Dám Bị Ghét - Chương 10

Không được mắng mỏ cũng không được khen ngợi

Chàng thanh niên: Được rồi. Nhưng, thầy có nhận ra là mình chưa đề cập đến phần quan trọng nhất không? Nghĩa là con đường để đi từ "phân chia nhiệm vụ" đến "cảm thức cộng đồng" ấy.

Đầu tiên phân chia nhiệm vụ. Cho rằng nhiệm vụ của mình chỉ nằm trong giới hạn này, bên kia ranh giới trở đi là nhiệm vụ của người khác. Vạch rõ ranh giới, không can thiệp vào nhiệm vụ của người khác cũng như không để người khác can thiệp vào nhiệm vụ của mình. Nhưng từ "phân chia nhiệm vụ" làm thế nào để xây dựng mối quan hệ giữa người với người và cuối cùng là đạt đến được cảm thức cộng đồng "mình có thể ở đây"? Tâm lý học Adler nói làm thế nào thì mới vượt qua được các nhiệm vụ cuộc đời là công việc, bạn bè, yêu đương? Rốt cuộc, thầy chẳng đề cập cụ thể mà chỉ dùng ngôn từ trừu tượng để láng tránh.

Triết gia: Đúng, quan trọng là ở chỗ đó. Phân chia nhiệm vụ làm sao để đem đến những mối quan hệ tốt đẹp? Nghĩa là làm thế nào để dẫn tới mối quan hệ hợp tác với nhau, giúp đỡ lẫn nhau. Ở đây sẽ xuất hiện khái niệm "mối quan hệ hàng ngang".

Chàng thanh niên: Mối quan hệ hàng ngang?

Triết gia: Chúng ta hãy lấy ví dụ về mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái cho dễ hiểu.

Trong tình huống nuôi dạy con hoặc đào tạo cấp dưới, thường được cho là có hai cách tiếp cận. Đó là dạy bằng cách mắng và dạy bằng cách khen.

Chàng thanh niên: À, đó là vấn đề thường được đưa ra bàn luận nhỉ!

Triết gia: Cậu nghĩ rằng giữa mắng mỏ và khen ngợi, nên chọn cách nào?

Chàng thanh niên: Tất nhiên là nên dạy bằng cách khen ngợi rồi.

Nếu nghĩ đến việc huấn luyện động vật thầy sẽ hiểu. Khi dạy con vật diễn trò, có thể quất roi bắt chúng phục tùng. Đây là "dạy bằng cách mắng" điển hình. Mặt khác, cũng có thể cầm thức ăn, nói giọng khen ngợi để khuyến khích chúng diễn trò. Đây là "dạy bằng cách khen".

Cả hai cách này có thể dẫn đến kết quả giống nhau là con vật học được cách diễn trò. Nhưng, giữa "bị mắng nên làm" và "được khen nên làm", động lực của đối tượng hoàn toàn khác nhau. Cách thứ hai có niềm vui. Mắng mỏ chỉ khiến đối phương sợ hãi. Khen ngợi sẽ giúp trưởng thành một cách lành mạnh. Một kết luận hiển nhiên mà.

Triết gia: Tôi hiểu. Huấn luyện động vật quả là một góc nhìn thú vị. Vậy tôi xin giải thích theo quan điếm của tâm lý học Adler. Tâm lý học Adler có quan điểm "không được khen" trong nuôi dạy con cũng như trong toàn bộ giao tiếp với người khác.

Chàng thanh niên: Không được khen?

Triết gia: Tất nhiên là cũng không tha thứ cho hình phạt đòn rơi và không chấp nhận cả mắng mỏ. Không được khen ngợi cũng không được mắng mỏ. Đó là quan điểm của tâm lý học Adler.

Chàng thanh niên: Tại sao lại như vậy?

Triết gia: Hãy nghĩ đến bản chất của hành vi khen ngợi. Giả sử tôi khen ý kiến của cậu là "tốt lắm". Cậu có cảm thấy gì đó gờn gợn trước lời khen này không?

Chàng thanh niên: Vâng, đúng là tôi cảm thấy không thoải mái.

Triết gia: Cậu có thể giải thích lý do cậu cảm thấy không thoải mái không?

Chàng thanh niên: Tôi cảm thấy không thoải mái với sắc thái kẻ cả trong lời khen "tốt lắm" đó.

Triết gia: Đúng vậy. Trong hành vi khen ngợi đã bao hàm ý "đánh giá của người có năng lực dành cho người không có năng lực". Người mẹ có thể khen đứa con đã giúp mình làm cơm tối là "Con giỏi lắm, giúp được mẹ nhiều". Nhưng nếu người chồng cũng giúp thì sẽ không nói "Anh giỏi lắm, giúp được em nhiều".

Chàng thanh niên: Ha ha. Đúng thế thật.

Triết gia: Nghĩa là, những người mẹ khen "giỏi lắm" hay "làm tốt lắm", "thật xuất sắc" đã vô tình tạo ra mối quan hệ trên dưới, coi con kém hơn mình. Chuyện về huấn luyện thú cậu nói lúc nãy đúng là điển hình cho mối quan hệ trên dưới, quan hệ hàng dọc ẩn chứa trong hành động "khen ngợi". Khi con người khen ngợi người khác thì mục đích của họ là "thao túng đối phương có năng lực kém hơn mình", chứ chẳng phải do lòng biết ơn hay tôn trọng gì cả.

Chàng thanh niên: Khen ngợi để thao túng?

Triết gia: Đúng thế. Khen ngợi hay mắng mỏ người khác thì chỉ khác nhau ở chỗ "dùng kẹo hay dùng rơi", còn mục đích đằng sau đều là nhằm thao túng người khác. Tâm lý học Adler ra sức phủ nhận cách giáo dục thưởng-phạt vì coi làm vậy là có mục đích thao túng trẻ.

Chàng thanh niên: Không, không phải. Thầy hãy nghĩ từ góc nhìn của trẻ. Đối với trẻ, chẳng có niềm vui nào bằng niềm vui được cha mẹ khen cả. Chính vì muốn được khen nên mới học. Chính vì muốn được khen nên mới ngoan ngoãn. Trên thực tế, hồi nhỏ tôi đã từng mong được bố mẹ khen biết mấy! Kế cả khi đã lớn cũng vậy. Nếu được cấp trên khen ngợi, ai cũng thấy vui. Đây là cảm xúc bản năng vượt qua lý trí!

Triết gia: Mong muốn được ai đó khen. Hoặc ngược lại, muốn khen một ai đó. Đây là bằng chứng của việc coi toàn bộ mối quan hệ giữa người với người là "quan hệ hàng dọc". Chính vì cậu cũng sống trong mối quan hệ hàng dọc nên mới muốn được khen. Tâm lý học Adler phủ nhận mọi mối quan hệ hàng dọc, khởi xướng việc coi mọi mối quan hệ giữa người với người là "mối quan hệ hàng ngang". Theo một nghĩa nào đó, đây có thể coi là nguyên lý cơ bản của tâm lý học Adler.

Chàng thanh niên: Điều đó được thể hiện trong câu "Không giống nhau nhưng bình đẳng" phải không?

Triết gia: Đúng vậy. Bình đẳng nghĩa là "ngang hàng". Chẳng hạn, có những gã đàn ông thóa mạ vợ họ ở nhà nội trợ là "Chẳng kiếm được đồng nào mà đòi hỏi" hay "Cô nghĩ nhờ ai mà cô mới có cái ăn?", tôi nghe có gã còn nói "Cô tha hồ tiêu pha mà còn không hài lòng gì nữa", đó đều là những lời cực kỳ đáng chê trách. Có ưu thế về kinh tế hay không hoàn toàn không liên quan đến giá trị của con người. Nhân viên công ty và người nội trợ chỉ khác nhau về địa điểm làm việc và nhiệm vụ, hoàn toàn "không giống nhau nhưng bình đẳng".

Chàng thanh niên: Đúng là như vậy.

Triết gia: Có lẽ họ chính là sợ phụ nữ trở nên khôn hơn, phụ nữ kiếm tiền nhiều hơn mình và bắt đầu khẳng định chủ kiến. Họ coi toàn bộ mối quan hệ giữa người với người là "quan hệ hàng dọc" và sợ bị phụ nữ coi thường, cũng có nghĩa là, họ đang che giấu cảm giác tự ti mãnh liệt.

Chàng thanh niên: Ở một ý nghĩa nào đó, họ đã rơi vào phức cảm tự tôn, ra sức khoa trương năng lực của bản thân nhỉ?

Triết gia: Có lẽ là thế. Cảm giác tự ti vốn là ý thức sinh ra từ trong mối quan hệ hàng dọc. Nếu xây dựng được mối quan hệ "không giống nhau nhưng bình đẳng" với mọi người thì sẽ không còn chỗ cho mặc cảm nữa.

Chàng thanh niên: Hừm, đúng là lúc có ý định khen người khác, có lẽ đâu đó trong thâm tâm tôi cũng có tư tưởng "thao túng". Dùng lời lẽ nịnh nọt để lấy lòng cấp trên, đó cũng hoàn toàn là thao túng nhỉ. Nếu nói ngược lại thì tôi cũng đang bị thao túng bởi những lời khen đấy thôi. Ha ha ha, chắc tôi là kiểu người đó mất rồi!

Triết gia: Xét về ý nghĩa không thoát ra khỏi mối quan hệ hàng dọc thì có lẽ là thế.

Chàng thanh niên: Thú vị lắm. Xin thầy hãy tiếp tục!

Cách tiếp cận "khích lệ lòng can đảm"

Triết gia: Khi nói về phân chia nhiệm vụ, tôi đã nói đến "can thiệp". Tức là hành vi can dự vào nhiệm vụ của người khác.

Vậy tại sao con người lại can thiệp vào việc của người khác? Đằng sau đó cũng là mối quan hệ hàng dọc. Chính vì coi mối quan hệ giữa người với người là quan hệ hàng dọc, coi đối phương kém hơn mình nên mới can thiệp. Dẫn dắt đối phương đi theo hướng mình mong muốn bằng cách can thiệp. Ngộ nhận rằng mình đúng còn đối phương sai. Tất nhiên, việc can thiệp ở đây chính là thao túng. Những bậc cha mẹ yêu cầu con cái "Học đi!", đúng là điển hình của điều đó. Có thế họ tưởng rằng đó là ý tốt nhưng kết quả lại là can thiệp, bởi đây là thao túng con cái theo hướng mình muốn.

Chàng thanh niên: Nếu xây dựng được mối quan hệ hàng ngang thì sẽ không còn can thiệp nữa?

Triết gia: Sẽ không còn nữa.

Chàng thanh niên: Thôi được, chúng ta bỏ qua ví dụ về chuyện học đi, nhưng giả sử thấy người đang khổ sở ngay trước mắt mình thì đâu có thể bỏ mặc được? Hay là khi đó cũng lại nghĩ "nếu đưa tay ra là can thiệp" nên chẳng làm gì cả?

Triết gia: Không thể bỏ mặc. Cần có sự trợ giúp mà không phải can thiệp.

Chàng thanh niên: Trợ giúp và can thiệp khác nhau ở chỗ nào vậy?

Triết gia: Cậu hãy nhớ lại những gì ta thảo luận về phân chia nhiệm vụ. Việc học của trẻ là nhiệm vụ trẻ cần tự mình giải quyết, cha mẹ và giáo viên không thể làm thay được. Và can thiệp là muốn can dự vào nhiệm vụ của người khác như yêu cầu "Hãy học đi" hay "Phải thi vào trường đại học đó".

Trong khi đó, trợ giúp vẫn dựa vào hai tiền đề là phân chia nhiệm vụ và mối quan hệ hàng ngang. Trên cơ sở hiểu được việc học là nhiệm vụ của trẻ, ta suy nghĩ xem mình có thể làm được gì. Cụ thể là, không ra lệnh "hãy học đi" mà cố gắng tác động để giúp trẻ có lòng tự tin "mình có thể học được", đồng thời đề cao khả năng độc lập đối diện với nhiệm vụ của trẻ.

Chàng thanh niên: Sự tác động đó không phải là ép buộc ư?

Triết gia: Đúng. Không phải là ép buộc mà xét cho cùng chỉ là trợ giúp trẻ giải quyết bằng chính khả năng của mình trên cơ sở phân chia nhiệm vụ. Đó là phương pháp tiếp cận "có thể dẫn con ngựa tới dòng nước nhưng không thể bắt nó uống nước". Kẻ đối diện với nhiệm vụ phải là bản thân người đó, và quyết

tâm đối diện với nhiệm vụ cũng là của bản thân người đó.

Chàng thanh niên: Không khen ngợi cũng không mắng mỏ?

Triết gia: Đúng. Không khen ngợi cũng không mắng mỏ. Tâm lý học Adler gọi cách trợ giúp dựa trên mối quan hệ hàng ngang như thế là "khích lệ lòng can đảm".

Chàng thanh niên: Khích lệ lòng can đảm?... À, trước đây thầy có nói là sẽ giải thích từ đó sau nhỉ.

Triết gia: Con người sợ đối diện với nhiệm vụ không phải vì không có năng lực. Tâm lý học Adler cho rằng vấn đề không phải là có hay không có năng lực mà là "thiếu can đảm đối diện với nhiệm vụ". Vậy thì trước tiên phải khơi dậy lòng can đảm còn thiếu.

Chàng thanh niên: Ôi, đây chẳng phải lại đi đường vòng à? Rốt cuộc đó không phải là khen ngợi sao? Khi được người khác khen ngợi, con người sẽ cảm thấy mình có năng lực, lấy lại được lòng can đảm. Thầy đừng khăng khăng nữa, hãy thừa nhận vẫn phải có khen ngợi đi!

Triết gia: Tôi không thừa nhận!

Chàng thanh niên: Tại sao cơ chứ?

Triết gia: Câu trả lời quá rõ ràng. Bởi vì được khen sẽ khiến con người dần hình thành niềm tin "mình không có năng lực".

Chàng thanh niên: Thầy nói sao cơ?!

Triết gia: Tôi xin nhắc lại lần nữa. Càng được người khác khen, con người càng hình thành niềm tin "mình không có năng lực". Hãy nhớ kỹ điều đó!

Chàng thanh niên: Người nào mà lại ngu ngốc như thế chứ?! Phải là ngược lại! Chính vì được khen mới cảm thấy mình có năng lực. Điều này là hiển nhiên mà!

Triết gia: Không phải. Nếu cậu cảm thấy vui trước lời khen thì cũng đồng nghĩa với việc cậu lệ thuộc vào mối quan hệ hàng dọc và thừa nhận "mình không có năng lực". Vì khen ngợi là đánh giá của người có năng lực đối với người không có năng lực.

Chàng thanh niên: Nhưng... Nhưng, thật khó chấp nhận điều đó!

Triết gia: Nếu "được khen ngợi" trở thành mục đích thì rốt cuộc cậu sẽ chọn cách sống nương theo giá trị quan của người khác. Chẳng phải cậu đã chán sống cuộc đời phải đáp ứng kỳ vọng của cha mẹ như từ trước đến giờ rồi sao?

Chàng thanh niên: ... Vâng, thì...

Triết gia: Trước hết là phân chia nhiệm vụ. Rồi chấp nhận những điểm khác biệt của nhau, xây dựng mối quan hệ hàng ngang. "Khích lệ lòng can đảm" là một phương pháp được xây dựng trên cơ sở đó.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3