Đại Dương Đen - Chương 27

27

TỰ SÁT

Mỗi năm, theo tác giả Jill Hooley và đồng nghiệp, trên toàn cầu, tự sát gây ra tử vong nhiều hơn toàn bộ các xung đột vũ trang, chiến tranh, diệt chủng và tội phạm gộp lại. Con số ngầm chắc chắn còn cao hơn nhiều; ở nhiều quốc gia, kỳ thị xã hội khiến nhiều cái chết vì tự sát không được khai báo đúng nguyên nhân. Khả năng chúng ta chết vì chính mình cao hơn là khả năng ta chết bởi bàn tay của người khác.

Điều gì xảy ra trong đầu của người tự sát? Một khái niệm quan trọng trong ngành tự sát học là suicidal ideation, tự sát trong suy nghĩ hay ý tưởng tự sát. Theo các nhà nghiên cứu của Đại học Columbia, Mỹ, ý tưởng tự sát đi theo một hành trình năm mức. Mức khởi đầu là mong muốn được chết, một suy nghĩ thụ động. Người ta nói, giá có thể ngủ mà không phải tỉnh dậy nữa, giá mà họ bị ung thư giai đoạn cuối. Xuân Thủy muốn “rời khỏi đây”, anh tưởng tượng cái xác mình nằm đó, bị giòi bọ đục khoét. Hương thèm được biến mất. Bảo Anh muốn vặn ngược thời gian để bố mẹ không gặp nhau và mình không tồn tại. Gần như ai cũng đã một lúc nào đó có những mong muốn thụ động này.

Ở mức độ thứ hai, người ta nghĩ tới một cái chết do chính mình chủ động gây ra, chứ không phải chỉ mong nó tới từ một yếu tố ngoại cảnh, ví dụ tai nạn hay bạo bệnh nữa. Thùy Dương nghĩ tới làm sao để thuyết phục bố mẹ cho mình hiến tạng và mặc gì khi chết. Lúc này, ý tưởng tự giết chết bản thân còn chung chung, mơ hồ, chưa có ý đồ, cách thức hay kế hoạch rõ nét.

Ở mức tiếp theo, người ta cụ thể hơn và nghĩ tới ít nhất một hình thức tự sát. Hằng nghĩ tới việc tự đầu độc bằng ga hay nhảy từ trên cầu xuống, Bảo Anh nghĩ tới thuốc ngủ, Hiển nghĩ tới thòng lọng, Dũng nghĩ tới dao và súng. Dù đã nghĩ tới cách thức, người ta vẫn chưa có kế hoạch cụ thể, lúc nào, ở đâu, sẽ triển khai như thế nào. Họ vẫn chưa hình dung ra là mình sẽ hành động.

Ở mức thứ tư của ý tưởng tự sát, ý đồ hành động trở nên rõ nét hơn. Lúc này, nó không còn là lý thuyết nữa, người ta khá chắc chắn là họ sẽ làm điều đó.

Ở mức cuối, mức năm, họ thảo ra một kế hoạch cụ thể, với ý đồ triển khai rõ ràng. Với Hằng, đó là bếp ga (phương pháp), trong phòng trọ (địa điểm), vào lúc mọi người đi vắng (thời điểm). Với Bảo Anh, đó là thuốc ngủ (phương pháp), ở nhà (địa điểm), vào ngày sinh nhật bố (thời điểm). Với Uyên, đó là cú nhảy (phương pháp), từ ban công(địa điểm), vào lúc bạn cùng nhà đi vắng (thời điểm).

Có người, như Xuân Thủy, ở mức một của ý tưởng tự sát trong nhiều năm mà không đi xa hơn. Có người, như Hiển, dịch chuyển từ mức không tới mức năm chỉ trong vòng vài tháng. Những suy nghĩ về cái chết của bản thân có thể thoảng qua một giây, như khi Liên ngồi sau xe máy của con trai và tự hỏi, nếu mình và con nằm ở dưới cái xe tải thì sao, hay nó kéo dài nhiều giờ đồng hồ. Nó có thể chỉ xuất hiện vài lần trong vài năm, hay liên tục, “trên xe máy, trong phòng gym”, như ở một số giai đoạn của Xuân Thủy, hay “thường trực trong đầu chứ không chỉ bất chợt xuất hiện như trước kia nữa” ở Uyên khiến cô “dừng lên kế hoạch cho công việc và học hành”. Có lúc, người ta có thể dễ dàng kiểm soát chúng và gạt chúng đi; có lúc ngược lại, chúng kiểm soát họ.

Có người sống với ý tưởng tự sát cả thập kỷ mà không hành động, có người rất nhanh chóng triển khai. Bắt đầu thường là một động thái chuẩn bị. Hằng đi mua một cái bếp ga về. Hiển lên mạng tìm hiểu về cách làm thòng lọng. Các nhà chuyên môn phân biệt giữa cố gắng tự sát bị ngừng bởi ngoại cảnh (bạn cùng nhà gỡ Hiển ra khỏi dây, người thân kéo Bảo Anh xuống từ lan can ban công, Thanh rời cây cầu vì xung quanh có nhiều người) và cố gắng tự sát do chính người tự sát bỏ dở (Hằng buông cây kéo, Uyên rút chân trên thành ban công xuống). Hành vi tự sát không phải lúc nào cũng là kết quả của một kế hoạch được nung nấu, nó có thể xảy ra bột phát, theo một xung tăng. Tuy nhiên, người nuôi dưỡng ý tưởng ở mức nghiêm trọng, mức bốn, mức năm, cũng thường là người có rủi ro hành động cao hơn. Theo thống kê ở Mỹ, trong đời mình, cứ hai mươi người thì có một người đã từng có hành vi tự sát. Số người từng nghĩ tới tự sát ở các mức khác nhau trong tiến trình năm mức kia cao gấp ba như vậy. Xác suất nam giới chết vì chính mình cao gấp bốn lần của nữ giới, không phải vì họ có nhiều hành vi tự sát hơn, mà vì các cố gắng của họ mang tính chết người hơn.

* * *

Theo Edwin Shneidman, một trong những cây đại thụ của ngành tự sát học, điều đẩy một cá nhân tới cái chết bởi chính mình là nỗi đau tâm lý. Nó có thể tới từ cảm giác tội lỗi, sợ hãi, lo âu, sự cô đơn, nỗi kinh hãi tuổi già hay bệnh tật, và khi nỗi đau tâm lý trở nên không thể chịu đựng được nữa, người ta tìm tới cái chết. Họ chặn dòng chảy của ý thức để được giải thoát. Shneidman tin rằng nếu có thể tắt được ý thức của mình mà vẫn sống thì người đau khổ sẽ chọn giải pháp đó. Tự sát không có mục đích đạt được cái chết, nó là một liều thuốc cho những thống khổ tinh thần vượt ngưỡng. Bảo Anh nói, “Không hẳn tôi muốn chết, nhưng chắc chắn là tôi không muốn sống. Tôi muốn dừng lại sự giận dữ và đau đớn bên trong mình.” Giống người đu mình ở cửa sổ, đằng sau là căn hộ chung cư bốc cháy, người tự sát thường nấn ná, chần chừ. Cuối cùng, anh phải nhảy để thoát khỏi cái thiêu đốt của ngọn lửa đã quá gần.

Với Shneidman, tự sát là kết quả của một quá trình độc thoại, trong đó tâm trí của người tự sát rà soát các phương án cho hoàn cảnh của mình và đi đến kết luận là nó không có lối thoát. Ban đầu, tự sát chỉ là một trong những kịch bản, và nó được khước từ nhiều lần. Sau khi các phương án khác được cho là thất bại, tự sát được chấp nhận, cái chết được cá nhân nhìn nhận như lời giải duy nhất cho tình huống bất lực và tuyệt vọng, cho trạng thái bị phong tỏa toàn diện của mình. Nó giải phóng anh khỏi cuộc đời khốn khổ, cuộc đời mà trong mắt của chính anh chẳng còn giá trị gì cả. David Humes, triết gia Anh thế kỷ 18, tin rằng, “không ai vứt đi một cuộc đời còn đáng được giữ lại”.

David Joiner và đồng nghiệp đưa ra một lý thuyết khác để giải thích hiện tượng tự sát; nó liên quan tới hai yếu tố liên cá nhân. Thứ nhất, người ta cho rằng mình là gánh nặng cho những người xung quanh. Hiển nhiên, đây là một đánh giá chủ quan và có thể hoàn toàn méo mó. Họ cho rằng mình không có giá trị, mình đáng ghét, cái chết của mình sẽ hữu ích cho người thân và xã hội. Thứ hai, họ cảm thấy mình không thuộc về đâu nữa. Joiner quan sát thấy ở các thời điểm có các sự kiện tập thể mang tính gắn kết, tỷ lệ tự sát thấp hơn hẳn. Trong World Cup 1998 ở Pháp, những ngày ngay sau các trận đấu của đội Pháp, đội cuối cùng trở thành nhà vô địch, tỷ lệ tự sát của đàn ông Pháp giảm hai mươi phần trăm.

Cảm nhận mình là gánh nặng + Cảm giác không có nơi để thuộc về = Ý tưởng tự sát

Đi cùng nhau, hai điều này tạo ra sự tuyệt vọng. Hai suy nghĩ này tồn tại ở nhiều nhân vật của cuốn sách này, nhưng chúng phát triển ở Hiển và xâm chiếm đầu óc cậu với tốc độ đáng kinh ngạc. Chỉ sau nửa năm, dù nhìn từ bên ngoài, cuộc sống của cậu không có gì thay đổi, tự sự của cậu bỗng nhiên đầy những ám ảnh về việc mình là gánh nặng của gia đình, mình làm thầy cô thất vọng, mình làm ảnh hưởng tới tương lai của Uyên, và cậu cho rằng mình bị ruồng bỏ, hắt hủi. Cứ như có một ai đó đã đánh tráo não bộ của cậu.

Nhưng điều gì khiến một ai đó không chỉ có ý tưởng tự sát, mà còn thực hiện nó? Theo lý thuyết tâm lý liên cá nhân của Joiner, trạng thái tuyệt vọng được gây ra bởi cảm giác mình là gánh nặng và mình chẳng thuộc về đâu chưa đủ để biến mong muốn được chết thành hành động. Người ta còn cần có khả năng thực thi cái mong muốn đó, cần có “năng lực tự sát” (suicide capability) nữa. Theo ngôn từ của Dũng, “Thằng nào mạnh dạn thì đã chết được rồi. Dứt điểm rồi. Những thằng đấy siêu, siêu hơn tôi.” Năng lực tự gây thương tích ở mức chết người này được xây dựng dần dần khi cá nhân quen dần với viễn cảnh bị đau, quen dần với việc mình sẽ thực hiện kế hoạch, họ dần vượt qua những trở ngại trong nhận thức và ý chí mà mỗi sinh vật vẫn có để bảo toàn mạng sống của nó. Sau mỗi cố gắng tự sát thất bại, năng lực này lại được nâng cao lên một ít, cá nhân lại quen hơn với việc mình hành động. Mỗi hành vi tự sát là một lần tập dượt. Họ mạnh dạn hơn, “lì” hơn, chịu được đau hơn, nỗi sợ chết giảm xuống. Lý thuyết này giải thích vì sao số lần tự sát hụt trong quá khứ lại là chỉ số quan trọng nhất để dự báo hành vi tự sát trong tương lai, và vì sao sau mỗi lần tự sát hụt thì lần tiếp theo lại có độ nguy hiểm cao hơn. Nó cũng giải thích vì sao những người có lịch sử tự hại kéo dài cũng có rủi ro tự sát cao hơn. Họ đã được tập luyện với cái đau vật lý.

Ý tưởng tự sát + Khả năng được xây dựng = Hành vi tự sát

Nhưng sự bất lực và tuyệt vọng của người tự sát đến từ đâu? Chẳng phải là nhiều người, trong con mắt của người ngoài, có tất cả trong tay, hay ít ra, những vấn đề mà họ gặp phải cũng không có gì quá đặc biệt hay sao? Điều chúng ta quên mất ở đây là năng lực nhận thức và khả năng giải quyết vấn đề của người trong trạng thái tự sát bị suy giảm. Năng lực nhận thức trục trặc khiến họ chọn lọc và khuyếch đại lên những tín hiệu của mất mát, thất bại và bị khước từ. Sự chú ý, tập trung của họ bị thiên vị vào những yếu tố kích thích tiêu cực, dải trường nhìn của họ bị thu hẹp như là họ đi trong hầm. Khả năng giải quyết vấn đề bị suy giảm khiến họ ra những quyết định bất lợi, do đó họ tiếp tục gặp nhiều vấn đề hơn và cảm tưởng mình đang đi vào ngõ cụt. Hình ảnh não bộ của người nhập viện sau một cố gắng tự sát hụt cho thấy một số điều bất thường ở những vùng não liên quan tới việc ra quyết định, sự nhạy cảm trước những phản hồi tiêu cực và sự tiêu cực trong phán đoán tương lai. Quyết định tự sát không phải là quyết định của một đầu óc minh mẫn. Nhiều người cho rằng tự sát trong bối cảnh chúng ta đang nói tới (chứ không phải trong một bối cảnh khác, như là tự thiêu để phản đối bộ máy quyền lực) không phải là một lựa chọn của ý chí tự do, nó là kết quả của một quá trình thần kinh nhận thức (neurocognitive) mang tính bệnh lý.

Tâm bệnh là một yếu tố rủi ro lớn dẫn tới tự sát. Theo các số liệu khác nhau, ở các nước phát triển, đại đa số người tự sát có tâm bệnh. Ở châu Á, con số này là từ sáu mươi tới chín mươi phần trăm. Trầm cảm là một nguyên nhân chính. Không phải người trầm cảm nào cũng tự sát và không phải người tự sát nào cũng trầm cảm, nhưng ở các quốc gia phát triển, hai phần ba người tự sát có trầm cảm. Ở các nước đang phát triển, tỷ lệ này là một phần ba tới một nửa và được cho là thấp hơn thực tế do thiếu sót trong chẩn đoán và phát hiện trầm cảm. Rủi ro tự sát không tỷ lệ thuận với mức độ trầm cảm, người trầm cảm nặng thường sẽ không có khả năng thực hiện ý đồ của mình. Sự đồng tồn tại của các tâm bệnh khác như rối loạn lo âu, lạm dụng chất kích thích hay rối loạn nhân cách cũng tăng rủi ro tự sát. Ngoài ra, đặc tính cá nhân bột phát, hành động theo các xung tăng, đi kèm với trạng thái tuyệt vọng cũng là một kết hợp chết người.

Những yếu tố ngoại cảnh cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng. Người có tâm bệnh mà thiếu vắng sự hỗ trợ, chịu kỳ thị và định kiến khiến họ bị cô lập, không có việc làm, lâm vào khó khăn tài chính, không hòa nhập được vào xã hội, hiển nhiên sẽ có rủi ro tự sát cao hơn. Nói một cách khác, bản thân tâm bệnh không nhất thiết đẩy người trầm cảm vào chỗ chết, nhưng cách ứng xử của người xung quanh làm điều này.

* * *

Có thể làm gì để giúp người có nguy cơ tự sát? Trước hết, cần tầm soát để phát hiện ra họ. Kiến thức về các dấu hiệu của người trong trạng thái tự sát cần phải được phổ biến như kiến thức về ung thư hay đột quỵ. Một cuộc tự sát ở trường học hay công sở, thay vì nhanh chóng bị xóa mọi dấu vết và đưa vào bóng tối vì bị cho rằng nó là một vết nhơ cho tập thể đó, cần phải xem như một hồi chuông cảnh tỉnh để tìm hiểu vấn đề và thay đổi, như khi ai đó bị ngộ độc ở căng tin.

Đa số người trong trạng thái tự sát phát ra tín hiệu, chúng ta chỉ cần chú tâm để nhận biết. Có thể họ nói họ đã mệt mỏi lắm rồi, họ không muốn tiếp tục nữa, họ muốn mọi thứ chấm dứt. Đó là những tín hiệu ngôn từ. Họ có thể thu xếp như sắp đi xa, dừng các dự án, hoạt động mà không có lý do, họ tặng bạn bè các vật dụng cá nhân - đó là những dấu hiệu về hành vi. Ngoài ra còn có những tín hiệu về tình huống, họ có thể vừa trải qua một biến cố lớn, mất người thân, mất việc hay vỡ nợ. Năm 2007, Tennessee trở thành bang đầu tiên của Mỹ ban hành đạo luật Jason Flatt, yêu cầu các thầy cô giáo mỗi năm phải có hai giờ tập huấn về nhận thức và phòng ngừa tự sát ở thanh thiếu niên để có thể được cấp giấy phép dạy học. Mười năm trước, cậu bé Jason Flatt qua đời vì tự sát năm mười sáu tuổi. Đến nay đã có hai mươi bang, chiếm bốn mươi phần trăm số bang của Mỹ, thông qua đạo luật này. Nhiều trường cũng đào tạo học sinh để nhận ra các dấu hiệu khi bạn bè chúng có ý tưởng tự sát.

Điều không được làm ở Việt Nam, kể cả bởi các nhân viên y tế, hoặc chỉ được làm một cách hình thức, hời hợt, là đánh giá rủi ro tự sát ở người trầm cảm. Thay vì lảng tránh chủ đề này do quan niệm sai lầm rằng hỏi về tự sát là gợi ý cho họ hành động, cần trao đổi thật sâu, thật kỹ để đánh giá họ đã và đang ở mức nào trong lộ trình ý tưởng tự sát của mình. Họ đã bao giờ có suy nghĩ, kế hoạch, thậm chí hành vi tự sát chưa, nếu có, kế hoạch của họ cụ thể thế nào, họ đã thử tự sát ra sao, các yếu tố rủi ro ở họ là gì (xung đột với gia đình, không có bạn thân, quá tải với các trách nhiệm trong cuộc sống, căn hộ trên cao, trong nhà có sẵn thuốc, hay tìm tới rượu như một cách tự trị liệu), có yếu tố hỗ trợ nào không (bạn đời thông cảm, bạn bè quan tâm).

Một cuộc nói chuyện giữa người trầm cảm và nhà trị liệu hoặc bất cứ người bạn nào có thể có hình hài như sau (phỏng theo Randy P. Auerbach và đồng nghiệp):

Nhà trị liệu: có vẻ như mấy tuần qua tâm trạng của bạn tệ hơn; đã có vài lần bạn nói là mình tuyệt vọng và không muốn tiếp tục nữa.

Người trầm cảm: Vâng, tôi mệt mỏi lắm rồi.

Nhà trị liệu: có điều gì cụ thể đã xảy ra khiến thời gian vừa rồi tình hình tệ đi không nhỉ?

Người trầm cảm: Không, mọi thứ vẫn vậy thôi.

Nhà trị liệu: Tôi có thể hỏi bạn thêm về các suy nghĩ về tự sát của bạn không?

Người trầm cảm: Vâng.

Nhà trị liệu: Bạn đang có những ý tưởng tự sát nào?

Người trầm cảm: Tôi không biết.

Nhà trị liệu: Xin lỗi, tôi không nói rõ ý. Chúng ta hãy đi từ từ. Hiện bạn có đang có một kế hoạch tự sát nào không?

Người trầm cảm: Không.

Nhà trị liệu: Nếu như bạn tự sát thì bạn nghĩ là mình sẽ làm gì?

Người trầm cảm: Tôi không biết, tôi cũng chưa nghĩ tới…

Nhà trị liệu: Có thể bạn ngạc nhiên nhưng nhiều người dù chưa có ý định tự sát cụ thể nhưng đã có hình dung khá rõ là họ muốn làm như thế nào. Bạn đã từng có những suy nghĩ kiểu đó chưa?

Người trầm cảm: Tôi… Tôi nghĩ là mình sẽ dùng thuốc.

Nhà trị liệu: Thuốc gì nhỉ?

Người trầm cảm: Thuốc ngủ của tôi.

Nhà trị liệu: Tôi hiểu. Bạn đã làm gì chưa, chuẩn bị thuốc chẳng hạn?

Người trầm cảm: Chưa đâu.

Nhà trị liệu: Cho tôi hỏi là điều gì xảy ra thì sẽ khiến bạn quyết định là mình dùng thuốc để kết thúc cuộc đời mình?

Người trầm cảm: Tôi cũng không biết đâu.

Nhà trị liệu: Cảm ơn bạn. Vậy có vẻ như bạn có những hình dung nhất định cho hình thức tự sát của mình, nhưng chưa có ý đồ cụ thể và kế hoạch chi tiết.

Người trầm cảm: Vâng, nhưng tôi bế tắc và mệt mỏi lắm rồi.

Nhà trị liệu: Bạn đang phải vật lộn rất nhiều. Tôi hy vọng chúng ta có thể làm được điều gì đó để giảm nhẹ nỗi đau của bạn.

* * *

Như ví dụ trên chỉ ra, không đơn giản để người trầm cảm tự nhận ra những suy nghĩ, ý đồ, kế hoạch của mình. Một bảng hỏi sơ sài để tích vào các ô trong một cuộc nói chuyện chóng vánh, thiếu kết nối và tin tưởng sẽ không hữu ích; chúng ta cần những trao đổi sâu và kiên nhẫn. Trong trường hợp trên, người trầm cảm có lẽ chỉ đang ở mức độ ba. Tuy nhiên, nếu kèm theo là một cá tính đột phát, là sự thiếu vắng các yếu tố hỗ trợ từ xung quanh và là ảnh hưởng của rượu thì một sự kiện nhỏ cũng có thể đẩy người đó vào khủng hoảng cấp tính. Một đổ vỡ trong công việc, một cuộc cãi cọ với cha mẹ, một kỳ thi thất bại, bị cô giáo nghi ăn cắp oan, có thể kích hoạt những đau đớn ở mức dữ dội. Trong khủng hoảng cấp tính, nguồn lực của một cá nhân bị quá tải, họ chới với. Đây là lúc người ta có khả năng hành động nhất, họ ở trong vùng tự sát. Với nhiều học sinh Nhật Bản, ngày mồng Một tháng Chín, ngày năm học bắt đầu, là một kích hoạt như vậy. Số lượng học sinh Nhật tử vong do tự sát trong ngày này cao gấp ba so với những ngày khác trong năm.

Đường đi trạng thái tâm lý của khủng hoảng tự sát

(Theo Philippe Cortet trong Understanding Suicide - From Diagnosis to Personalized Treatment, Springer, 2016)

Có ba điều ta cần làm cho một cá nhân đang trong trạng thái tự sát cấp tính. Thứ nhất, ta ở bên họ hoặc kết nối thường xuyên với họ, vừa đem lại chỗ dựa tinh thần vừa bảo vệ họ qua việc ngăn họ tiếp cận với các phương tiện hay nơi chốn nguy hiểm. Thứ hai, ta giúp người đó hiểu rằng sự đau đớn mà họ đang có ảnh hưởng nghiêm trọng tới khả năng đánh giá tình hình và giải quyết vấn đề của họ, đây không phải thời điểm để ra quyết định. Và cuối cùng, ta nhắc nhở họ rằng trạng thái khủng hoảng này không kéo dài mãi mãi. Giai đoạn tự sát cấp tính thường giới hạn về thời gian, sau một cố gắng tự sát hụt, hôm sau người ta lại đi học hay đi làm. Những phút đầu tiên của trạng thái cấp tính này cũng là khoảng thời gian mà người ta dễ hành động nhất, do đó, trì hoãn hành vi tự sát cho tới khi trạng thái cấp tính qua đi là một yếu tố quan trọng để cứu người. May mắn cho Thùy Dương, cô đã trì hoãn được bằng cách viết xuống hàng trăm lần, “Chỉ cần sống thôi. Chỉ cần giữ mình còn sống qua đêm nay.” May mắn cho Uyên, cô đã chần chừ đủ lâu trên ban công của mình. May mắn cho Thanh, cậu đã đi mãi trên cái xe điện của mình mà không tìm được chỗ “phù hợp”, cho tới khi thôi thúc tự sát của cậu nguội đi. Một kế hoạch an toàn như của Thùy Dương cũng hay được thảo ra giữa nhà trị liệu và người có nguy cơ tự sát. Những điều gì thường khiến cho họ bị kích động: Các phương pháp ứng phó là gì, họ phải tránh xa cái gì, họ có thể liên lạc với ai? Điều gì quý giá với họ và níu kéo họ ở lại với cuộc sống? Giống như sơ đồ thoát hiểm trong trường hợp văn phòng bị cháy, người ta in cái kế hoạch này ra, để đó, đọc đi đọc lại để nhập tâm, biết rằng trong khủng hoảng, băng thông của tâm trí sẽ bị kẹt nghiêm trọng.

Một công cụ để “câu giờ” phổ biến khác là đường dây nóng. Khi người khủng hoảng đang “chìm” trong bất lực và bế tắc, hotline kéo họ tới một nơi an toàn, nơi họ có thể biểu đạt nỗi đau của mình, họ có người ở bên. Đường dây nóng là một liệu pháp tâm lý lắng nghe. Ở đây, những yếu tố mà Rogers đã đề xuất, sự thấu cảm, tôn trọng vô điều kiện và sự thống nhất với bản thân cũng đóng vai trò nền tảng.

Dù qua điện thoại hay đứng trước mặt nhau, với Shneidman, điều quan trọng nhất mà ta cần làm cho người tự sát là giảm nỗi đau tinh thần của họ, giống như ta đưa aspirin cho người nhức mỏi. Ta ghi nhận cảm xúc, tâm trạng, suy nghĩ của họ. Ta nhìn thế giới bằng con mắt của họ để hiểu được vì sao họ lại cảm thấy ở đường cùng, vì sao họ căm ghét bản thân, vì sao họ thấy thất bại, bế tắc. Ta theo được logic của họ, ta không thấy họ mất trí hay ngu ngốc, không thắc mắc, “Tại sao lại làm như thế?”, không bắt họ hứa “không làm điều dại dột”. Khi người trong khủng hoảng thấy mình được chấp nhận, những vấn đề của mình là xứng đáng để được nhìn tới, mình có người ở bên trong lúc họ tự tìm ra lời giải, nỗi đau của họ sẽ giảm, từ mức không thể chịu đựng được xuống mức vừa đủ để có thể chịu được.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3