Đại Dương Đen - Chương 26

26

TỰ HẠI

Uyên bắt đầu từ năm mười sáu tuổi. Hằng, Nhung, Thanh cũng có những giai đoạn như vậy. Họ tự hại. Cắt, rạch, lấy kim đâm, gây bỏng, cào cấu, giật tóc, giật băng ở vết thương ra, đập đầu vào tường, đấm vào kính, có vô cùng nhiều cách thức để người ta gây tổn thương cho chính mình. Có tự hại trực tiếp và tự hại gián tiếp. Trực tiếp là các hành vi kia, khi ý đồ làm đau và gây hại cho bản thân là rõ ràng. Uống rượu triền miên phá hủy gan, đi bộ trên cao tốc, phóng xe bạt mạng, đó là những hành vi tự hại gián tiếp. Tự hại xảy ra ở mọi lứa tuổi, dù nó tập trung nhiều hơn ở thanh thiếu niên. Ngôn ngữ của tự hại khác nhau với mỗi người và mỗi tình huống. Người ta có thể cắt khi lo sợ và tự làm bỏng khi giận dữ. Rạch khi tiếp cận được dao và cào, cấu, cắn khi không có gì trong tay. Nếu người trẻ cắt, rạch nhiều hơn thì người già hay khước từ ăn, tự đánh và dùng thuốc quá liều. Tự hại đầy mâu thuẫn và vô lý, nó đi ngược với mặc định của chúng ta rằng mọi sinh vật sống đều mong muốn bảo toàn bản thân, đều một cách tự nhiên tránh xa đau đớn và tìm tới yên ổn. Vậy tại sao nó lại xảy ra?

Phổ biến nhất, nó là một phương thức để giảm căng thẳng, để thoát khỏi sự hoang mang, bất lực, giận dữ bao trùm, nhấn chìm. Trước cơn bão cảm xúc bên trong, đó là cách ứng phó duy nhất hiệu quả mà người tự hại biết. Tác giả Caroline Kettlewell viết về trải nghiệm của mình, “Khi tôi phát hiện ra con dao lam, tự hại trở thành một cử chỉ của hy vọng. Ở lần đầu, khi tôi mười hai tuổi, nó giống như một điều kỳ diệu, một sự soi rạng. Lưỡi dao trượt vào da tôi, dễ dàng, không đau đớn, như một con dao nóng đi qua bơ. Chớp nhoáng và tinh khiết như một tia chớp, nó tạo ra một đường biên tuyệt đối và nguyên khối giữa trước và sau. Toàn bộ sự hỗn loạn, âm thanh và cuồng nộ, cái bất định, rối rắm, tuyệt vọng, bốc hơi trong khoảnh khắc. Khi đó, tôi thấy mình chắc chắn, tiếp đất, mạch lạc và toàn vẹn.” Tự hại có mục đích tái thiết lập cân bằng cảm xúc, và nó hiệu quả, dù chỉ cho một thời gian ngắn. Bị tước đi lối thoát này, người tự hại có thể trở nên hoảng loạn và hỗn loạn. Mặt khác, khi tự hại không còn có tác dụng trị liệu nữa, người đau đớn sẽ không còn cách nào để làm dịu và kiểm soát nỗi đau của mình; bất lực và tuyệt vọng có thể sẽ dẫn họ tới cái chết. Do đó, người tự hại cũng là người có rủi ro tự sát cao hơn. Cần luôn luôn tìm hiểu mong muốn, ý định, kế hoạch tự sát của họ và cảnh giác khi họ thay đổi cách thức tự hại - có thể đó là dấu hiệu tự hại không còn hiệu quả với họ nữa.

Ở thái cực ngược lại, người ta có thể tìm tới lưỡi dao lam hay cái bàn là nóng để ít nhất cảm thấy một cái gì đó. Bên trong họ là sự trống rỗng, tê liệt, trơ lì như gỗ hay cao su. Họ tồn tại trong trạng thái phân ly (dissociative), bị mất kết nối với các cảm xúc, trải nghiệm và cả những cảm giác cơ thể của mình, họ đã trở thành một cỗ máy hay một con zombie. Họ như là đứng ngoài nhìn vào chính mình. Phân ly là một trạng thái tự vệ khiến họ có thể tách rời khỏi bản thân và tạo khoảng cách với thực tại đau đớn của mình, nhưng nó cũng làm họ chết ở bên trong. Lưỡi dao đi vào da thịt khiến họ thấy mình còn có khả năng cảm nhận, dù chỉ là nỗi đau. Hành vi tự hại kéo họ từ cõi trống rỗng và chết chóc trở về với sự sống. Tác giả Amelio A.D’Onofrio trích lời một người tự hại, “Khi tôi tự cắt và nhìn thấy máu, tôi thấy yên tâm, bởi chính mắt tôi thấy là mình vẫn còn sống.”

Tự hại cũng có thể là một phát ngôn hướng ra ngoài, một cố gắng tiếp cận nguồn lực của người xung quanh, để nhận được sự quan tâm, chăm sóc mà người tự hại khao khát. Bị bịt miệng, bị bỏ qua, bị phủ nhận, họ phải tìm tới cách trình bày cực đoan nhất. Khi không có tiếng nói, tự hại là hành vi phát ngôn của họ, những vết rạch lên tiếng hộ họ, cơ thể họ trở thành toan tranh, những vết thương là những nét vẽ của nỗi đau tâm lý không nói được thành lời. Tự hại vừa là một thông điệp mạnh mẽ của người đau khổ, vừa là một cố gắng của họ để kiểm soát và xoa dịu khổ đau của mình. Nó là chỉ dấu của một sự bất lực, là đầu sợi chỉ để ta có thể lần tới một chấn thương tâm lý sâu sắc, một sự bỏ đói tinh thần, chối bỏ, ngược đãi bởi cha mẹ, gia đình hay thậm chí cả một cộng đồng. Tác giả Strong gọi tự hại là “tiếng gào đỏ tươi”, máu chảy từ vết cắt là biểu tượng cho những giọt nước mắt không khóc được.

Cuối cùng, qua những vết rạch rỉ máu, người tự hại tìm thấy quyền lực. Người xung quanh họ sẽ phải dừng tay và chú ý, dù sự quan tâm đó có thể đi kèm với kinh tởm và hằn học. Như một hành vi phản kháng, qua việc làm đau mình, người tự hại trừng phạt người khác, người cha bạo lực, người mẹ can thiệp vào mọi chuyện. Tự hại cũng trao cho người tự hại cảm giác họ là một chủ thể. Ít nhất họ tự tạo cho mình nỗi đau và kiểm soát nó theo cách họ muốn, thay vì là chỉ là nạn nhân chịu đựng cái đau do người khác gây ra. Nếu như họ bất lực với những gì xảy ra quanh họ, thì máu và sẹo là những minh chứng rằng họ sở hữu cơ thể mình.

Nhiều nhà nghiên cứu gọi hành vi bạo lực lên chính mình là một cái choàng tay gây thương tích, một cái ôm gai góc, một người bạn, một nụ hôn, một niềm an ủi. Cánh tay thương tích của Uyên trò chuyện với chính cô. ”… Cậu và mình đứng nép sau cánh cửa nhà tắm, máu cứ rỏ từ thân của mình xuống làm loang lổ cái sàn gạch men trắng. Mình thấy cậu khóc, cậu lấy phần bả vai để quệt nước mắt. Mình buồn quá, mình không lau nước mắt cho cậu được vì mình đang chảy máu.” Trở trêu thay, qua cảm giác mình làm chủ cơ thể, làm chủ nỗi đau thể chất của mình, người tự hại có hy vọng. Họ yên tâm rằng vẫn có một lối thoát, tình huống không bế tắc hoàn toàn. Người tự hại gây bạo lực trên cơ thể của chính mình để có thể cảm thấy “bình thường.” Qua việc làm da thịt thương tật, họ hy vọng khôi phục được con người lành lặn của mình. Họ hy sinh cơ thể để cứu rỗi tâm trí, họ đâm chém nó để xác nhận cái tôi, để bảo toàn bản thể của mình. Tự hại thiết lập trật tự trong một thế giới hỗn loạn. Nếu như người tự sát muốn chấm dứt ý thức của mình, thì người tự hại muốn thay đổi nó. Người tự sát muốn chết, người tự hại tấn công cơ thể mình để có thể sống tiếp.

* * *

Đối diện với hành vi tự hại là một điều khó khăn. Rất khó để nhìn vào một cánh tay lồi lõm, chằng chịt các vết sẹo dài ngắn khác nhau của ai đó khi ta biết rằng đó là dụng ý của họ. Nếu như người bị thương tích bởi ngoại cảnh khiến người khác quan tâm, thương cảm, mong muốn giúp đỡ, thì người tự làm mình tổn thương thường gây ra những phản ứng tâm lý và cảm xúc tiêu cực khác nhau cho người xung quanh. Từ hoảng hốt, lo lắng tới bối rối, bất lực tới chế giễu, hằn học, nhiều khi là tất cả cùng lúc. Sự bất an dâng lên trong lòng, theo phản xạ, người ta hoặc muốn rút đi, tránh xa người tự hại, hoặc ngược lại, muốn chỉ trích, cấm đoán, trừng phạt họ.

Vậy khi đứng trước người tự hại, ta nên ứng xử thế nào? Trước hết, không sợ hãi, hoảng hốt hay cuống quýt. Điều này sẽ khiến họ càng thấy có lỗi, thấy mình làm phiền người khác, họ sẽ dừng chia sẻ và càng cảm thấy không có ai bên cạnh và không có ai có thể giúp được họ cả.

Ta cần làm việc với bản thân trước, nhận diện những cảm xúc bất an, khó chịu, kinh tởm, bực dọc, những phán xét bên trong mình, nếu có, và chỉ tiếp tục tương tác với người tự hại khi chúng đã lui đi. Nếu không, họ sẽ càng rút vào bên trong, cảm thấy không được hiểu và sẽ tiếp tục tìm tới tự hại như nơi trú ẩn cuối cùng.

Hữu ích hơn sẽ là một thái độ bình tĩnh, vững vàng và cái mà một số nhà chuyên môn gọi là “sự tò mò tôn trọng”. Sự tò mò tôn trọng ngược với sự lảng tránh, không dám đi sâu vào chủ đề, hoặc coi nhẹ, gạt đi như một chuyện trẻ con vô hại; nó cũng không phải sự thích thú với máu me của người bu vào xem một tai nạn giao thông. Ta ghi nhận nỗi đau tâm lý của người tự hại, “Chắc hẳn bạn đang rất đau đớn, vì sao vậy?” Ta quan tâm mà không phán xét, tôn trọng chủ thể và sự độc lập của họ chứ không bao bọc họ, chấp nhận con người họ chứ không vội vàng yêu cầu thay đổi, kiên nhẫn lắng nghe để hiểu về thế giới của họ chứ không nôn nóng muốn vấn đề biến mất. Khi thấy người đối diện vững vàng và thực sự quan tâm, người tự hại sẽ mở lòng và cho phép mình được giúp đỡ.

Đây là một ví dụ cho tương tác hữu ích, không phán xét, giữa nhà trị liệu hoặc bất cứ ai, và người tự hại, phỏng theo Barent Walsh.

Người tự hại (xấu hổ): Cháu… Cháu cắt tay mình…

Nhà trị liệu (bình tĩnh, trắc ẩn): Cháu có hay làm vậy không?

Người tự hại: Gần như mỗi ngày ạ.

Nhà trị liệu: Thường xuyên đấy nhỉ. (không coi nhẹ) Cháu thường tự cắt ở đâu? (tò mò tôn trọng)

Người tự hại (xấu hổ hơn nữa): Chỗ nào cháu cũng cắt ạ.

Nhà trị liệu: Vậy à? Nhưng có những chỗ nào mà cháu đặc biệt hay chọn để cắt không? (tò mò tôn trọng)

Người tự cắt: Có ạ, cánh tay cháu và cả đùi nữa.

Nhà trị liệu: Chú hiểu rồi. Cho chú hỏi là việc tự hại giúp cháu điều gì?

Người tự hại: Nó khiến cháu được giải tỏa và bình tĩnh lại ạ.

Nhà trị liệu: Chắc đấy là một trong những cách tốt nhất khiến cháu đối diện được với những cảm xúc của mình, đúng không?

Người tự hại (hào hứng): Đúng ạ.

Nhà trị liệu: Đó cũng là lý do vì sao cháu hay tự cắt, đúng không? (không phán xét)

Người tự hại: Cảm ơn chú đã hiểu cháu. Bố mẹ cháu chỉ toàn mắng là cháu gây phiền nhiễu.

* * *

Cách thức tương tác như trên đặt nền móng cho một quá trình tích cực để người đối diện hiểu về hoàn cảnh và vận hành tâm lý của người tự hại và giúp họ phát triển những cách thức ứng xử khác cho các vấn đề của mình. Đáng lưu ý là ta không yêu cầu người tự hại dừng hành vi của mình lại. Kiểm soát, cấm đoán là một cách phản ứng vừa tệ vừa vô nghĩa. Không thể cấm người khát đi tìm nước, cấm người đói đi tìm thức ăn. Người tự hại là người duy nhất có khả năng kiểm soát hành vi của mình, không ai có thể khiến họ dừng lại ngoài chính họ. Trước khi họ học được những phương thức ứng xử mới, ngăn cản sẽ không bao giờ thành công mà chỉ đẩy người tự hại ra xa.

Người tự hại có thể được giúp đỡ trên hai phương diện. Một mặt, họ được hướng dẫn làm những “kỹ thuật thay thế” cho hành vi tự hại, chúng có chức năng tương tự nhưng để lại ít hậu quả cho cơ thể hơn. Lấy bút đỏ, màu của máu, tô lên những chỗ mà mình đáng lẽ sẽ rạch. Dùng chun bật vào người để vẫn có sự kích thích da thịt nhưng không gây tổn thương. Cầm một quả cam lấy từ ngăn đá, hay vò giấy trong tay như Thảo được bác sĩ khuyên. Mặc phong phanh ra đường vào mùa đông cho tuyết cào da thịt hay lấy thớt ra băm như Hoa đã tự nghĩ ra. Giống như uống bia không cồn thay vì bia thật, hay ném gối bông thay vì đập phá đồ đạc cho hả giận, đây chỉ là những giải pháp tiynh thế. Tuy nhiên, chúng có ích để giúp người ta bước vào quá trình thay đổi. Vận động cơ thể hay hình dung ra những quang cảnh dễ chịu là những cách khác để giúp người tự hại thoát ra khỏi cơn bão của cảm xúc tiêu cực mà không cần phải tìm tới cái đau vật lý.

Mang tính nền tảng hơn là các kỹ thuật trị liệu tâm lý mà chúng ta đã biết từ các chương trước. Người tự hại được cung cấp kiến thức (như cuốn sách này đang làm) để hiểu được vận hành tâm lý đằng sau những hành vi của mình. Các liệu pháp dựa trên chánh niệm giúp họ quán chiếu cảm xúc của mình, qua đó biểu đạt, điều hòa và làm chủ chúng bằng những cách thức khác như ngôn từ, vẽ hay âm nhạc. Các liệu pháp liên cá nhân giúp họ có các kỹ năng cần thiết để xử lý xung đột và xây dựng phong cách tương tác tích cực hơn. Liệu pháp giải quyết vấn đề giúp họ nhận dạng, phân tích vấn đề và đưa ra các giải pháp thay vì chạy trốn hay quyết định bừa. Các liệu pháp nhận thức hành vi giúp người tự hại ý thức được về khuôn mẫu hành xử của mình. Những yếu tố gì, hoàn cảnh gì kích hoạt hành vi tự hại ở họ? Trước, trong và sau khi tự hại, họ có những cảm xúc, suy nghĩ gì, chúng được kích hoạt bởi những niềm tin lệch lạc nào về bản thân, về người khác và về tương lai? Khi hiểu được mình và tạo nghĩa được từ sự hỗn loạn nội tâm, họ có thể ngừng sự tự căm ghét, ghê tởm, thay vào đó là khả năng yêu thương và chăm sóc chính mình. Tất cả những điều này sẽ khiến họ có khả năng đối mặt với nghịch cảnh tốt hơn, ứng xử với căng thẳng tích cực hơn, dù môi trường xung quanh họ vẫn không thay đổi.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3