Đại ca, anh yêu em - Chương 01

Chương 1. Đại ca ra đời​

 

“Oe oe...”

Tiếng trẻ sơ sinh khóc vang khắp phòng đẻ, lúc này cả ê kíp bác sĩ, y tá mới thở phào. Họ đã túc trực liên tục ở đây hơn sáu tiếng. Sản phụ đẻ khó, đứa trẻ bị ba vòng tràng hoa quấn cổ khiến tính mạng cả hai như chỉ mành treo chuông. Tất cả chỉ vì bác sĩ lúc thăm khám không dự đoán được tình hình, lại thấy trước đó bà từng đẻ thường hai đứa dễ dàng nên không chỉ định mổ. May mắn là cuối cùng cả hai đã an toàn.

- Là… giai… phải… không?

Bà mẹ chỉ kịp thều thào mấy tiếng này trước khi ngất đi trên bàn đẻ, giữa một đống bầy hầy nước ối lẫn sản dịch.

Bên ngoài, ông chồng đi đi lại lại trong phòng chờ vẻ sốt ruột. Dù sao vợ ông đã ba sáu tuổi, đây sẽ là đứa con cuối cùng bởi sức khoẻ bà không thể đáp ứng thêm một lần sinh nở nào nữa. “Lỡ như…”, ông không dám nghĩ nốt nhưng tự trấn an rằng lần siêu âm cuối bác sĩ đã nói nó “giống bố”. Thế là thay vì lo lắng, ông bắt đầu mơ mộng đến ngày cùng thằng con nối dõi hiên ngang về quê dâng hương nhà thờ tổ. Ông muốn xem đám dân làng độc miệng còn dám lén gọi nhà ông là “xưởng sản xuất máy khâu bươm bướm” [1] nữa không.

- Anh Vũ Văn Thành… - Y tá bế đứa trẻ ra gọi lớn. - chúc mừng nhé, công chúa.

- Gì… gì ạ? Cô có nhầm không? Sao lại con gái? - Ông sững sờ đến nỗi tay chân bủn rủn, không đủ sức chìa ra đón con. Nếu không phải đang tựa vào tường thì có lẽ ông đã ngã lăn ra đất.

- Ô hay cái nhà anh này. Nhầm là nhầm thế nào? Đẻ con gái thì là con gái chứ tôi cắt *** con nhà anh chắc. - Cô y tá gắt lên, giọng chua ngoa đậm chất nghề nghiệp.

- Bố để con bế em. - Cô con gái lớn nhanh nhẹn xông tới nhận đứa trẻ từ tay y tá thay cho ông bố còn chưa qua cơn sốc, ra sức dỗ dành, nựng nịu sinh linh đỏ hỏn, lọt thỏm trong đống tã vải.

Ông Thành không nói gì, quay người bỏ ra sân bệnh viện đốt thuốc. Khi vợ bầu đứa thứ ba, ông đã hứa cai thuốc, nếu có hút thì cũng chỉ dám len lén không để ai thấy. Còn giờ, ông chẳng còn lý do gì để phải giấu giếm.

- Tên? - Cô hộ lý buông câu gọn lỏn, tay thoăn thoắt điền giấy chứng sinh của viện.

- Vũ Nhật Dũng. - Ông buột miệng. Đây là cái tên ông đã thuộc nằm lòng hàng tháng nay, cái tên tâm đắc dành đặt cho thằng con trai độc nhất. Nhật là mặt trời, dũng là dũng mãnh, ông muốn con ông phải mạnh mẽ, chói sáng như mặt trời.

- Con gái mà tên là Dũng à? Anh có nhầm không đấy?

- Biết đặt gì khác bây giờ? - Ông Thành nhăn nhó. Vốn đinh ninh vợ sẽ sinh con trai, ông không hề cân nhắc bất cứ phương án dự phòng nào. Vả chăng, nếu biết trước đứa trẻ là gái thì có lẽ ông đã chẳng mất công cân nhắc bất cứ cái tên nào.

- Sao, thế anh có định đổi tên không để tôi còn biết, nhanh lên nào.

- Dũng không được thì Dung vậy. Vũ Nhật Dung. - Ông nói nhanh.

………………

- Vậy là hồi đó nếu cô hộ lý không nhắc nhở thì con đã tên là Dũng phải không? - Dung bực tức gầm lên.

Lần đầu tiên sau mười bảy năm sống trên đời, Dung mới biết sự tích về cái tên của mình. Từ ngày còn bé cô đã ghét nó, cái tên vừa quê, vừa ngang. Nếu là Dung thì người ta thường tên Thuỳ Dung, Thanh Dung chứ chẳng ai tên Nhật Dung cả. Chưa kể tới khi học tiếng Anh thì cô còn cảm thấy tên mình khá là… mất vệ sinh [2].

- Mày phải hiểu cho bố, lúc đó làm gì còn đầu óc nào mà nghĩ nữa. - Ông Thành gãi mái đầu đã ngả bạc, cười khà khà.

- Thì ít nhất bố cũng phải nghĩ một cái tên đệm nào khác nghe cho đỡ ngang trái chứ? Người ta là Nhật Minh, Nhật Anh hoặc Mỹ Dung, Thuỳ Dung. Mà dù sao thì con cũng ghét tên Dung, bánh bèo quá mức.

- Không lẽ mày muốn tên là Nhật Dũng hả? - Chị Ngọc bĩu môi.

- Thà thế còn hơn!

Không rõ có phải do khi mang bầu, bố mẹ cô đã quá khao khát một cậu ấm không nên khi Dung chào đời, ngoài giới tính trời định ra thì cô không khác gì một thằng con trai thực thụ. Từ bé đến lớn, cô luôn cắt tóc tém gọn gàng, tuy không theo mốt undercut thời thượng nhưng mái tóc cô chưa bao giờ vượt quá gáy. Với chiều cao một mét bảy mươi, nặng bốn lăm cân, cô có phần gầy gò, khẳng khiu hơn phần đông các cô bạn gái xung quanh. Khuôn mặt tất nhiên chưa từng trang điểm, trang phục chỉ là những chiếc áo phông, sơ mi rộng thùng thình đi kèm quần bò và giầy thể thao, nên chuyện cô bị nhầm lẫn giới tính không phải điều gì hiếm gặp.

Một trong những câu chuyện nổi tiếng nhất về Dung là ngày đầu chân ướt chân ráo đến trường cấp ba, cô vừa ngồi xuống ghế bàn cuối thì một thằng con trai bước từ sau tới vỗ vai:

- Chào, dịch vào tao ngồi với. - Ngay khi cô lùi vào trong thì hắn ngồi phịch xuống rồi nhìn cô cười toe toét. - Tao tên Khôi, còn mày?

- Tao tên Dung.

- Ô hay, con trai *** gì mà lại tên Dung? - Khôi tròn mắt nhìn cô, buột miệng.

- Thì tao…

Cô còn chưa kịp thanh minh thì thầy Hải chủ nhiệm bước vào cắt ngang câu nói của cô. Ông nhìn bao quát lớp một vòng, vẻ mặt có gì đó hài lòng. Tuy lớp cô chuyên về ban A nhưng con gái lại có phần áp đảo con trai, đó chính là mong muốn của bất cứ giáo viên chủ nhiệm nào. Dẫu sao thì con gái nhìn chung vẫn lành hơn con trai.

- Tôi muốn chia lại chỗ ngồi. - Sau khi chào cả lớp, thầy hắng giọng. - Con trai chuyển bớt lên trên chứ túm tụm hết bên dưới thế thì chỉ có loạn lớp.

Và người đầu tiên thầy chỉ vào lại là… Dung.

- Cậu kia, xách cặp chuyển lên trên.

Dung còn đang ngơ ngác không rõ thầy nói ai thì Khôi huých tay:

- Thầy kêu mày kìa, sao còn ngồi đần ra?

- Thầy gọi con ạ? - Cô rụt rè hỏi lại.

- Không cậu thì còn ai. - Giọng thầy bắt đầu hơi bực. - Cậu tên gì nhỉ?

- Dạ, con tên Dung ạ. - Cô cố nén cười, lấy giọng nghiêm túc trả lời. - Với cả con là con gái, không phải con trai đâu thầy.

Không chỉ thầy giáo mà cả lớp ồ lên. Đám con gái ỉu xìu vì trước đó không ít đứa đã đưa cậu nhóc trắng trẻo xinh trai nhất lớp vào “tầm ngắm". Bọn con trai thì thở phào, chúng sẽ bớt đi một mối cạnh tranh vất vả.

- À… - Thầy có phần bối rối, hẳn ông chưa biết phải nói gì trong tình huống này.

- Vậy con ngồi đây được không ạ?

- Ừ, ừ, cứ ngồi đó đi.

Nhờ có Dung mà Khôi không phải chuyển lên trên do bàn đã đủ “cơ cấu".

- May có mày. - Khôi cười toe toét. Hắn chưa quen được với việc “thằng nhóc" bên cạnh lại là con gái nên vẫn tiếp tục nói năng như trước đó. - Mà mày là con gái thật à? Có les không?

- Mày quê vùng núi à? - Dung hơi nghiêng đầu hỏi lại.

- Không, tao gốc Hà Nội, sao mày hỏi thế?

- Vì mày nói chuyện thiếu iot quá!

- …

Dung tự biết mình không les, cô chỉ đơn giản là thích cắt tóc ngắn và mặc đồ rộng rãi, như thói quen từ hồi nhỏ. Ăn mặc, để tóc như vậy làm cô thấy dễ chịu, giống như những cô gái khác chỉ có thể thoải mái ra đường sau khi trang điểm cầu kỳ, lên đồ điệu đà. Đây đơn thuần là sở thích cá nhân, không liên quan tới xu hướng giới tính.

Nhưng sở thích cá nhân của Dung không chỉ khác người ở khoản ăn mặc. Khi học tới cấp hai, trong một lần vô tình đọc được cuốn “Người bạn lạ lùng" của Nguyễn Nhật Ánh, cô đã giật mình như thể cuốn truyện viết ra dành cho mình. Trừ việc Dung không biết võ do bố mẹ triệt để cấm đoán, cô không thấy mình khác Văn Châu ở điểm nào.

Ngày thứ ba sau khi nhập học, vừa bước vào lớp, Dung liền khều Khôi:

- Chiều mày rảnh không? Đi mua giày với tao.

- Không, chiều nay tao với mấy thằng trong lớp đi đá bóng.

- Vậy hả? - Mắt Dung bỗng sáng lên, kế hoạch mua giày vứt luôn ra khỏi đầu. - Tao đi với.

- Mày điên à? - Khôi phẩy tay. - *** ai cho con gái đá cùng.

- Đứa nào nói con gái không đá bóng được với con trai? - Dung hừ mũi.

Nói là làm, giờ ra chơi hôm đó, Dung đi khắp lượt quanh lớp nói với đám con trai về chuyện cô muốn đi đá bóng cùng. Tất nhiên chúng phản đối ầm ầm. Chúng đâu thể để một đứa con gái vào đội “phá game" mặc dù Dung cao hơn phần lớn bọn con trai còn chưa dậy thì hết trong lớp.

- Thôi vậy đi, chúng mày không tin tao thì đá độ. Một chọi một. Tao sẽ đá với ba thằng giỏi nhất. Đứa nào ghi được bàn là thắng. Nếu tao thua hai đứa thì tao rút và mời tất cả chúng mày đi ăn. Ngược lại thì bọn mày phải cho tao vào đội và gọi tao là chị.

Tuy viễn cảnh tranh tài với con gái không hay ho cho lắm nhưng tính trẻ con hiếu thắng, cả lũ liền đồng ý. Chúng thống nhất chọn ra tiền đạo là Khôi cùng hai thằng tiền vệ ra tranh tài.

Lúc Dung xuất hiện, cả bọn trợn tròn mắt bởi cách cô ăn mặc không giống ai. Thay vì mặc quần áo ngắn, gọn gàng thì cô mặc áo phông rộng, tay đeo nịt đen kín xuống tận cổ tay, quần thể thao dài và đội mũ lưỡi trai sụp xuống tận mắt.

- Sao mày ăn mặc kì quặc vậy? Mặc thế này đá thế nào? - Khôi tròn mắt nhìn cô bạn.

- Không sao, tao quen rồi. - Cô đáp qua loa rồi làm mấy động tác khởi động.

Sau này thân thiết hơn Khôi mới được nghe Dung kể nguyên nhân vì sao cô luôn ăn mặc kỳ lạ như vậy ra sân bóng. Ngày Dung còn bé, do vẫn còn âm hưởng của việc bị hụt thằng con nối dõi, ông Thành đã nuôi dạy cô như một thằng nhóc đúng nghĩa. Cả nhà tràn ngập đồ chơi con trai, hai bố con thường cùng nhau xem các kênh thể thao, phim hành động. Chính ông là người đã mua cho Dung quả bóng đầu tiên và dạy cô làm quen với nó. Nhưng rồi, mọi đứa trẻ đều phải lớn lên. Khi Dung học tới cuối cấp hai, bắt đầu trổ nét nữ tính rõ rệt mà vẫn chỉ say mê chạy theo quả bóng và những môn thể thao đặc quyền của con trai thì cả nhà lo sốt vó. Ông Thành lúc đó mới ân hận vì lối giáo dục khác thường của mình thì đã muộn. Từ cấm đoán bất thành, hai vợ chồng lục đục cãi nhau ngày một nhiều vì chuyện này. Bà Chi đổ lỗi cho chồng về việc quá khao khát con trai đến mức làm đứa con gái út trở nên “lệch lạc" còn ông Thành đổ ngược lại lỗi “không biết đẻ" cho bà. Dung không muốn trở thành nguyên nhân khiến gia đình căng thẳng, nhưng cô cũng không muốn từ bỏ những gì mình thực sự yêu thích nên đến cuối cùng, cô và bố mẹ đi tới một thoả thuận. Dung vẫn được chơi thể thao, trừ võ thuật, với điều kiện cô phải bảo vệ bản thân, cụ thể là nhan sắc của mình. Có lẽ ông bà Thành quá sợ hãi viễn cảnh cô con út sứt sẹo, đen nhẻm, lộc ngộc, ăn nói bặm trợn sẽ chẳng ma nào thèm rước. Tuy không hoàn toàn tán thành nhưng Dung không còn lựa chọn nào khác. Từ đó, mỗi lần chơi những môn thể thao ngoài trời, cô đều phải “đóng giáp" kỹ lưỡng như vậy, chưa kể tới một lớp dày kem chống nắng.

Nhưng trái với lối phục sức kỳ quặc, Dung đá bóng hay ngoài sức tưởng tượng. Khả năng dẫn, lừa bóng và dứt điểm của cô đều vượt xa đám bạn cùng lớp. Mỗi khi đối thủ tính tới bước di chuyển nào Dung đều đi trước một bước. Đó không chỉ là kỹ năng, kinh nghiệm mà còn là tài năng thiên bẩm, một dạng năng khiếu trời cho.

Khôi là người nếm trải đau khổ đầu tiên. Trước đó hắn đã tính nhường cô bạn một chút nhưng ngay lập tức nhận ra người cần được nhường không phải Dung. Khôi cao nhất trong đám con trai, cao hơn Dung gần một cái đầu, về tốc độ, sức lực đều nổi trội so với bọn cùng lớp nhưng vẫn là chưa đủ để đối đầu với cô. Chỉ một cái lắc người nhẹ nhàng, quả bóng đã xuyên qua giữa hai chân Khôi, hắn mất đà lao về phía trước còn cô vọt lên, ung dung sút vào lưới từ giữa sân.

Câu chuyện đó lặp lại với đối thủ thứ hai nên Dung không cần đá trận thứ ba vẫn hiên ngang đi vào đội bóng của lớp và trở thành chị của cả bọn. Thế nhưng, để đỡ đi phần nào việc xấu hổ vì thua một đứa con gái, cả bọn thống nhất gọi cô là đại ca thay vì chị. Trừ Khôi.

- Tao không gọi mày là chị hay đại ca gì hết, kệ mày. - Hắn khăng khăng.

- Mày thua cơ mà.

- Kể cả thua. - Khôi kiên quyết lắc đầu. - Mày bắt tao gọi thế tao sẽ không cho mày chép bài Sinh nữa.

Đây chính là điểm yếu cốt tử của Dung. Nhìn chung, cô học tương đối tốt trừ môn Sinh. Cô căm thù Darwin, Mendel và tất cả các nhà khoa học liên quan. Nếu không có Khôi, Dung sẽ không biết phải làm thế nào mới có thể sống sót ba năm cấp ba với Sinh học. “Lùi một bước biển rộng trời cao", Khôi thành thằng con trai duy nhất trong lớp bạn bè ngang hàng với Dung.

- Tao chưa gặp ai đá hay như mày, mày có đi tập bóng ở đâu không đấy?

- Không, hồi cấp hai hay theo bọn cùng lớp đá mấy giải giao hữu hay giải trường thôi.

- Trường mày có đội nữ à? - Khôi tò mò cắt lời.

- Làm gì có. Cấp hai còn là trẻ con nên tao xin mãi cũng được cho đá cùng bọn con trai.

- Ừ, thế mày học bóng đá ở đâu?

- Chẳng ở đâu cả… - Cô ngừng một chút. - Tao hay xem bóng đá, hầu như không bỏ lỡ bất cứ trận nào của mùa giải nào. Với cả tao thích Ronaldo, R9 chứ không phải CR7, tao xem những clip anh ấy đá hàng trăm lần. Chắc vì xem nhiều nên nhiễm lúc nào không biết.

- Mày điên à? Nếu chỉ xem clip mà đá được như thế thì cả thế giới là danh thủ hết. - Khôi phì cười. - Rõ ràng là mày cực kỳ có năng khiếu, có bao giờ tính theo chuyên nghiệp không?

Dung cắn môi, im lặng một chút rồi mới trả lời, giọng có phần nặng nề:

- Câu lạc bộ Bóng đá nữ Hà Nội từng mời tao về, tài trợ đào tạo và hứa hẹn cho tao một chân trên tuyển…

- Sao không đi?

- Bố mẹ tao cấm… - Dung chớp mắt. - à, không hẳn là cấm. Bố mẹ tao bảo muốn gì thì cũng phải tốt nghiệp đại học đã, và phải đại học top đầu chứ không phải đại học thể thao. Mà mày biết đấy, tốt nghiệp đại học xong đã là hai hai, hai ba rồi, lúc đấy còn đá đấm gì nữa. Muốn theo chuyên nghiệp thì phải ăn tập từ nhỏ.

Thấy nhắc tới chuyện này Dung có vẻ hơi buồn, Khôi liền đưa tay vò mái tóc ngắn cũn của cô rối tung lên:

- Thôi bỏ qua đi, theo chuyên nghiệp không được đội mũ lưỡi trai đá đâu, da mày sẽ sạm đen xì. Với cả đi học thế này mày mới gặp được người bạn tuyệt vời là tao chứ.

- Mỗi tội thiếu iot, bướu cổ. - Dung bĩu môi.

Vậy nhưng, dù kỹ năng có tốt đến đâu, dù năng khiếu có nổi trội cỡ nào thì cũng chẳng thể bù đắp cho nền tảng thể lực, chính là sự khác biệt lớn nhất giữa nam và nữ. Qua mùa hè năm lớp mười, khi đám con trai đã dậy thì hết, Dung không còn đủ sức để tranh đua với chúng liên tục suốt một trận nữa. Thêm vào đó, việc va chạm khi thi đấu cũng trở nên rất tế nhị nên cô buộc phải rời vị trí tiền đạo quen thuộc. Tuy vậy, đam mê đâu phải thứ dễ dàng từ bỏ nên cô đeo găng, làm thủ môn dự bị để thỉnh thoảng vào sân cho đỡ nhớ. Nói công bằng thì Dung bắt hay hơn thủ môn chính của lớp và không kém bất cứ thủ môn nào khác trong lứa cầu thủ nghiệp dư. Đôi khi cô vẫn ước giá được lựa chọn, cô sẽ chọn làm con trai, hẳn bố cô sẽ tự hào về đứa con út lắm.

………………

Đời sống học sinh của Dung tương đối dễ chịu. Đám con trai, trừ Khôi, đều coi cô như chị cả, luôn miệng réo “đại ca, đại ca" và đám con gái cũng tương tự. Có thể do Dung không xác định “cạnh tranh” gì với đám con gái, dù là về nhan sắc hay sức hút nên tất cả đều quý mến, coi cô như đồng minh thân thiết thay vì là đối thủ.

- Mày bảo mày không les mà sao tao chẳng thấy mày thích thằng nào cả? - Mãi đến năm lớp mười một, khi mối quan hệ đã vô cùng thân thiết, Khôi mới dám hỏi thẳng Dung như vậy.

- Tao không les không có nghĩa là tao phải quơ đại một thằng nào đó để thích. - Cô lắc đầu. - Chỉ là chưa gặp được ai thôi.

- Ừ…

- Còn mày thì sao? Đừng nói là mày gay nhé? - Dung nháy mắt.

Ngay từ khi mới vào cấp ba, đám con trai, con gái đã “nhấm nháy" nhìn nhau tìm đối tượng vừa mắt nên chỉ qua hơn một học kỳ, trong lớp đã xuất hiện mấy cặp đôi, chưa tính tới những kẻ “đá lẻ" bên ngoài. Đứa nào chưa có người yêu thì bứt rứt, tìm mọi cách tăng cường mở rộng quan hệ, tạo ấn tượng cho bản thân. Riêng mình Khôi là thờ ơ với việc cặp kè yêu đương dù cho hắn không thiếu điểm gì để thu hút hội con gái. Trái với nét thanh tú, làn da mịn màng trắng trẻo, vóc dáng mảnh khảnh của Dung, Khôi cơ bắp cuồn cuộn, da ngăm nâu, khuôn mặt góc cạnh nam tính. Thư hâm mộ của con gái trong lớp lẫn lớp khác tới tấp gửi về nhưng chưa một ai thành công. Mỗi khi nhận được thư, hắn thường đến gặp trực tiếp người gửi, nói một hai câu thật lịch sự nhưng không kém phần thẳng thắn, chặn đứng giấc mơ thiếu nữ trước khi nó kịp phát triển thành cái gì đó sâu sắc hơn. Cuối cùng, nhìn đi nhìn lại, người khác giới thân thiết nhất với Khôi chỉ có mình Dung khiến đám fan hâm mộ của hắn không biết phải bực bội hay vui mừng. Mỗi khi hắn và Dung đi cạnh nhau, mọi người ngoài đường thường tròn mắt nhìn, người bình thường thì tiếc nuối cho hai anh chàng đẹp trai, dân hủ nữ thì xuýt xoa hâm mộ cặp đôi “đại soái ca" và “tiểu mỹ thụ".

- Chưa tìm được đúng người, cũng như mày thôi. - Khôi nhún vai.

Nói tới chuyện “tiểu mỹ thụ", chỉ vì bề ngoài của Dung mà đã xảy ra không ít hiểu lầm dở khóc dở cười. Như hồi đầu năm lớp mười một, do thời gian học thay đổi, những lớp khối chiều lên học chung với khối sáng nên không mấy ai biết “bí mật" về cô.

- Đại ca, có thư… - Trang chạy vào lớp, dúi vào tay cô tờ giấy gấp tư.

Cả lũ xung quanh cười ầm bởi chúng đã biết trước nội dung là gì. Đây không phải lần đầu Dung nhận được thư kiểu như thế này.

- Thằng nào gửi thư cho mày thế? Dạo này hot ghê cơ. - Khôi ngồi cạnh nháy mắt trêu.

- Im mồm. - Cô rít lên, xé vụn lá thư, cũng là chấm dứt luôn mộng mơ của một cô bạn lãng mạn lớp bên nào đó.

- Đại ca… tại sao đại ca rõ lắm con gái làm quen trong khi bọn em thì ế dài, đời bất công quá. - Mấy thằng con trai nhao nhao. - Cả thằng Khôi nữa, hai nhân vật nổi tiếng nhất lớp mình, đúng là người ăn không hết kẻ lần không ra.

- Đại ca không nói chứ sao mày cũng cứ trơ trơ ra hở Khôi?

Khôi nhún vai cười, không thanh minh hay đính chính.

- Hay mày có tình ý với đại ca? - Một đứa bỗng kêu lên. - Hai đứa mày suốt ngày kè kè, khai thật xem nào.

Dung và Khôi tròn mắt nhìn nhau, cùng lộ ra vẻ kinh dị, miệng đồng thanh:

- Tao thẳng mà, sao tình ý với con giai được?

- Tao thích thằng thiếu iot thế nào được?

- …

Sau vài hiểu lầm đó thì Dung nổi tiếng khắp trường, và vì cô thường xuyên “bắt cặp” với Khôi nên kéo theo hắn nổi cùng. Từ đấy, thư từ, friend request trên Facebook của hắn càng nhiều hơn bao giờ hết.

- Phiền thực sự. - Trong một lần hiếm hoi không kiềm chế được, Khôi thốt lên như vậy. - Tất cả là tại mày.

- Đừng có nói chuyện vô lý. - Dung bĩu môi. - Tao vốn được mọi người quý mến, chỉ vì mày mà tự dưng bị mấy đứa bên ban D suốt ngày lườm nguýt nói xấu. Tao còn chưa trách mày, mày đã đổ ngược.

- Do ăn ở cả thôi. - Hắn đưa ngón tay ra trước mặt cô lắc lắc.

______________________

[1] Máy khâu con bướm: máy khâu có logo hình con bướm do Liên Xô sản xuất, vốn là đồ gia dụng rất phổ biến ở Hà Nội những năm 90. Vì thế nhà ai đẻ con một bề là gái thường bị trêu là “xưởng sản xuất máy khâu bươm bướm".

[2] Dung /dəNG/ tiếng Anh nghĩa là phân.