Đại Dương Đen - Chương 12
12
HÔM NAY LÀ MỘT NGÀY NẮNG ĐẸP TUYỆT VỜI
(Thùy Dương, 24 tuổi, sinh viên ngành Tâm lý)
1
Ngày 30 tháng Mười hai 2017
Vậy là mình đã từ New Zealand về Sài Gòn nghỉ hè được một tuần. Mình không thích Tết. Cỗ bàn, khách khứa liên miên, ai cũng khoe nhà, khoe xe, khoe con cái du học này nọ. Đến cuối ngày là mình kiệt sức, cơ mặt cứng lại vì phải mỉm cười. Cái đau ê ẩm toàn thân khiến mình không suy nghĩ được mạch lạc nữa, chỉ cố loay hoay tìm một tư thế khả dĩ trên giường. Bên ngoài nhìn vào, mình trông như một đứa lười biếng, và mình biết bố mẹ cũng nghĩ vậy.
Hôm trước, khi dọn va li, mình thấy tờ ghi nhớ của trung tâm trị liệu tâm lý kẹp trong một cuốn sách.
Mỗi khi cảm thấy muốn tự sát, tôi có thể gọi điện cho đường dây nóng. Họ sẽ hướng dẫn và trợ giúp tôi, dù tôi có thể chỉ khóc mà chẳng biết nói gì cả.
Tôi biết rằng họ là những con người trắc ẩn và nhẹ nhàng, họ chuyên nghiệp và sẵn lòng giúp đỡ. Họ sẽ hiểu tôi. Ngày nào họ cũng nói chuyện với những người khóc lóc và bất an, họ sẽ không bao giờ phán xét tôi.
Tôi có thể gọi cho đường dây nóng. Bất kể là tôi khóc, tôi hoảng loạn, hay đầu óc tôi trống rỗng, họ sẽ giúp tôi.
Số điện thoại của đường dây nóng là: 15 12 17.
Mình đã dừng chia sẻ tình trạng của mình cho bố mẹ. Đến giờ họ vẫn không hiểu chuyện gì đang xảy ra với con mình. Bố thì cho là mình phải bỏ học ở Mỹ vì tiếng Anh của mình kém và mình bị sốc văn hóa. Mẹ thì thỉnh thoảng hỏi, “Thế bây giờ thì… cái… cái ấy của con thế nào rồi?” Mẹ không nhắc tới chữ trầm cảm.
Mình cũng không kể cho người ngoài về bệnh của mình nữa. “Sướng quá hóa rồ”, “con nhà giàu giẫm phải gai mùng tơi”, người ta hay nói vậy. Gia đình mình như thế thì mình không có quyền để trầm cảm.
Ngày 10 tháng Hai 2018
Tối nay nhà mình lại có tiệc. Bố xoay nhẹ ly rượu vang trong tay và lưu ý mọi người, đĩa này là thịt bò Kobe, bát kia là vây cá mập. Buổi chiều, mình đã phải dọn dẹp phòng để bố dẫn khách tham quan nhà. Phòng của mình theo ý bố, đầy đồ đạc màu kem và có chân cong cong như trong cung điện châu Âu, vì bố bảo nếu trang trí theo gu của mình thì sẽ phá vỡ phong cách của cả tòa nhà. Rồi bố ngồi ở phòng khách điều khiển nhạc ở phòng ngủ và dùng điện thoại để kéo rèm cho mọi người xem. Trước đó thì mẹ khoe bộ ảnh gia đình trong kỳ nghỉ vừa rồi. Hôm đó, mọi người phải mặc đồ màu đỏ hay da cam, ngồi trên bãi cỏ của resort sáu sao, bố chỉnh đốn rất lâu để điệu bộ của ai cũng “tự nhiên”. Trời rất nóng, mọi người mồ hôi nhễ nhại nhưng phải liên tục lau và tỏ ra hôm đó là một ngày rất đẹp trời.
Một ông thực khách khen ngành học của mình hay và quan trọng, khiến bố có vẻ hài lòng. Mình nhớ lại là từ khoảnh khắc mình từ Mỹ hạ cánh xuống Tân Sơn Nhất thì bố không nói với mình một câu nào, và cũng không nhìn vào mắt mình một lần nào nữa. Đơn giản là mình không tồn tại với bố. Khách tới nhà, bố chỉ nói về em gái mình. Tới khi mình trên gác xuống thì khách ngạc nhiên, “Ơ, thế cháu đang ở nhà à?” Mình nhìn xuống đất, chả nhẽ lại bảo, “Cháu bị bệnh, cháu phải nghỉ học.” Từ phía bố là một sự im lặng băng giá.
Một năm rưỡi sau ngày từ Mỹ về Việt Nam, mình nhận được offer đi học ở New Zealand. Hôm đó bố đổi thái độ, gọi mình xuống nói chuyện như là chưa có gì xảy ra. Tới giờ, mình vẫn khó khăn để hiểu được chuyện này.
Không, thực ra trong thời gian đó, có một lần bố nói chuyện với mình. Đó là thời điểm mình đã tới hai bác sĩ tâm thần, đã uống thuốc nhưng bỏ vì tác dụng phụ. Mẹ dẫn mình tới một người quen để cô ấy “sắp xếp lại năng lượng” của mình. Được vài buổi thì mình khước từ, không đi nữa, mình chui vào nhà tắm, ngồi thu lu trong góc, khóc. Bố tới đứng bên ngoài, hỏi, “Con làm sao đấy?” Câu hỏi của bố khiến mình có chút hy vọng, hy vọng là mình có thể mở lòng để bố hiểu và an ủi. Mình tấm tức kể xong thì bố nói, “Có mỗi cái chuyện ấy mà con không làm được? Thế thì sau này còn làm được việc gì nữa?”
Bố hay nói câu ấy. Trong bữa ăn lúc nãy, bố quay sang em vừa làm bắn nước sốt ra bàn, “Mỗi cầm dao dĩa mà không làm được, đồ hậu đậu!” Bố sợ bị khách đánh giá.
Không biết mình có phi logic không, nhưng việc bố mẹ cố gắng để trở nên giàu có đã làm mình rất đau khổ. Trong những năm tháng mà bố mẹ điên cuồng kiếm tiền, mình và em đã phải trả giá.
Mình đang cố để tha thứ cho bố.
Ngày 2 tháng Ba 2018
Ai đó hãy cứu tôi ra khỏi cái episode này…
Ngày 3 tháng Ba 2018
Có thể… ngừng đau được không?
Ngày 5 tháng Ba 2018
Thở mà cũng đau quá là đau :(
Đau tới mức rớt nước mắt. Hiu hiu hiu hiu.
Chuyện học hành có quan trọng gì đâu. Không sống thì cũng chả học gì cả.
Ngày 6 tháng Ba 2018
Tất cả những điều này chỉ để thử thách mình thôi đúng không?
Ngày 12 tháng Ba 2018
Bây giờ là khoảng thời gian ưa thích trong ngày của mình, buổi đêm, yên lặng, lạnh một chút. Đáng nhẽ mình có thể đọc sách, nghe nhạc, tận hưởng sự yên bình này. Nhưng mình ngồi đây, loay hoay một mình, tìm cách để không chết.
Cuối cùng thì đây vẫn là đời thực của mình.
Ngày 16 tháng Ba 2018
Hít vào thở ra hít vào thở ra.
Bình tĩnh bình tĩnh.
Chỉ cần giữ mình còn sống qua đêm nay.
Chỉ cần sống thôi.
Chỉ cần sống thôi.
Chỉ cần sống thôi.
Chỉ cần sống thôi.
Chỉ cần sống thôi.
Chỉ cần sống thôi.
Chỉ cần sống thôi.
Chỉ cần sống thôi.
Chỉ cần sống thôi.
Chỉ cần sống thôi.
Chỉ cần sống thôi.
Chỉ cần sống thôi.
Chỉ cần sống thôi.
Chỉ cần sống thôi.
Chỉ cần sống thôi.
Chỉ cần sống thôi.
Chỉ cần sống thôi.
Chỉ cần sống thôi.
Chỉ cần sống thôi.
Chỉ cần sống thôi.
Chỉ cần sống thôi.
Đếch biết gõ từng chữ thế này giúp gì không, nhưng mà mẹ, hết cách rồi.
Chỉ cần sống thôi haha
Chỉ cần sống thôi đời buồn như chó cắn
Chỉ cần sống thôi teo teo teo tèo
Chỉ cần sống thôi
Chỉ cần sống thôi
Chỉ cần sống thôi
Aaaaaaaaaaaa
Không được rạch tay
Không được rạch tay
Chỉ cần sống thôi
Chỉ cần sống thôi
Ngày 3 tháng Tư 2018
Nghĩ một hồi thì mình đã biết vì sao trước mỗi lần về Việt Nam, mình cứ điên điên khùng khùng. Đấy là vì mình sợ. Sợ phải tiếp xúc với bố mẹ, cả đời mình họ đã không cho mình tiếng nói, không cho mình được bày tỏ bản thân. Sợ quay về nhà và câm lặng bên bàn ăn vì mở mồm ra nói cái gì cũng không được tôn trọng. Sợ cảm giác phải gào lên, tiếng gào của một người chìm nghỉm, cố hết sức nhưng không ai nghe thấy gì.
Mình chỉ về vì muốn gặp em gái, gặp Lily, con mèo lông trắng của mình, và một vài người bạn. Nhưng lần nào, mình cũng phải trả giá cho sức khỏe và sự bình an của mình.
Vào cuối đợt thăm nhà vừa rồi, mình bị sốt cao và đau bụng, phải vào bệnh viện. Hôm đó, bố mẹ, ông bà, ai cũng vào. Bố mẹ ở lại bệnh viện đến khuya, mắt mũi thâm quầng vì thiếu ngủ, vẻ mặt thì lo lắng và hoảng hốt.
Mình vừa cảm kích vừa thấy lạ lẫm. Cái khó chịu và cái đau của mình hôm đó chỉ rất nhỏ so với nỗi đau tâm lý mà mình vẫn chịu đựng mấy năm nay, nên sự quan tâm và hiện diện của mọi người làm mình ngạc nhiên. Rồi mình chuyển sang tức giận. Những lúc mình vật vã với nỗi đau tinh thần thì họ có ở bên mình không?
Hồi mới ở Mỹ về, nhiều đêm mình không ngủ được, cứ nằm trằn trọc nghĩ về tương lai. Có đêm, nằm tới bốn giờ sáng mình mới dám khóc vì em mình nằm ngay bên cạnh. Nó dịu dàng vỗ vào lưng mình, “Mọi chuyện sẽ không sao đâu, chị ạ.” Mình ngừng khóc, phần thấy có lỗi vì đã làm nó thức, phần thì biết ơn nó vô cùng. Hơn một năm ở cùng phòng, chưa bao giờ nó than phiền, kể cả những lúc mình đẩy nó ra xa. Nó chấp nhận tất cả. Nó đã cho mình một tình yêu vô điều kiện, cái mà bố mẹ mình không thể làm được.
Ngày 8 tháng Tư 2018
Mình đã thấy đồ ăn ngon trở lại.
Ngày 9 tháng Tư 2018
Lạy giời, cuối cùng episode cũng hết.
Con cảm tạ trời đất thần linh.
Ngày 20 tháng Năm 2018
Đây có lẽ là những ngày tử tế nhất của cuộc đời mình. Ngủ được này, học được này, chơi cầu lông được, đọc sách được này. Nhưng mình biết nó sẽ không được lâu đâu, chẳng mấy chốc một episode mới sẽ lại tới và mình sẽ lại nằm bẹp trên giường. Biết gì không? Mặc kệ đi.
Ngày 28 tháng Bảy 2018
Mãi gần đây mình mới có thể xem lại các bức ảnh mình chụp ở Mỹ mà không bị kích động run rẩy. Tòa nhà này, đó là nơi mình học môn khó nhằn nhất, Chính trị học - những cuộc chiến chính nghĩa và phi nghĩa. Liệu nó đã là cú đánh cuối cùng bẻ gãy xương sống mình? Tới từ một nền giáo dục mà mình chỉ biết chép lại ý kiến của người khác, không bao giờ được khuyến khích phát biểu và bảo vệ quan điểm cá nhân, mình đã ngơ ngác như chó lạc trong khi những đứa khác trong lớp đập bàn cãi nhau với giáo sư. Mình nghĩ chậm, nói tiếng Anh chậm, sợ bị cho rằng nói linh tinh, thế là lại càng không dám mở miệng, thế là đầu lại càng tắc tịt. Rồi mỗi tuần là một đống sách cần phải đọc, mấy bài luận cần phải viết. Mình ở lì trong thư viện, mỗi ngày chỉ về dorm mười phút để tắm rồi lại quay lại. Mình không được phép thất bại, trước ngày lên đường, bố mẹ đã tổ chức một buổi tiệc chia tay linh đình với vô cùng nhiều họ hàng và bạn bè.
Mình bắt đầu bị mất ngủ. Có nằm xuống thì đầu vẫn rối tinh lên với bài tập này, cuốn sách kia, không thể nào dẹp đi được. Rồi mình sợ hãi tới mức không ra ngoài được nữa, chỉ thu lu trong phòng, cho tới cái đêm mình gọi về nhà cho mẹ trong nước mắt.
Đã đến lúc rồi, đến lúc mình tha thứ cho bản thân. Trong những năm qua, điều mình cố gắng mỗi ngày là cởi bỏ những xiềng xích mà mình đã đeo lên trên người. Để một ngày nào đó, sống sẽ đem lại niềm vui, học sẽ lại là niềm vui, chứ không phải cái sang chấn mà mình không dám đối mặt kia.
Lúc này đây, nhìn lại cái ảnh phòng ký túc xá, mình lại nhớ lại mùi cỏ mới cắt ở bãi cỏ trước nhà, những bước chân mình đi một mình tới lớp học, và sự sợ hãi hơi nhói lên trong lòng. Nhưng mình sẽ cố gắng để có thể ôm ấp, trân trọng khoảng thời gian đó, chứ không ghét bỏ và căm hận nó.
Ngày 13 tháng Tám 2018
Hồi năm tuổi, mình nhớ là chiều hè nào mình cũng ra ngoài sân đình thả diều rồi nhìn bầu trời cao, xanh và lồng lộng. Ngày nào cũng vậy mà không ngày nào cái cảm giác kỳ diệu trong lòng mình vơi đi.
Giờ đây, mình đang tập để lại cảm nhận được sự kỳ diệu đó.
Mình phải đi rất xa để lại được như ban đầu.
Ngày 24 tháng Tám 2018
Trên bàn học mình để câu này của cô tham vấn tâm lý.
Sức khỏe tinh thần của bạn quan trọng hơn là thi cử, phỏng vấn, hẹn ăn trưa, họp hành hay đi chợ.
Hãy quan tâm tới bản thân mình.
Vậy mà mình vẫn hay quên. Lần cuối cùng mình nhìn vào mắt mình là lúc nào nhỉ? Mình đối xử thật là tệ với bản thân. Tâm trí của mình cứ như một tên cai ngục tàn bạo, liên tục gào lên với cơ thể, mày làm cái này đi, làm cái kia đi. Chẳng bao giờ nó bảo, “Cừ lắm, cậu đã làm được rất nhiều rồi, cậu có mệt mỏi không, có đau không?” Mình học tâm lý học với mong muốn giúp đỡ những người ở trong hoàn cảnh giống mình, nhưng nếu việc học làm mình kiệt quệ, không hạnh phúc, thì nó sai rồi. Người không biết yêu thương bản thân, không tôn trọng sự cố gắng của mình, thì cũng không thể làm điều đó với người khác. Làm sao mình có thể giúp người khác chăm sóc sức khỏe tinh thần của họ, nếu mình đối xử bạo lực, bỏ rơi chính tinh thần của mình.
Cho nên, sáng nay mình dậy, tắt wifi, ngồi trước gương, chải tóc cho mình và đắm chìm trong mắt mình. Mình nói với đứa ở trong gương, “Tốt lắm, Dương ạ, bạn đã cố gắng nhiều rồi, giờ bạn hãy nghỉ một chút.”
2
Ngày 3 tháng Mười một 2018
Đau người, chóng mặt, buồn nôn. Đau tới mức chỉ muốn nằm xuống, tới độ không tập trung để nghe nhạc nổi. Mãi mình cũng mở được cái email ra, nhưng chỉ nhìn nó chằm chằm, không đủ sức làm gì thêm cả.
Mình biết mình cần phải uống nước. Mình ngồi trên giường, cách bình nước một gang tay, và nhìn chằm chằm vào nó. Tất cả những gì mình phải làm là nhấc cái bình lên, rót nước và uống. “Cầm lên đi! Cầm lên đi!” mình tự nhủ, nhưng tay mình như đã hóa đá.
Ngày 5 tháng Mười một 2018
Cuối cùng mình cũng viết xong cái email. Một kỳ tích.
Ngày 16 tháng Mười một 2018
Nản. Sao mình cứ mệt hoài? Nóng người, choáng váng, buồn ngủ rũ rượi, mặc dù đã ngủ cả buổi chiều. Khó chịu quá. Mình chỉ muốn làm bất cứ điều gì để kết thúc được trạng thái này.
Dưới sàn lăn lóc mấy cuốn sách, lâu rồi mình chẳng buồn ngó tới dù mình vốn mê sách. Ai đó nói rằng trầm cảm không có nghĩa là thế giới của bạn bị phủ lên một lớp voan màu xám. Nó có nghĩa là bạn nghĩ rằng lớp voan hạnh phúc đã bị lấy đi, để lộ ra thế giới thực xám xịt. Người trầm cảm tin rằng họ đang nhìn thấy thực tại như nó là.
Tuần trước, mình lại phải gọi cho đường dây nóng hỗ trợ tâm lý. 15 12 17, cái số điện thoại quen thuộc. Ấm áp và bình tĩnh, bà trực điện thoại hỏi mình có ý định tự sát không, mình đang ở đâu, có ai bên cạnh không, mình vừa trải qua những gì. Phần lớn thời gian, bà ấy lắng nghe và không đưa ra những lời khuyên. Bà ấy không bảo là mình phải cố gắng lên, phải nghĩ tới bố mẹ, đừng có ích kỷ mà tự tử, hay cuộc đời đẹp lắm, có gì mà phải buồn.
Mình khóc rất nhiều và dịu xuống.
Hôm nay, mình xem lại cái kế hoạch an toàn mà mình và cô chuyên gia tâm lý đã làm với nhau năm ngoái.
Tôi sẽ tự nhủ là những suy nghĩ đó rồi sẽ qua đi, tôi sẽ gọi điện cho bạn thân, và không ra khỏi nhà.
Mắc lỗi.
Giao tiếp với người khác.
Suy nghĩ là mình vô giá trị.
<Điều gì quan trọng nhất với tôi và khiến tôi muốn sống vì nó?>
Em gái tôi.
Tôi sẽ khóc, khóc sẽ khiến tôi thấy dễ chịu hơn.
Tôi sẽ tự nhủ là kể cả khi không có ai bên cạnh, tôi vẫn có chính mình.
Sự tồn tại của tôi có ý nghĩa với em tôi, với bạn tôi.
Tôi đã không ở đây nếu sự tồn tại của tôi là vô nghĩa.
Liên (qua facetime).
Nếu không gặp được người đó, tôi sẽ gọi đường dây nóng.
Royal Hospital.
Mình đang cam kết với ai đây nhỉ, với cô tham vấn, với chính mình? Mình cũng không biết nữa, nhưng tờ giấy A4 nhàu nát này khiến mình dịu lại chút ít.
Ngày 21 tháng Mười một 2018
I just want the pain to stop. Please.
Ngày 30 tháng Mười một 2018
“Mày vô giá trị.”
“Mày không xứng đáng để sống.”
“Mày là gánh nặng cho gia đình và bạn bè. Cái chết của mày sẽ làm họ nhẹ gánh, nên là mày chết đi thì hơn.”
Những ý nghĩ đó vang lên trong đầu mình, rõ ràng và mạch lạc. Ngày đêm chúng đeo bám mình. Giống những dementor, lũ quái vật đen tối trong Harry Porter có khả năng hút cạn hạnh phúc của con người và tạo ra những không gian lạnh lẽo, tăm tối, khốn khổ và tuyệt vọng, những ý nghĩ này bóp méo cái nhìn của mình về thế giới và bản thân, rút kiệt niềm vui trong cuộc sống và chỉ để lại những ký ức của rùng rợn, mất mát và cô đơn. Trong truyện, dementor là những kẻ cai ngục tại nhà tù Azkaban, và chúng có khả năng khiến các tù nhân không thể có ý chí để vượt ngục. Mình đọc được là tác giả tạo ra hình ảnh những quái vật này từ những trải nghiệm trầm cảm của mình. Với bà, trầm cảm có nghĩa là “Không thể hình dung ra được là một lúc nào đó mình lại cảm nhận lại được niềm vui. Sự vắng mặt của hy vọng. Một cảm giác chết chóc nhưng rất khác với sự buồn bã.”
Mình không muốn chết đâu, mình muốn sống hạnh phúc và đủ đầy. Nhưng mình cũng muốn thoát khỏi cái đống cảm xúc và suy nghĩ này, chúng đang giày vò mình tới cùng cực.
Ngày 15 tháng Mười hai 2018
Mình nghĩ về cái chết của mình, từ chuyện lớn như là làm sao để thuyết phục bố mẹ cho mình hiến tạng, tới chuyện nhỏ như mình sẽ mặc gì khi mình chết.
Có một điều mình biết chắc, mình không muốn người ta nhìn mình và nói, “Nó đã tự tử.” Mình muốn người ta hiểu rằng, cuối cùng thì trầm cảm đã lấy đi mạng sống của mình, giống như ung thư hay các bệnh khác vậy. Mình không muốn cái chết của mình khiến những người đang đau khổ giống mình ngoài kia bị kỳ thị và dán nhãn thêm.
Và khi người ta nhìn mình, mình hy vọng họ hiểu được là mình đã dũng cảm, đã vật lộn kiên cường như thế nào. Đã sống với hy vọng và lòng trắc ẩn ra sao. Trong đêm đen dài hai mươi hai năm, mình đã trở thành ánh sáng cho chính mình như thế nào, bởi vì không ai, không một ai, có thể hiểu được những gì mình đã phải trải qua.
Ngày 24 tháng Một 2019
Mình đã ra khỏi trung tâm phục hồi của Royal Hospital sau gần hai tuần. Mình được gửi vào đó khi nguy cơ tự sát đã cao tới mức ở nhà không an toàn với mình nữa. Những tuần trước đó, mình đã phạm sai lầm là ép bản thân học quá nhiều, cho tới khi mình nghĩ tới việc tìm một nơi để nhảy xuống, dù trong bản kế hoạch an toàn, mình đã cam kết là “sẽ không ra khỏi nhà” khi có ý định tự sát.
Trung tâm đó có một phòng khách lớn, nơi mọi người có thể đọc sách, tô màu, chơi đàn guitar hay viết lời mong ước của mình rồi dán lên Cây Hy vọng ở trên tường. Phòng của mình có một cửa sổ lớn nhìn ra cái vườn rau, nơi có mấy con gà và một con mèo tha thẩn. Như ở một trại an dưỡng, mình nấu ăn, tưới cây, gặp chuyên gia tâm lý, cùng nhân viên đi dạo vào rừng hay tới cửa hàng tạp hóa mua kẹo. Mình vẫn được dùng máy tính, nhưng tám giờ tối thì phải nộp cho y tá. Ai cũng nhẹ nhàng, dễ chịu, ghi nhận nỗi đau của mình. Việc được tách ra khỏi môi trường cũ của mình và có người lắng nghe mình khiến mình thấy khá hơn.
* * *
Mình đang khóc, không ngừng được.
Mình luôn khóc như thế này khi biết ai đó chết vì trầm cảm. Không phải là tự tử - họ đâu có chọn cái chết vì họ thích chết. Họ bị bệnh ép tới chết.
Mình không nghe nhạc Linkin Park nhiều, cũng mới chỉ xem một phim của Robin William, nhưng mình cảm thấy nỗi đau của họ, mình thấy đau cho họ, tới mức mình phải bật khóc. Chẳng có sự giày vò thể xác nào có thể so sánh được với cái đau của trầm cảm. Và đau đớn thay, cái chết của người trầm cảm luôn là cái chết cô đơn. Ngoài kia là một cuộc sống tươi đẹp, nhưng họ đâu có thể chạm tới được. Ngoài kia có bao nhiêu người họ yêu quý, nhưng tình yêu đó bị nghiền nát bởi căn bệnh.
Ngày 23 tháng Hai 2019
Mình đã sống sót được qua năm vừa rồi như thế nào nhỉ? Nhiều hôm, chỉ nghĩ tới việc lên lớp thôi đã đủ khiến mình run rẩy. Nỗi sợ giao tiếp khiến mình đóng băng, chân tay hoá đá, miệng há ra mà không phát ra tiếng. Qua ánh mắt người đối diện, mình biết họ đang nghĩ rằng mình đần độn.
Mỗi ngày mình chỉ có thể làm việc được hai, ba tiếng, với điều kiện mọi thứ phải được sắp xếp ngăn nắp, tuân thủ nghiêm ngặt giờ ăn, giờ ngủ, giờ nghỉ, năng lượng phải được tiết kiệm tối đa. Giờ đây mình là một người khuyết tật rồi, trên bàn mình là cả tệp giấy cô tham vấn tâm lý gửi cho trường để xin cho mình được lùi hạn nộp bài.
Sáng mai mình sẽ dậy sớm đi xem cá voi ngoài biển, mình hy vọng mình làm được. Nhìn những đứa khác sống nhẹ nhàng, nhiều khi mình chạnh lòng ghen tị. Nhiều lần bạn bè hẹn đi chơi, mình háo hức lên kế hoạch, mua đồ này thức ăn kia, nhưng tới hôm đấy thì lại không thể ra được khỏi nhà. Nhiều đứa nghĩ rằng mình bày trò.
Ngày 26 tháng Ba 2019
Não mình như một cái míc quá nhạy, chỉ một xung động nhỏ cũng khiến cái loa rú rít lên rồi. Hôm nay mình bị panic attack ba lần, khi đang học bài, lúc đi chợ, khi nghe điện thoại. Đến lần cuối thì mình gục hẳn, phải nằm ra đất, tim đập thình thịch, chân tay run rẩy, đầu choáng váng. Mình thở gấp nhưng nông, thiếu ô xy, cơ thể lại càng cuống cuồng.
Cơn hoảng loạn thường được khởi đầu bởi suy nghĩ là mình vô dụng. Suy nghĩ này xâm chiếm tới mức mình tê liệt và không làm được gì nữa. Mình bắt đầu sỉ vả bản thân, và điều đó khiến cảm giác bản thân vô dụng kia lại càng bùng lên. Cuối cùng, mình bị nhấn chìm bởi đống rối ren trong đầu.
Thực lòng, ở tận sâu đáy lòng mình, mình vẫn còn thèm khát thành tích lắm. Mình vẫn còn muốn chứng tỏ với người khác và với cả bản thân lắm. Vẫn kín đáo so sánh điểm số, vẫn lo lắng người khác nghĩ gì về mình. Qua bao nhiêu năm rồi, mình bị lập trình như vậy. Bố mẹ đã luôn tiêm vào đầu mình rằng con phải là thứ nhất, không thì cũng là thứ nhì, nên mình bị ám ảnh lúc nào không hay. Hồi lớp mười một, ngày nào mình cũng chỉ ngủ vài tiếng, cày như một con trâu, tung hứng hết bài tập này tới bài tập khác. Sao hồi đó không ai nhận ra mình đang kiệt sức và tím tái như một con zombie nhỉ? Hồi ở Mỹ thì ngồi trong lớp mà mình cứ canh cánh trong lòng, đứa bên cạnh đã nói được bao nhiêu câu, mình đã nói được cái gì có giá trị chưa. Hôm nào mà không có ý kiến gì hay ho thì sẽ cảm thấy bản thân là cặn bã của xã hội.
Thùy Dương ơi, đừng có tham nữa, đừng có cố nữa, chấp nhận giới hạn của mày đi, lắng nghe cơ thể của mày đi. Từ bỏ sự sốt ruột muốn có một cuộc sống giống chúng nó đi! Ngừng ghen tị đi. Thôi tức giận và tiếc nuối về những năm tháng đã mất vì bệnh tật đi.
Ngày 19 tháng Tư 2019
Mình cứ lẩn tránh việc gọi điện cho chỗ vật lý trị liệu mãi, mình sợ. Đêm qua, chỉ hình dung ra sáng nay nhấn số điện thoại là tim mình đã đập thình thịch, người bật dậy, mắt mở thao láo, trong đầu đầy các hình ảnh họ chửi mắng vào mặt mình.
Nhìn lại bảng so sánh mức độ khuyết tật của một số bệnh tâm thần và một số bệnh khác của trường Đại học Eramus, Hà Lan, mình vẫn không khỏi ngạc nhiên.
Trầm cảm nhẹ - tương đương với viêm khớp hông hay đầu gối.
Rối loạn lo âu nhẹ nhẹ tới vừa - tương đương với nứt đốt sống. HIV.
Trầm cảm vừa - tương đương với hen suyễn nặng, viêm gan B, bệnh điếc, đa xơ cứng (rối loạn não bộ và tủy sống).
Rối loạn căng thẳng hậu sang chấn mức nặng - tương đương với liệt chi dưới, viêm phế quản kinh niên nặng, tổn thương thành phế nang phổi.
Trầm cảm nặng - tương đương với tổn thương não vĩnh viễn, ung thư vú đã di căn.
Thật khôi hài khi người ta khuyên những người trầm cảm là, “Vui lên đi, vẫn còn lành lặn tay chân là sướng lắm rồi.” Họ không hiểu gì cả.
Mình nghĩ là cũng như người bị tai nạn mất tay mất chân, mình vẫn đang phải trải qua quá trình chấp nhận thực tại mới mà không trở nên cay đắng.
Ngày 23 tháng Tư 2019
Tỉnh dậy sau giấc ngủ trưa, cả người mình nóng bừng như đang sốt, mồ hôi chảy thành dòng. Từ lúc bị bệnh, cơ thể của mình gần như không điều hòa được nhiệt độ nữa. Thấy đã muộn, mình vội đứng dậy nhưng ngã ngay xuống đất và phải nằm đó một lúc lâu. Mình nhìn trần nhà, ngay cả việc thở cũng đau, như là có ai đang siết chặt lồng ngực của mình, không cho nó nở ra để không khí đi vào.
Thật khó hình dung là đã có lúc mình đi lại nhanh nhẹn, đứng lên ngồi xuống nhẹ nhàng như không. Thật là kỳ quặc, tại sao một người đang sống bình thường lại có thể bị một cái bệnh hoàn toàn vô hình làm cho ngã xuống sàn mà không đứng dậy nổi? Mình vẫn không hiểu được.
* * *
Liệu mình có nên dùng xe lăn?
Bà trị liệu vật lý khuyên là đợt này mình cứ đi bộ tối đa mười phút thì lại phải nghỉ năm phút. Nhưng mình phải đi học, đi chợ, tới chuyên gia tâm lý. Mà trong trường, giữa các tòa nhà cũng xa ơi là xa rồi.
Tuần trước, bác sĩ đã chính thức cho bệnh đau của mình một cái tên: fibromalgia. Kiệt sức, đau toàn thân, cứng cơ, mất ngủ, sương mù fibro (đầu óc mụ mị, khó hồi tưởng và tập trung), đó là những gì Google nói với mình về bệnh này. Trong trường hợp này, quá trình xử lý các tín hiệu đau của hệ thần kinh trung tâm bị trục trặc. Người ta nói bệnh này có gốc rễ từ các sự kiện chấn thương tâm lý và từ gene, có trời mà biết được ở mình thì yếu tố nào là chính, nhưng biết thì cũng có để làm gì đâu? Mình chỉ muốn ngừng sự tra tấn này lại. Giật điện, cắt chân cắt tay, gì cũng được, nhưng cho mình một cuộc sống bình thường, có được không? Ăn thấy ngon, đọc sách thấy vào, tối ngủ được, sáng có thể ra khỏi nhà, thế thôi mà. Nhiều khi mình kinh ngạc quan sát những người khác, họ vui vẻ nói về thèm ăn món gì, mừng quá vì Grab có mã giảm giá, cuối tuần này đi chơi đâu.
Mình còn phải như thế này bao lâu nữa?
3
Ngày 7 tháng Mười hai 2019
Tuần trước, cô chuyên gia tư vấn và mình đặt mục tiêu với nhau là cho tới lần gặp tiếp theo, mình sẽ cố ra đường ba lần một tuần, mỗi lần chỉ năm phút cũng được. Thế này đã là tiến bộ rồi, hồi trước, đích của mình và cô ấy chỉ là mỗi ngày mình ngồi dậy, bỏ được chân xuống giường, ra đứng trước cửa mấy chục giây rồi lại đi vào.
Xem nào… Thứ Hai, mình đi dạo một chút. Thứ Ba, mình ra được gốc cây cạnh nhà, chôn mấy cái vỏ trứng xuống, coi như cũng được tính.
Thứ Tư mình thất bại toàn tập. Dậy siêu muộn, bỏ học, không thể vác xác ra khỏi nhà, chỉ nằm sỉ vả bản thân.
Thứ Năm cũng là một ngày mệt lử khác, nhưng ăn sáng xong, mình cố lê ra ngoài. Đầu tiên chỉ định đi bộ loanh quanh thôi, xong cuối cùng đi tuốt tới tận công viên cách nhà cỡ một ki lô mét, vừa đi vừa hát một mình, trời xanh, nắng vàng.
Mình đang rất, rất cố gắng. Thương mình nhiều.
Còn bây giờ, mình viết xuống năm điều mình đã làm được hôm nay và khiến mình biết ơn bản thân:
<Đi dạo ở công viên gần nhà.>
<Đã có một giấc ngủ tốt> (đáng nhẽ mình phải viết điều này đầu tiên).
Cái này khó quá, mình vẫn đang cố gắng, mình chưa thực sự làm được. Hai mươi năm cuộc đời không phải nằm viện ngày nào, đi đây đi đó, thích gì thì làm nấy, mà giờ đây chỉ mong ăn ngon được một bữa, ngủ ngon được một giấc.
Ngày 28 tháng Một 2020
Bố ạ, bố có thể đặt mọi luật lệ và bắt mọi người trong nhà tuân thủ. Bố có thể thấy mình có quyền lực vô biên, mình đang trị vì một vương quốc nhỏ với bàn tay sắt. Bố nhắc đi nhắc lại con là kẻ vô dụng và bố không thèm quan tâm tới cảm xúc của chị em con. Và bố có thể tự hào về điều đó.
Nhưng bố ơi, để con nói bố nghe, cái giá phải trả cho quyền lực của bố rất đắt, bố ạ. Bố sẽ không bao giờ hiểu được là con người phức tạp như thế nào, họ có cảm xúc, có nhân phẩm, họ cần được tôn trọng ra sao. Bố đã đánh mất cơ hội trở thành một người cha thực thụ. Bố sẽ không bao giờ biết con và em con. Chúng con không thể hiện bản thân mình với kẻ luôn đe dọa mình và sử dụng mình như công cụ.
Con sẽ trả bố tất cả số tiền, tất cả những vật chất mà bố đã đầu tư vào con. Nhưng tình yêu thì không. Không bao giờ. Con sẽ không trao cho bố tình yêu thương, bởi bố chưa bao giờ trao cho con điều đó. Và bởi bố không xứng đáng. Bố chỉ là một nhà độc tài cô đơn trên một cái ngai vàng đắt tiền. Điều đó mới đáng buồn làm sao.
* * *
Nếu có điều gì quan trọng nhất mình học được trong quá trình tham vấn tâm lý năm qua thì đó là việc trong quá khứ mình đã nín nhịn, không dám lên tiếng, tiếp tục để bố làm tổn thương, rồi bị gặm nhấm bởi nỗi giận dữ ngấm ngầm trong lòng. Từ nửa năm nay, mình cố gắng thay đổi, đứng thẳng lưng và không im lặng nữa. Đây là một phần của quá trình trưởng thành và chữa lành của mình.
Cô chuyên gia cũng giúp mình nhận ra rằng một phần của vấn đề của mình đến từ sự lo lắng cho em mình, mình sợ nó cũng sẽ bị giống mình khi nó cứ phải sống với bố mẹ như vậy. Mình cần buông bỏ và chấp nhận rằng mình không thể kiểm soát được hoàn cảnh, không thể bảo vệ được em ở mức mình mong muốn. Điều mình có thể làm được là chữa lành tốt nhất cho bản thân, để sau này em mình có chỗ để dựa vào, có người giúp đỡ, hướng dẫn cho nó. Mình thấy nhẹ nhõm hơn rất nhiều sau khi bỏ xuống được gánh nặng mà mình đã mang trên vai năm, sáu năm nay.
Ngày 16 tháng Ba 2020
Hôm nay, sau rất nhiều dũng cảm, quyết tâm, thở sâu, thiền, đi dạo, mình đã mở email. Cả tuần rồi, mình không dám, thậm chí đêm ngủ còn mơ thấy mình mở hòm thư email ra và thấy mọi người chửi bới mình trong đó. Lúc này mình vừa nhìn màn hình vừa run, nhưng mà có ai làm gì mình đâu.
Thực ra mình đã đỡ nhiều. Trước ngồi trong lớp chỉ sợ có ai quay ra bắt chuyện, giờ thì mình đã thi thoảng phát biểu, thậm chí còn cười với giảng viên. Từ đầu năm đến giờ, mình học môn hát trong dàn hợp xướng. Với một đứa bị bệnh như mình thì đây quả là một trải nghiệm hãi hùng. Nhưng từ từ mình tự tin hơn, tận hưởng niềm vui hát nhiều hơn, và mình còn đăng ký hát một đoạn solo trong buổi biểu diễn cuối năm nữa. Oa… mình thấy ngạc nhiên với chính mình.
Mọi chuyện đang tốt dần lên. Lúc nãy mình đi phỏng vấn về, cả một cơn gió thật to trên đường, mình dang hai tay ra, để gió thổi vào mặt, tóc dài bay đằng sau. Một anh trên xe ô tô đang đợi đèn đỏ, kéo kính xuống, gào lên, “You are gorgeous!” Xấu hổ quá, mà cũng dzui ghê.
* * *
Hôm qua cô chuyên gia viết cho mình một lá thư trước khi cô ấy chuyển đi sống ở thành phố khác.
Duong, tôi nhớ rằng khi tôi gặp bạn lần đầu, bạn kể về những cảm xúc buồn và tuyệt vọng của mình. Bạn kể rằng mình gặp những cơn hoảng loạn, rằng bạn nghĩ tới việc đầu hàng, rằng bạn nghĩ là mình không đáng sống.
Bạn mô tả một quan hệ với cha mẹ đầy xung đột. Bạn kể là khi bạn lớn lên, họ luôn bận rộn, rằng bạn có người trông trẻ, người nấu ăn, người giúp việc và tài xế nhưng thèm khát tình yêu thương và quan tâm của bố mẹ. Bạn kể là bố bạn thường xuyên chỉ trích và đánh bạn, rằng bạn chỉ nhận được lời khen khi đạt thành tích tốt ở trường. Những trải nghiệm này đã khiến bạn nhập tâm những lời chỉ trích của bố mẹ và đánh đồng giá trị của bản thân với thành tích trong học tập.
Hồi còn ở Việt Nam, chỉ một câu “Đồ vô dụng” mà bố hay mẹ nói với em gái cũng kích hoạt toàn bộ ký ức của mình, khiến mình bị kích động và chìm vào trong suy nghĩ mình không có giá trị gì, mình chết đi thì hơn. Sau này, mình phải liên tục tự nhủ, không phải vậy, không phải vậy, bố mẹ nói vậy vì chính họ sợ hãi cuộc đời của họ thất bại, sự nghiệp dạy con của họ thất bại. Tới giờ, mình cần quá nhiều sức lực để nhận diện và cưỡng lại suy nghĩ mình không làm được điều gì đó thì nghĩa là mình là đồ bỏ, để tự nhủ, mình tới đây để học, và mình sẽ phạm lỗi, mình không thể hoàn hảo, góp ý của giáo viên không liên quan tới giá trị con người mình.
Mặc dù vậy, bên cạnh giọng nói chỉ trích còn có một giong nói nhẹ nhàng và trắc ẩn bên trong bạn, và chúng ta đã tập trung vào nó. Đó là giọng nói của cô gái Duong nhạy cảm, dịu dàng, tốt bụng, cô gái đã xuất hiện và lớn lên trong quá trình chúng ta làm việc cùng nhau. Tôi hy vọng bạn nhớ những bài học về sự tự quan tâm và tự thương mình mà chúng ta đã trao đổi, nhớ những điều quan trọng cho sự an lạc: chấp nhận các cảm xúc của mình, dù tích cực hay tiêu cực, cho phép mình có thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn, kết nối với thiên nhiên, dành thời gian cho bạn bè, thiền, bơi, đi dạo và ra khỏi nhà mỗi ngày.
Duong, bạn đã phát triển được một cái nhìn sâu sắc về quan hệ của mình với cha mẹ, cũng như về tác động mà nó vẫn đang có tới con người bạn. Cái nhìn này giờ đây giúp bạn nhận ra những khuôn mẫu lặp lại trong quan hệ và giúp bạn thay đổi chúng.
Bạn đã rất cố gắng để nhận diện những suy nghĩ tiêu cực bên trong mình và những cách hành xử lặp lại cứ trỗi dậy trong cuộc sống hằng ngày. Bạn đã rất dũng cảm và nhận ra rằng việc tới lớp không quá khủng khiếp như bạn nghĩ, và nỗi sợ hãi rằng bạn không “đủ tốt” là không có cơ sở. Tôi đã quan sát bạn học cách nhận diện, chấp nhận và ở bên những cảm xúc khó khăn nhất của mình như là tội lỗi, sợ hãi và đau buồn.
Duong ạ, bạn có thể sẽ tiếp tục phải vật lộn với rối loạn lo âu trong giao tiếp, cũng như với sự thiếu tự tin. Đây là những điều mà bạn vẫn đang nỗ lực để cải thiện, tuy nó cũng dễ hiểu, vì bạn đang sống ở một đất nước xa lạ và học bằng ngoại ngữ. Trong tương lai, khi bạn nhận ra những khuôn mẫu suy nghĩ và hành xử cũ lại trỗi dậy, việc đọc lại và suy ngẫm về lá thư này có thể có ích cho bạn. Điều này đặc biệt quan trọng ở những thời điểm mà chúng ta đã thấy là tạo áp lực cao: các đợt thi cử, những lúc bị bố mẹ trách mắng, hay khi thiếu ngủ. Hãy nhớ, trong tương lai, khi bạn thấy mình lại vật lộn với những triệu chứng của bệnh, hãy nhẹ nhàng với chính mình và tìm tới sự trợ giúp.
Chúc bạn mọi điều tốt đẹp. Tôi đã có một quãng thời gian thật đẹp khi làm việc với bạn.
* * *
Mình đã khóc vì biết ơn khi đọc lá thư. Mình nhớ tới sự thờ ơ hay thái độ gắt gỏng mà mình và những người khác nhận được khi tới khám ở bệnh viện Việt Nam. Đến bao giờ thì họ nhận được sự thấu cảm và lòng trắc ẩn mà mình nhận được trong những năm tháng mình sống ở đây? Đến lúc nào thì có ai đó đưa cho họ cái khăn giấy khi họ khóc trong buổi khám, có ai đó nói với họ, “Thật là buồn là cháu đã phải trải qua những điều này.” Mong muốn giúp đỡ họ chính là điều giúp mình có thể đi tiếp.
Ngày 28 tháng Tư 2020
Nhớ lại những ngày mình nằm một chỗ, không nói được, không cười được, chỉ nhìn thấy cái mầm cây mới nhú trong cái hộp. Đó là lúc mình thấy sợ, sợ là mình có thể sẽ chết trước khi mình kịp sống một cách có ý nghĩa, một cuộc sống vượt ra ngoài điểm số, tên tuổi của trường, không bị thiêu đốt bởi cảm giác mình không đủ, mình cần phải làm nhiều nữa để bố mẹ tự hào.
Hồi đó, hôm nào mình leo được lên sân thượng thì mình sẽ ngồi trên đó rồi hát bên Lily và cái cây lộc vừng của ông. Thật là kỳ lạ, trong những ngày tối tăm nhất, khi mình không có cả khả năng nói chuyện với con người, thì mình vẫn muốn hát cho những cái cây và con mèo nghe. Có lẽ điều làm mình sống sót được tới giờ là lòng mong mỏi muốn được chăm sóc, an ủi, hoặc ít nhất là ở bên cạnh những sinh vật nhỏ bé khác.
Mình không mong trầm cảm xảy ra với mình hay bất cứ ai khác, nhưng trầm cảm cũng đã thay đổi mình để thành tốt hơn. Nó khiến mình rời bỏ được những kỳ vọng là mình phải xuất chúng. Nó khiến mình có khả năng thấy mầm cây mới nhú kia là thứ đẹp nhất trên đời.
Nên là bây giờ, mình chỉ muốn là một người bình thường, như một áng mây, một cành cây, một ngọn cỏ ven đường. Mình không cần ai công nhận, không phải chứng tỏ gì với ai cả. Mình chỉ ngắm cây rau răm của mình ra lá và nghiêng mình chào nó.
Ngày 7 tháng Chín 2020
Tạm biệt Lily. Chị mong giờ đây em không còn đau đớn. Thật đau buồn khi chị không thể ở bên em những phút cuối của em.
Mẹ kể là hồi chị sang Mỹ học, em lang thang trong nhà tìm chị hằng đêm, em đợi chị trở về.
Đêm nay mình lại không ngủ được, lại ngồi nhìn ra ngoài trời và nhớ lại thời điểm này bốn, năm năm trước. Trong những ngày đó, lúc mình mới từ Mỹ về, ở dưới đáy của trầm cảm, đêm nào cũng nhìn ra ngoài trời và khóc, Lily đã chào đón mình trở về, đã luôn quẩn quanh bên mình, đã nghe mình hát suốt những bài mình tự động viên.
Lily không hề đòi hỏi mình làm gì với cuộc đời mình, miễn là được ở cạnh mình.
Ngày 29 tháng Mười hai 2020
Hôm nay là một ngày nắng đẹp tuyệt vời. Mình ra ngồi dưới gốc cây cổ thụ ở công viên gần nhà, trên đầu là một bầu trời xanh rực rỡ.
Lại một năm đã qua, mình vẫn đi từng xăng ti mét một trên hành trình chữa lành của mình. Có những đợt, mình vẫn sợ, sợ đủ thứ, mỗi đêm đặt lưng xuống là sợ. Không còn ào ạt như những cơn bão như trước kia nữa, nhưng nỗi sợ vẫn là những trận gió đông, nó khiến mình không dám tới bể bơi mới của trường, khiến mình run lập cập khi mở laptop để viết bài luận. Có những ngày mình tin vào giọng nói trong đầu mình, nó nói rằng mình là một đứa con gái ngu ngốc, ngớ ngẩn, có cố gắng muôn đời cũng không thể thay đổi được. Có những ngày khác mình chỉ ước có thể dừng lại mọi thứ, tắt hết mọi cảm giác, không còn phải cảm nhận gì hết nữa. “Vì sao lại là tôi? Vì sao tôi phải chịu đựng tất cả những thứ này?” câu hỏi đó cứ lải nhải trong đầu mình.
Nhưng rồi mình lại nhớ ra để tha thứ cho chính mình, để nói với bản thân, “Bạn mệt rồi, bạn đã rất cố gắng rồi, cảm ơn bạn. Nghỉ ngơi đi, bạn thân, bạn xứng đáng được hưởng điều đó. Dù gì chăng nữa, tôi vẫn ở bên bạn.” Rồi mình lại tự nhắc nhở rằng mình vẫn đang học để ôm lấy cuộc sống này, với tất cả những khó khăn, những cảm xúc, những đau đớn, những đêm khó ngủ của mình. Mình muốn chấp nhận và yêu thương nó bằng tất cả trái tim của mình. Cách đây hai tháng, mình vui mừng đánh dấu tuần cuối cùng trong chương trình cử nhân của mình, nhưng điều thành công nhất với mình không phải là tấm bằng, mà là việc mình đã điều độ được, đã không để bản thân quá đà lao vào học hành và công việc, đã hạn chế trách móc, sỉ vả bản thân là vô dụng, kể cả những lúc mình rơi vào vòng xoáy nghiện phim, xem liền sáu, bảy tiếng.
Hôm nay, dưới gốc cây khổng lồ, mình lại cảm thấy vô cùng trống rỗng. Trong mình trỗi dậy mong muốn lấp đầy cái lỗ hổng đó, dấy lên nỗi sợ phải đối mặt với chính mình, với những cảm xúc và suy nghĩ ngổn ngang, với những nỗi hoài nghi và lo âu về tương lai và những áp lực mình tự đặt ra. Trước kia, mình sẽ lướt điện thoại, vào các trang tin nhiều tới mức chúng không kịp ra bài mới. Sẽ xem nát cả trang phim. Pin điện thoại của mình sẽ hết vùn vụt. Mình sẽ có cảm giác bị kẹt, sẽ vĩnh viễn đau người, vĩnh viễn cần thêm phim nữa, vĩnh viễn cày trên mạng để tìm thêm khóa học này, chỗ thực tập kia, để quên đi thực tại. Nhưng hiển nhiên rồi, tất cả những điều đó không thể khiến mình quên đi cái bất an mình không muốn đối mặt trong tim. Và khi đó, mình nguyền rủa nó.
Nhưng hôm nay, mình sẽ ôm ấp nó, sẽ thương yêu nó bằng tất cả những ấm áp dịu dàng của một ngày nắng đẹp tuyệt vời. Nó gõ cửa, mình mời nó vào nhà, cùng uống một chén trà, ngồi bên nó cho tới thời điểm nó rời đi. Trầm cảm không định nghĩa con người mình, nhưng mình chấp nhận nó như một phần của hành trình, của trải nghiệm sống của mình. Trầm cảm đã thay đổi mình. Nó dạy mình tôn trọng bản thân, nhận biết, gọi tên các cảm xúc của mình. Nó cũng khiến mình trở nên trắc ẩn hơn, nhạy cảm hơn với những nỗi đau, những cuộc vật lộn âm thầm của người khác thay vì chằm chằm vào thành tích của họ. Giờ đây, mình có một tự sự, một lịch sử, mình thấy có ý nghĩa và đầy đủ. Từ nạn nhân, mình đã trở thành survivor, có mong muốn quay lại giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ, khiến họ nhìn những người như mình mà có hy vọng.
Thùy Dương ơi, hãy nhớ, không cần sống chết vì một mục tiêu, một thứ gì trên đời. Điều quan trọng nhất là bạn chạm vào từng hơi thở của cuộc sống này, chậm rãi và sâu.
Ngày 2 tháng Một 2021
Năm mới, nguyện làm một người bình thường, bình an.
Vững chãi, thảnh thơi.
Bất kể mình có hoàn thành được gì ngày hôm nay hay không, mình vẫn có giá trị, không ai có thể lấy nó ra khỏi mình.
Mình không phải kẻ thù của chính mình, mình xứng đáng được trân trọng và yêu thương.