Đại Dương Đen - Chương 19

19

DẪN NHẬP VỀ TRỊ LIỆU TÂM LÝ

Có lẽ ngoài một số người trẻ đô thị ra thì trị liệu tâm lý vẫn còn là một điều mới mẻ với người Việt. Nhiều người, đặc biệt người lớn tuổi, không quen với việc nhìn vào những cảm xúc và suy nghĩ của mình, huống hồ là kể chúng cho một người lạ. Theo quan sát cá nhân, chỉ một số bệnh viện tâm thần hay khoa tâm thần ở Việt Nam có dịch vụ trị liệu tâm lý, và thường nó cũng chỉ được nhắc tới một cách qua loa vào cuối phiên khám hay tái khám, chứ không được giới thiệu như là một liệu pháp ưu tiên cho mức bệnh nhẹ, hay để áp dụng đồng thời với thuốc cho mức trung bình và nặng, cũng như là một biện pháp hiệu quả cho giai đoạn bảo trì, phòng bệnh tái phát. Hiện nay, trị liệu tâm lý không được bảo hiểm y tế chi trả. Điều này đáng tiếc nhưng cũng dễ hiểu, đến tận đầu năm 2019, Hội Tâm lý Trị liệu Việt Nam mới được thành lập, và tới cuối năm 2020 thì danh mục nghề nghiệp của Việt Nam mới có mã số cho nghề mang tên “nhà tâm lý học”. “Nhà trị liệu tâm lý” là một trong những phân loại nhỏ của nghề này.

Hiện nay trên thế giới có tới hàng chục trường phái trị liệu tâm lý khác nhau, dựa trên những mô hình lý thuyết khác nhau. Mỗi trường phái lại có những phiên bản riêng cho các tâm bệnh khác nhau, ví dụ liệu pháp nhận thức hành vi cho trầm cảm, hay liệu pháp nhận thức hành vi cho rối loạn lo âu. Ngoài ra, lại có những phiên bản cho các đối tượng thân chủ khác nhau, nên cuối cùng người ta sẽ có liệu pháp nhận thức hành vi cho người trẻ trầm cảm, hay liệu pháp nhận thức hành vi cho cựu chiến binh có rối loạn căng thẳng sau chấn thương.

Các trường phái quan trọng và phổ biến nhất hiện nay đã được phát triển và tinh chỉnh qua nhiều thập kỷ và được nhiều nghiên cứu độc lập đánh giá mức độ hiệu quả. Tuy nhiên, nhìn bên ngoài, người ta chỉ thấy hai người ngồi nói với nhau cái gì đấy. Điều này dẫn tới tâm lý phổ biến ở Việt Nam là trị liệu tâm lý không thực sự cần thiết, nó tốn tiền và tốn thời gian, “mình không giúp mình thì không ai giúp được mình cả” (như mẹ của Uyên vẫn hay nói). Ở thái cực kia, nhiều người tìm tới nhà trị liệu tâm lý như tới bác sĩ để được cắt thuốc giảm sốt hay đau dạ dày, họ kỳ vọng nhận được một số “bí kíp” mì ăn liền cho hoàn cảnh của mình, hoặc nhà trị liệu sẽ giải quyết vấn đề hộ họ như lấy cái dằm ra khỏi tay. Nhiều người yêu cầu nhà trị liệu làm trầm cảm biến mất trong khi họ không phải thay đổi gì, và thất vọng, thậm chí tức giận khi được biết điều này không khả thi. Mặt khác, có rất nhiều “chuyên gia” sẵn lòng đáp ứng tâm lý đó và tuyên bố có thể chữa triệt để và nhanh chóng mọi trường hợp trầm cảm bằng một liệu pháp mà chỉ họ mới nắm được còn các chuyên gia đầu ngành trên thế giới thì không. Chúng ta nhớ lại ông thầy lang ấn tay lên đầu Dũng.

Nhiều người có thiện chí thì hay thực lòng khuyên người trầm cảm, “Suy nghĩ tích cực lên chứ” hay “Chuyện nhỏ, có gì mà buồn.” Đáng lưu ý là với bệnh sợ độ cao hay sợ đi máy bay, người ta chấp nhận rằng câu chuyện phức tạp hơn chứ không thể giải quyết được bằng câu nói, “Đừng sợ, máy bay không rơi đâu.” Người ta cũng không để ý rằng khuyên người trầm cảm, “Suy nghĩ tích cực lên chứ” thì cũng ít hữu ích như yêu cầu người chơi tennis, “Phát bóng chính xác lên!”

Nếu như huấn luyện viên giúp người chơi tennis nhận biết điều gì khiến cho họ phát bóng không chính xác, họ đã nhiễm động tác hay tư thế bất lợi nào mà giờ đây cần phải thay đổi, thì qua thời gian, nhà trị liệu tâm lý giúp thân chủ thay đổi các khuôn mẫu nhận thức của mình, hay giúp họ nhận ra và giải quyết xung động trong các quan hệ liên cá nhân, hay giúp họ phát triển khả năng tham gia lại vào các hoạt động trong cuộc sống, hay giúp họ ý thức được về quá trình suy nghĩ quanh quẩn, rối rắm của mình và thoát khỏi nó.

Giống trong thể thao, trong trị liệu tâm lý, sự tiến bộ không xảy ra dần đều. Có thể không có thay đổi nào đáng kể trong một thời gian, rồi một dịch chuyển xuất hiện, sau một số phiên làm việc quan trọng. Điểm giống tennis là nhà trị liệu này, phương pháp này thì có thể hợp với người này nhưng không hợp với người kia. Ngoài vai trò của nhà trị liệu, việc thay đổi môi trường của người trầm cảm, đặc biệt là những người yếu thế, ví dụ cha mẹ thay đổi cách giáo dục con, hay thầy giáo thay đổi cách làm việc với học trò, cũng có thể quan trọng không kém. Do vậy, trong một môi trường hoàn hảo, mô hình trị liệu sẽ phải có sự tham gia của nhiều bên khác nhau: bác sĩ tâm thần cắt thuốc, nhà trị liệu tâm lý tác động vào suy nghĩ và nhận thức của thân chủ, nhân viên công tác xã hội hỗ trợ để giảm nhẹ các áp lực ngoại cảnh như khó khăn tài chính, xung đột trong hôn nhân hay bạo lực trong gia đình.

* * *

Dù có sử dụng phương pháp nào thì các chuyên gia cũng thống nhất là có những yếu tố chung quan trọng trong tương tác giữa nhà trị liệu và thân chủ để quá trình trị liệu hữu ích và mang tính chữa lành. Thậm chí, nhiều người còn cho rằng những yếu tố nền tảng này quan trọng hơn các kỹ thuật cụ thể của một phương pháp. Do vậy, dù không làm trị liệu tâm lý chuyên nghiệp, cũng hữu ích khi chúng ta tìm hiểu về những yếu tố này. Thứ nhất, qua đó ta có thể giúp ích cho người khác khi họ ở trong trầm cảm hay có vấn đề liên quan tới sức khỏe tinh thần nói chung. Không phải ai trong số họ cũng có thể tìm được tới một nhà trị liệu phù hợp, và kể cả khi đó thì tương tác đúng đắn của chúng ta cũng là liều thuốc bổ bổ trợ cho họ. Thứ hai, nếu bản thân hay người thân của chúng ta trong tình huống cần một nhà trị liệu, chúng ta có thể biết được là ai là người phù hợp và đáng tin cậy.

Vậy các yếu tố cơ bản chung, cần thiết cho một tương tác mang tính trị liệu là gì? Muốn giúp người trầm cảm, chúng ta cần phải có những gì? Phần cuối của chương này nói về quan hệ giữa nhà trị liệu và thân chủ, nhưng ta hoàn toàn có thể sử dụng nó cho tương tác của mình với người thân, bạn bè hay đồng nghiệp mắc trầm cảm.

Carl Rogers, một trong những nhà tâm lý đầu tiên đặt nền móng cho các nghiên cứu về khái niệm “liên minh mang tính trị liệu” giữa nhà trị liệu và thân chủ, cho rằng cá nhân nhà trị liệu cần phải có ba yếu tố. Đó là lòng thấu cảm, là sự quan tâm, tôn trọng thân chủ vô điều kiện, và là sự chân thực, thống nhất với bản thân.

Thấu cảm hay được định nghĩa là khả năng hiểu được những suy nghĩ, cảm xúc và các trải nghiệm của người khác, khả năng nhìn thế giới bằng con mắt của họ, dù họ có một lịch sử rất khác mình. Để hiểu được thân chủ, nhà trị liệu lắng nghe không phán xét, ghi nhận không chỉ nội dung ngôn từ mà cả ngôn ngữ cơ thể của người đó, lúc nào họ cúi đầu, khi nào người họ chùng xuống. Cái nhìn chăm chú của nhà trị liệu là cái nhìn của sự mong muốn tham dự vào thế giới của người kia, không phải một cái nhìn dò xét, truy vấn hay nghi ngờ. Mặt khác, Rogers cũng nhấn mạnh, dù ý thức được bên trong người kia đang xảy ra những gì, nhà trị liệu không bị nhập vào họ, ranh giới vẫn được giữ, anh không bị “lây lan cảm xúc”. Nhà trị liệu cũng không đặt mình vào vai trò người cứu rỗi, phải giải quyết hộ các vấn đề của thân chủ. Anh ý thức về giới hạn của vai trò của mình.

Yếu tố thứ hai mà Rogers nói tới là sự quan tâm, tôn trọng vô điều kiện - những chữ khác hay được dùng trong ngữ cảnh này là lòng yêu thương, cảm tình hay trìu mến. Trong nó có sự ghi nhận, chấp nhận dành cho mọi khía cạnh của những trải nghiệm của thân chủ, bao gồm cả những mâu thuẫn, nếu có. Sự tôn trọng mà nhà trị liệu dành cho thân chủ phải chân thành, anh phải thấy sự hiện diện của nhân chủ là có giá trị, cuộc gặp gỡ là một trải nghiệm tích cực với mình. Cuối cùng, sự quan tâm và tôn trọng này không được đi kèm với mong muốn chiếm đoạt, điều khiển, thao túng, hay các điều kiện như, “Tôi chỉ yêu mến bạn nếu bạn nghe lời và làm theo những gì tôi yêu cầu với tư cách là nhà trị liệu.”

Yếu tố thứ ba là sự chân thực của nhà trị liệu, theo nghĩa không giả, không đeo mặt nạ, đóng vai, dù đó là vai của một chuyên gia; nhà trị liệu thống nhất với bản thân mình. Để làm được điều đó, anh phải ý thức được những gì xảy ra bên trong mình mà không bị chìm đắm trong những gì mà thân chủ kích hoạt trong anh. Anh hiện diện trong khoảnh khắc. Không những chỉ hướng ra ngoài, tới thân chủ, nhà trị liệu chăm chú hướng vào trong để biết được những suy nghĩ, cảm xúc, cảm giác cơ thể của mình, không phán xét chúng mà cũng không để chúng kéo mình đi trong vô thức.

Đây là một tình huống mà tác giả Mick Cooper và đồng nghiệp lấy làm ví dụ cho việc nhà trị liệu đánh mất sự hiện diện của mình: thân chủ khóc, mẹ cô mới qua đời, và giờ đây trong cô đầy tội lỗi vì nhiều lần trong quá khứ cô đã cãi nhau với mẹ. Nhà trị liệu vừa lắng nghe vừa cảm thấy bối rối, anh lo sợ rằng mình không có khả năng giúp đỡ thân chủ. Trong đầu anh luẩn quẩn những ý nghĩ rằng mình vô dụng và kém cỏi. Anh ở trong trạng thái không thống nhất giữa con người lý tưởng mà anh muốn hướng tới, một nhà trị liệu thông thái, và con người mà anh cho là thực tế mình đang là vậy, một cá nhân lúng túng và bất lực. Ký ức về những hoàn cảnh tương tự tràn về, khiến anh thêm sỉ vả bản thân. Để giữ cái vai mà anh muốn đóng, anh dùng mấy câu nói khuôn sáo và cứng nhắc để phản hồi. Thân chủ nhận ra điều đó. Sau một phút im lặng, cô lau nước mắt và chuyển chủ đề. Cả hai đều cảm thấy sự kết nối giữa hai người bị đứt gãy.

Trong ví dụ trên, nhà trị liệu có thể thiết lập lại được sự thống nhất với mình bằng cách trở về với thực tại, thở sâu, chia sẻ cảm giác bất lực của bản thân với thân chủ, cũng như quan sát của mình về sự đứt gãy mới xảy ra giữa hai người. Thân chủ cảm nhận được sự chân thành của anh, con người thật của anh, chứ không phải cái mặt nạ nhà chuyên môn mà anh đã đeo, cảm thấy được mời chào để tiếp tục mở lòng. Sự kết nối giữa hai người được hàn gắn và trở nên sâu sắc hơn.

Các chuyên gia khác cũng nói tới trắc ẩn như một yếu tố cơ bản trong liên minh mang tính chữa lành này. Theo triết gia Nussbaum, trắc ẩn có ba yếu tố. Thứ nhất, ta tin rằng sự đau khổ của người kia không phải là một điều vớ vẩn. Những người nói, “Có mỗi thế thôi mà cũng vật vã” hay “Chỉ vì một thằng con trai mà trầm cảm” là người không có yếu tố này, họ cho rằng sự đau khổ của người kia là điều gì đó không hợp lý, và do vậy không đáng để được chú ý, để nhận được sự chăm sóc. Thứ hai, ta tin rằng người đau khổ không đáng nhận được sự đau khổ đó. Những người nói rằng, “Phải thế nào thì mẹ / bố / chồng bạn (người gây ra đau khổ) mới hành xử như vậy chứ” đã ngầm mặc định rằng người đau khổ có lỗi nên đáng bị như vậy. Thứ ba, ta hiểu rằng mình có thể rơi vào vị trí của người đau khổ, rằng mình và họ giống nhau, mình có thể có số phận của họ. Chính vì vậy, những người ý thức được về những khiếm khuyết và tổn thương của mình sẽ nhạy cảm hơn với những đau khổ của người khác. Chúng ta chỉ có thể thực sự giúp được người trầm cảm nếu ta nhìn thấy ta ở trong họ, hiểu rằng điều xảy ra với họ có thể xảy ra với bất cứ ai.

Ấm áp là một phẩm chất khác. Trong ấm áp có sự nhẹ nhàng, cởi mở, chấp nhận người trầm cảm như chính họ. Nhà trị liệu giữ đúng khoảng cách cần thiết, ấm áp nhưng không suồng sã, gần gũi nhưng không quá thân mật, dễ chịu nhưng không buông thả. Trong ấm áp có sự giản dị nhưng vững chãi, khiến thân chủ yên tâm để chia sẻ, điều sẽ không xảy ra khi ta hoảng hốt, căng thẳng, lo lắng hay co lại ghê sợ khi nghe chuyện của họ. Đây là điều mà nhiều người thân của người tự hại hay người tự sát hay mắc phải.

Chúng ta đã nhiều lần nhấn mạnh tới thái độ không phán xét như một tiền đề cần thiết cho tương tác của mình với người trầm cảm. Nhưng không phán xét nghĩa là như thế nào? Đây là một ví dụ, phỏng theo Randy P. Auerbach và đồng nghiệp:

* * *

Trao đổi mang tính phán xét

Thân chủ: Cháu biết là không nên làm vậy, nhưng tuần qua cháu lại cắt tay.

Nhà trị liệu: Lại cắt à???

Thân chủ: Vâng, đây là điều duy nhất có thể làm cháu cảm thấy dễ chịu hơn trong thời điểm này.

Nhà trị liệu: Hừm, thế này thì không được! Cái này mình đã nói chuyện với nhau rồi, cháu đã hứa rồi mà!

Thân chủ (nói khẽ, ngập ngừng): Vâng..

* * *

Trao đổi không phán xét

Thân chủ: Cháu biết là không nên làm vậy, nhưng tuần qua cháu lại cắt tay.

Nhà trị liệu: Chà, có vẻ như những ngày qua rất tệ đối với cháu nhỉ.

Thân chủ: Vâng… Cháu không muốn, nhưng rồi nó lại xảy ra.

Nhà trị liệu: Chú hiểu. Thế cháu có chuyện gì khiến tuần trước tệ như vậy?

Thân chủ: Bố mẹ cháu cãi nhau một trận rất to, rồi cháu bị trượt một môn quan trọng, rồi cháu phát hiện ra cô bạn gái thân lên mạng nói xấu cháu.

* * *

Rõ ràng tương tác thứ hai có ích hơn trong việc gợi mở để hai người hiểu hơn hoàn cảnh của thân chủ và cùng tìm hướng giải quyết.

Nhiều người lầm tưởng thấu cảm và không phán xét nghĩa là “về phe” với thân chủ, như trong ví dụ sau, cũng phỏng theo Randy P. Auerbach:

_*Về phe*_

Thân chủ: Hôm qua mẹ cháu chửi cháu cả tối, chỉ vì cháu đi chơi với bạn trai về muộn.

Nhà trị liệu: Thế à, mẹ cháu quá đáng nhỉ! Có thế mà cũng làm to chuyện, cháu có còn bé nữa đâu.

_*Trung lập và quan tâm*_

Thân chủ: Hôm qua mẹ cháu chửi cháu cả tối, chỉ vì cháu đi chơi với bạn trai về muộn.

Nhà trị liệu: có vẻ như chuyện đó làm cháu rất buồn và mệt mỏi nhỉ. Cháu có thể kể thêm về quan hệ của cháu với mẹ được không?

Việc về phe có thể trong ngắn hạn khiến thân chủ thấy mình có được đồng minh, nhưng nó không hữu ích cho mục đích lâu dài là khiến thân chủ hiểu hơn về cảm xúc và suy nghĩ của mình.

Nhà trị liệu cũng cần cho thân chủ cảm giác là sự độc lập, tự chủ của họ được tôn trọng. Thường trong quá khứ họ đã triền miên phải nghe những lời bảo ban, ra lệnh rồi. Hãy nhìn vào ví dụ sau:

_*Không tôn trọng sự độc lập*_

Thân chủ: Mấy bài tập về nhà này vớ vẩn lắm.

Nhà trị liệu: Chúng cần thiết đấy, cháu có muốn mình khỏe lên không?

Thân chủ: Nhưng cháu không muốn làm bài tập.

Nhà trị liệu: Đừng có trẻ con như vậy nữa. Đây là mệnh lệnh.

_*Tôn trọng sự độc lập*_

Thân chủ: Mấy bài tập về nhà này vớ vẩn lắm.

Nhà trị liệu: Chú biết là không đơn giản để tuần nào cũng hoàn thành các bài tập. Xem nào, vấn đề cụ thể mà cháu vướng phải là gì nhỉ?

Thân chủ: Cháu không có thời gian.

Nhà trị liệu: Chú hiểu. Thế giờ mình cùng nhau nhìn lại lịch hằng ngày của cháu để xem có thể làm được gì không nhé?

* * *

Trên nền tảng của sự thấu cảm, của lòng trắc ẩn, sự ấm áp và thái độ tôn trọng mà không phán xét, chúng ta có thể dùng một loạt các kỹ thuật khác nhau để xây dựng một tương tác chữa lành. Một trong những kỹ thuật đó là đặt ra những câu hỏi gợi mở, vẫn được gọi là cách đối thoại của triết gia Hy Lạp cổ đại Socrates. Thế rồi chuyện gì xảy ra? Lúc đó bạn thấy thế nào? Điều gì khiến cho bạn nghĩ như vậy? Câu hỏi mở khuyến khích thân chủ chiêm nghiệm, suy ngẫm, soi sáng những góc trong nội tâm của họ, hiểu hơn về vũ trụ của mình.

Ta cũng có thể ghi nhận cảm xúc của người kể chuyện. “Có vẻ lúc đó bạn rất giận dữ nhỉ?” “Vậy là sau khi chia tay người yêu, trong những năm tiếp theo, bạn sợ bước vào một quan hệ mới.” Qua đó, ta giúp người kia gọi tên được quang cảnh cảm xúc của mình.

Ta cũng có thể tóm tắt và diễn đạt lại những gì mình nghe được bằng ngôn ngữ của mình để người kể xác nhận là họ đã diễn đạt đúng điều họ muốn diễn đạt, và ta đã hiểu đúng tinh thần của họ. “Vậy là từ bé bạn đã có cảm giác mình không được bố mẹ quan tâm, mình chỉ là người thừa trong gia đình?” “Tôi hiểu có đúng không, là cách hành xử của mẹ khi bạn còn nhỏ khiến bây giờ bạn luôn có áp lực phải đứng thứ nhất ở mọi nơi?” Điều này giúp người kể chuyện nhìn thấy khu rừng mà trước đó anh chỉ thấy cây, nhận ra những khuôn mẫu trong hành xử, những tương quan nhân quả. Qua đó, ta cũng giúp cho họ nhìn ra những mâu thuẫn của mình, không phải theo cách dồn họ vào chân tường, mà theo cách giúp họ giải toán. “Bạn mong muốn là một phụ huynh có trách nhiệm, nhưng mặt khác bạn không muốn bỏ công việc hiện nay, điều làm bạn hầu như không còn thời gian cho gia đinh nữa. Liệu có một sự mâu thuẫn ở đây không nhỉ, bạn có thể giúp tôi hiểu rõ hơn không?”

Biết khi nào cần im lặng cũng là một điểm quan trọng. Nhiều người cảm thấy không thoải mái và có xu hướng muốn lấp đầy sự im lặng bằng việc kể về các trải nghiệm của bản thân hay đưa ra các lời khuyên. Điều này không tế nhị nếu như sự im lặng đến từ việc người kia đang suy tư, trầm ngâm hồi tưởng, hay đang sắp xếp những suy nghĩ trong đầu và tìm lời để diễn đạt. Im lặng cũng là một cách tốt để đơn giản ở bên người khác. Mặt khác, im lặng có thể không hữu ích nếu như nó tới từ việc người kia không dám nói vì xấu hổ, vì sợ bị đánh giá, vì sợ chuyện của mình không xứng đáng được lắng nghe, sợ nói không đúng ý của ta. Người tinh tế phân biệt được giữa hai sự im lặng này, và trong trường hợp thứ hai, nhẹ nhàng và khéo léo đưa người kia ra khỏi trạng thái xấu hổ và rụt rè.

Khi ta làm đúng, người trầm cảm sẽ cảm thấy an toàn để họ có thể dần bỏ xuống cái áo giáp, cái mặt nạ họ vẫn đeo trước người khác và trước chính bản thân, dần ngừng trốn tránh hay đè nén những cảm xúc hay suy nghĩ, dần học cách đối mặt và ứng xử với những đau đớn, những sợ hãi của quá khứ, chuyển hóa chúng và tìm tới những ý nghĩa mới, mục đích mới cho cuộc sống.

Tuy nhiên, sẽ có những người, như một sự phòng thủ, luôn cho rằng mình không cần sự trợ giúp của ai cả, mình không phụ thuộc vào ai cả, và thậm chí còn tự hào về điều đó. Có thể họ đã nhiều lần bị lừa hay lợi dụng. Có thể họ đã nhiều lần thất vọng và giờ đây cho rằng không ai muốn thực sự giúp mình hay có thể giúp mình được nữa. Có thể lần nào chia sẻ họ cũng đã bị đánh giá và phán xét. Có thể họ thực sự muốn chia sẻ với ta nhưng không làm được vì chưa bao giờ làm hoặc không vượt qua được rào cản của sự mặc cảm. Chúng ta cần thời gian để sự tin tưởng có thể bám rễ và nảy nở.

Cũng có thể người trầm cảm phản ứng lại thiện chí của ta với sự giận dữ, rằng chúng ta đâu có biết họ trải qua những gì đâu, hoặc những cố gắng của chúng ta sẽ chẳng đem lại gì cả. Paul Gilbert khuyên chúng ta nhìn sâu vào sự giận dữ và cáo buộc đó, sau chúng thường sẽ là sự đau đớn và cay đắng, và đó có thể là lý do khiến họ trầm cảm. Chúng ta cần sự vững vàng và hiểu biết để không bị các phản ứng tiêu cực như sự bực bội, nỗi trách móc ngầm người kia vô ơn, hoặc cảm giác mình vô dụng và bất lực, cuốn đi. Gilbert khuyên ta nhớ rằng những người cay đắng kia thường cũng không có khả năng nhẹ nhàng, trắc ẩn với chính họ.

Cuối cùng, có khi nào mà trị liệu tâm lý không những không đem lại lợi ích, mà thậm chí còn gây hại? Có. Nhiều nhân vật trong cuốn sách này đã có những trải nghiệm chấn thương và ám ảnh trong môi trường bệnh viện hay ở các phòng trị liệu. Đó là những lúc họ bị coi thường, bị mắng mỏ, bị trách móc về bệnh của mình cứ như thể họ là người có lỗi. Đó là những lúc họ bị đối xử như đã mất khả năng suy nghĩ hay diễn đạt, bị dồn ép phải làm theo cách này hay cách kia, nếu không thì sẽ bị coi là không biết điều hay ích kỷ. Đó là những lúc người ta tiếp tục choàng lên họ các chuẩn mực độc hại của xã hội mà không quan tâm rằng chính những chuẩn mực kia là lý do khiến họ bị bệnh.

Có những nhà tâm lý lợi dụng quyền lực và khả năng dẫn dắt tâm lý của mình để trục lợi. Có những người thích thú nuôi dưỡng sự phụ thuộc của thân chủ vào mình, hoặc không đủ khả năng nhận ra sự phụ thuộc này, trở thành người bao bọc thân chủ, thay vì giúp họ dần đứng độc lập. Hoặc họ bước vào một quan hệ yêu đương hay tình dục với thân chủ. Điều này dễ xảy ra, không lạ khi trong một thời gian dài người này chia sẻ những điều riêng tư và thầm kín nhất của mình cho người kia, và đây cũng là một trong những vi phạm nghề nghiệp nghiêm trọng nhất.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3