lao động của một người sản xuất chế tạo thường làm tăng thêm giá trị cho các nguyên vật liệu mà họ sử dụng để gia công chế biến, lao động đó nuôi sống họ và mang lại lợi nhuận cho người chủ thuê mướn họ. Trái lại, lao động của người đầy tớ không mang lại giá trị nào cả.
Mặc dù người sản xuất, chế tạo được chủ ứng trước cho tiền công để sinh sống, trên thực tế, anh ta chẳng gây tốn kém gì cho chủ, vì người này lấy lại giá trị tiền công cùng với lợi nhuận bằng cách tăng thêm giá trị của đồ vật mà lao động của anh ta tác động đến. Nhưng số tiền công bỏ ra để nuôi người đầy tớ thì không bao giờ lấy lại được.
1. Một vài tác giả người Pháp có kiến thức rộng đã sử dụng các từ ngữ đó với một nghĩa khác. Trong chương cuối cùng của quyển 4, tôi sẽ giải thích là nghĩa mà họ dùng là không đúng chỗ.
Một người làm giàu bằng việc thuê mướn rất nhiều người sản xuất, chế tạo; ông ta sẽ trở nên nghèo nếu thuê mướn quá nhiều đầy tớ. Song, lao động của người đầy tớ cũng có giá trị của nó và cũng xứng đáng nhận tiền công như những người sản xuất, chế tạo. Nhưng phải thừa nhận là những người này sản xuất, chế tạo ra những hàng hóa mang bán lấy tiền, và các mặt hàng mà họ làm ra còn được sử dụng ít nhất là một thời gian nào đó sau khi lao động của họ đã hoàn thành sản phẩm.
Có thể nói hàng hóa là một lượng lao động nhất định được cất giữ lại để sử dụng khi cần thiết vào một dịp nào khác. Hàng hóa, hay là giá của hàng hóa cũng vậy, về sau này khi cần thiết có thể đổi lấy được một lượng lao động tương đương với lượng lao động đã làm ra mặt hàng đó. Trái lại, lao động của người đầy tớ không được thể hiện cụ thể trong một đồ vật hoặc một thứ hàng hóa nào đó có thể bán được. Sự phục vụ hay hầu hạ của người đầy tớ thường hoàn toàn biến mất ngay sau khi anh ta hoàn thành công việc và ít khi để lại một dấu vết hay giá trị nào mà người ta có thể sử dụng để đổi lấy một lượng lao động tương đương.
Lao động của một vài tầng lớp người đáng kính trọng nhất cũng chẳng khác gì lao động của những người đầy tớ, vì nó không được thể hiện trong một đồ vật lâu bền hay một thứ hàng hóa có thể đem bán được, có thể còn được sử dụng sau khi kết thúc quá trình lao động và về sau có thể đổi lấy một lượng lao động tương đương.
Ví dụ, ông vua với các quần thần phụ trách công lý và quốc phòng, cai quản toàn bộ lục quân và hải quân, đều là những người phi sản xuất. Họ là những công bộc của nhân dân và được trả lương để sinh sống bằng một phần sản phẩm lao động hàng năm của những người khác. Những công việc mà họ làm, dù cho đáng kính trọng, có ích lợi và cần thiết đến thế nào đi nữa, thì cũng chẳng sản xuất ra bất kỳ thứ gì mà về sau có thể bán đi để mua lại một lượng lao động tương đương. Công việc bảo vệ nền an ninh và quốc phòng của khối liên hiệp Anh trong năm nay không thể để dành để thay thế những công việc tương tự cho năm tới.
Trong cùng một tầng lớp có cả những nghề quan trọng nhất và một vài nghề phù phiếm: các thầy tu, luật sư, bác sĩ, văn sĩ thuộc đủ các loại, vận động viên, cầu thủ, hề, nhạc sĩ, ca sĩ, vũ nữ v.v… Lao động của những người tầm thường nhất trong số này có một giá trị nào đó được điều chỉnh bằng các nguyên tắc đã được sử dụng để điều chỉnh giá trị của mỗi loại lao động khác, còn lao động của các người cao quý và có ích nhất không sản xuất ra được cái gì để về sau có thể mua hay đổi lấy được một lượng lao động tương đương. Giống như những lời nói của diễn viên, bài diễn thuyết của nhà hùng biện hoặc giai điệu của nhạc sĩ, sản phẩm của tất cả những người đó đều biến mất ngay sau khi họ phát biểu hoặc chơi đàn.
Những người lao động sản xuất và phi sản xuất, và cả những người ăn không ngồi rồi đều được nuôi sống bằng sản phẩm hàng năm của đất đai và lao động trong nước. Sản phẩm đó, dù cho số lượng nhiều đến đâu đi chăng nữa, cũng không bao giờ vô tận, mà có những giới hạn nào đó. Do đó, tùy theo tỷ lệ sản phẩm dùng cho những người lao động phi sản xuất trong một năm nào đó ít hay nhiều mà phần sản phẩm còn lại cho người sản xuất sẽ nhiều hay ít, do đó sản lượng của năm sau sẽ nhiều hơn hay ít hơn; còn tổng sản lượng hàng năm, nếu chúng ta loại trừ những sản phẩm bất thường của đất đai, sẽ là kết quả của lao động sản xuất.
Mặc dù tổng sản phẩm hàng năm của đất đai và lao động tại mỗi nước cuối cùng cũng được dùng để cung cấp cho mọi nhu cầu tiêu dùng của toàn dân và để đem lại cho mỗi người một khoản thu nhập nhất định, tổng sản phẩm đó, khi lúc đầu được lấy ra từ đất hoặc từ bàn tay của người lao động sản xuất, tất nhiên được phân chia thành hai phần. Một trong hai phần đó (thường là phần lớn nhất) trước hết dùng để hoàn lại số tiền vốn, phần khác tạo thành thu nhập của chủ sở hữu vốn (lợi nhuận của vốn) hoặc là thu nhập của điền chủ (tiền thuê đất). Như vậy, một phần sản phẩm của đất hoàn lại vốn của người chủ trại, một phần trả tiền lời cho ông ta và tiền thuê đất cho điền chủ, tức là phần này vừa tạo thành thu nhập cho người có vốn, vừa tạo thành thu nhập cho điền chủ. Về sản phẩm của một nhà máy chế tạo lớn cũng vậy, một phần, và là phần lớn nhất, được dành để hoàn lại số tiền vốn bỏ ra của người kinh doanh và phần kia dùng để trả lợi nhuận cho nhà kinh doanh đó, và như vậy cũng là tiền thu nhập của người có vốn.
Phần sản phẩm hàng năm của đất đai và lao động tại bất cứ nước nào dùng để hoàn lại số tiền vốn thì chỉ được sử dụng trực tiếp vào việc nuôi sống những người lao động sản xuất. Nó chỉ dùng để trả tiền công cho họ. Phần sản phẩm hàng năm mà trực tiếp tạo thành thu nhập, dưới dạng lợi nhuận hay tiền thuê đất, có thể dành để nuôi sống mọi người, không phân biệt người sản xuất hay phi sản xuất.
Bất cứ số tiền nào mà một người sử dụng vào sản xuất kinh doanh, người đó tất nhiên trông chờ là số tiền vốn đó phải mang lại lợi nhuận cho mình. Người đó sử dụng số tiền vốn đó chỉ để trả công cho người lao động sản xuất, và sau khi phục vụ cho người đó với chức năng của tiền vốn, số tiền ấy còn phải mang lại thu nhập cho người lao động sản xuất nữa. Khi nào người chủ tiền vốn này sử dụng một phần số tiền vốn đó vào việc nuôi sống những người phi sản xuất thuộc bất kỳ loại nào, thì phần tiền đó ngay từ lúc đó bị rút ra khỏi số tiền vốn kinh doanh của ông ta và đưa vào số tiền vốn dành cho tiêu dùng trước mắt.
Số lao động phi sản xuất và những người ăn không ngồi rồi đều được nuôi dưỡng bằng thu nhập, trước hết bằng một phần sản phẩm hàng năm mà lúc đầu dành làm tiền thu nhập cho một số người (dưới dạng tiền thuê đất hay lợi nhuận của số tiền vốn bỏ ra) hoặc sau đó, bằng một phần sản phẩm hàng năm, mặc dù lúc đầu là để dành cho việc hoàn lại số vốn bỏ ra và chỉ để trả công cho những người lao động sản xuất mà thôi, song, khi phần đó vào tay của người có vốn mà họ thấy là quá ư thừa thãi để đảm bảo mức sống cho chính họ, thì phần tiền dư thừa đó có thể được dùng để trả công cho bất kể ai, dù là lao động sản xuất hay lao động phi sản xuất. Như vậy, không phải chỉ địa chủ hay nhà buôn giàu có, mà cả người lao động bình thường, nếu như tiền lương của người đó cao và dư thừa, đều có thể mướn một đầy tớ, người đó có thể thỉnh thoảng đi xem hát, xem múa rối, và do đó đóng góp một phần vào việc nuôi sống một loạt những người lao động phi sản xuất, hoặc người đó có thể phải đóng một khoản tiền thuế nào đó, và như vậy lại đóng góp vào việc trả lương cho một tầng lớp người có chức vụ đáng kính khác đang làm các công việc phi sản xuất. Tuy nhiên, không có phần nào trong số sản phẩm hàng năm mà lúc ban đầu để dành cho việc hoàn lại số tiền vốn, lại được sử dụng để trả công cho người lao động phi sản xuất. Người thợ chắc đã kiếm được tiền công bằng công việc đã làm trước khi anh ta có thể sử dụng một phần số tiền công đó vào một việc gì khác. Ngay cả phần tiền công này cũng không nhiều lắm đâu vì người lao động sản xuất ít khi có được nhiều tiền dư thừa từ phần thu nhập của mình. Tuy nhiên, thường thường họ cũng có một số tiền dư thừa. Tuy khoản thuế của mỗi người không lớn, nhưng số người đông của họ làm cho phần đóng góp chung của họ trở nên đáng kể. Tiền thuê đất và lợi nhuận của tiền vốn, vì thế, bất kỳ ở đâu vẫn là những người chính cung cấp tiền sinh sống cho người lao động phi sản xuất. Hai thứ tiền nói trên là hai loại thu nhập mà người chủ sở hữu nói chung có thể để dành được khá nhiều. Với số tiền dư đó, họ có thể thuê mướn cả lao động sản xuất lẫn lao động phi sản xuất. Tuy nhiên, họ ưu tiên thuê loại lao động phi sản xuất hơn. Một lãnh chúa thường thường nuôi người ăn không ngồi rồi nhiều hơn số người lao động. Một người buôn bán giàu có, mặc dù ông ta chỉ dùng số tiền vốn để thuê mướn những người lao động sản xuất, nhưng với số tiền thu nhập của mình ông này thường nuôi những loại người giống như của vị lãnh chúa.
Do đó, tỷ lệ giữa số người lao động sản xuất và số người phi sản xuất tại mỗi nước tùy thuộc rất nhiều vào tỷ lệ giữa phần sản phẩm hàng năm, thu được từ đất đai hay từ bàn tay của người lao động sản xuất, được dành để hoàn lại số tiền vốn và phần sản phẩm dùng để tạo thành nguồn thu nhập dưới dạng tiền thuê đất hay lợi nhuận. Tỷ lệ này rất khác nhau giữa nước giàu và nước nghèo.
Như vậy, hiện nay tại những nước giàu có thuộc Châu Âu, một phần lớn, thường là phần lớn nhất, các sản phẩm của đất đai được dùng để hoàn lại tiền vốn của người giàu và của chủ trại hoạt động độc lập; phần còn lại dùng để trả tiền lợi nhuận và tiền thuê đất cho điền chủ. Nhưng vào thời xưa, khi chính quyền phong kiến còn đang ngự trị, một phần rất nhỏ các sản phẩm thu được đã đủ để hoàn lại số tiền vốn dùng vào công việc trồng trọt. Số tiền vốn này chỉ gồm có một số ít súc vật được nuôi bằng cây cỏ mọc tự nhiên trên đồng cỏ hoang dại. Các súc vật đó nói chung cũng thuộc về người chủ đất và được người này ứng trước cho người thuê đất. Tất cả phần còn lại của các sản phẩm thu hoạch được từ đất cũng thuộc về điền chủ dưới dạng tiền thuê đất của ông ta hoặc tiền lợi nhuận trả cho số tiền vốn nhỏ nhoi này. Những người sử dụng đất của địa chủ thường là những nông nô mà cả con người và các đồ đạc của họ cũng là tài sản riêng của địa chủ. Những người sử dụng ruộng đất của địa chủ nếu không phải là nông nô, thì cũng là tá điền. Mặc dù số tô mà họ nộp cho địa chủ nhiều khi không nhiều về mặt danh nghĩa, nhưng trên thực tế lại gần bằng toàn bộ sản phẩm của ruộng đất. Vị lãnh chúa bất cứ lúc nào cũng có quyền bắt họ làm việc trong thời bình và buộc họ phải làm lính khi có chiến tranh. Mặc dù họ ở xa lâu đài của lãnh chúa, họ vẫn bị phụ thuộc vào vị chúa tể này chẳng khác gì những nô bộc ở ngay tại trong lâu đài. Vị lãnh chúa có toàn quyền sử dụng toàn bộ sản phẩm thu hoạch từ ruộng đất và sức lao động cũng như công phục dịch của những người mà vị chúa tể đó nuôi. Trong tình trạng hiện nay ở Châu Âu, phần được chia của địa chủ ít khi vượt quá 1/3 và đôi khi không đến 1/4 tổng số sản phẩm thu hoạch được từ ruộng đất. Song, tiền thuê ruộng đất ở những vùng đất phì nhiêu đã tăng lên gấp ba hoặc gấp bốn lần so với thời gian xa xưa, và vì thế số 1/3 hay 1/4 sản phẩm hàng năm nộp cho địa chủ lại lớn hơn gấp 3 hoặc 4 lần so với trước.
Trong quá trình cải tạo ruộng đất, tiền thuê tuy tăng lên theo mức độ, nhưng lại giảm xuống theo tỷ lệ đối với sản phẩm thu hoạch được từ ruộng đất.
Tại các nước giàu có ở Châu Âu, những số vốn lớn được dùng vào thương nghiệp và công nghiệp chế tạo. Trong thời xa xưa, việc buôn bán còn nhỏ nhoi, và hơn nữa, chỉ có một số ít công việc thủ công mỹ nghệ được tiến hành tại gia đình, vì thế không đòi hỏi những số vốn lớn. Tuy nhiên, buôn bán nhỏ nhoi và thủ công mỹ nghệ gia đình ít ỏi đã mang lại những khoản lợi nhuận lớn. Lãi suất ở bất kỳ nơi nào cũng không dưới 10%, và lợi nhuận thu được từ những số tiền vốn vay với lãi suất như vậy tất phải đủ để trả tiền lãi. Ngày nay, ở những nơi sầm uất ở Châu Âu, lãi suất không ở đâu cao hơn 6% và ở những nơi sầm uất nhất thì lãi suất lại tụt xuống còn có 4, 3 và 2% mà thôi. Phần thu nhập do lợi nhuận của tiền vốn mang lại ở nước giàu lớn hơn nhiều so với nước nghèo, sở dĩ như vậy là vì số tiền vốn sử dụng lớn hơn nhiều, tuy lợi nhuận thu được ngày càng giảm so với số tiền vốn bỏ ra.
Phần sản phẩm mà hàng năm thu hoạch được từ ruộng đất hay từ bàn tay người lao động sản xuất và dành để hoàn lại số tiền vốn, không những lớn hơn nhiều ở nước giàu so với nước nghèo, mà còn chiếm một tỷ lệ lớn hơn nhiều so với phần dành để cấu thành lợi tức dưới dạng tiền thuê ruộng đất hoặc lợi nhuận. Quỹ dùng để trả tiền công cho lao động sản xuất không những lớn hơn nhiều ở nước giàu so với nước nghèo, mà còn chiếm một tỷ lệ lớn hơn nhiều so với quỹ mà người ta có thể sử dụng để thuê mướn người lao động sản xuất hoặc người lao động phi sản xuất, mặc dù người ta thích thuê người phi sản xuất hơn.
Tỷ lệ giữa các quỹ khác nhau nói trên tại mỗi nước tất yếu chi phối tính chất và đặc điểm của người dân ở nước đó đối với tính siêng năng cần cù và sự ăn không ngồi rồi. Chúng ta phải siêng năng cần cù hơn ông cha chúng ta, bởi vì ngày nay quỹ dùng để trả công cho người lao động cần cù siêng năng lớn hơn nhiều so với quỹ dùng để trả tiền nuôi dưỡng sự ăn không ngồi rồi, khi so sánh với 2 hoặc 3 thế kỷ trước. Tổ tiên chúng ta đã ăn không ngồi rồi vì thiếu sự khuyến khích thích đáng đối với công việc. Một câu châm ngôn thời xưa đã chẳng nói là: chơi mà không được gì còn hơn làm việc mà không được gì. Tại các thành phố buôn bán và sản xuất chế tạo mà ở đó các tầng lớp dưới trong dân chúng có công việc làm do hoạt động của tiền vốn, họ thường tỏ ra rất siêng năng, cần mẫn, điềm đạm và cầu tiến như ở nhiều thành phố thuộc nước Anh và ở hầu hết các thành phố thuộc Hà Lan.
Ở các thành phố có sự hiện diện của vua chúa và triều đình và ở đó các tầng lớp dưới trong dân chúng chủ yếu được nuôi dưỡng bằng các khoản lợi tức của vua quan và những người giàu có khác, thì họ thường tỏ ra lười nhác, chơi bời phóng đãng và nghèo nàn như ở Rome, Versailles, Compiegne và Fontainebleau. Trừ Rouen và Bordeaux, người ta thấy rất ít hoạt động buôn bán và sản xuất chế tạo ở bất kỳ thành phố nào ở Pháp, và những tầng lớp dưới trong dân chúng sinh sống chủ yếu bằng các khoản tiền chi tiêu của các quan chức làm ở các tòa án và của người đến hầu tòa để theo đuổi các vụ kiện cáo, nói chung, họ đều lười biếng, không chịu làm việc và nghèo.
Nền thương mại khá phát đạt ở Rouen và Bordeaux hình như là do địa thế của hai thành phố đó. Rouen là trung tâm tiếp nhận và phân phối hầu hết các loại hàng hóa nhập từ nước ngoài hoặc từ các thành phố biển của Pháp dùng để phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng của thủ đô Paris. Bordeaux là trung tâm phân phối rượu vang các loại làm bằng nho trồng trên hai bên bờ sông Garonne và các sông nhánh chảy vào sông lớn này. Bordeaux nổi tiếng là một vùng sản xuất rượu vang giàu nhất trên thế giới và hình như vùng này sản xuất được những loại rượu vang thích hợp nhất để xuất khẩu và phù hợp nhất với gu các dân tộc nước ngoài. Địa thế thuận lợi như vậy tất yếu đòi hỏi phải có một số vốn lớn để mở mang phát triển. Chính việc sử dụng nguồn vốn lớn đó là nguyên nhân của nền công nghiệp được hình thành tại hai thành phố này. Các thành phố khác của Pháp chỉ sử dụng số tiền vốn lớn hơn rất ít so với vốn cần thiết để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cho dân chúng. Tình hình cũng tương tự như thế ở Paris, Madrid và Vienna. Paris thì siêng năng cần cù trong công việc sản xuất hơn hai thành phố kia, nhưng Paris cũng là thì trường tiêu thụ chủ yếu các mặt hàng do các cơ sở sản xuất tại Paris làm ra, và chính nhu cầu tiêu dùng của thành phố này là mục đích chính của mọi công việc giao dịch buôn bán mà nó tiến hành. London, Lisbon và Copenhagen có lẽ được xem là ba thành phố duy nhất ở Châu Âu vừa có triều đình lại vừa là trung tâm buôn bán sầm uất và thịnh vượng, hoặc là những thành phố buôn bán không những để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của chính nó mà cả nhu cầu của các thành phố và các nước khác. Cả ba thành phố này đều có một địa thế cực kỳ thuận lợi, làm cho chúng trở thành những trung tâm xuất nhập khẩu hàng hóa dành cho nhu cầu tiêu dùng của các nơi xa. Tại một thành phố mà ở đó phần lớn lợi tức kiếm được lại sử dụng cho tiêu dùng, thì khó có thể sử dụng một cách có lợi một số tiền vốn vào các mục đích khác với việc cung cấp cho tiêu dùng. Phần lớn dân chúng quen sống an nhàn nhờ các khoản chi tiêu của các tầng lớp trên, đã làm phương hại đến tính cần cù của những người lao động làm thuê, cho nên việc sử dụng vốn ở đây không có lợi như ở những nơi khác.
Ở Edinburgh người ta thấy rất ít hoạt động công thương nghiệp trước khi xứ Scotland sát nhập vào khối liên hiệp Anh. Nhưng khi nghị viện Scotland không còn phải triệu tập họp ở Edinburgh nữa, cũng là khi thành phố này không còn là nơi cư trú của các nhà quyền quý và các tầng lớp quý tộc xứ Scotland nữa, thì nó trở thành thành phố có nền công thương nghiệp khá phát triển. Tuy nhiên, Edinburgh vẫn còn là nơi cư trú của nhiều tòa án ở xứ Scotland, của tổng cục thuế quan v.v… Do đó một số tiền lợi tức và thu nhập lớn vẫn tiếp tục bị tiêu phí ở thành phố này. Về mặt phát triển công thương nghiệp, Edinburgh còn kém xa Glasgow nơi mà dân cư sinh sống chủ yếu bằng các công việc làm do việc sử dụng vốn tạo ra. Đôi khi người ta còn nhận thấy là dân cư một làng lớn, sau khi đã phát triển khá các ngành nghề sản xuất chế tạo, lại trở nên lười nhác và nghèo đói do hậu quả của một vị lãnh chúa đã đến đóng dinh cơ ở vùng chung quanh đó.
Vì vậy, tỷ lệ giữa tiền vốn và thu nhập điều chỉnh tỷ lệ giữa tính siêng năng cần cù và sự ăn không ngồi rồi. Ở bất cứ nơi nào mà tiền vốn kinh doanh chiếm ưu thế, thì tính siêng năng cần cù thắng thế và phổ biến hơn, còn nơi nào mà chỉ tiêu phí các hoa lợi kiếm được thì con người trở nên lười nhác. Do đó, khi tăng hay giảm số tiền vốn, thì sẽ làm tăng hay giảm giá trị trao đổi của sản phẩm hàng năm của đất đai và lao động trong nước, của cải và thu nhập của tất cả mọi người dân.
Số vốn thường tăng do tiết kiệm và giảm do vung phí và quản lý kém.
Một người biết tiết kiệm chi tiêu, thường góp số tiền dành dụm đó vào số vốn hiện có, và sử dụng số tiền tiết kiệm được vào việc thuê mướn một số nhân công để sản xuất hoặc mang số tiền đó cho người khác vay lấy lãi, tức là để thu một phần lợi nhuận của người đi vay. Vì số vốn của một cá nhân chỉ có thể tăng lên bằng việc tiết kiệm chi tiêu số thu nhập hàng năm, do đó số vốn của xã hội, cũng chẳng khác gì vốn của tất cả các cá nhân là thành viên của xã hội, chỉ có thể tăng lên cũng bằng cách nói trên mà thôi.
Tiết kiệm là nguyên nhân trực tiếp để tăng vốn. Lao động tạo ra sản phẩm để tích lũy trong quá trình tiết kiệm. Nhưng dù có tạo ra bao nhiêu chăng nữa, nhưng không tiết kiệm thì vốn không bao giờ tăng lên.
Bằng cách tăng quỹ lương cho những người lao động sản xuất, chế độ tiết kiệm có xu hướng thuê mướn thêm lao động sản xuất, làm tăng thêm giá trị của sản phẩm mà lao động tác động đến. Nó có chiều hướng tăng thêm giá trị trao đổi của sản phẩm hàng năm của đất đai và lao động trong nước. Nó đưa vào hoạt động một số ngành kinh doanh mà kết quả là làm tăng giá trị cho sản phẩm hàng năm.
Những gì tiết kiệm được hàng năm vẫn được mang ra tiêu dùng và hầu như được tiêu dùng đồng thời, nhưng bởi một nhóm người khác. Phần hoa lợi mà một người giàu có chi tiêu hàng năm trong hầu hết các trường hợp là để chiêu đãi khách khứa và thuê đầy tớ phục vụ; những người này không làm ra bất kỳ của cải nào sau khi đã tiêu dùng số hoa lợi của người giàu có đó. Còn phần hoa lợi mà người giàu có dành dụm hàng năm để tăng thêm vốn, kiếm thêm lợi nhuận, thì được một số người khác: người lao công, người sản xuất, chế biến, người thợ thủ công… tiêu dùng để làm ra của cải vật chất. Giả thiết tiền hoa lợi của người giàu có đó là tiền. Nếu ông ta sử dụng toàn bộ số hoa lợi hàng năm để mua lương thực, thực phẩm, vải vóc và nhà ở thì những thứ mua được đó chắc sẽ được sử dụng vào việc chiêu đãi khách khứa và nuôi đầy tớ. Bằng cách để dành một phần hoa lợi để chuyển thành vốn mà chính ông ta sử dụng để tạo thêm lợi nhuận hay cho người khác vay lấy lãi, thì số vốn đó của ông ta cũng sẽ dùng để mua các thứ nói trên nhưng dùng cho những người lao động sản xuất để làm ra sản phẩm. Do vậy, việc tiêu dùng thì vẫn thế, nhưng người tiêu dùng thì có khác.
Bằng cách tiết kiệm chi tiêu hàng năm, một người căn cơ không những có thể thuê mướn thêm một số người lao động sản xuất cho năm đó hay cho năm tiếp theo mà, giống như một sáng lập viên của một trại tế bần, ông ta đã thành lập một quỹ lâu dài để chu cấp cho một số người lao động sản xuất như thế trong suốt thời gian sắp tới. Quỹ này không thể bị sử dụng sai lạc vào công việc gì khác ngoài việc thuê mướn, trả công cho người lao động sản xuất, và như thế, không thể gây nên sự thiệt hại nào cho người đã tiết kiệm được nó.
Người hoang phí lại dùng số tiền thu nhập vào những mục đích sai lạc. Do không hạn chế chi tiêu trong số tiền thu nhập kiếm được, anh ta đã chi lạm vào tiền vốn. Anh ta sử dụng một cách sai lầm số lợi tức để trả công cho sự lười biếng không chịu làm ăn, số lợi tức mà cha ông đã để dành được nhờ sự căn cơ, tiết kiệm và dùng để trả công cho sự siêng năng, cần mẫn. Khi giảm số vốn dành cho việc thuê mướn và trả công lao động sản xuất, anh ta tất yếu làm giảm số lượng lao động làm tăng thêm giá trị cho sản phẩm mà lao động tác động đến, và vì thế, làm giảm giá trị sản phẩm hàng năm của đất đai và lao động trong cả nước, và làm bớt đi số của cải thực sự và tiền thu nhập của tất cả mọi người. Nếu như sự hoang phí của người này lại không được đền bù bằng sự căn cơ, tiết kiệm của người khác, thì hành vi của kẻ hoang phí là nuôi dưỡng kẻ lười biếng bằng bánh mỳ do người siêng năng, cần mẫn làm ra, và như thế không những sẽ làm cho chính kẻ hoang phí đó trở thành nghèo đói mà còn bần cùng hóa đất nước của anh ta nữa.
Mặc dù các khoản chi tiêu của người hoang phí là để mua các vật dụng và hàng hóa nội địa chứ không phải mua hàng hóa ngoại nhập, tác động của việc chi tiêu đó tới quỹ sản xuất của xã hội vẫn sẽ là như vậy. Hàng năm sẽ phải có một số lương thực và vải vóc nào đó mà đáng lẽ ra được sử dụng cho người lao động sản xuất, lại mang cho những người phi sản xuất. Vì thế, hàng năm tất sẽ bị giảm đi phần nào giá trị sản phẩm của đất đai và lao động trong nước.
Những khoản chi tiêu này không phải dùng mua hàng nhập cho nên cũng không gây nên bất kỳ sự xuất khẩu nào về vàng bạc, và tổng số tiền sẽ vẫn ở trong nước như trước. Nhưng nếu số lương thực – thực phẩm và vải vóc lại được phân phối cho những người lao động sản xuất, họ sẽ tái sản xuất ra toàn bộ giá trị những vật phẩm họ đã tiêu dùng chưa kể còn mang lại lợi nhuận cho người đầu tư vốn nữa.
Số tiền đem chi dùng theo cách này vẫn nằm trong nước, và hơn nữa, lại còn được tái sản xuất ra một giá trị tương đương của hàng tiêu dùng. Như vậy đáng lẽ ra là có hai giá trị, chứ không chỉ có một mà thôi.
Ngoài ra, số lượng tiền tệ này không thể nằm lâu ở bất kỳ nước nào mà ở đó giá trị sản phẩm hàng năm giảm xuống. Tiền tệ được sử dụng cốt là để lưu thông hàng tiêu dùng. Qua lưu thông, lương thực, thực phẩm, nguyên vật liệu, thành phẩm được mua đi bán lại và phân phối tới chính người tiêu dùng. Vì thế, số lượng tiền tệ được sử dụng hàng năm ở bất kỳ nước nào phụ thuộc vào giá trị hàng tiêu dùng được lưu thông hàng năm trong nước đó. Các loại hàng tiêu dùng này bao gồm các sản phẩm trực tiếp thu hoạch được từ ruộng đất và lao động hoặc các vật phẩm được mua do bán đi một phần các sản phẩm nói trên. Vì vậy, giá trị của hàng hóa tất phải giảm đi khi giá trị của sản phẩm đó giảm đi, và cùng với nó, là số lượng tiền tệ có thể được sử dụng để lưu thông hàng hóa cũng giảm đi. Nhưng số tiền hàng năm bị đưa ra khỏi lưu thông trong nước do sản lượng hàng năm bị giảm đi sẽ không thể để nằm không vô ích được. Người có tiền thấy có lợi ích khi đem sử dụng nó. Nhưng vì không thể sử dụng được số tiền đó vào bất kỳ công việc nào ở trong nước, người đó sẽ phải gửi số tiền đó ra nước ngoài, bất chấp mọi luật pháp hiện hành và những sự cấm đoán, để mua hàng tiêu dùng ngoại có thể đem bán lấy tiền ở trong nước. Việc xuất tiền ra nước ngoài hàng năm như vậy sẽ tiếp tục trong một thời gian góp thêm một số hàng ngoại cho việc tiêu dùng ở trong nước, ngoài giá trị sản phẩm hàng năm của nước mình. Những gì đã tiết kiệm được trong những ngày phồn vinh thịnh vượng từ sản phẩm hàng năm đó và được dùng để mua vàng và bạc, sẽ đóng góp cho việc hỗ trợ cho tiêu dùng trong lúc thiếu thốn. Trong trường hợp này, xuất khẩu vàng bạc thường không phải là nguyên nhân mà chỉ là hậu quả của tình trạng sa sút và có thể trong một thời gian ngắn nào đó làm giảm nhẹ tình trạng thiếu thốn đó.
Trái lại, số lượng tiền tệ ở mỗi nước tất nhiên tăng lên cùng với giá trị gia tăng của các sản phẩm hàng năm. Giá trị hàng tiêu dùng được lưu thông trong xã hội ngày càng tăng hơn lên, nên phải có một số lượng tiền tệ ngày càng nhiều hơn để dùng cho việc lưu thông hàng hóa. Do đó, một phần sản phẩm tăng lên đó tất nhiên sẽ được sử dụng để mua thêm số lượng vàng bạc cần thiết cho việc lưu thông phần sản phẩm còn lại. Lượng tăng của kim loại quý trong trường hợp này sẽ là hậu quả chứ không phải là nguyên nhân của sự phồn vinh chung của đất nước. Vàng và bạc được mua theo cách này ở bất kỳ nơi nào. Lương thực, vải vóc và nhà ở, tiền công trả cho người lao động và lợi nhuận trả cho người có số vốn được dùng để khai thác các kim loại đó để đưa ra thị trường, đó là cái giá phải trả cho vàng bạc ở Peru cũng như ở Anh. Nước nào phải trả giá này không lâu sẽ có trong tay số lượng kim loại quý mà nước đó cần, và không nước nào sẽ giữ lâu trong tay một lượng mà nước đó không cần đến.
Vì vậy, dù chúng ta có thể tưởng tượng của cải thực sự và thu nhập của một nước là giá trị sản phẩm hàng năm thu hoạch được từ ruộng đất và lao động, hoặc là số lượng kim loại quý đang lưu hành trong nước, nhưng nhìn theo khía cạnh nào, thì mỗi người hoang phí vẫn là một kẻ thù của dân chúng và mỗi người căn cơ, tiết kiệm vẫn là một ân nhân của họ.
Hậu quả của việc quản lý kém nhiều khi cũng chẳng khác gì tính hoang phí. Mỗi dự án thiếu suy nghĩ, không thành công trong nông nghiệp, khai khoáng, đánh cá, thương mại hoặc công nghiệp đều làm giảm các quỹ dành cho việc thuê mướn và trả công cho những người lao động sản xuất. Trong mỗi dự án như thế, mặc dù tiền vốn bị chi vào việc trả tiền công cho người sản xuất, nhưng do dự án được vạch ra một cách thiếu suy nghĩ, cân nhắc, cho nên khi đem thực hiện, dự án đó không thể tái sản xuất ra giá trị đầy đủ của số tiền trả cho việc tiêu dùng của người sản xuất. Vì thế các quỹ sản xuất của xã hội chắc hẳn sẽ bị giảm đi một chừng mực nào đó do việc quản lý kém.
Thực ra ít khi xảy ra những trường hợp mà một nước lớn có thể bị ảnh hưởng bởi sự hoang phí hay việc quản lý kém của các cá nhân; vì tính hoang phí hay sự dại dột thiếu suy nghĩ của một vài cá nhân thường được đền bù dư thừa bởi tính căn cơ, tiết kiệm và phương pháp quản lý tốt của những người khác.
Đối với tính hoang phí, nguyên tắc thúc đẩy sự chi tiêu là sự đam mê hưởng thụ mà đôi khi quá mạnh và khó có thể kiềm chế được, nhưng nói chung, chỉ nhất thời và thỉnh thoảng mới xảy ra. Nhưng nguyên tắc thúc đẩy việc tiết kiệm là ý muốn cải thiện các điều kiện của chúng ta, một ý muốn mặc dù khá điềm tĩnh và thiếu sôi nổi, nhưng lại phát sinh từ khi lọt lòng và không bao giờ xa rời chúng ta cho đến ngày chúng ta từ giã cõi đời. Trong toàn bộ khoảng cách giữa hai thời điểm đó hiếm khi có thể có một giây phút mà người nào cũng cảm thấy hoàn toàn thỏa mãn với hoàn cảnh của mình, mà không muốn có bất kỳ sự thay đổi hoặc cải thiện nào.
Tăng thêm của cải là một phương cách mà phần lớn mọi người mong muốn có được để cải thiện điều kiện của họ. Đó là phương cách thông thường và rõ ràng nhất, và cách làm tăng thêm của cái chỉ có thể là tiết kiệm và tích lũy một phần nào đó trong số thu nhập kiếm được đều đều hàng năm hay vào những dịp đặc biệt nào đó. Mặc dù hầu hết mọi người đều muốn được chi tiêu trong một vài dịp nào đó và một vài người lại muốn luôn luôn được chi tiêu trong bất cứ trường hợp nào, song phần lớn mọi người thường thường đều căn cơ, tiết kiệm, và điều đó hình như ngự trị trong tâm trí của họ và theo họ hầu hết cả cuộc đời.
Đối với việc quản lý kém thì phải công nhận rằng số công việc kinh doanh thành đạt có nhiều hơn so với số bị thất bại do yếu kém về mặt quản lý. Những người kinh doanh thiếu kinh nghiệm bị phá sản có thể là rất ít so với tổng số các nhà buôn hoặc làm các nghề kinh doanh khác. Trong một nghìn người thường mới có một người bị phá sản. Phá sản có thể xem là một tai họa lớn nhất đối với những người thiếu kinh nghiệm nghề nghiệp. Phần lớn những người đi vào các ngành kinh doanh đều rất thận trọng trong mọi công việc để tránh bị phá sản. Một số người không tránh khỏi bị phá sản, như một số người không tránh được giá treo cổ.
Các nước lớn không bao giờ bị các tư nhân làm cho bần cùng, mặc dù đôi khi các nước đó lại lâm vào con đường nghèo khổ do sự hoang phí tiền của công và việc quản lý yếu kém của những người có chức quyền trong nhà nước. Toàn bộ hay hầu như toàn bộ số tiền thu nhập của công ở phần lớn các nước được sử dụng vào việc trả lương cho những người phi sản xuất. Đó là những viên chức của các tòa án làm việc trong những tòa nhà nguy nga, tráng lệ, các thầy tu và chức sắc trong giáo hội, các sĩ quan và binh lính biên chế trong các hạm đội và quân đội mà những người này chẳng sản xuất ra bất kỳ thứ gì trong thời bình, và trong thời chiến họ cũng chẳng kiếm được gì để bù đắp cho những số tiền chi cho họ. Những loại người nói trên tự họ chẳng sản xuất ra được gì mà lại sinh sống bằng sản phẩm do sức lao động của người khác làm ra. Khi số người phi sản xuất nói trên tăng lên quá nhiều, họ có thể tiêu dùng sản phẩm này nhiều đến mức không để lại đủ phần sản phẩm cần thiết để nuôi sống những người lao động sản xuất, những người sẽ tái sản xuất các vật phẩm cần thiết cho đời sống vào năm sau. Do đó, sản phẩm làm ra năm sau tất yếu sẽ ít hơn so với năm trước đó. Nếu như tình trạng như thế cứ tiếp diễn, chắc hẳn sản phẩm năm tiếp theo sau nữa sẽ lại ít hơn sản phẩm năm trước đó. Những người phi sản xuất, đáng lẽ ra chỉ được sử dụng một phần số thu nhập có thừa, có thể lại tiêu dùng phần lớn toàn bộ thu nhập, và như thế buộc nhiều người phải ăn vào vốn của họ và các quỹ dùng để duy trì sức lao động sản xuất, cho nên các cá nhân, mặc dù hết sức tiết kiệm và cố gắng quản lý tốt, cũng không thể nào bù đắp được lượng sản phẩm hao hụt do sự vi phạm quá đáng này gây ra.
Căn cơ tiết kiệm và quản lý tốt trong khá nhiều trường hợp có thể bù đắp lại không những tính hoang phí và sự quản lý kém của các tư nhân, mà cả sự tiêu pha phung phí của chính phủ nữa. Những cố gắng của mỗi người để nâng cao mức sống của mình mà từ đó tạo ra sự sung túc và đầy đủ của toàn thể cộng đồng cũng như của các cá nhân, những cố gắng đó đủ mạnh để thúc đẩy mọi việc tiến triển tới sự phồn vinh chung bất kể sự tiêu pha phung phí của chính phủ và những sai phạm lớn nhất của chính quyền. Cũng giống như đối với đời sống của con người, những cố gắng đó luôn luôn khôi phục lại sức khỏe và sự cường tráng cho cơ thể, bất chấp bệnh tật và những đơn thuốc vô lý của người thầy thuốc.
Số lượng sản phẩm hàng năm thu hoạch được từ ruộng đất và lao động của bất kỳ nước nào không thể tăng lên bằng cách gì khác ngoài việc tăng số người lao động sản xuất hoặc bằng cách tăng năng suất hoặc bằng cách tăng năng lực sản xuất của những người lao động đã được sử dụng. Số lượng người lao động sản xuất chỉ có thể tăng khi sử dụng máy móc và công cụ để giúp cho sức lao động tăng được hiệu suất và làm giảm cường độ lao động hay bằng cách phân công lao động hợp lý hơn. Vào bất kỳ trường hợp nào thì cũng cần phải có thêm tiền vốn. Chỉ bằng cách có trong tay thêm tiền vốn, nhà kinh doanh về bất kỳ ngành nghề gì mới có thể trang bị thêm máy móc tinh xảo cho công việc sản xuất và phân công hợp lý hơn công việc làm giữa họ với nhau. Khi công việc làm bao gồm nhiều phần, một số vốn lớn hơn nhiều cần phải được bỏ ra để duy trì công ăn việc làm cho người lao động ở các khâu sản xuất khác nhau. Khi chúng ta so sánh tình trạng một nước ở hai giai đoạn khác nhau và thấy rằng số sản phẩm hàng năm thu hoạch được từ ruộng đất và lao động lớn hơn rõ ràng ở giai đoạn thứ hai so với giai đoạn thứ nhất, rằng ruộng đất được cày cấy, trồng trọt kỹ hơn, các ngành công nghiệp có nhiều và phát đạt hơn, và nền thương nghiệp phát triển và mở rộng hơn trước, thì chúng ta có thể tin chắc rằng vốn dùng cho các mặt nói trên chắc đã tăng lên nhiều hơn trong khoảng thời gian giữa hai giai đoạn này và rằng số vốn đã được tăng thêm nhiều do có sự quản lý tốt của số người này hơn là do sự quản lý yếu kém của số người khác hay do sự chi tiêu quá đáng của chính phủ. Nhưng chúng ta sẽ thấy đây là trường hợp chung của hầu hết các nước trong những thời kỳ hòa bình và yên tĩnh, ngay cả những nước không có chính phủ thận trọng và tằn tiện nhất. Để có được một sự xét đoán đúng về việc này, thực ra chúng ta phải so sánh tình trạng đất nước ở những thời kỳ tương đối xa cách nhau. Sự tiến bộ thì thường là chậm chạp, cho nên ở những thời kỳ quá gần nhau, sự cải tiến và đổi mới không những khó cảm nhận được, mà do sự suy thoái của một số ngành công nghiệp nào đó hoặc của một số vùng nào đó trong nước, đó là những việc hay xảy ra, mặc dù đất nước nói chung vẫn ở trong tình trạng phồn vinh thịnh vượng, cho nên người ta vẫn cảm thấy nghi ngờ rằng của cải và cách ngành kinh doanh nói chung đang trên đà sa sút.
Ví dụ, sản phẩm hàng năm của ruộng đất và lao động ở nước Anh hiện nay chắc hẳn là lớn hơn rất nhiều so với hơn một thế kỷ trước đây, vào thời kỳ khôi phục chế độ quân chủ của vua Charles II. Mặc dù hiện nay, rất ít người còn nghi ngờ về việc này, song, trong thời kỳ này, rất ít khi 5 năm trôi qua mà không có một cuốn sách nào đó do những nhà văn đầy tài năng viết cho quần chúng và có ý định chứng minh rằng của cải của đất nước đang giảm nhanh, rằng dân số giảm sút, nông nghiệp bị xao lãng và thương mại bị mai một. Nhiều cuốn sách do những người rất thông minh chân thật viết. Họ viết về những gì mà họ tin tưởng và không ngoài lý do mà họ tin là đúng.
Sản phẩm hàng năm của ruộng đất và lao động ở nước Anh một lần nữa vào thời kỳ khôi phục nền quân chủ, chắc chắn lớn hơn nhiều so với 100 năm trước đó, vào thời kỳ lên ngôi trị vì của nữ hoàng Elizabeth. Vào thời kỳ này cũng vậy, chúng ta có đầy đủ lý do để tin rằng đất nước đã tiến lên nhiều hơn về mặt cải tiến và đổi mới so với khoảng một thế kỷ trước đó, vào lúc chấm dứt những sự bất hòa giữa nhà York và nhà Lancaster. Ngay vào thời kỳ đó, đất nước chắc cũng ở trong tình trạng tốt đẹp hơn là dưới thời đô hộ của người Norman. Vào thời kỳ chinh phục của người Norman, dân chúng cảm thấy còn có một cuộc sống khấm khá hơn so với thời kỳ hỗn loạn do Thất hùng chế Saxon gây nên. Ngay cả vào thời kỳ xa xưa này, đất nước chắc chắn còn ở trong tình trạng được cải thiện hơn so với thời kỳ xâm lược của Julius Ceasar, khi mà dân chúng buộc phải sống một cuộc đời man rợ chẳng khác chi những người sống dã ở Bắc Mỹ.
Tuy vậy, ở mỗi một trong các thời kỳ đó, không những người có chức, có quyền và những người giàu có ăn tiêu hoang phí mà còn có những cuộc chiến tranh không cần thiết và đầy tốn kém xảy ra triền miên, gây nên những tổn thất lớn cho đất nước và làm cho sự tích lũy của cải bị chậm lại; cho nên vào cuối thời kỳ, thường thường đất nước lại nghèo hơn lúc ban đầu. Như vậy, vào thời kỳ may mắn và hạnh phúc nhất, thời kỳ diễn ra kể từ khi khôi phục lại chế độ quân chủ, có bao nhiêu sự rối loạn và điều bất hạnh đã xảy ra và đã mang lại cho đất nước những đổ nát, điêu tàn và cùng cực? Trong đó phải kể đến nạn hỏa hoạn và dịch hạch đã xảy ra ở London, hai cuộc chiến tranh với Hà Lan, những sự hỗn loạn trong cuộc cách mạng, cuộc chiến tranh ở Ireland, 4 cuộc chiến tranh hao tài tốn của với Pháp vào năm 1688, 1702, 1724 và 1756, cùng với hai cuộc nổi loạn năm 1715 và 1745. Trong bốn cuộc chiến tranh với Pháp, đất nước đã phải nợ hơn 145 triệu bảng, đó là chưa kể đến những khoản chi tiêu bất thường mà các cuộc chiến tranh đó gây ra, vậy tính chung lại, những tổn thất ấy không thể ít hơn 200 triệu bảng.
Kể từ cuộc cách mạng, một phần không nhỏ sản phẩm hàng năm của ruộng đất và kinh doanh trong toàn quốc đã phải sử dụng vào những công việc duy trì số lượng lớn binh sĩ và những người có liên quan, họ là những lực lượng phi sản xuất mà sức lao động của họ không hề tái tạo lại phần nào mức tiêu dùng của chính bản thân họ, chứ còn nói chi đến lợi nhuận. Nếu chiến tranh không xảy ra, và do đó, không ngốn hết một số vốn lớn như thế, tất nhiên phần lớn số tiền đó chắc đã phải được dùng vào việc thuê mướn và trả công cho những người sản xuất mà sức lao động của họ lẽ ra đã hoàn lại, cùng với một số lợi nhuận nhất định, những gì đã chi phí cho họ. Lẽ ra giá trị sản phẩm hàng năm từ ruộng đất và lao động chắc phải tăng lên đáng kể mỗi năm do có sự đầu tư vốn đó, và việc tăng sản phẩm của năm này sẽ góp phần thúc đẩy sản lượng của năm sau. Người ta lẽ ra đã xây thêm nhiều nhà ở, cải tạo ruộng đất cho thêm màu mỡ để có thể trồng trọt có hiệu quả hơn, nhiều xưởng sản xuất, chế tạo đã được thành lập và những xưởng đã được xây dựng từ trước có thể đã được nâng cấp và mở rộng hơn. Do những việc có thể làm được nếu không có chiến tranh, có lẽ khó mà tưởng tượng được sự giàu có của đất nước sẽ lên tới mức nào.
Nhưng mặc dù sự chi tiêu hoang phí của chính phủ đã làm chậm tốc độ phát triển tự nhiên của nước Anh để tiến tới sự giàu có và cải thiện mức sống của dân chúng, nó đã không thể nào làm ngừng hẳn sự phát triển đó. Điều khá rõ ràng là sản phẩm hàng năm thu được từ ruộng đất và lao động ngày nay nhiều hơn rất nhiều so với thời kỳ khôi phục lại chế độ quân chủ hoặc thời kỳ cách mạng.
Do đó số vốn dùng hàng năm vào công việc cày cấy, trồng trọt và duy trì lực lượng lao động sản xuất cũng nhiều hơn trước kia. Mặc dù chính phủ luôn luôn đòi hỏi phải có nhiều tiền hơn để chi tiêu, số vốn này đã âm thầm và dần dần được tích lũy là nhờ đức tính tiết kiệm và cách quản lý có hiệu quả của các cá nhân, và cũng nhờ những cố gắng không ngừng và liên tục của họ nhằm cải thiện điều kiện sống của chính bản thân họ. Chính nhờ những đức tính tốt và những cố gắng không mệt mỏi đó (những cố gắng này được sự bảo vệ của pháp luật và sự thúc đẩy của quyền tự do làm theo cách có lợi nhất) mà sự tiến triển của nước Anh tới sự giàu có và phồn vinh đã được thực hiện trong hầu hết mọi thời đại đã qua, và hy vọng cũng sẽ như vậy trong mọi thời đại tương lai. Tuy nhiên, nước Anh chưa bao giờ được cai trị bởi một chính phủ căn cơ, và tính tiết kiệm chưa bao giờ là một đức tính đặc trưng của người Anh. Vua chúa và các quan lại đều cố ý tìm mọi cách để theo dõi, kiểm soát kinh tế của tư nhân và hạn chế mọi chi phí của họ bằng những luật lệ điều chỉnh và hạn chế việc chi tiêu hoặc bằng cách cấm nhập các hàng xa xỉ. Nhưng chính họ lại là những người ăn tiêu hoang phí nhất trong xã hội. Họ cần phải quan tâm đến những chi tiêu của chính họ, và để cho dân tự lo lấy việc chi tiêu của mình. Nếu sự ăn tiêu hoang phí của họ không làm cho đất nước bị tan hoang, thì sự ăn tiêu của mọi người dân thường sẽ không bao giờ gây nên một tổn thất nào cho đất nước.
Vì tính căn cơ, tiết kiệm làm tăng và tính hoang phí làm giảm số vốn chung của cả nước, cho nên những ai mà chi tiêu ngang với thu nhập thì không tích lũy mà cũng chẳng xâm phạm, không làm tăng mà cũng chẳng làm giảm số tiền vốn chung đó. Song có một vài phương pháp chi tiêu có thể giúp cho việc gia tăng sự giàu có chung của cả nước.
Số tiền thu nhập của một cá nhân có thể được sử dụng để chi cho những thứ được tiêu dùng ngay lập tức, vì thế sự chi tiêu của một ngày này không thể làm giảm bớt hoặc hỗ trợ thêm cho sự chi tiêu của một ngày khác, hoặc thu nhập có thể chi cho những thứ lâu bền hơn mà có thể tích lũy được, vì vậy, việc chi tiêu của ngày hôm trước có thể làm giảm bớt hoặc hỗ trợ và nâng cao hiệu lực của số tiền chi vào ngày hôm sau. Ví dụ, một người giàu có thể dùng số tiền thu nhập chi vào việc ăn uống linh đình, sang trọng, thuê mướn rất nhiều người hầu và đầy tớ và nuôi rất nhiều chó và ngựa; hoặc ông nhà giàu đó chi tiêu rất dè sẻn cho việc ăn uống hàng ngày và nuôi rất ít đầy tớ phục vụ cho gia đình và bỏ ra một số lớn tiền thu nhập để trang trí nhà ở hay nhà nghỉ của anh ta, mua các dinh thự đẹp đẽ, tráng lệ, sưu tầm các loại sách, tượng, tranh quý giá hoặc mua các đồ trang sức, đồ chơi các loại, sắm một tủ áo lớn trong đó để các bộ quần áo đẹp, đắt tiền giống như một bộ trưởng của vị hoàng thân vừa mới chết một vài năm. Nếu hai người giàu như nhau chi tiêu rất khác nhau, mỗi người theo cách riêng của họ, nhưng người chi cho các vật dụng lâu bền sẽ ngày càng giàu thêm lên vì số tiền chi hàng ngày của anh ta đóng góp một cái gì đó để hỗ trợ và nâng cao hiệu quả của việc chi tiêu vào ngày hôm sau, trong khi đó người chi cho các vật dụng dùng hết ngay trong ngày mua, thì sẽ không thể giàu thêm lên được vì ngày nào dùng hết số tiền chi cho ngày đó, chẳng để lại tí gì cho những ngày sau.
Sau một thời gian thì người chi tiêu cho các đồ dùng lâu bền sẽ giàu hơn người chi để tiêu thụ hết ngay trong ngày. Loại người thứ nhất có trong tay một kho dự trữ các loại đồ vật, dù cho khi đem bán đi, các đồ vật đó không còn đủ giá trị như khi mua, nhưng nhất định cũng còn có một giá trị nào đó. Còn người thứ hai thì không còn để lại một tí dấu vết gì về sự chi tiêu của ông ta, và kết quả của việc chi tiêu hoang phí trong 10 hay 20 năm sẽ không còn lại gì như thể những việc chi tiêu đó chưa từng xảy ra.
Vì phương pháp chi tiêu theo cách này có thể lợi hơn phương pháp kia đối với tích lũy của cải cho một cá nhân, điều tương tự cũng xảy ra trên quy mô toàn quốc. Nhà ở, đồ đạc trang trí, quần áo của người giàu có sau một thời gian sẽ có ích lợi đối với những người thuộc giới trung lưu và hạ lưu, vì những người này có thể mua lại các đồ dùng đó khi chủ nó cảm thấy chán và không muốn dùng nữa. Do đó, đồ dùng và đồ ăn mặc của mọi người sẽ dần dần trở nên khấm khá hơn, khi phương pháp chi tiêu này trở thành phổ biến trong những người giàu có. Tại các nước giàu đã lâu đời, người ta thường thấy các giới hạ lưu làm chủ những tòa nhà và đồ đạc hoàn hảo rất đẹp, nhưng hình như không phải xây dựng hoặc làm ra để cho họ sử dụng. Một dinh thự trước kia thuộc gia đình ông Seymour thì nay là một khách sạn nhỏ trên đường Bath. Cái giường dùng cho lễ cưới của vua James Đệ nhất của nước Anh mà hoàng hậu đã cho mang từ Đan Mạch về nước như một tặng phẩm cho một vị đế vương nhân ngày lễ kết hôn, vài năm trước đây đã được thấy bày như một đồ trang trí trong một quán rượu bia tại Dunfermline. Ở một vài thành phố cổ, người ta khó tìm thấy một ngôi nhà do chính những người dân đang sinh sống ở đó xây dựng cho họ. Đó là những nhà còn lại từ thời xưa. Nếu vào thăm các ngôi nhà đó người ta sẽ thấy rất nhiều đồ đạc tuyệt đẹp và thuộc loại cổ vật vẫn còn dùng được rất tốt, nhưng không chắc là để cho dân dùng. Các lâu đài cổ kính, các bộ sưu tập sách, tranh, tượng và các kỷ vật khác thường vừa là vật trang trí, vừa là vinh dự không những cho khu vực chung quanh, mà cho nước. Cung điện Versailles là một vật trang trí và một niềm vinh dự cho nước Pháp, cũng như Stowe và Wilton cho nước Anh, Italia vẫn tiếp tục giành được sự ngưỡng mộ của mọi người bởi một số các công trình bất hủ từ ngày xưa để lại, mặc dù của cải mà đã sản sinh ra các công trình đó đã mai một, và mặc dù thiên tài đã vạch ra kế hoạch xây dựng các công trình đó đã lụi tàn.
Mọi sự chi tiêu dành cho hàng lâu bền đều tạo điều kiện không những để tích lũy, mà còn để tiết kiệm. Nếu một người chi tiêu quá mức theo cách đó, anh ta dễ dàng tự sửa chữa mà không bị người đời chỉ trích và lên án. Giảm bớt rất nhiều số đầy tớ, sửa đổi lại lề lối ăn uống và chiêu đãi khách khứa từ hoang phí sang căn cơ, tiết kiệm, sắp đặt cỗ xe ngựa theo tinh thần tiết kiệm là những sự thay đổi mà những người láng giềng nhận ra ngay lập tức, và hơn nữa, còn được xem như là ám chỉ sự thừa nhận rằng trước đó đã có một thái độ ứng xử sai lầm. Do đó, trong số đó những người mà trước kia đã chẳng may dấn thân quá lâu vào việc ăn tiêu, hoang phí, ít người về sau có gan tự cải tạo trừ khi họ phải làm như vậy để khỏi bị sạt nghiệp. Nhưng nếu một người bất kỳ lúc nào cũng tính việc chi tiêu bằng cách xây nhà, mua sắm đồ đạc, sách vở hoặc tranh ảnh thì việc anh ta thay đổi hành vi không bị coi là thiếu thận trọng. Đây là những thứ mà nhiều khi chi tiêu hơn nữa cho chúng sẽ trở nên không cần thiết, và khi một người không chi tiêu gì thêm nữa, anh ta tự thấy chi tiêu như thế là đủ làm cho anh ta toại nguyện rồi, chứ không phải là đã hết tiền, không còn khả năng chi thêm nữa.
Ngoài ra, số tiền chi vào việc mua sắm các sản phẩm lâu bền thường thường còn phục vụ cho một số người lớn hơn nhiều so với những chi tiêu khoản đãi khách một cách hoang phí. Trong số hai hay ba tạ (tạ Anh bằng 50,8 kg) lương thực, thực phẩm dùng cho một bữa tiệc khách, người ta thấy thường bỏ đi quá nửa vì không ăn hết, và như thế là một sự lãng phí và làm dụng quá lớn. Nhưng nếu chi phí cho một bữa tiệc chiêu đãi như vậy lại được sử dụng vào việc thuê mướn nhân công như thợ xây, thợ mộc, thợ đóng bàn ghế, thơ cơ khí v.v… thì một số lương thực, thực phẩm tương đương sẽ được phân chia cho một số người nhiều hơn nữa, và họ mua lương thực, thực phẩm hết sức dè sẻn và ăn uống vừa phải, nên không để lãng phí bất kỳ một thứ gì. Ngoài ra, dùng tiền theo cách này là phục vụ cho sản xuất và theo cách kia là phục vụ cho phi sản xuất. Vì vậy, theo cách này số tiền chi tiêu làm tăng, còn theo cách kia làm giảm giá trị trao đổi của sản phẩm hàng năm thu hoạch được từ ruộng đất và lao động.
Tôi không muốn qua cách trình bày này làm cho mọi người hiểu rằng cách chi tiêu này luôn luôn chứng tỏ thái độ rộng rãi và hào phóng hơn cách chi tiêu kia. Khi một người giàu có chi số tiền thu nhập của ông ta vào việc chiêu đãi do tinh thần mến khách, thì ông đã tự nguyện chia sẻ phần lớn số thu nhập của ông với bè bạn, nhưng khi ông sử dụng số tiền đó để mua sắm các đồ vật lâu bền, ông chỉ tiêu vào các việc mua sắm đồ đạc để thỏa mãn ý thích cá nhân và không chia sẻ số tiền đó cho bất cứ ai khác. Loại chi tiêu theo cách này, nhất là khi chỉ hướng vào việc mua sắm các đồ phù phiếm, các vật trang trí nhỏ về quần áo, đồ đạc bày biện trong nhà, đồ nữ trang v.v… chứng tỏ không những sự ăn chơi nhỏ mọn, mà còn là một khuynh hướng ích kỷ và ti tiện. Tôi chỉ có ý muốn nói là trong hai cách chi tiêu, thì cách chi tiêu mà mang lại một sự tích lũy nào đó về của cải vật chất quý giá và thúc đẩy tính căn cơ, tiết kiệm của tư nhân và, do đó, làm tăng tổng số vốn chung của cả nước, và duy trì sức lao động sản xuất hơn là phi sản xuất, cách chi tiêu đó dẫn đến sự gia tăng của cải của đất nước.