Của Cái Của Các Dân Tộc - Quyển 2 - Chương 04

Chương IV

TIỀN VỐN CHO VAY LẤY LÃI

Số tiền dùng để cho vay lấy lãi được người cho vay xem như là một khoản tiền vốn (tư bản). Ông ta mong đợi là khi đến thời hạn số tiền vốn cho vay sẽ được hoàn lại đầy đủ cùng với một số tiền lãi hàng năm nào đó. Người vay có thể sử dụng số tiền vay được như là một khoản tiền vốn để kinh doanh hay là một khoản tiền dùng cho tiêu dùng trước mắt. Nếu như người vay sử dụng số tiền đó kinh doanh, ông ta thuê mướn lao động sản xuất, họ có nhiệm vụ tái sản xuất ra giá trị mà họ được trả công cùng với một số lợi nhuận. Trong trường hợp này, người đi vay lấy lại được số vốn và trả tiền lãi mà không xâm phạm tới bất kỳ nguồn thu nhập nào khác. Nếu người đi vay sử dụng số tiền vay được như một khoản tiền dành cho tiêu dùng trước mắt, thì ông ta đóng vai của một kẻ hoang phí và phung phí số tiền vay vào việc nuôi dưỡng những người ăn không ngồi rồi, mà đáng lẽ ra ông ta phải dùng để nâng đỡ những người chăm chỉ làm ăn. Trong trường hợp này, người đi vay không thể lấy lại được số tiền bỏ ra và cũng không thể trả tiền lãi mà không xâm phạm đến một nguồn thu nhập khác như tài sản hay tiền cho thuê nhà đất.

Số tiền vốn cho vay lấy lãi thường được người đi vay sử dụng theo hai cách nói trên, nhưng cách thuê mướn lao động sản xuất được dùng nhiều hơn cách chi tiêu cho những nhu cầu tiêu dùng trước mắt. Người đi vay lấy tiền để chi tiêu hoang phí tất sẽ sớm bị phá sản, và người cho vay cũng vấp phải tình trạng mất cả vốn lẫn lãi và sẽ hối tiếc về sự điên rồ của mình khi cho vay như vậy. Cho vay và đi vay với một mục đích như vậy là trái với lợi ích của cả hai bên, mặc dù đôi khi sự việc đó đã xảy ra. Cũng có nhiều người đã cho vay và đi vay như vậy. Tuy nhiên, nhìn từ góc độ là mọi người đều quan tâm đến lợi ích riêng của mình, chúng ta có thể tin chắc rằng điều đó không xảy ra quá nhiều như chúng ta đôi khi có thể tưởng tượng như vậy. Nếu chúng ta hỏi một người giàu có và thận trọng, khôn ngoan xem ông ta muốn cho loại người nào vay, người đi vay để sử dụng tiền vào việc kinh doanh sinh lợi hay người đi vay để tiêu phí vô ích, ông ta chắc sẽ cười chúng ta sao lại hỏi một câu ngớ ngẩn như vậy. Ngay cả những người đi vay, số người căn cơ, tiết kiệm và chăm chỉ làm ăn bao giờ cũng vượt đáng kể số người lười biếng, chỉ biết ăn tiêu hoang phí.

Những người đi vay, mà không cần phải xem xét họ có dùng tiền vào việc kinh doanh sinh lợi không, là những người quý phái ở nông thôn vì họ vay tiền có thế chấp. Họ thường ít khi vay để dùng cho việc chi tiêu. Người ta có thể nói rằng những người đó đã chi dùng xong rồi mới đi vay để trả. Họ thông thường mua chịu để tiêu dùng một số lượng lớn hàng hóa, và những người buôn bán sẵn sàng ứng trước cho họ để lấy tiền sau, cho nên khi đến hạn trả tiền mua hàng, những người quý phái đó buộc phải đi vay trả lãi để thanh toán nợ với các chủ hiệu buôn. Số tiền đi vay chỉ là để hoàn lại cho số tiền mua hàng mà các nhà quý phải đó thấy tiền cho thuê ruộng đất không đủ để trả. Vậy đây là trường hợp vay tiền không phải để chi tiêu cho những nhu cầu trước mắt mà chỉ là để hoàn lại cho số tiền mua hàng từ trước mà thôi.

Hầu hết các khoản cho vay lấy lãi thường dùng tiền, hoặc tiền giấy hoặc vàng, bạc. Nhưng cái mà người đi vay thực sự muốn có không phải là tiền mà là giá trị của số tiền cho vay, và nói cho đúng ra, là số hàng hóa mà số tiền cho vay có khả năng mua được. Nếu người đi vay sử dụng số tiền vay như một số tiền vốn để chi dùng trước mắt thì đó chỉ là những hàng hóa mà người đi vay có thể đưa vào quỹ vốn tiêu dùng. Nếu người đi vay sử dụng số tiền vay làm tiền vốn để thuê mướn lao động sản xuất thì đó chỉ là những hàng hóa mà thợ làm thuê dùng như là công cụ, nguyên vật liệu, lương thực – thực phẩm cần thiết để tiến hành sản xuất. Vậy thông qua số tiền cho vay, người cho vay trao cho người đi vay quyền đối với một phần nào đó sản phẩm hàng năm thu được từ ruộng đất và sức lao động trong nước để người đi vay sử dụng theo ý muốn.

Số vốn thường thường thể hiện bằng tiền và dùng cho vay để lấy lãi ở bất kỳ nước nào đều không bị điều chỉnh bởi giá trị của tiền tệ, dù là tiền giấy hay tiền kim loại, dùng làm công cụ cho vay lấy lãi ở nước đó, mà bởi giá trị của phần sản phẩm hàng năm mà ngay sau khi thu hoạch được từ ruộng đất hay bằng sức lao động được dành không chỉ để hoàn lại một khoản tiền vốn mà là một khoản tiền vốn mà người chủ không bận tâm đến việc sử dụng nó. Vì các khoản tiền vốn như vậy thường được đem cho vay và hoàn lại bằng tiền, cho nên được gọi là lợi tức tiền cho vay. Nó rõ ràng khác hẳn không những với lợi tức từ ruộng đất và còn cả với lợi nhuận thương mại và công nghiệp, vì các khoản lợi tức này người chủ kiếm được do chính họ sử dụng tiền vốn. Trong vấn đề lãi thu được từ tiền vốn cho vay, tiền chỉ là một chứng thư chuyển nhượng vốn từ một người này sang một người khác, vì người chủ số tiền đó không muốn tự mình sử dụng để sinh lợi. Các khoản tiền vốn cho vay đó có thể lớn hơn trong bất kỳ tỷ lệ nào so với số lượng tiền dùng làm công cụ để chuyển nhượng các số tiền vốn đó, vì vẫn lượng tiền đó được sử dụng để cho vay nhiều lần khác nhau, cũng như để mua nhiều lần khác nhau. Ví dụ, ông A cho ông W vay 1.000 bảng, với số tiền này ông W ngay lập tức mua của ông B một số hàng hóa trị giá 1.000 bảng. Ông B ngay sau đó, vì không cần đến số tiền này, nên đã cho ông X vay, và với số tiền đó, ông X ngay lập tức mua của ông C một số hàng trị giá đúng 1.000 bảng. Cũng như trên, ông C, cũng vì lí do không cần đến số tiền thu được, đã cho ông Y vay, và ông này lại mang số tiền vay đó mua hàng của ông D. Với cách luân chuyển như vậy, chỉ trong vòng một ít ngày, cũng những đồng tiền đó, hoặc bằng giấy hoặc bằng kim loại, đã được sử dụng như một công cụ cho ba lần cho vay và ba lần mua hàng khác nhau, mỗi lần cho vay hoặc mua đều có giá trị bằng tổng số những đồng tiền nói trên. Những gì mà ba người có tiền A, B và C chuyển nhượng cho ba người đi vay W, X, Y là khả năng mua số hàng mà họ cần. Cả giá trị lẫn công dụng của số tiền cho vay là ở trong khả năng này. Số vốn mà ba người có tiền mang cho vay ngang với giá trị số hàng hóa mua được với số tiền vay đó và ba lần lớn hơn giá trị số tiền dùng để mua hàng. Các khoản cho vay đó có thể coi như hoàn toàn được bảo đảm, vì số hàng mà những người vay tiền đã mua, được sử dụng sao cho sau một thời hạn nào đó sẽ mang lại một giá trị tương đương cộng thêm một khoản lợi nhuận nhất định. Và vì vẫn số tiền đó có thể dùng như một công cụ để cho vay nhiều lần khác nhau và không những chỉ là ba lần mà có thể tới 30 lần làm tăng giá trị thực tế của chúng, cho nên cũng có thể liên tục dùng số tiền đó làm công cụ để trả nợ.

Một số tiền vốn cho vay lấy lãi theo cách này có thể được coi như một việc chuyển nhượng từ người cho vay tới người đi vay một phần đáng kể nào đó số sản phẩm hàng năm với điều kiện là người đi vay, trong thời hạn cho vay, hàng năm sẽ chuyển nhượng lại cho người có tiền cho vay một phần nhỏ hơn gọi là tiền lãi, và khi hết hạn thì hoàn lại một phần cũng bằng số đã được chuyển nhượng cho người đi vay ngay từ ban đầu, gọi là sự hoàn lại số tiền nợ. Mặc dù tiền bằng giấy bạc hay bằng kim loại thường thường được dùng như chứng thư chuyển nhượng một phần nhỏ hay phần lớn sản phẩm, tiền tự nó hoàn toàn khác với cái mà nhờ nó mới được chuyển nhượng.

Cái gọi là tiền lãi (lợi tức cho vay) thường tăng theo cùng một tỷ lệ tăng với phần sản phẩm hàng năm thu hoạch được từ ruộng đất hoặc làm ra từ bàn tay lao động và dùng để hoàn lại một số tiền vốn nào đó. Mức gia tăng số vốn đặc biết đó mà nhờ nó người chủ sở hữu mong nhận được một số tiền lời mà không phải bận tâm tự mình sử dụng vốn vào công việc kinh doanh, tất nhiên là kéo theo mức gia tăng chung của vốn, hay nói một cách khác, khi tiền vốn tăng thì số lượng tiền vốn cho vay lấy lãi cũng tăng dần lên ngày càng nhiều hơn.

Khi số lượng tiền vốn dùng để cho vay lấy lãi tăng lên, thì tiền lãi, hay cái giá phải trả cho việc sử dụng tiền vốn đó, tất yếu phải giảm xuống, không những do những nguyên nhân mà làm cho giá thị trường của hàng hóa giảm xuống khi số lượng của chúng tăng lên, mà còn do những nguyên nhân khác đặc thù cho trường hợp đặc biệt này. Khi các khoản tiền vốn tăng lên ở bất kỳ nước nào, lợi nhuận có thể thu được khi sử dụng các khoản tiền vốn đó, tất yếu phải giảm đi. Dần dần ngày càng trở nên khó khăn hơn trong việc tìm ra một phương pháp sinh lợi để sử dụng một số tiền vốn mới. Cũng từ đó nẩy sinh ra sự cạnh tranh giữa các khoản tiền vốn khác nhau, người chủ sở hữu của số tiền vốn này tìm mọi cách giành được cách sử dụng vốn có hiệu quả của người khác. Nhưng trong đa số trường hợp, anh ta chỉ hy vọng đẩy đối thủ ra khỏi ngành kinh doanh bằng cách duy nhất là tiến hành các công việc giao dịch buôn bán với những điều kiện hợp lý hơn. Anh ta không những phải bán hàng hóa của mình với giá rẻ hơn, nhưng để cho được đủ hàng hóa mang bán, anh ta đôi khi phải mua hàng với giá đắt hơn. Số cầu về lao động sản xuất ngày càng tăng do quỹ dành cho việc trả công lao động tăng lên hơn trước. Người lao động tìm được việc làm khá dễ dàng nhưng người chủ vốn khó thuê nhân công hơn, do đó sự cạnh tranh để giành giật nhân công làm cho tiền công lao động tăng cao, và vì thế làm giảm lợi nhuận của tiền vốn. Khi lợi nhuận thu được từ việc sử dụng tiền vốn bị giảm, thì cái giá có thể trả cho việc sử dụng tiền vốn, tức là lãi suất, tất yếu cũng bị giảm theo cùng lợi nhuận.

Ông Locke, ông Law và ông Montesquieu, cũng như nhiều tác giả khác, hình như đã tưởng rằng sự gia tăng số lượng vàng và bạc sau khi khai phá vùng Tây Ấn của Tây Ban Nha là nguyên nhân chủ yếu của việc hạ lãi suất ở phần lớn các nước ở Châu Âu. Họ cho rằng bản thân các kim loại quý đó nay có ít giá trị hơn trước, cho nên đồng tiền kim loại cũng bị mất giá, và do đó, lãi suất tất nhiên cũng phải giảm xuống. Quan điểm này, lúc đầu nghe cũng thấy có lý, đã bị ông Hume bác bỏ sau khi vạch hết những điều sai trái, cho nên tôi thấy không cần thiết phải nói gì thêm về vấn đề đó. Tuy nhiên có thể dùng lý lẽ rất ngắn gọn dưới đây để giải thích rõ ràng, khúc triết hơn những sai lầm mà các ông nói trên đã mắc phải.

Trước khi tìm thấy vùng Tây Ấn của Tây Ban Nha, lãi suất thông thường của tiền vốn là 10% tại phần lớn Châu Âu. Từ đó lãi suất ở các nước dần dần tụt xuống còn 6, 5, 4 và 3%. Chúng ta hãy giả định rằng tại mỗi nước riêng biệt, giá trị bạc đã hạ xuống theo cùng một tỷ lệ với lãi suất, ví dụ tại các nước ở đó tiền lãi đã giảm từ 10 xuống 5%, cho nên vẫn cùng một lượng bạc đó ngày nay chỉ mua được vừa đúng một nửa số lượng hàng hóa mà nó đã có thể mua được trước kia. Tôi tin rằng không phải ở bất kỳ nơi nào giả thuyết này cũng phù hợp với sự thật, nhưng nó rất thuận lợi để chúng ta xem xét ý kiến dưới đây. Và ngay cả trên cơ sở giả thuyết này, thật khó có thể cho rằng do giá trị của bạc hạ đã kéo theo việc giảm lãi suất. Nếu 100 bảng ở các nước đó hiện nay không có giá trị cao hơn 50 bảng trước kia, vậy thì 10 bảng ngày nay không thể có giá trị cao hơn 5 bảng thời trước. Bất kỳ nguyên nhân nào làm hạ giá trị tiền vốn thì chính nó cũng tất yếu làm giảm giá trị tiền lãi, và hơn nữa, theo đúng cùng một tỷ lệ. Vậy tỷ lệ giữa giá trị tiền vốn và giá trị tiền lãi tất vẫn phải như thế, mặc dù tỷ suất đã không thay đổi. Bằng cách thay đổi tỷ suất, trái lại, tỷ lệ giữa hai giá trị đó tất yếu cũng bị thay đổi. Nếu 100 bảng ngày nay có giá trị tương đương với 50 bảng trước kia, 5 bảng ngày nay không thể trị giá hơn 2 bảng 10 shilling thời trước. Do đó, bằng cách giảm lãi suất từ 10 xuống 5%, chúng ta trả cho việc sử dụng tiền vốn, mà được giả định là chỉ bằng một nửa giá trị trước kia, một số tiền lãi chỉ bằng 1/4 giá trị của tiền lãi trước kia.

Bất kỳ sự gia tăng nào về số lượng bạc, khi số lượng hàng hóa được lưu thông bằng số lượng bạc đó vẫn giữ nguyên, chắc không thể có tác động nào khác ngoài việc làm giảm giá trị của kim loại đó.

Giá trị danh nghĩa của các loại hàng hóa chắc sẽ phải lớn hơn, nhưng giá trị thực tế sẽ vẫn y như trước. Số hàng hóa đó chắc sẽ được đổi lấy nhiều đồng tiền bạc hơn, nhưng lượng lao động mà có thể dùng số hàng hóa đó để thuê mướn và trả công, sẽ vẫn đúng y như trước. Số tiền vốn của đất nước chắc chắn sẽ vẫn giống như trước mặc dù cần phải có nhiều đồng tiền kim loại hơn để luân chuyển bất kỳ một phần tương đương nào của số vốn đó từ tay người này sang tay người khác. Những chứng thư chuyển nhượng sẽ nhiều và cồng kềnh hơn, nhưng vật được chuyển nhượng thì chẳng có gì thay đổi, vẫn y như trước, và cũng vẫn chỉ có tác dụng giống như thế mà thôi. Vì quỹ dùng để trả lương cho lao động không có gì thay đổi. Giá lao động hay tiền lương, trên thực tế cũng vẫn như trước, mặc dù về danh nghĩa có lớn hơn. Người lao động nhận được nhiều đồng tiền bạc hơn trước, nhưng họ chỉ mua được một số lượng hàng hóa không hơn gì trước. Lợi nhuận của tiền vốn vẫn y nguyên về mặt danh nghĩa cũng như trên thực tế. Tiền lương của người lao động thường được tính bằng số lượng tiền bạc được trả cho họ. Khi số lượng tiền bạc trả cho họ tăng lên, tiền lương của người lao động có vẻ như được trả nhiều hơn mặc dù tiền lương đó trên thực tế không nhiều hơn trước. Nhưng lợi nhuận của tiền vốn lại không tính bằng số đồng tiền bạc mà tính bằng tỷ lệ mà các đồng tiền bạc đó chiếm so với tổng số vốn sử dụng. Như vậy, ở một nước nào đó, 5 shilling 1 tuần được xem như tiền lương thông thường của người lao động và 10% là lợi nhuận thông thường của tiền vốn. Nhưng vì toàn bộ tiền vốn của đất nước vẫn giữ nguyên như trước, cho nên sự cạnh tranh giữa các khoản tiền vốn cấu thành toàn bộ tiền vốn chung đó chắc vẫn diễn ra như trước. Các khoản tiền vốn đó chắc vấn được đưa vào kinh doanh với những điều kiện thuận lợi và bất lợi giống như trước. Vì vậy tỷ lệ giữa tiền vốn và lợi nhuận sẽ không thay đổi, và do đó, tiền lãi thông thường của tiền cho vay cũng không thay đổi. Cái thường được trả cho việc sử dụng tiền tất yếu bị chi phối bởi kết quả của việc sử dụng tiền.

Ngược lại, bất kỳ số lượng hàng hóa lưu thông hàng năm trong nước tăng lên bao nhiêu, trong khi số lượng tiền tệ dùng để lưu thông hàng hóa vẫn không thay đổi, cũng sẽ gây ra những tác động quan trọng khác ngoài việc nâng cao giá trị tiền tệ. Tiền vốn của đất nước, mặc dù về danh nghĩa vẫn không thay đổi, nhưng trên thực tế sẽ tăng lên. Số tiền vốn đó có thể vẫn được thể hiện bằng một con số y như trước, nhưng nó lại có thể thuê mướn và trả lương cho nhiều người lao động hơn trước. Số tiền vốn có thể thuê mướn và trả lương cho số người lao động sản xuất lớn hơn, và do đó, nhu cầu về lao động sản xuất cũng phải tăng lên so với trước. Tiền công lao động tất nhiên phải tăng lên cũng với cầu về lao động, mặc dù về danh nghĩa có thể giảm xuống. Những người lao động có thể được trả lương với số tiền ít hơn nhưng số lượng tiền lương ít hơn đó có thể mua được lượng hàng hóa nhiều hơn trước kia. Lợi nhuận của tiền vốn bị giảm xuống cả trên thực tế cũng như trên danh nghĩa. Do toàn bộ số tiền vốn trong nước tăng lên, cho nên sự cạnh tranh giữa các số tiền vốn khác nhau mà cấu thành toàn bộ số tiền vốn chung đó, tất nhiên cũng sẽ phải tăng lên. Những người chủ sở hữu các số tiền vốn riêng biệt đó sẽ phải bằng lòng chỉ thu được phần nhỏ hơn từ số sản phẩm làm ra bởi số người lao động được thuê mướn và trả công bằng số tiền vốn mà họ bỏ ra. Tiền lãi luôn luôn so sánh với lợi nhuận của tiền vốn, vì thế có thể bị giảm xuống khá nhiều, mặc dù giá trị của tiền, hay số lượng hàng hóa mà một số tiền nào đó có thể mua được, đã tăng lên đáng kể.

Tại một vài nước, luật pháp đã cấm việc cho vay lấy lãi. Nhưng khi sử dụng một số tiền vào một công cuộc kinh doanh có thể mang lại lợi nhuận, thì phải trả tiền lãi cho việc sử dụng số tiền đó. Điều quy định này chẳng những không thể ngăn cản được việc cho vay lấy lãi, mà còn làm trầm trọng thêm nạn cho vay lấy lãi, vì người mắc nợ buộc phải trả không những cho việc sử dụng tiền mà còn cả cho sự rủi ro, mà người cho vay gánh chịu bằng cách chấp nhận trả thêm cho việc sử dụng tiền này. Người mắc nợ buộc phải đảm bảo trả mọi khoản tiền phạt về việc cho vay nặng lãi của người chủ nợ.

Ở các nước mà việc cho vay tiền lãi được cho phép thực hiện, để ngăn chặn việc lấy lãi quá nặng, chính phủ thường quy định lãi suất cao nhất mà người cho vay, nếu theo đúng, sẽ không bị phạt. Tỷ suất này luôn luôn phải cao hơn một mức độ nào đó so với tỷ suất lãi thấp nhất trên thị trường, hoặc lãi suất cho những người đi vay có sự bảo đảm chắc chắn nhất. Nếu lãi suất pháp định này được quy định dưới mức lãi suất thấp nhất trên thị trường thì tác dụng của sự quy định sẽ chẳng khác gì tác dụng của việc hoàn toàn cấm cho vay lấy lãi. Nếu lãi suất được quy định đúng với mức thấp nhất trên thị trường, nó sẽ gây tổn thất cho những người làm ăn lương thiện tôn trọng luật pháp của nước mình. Những người nào không có sự bảo đảm tốt nhất bắt buộc phải đi vay nặng lãi. Tại một nước như Anh chẳng hạn, mà ở đó tiền được mang cho chính phủ vay với lãi suất 3% và cho những tư nhân có đảm bảo chắc chắn vay là 4, hoặc 4,5%, lãi suất pháp định hiện nay là 5% có thể là thích hợp đối với bất kỳ ai.

Phải thấy rằng lãi suất pháp định, mặc dù phải phần nào cao hơn, nhưng không phải là cao hơn nhiều so với tỷ suất cho vay lãi thấp nhất trên thị trường. Ví dụ, nếu lãi suất ở nước Anh được quy định cao đến 8 hay 10%, thì phần lớn số tiền cho vay sẽ rơi vào tay những người chi tiêu hoang phí và những người đầu cơ tích trữ, vì chỉ có những loại người này mới dám chịu trả tiền lãi cao như thế. Những người thận trọng chỉ sẵn sàng trả cho việc sử dụng tiền vốn một phần tiền lời thu được từ việc sử dụng tiền vốn đó, cho nên họ sẽ chẳng phiêu lưu, mạo hiểm vào việc cạnh tranh vay vốn theo kiểu này. Vì thế, phần lớn số tiền vốn trong nước sẽ tuột ra khỏi tay những người thật sự muốn vay để kinh doanh có hiệu quả và có lãi và chuyển cho những người rõ ràng chỉ dùng để tiêu phí và làm mất số tiền vốn mà họ vay được. Trái lại, ở nơi nào mà lãi suất pháp định được quy định chỉ cao hơn chút tí so với tỷ suất thấp nhất trên thị trường, những người thật sự muốn vay để kinh doanh có lãi được ưu tiên cho vay vốn hơn là cho những người ăn tiêu hoang phí và những người đầu cơ. Người cho vay chắc chắn thu được tiền lãi, vì số tiền cho vay nằm trong tay những người có trách nhiệm hoàn trả cả vốn lẫn lãi cho người cho vay. Vì vậy, phần lớn số tiền vốn trong nước được đặt vào tay những người biết sử dụng nó một cách có lợi.

Không có luật pháp nào có thể giảm lãi suất thông thường xuống dưới tỷ suất thấp nhất trên thị trường vào lúc mà luật đó được ban bố. Bất chấp sắc lệnh ban bố năm 1766 mà qua đó vua nước Pháp định giảm lãi suất từ 5 xuống 4%, người ta vẫn tiếp tục cho vay với lãi suất 5% như cũ. Sắc lệnh đã không được mọi người tuân theo và bị lảng tránh bằng nhiều cách khác nhau.

Giá đất thông thường trên thị trường phụ thuộc vào lãi suất thông thường trên thị trường. Người có một số tiền vốn muốn thu được một số lợi tức mà không cần phải tự mình lao vào một công việc kinh doanh, sẽ tính toán xem có nên dùng số tiền đó mua đất hoặc cho vay lấy lãi. Tính chất bảo đảm cao của đất đai cùng với một vài mối lợi khác kèm theo loại tài sản này bất kỳ ở nơi nào, thường hướng người có tiền dư thừa mua đất và nhận một số tiền lời nhỏ hơn từ đất đai so với lợi tức khi cho vay lấy lãi. Những mối lợi này đủ để đền bù cho một sự chênh lệch nào đó về mặt lợi tức, nhưng chỉ đền bù được một phần sự chênh lệch đó mà thôi. Nếu tiền thuê đất ít hơn nhiều so với lãi suất, thì không một ai muốn mua đất, và do đó, giá đất sẽ tụt xuống dưới giá thông thường. Trái lại, nếu những mối lợi lại nhiều hơn là đủ đền bù sự chênh lệch đó, thì ai ai cũng muốn mua đất, và vì thế, giá đất chẳng bao lâu lại cao hơn giá thông thường của nó. Khi tiền lãi là 10%, đất đai thường được bán đi với giá bằng từ 10 tới 12 năm hoa lợi. Khi tiền lãi hạ xuống tới 6, 5 và 4%, giá đất tăng lên bằng 20, 25 và 30 năm hoa lợi. Lãi suất thị trường ở Pháp cao hơn ở Anh, và do đó, giá đất hạ hơn. Ở Anh, đất đai thường được bán với giá bằng 30 năm hoa lợi, nhưng ở Pháp chỉ bằng 20 năm hoa lợi mà thôi.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3